Chương 11 - 16

Kết thúc rồi lại tiếp
Sanh tử, luân hồi
Ðời đời bất diệt
Kinh cũ rồi kinh mới
Tiếp nối vô cùng
Chẳng gì khác lạ
Chơn lý chỉ có một
Ai nói hiểu sẽ không hiểu
Ai không hiểu sẽ hiểu
Chịu hay không chịu cũng phải chịu
Chơn lý thường hằng
Chẳng mất, chẳng được
Chẳng cầu, chẳng vọng
Tự nó bất biến
Tự nó vẹn toàn.
NM
 
 
Luận
Ðọc đến đây, hẳn chúng ta đã một phần chấp nhận cùng đi với kinh, cùng sống với kinh. Chương trước chúng ta đã phải cười khi thấy kinh nói ba lăng nhăng rồi tuyên bố chấm dứt. Chương này chúng ta lại cũng phải cười vì kinh vẫn tiếp tục cùng đi với chúng ta.
Thế mới biết sanh tử không phải là một sự chấm dứt mà là một sự tiếp nối hoài hoài, vô cùng vô tận. Tử đây là chết đi cái thể diện, tự ái, cao ngạo khi đã chịu nhìn thấy tánh mình. Sanh đây là hồi sinh lại thành con người mới thật thà đôn hậu hơn xưa. Cái đúng, cái hay bây giờ mai kia mốt nọ lại thành cái sai, cái dở. Cứ thế mà con đường tiến hóa không bao giờ chấm dứt.
Còn phân biệt đạo và mình sẽ không bao giờ hiểu đạo. Ðạo hay luật tiến hóa vốn nằm sẵn trong mình. Chối bỏ nó là tự hủy diệt mình mà thôi. Càng thật thà thì càng thấy tánh mình, nó chẳng bao giờ mất đi hay thêm bớt. Cái khác là phát triển nó trong sự sáng suốt chủ động hay trong sự lôi cuốn của vô minh mà thôi. Cái chơn lý đó, cái sáng suốt đó, cái thấy đó vốn không bao giờ thay đổi. Nó thường hằng vẹn toàn nhờ luôn luôn thấy được sự bất toàn.
PVK
 
 
Thơ
Hoa đào xuân đến, hồng đôi má,
Tiễn biệt thu đi, rụng lá vàng,
Tuyết xuống trong mùa đông lạnh giá,
Như người thiếu phụ quấn khăn tang,
Sinh ký, tử quy,
Lệ đổ hàng hàng …
Càn khôn vận chuyển,
Rồi xuân lại sang,
Cô miên giấc điệp mơ màng,
Tái sinh thành nụ, điểm trang ánh hồng,
Sanh sanh, hóa hóa bềnh bồng,
Quán thông một lý, là lòng chân như,
Bổ bất túc, tổn hữu dư,
Ngọn tâm đăng sáng, khư khư giữ gìn.
Biết bao đời, bao kiếp,
Vọng ngoại và u minh,
Có ngờ đâu đạo lớn,
Lại nằm ngay trong mình,
Thấy sai là mật khuyết,
Nên thường hằng quân bình,
Liều thân vào cửa tử,
Ðể tâm ra cửa sinh,
Chịu cho địa ngục hành hình,
Con đường giải thoát đăng trình thăng hoa.
PHB

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 12

Lục căn, lục trần
Mười hai vị Thánh
Thấu rõ được họ
Hiểu ngay người khác
Biết mình, biết họ
Phân thân hằng hà
Ðộ người ngàn dặm.
NM
 
 
Luận
Người tu là người muốn tự lập lấy cảnh chùa, một Xá Vệ Quốc ngay trong chính mình. Lục căn lục trần là sáu giác quan và những đặc tính của nó là một phần trong tiểu thiên địa của ta. Chúng ta lại thường hay kỳ thị đè nén hoặc tiêu diệt nó nên có khác gì đã tạo một cuộc thánh chiến ngay trong nước mình. Chúng ta nhân danh tình thương và đạo đức nhưng hành động lại là gây chiến và hủy diệt. Ðiều mâu thuẫn này xảy ra thường xuyên trong ta và cả thế giới bên ngoài. Cái nhân đức của đạo là không diệt mà thấy rõ và chịu nhận lục căn, lục trần với mình không khác. Thấy rõ tội ta đã từ lâu bỏ bê kỳ thị và nhẫn tâm đối với chính ta. Nay là một rồi thì nhất cử nhất động mình phải nhìn nhận và chịu trách nhiệm lấy, không còn phân biệt đổ thừa nữa. Phát triển sáu giác quan và những đặc tính của nó trong vô minh mờ ám thiếu tự chủ thì nó chính là lục tặc lục quỷ hại lấy chính ta. Ngược lại, phát triển trong quang khai, sáng suốt, thật thà thì nó lại hiển thánh và trở thành những phụ tá đắc lực cùng xây dựng Xá Vệ Quốc của mình.
Thấu rõ được mình thì thấy luôn người khác, tất cả đồng một thể, một thức như nhau. Một ánh tâm đăng đã thắp lên được rồi thì tự nhiên ảnh hưởng và soi sáng cho muôn vạn cây đuốc tuệ đang còn lu mờ trở nên sáng suốt để cùng đốt chung một ánh lửa đại đồng.
PVK
 
 
Truyện
Thiền sư Tâm Không ra đề cho các đệ tử: Lục căn, Lục trần; mười hai vị hiển Thánh. Thông Luận lo phần lời bàn Mao Tôn Cương. Vô Lực phần truyện hoặc thơ, tùy nghi. Kinh và luận đã xong. Sư huynh khắc khoải ba ngày, ba đêm. Mạch điển bị nghẽn, không hóa văn được. Bụng bảo dạ: Phen này chắc nữa đường gẫy gánh.
Một tối khuya, ngủ gục trên án thư. Bỗng thấy mặc cẩm bào như một vị đế vương. Bay tuần du trong tiểu thiên quốc của mình. Nước chia làm sáu trấn. Quan trấn thủ được phong tước Hầu. Vị phú tá hàng Bá. Gồm Nhãn Hầu, cai quản con mắt. Vị phụ tá là Bá Tước Cách Văn Nhìn. Nhĩ Hầu chủ về tai. Quan cộng sự là Bá Tước Cách Văn Nghe. Tỉ Hầu trong coi về mũi. Quan giúp việc là Bá Tước Cách Văn Ngửi. Cũng thế Thiệt Hầu trách nhiệm lưỡi, làm việc chung với Bá Tước Cách Văn Nếm. Thân Hầu đồng liêu với nữ Bá Tước Cách Thị Cảm Giác nhũ danh là Sờ. Ý Hầu chủ về suy tư. Quan phó là Bá Tước Cách Văn Nghĩ. Trong mỗi trấn đều đói khổ, lầm than. Các Hầu Tước chỉ lo tửu sắc. Không màng việc chăn dân. Phần đất cai quản dần dần biến thành lãnh địa. Triều đình trung ương không còn uy lực. Hoàng đế chỉ là hư vị. Các Hầu Tước nhất loạt tự xưng là Lãnh Chúa. Dùng món sở trường của mình trao đổi với các lân quốc bên ngoài. Phóng túng hưởng thụ không còn giới hạn nữa. Thiên chức làm ngược lại hết. Nhãn Hầu bỏ hẳn chính sự trong nội trấn. Say mê các vũ điệu tân kỳ của các giai nhân tuyệt sắc. Nhĩ Hầu xoay hẳn hướng nghe ra ngoài. Ngài bị mất ngủ vì tiếng thở than não nề của thứ dân trong trấn. Tỉ và Thiệt Hầu cùng nhau thù tạc. Chén chú chén anh, cao lương mỹ vị. Thân Hầu hoang dâm vô độ. Ý Hầu cỡi ngựa ô, phi nước đại tứ tung ngũ hành. Chạy loạn khắp đại thiên. Lâu dần phong hóa suy đồi tại Lãnh Ðịa. Các vị chúa tể biến thành Lục Tặc. Trên kỳ đài treo cờ Tam Bành. Ðồng khởi loạn, đem quân về kinh. Rượt bắt Hoàng Ðế định nhốt vào Thiên Lao.
Ðến đây Vô Lực sợ quá tỉnh dậy. Té ra nằm mộng. Gà đã gáy sáng. Thiền sư Tâm Không đi ngang qua hỏi:
- Ðề án đã xong chưa?
Sư huynh dụi mắt, nói lí nhí:
- Bạch chưa.
Thiền sư nạt lớn:
- Tại sao?
Vô Lực thẹn thùng:
- Vì họ chưa hiển Thánh!
PHB

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 13

Tư tưởng thiện lành
Hào quang ngời sáng
Tư tưởng ác trược
Mọi bề âm u
Dấn thân điển quang
Là vun bồi ý tốt
Cũng là nuôi dưỡng ý xấu
Vun bồi và nuôi dưỡng
Tốt và xấu
Thường thực hành
Kết quả là chìa khóa
Tốt xấu do ta
Dấn thân là chánh
Thẩy đều ích lợi.
NM
 
 
Luận
Mỗi một tư tưởng hay ý nghĩ đều có một tần số rung động, một chấn động điển quang của nó. Dầu nặng hay nhẹ, sáng hay tối, những tư tưởng này đã là ý nghiệp mà ta đã gieo ra. Dấn thân điển quang là thực hành, là bộc lộ ra những ý nghĩ của mình. Là đem thân xác hợp nhất cùng tâm, thể hiện những điều trong tâm trí. Ðơn giản hơn, dấn thân điển quang là sống thực với chính mình.
Con người thật của mình có tốt lẫn xấu, có Phật lẫn Ma. Nhờ sống thực, mình mới có cơ hội thấy rõ mình hơn. Kết quả ở đây là tác động của luật nhân quả, luật trả vay đến với mình ngay mỗi một hành động, lời nói. Nhờ công khai thực hành và chịu trách nhiệm, mình đã tự nguyện nhờ người gột rửa, mài dũa đi những lố bịch, những xấu xa trong tâm trí mình.
Không còn chất chứa ém nhẹm những điều riêng tư yếu hèn, không còn đội mang lớp vỏ đạo đức giả hiệu vì thể diện danh giá phù phiếm, chỉ để trở về vỏn vẹn một người chân thật với tất cả ý nghiã của một con người.
PVK
 
 
Truyện
Thầy trò thiền sư Tâm Không cùng ngồi quần ẩm. Trong buổi trà đạo, cư sĩ họ Lâm tham vấn:
- Nhân đọc đến câu: “Dấn thân điển quang”, lòng có chỗ còn ngờ, thỉnh liệt vị chỉ giáo.
Thiền sư đưa mắt khiến Vô Lực trả lời. Sư huynh vốn sở trường phiếu diều trong cõi Phi Phi Tưởng. Tính ra lại ngón nghề. Ðịnh tung một thần chưởng thất điên bát đảo, làm hoa mắt đối phương. Nhưng tự chế được, ngay thật trả lời:
- Quả thật tiểu đệ không quán thông về Ðiển Quang Pháp Giới.
Cư sĩ quay qua hỏi Thông Luận:
- Còn huynh?
Thông luận lắc đầu, hồn nhiên cười trừ. Họ Lâm hướng về phía thiền sư cười cười:
- Xin mời sư phụ xuất chiêu.
Thiền sư khiêm nhượng:
- Xin đa tạ Lâm cư sĩ có lòng ái mộ. Bần đạo thiển nghĩ dấn thân điển quang là thường hằng quán chiếu vào tự tánh. Muốn thấy tánh phải trụ được điển hồn, từ đó dùng ánh sáng soi tỏ những tăm tối của mình, lập quân bình trong bản thể.
Tan cuộc trà. Các thiền khách tạ từ ra về. Vô Lực dậm chân nói với Thông Luận:
- Mình tưởng nó hỏi về thần thông, cỡi ánh sáng bay vào điển giới. Ðành chịu thua. Chứ nếu giảng theo kiểu sư phụ; tám chục tên thiện tri thức ngu huynh cũng bóp mũi hết. Ðem cái lý của Tâm Pháp làm diệu dụng thì bẻ cổ, bóp họng được tất cả.
Không Ái vừa cười vừa đi tới:
- Ðại sư huynh phóng điển trược, làm ô nhiễm hết!
Vô Lực chợt thấy mình đang ở ngoài trung đạo. Nín thinh ngượng ngùng. Thiền sư Tâm Không đủng đỉnh đi ngang qua, nói bâng quơ:
- Thì cũng là dấn thân điển quang.
PHB

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 14

Sống chẳng rời tánh
Chết vẫn giữ tâm
Ðạo bình thường
Người cũng người thường
Giữ được vậy ắt thành Chơn Nhơn.
NM
 
 
Luận
Chơn nhơn là người sống thật thà với chính mình và người. Một cuộc sống bình thường, không mong cầu thành đạt một cái gì ghê gớm, cũng không chối bỏ cái hiện thực đang là. Sống công khai, bộc bạch cái tánh, cái con người thật của mình ra với đời để có cơ hội thức tâm. Thấy rõ chính mình mới trở về trạng thái quân bình trung đạo.
Thân xác dầu có chết đi nhưng tâm thức vẫn đời đời bất diệt, vẫn hồi sinh và tiến hóa không ngừng nhờ luôn luôn phơi trần cái khiếm khuyết, cái bất toàn của mình ra cùng người, cùng trời đất.
PVK
 
 
Truyện
Một cuộc họp quan trọng tay ba. Thiền sư Tâm Không, Vô Lực và Thông Luận.  Ðề mục là viết kinh, luận và truyện. Phải dành ưu tiên tối thượng và tâm huyết cho việc này.
Ðược một tuần trôi qua êm ả. Sự việc kế tiếp dồn dập đến như sóng ngoài biển cả dạt vào bờ. Sư đệ Không Ái mãi không kiếm được việc làm. Phải khăn gói túi nải về quê. Rồi, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Sư huynh Vô Lực chỉ còn được làm việc bán thời gian. Liền sau đó con ngựa của Thông Luận dùng để đi làm bỗng lăn đùng ra đau nặng. Tất cả bằng đó sự kiện, vừa đủ để thầy trò thiền sư Tâm Không rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Vô Lực chạy xuôi, chạy ngược đi mượn tiền. Trả xong tiền nhà và tiền thuốc thang cho ngựa thì vưà nhẵn túi. Không còn tiền mua gạo. Thiền sư đi đi, lại lại. Ðăm chiêu suy nghĩ. Họp tới, họp lui. Sau cùng hai giải pháp được đưa ra:
- Làm vú giữ em.
- Cho mướn đạo viện lấy tiền ăn. Dọn dẹp sạch sẽ tầu ngựa để ở.
Vô Lực than:
- Viết sách cho Thượng Ðế mà Ngài bỏ đói.
Thông Luận méo mó nghề nghiệp:
- Phải thực sự ở trong cảnh khốn cùng, viết kinh cứu khổ mới có hồn.
Thiền sư Tâm Không cười xòa an ủi:
- Hãy: “Tận nhân lực nhi tri thiên mạng”.
Ðã lâu không có thiền khách tới viếng. Lối mòn cỏ mọc rêu phong. Thiền viện ngay phố chợ mà tịch mịch như ở non cao. Thầy trò lại bầy cuộc trà ra khề khà luận đạo. 
PHB

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 15

Ðời không, Ðạo cũng không
Ðời thất bại
Ðạo dở dang
Kiếm đủ cơm hai bữa
Rảnh bầy cuộc trà
Kìa chim trời, cá nước
Kìa những kẻ ngồi không
Ai có đạo, ai không?
Ai thong dong?
Ai lòng vòng?
Nào kinh, nào kệ
Chấp mê lẽ tiêu dao
Ðạo trong đời là thật
Ðạo ngoài đời là mê
Ðời không, Ðạo cũng không
Ðời Ðạo cũng một vòng.
NM
 
 
Luận
Ðời là một trường tranh chấp và phấn đấu với xã hội bên ngoài.  Ðạo là một cuộc tranh chấp và phấn đấu với nội tâm bên trong.
Ðời là vun bồi thân xác với những lớp vỏ tiền, tình, danh, lợi.  Ðạo là vun bồi tâm hồn với những lớp quả vị đức hạnh thanh cao.
Ðạo và đời đã cùng nhau thúc đẩy con người và xã hội tiến hóa. Thế nhưng, bất hạnh thay, điều phũ phàng nhất của nhân loại ngày nay là tận cùng của sự tiến hóa đó lại là chiến tranh, cả đạo lẫn đời, đang đưa loài người đối diện với nguy cơ hủy diệt!
Xét cho cùng, chính cái dục vọng, cái lòng ham muốn thành đạt từ đời đến đạo đó đã làm cho con người đau khổ. Có điều khi đến tận cùng của khổ đau, chúng ta mới khao khát một niềm hòa bình an vui thực sự, mới chịu buông hết mọi ràng buộc của đạo lẫn đời. Không còn mê đắm chạy theo thú tiêu dao nhàn hạ của người xuất thế, cũng không chấp khinh coi rẻ sự bon chen tranh chấp của kẻ thế gia.
Không đời không đạo ở đây là không còn cái hình tướng người tu kẻ tục, không phân biệt chấp mê giữa đạo và đời, giữ đúng lấy sự quân bình của nội tâm là đạo. Ðạo đời bấy giờ chỉ là một, một cuộc sống giản dị bình thường. Bình thường đến nỗi người đời xem ta chỉ là một thứ tầm thường, người đạo xét ta cũng chỉ là một loại tầm thường và chính ta thấy ta cũng chỉ là một người tầm thường mà thôi.
PVK
 
 
Truyện
Thiền sư Tâm Không chuyên trà cho các đệ tử. Không khí im lặng trang nghiêm. Mọi người bình yên thưởng thức từng ngụm nhỏ thơm ngát.  Bỗng sư đệ Thông Luận lên tiếng:
- Mọi phương tiện tìm kiếm, liên lạc đã xử dụng. Không một người đem con đến gửi. Tiền sắp cạn. Kiểu này chắc đi vào của tử.
Vô Lực tiếp lời:
- Mình viết kinh chắc Hoàng Thiên không nỡ phụ.
Thiền sư lên tiếng:
- Lại toan tính so đo, đổi chác sao?
Sư huynh cuối đầu thẹn thùng. Có óc minh lý khá, Thông Luận bắt được ý của Thầy rất nhanh. Chấp nhận là người thua cuộc, ngồi yên. Vô Lực nguyên trước kia là một phú thương, không chịu giọng vùng vằng:
- Ta phải xoay sở chứ. Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Còn nước còn tát.
Thiền sư lạnh lùng:
- Tát đi. Cái thời của ngươi qua rồi. Nay đã lục tuần. Tuổi già sức yếu. Thêm cư ngụ không hợp pháp mà làm được gì.
Sư huynh đuối lý cãi bướng:
- Buông bỏ hết. Trăm cay ngàn đắng, dấn thân tu học. Kết cuộc phải đạt được cái gì chứ. Chẳng lẽ trời xanh không có mắt sao?
Thiền sư nghiêm nghị nạt:
- Ngươi muốn thủ đắc lòng ngưỡng mộ của thế nhân ư? Nhìn lại mình coi. Ðầu để tóc, thân chẳng áo tràng. Không ép mình khổ hạnh. Khác người thế tục chỗ nào. Không chịu nhận chân thực tướng mình, còn đòi gì.
Vô Lực chợt nhìn ra sự thật. Từ đó lòng bình yên. Thức khuya dậy sớm, chăm chỉ viết kinh.
PHB

 

 

 

 

 

Chương 16

Mới đó còn ra vào nhờ cậy
Hết tiền, hết cả Ðạo
Cửa nhà vắng hoe
Ta cười khi thấy được lẽ tử sinh
Hé miệng Diệu Pháp tuôn trào
Mím môi tủm tỉm
Cửa khép then cài
Thế mới biết hữu duyên thời ngộ
Ðạo đâu ở những lời hoa mỹ
Ðạo nằm ở chổ hiểu lý thâm sâu
Ðạo là sống trong lẽ sống
Ðạo là tin mà cũng không tin
Ðạo là không phụ chính mình.
NM
 
 
Luận
Con người vốn vẫn tầm thường như thế! Làm ra vẻ một con chiên ngoan đạo, nhờ đở lợi dụng một vị đạo sư để giải quyết những vấn đề từ thân đến tâm cho mình, thì không phải trách nhiệm và vẫn dễ hơn là làm kẻ chăn chiên, chăn con chiên tánh của chính mình.
Thiền sư lại là người không có tín đồ, không muốn ai lệ thuộc vào mình.Chỉ để lại một con đường, một phương pháp rồi đóng cửa cho mọi ngươì phải tự hành tự chứng.Ðó là lẽ tử sinh của đạo!Lúc đạo mở ra thì nhộn nhịp người nghe, cầu cạnh nhờ cậy đủ điều. Ðến khi đạo đóng lại thì tuyệt nhiên không người lai vãng.
Người truyền đạo tùy duyên mà hành. Kẻ cầu đạo cũng tùy duyên mà ngộ.Ngộ đạo là một cơ duyên thức tâm, thấy được sự thật khiếm khuyết bất toàn của mình, để thực hiện đời sống hiện tại được tốt đẹp hơn, không cần phải xưng tụng đeo bám ông thầy.Ðạo là tin lấy khả năng của chính mình có thể thực hành được những lý lẽ thâm sâu chứ không tin rằng có một vị thầy nào đó sẽ bồng ẳm mình qua khỏi bến mê.
Thân tâm này là chính ta.Những phiền não khổ đau nghiệp chướng cũng do ta tạo.Nếu ta không tự thức tự giải thì đành phải trách lấy chính mình thôi chứ không một đấng tối cao nào có thể giải quyết được kiếp nhân sinh này cho ta cả.
PVK
 
 
Truyện
Không Ái đã về quê.Diệu Thanh được tin cha mẹ già yếu bệnh hoạn, xin phép tạm hồi hương phụng dưỡng. Thiền sư Tâm Không y cho. Từ đó ngài bế quan tỏa cảng, viết kinh. Không tiếp khách. Vô Lực và Thông Luận phụ việc. Thiền viện vắng vẻ, cô tịch. Còn lại một bầy chim trời.
Thầy trò đêm ngày mải mê luận đạo. Kinh mới viết được một phần cuốn. Mùi thiền vừa bén.  Thế sự tạm quên. Bỗng phải xuất định vì … hết gạo. Không còn vật thực cho người và chim. Thiền sư vung nắm thóc cuối cùng xuống bãi cỏ:
- Thôi nhé! ta chẳng còn gì cho các con nữa.
Từ đó cũng bặt tiếng chim hót. Chỉ nghe tiếng gió rù rì. Lá vàng khô bay xào xạc ngoài sân. Ðạo viện chìm vào trong cái hoang liêu, huyền ảo. Thông Luận băn khoăn:
- Này sư huynh, giờ Ngọ đã tới. Không còn gạo nấu cháo cho sư phụ ăn.
Vô Lực mơ màng nhìn ra cửa tam quan. Miệng lâm râm cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát. Giật mình quay lại. Vẫn không chừa tật hài hước:
- Bần đạo bụng đói meo. Mắt đã thất thần. Cũng sắp được nhìn thấy ánh đạo vàng.
Bỗng Thông Luận reo lên:
- Sư huynh coi kìa. Có người gánh đồ tới.
Một khắc sau, người nông dân vạm vỡ đặt hai bồ gạo xuống trái hiên. Trao một phong thư. Vô Lực chạy như bay vào hậu liêu. Thiền sư khoan thai mở ra coi. Thơ rằng:
Sư phụ kính yêu,
Gặp cơn binh lửa cửa nhà sa sút, song thân già yếu nên đệ tử không thể thường thăm hỏi. Xin sư phụ niệm tình. Bất hạnh, không được kề bên hầu hạ. Nghịch cảnh như bão táp mưa sa. Lời vàng, ý ngọc năm xưa dậy dỗ dã ghi lòng tạc dạ, đệ tử dùng làm khuôn thước để tự chèo chống. Tuy xa cách ngàn trùng nhưng đạo vẫn ở trong tâm. Chắt chiu được ít gạo gởi đến để sư phụ dùng.
Diệu Thanh kính bái.
Thiền sư đọc xong trao cho Vô Lực. Trên gương mặt ngài lộ vẽ hài lòng, lặng lẽ đi vào thư phòng. Sư huynh liếc qua tờ  thư la lớn:
- Có thế chứ! Hoàng Thiên bất phụ đạo tâm nhân.
Vốn thực tế, Thông Luận xuống bếp nấu cơm. Không biết nghĩ thế sao, lại chạy lên hỏi:
- Này sư huynh. Ăn hết hai bồ gạo kinh vẫn chưa xong, phải làm sao?
Vô Lực cười ngặt nghẽo:
- Thì lại đi làm vú em.
PHB