Chương 25 - 32

Nhị phẩm tiên
H
ớn Chung Ly
Nóng như lửa
Ðích thị tự ái
Lấy thất bại mà trị
Lấy chê bai mà đốt
Thấu suốt lẽ huyền vi
Phản lão hoàn đồng
Vô tư hồn nhiên
NM
 
Luận
Phẩm hạnh thứ nhì là dẹp bỏ tự ái. Dẹp bỏ bằng cách dấn thân, phơi trần bộ mặt thật của mình ra công khai với đời.
Trong mọi chuyện càng nôn nóng, dục tốc thì càng chuốc lấy thất bại. Càng nói thật về mình thì càng bị chê bai. Nhưng chính con người sân si nóng giân đó mi đích thật là mình. Càng chối bỏ nó thì càng vun bồi tự ái, tánh sân si lại bộc lộ ra một dạng vi tế phức tạp hơn. Tuy thế, Trời không phụ kẻ dấn thân, ban cho thất bại và chê bai để đốt tiêu tự ái.  
Ðến lúc hoàn toàn chấp nhận con người thật của mình mới thấy rằng nhờ hoàn cảnh và người đời tận tình điêu luyện ta mới thấy lại được bộ mặt thật, cái bổn lai diện mục ta cứ lầm tưởng là cao quý lắm, không ngờ chỉ là một trong những nhãn hiệu tham sân si của lục dục thất tình.
Cùng là tự ái, nhưng hướng ra ngoài là bảo vệ cái thể diện, danh giá phù du giả ảo. Hướng vào trong là thương yêu tâm hồn đã từ lâu cằn cỗi quạnh hiu. Mới thấy đạo Trời vi diệu thâm sâu. Tình đời tạm bợ nhưng là bãi trường thi cho tâm linh tiến hóa. Quay lửa sân vào trong để đốt tiêu tăm tối. Lấy quạt bồ phe phẩy để làm mát dạ tranh đua. Cõi hồng trần lại tiếp tục thong dong nhập cuộc. Chơi tiếp cuộc vui của thời thơ ấu vô tư.
PVK
 
 
Truyện
Từ  khi xuống núi Diệu Liên Hoa thành lập một đạo viện. Có tờ ngôn luận riêng lấy tên là “Vô Minh”. Mỗi tháng thông tri một lần. Hoàn toàn cởi mở. Bàn về toa thuốc tiêu độc, giải thoát khỏi các tập quán giả tạo, gò bó và trói buộc con người. Sống thong dong, thoải mái và hồn nhiên. Dược liệu để bào chế là TÌNH YÊU.
Tổ khai khoá lễ vào Hạ tại Kim Chung Ðại Thế Giới. Nơi sanh sát đỏ đen. Nhóm Vô Minh cũng về phó hội.
Ngày thứ nhất Tổ dùng phép Ðiệu Hổ Ly Sơn. Khen nhóm này: Ðã bước vào đạo tâm, thấy được cái Chánh Diện Không. Thông Luận và Vô Lực hớn hở như diều gặp gió.
Ngày thứ nhì Tổ đi chiêu Võ Tòng Ðã Hổ. Ðem Liên Hoa ra bêu xấu nhục mạ. Trăm dâu đổ đầu tằm. Ghép cả nhóm vào thành phần của khối … bên kia. Khiến khối … bên này quạt lò than hồng.
Ngày thứ ba chuyển sang thế Hạ Thủ Tuyệt Diệt. Tổ đưa Liên Hoa lên dàn hỏa. Thông Luận thất sắc niệm chú:
- Nam mô đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn Quán Thế Âm bồ tát.
Vô Lực mặt mày tái mét. Hoang mang lên tiếng nửa than trách, nửa ướm hỏi:
- Dùng đến kế sách này thì khủng khiếp quá. Chân diện mục đâu phải là ngọc Xá Lợi, mò tìm trong đống tro tàn mà thấy được ư?!
Cư sĩ Dương Thanh Tu và Hà Tiên phu nhân cùng một quan điểm. Ái ngại kiếm lời an ủi. Thấy mọi người có vẻ eo xèo, Liên Hoa điềm nhiên hỏi ngược lại:
- CHÁNH DIỆN đã là KHÔNG, còn có gì để mất nữa?! Chẳng lẽ lại sợ cháy mất cái mặt giả này sao?!
Nói xong kêu Vô Lực và Thông Luận dọn gánh “Vô Minh” bầy ra. Hàng ế dài. Dàn hỏa lửa bùng lên dữ dội. Cả năm nóng rát, mặt bị cháy nám. Phỏng và đau tê đi.
Trên tòa giảng Tổ bế mạc khóa lễ bằng một câu trào lộng:
- Tiếng gọi TÌNH YÊU của Diệu Liên Hoa không bằng tiếng kêu của hòn bi Roulette.
PHB

 

 Chương 26

Tam phẩm tiên
Lữ Ðồng Tân
Ham vinh hoa
Mê danh lợi
Tự lột áo
Bỏ công danh
Ðạt hư không
Thẩy trống không.
NM
 
Luận
Vinh hoa danh lợi muôn đời vẫn là miếng mồi thơm, là cái đích nhắm đến cho hầu hết mọi người. Nhưng sân khấu cuộc đời cũng có cái mặt trái phũ phàng của nó. Sự thật chốn hậu trường đã giết chết bao trái tim nhiệt huyết hăng say.
Dầu sao thì cũng phải dấn thân mới không uổng phí một kiếp người. Có lăn lộn trong trường đời mới nếm đủ vị chua cay mặn nồng chát đắng. Vun bồi cho lắm cũng có lúc trắng tay. Cơ trí cho nhiều cũng có hồi thất cơ lỡ vận. Tận cùng đáy đam mê, chóp đỉnh cao danh tướng, chợt thấy mọi việc mất còn như một giấc chiêm bao, như bọt nước, như sương mai buổi sáng.
Rút phăng tuệ kiếm chém lìa mồi danh lợi, chặt đứt bả vinh hoa. Rảo bước giang hồ bốn phương tám hướng. Từ Không đến rồi lại trở về Không. Có khác chăng chỉ là một thức tâm, một đuốc tuệ đời đời thắp sáng.
PVK
 
Truyện
Sư đệ Thông Luận nguyên là một võ quan phóng đãng và trăng hoa, ngành thủy binh. Sanh bất phùng thời. Gặp lúc vận nước suy vong, khói lửa điêu tàn. Bị bắt làm tù binh. Mấy năm sau mới được thả ra. Lúc đó triều xưa đã hoang phế, thân phận ngỡ ngàng như cánh bèo mặt nước. Tỉnh giấc mộng kê vàng. Xuống tóc xuất gia, nương mình trong đạo viện Hồng Bích. Lập hạnh đầu đà. Tự chế bản thân trong khuôn thước ngũ giới. Tiếng lành đồn xa, người trong làng rất cảm phục đức độ tu hành. Ban hương nguyện tôn làm đạo trưởng thay thế Vô Lực. Từ đó càng ra sức giữ gìn phẩm hạnh. Con người thật bị đè nén, áp chế đôi khi cũng có bung ra. Trong tâm thức luôn luôn có nội chiến. Lòng thường không được yên. Nhân buổi trong làng có họp hội đồng chức sắc, sư đệ bèn tới dự. Bỗng nhiên xin phép đứng dậy, đọc tờ XÁM tự lột mặt nạ mình. Trả lại áo tràng và tước vị rồi tạ từ mà đi.
Ít lâu sau, Vô Lực thăm gia đình dưới quê trở về. Thấy sự thể, lòng bỗng do dự phân vân. Sư huynh trước kia cũng là một võ quan, gặp lúc triều đại hưng phế, bỏ đi buôn. Nhờ trí óc lanh lợi, mánh lới nên trở thành phú thương. Chứng kiến nghĩa đá vàng hương lửa chẳng còn son sắc một lòng. Chợt thấy thế tình ấm lạnh bất thường. Cuộc đời phù du ảo giả. Thí phát quy y cửa đạo. Bản tánh ngang ngược, ngạo mạn, nặng đầu óc kỳ thị. Vô Lực thường chống đối ngầm ban hương chức. Bị phế danh hiệu đạo trưởng. Sư huynh nghiệp tâm vốn đã chất chồng, tức nước muốn vỡ bờ.
Một ngày nắng đẹp, Tâm Không và Thông Luận về thăm tu viện. Vô Lực mừng lắm rủ nhau ra bờ hồ ngắm cảnh. Luận về đạo rất giao cảm và tâm đầu ý hợp. Lúc chia tay chỉ vào bụi cây thưa phía sau đạo viện:
- Hay là ngu huynh chui lỗ chó này xuống núi?!
Tâm Không cười lắc đầu ghé tai Vô Lực nói nhỏ, rồi vẫy tay chào thư thái ra đi.
Ngày hôm sau đại chúng đang chuẩn bị tọa thiền, hốt nhiên sư huynh đem tờ XÁM của mình ra đọc. Giọng run run và lạc hẳn đi. Phải dùng hết sức bình sinh để tự trấn tỉnh. Ðoạn vái chào mọi người đi thẳng ra cửa tam quan hạ sơn. Ở đó Tâm Không và Thông Luận đã chờ sẵn với cỗ xe song mã.
Dư luận bùng lên như lửa Trời, lên án gắt gao những kẻ đã phá giới luật.
Vô Lực ngồi trong xe đưa mắt nhìn ra. Ngoài kia núi rừng bao la hùng vĩ, đẹp tuyệt vời.
PHB

  

  Chương 27

Tứ phẩm tiên
Hà Tiên Cô
Yêu thật là yêu
Thương thật là thương
Không nam, không nữ
Âm dương hợp nhất
Thánh thai phát sinh
Tâm sáng đời đời.
NM
 
 Luận
Phẩm hạnh thứ tư là mở tâm thương yêu. Chúng ta nhiều khi chỉ thương những người thân thuộc và yêu những kẻ hợp tánh hợp tâm. Ðó là thứ tình thương yêu có điều kiện và dễ dàng thay đổi theo thời gian hay hoàn cảnh.
Thương yêu thật sự chỉ có khi đã biết yêu thương chính mình! Buông bỏ mọi phiền não vướng bận trong tâm. Tâm trống trải mới có chỗ mà dung chứa tình thương được. Một trái tim đầy ắp mặc cảm và thành kiến thì chỉ trao đổi cảm xúc chứ còn chỗ đâu mà chứa đựng thương yêu?!
Mở tâm thương yêu mới thấy rằng ta và mọi người không khác. Bệnh của mọi người cũng là bệnh mà ta đã cưu mang. Chỉ có thật thà chấp nhận cái bệnh của mình mới có cơ may hết bệnh. Cho nhau cái thật thà đó, nhiều khi không phải bằng lời, nhưng cái từ quang đó mới đích thật là thương yêu. Không còn phân chia nam nữ. Không còn phân biệt ác ôn hay thánh thiện. Chỉ biết cho mà không cầu báo đáp. Một ý chúc lành nghĩ tốt cho nhau cũng có thể làm dịu đi một trái tim chai đá. Một lời nói thật thà có mích lòng nhưng cũng đánh thức được tận đáy lương tâm.
Mang cái từ quang đó mà lăn lộn khắp chốn trần ai. Hành trang chỉ là đóa hoa sen tinh khiết, tượng trưng một trái tim trẻ thơ trong sáng như vừa mới tái sanh. Yêu trọn vẹn cuộc đời với hai mặt thiện ác như yêu sự thanh thoát của hoa sen và yêu luôn cả sự trần trược của bùn.
PVK
 Truyện
Cư sĩ Dương Thanh Tu và Mạch Hà Tiên tánh tình có tương khắc. Phu nhân thích cái gì thanh tao, nhẹ nhàng và thơ mộng. Rất yêu chồng nhưng muốn độc quyền sở hữu, kể cả trong lãnh vực tư tưởng. Mỗi khi cư sĩ đi đâu về thường bị xét nét, tra khảo. Hà Tiên rất thông minh. Trong lúc tường trình có chỗ nào vấp váp thì cứ chỗ đó vặn hỏi. Kỳ cho đến bao giờ phải thú nhận mới thôi. Trong tình chăn gối vợ chồng thích nhặt khoan thưa thớt, nhưng phải đầy thi vị diễm tình. Thanh Tu thì tham lam và háu đói. Gặp các nữ lang có nhan sắc, mắt lúc nào cũng xanh lè. Chuyện hương lửa phòng the mà làm như trời phong ba bão táp, chớp biển mưa nguồn. Ðã thế mưa gió lại cứ xập xùi, dầm dề ít có khi nào trời quang mây tạnh.
Cả hai học phép KIẾN TÁNH với thiền sư Tâm Không. Họ Mạch chụp lấy cơ hội bắt phu quân ngày ngày nộp bản thấy tánh. Cư sĩ ngay tình khai hết. Thế là một trận lôi đình nổi dậy. Phu nhân vừa khóc vừa nói:
- Tướng công giỏi thật! Lòng lang dạ sói. Phen này đành sâm thương đôi ngả.
Sự  việc không xong, càng ngày càng lớn dần lên. Hà Tiên ngấn lệ đầy vơi than thở về nỗi Thanh Tu tệ bạc. Thiền sư nghe xong tình tự khúc nhôi, nhẹ nhàng ướm hỏi:
- Thế còn cái tánh độc tài của phu nhân thì sao?!
Một bữa kia họ Mạch tắm rửa sạch sẽ đi ngủ sớm, định bụng giữ chay tịnh để mai còn hành hương. Nửa đêm phu quân nằng nặc đòi chuyện mây mưa. Hà Tiên bực bội cằn nhằn, giọng kỳ thị:
- Bị tình dục trói buộc, thần khí sẽ mất hết. Làm sao tu hành giải thoát?!
Cư sĩ năn nỉ ỉ ôi quá đành phải cho. Sáng dậy vẫn còn mặc cảm và khó chịu. E đường tu vì thế bị trì trệ. Ðánh bạo đem câu chuyện khuê phòng ra hỏi. Thiền sư trấn an:
- Trong Thiên Ðạo, âm dương phải dung hợp để lập thế quân bình. Con người không sống ngoài định luật ấy được. Chuyện đó cũng bình thường thôi.
Họ Mạch dạn dĩ hơn:
- Nhưng mà, bạch sư phụ hơi nhiều.
Thiền sư:
-Mỗi bên tương nhượng nhau một chút.
Một thoáng suy tư bỗng thiền sư hỏi ngược lại:
- Phu nhân có hiểu tại sao mình lại kỳ thị chuyện đó không?!
Hà Tiên:
- Bạch, đêm qua trước khi đi ngủ đệ tử đã chuẩn bị tinh thần giữ mình chay tịnh để dự lễ. Chẳng dè tướng công phá hư chuyện. Cứ thế này đường tu SỢ chậm trễ.
Thiền sư cười:
- Muốn giải thoát đến vô cùng thì phải giải thoát ngay sự SỢ HÃI này.
 

 

 

 

Chương 28

 
Ngũ phẩm tiên
Lâm Thể Hòa
So đo, ghen ghét
Ra vào điên đảo
Bỏ tranh chấp
Ðạt thong dong.
NM
 
 
Luận
Phẩm hạnh thứ năm là buông bỏ tranh chấp. Sau khi qua bốn giai đoạn: Công khai thật thà, dẹp bỏ tự ái, đoạn lìa danh lợi, mở tâm thương yêu, hẳn chúng ta ít nhiều ngạc nhiên tại sao người tu vẫn còn so đo ghen ghét?!
Thật ra trong muôn vạn tánh khác nhau, chúng ta có thể quy về tám căn gốc chánh. Mỗi người chúng ta có một đặc tánh riêng, là một cái chốt kẹt nhất trong tám cái chung đó. Tuy nhiên, không phải là những thứ khác chúng ta không có. Mà là ngược lại, trong chúng ta có đủ hết cả các tánh. Chỉ vì có cái nổi bật hơn nên nhiều khi chúng ta không để ý những thứ khác mà thôi.
Bát tiên là tám vị tương trưng cho tám căn gốc của tánh. Họ đã nhập vào tiên giới bằng cách hy sinh buông bỏ, liều mạng bước qua thiên môn cho lửa trời đốt tiêu phàm tánh. Lửa trời đó chính là dư luận! Nhờ búa rìu dư luận mới mài dũa, giết chết đi cái tự ái, tức là phàm ngã hay cái TA, để tái sanh lại thành một con người mới, thật thà đôn hậu hồn nhiên. Thế mới biết vạn vật vốn đồng một thể. Nhờ người ta mới thấy chính ta, nhờ người ta mới có cơ hội trả bao nghiệp báo, nhờ người ta mới có điều kiện lập hạnh thăng hoa. Không có người thì cũng chẳng có được mình.
Nhưng nhiều khi nhìn lại đoạn đường gian khổ đã qua, bao hy sinh buông bỏ, bao công sức vun bồi phẩm hạnh, thế mà Trời già cứ ban khổ mãi không thôi. Bạn đồng tu lại thong dong an lạc, đạo đời đôi ngả vẹn toàn. Ta không khỏi có đôi chút tỵ hiềm ghen ghét, oán trách thiên cơ, phân bì chúng bạn, tâm loạn đảo điên.
Chợt bừng cơn tỉnh ngộ. Ðời ta đâu chỉ mỗi một kiếp này. Thuận cảnh bây giờ là đã vun bồi bao phước đức. Nghịch cảnh hiện tiền là đã tạo lắm oan gia. Mọi chuyện đều do chúng ta tạo tác. Nay lấy thuận làm niềm an ủi, lấy nghịch làm chí quật cường. Vùng lên ca bài ca kiến tánh. Ðánh xênh gõ phách mà hát lớn lỗi tôi, mọi lỗi tại tôi. Ðương thế đồ ung dung tiến bước. Làm vui cho mọi người thân cũng như  sơ.
PVK
 
Truyện
 
Diệu Thanh có vẻ thầm yêu, trộm nhớ Thông Luận. Thiền sư Tâm Không biết được điều này, nhân cơ hội muốn dậy cho cả hai bài học Tình Siêu. Bèn cho phép thảo luận để cởi mở tâm tình.
Sư muội ướm hỏi nhiều lần, Thông Luận nhất mực khăng khăng:
Ngu huynh chỉ thương có một mình thiền sư Tâm Không mà thôi.
Diệu Thanh thắc mắc:
Tâm Không có gì hay hơn tiểu muội đâu?!
Sư đê, quyết liệt hơn:
Tình yêu phải thủy chung như nhất. Chẳng đổi dời, cũng không thể chia sẻ. Xin tha thứ cho lời lẽ đường đột này.
Nói xong tạ từ đứng dậy. Sư muội ngơ ngác bàng hoàng. Ở trong một tình huống hụt hẫng, chẳng níu kéo được gì. Bâng khuâng mở cửa bước ra vườn.
Trời xanh trong vắt, không điểm một đám mây nào. Nắng vàng óng ánh và rực rỡ. Thiền sư đang thanh thản dạo chơi ngắm hoa ngoài vườn. Phong thái không mảy may vướng víu. Diệu Thanh lên tiếng gọi:
- Sư phụ, sư phụ!
Tâm Không quay lại, cươi hồn nhiên:
- Lại đây! hoa Anh Ðào nở đẹp lắm. Có gì mà đăm chiêu thế?!
Sư muội hững hờ nói một mình:
- Tình yêu như chiếc bóng, chẳng nắm bắt được.
Thiền sư như không nghe thấy, nâng niu một đóa hồng hàm tiếu, nói nựng:
- Ðẹp và thơm quá, được cả sắc lẫn hương.
Diệu Thanh với tay định hái để chưng trong phòng khách, Tâm Không cản lại:
- Ðừng! chiếm hữu thì mất thong dong.
PHB
  

Chương 29

 
Lục phẩm tiên
Trương Quả Lão
Cái gì thuận mới làm
Bầy ra khuôn thước
Tự mắc bẫy mình
Tức mình làm nghịch
Trong tử có sinh
Ðời đời sống động.
NM
 Luận
Phẩm hạnh thứ sáu là phá mê phá chấp. Ðến một giai đoạn nào đó, khuôn thước lại trở thành ràng buộc, giam hãm mình trong những thành kiến và định kiến, không sao sống thoải mái thong dong được.
Người đi học đã rời khỏi mái nhà trường thì không thể áp dụng cứng ngắc những công thức đã học, mà phải uyển chuyển theo lúc theo thì, vì cuộc đời luôn đổi mới và sống động không ngừng, nào có chiều theo ý chúng ta mãi được đâu.
Người tu hành cũng thế. Từ giới luật của thân rồi tiến đến giới luật của tâm. Tâm giới cốt sao giữ được quân bình trong sáng, không nuôi dưỡng sự tăm tối mặc cảm bên trong. Vấn đề quan trọng là phá đi một cái chấp của mình không phải dễ, vì đó là giết chết đi cái thói quen, cái thể diện, cái áo tu của mình đối với mọi người. Chỉ khi nào sự khao khát giải thoát đủ mạnh, sự dồn ép của nghịch cảnh đi đến độ tột cùng, tâm thức mới vùng lên làm một công án nghịch hành, chấp nhận mọi dèm pha dư luận thế gian, làm chuyện ngược đời, xoay người lại cỡi lừa đi vào cửa Ðạo.
Phải chết đi cái đạo mạo trang nghiêm giả dối bên ngoài để hồi sinh lại thành một đạo nhân tự tại thong dong. Ðời có chê cười nhưng ta vẫn sống an vui. Ðời có rẻ khinh nhưng ta vẫn một lòng thương yêu tận độ. Một kiếp phù du giả tạm. Tâm thức sống động đời đời.
PVK
 Truyện
Vô Lực rất thích lối hành văn của Bồ Tùng Linh. Họ Bồ viết ngắn gọn và nhiều âm hưởng như thơ. Thường bỏ lửng ở cuối câu, để độc giả dùng trí tưởng tượng tiếp nối. Cách bố cục úp mở như khói sương, mộng ảo. Rắp tâm bắt chước. Lấy kiểu cách ấy làm mẫu mực.
Một bữa Thông Luận khắc mộc bản bài viết của Vô Lực để in, chịu không nổi kêu lên:
Ðọc mãi văn của đại sư huynh, một ngày đẹp trơì nào đó sẽ mắc chứng kinh phong, giật đùng đùng. Cú pháp bị chặt nát ra từng khúc, không êm ả như nước chảy.
Vô Lực thú nhận:
- Bắt chước Bồ Tùng Linh, nhưng có hơi quá đáng.
Nói xong sư huynh nghĩ thầm: “Chắc phải trau giồi thêm nghệ thuật mô phỏng. Chẳng sớm thì muộn ta sẽ theo kịp họ Bồ”
Ngày nọ gà chưa gáy sáng Vô Lực đã thức dậy. Cố đẽo gọt một bài viết cho thật trau chuốt đệ trình. Thiền sư kêu lên:
Trời cao đất dầy ơi! Gà mà cứ ngỡ là phượng hoàng. Thân đích thị là hoa bèo, làm ơn làm phước nhận đi, đừng muốn làm hoa sen nữa.
Sư huynh cúi đầu ngỡ ngàng. Bài bị phê: loại! Thời gian qua đi. Vô Lực vẫn tiếp tục lẩn tha, lẩn thẩn. Mất nhiều thì giờ bận bịu với nhừng điều vô ích. Làm việc chậm chạp, kéo dài. Nổi tiếng là người câu giờ.
Có một lần nộp bài, thiền sư nhìn sơ qua bản văn, thủng thỉnh nói:
- Chế kiểu vô ích. Lúc thì cụt lủn, khi thì dài dòng lôi thôi. Tác phẩm không có hồn!
Sư huynh hơi phiền trong lòng, bài bị loại quá nhiều, hỏi lại:
- Phải làm sao văn chương mới có được nghệ thuật cá biệt, mang vẻ đẹp sáng tạo?!
Thiền sư:
- Sửa tánh là sửa luồng điển trong mình, mà ÐIỂN thì … hóa VĂN.
PHB
 

Chương 30

 

 
Thất phẩm tiên
Hàn Tương Tử
Chẳng vương thế sự
Chẳng vướng bụi trần
Mê say ảo cảnh
Thổi khúc tiêu cảnh tỉnh
Phá đi giấc mơ xuân
Sống thật bình thường
Ðời đạo song tu.
NM
 
 
Luận
Phẩm thứ bảy là trở về nhập thế. Mê say mùi đạo, chúng ta cảm thấy cách biệt với cuộc đời trần trược, muốn đóng một bộ áo thanh cao và thích luyện những quyền năng siêu hình để cứu nhân độ thế.
Nhưng thân xác tứ đại này và hoàn cảnh động loạn kia cứ mãi theo ta như bóng với hình. Ta có thể trốn đời trong những cảnh giới mông lung huyền hoặc, nhưng nào có thể trốn được chính ta. Giải thoát khỏi sinh lão bịnh tử chẳng qua cũng là giải thoát khỏi cái tánh ham sống sợ chết, mê sướng ngại khổ của mình. Thấy rõ bản tánh tham lam vọng cầu muốn cướp quyền tạo hóa, mê hoặc lòng người để thỏa mãn cái TA độc tài vị kỷ.
Chấp nhận rồi thì sóng gió lắng yên, nội tâm quân bình ổn định. Cất lên một tiếng tiêu để phá đi cái thiên đường ảo mộng. Nương theo âm thanh réo rắc đó mà trở lại trần gian. Sống như một người bình thường nhưng không còn mê chấp, vun bồi phát triển đạo tâm trong chính cuộc đời.
PVK
 
 
Truyện
Sư đệ Võ Không Ái thích sống lặng lẽ một mình. Ít giao tế với những người chung quanh. Tâm tình thiếu cởi mở. Những u uất thường cất giấu ở bên trong. Gặp dịp bất bình tới mức không đè nén nổi, lời nói như gươm đao. Thiền sư Tâm Không thường gọi đùa là: Hiệp sĩ đất Phù tang.
Sư đệ là một trong các đệ tử xuất gia của Ðạo Viện. Học phép Kiến Tánh với thiền sư Tâm Không. Khi thiền sư trực tiếp huấn luyện các bạn đồng môn, thường để ý học lóm. Vì thế, thực hành ít nhưng lý thuyết có đủ cả. Tự cho là đã đạt một trình độ cao.
Một bữa thiền sư đi vân du xa. Các đệ tử đưa thầy ra bến đò. Trên đường về Vô Lực than:
- Thấy cảnh tiễn biệt nhau, chạnh nhớ năm nào tạ từ thê nhi dứt áo ra đi. Bỗng nhiên trong lòng dấy lên vô hạn cảm hoài.
Không Ái thao thao bất tuyệt thuyết giảng:
Người tu phải đoạn lìa lục dục, thất tình. Muốn giải thoát phải bước trên con đường mòn ấy.
Dương Thanh Tu thấy khó chịu xuất chiêu:
Sư huynh đã lập gia đình chưa?!
Họ Võ ngần ngừ, trả lời với một giọng cụt lủn sượng sùng:
- Chưa.
Ngày Nguyên Tiêu, thiền sư cho phép Không Ái về thăm bạn bè ở dưới quê. Khi trở lại tâm sự với Vô Lực:
- Này đại sư huynh, không thể giao cảm được với các bạn đời. Mình nói đạo họ chẳng hiểu gì hết, thật tội nghiệp.
Câu chuyện được kể lại, thiền sư nghiêm nghị nói:
- Phải tội nghiệp họ Võ mới đúng. Tối ngày đi trên mây, sống trong ảo giác. Không có thực chất thì làm gì có từ điển để cảm hóa.
Sau đó thiền sư cho Không ái về quê. Dấn thân học Ðạo trong Ðời.
PHB
 

 Chương 31

 
 
Bát phẩm tiên
Tào Quốc Cậu
Tà chánh đề huề
Lúc thanh, lúc trược
Lúc ác, lúc thiện
Tìm ra chân diện mục
Không chánh cũng không tà.
NM
 
 
Luận
Phẩm hạnh cuối cùng là dẹp bỏ tâm phân biệt, tâm kỳ thị phân biệt thanh trược, chánh tà. Tâm vốn thanh cao vô nhiễm nhưng bị nhốt trong thân xác trần trược tanh hôi mới sanh ra cái tánh mê chấp và có đủ thiện ác, thanh trược, chánh tà.
Vấn đề quan trọng đặt ra là tâm chúng ta mê hay tỉnh, ngủ hay thức mà thôi. Tâm tỉnh thức là thấy được tánh mình, biết được mọi trạng thái đang là của mình một cách trung thực, không vì một lý do gì mà che đậy hay bóp méo nó đi.
Hoàn cảnh cám dỗ đến, chúng ta nổi lên lòng tham dục. Việc ấy rất là tự nhiên. Vấn đề là sau đó chúng ta hướng ra ngoài chạy theo đối tượng để giải quyết và thỏa mãn lòng tham dục đó, hay ray rứt, khổ sở, dày vò thì là tạo trược hay nuôi dưỡng ý tà. Còn quay vào trong trực diện với lòng ham muốn của mình, không chối bỏ cũng không bào chữa. Không mặc cảm mà tiêu diệt nó, cũng không tự mãn mà phát triển nó thêm ra. Chỉ đơn giản công nhận một sự thật hiện tiền. Ðó là bộ mặt thật của mình: Ta đang tham dục! Mọi tranh chấp đều dừng lại ngay giây phút đó, lắng đọng rồi tan theo với hoàn cảnh ban đầu. Như một tấm gương, cảnh kích động như thế nào thì ta phản ảnh lại y như vậy. Nhưng cảnh đi rồi thì gương hoàn lại trắng trong. Thành ra trong ta có đủ cả. Ai chọc thì giận, ai đánh thì đau, thấy đẹp thì thích, thấy xấu thì chê … Nhưng biết dừng lại ngay chỗ vừa phải vì thấy được tánh mình. Chỗ vừa phải đó là Trung Ðạo, là quân bình, là không chánh không tà, không thanh không trược.
Trường đời biến đổi muôn màu muôn vẻ. Hoàn cảnh thay nhau đủ lớp đủ tuồng. Ác đúng lúc lại là thiện. Thiện không đúng lúc lại thành ác. Dầu sao đi nữa thì cảnh nào rồi cũng phải đổi thay, trạng huống nào rồi cũng có ngày biến đổi. Cái còn lại duy nhất chỉ là chính ta, một tâm không và sự tỉnh thức để tiến hóa đến vô cùng.
PVK
 
Truyện
Tờ “Vô Minh” được truyền thông đi khắp nơi. Giống như những giòng thác lũ chảy vào sông, làm vỡ đê điều. Kinh động đến các đồng môn, hào trưởng và các vị hương cả không ít. Nhất là Vô Lực trong mục “Con Ong”, đã chọc ghẹo và châm chích quá nhiều. Cái trào lộng ấy đã làm nhức nhối một phía, thành bất toàn. Vì hướng ngoại nên đi dần sang thị phi. Ra ngoài mức bình thường có thể chấp nhận được.
Năm đó Tổ khai hội Rồng mây. Nhóm Vô Minh cũng về dự lễ. Ngày thứ nhất nghe thuyết giảng về Quán Thế Âm. Ngày thứ nhì hành trình tu chứng. Ngày thứ ba diễn đàn tự do, trăm hoa đua nở. Tổ ngồi ghế chủ trì dự kiến. Thầy trò thiền sư Tâm Không ngồi tọa ở hàng cuối. Bỗng Lý cư sĩ là vị chánh hương quản trách nhiệm an ninh trật tự buổi lễ, chạy đến chào rồi đưa tay mời:
- Xin kính thỉnh!
Thiền sư đứng dậy chắp hai tay, cúi đầu:
- Ða tạ, đa tạ, chẳng dám nhục mệnh.
Nói xong thoăn thoắt bước lên khán đài. Vô Lực khấp khởi mừng thầm ghé tai Thông Luận nói nhỏ:
- Chắc sư phụ sẽ hoằng dương diệu pháp.
Tự Thiên ái mắt sáng rực lên. Hà Tiên cười đắc chí thì thầm với Thanh Tu. Cả hai lóe lên một niềm vui nào đó. Không Ái mặt mũi tươi tỉnh, ngồi ngay ngắn lại.
Trên khán đài, thiền sư từ từ … quỳ xuống, phủ phục lạy tạ Tổ và chư đồng môn. Thay mặt tất cả, thành thật ăn năn xám hối về những hành động sai trái của mình từ khởi thủy. Vừa nói vừa xúc động đến rơi lệ.
Phía dưới các đệ tử của thiền sư tiu nghỉu như mèo bị cắt tai. Tự Thiên Ái đôi mắt lờ đờ lãng đãng, tuy mở to nhưng chẳng muốn nhìn. Hà Tiên và Thanh Tu đã tắt nụ cười. Không Ái điềm nhiên lạnh lùng, cất giấu những u uất vào trong cõi lòng u uẩn ngàn đời. Vô Lực nhắm mắt lại nghĩ thầm: Hay là ta cũng nên quỳ xuống để tỏ lòng hối cải sự sai lầm của mình. Sư huynh mở mắt ra tính quỳ rồi lại thôi. Người ta nhòm ngó nhiều quá. Dứt khoát sẽ quỳ rồi lại cương quyết thôi. Bụng bảo dạ: Ta tự biết lỗi trong nội tâm là được rồi.Quay sang bên phải thấy Thông Luận vẫn còn ngồi, trong lòng mới yên.
Thiền sư từ khán đài hồn nhiên đi xuống về chỗ ngồi. Vô Lực còn mặc cảm, băn khoăn hỏi:
- Biết mình sai xin lỗi là đủ rồi, hà cớ sư phụ phải khuất thân bái lạy như tế sao?!
Thiền sư điềm nhiên:
- Nếu thực sự thấy lỗi mình thì ngươi đã chẳng nói những lời ngạo mạn như thế!
PHB
 

 

Chương 32

 
 
Ðường tăng Tam Tạng
Thẳng đường Tây Phương
Quyết thỉnh được kinh
Nhất niệm kiên trì
Qua bao tai nạn
Vẫn giữ một lòng
Người tu như thế
Chí nguyện sẽ thành.
NM
 
 
Luận
Bốn thầy trò Ðường tăng Tam Tạng trong bộ Tây Du Ký cũng là bốn thành phần ngay trong bản thể chúng ta. Nhà sư Tam Tạng tương trưng cho tâm cầu đạo, một lòng nuôi dưỡng ý niệm giải thoát, quyết tìm lại bổn lai diện mục là vô tự chơn kinh, để thiết lập một thế giới Cực Lạc trong chính bản thân mình. Tôn Ngộ Không tượng trưng cho ý chí. Bát  Giới là cái tánh và Sa Tăng là thân xác của mình. Tất cả đều nói lên bản chất riêng biệt nhưng biết quy tụ lại, hộ trì nghe theo mệnh lệnh của Tâm để vượt qua mọi thử thách trên đường về nguồn cội.
Tai nạn là những hoàn cảnh kích động để mài dũa điêu luyện tâm chúng ta có nuôi dưỡng nhất niệm giải thoát hay không?! Nhiều lúc những biến động dồn dập đến, chơn giả chánh tà khó mà minh định được, người tu đôi lúc cũng mệt mỏi hoang mang, không biết nên nghe theo tiếng lòng của mình hay những khuôn thước của xã hội và đạo giáo đề ra. Có khi buông lung ý chí, xua đuổi Tề Thiên. Xuôi theo tánh phàm, bao che Bát Giới. Nhưng rồi cuối cùng cứu cánh giải thoát vẫn thúc giục ý chí vươn lên, tánh phàm lắng đọng. Cuộc hành trình vào nội tâm lại kiên trì tiến bước.
ảnh của bốn thầy trò Ðường tăng thật cô đơn xa lạ làm sao giữa chợ đời và xã hội! Những dị biệt tương khắc giữa các đệ tử rồi cũng hòa được với nhau nhờ lòng từ ái của Ðường tăng. Tinh thần HÒA này đã là một yếu tố quyết định cho công cuộc thỉnh kinh. Nếu diệt hay bỏ đi mất một phần chắc cuộc hành hương sẽ không bao giờ hoàn tất.
Cuối cùng ra, những phong ba bão táp bên ngoài không phải là quan trọng, mà còn là việc đương nhiên và cần thiết. Nhờ đó người tu mới có cơ hội thấy rõ được mình để giải thoát ra khỏi mọi hoàn cảnh. Mỗi một lần giải thoát đó là đã thỉnh thêm được một chương kinh, là đã xây dựng thêm một phần hòa bình trong quốc độ Cực Lạc của mình.
PVK
 
 
Truyện
Trời tối sầm lại. Mây đen kéo vần vũ. Cuồng phong dấy lên càng lúc càng mạnh. Sắp có bão lớn. Vô Lực ngừng tay cuốc đất nói với Thông luận:
- Sư đệ, mình nghỉ thôi.
Mưa rào ập tới.  Cả hai chạy vào trong đạo viện tạm trú. Nhìn ra ngoài trời ảm đạm thê lương, sư huynh bỗng đối cảnh sinh tình hỏi:
- Cảnh ngộ nào đã đưa sư đệ vào đường tu?!
Thông Luận mắt điều tiết xa xa, tìm về dĩ vãng:
Thuở ấy ngu đệ là một võ quan thủy chiến. Gặp lúc triều đại suy vi, thua trận bị bắt làm tù binh. Thân phận tù đầy, đau khổ tận cùng đi vào tuyệt lộ. Chợt thấy cuộc đời phù du, cần có một chiếc phao để bám cho qua kiếp tù.
Vô Lực phì cười:
- Rồi Thượng Ðế sai thần gió thổi dạt cái phao ấy vào đường tu.
Thông Luận cũng cười theo, hỏi lại:
- Còn sư huynh?!
Vô Lực càng cười lớn:
- Bị đánh, bị búa, bị vây khốn. Trận đồ bát quái toàn cửa tử. Chợt thấy một sinh lộ nhẩy vào chẳng dè lại hóa ra đường tu.
Thông Luận:
- Nghe nói trước kia sư huynh là một phú thương tiền rừng bạc bể. Hoàn cảnh như thế tại sao lại đi tu?!
Vô Lực hạ thấp giọng:
- Tình hương lửa chẳng còn mặn nồng. Nghĩa tào khang đổi thay ấm lạnh. Cuộc đời đã vô thường đến thế, không bước vào đường đạo thì đi đâu bây giờ?!
Ngoài kia gió hú từng hồi. Một số cây bị quật ngã, đổ nghiêng ngữa. Mưa như trút nước. Thông Luận nói bâng quơ:
- Mình về đạo viện đã bốn năm rồi nhỉ?!
Sư huynh tiếp nối:
Qua bao giông tố bão bùng vùi dập. Nhất là lúc tờ XÁM được thông tri. Gặp đồng đạo phải giả làm ma nhập cho đở ê mặt. Tổ lại dùng thế “Voi Dầy” đạp cho mềm người ra. Cả bọn phải lết đi chứ không đứng vững được nữa.
Sư đệ bùi ngùi ôn lại:
- Thật là gian nan và bơ vơ. Những biến chuyển của cảnh ngộ thử thách, một mình chắc chịu không nổi. Cho đến năm thứ ba được truyền dạy phép Kiến Tánh mới thực sự hiểu thế nào là TU. Từ đo vun bồi nhất niệm bất thối chuyển, hành hương trên đường mòn.
Vô Lực chẳng bao giờ bỏ được cái tật trào lộng tiếp lời:
- Mà trên con đường mòn ngàn đời ấy, Tổ vừa ngưng đạp thì Sư Phụ đã tiếp ứng liền chiêu “Tứ mã Phanh Thây”. Công phu sâu dầy nhiều đời nhiều kiếp, mới tạo dựng nên được một tòa lâu đài Tự Ái tráng lệ nguy nga. Cứ đục đẽo mãi thế này thì lấy gì để mà … sống?!
Ngoài kia bão đã ngưng. Mưa tạnh, trời quang. Nắng ửng vàng lung linh trên cành cây ngọn cỏ.
Một vài cây lau sống sót sau trận bão, gió thổi nghiêng qua nghiêng lại.
PHB