Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch
Chương V - VI
THÀ GỬI TIỀN Ở KHU RỪNG ẤY CÒN HƠN
GỬI ÔNG NÔ-TE ẤY

    
Chẳng cần cắt nghĩa dài dòng, chúng ta cũng hiểu rằng sau vụ Săngtơmatiơ, GiăngVanGiăng nhờ mấy ngày trốn thoát nên đã kịp về Pari rút số tiền ở ngân hàng  Laphít số tiền ông kiếm được ở Môngtơrơi Xuyame, thời ông còn là ông Mađơlen. Ông sợ lại bị bắt- quả sau bị bắt thật, - nên ông chôn giấu số tiền trong khu rừng Môngmécxây, nơi gọi là bất động sản Bơlaruy. Số tiền tất cả là sáu mươi ba vạn, toàn giấy bạc, không kềnh càng lắm, bỏ gọn trong một cái hòm nhỏ bằng gỗ sồi nhét đầy vỏ bào gỗ dẻ để tiền khỏi ẩm. Ông lại để trong hòm một món của khác của ông, tức là những cây chân đèn của giám mục. Ta còn nhớ, lúc trốn khỏi Môngtơrơi Xuyame, ông mang theo đôi đèn ấy. Cái người mà Bulatơruyen bắt gặp một tối lần đầu, người lạ ấy là Giăng VanGiăng. Sau này mỗi khi cần tiền, Giăng VanGiăng lại đến lấy ở khu rừng thưa Bơlaruy. Vì thế, thỉnh thoảng ông lại đi vắng. Ông giấu một cái cuốc ở một nơi rất kín, chỉ mình ông biết. Khi Mariuytx đương phục hồi sức khỏe ông thấy là sắp đến lúc cần tiền, nên ông lấy tất cả về. Bulatơruyen lại thấy bóng ông trong khu rừng, lần này thấy buổi sáng, chứ không phải là buổi tối như kỳ trước. Bulatơruyen thừa hưởng được cái cuốc.
Số tiền đếm cho đúng là năm mươi tám vạn bốn nghìn năm trăm phơrăng. Giăng VanGiăng giữ lại cho mình năm trăm phơrăng. Ông nghĩ bụng.
- Sau này sẽ hay.
Trước kia số tiền lấy ở ngân hàng Laphít ra là sáu mươi ba vạn; nay còn số tiền trên tức là ông đã tiêu xài trong mười năm trời, từ năm 1823 đến năm 1833. Năm năm ẩn trong nhà tù tiêu hết năm nghìn phơrăng.
Giăng VanGiăng đặt hai chân đèn bạc lên lò sưởi; đôi chân đền ấy sáng chói lọi làm bà Tútxanh thích mê.
Giăng VanGiăng cũng biết là mình đã thoát khỏi tay Giave. Ông đã nghe người ta kể, - sau, tờ Mônitơ cũng có đăng tin, ông đã xem rõ- một thanh tra cảnh sát tên là Giave chết đuối, xác giạt vào dưới lườn một chiếc thuyền của thợ giặt giữa cầu Sănggiơ và cầu Pôngnớp. Ông ta là một người cảnh sát gương mẫu, được cấp trên quí trọng. Một bức thư để lại làm cho người ta đoán rằng ông ta bị loạn óc và tự vẫn. Giăng VanGiăng nghĩ thầm trong bụng: kể ra, hắn đã tóm được mình mà lại thả ra, tất là hắn điên rồi.
 

VI

HAI CỤ GIÀ, MỖI NGƯỜI MỘT LỐI, LÀM

TẤT CẢ ĐỂ CÔDÉT ĐƯỢC SUNG SƯỚNG
Người ta sửa soạn tất cả cho đám cưới. Thầy thuốc tuyên bố có thể cưới vào vào tháng hai. Bây giờ là tháng chạp. Mấy tuần lễ say sưa trong hạnh phúc hoàn toàn trôi qua.
Lão Gilơnormăng là một trong những người sung sướng nhất. Nhiều khi lão chiêm ngưỡng Côdét hàng giờ. Lão reo lên:
- Con bé mới xinh làm sao! Trông vừa hiền lại vừa thảo! Chẳng phải nói nịnh, thật suốt đời ông, ông chưa thấy có cô con gái nào xinh đẹp như Côdét. Sau này, chắc lại lắm nết thơm tho kín đáo như đóa hoa tím. Thật là phúc trời ban cho. Bên cạnh con người như thế, anh cũng phải thanh cao. Mariuytx con ạ, con là nam tước, con lại giàu có, ông van con, con đừng làm thầy cô thầy kiện quèn nữa.
Côdét và Mariuytx bỗng nhiên từ dưới mồ bay lên thiên đường. Việc chuyển tiếp hơi đột ngột, nên hai người như quáng lên, nếu không bị hơi choáng váng.
Mariuytx bảo Côdét:
- Em có biết tại sao như thế không?
Côdét trả lời:
- Không. Nhưng mà hình như Trời thương chúng mình.
Giăng VanGiăng  việc gì cũng làm, khó khăn nào cũng san bằng, hòa giải tất cả, làm cho mọi việc được dễ dàng. Ông hối hả tiến đến hạnh phúc của Côdét, hăm hở, bề ngoài có vẻ sung sướng không kém gì Côdét.
Trước ông đã làm thị trưởng nên ông giải quyết được một vấn đề tinh tế, tức là hộ tịch của Côdét mà chỉ một mình ông biết điều bí mật. Cứ nói thẳng gốc tích nàng, biết đâu việc cưới xin sẽ chẳng không thành. Ông vớt Côdét ra khỏi tất cả những khó khăn. Ông bày đặt ra một gia đình toàn những người chết cả; chỉ có cách ấy mới tránh khỏi mọi điều khiếu nại. Côdét là người độc nhất còn lại của một gia đình tự tuyệt. Côdét không phải là con gái ông, mà là con gái một ông Phôsơlơvăng khác. Hai anh em ông Phôsơlơvăng cùng làm ở vườn nhà tu Pýchquýt. Người ta đến tận nhà tu hỏi, chẳng thiếu gì những tin rất tốt và những bằng chứng chắc chắn. Những tu nữ thật thà ít hiểu và cũng không ưa việc tìm tòi gốc tích người ta; họ lại không bao giờ có sự ranh mãnh nào trong ấy, nên chẳng bao giờ tìm biết rõ Côdét là con gái lão Phôsơlơvăng này hay Phôsơlơvăng kia. Ai bảo sao họ nói vậy, và lại nói rất hăng hái nữa kia. Thế là Côdét đã trở thành cô Ơphơrađi Phôsơlơvăng. Cô được công nhận mồ côi cả cha lẫn mẹ. Giăng VanGiăng tìm cách để được công nhật là người đỡ đầu cho Côdét với cái tên là ông Phôsơlơvăng; còn lão Gilơnormăng là người đỡ đầu dự khuyết.
Còn số tiền năm mươi vạn bốn nghìn phơrăng là di sản lưu lại cho Côdét của một người đã chết, muốn giấu tên. Trước kia, số tiền di tặng là năm mươi chín vạn bốn nghìn, nhưng đã chi tiêu mất một vạn vào việc giáo dục cô Ơphơrađi, trong số ấy có năm nghìn trả cho chính tu viện Pơti Pýchquýt. Số tiền ấy gửi một người thứ ba, sẽ trao cho Côdét lúc cô đến tuổi thành niên hay lúc đi lấy chồng. Những việc xếp đặt ấy, ai cũng dễ cho là phải, nhất là lại thêm món tiền hơn nửa triệu. Cũng có đôi chút bất thường nhưng nào có ai thấy. Một người liên quan đến công việc thì có cái băng ái tình bịt mắt, còn các người kia thì lại tối mắt vì sáu mươi vạn phơrăng.
Côdét biết mình không phải là con một ông cụ mình vẫn gọi bằng cha từ bấy lâu nay. Ông cụ chỉ là một người trong họ. Một ông Phôsơlơvăng khác mới thật là cha nàng. Lúc khác thì nằng đã đau đớn lắm. Nhưng trong giờ phút sung sướng khó tả này, đó chỉ là một chút bóng đen, một chút u ám, nàng vui sướng quá nên đám mây mờ cũng nhanh chóng tan đi. Nàng có Mariuytx. Chàng trai đến thì ông già lui. Việc đời thế.
Vả, từ bao năm trời ròng rã, Côdét đã quen sống trong cảnh đời đầy bí hiểm. Những ai đã sống trong cuộc đời thơ ấu mịt mù vẫn sẵn sàng nhận biết nhiều việc.
Tuy nhiên nàng vẫn gọi Giăng VanGiăng là cha.
Côdét trong lúc vui sướng, rất phấn khởi với lão Gilơnormăng. Nói cho đúng, lão tặng nàng biết bao nhiêu lời tán tỉnh, biết bao món quà xinh. Trong lúc Giăng VanGiăng xây dựng cho Côdét một địa vị bình thường như mọi người trong xã hội và một gia tài vững vàng thì lão Gilơnormăng chăm nom sắm sửa đồ chơi cho Côdét. Lão thấy không gì thú bằng tỏ ra mình hào phóng. Lão cho Côdét một cái áo bằng ren tỉnh Banhsơ, của bà nội lão. Lão bảo: - Những mốt ấy bây giờ hồi phục lại, đồ cổ bây giờ được mọi người ham chuộng. Những thiếu phụ trẻ thời ông đã già lại ăn mặc như những bà già hồi ông còn bé tí.
Lão moi tất cả đồ đạc trong những cái tủ ô kéo hình bầu bầu, bằng sơn mài Côrômăngđen, hàng bao nhiêu năm nay vẫn đóng kín mít. Lão bão: - Bắt các bà quý tộc này xưng tội đi chứ! Xem bụng các bà ấy chứa những gì nào! Rồi lão bới tung cả lên những ngăn kéo bụng phệ đầy quần áo của các bà vợ, của các cô nhân tình của lão, của các bà tổ mẫu nữa. Nào hàng tơ lụa Bắc Kinh, nào gấm vóc Đa Ma, nào vải vóc Lam Pa, nào hàng vân in màu, nào áo dài đắt tiền thành Tua, nào mùi xoa Ấn Độ thêu bằng thứ chỉ bằng vàng có thể giặt được, nào những bức thêu Giênơ và Alăngxông, nào đồ kim hoàn kiểu cổ, nào những hộp kẹo bằng ngà chạm những trận đánh nhau li ti, nào áo quần, đồ trang sức, ruy băng; lão cho Côdét tất cả. Côdét say sưa ngây ngất trong mối tình Mariuytx, nặng ơn đối với lão Gilơnormăng. Nàng đương mơ giấc mơ hạnh phúc không cùng xa tanh, nhung lụa. Nàng tưởng như các vị thiên thần đang giơ tay đỡ lấy những đồ cưới của nàng. Tâm hồn bay bổng trên khoảng trời xanh, vỗ đôi cánh bằn hàng ren tỉnh Malin.
Như ta đã nói, lão già cũng khoái chí chẳng kém gì đôi tình nhân đang say sưa trong tình ái. Phố Phiơ đuy Canve nhộn lên như nổi một điệu kèn vui.
Mỗi sáng, lão Gilơnormăng lại tặng Côdét một thức. Những dải lụa là tung nở lộng lẫy quanh mình Côdét.
Trong cảnh sống hạnh phúc, cũng nhiều khi Mariuytx ưng nói chuyện trang nghiêm; một hôm không biết nhân việc gì, chàng bảo:
- Những người thời cách mạng vĩ đại thật, danh tiếng họ lừng lẫy như đã trôi qua bao thế kỷ, như thể Catông hay Phôxiông, họ đã được ghi trên đài vân thiên cổ.
- Vân cổ! Phải rồi, lụa vân cổ! Cảm ơn con. Chính ông đang chớm có cái ý ấy.
Và ngày hôm sau, lão lại cho thêm Côdét một cái áo hàng vân cổ lộng lẫy, màu nâu đen.
Lão rút ra ở những đống vải cũ ấy một bọc triết lý:
- Tình yêu, được lắm. Nhưng phải thêm cái này chứ. Hạnh phúc thì phải thêm cái gì phù phiếm. Hạnh phúc chỉ là cái cần thiết tối thiểu. Cứ tra bừa thêm đồ gia vị vô dụng vào. Một lâu đài và một trái tim. Một trái tim và cung điện Lơ Luvơrơ. Một trái tim và các bể nước cung điện Vécxây. Một chị nữ mục đồng quấn hoa mua, tốt, nhưng phải chất thêm cho chị mười vạn đồng tiền vàng. Ngắm một cảnh đồng quê thiên nhiên bát ngát, được, nhưng phải ngồi nơi lầu son gác tía, dát ngọc, nạm vàng. Hạnh phúc suông thì cũng như bánh suông. Ăn thì ăn, nhưng chẳng thú vị gì. Ông thì ông thích những cái vô dụng, phù phiếm, cái kỳ cục, cái thừa thãi, cái chẳng dùng vào việc gì hết. Ông còn nhớ được xem ở nhà thờ lớn Stơrátxbua một cái đồng hồ to bằng ngôi nhà ba tầng; cái đồng hồ ấy cứ chỉ giờ, nó chịu khó chỉ giờ nhưng hình như nó chẳng phải làm ra để chỉ giờ. Đánh xong hồi chuông giữa trưa hay giữa đêm, trưa là giờ của mặt trời, nửa đêm là giờ của tình yêu, hay giờ gì cũng được, thì trên mặt đồng hồ lại hiện ra mặt trăng và các vì sao, đất và bể, chim và cá, thái dương thần và Hằng nga rồi một lô những thứ gì chui ở ổ ra, rồi mười hai thánh tông đồ, rồi hoàng đế Sáclơ Canh rồi Epônin và Xabinuyt, và lại thêm một đống những người nhỏ tí mạ vàng đang thổi kèn chưa kể những hồi nhạc lý thú nó ném ra giữa không trung bất cứ lúc nào, không rõ lý lẽ gì? Một cái mặt đồng hồ xấu xí trần trụi chỉ biết có chỉ giờ, hỏi có bằng cái kia không? Ông thì ông thích cái đồng hồ to ở Stơrátbua hơn, thích hơn là cái đồng hồ có độc con chim O Hướu xứ Phorê Noa kêu.
những lời ca tụng dài dòng, lão xen tất cả những tiếng văng tục từ thế kỷ mười tám.
- Các anh không biết nghệ thuật khánh tiết, lão hét tướng lên như vậy. Thời buổi này các anh không biết tổ chức lấy một ngày hội. Cái thế kỷ XIX của các anh đây tồi lắm. Nó thiếu sự thái quá. Nó không biết kẻ giàu sang, người quyền quí. Về việc gì nó cũng lè tè, thấp trệt. Cái đẳng cấp thứ ba của các anh vô vị, vô hương, vô hình, vô sắc. Mấy mụ tư sản của các anh, không nói đến việc lập gia đình họ chỉ mơ có một cái khuê phòng xinh xinh, trang hoàng mới rợi, có bàn ghế bóng và rèm vải che cửa. “Đẹp! Đẹp! Anh chàng Grigu cưới cô nàng Gripơxu đây!”. Huy hoàng, rực rỡ lắm! Người ta dán một đồng xu Lu-i vàng vào cây nến. Thời đại này là thế đấy! Tôi xin được chạy tránh xa. Chao ôi! Từ năm 1787, tôi đã tiên báo là hỏng rồi, hỏng tất rồi, khi tôi thấy ngài công tước Rôlăng kiêm hoàng thân Lêông, công tước Sabô, công tước Môngbadông, hầu tước Xubidơ, Tử tước Tua, Pháp quốc thượng khanh đi chơi rừng Lôngsăng trên một chiếc xe cọc cạch. Kết quả sờ sờ ra đó. Thời nay, người ta kinh doanh, người ta chơi giá khoán, người ta làm ra tiền và người ta keo kiệt. Người ta sửa soạn bên ngoài cho hào nhoáng. Trông người ta ngay ngắn, thẳng thớm, sạch sẽ, gội rửa xà phòng, cạo, chải, là, cọ sát, đánh xi-ra, bên ngoài lau chùi sạch trơn sạch bóng không chê vào đâu được, láng lậy như một hòn cuội và đồng thời, ôi! Đức hạnh của cô mèo tôi ạ! Trong đáy lương tâm có những đống phân, những hố bẩn làm thối lui những chị chăn bò vốn không ngại lấy tay xỉ mũi. Tôi ban cho thời buổi này cái châm ngôn: sạch uế. Mariuytx, con đừng giận nghe, con cho phép ông chửi sơ cái đám tư sản ấy một trận. Phải rồi. Thương thì cho roi cho vọt. Vậy, nói thẳng tuột ra rằng ngày nay người ta lấy vợ lấy chồng nhưng đâu người ta có biết cách cưới xin. Ôi! Đúng quá, tôi tiếc nhớ những tục lệ dễ ưa thời trước. Tôi tiếc tất cả. Cái phong nhã, cái hào hoa, những cái xử thế duyên dáng và trang trọng, cảnh xa hoa ấm lòng của các gia đình. Âm nhạc là một thành phần của hôn lễ, tầng lớp trên thì giao hưởng, tầng lớp dưới thì trống kèn, rồi thì khiêu vũ, tiệc tùng làm rạng rỡ các gương mặt, thơ chúc tụng chải chuốt, ca hát pháo hoa, tiếng cười giòn giã, băng thắt thành nơ to tướng và gì nữa, nổi đình đám và lu bù như ngày hội quỉ. Ta đâm tiếc cái nịt tất của cô dâu. Nịt tất của cô dâu có họ gần với dải lưng của nữ thần Vênuýt. Chiến tranh Tơroa xảy ra vì gì nào? Vì chiếc nịt tất của Hêlen chứ còn gì nữa! Tại sao họ đánh nhau? Tại sao Điômêđơ thần lực lại choảng nát cái mũ đồng to tướng đính mười mũi nhọn trên đầu Mêriônê, tại sao Asilơ và Hecto xăm mình nhau bằng những phát thương dữ dội? Bởi vì Hêlen đã để cho Pari lấy chiếc nịt tất của nàng. Với cái nịt tất của Côdét thì Hôme sẽ viết một Hiađơ mới. Ông sẽ để trong trường ca của một ông lão già ba hoa như ta và ông gọi lão ấy là Mexto.
Các bạn ạ, thời xưa, cái thời xưa đáng ưa ấy, người ta cưới xin một cách khoa học; ký một hôn ước chắc chắn xong thì rồi là một bữa tiệc ra trò. Bỏ bút xuống là cầm đũa. Chứ sao! Dạ dày là một con vật dễ mến, nó đòi hỏi phần nó và cũng muốn tham gia lễ tiệc. Thời ấy người ta ăn ngon, và ở bên cạnh người ta có một ả trẻ đẹp không trùm khăn, không che giấu bộ ngực mình thái quá. Chao ôi! Những cái miệng cười toe toét! Cái không khí vui sao! Thời ấy tuổi trẻ là một bó hoa. Người thanh niên nào cuối cùng cũng có một cành đinh hương hoặc một cụm hoa hồng, chiến tướng hay mục đồng đều vậy. Và nếu tình cờ mà người ta là đại úy hay long binh, thì người ta cũng cố tìm cách để có cái tên Phlôriăng. Người ta muốn được xinh đẹp. Người ta mặc áo thêu, người ta ưa sắc thắm. Một anh tư sản là một đóa hoa, một vị hầu tước là một viên ngọc. Người ta không nịt bàn chân, không đi ủng. Người ta phơi phới, nhanh nhẹn, bóng nhoáng, long lanh, chấp chới, kháu khỉnh, bảnh bao, tuy nhiên người ta vẫn đeo gươm bên sườn. Con chim đẹp lông vẫn có mỏ và móng. Thời dó là thời Ấn Độ phong tình. Thế kỷ ấy có phương diện tế nhị lại có phương diện huy hoàng. Và người ta vui nhộn đáo để, mẹ kiếp nó! Ngày nay người ta nghiêm nghị. Bọn tư sản keo kiệt, giai cấp tư sản đạo mạo và thế kỷ của các anh thật là bất hạnh. Nếu Ngọc nữ giáng trần thì người ta sẽ đuổi họ đi vì mặc áo hở quá ngực. Than ôi! Đời nay họ che giấu vẻ đẹp như là một cái gì xấu xa. Từ khi có cách mạng, ai cũng mặc quần dài, kể cả các vũ nữ. Một vai hề nữ cũng phải nghiêm nghị; những điệu hát của các anh rất giáo điều. Các anh muốn oai vệ. Nếu không cúi gằm mặt trên cà vạt thì không được! Lý tưởng của một thằng nhóc hai mươi tuổi lấy vợ là phải giống ngài Rôie Cônla. Các anh có biết cứ oai mãi cái kiểu ấy thì trở nên gì không? Trở nên nhỏ bé. Hãy nhớ điều này: cái vui không chỉ là vui, nó còn là lớn lao hơn. Phải si tình một cách vui vẻ đi chứ, mẹ kiếp! Khi cưới vợ, anh phải cưới trong cơn sốt và cơn choáng hạnh phúc và cảnh ồn ào hỗn độn của hạnh phúc. Vào nhà thờ cần nghiêm chỉnh, phải. Nhưng mà làm lễ xong thì, quỉ thần ơi! Phải cho mộng ảo quay cuồng chung quanh cô dâu. Hôn lễ thì phải đế vương và hư ảo, phải diễu hành từ nhà thờ Ranhxơ đến chùa Săngtơlu. Tôi ghê tởm những hôn lễ đê tiện. Cao tằng cố tổ ạ! Ít nhất cái ngày hôm đó
 Phải ngự trên thiên đàng chứ! Phải là thần linh chứ! Chao ôi! Muốn là gì cũng được: thần không trung, thần nô đùa, thần vui cười, hoặc là lính ngân khôi ngân giáp. Người ta là những galupia mà. Các bạn ạ, mỗi chú rể phải là một ông hoàng hoan lạc. Hãy nhân cơ hội có một không hai trong đời này mà bay bổng lên cõi thiên thanh với lũ thiên nga và chim ưng để hôm sau lại có thể rơi xuống thế giới của lũ ếch nhái tư sản. Đừng dè xẻn trên đám cưới, chớ cắt xén những huy hoàng sang trọng của nó. Chớ có đếm từng xu nhỏ trong cái ngày anh tràn ngập hào quang. Lễ tiệc không phải là việc nội trợ hàng ngày. Chao! Nếu ta được làm theo hứng thú của ta thì sẽ là. Chương trình của ta như sau: thanh niên và bạch ngân. Ta mời các thần thôn dã, các nữ thần rừng, nữ thần biển đến dự lễ. Một hôn lễ của các nữ thần Ăngphitơrít, một đám mây hồng, những thần nữ tóc vấn đẹp đẽ, hoàn toàn khỏa thân, một vị hàn lâm dâng thơ cho nữ thần, một cỗ xe có những con quái biển kéo.
Tơritông đi đầu, dùng tù và thổi.
Những tiến du dương khiến ai cũng bồi hồi bổi hổi.
Quả là một chương trình khánh tiết, đúng một chương trình khánh tiết, ta nói chẳng sai chút nào, mẹ kiếp!
Trong lúc lão cao hứng một mình nói một mình nghe như vậy thì Côdét và Mariuytx được tự do ngắm nhìn nhau đến say sưa.
Bà dì Gilơnormăng nhìn tất cả những cảnh ấy thản nhiên lạ lùng. Từ năm, sáu tháng nay, bà đã xúc động khá nhiều lần. Mariuytx trở về, Mariuytx máu me đầm đìa được khiêng về, Mariuytx khiêng ở một chiến lũy về, Mariuytx chết rồi lại sống dậy, Mariuytx làm lành với gia đình, Mariuytx đính hôn, Mariuytx lấy một con bé nghèo khổ, Mariuytx lấy một cô gái triệu phú. Lần cuối cùng bà ngạc nhiên là số tiền sáu mươi vạn phơrăng. Số tiền sáu mươi vạn ấy là niềm cảm xúc tối hậu. Sau đó bà lại lãnh đạm như trước kia. Bà lại đi lễ đều đặn, lại lần tràng hạt, lại cầu kinh những ngày lễ và những ngày chủ nhật, ba ngồi trong một xó nhà thì thầm đọc kinh “Kính Bà”, trong khi ở một xó khác người ta thì thầm “I love you”; bà lờ mờ nhìn thấy Mariuytx và Côdét như hai cái bóng. Nhưng chính bà mới là một cái bóng.
Có một lối khổ lạnh đến trì độn, tâm hồn người ta tê liệt, như vô tri, không biết là cuộc đời, chỉ trừ khi động đất hay khi tai biến, còn chẳng biết gì là tình cảm con người, vui sướng không, đau khổ cũng không.
Lão Gilơnormăng bảo con gái: - Cái lối sùng đạo ấy cũng như ngạt mũi vậy. Con chả biết mùi đời là cái gì. Không thấy thơm mà cũng chẳng thấy thối.
Dù sao thì sáu mươi vạn phơrăng cũng làm cho bà gái già thôi không phân vân nữa. Lão Gilơnormăng chẳng mấy khi đếm xỉa đến bà, nên việc cưới của Mariuytx, lão cũng chẳng hỏi ý kiến gì bà. Lão cứ làm theo lối bốc đồng của lão; từ một ông chúa chuyên chế lão trở thành một con người nô lệ, lão chỉ có độc một ý nghĩa là làm thỏa lòng Mariuytx. Còn bà dì kia, dù bà sờ sờ ra đấy hay có ý kiến gì, lão không thèm để ý tới. Dù lành như đất, bà dì cũng phải phật ý. Trong thâm tâm, bà cũng có phần phần uất, nhưng bề ngoài vẫn thản nhiên; bà tự bảo:  “Cha mình định đoạt việc cưới xin này không hỏi ý gì mình; mình sẽ giải quyết việc gia tài không hỏi gì cha mình”. Bởi vì bà dì giàu, còn ông bố thì không có gì, hẳn bà ta mặc kệ cho nó nghèo xác. Thây xác ông cháu. Đã cưới một con xơ xác thì cho xơ xác. Nhưng thấy Côdét có sáu mươi vạn, bà rất hài lòng; số tiền ấy thay đổi vị trí của bà trong gia đình đối với cặp tình nhân kia. Phải trọng cái số tiền sáu mươi vạn chứ! Và cố nhiên không thể không để gia tài cho họ được, bởi vì bây giờ họ không cần đến nữa.
Người ta thu xếp cho đôi vợ chồng ở trong buồng lão Gilơnormăng. Lão nhất định nhường cho họ cái buồng của lão, cái buồng đẹp nhất trong nhà. Lão nói: Có lẽ  tôi mới trẻ lại được. Đó là dự định cũ. Tôi vẫn định tổ chức cưới trong buồng của tôi. Lão cho kê ở trong buồng một đống những đồ lặt vặt cũ đỏm dáng. Lão cho căng một tấm vải rất to làm bằng trần nhà; miếng vải nguyên xấp, lão bảo hình như mua ở Utơrết, nền xanh tanh màu hoa mao lương, thêu hoa nhung màu hoa liên hình. Lão bảo tấm vải ấy là loại vải làm khăn trải giường của Ăngvi công tước phu nhân ở lâu đài Larốtsơ Guyông. Lão bày trên lò sưởi một bức tượng xứ Xaxơ nho nhỏ ôm con chó trên cái bụng tênh hênh.
Cái phòng sách của lão Gilơnormăng này dùng làm văn phòng trạng sư cho Mariuytx; ta còn nhớ hội đồng luật sư bắt trạng sư nào cũng phải có văn phòng riêng.

Truyện Những Người Khốn Khổ (2) LỜI GIỚI THIỆU PHẦN THỨ NHẤT - QUYỂN I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV QUYỂN II - Sa Ngã - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 QUYỂN III- TRONG NĂM 1817-Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX QUYỂN IV -GỬI TRỨNG CHO ÁC- Chương 1 Chương 2 Chương 3 QUYỂN V -XUỐNG DỐC -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XII Chương XII Chương XIII QUYỂN VI - GIAVE -Chương 1 Chương 2 QUYỂN VII - VỤ ÁN SĂNGMACHIƠ -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VIII- Hậu Quả -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V PHẦN THỨ HAI - CÔDÉT
QUYỂN I - OATECLÔ- Chương I
Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV Chương XV Chương XVI Chương XVII Chương XVIII QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG -Chương I Chương II Chương III QUYỂN III- GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN IV-CĂN NHÀ NÁT GORBÔ - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN V - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X QUYỂN VI - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII QUYỂN VIII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX PHẦN THỨ BA - MARIUYTX
QUYỂN I -Chương I & 2
Chương III & IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX, X Chương XI , XII Chương XIII QUYỂN II - NHÀ ĐẠI TƯ SẢN - Chương I & II Chương III & IV Chương IV & V Chương VI & VII QUYỂN III - ÔNG VÀ CHÁU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & IX QUYỂN IV - NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C - Chương 1 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 QUYỂN V - NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI - HAI NGÔI SAO GẶP NHAU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX QUYỂN VII- PATƠRÔNG MINET Chương I & II Chương III & IV QUYỂN VIII-ANH NHÀ NGHÈO BẤT HẢO- Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX , X Chương XI, XII Chương XIII, XIV Chương XV , XVI Chương XVII , XVIII Chương XIX Chương XX Chương XX (tt) Chương XXI & XXII PHẦN THỨ TƯ- TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
Quyển I MẤY TRANG SỬ - Chương I &II
Chương III Chương IV Chương V Chương VI QUYỂN II - Chương I Chương III & IV QUYỂN III- NGÔI NHÀ PHỐ PƠLUYMÊ Chương I Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII QUYỂN IV -NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP-Chương I & II QUYỂN V -ĐOẠN CUỐI VÀ ĐOẠN ĐẦU KHÁC NHAU-Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI -CHÚ BÉ GAVRỐT -Chương I Chương II Chương III QUYỂN VII Chương I Chương II Chương III Chương IV QUYỂN VIII Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN IX -Chương I -HỌ ĐI ĐÂU Chương II Chương III QUYỂN X - Chương I - NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1832 Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN XI - HẠT BỤI KẾT THÂN VỚI BÁO TÁP
Chương I & IIche en mảche)
Chương III & IV & V Chương VI QUYỂN XII - CÔ RANH
Chương I
Chương II Chương III Chương IV & V Chương VI Chương VII & VIII QUYỂN XVII - MARIUYTX TRONG BÓNG TỐI -
Chương I & II
Chương III QUYỂN XIV - NHỮNG NÉT VĨ ĐẠI CỦA THẤT VỌNG I
Chương I
Chương III & IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN XV PHỐ LÔMÁCMÊ
Chương I
Chương II Chương III &I V PHẦN THỨ NĂM - Jean Valjean- QUYỂN I CHIẾN TRANH GIỮA BỐN BỨC TƯỜNG
Chương I
Chương II & III Chương IV Chương V Chương VI Chương VIII Chương X & XI Chương XII & XIII Chương XIV & XV Chương XVI Chương XVII & XVIII Chương XIX & XX Chương XXI Chương XXII & XXIII Chương XXIV QUYỂN II- RUỘT GAN CON QUÁI KHỔNG LỒ
Chương I & II
Chương III & IV Chương V QUYỂN III - BÙN ĐẤY, NHƯNG LẠI LÀ TÂM HỒN
Chương I
Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII & IX Chương X & XII Chương XIII QUYỂN IV - QUYỂN V - Chương I & II QUYỂN V - Chương III & IV Chương V - VI Chương VII & VIII QUYỂN VI- ĐÊM TRẮNG I
Chương I
Chương II Chương III & IV QUYỂN VII - DỐC CẠN CHÉN TÂN TOAN
Chương I
Chương II QUYỂN VIII- BÓNG NGẢ HOÀNG HÔN I
Chương I
Chương II & III Chương IV QUYỂN IX - ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG, BÌNH MINH CUỐI CÙNG
Chương I & II
Chương III & IV Chương V Chương Kết