Chương 11

Sau bốn ngày lội bộ trong bùn đất và một ngày đứng trên tàu hoả, Linh trở về đến Hà Nội trong một buổi chiều cuối Đông heo hắt. Nhìn đồng hồ nhà ga mới hơn năm giờ chiều, nhưng sao cái cảm giác bơ vơ trong đêm cứ ám ảnh tâm trí nó. Từ đây về nhà, chỉ hơn năm mươi cây số. Đối với nó, 50 cây số không là gì cả, nó chỉ cuốc bộ một đêm thôi. Ở đấy, nó hiểu mẹ vẫn còn thương nó, thắc thỏm mong nó về từng ngày, từng giờ. Hai đứa em, thấy anh về, thế nào cũng loăn xoăn như hai con chó con chạy ra mừng rỡ, ríu rít. Nó sẽ ôm chúng vào lòng và nhận ở chúng những cử chỉ ngượng ngùng, bẽn lẽn…
Nhưng nó đã quyết không bao giờ trở lại ngôi nhà đó nữa. Nó sợ một cái bẫy. Cái bẫy vô hình nhưng nó cảm nhận rõ rệt như một sức mạnh thần bí. Đôi khi hiện về trước nó một bộ răng quỉ nhai rau ráu một cái sọ người. Nó run bắn lên và thét thật to. Nhưng con quỉ vẫn không tha nó. Nó vùng chạy. Nhưng hai chân bủn rủn, người đẫm mồ hôi. Con quỉ vừa ngoạm cái đầu lâu, vừa đuổi theo nó, Và khi vồ được nó, con quỉ nhe răng cười. Nó cười đầy thịt người. Khiếp đảm quá. Nó đứng lịm đi, nhìn thẳng vào mắt quỉ, chờ đời… “Đừng sợ, bố có làm gì đâu?”. Ôi con quỉ xưng bố và gọi nó bằng con. Giọng con quỉ nhẹ nhàng, từ tốn, thậm chí đầy tình thương.
Và cũng không hiểu từ lúc nào, quỉ ném cái đầu lâu, chùi máu trên mặt. Gương mặt trở nên sạch sẽ, nhẵn nhụi, hiền hoà. Dần dần, nó nhận ra đấy không phải quỉ nữa, mà là người, đúng hơn, đấy là bố Thuật….
Cơn mơ đã làm nó vã mồ hôi hột. Từ đấy, nó sợ cái ngôi biệt thự mà nó sống nhưng năm thiếu thời, thậm chí nó sợ cả mẹ, cả em. Nó nhận ra rằng, hơn ai hết, con người là giống quỉ, bởi chỉ có quỉ mới biết biến hoá, khi là ông Bụt, khi là tên đồ tể. Đối với nó bây giờ, con đường trở về nhà đầy dẫy nhựng vực thẳm – rơi xuống vực thẳm là rơi xuống tận cùng của cuộc đời.
Năm ấy Hà Nội đang có chiến tranh. Thỉnh thoảng dội nên giữa khung trời thanh bình tiếng cò báo động, nghe đến man dại. Bao nhiêu người hoảng hốt chạy đi tìm hầm. Nhưng riêng nó lại không thấy sợ. Bình tĩnh, nó đi qua đi lại trong một cái ga vắng vẻ, lưa thưa một vài người xuống tàu muộn, cùng với mấy nhân viên mang băng đỏ. So với cái trại giam nó vừa rời khỏi, nhà ga là một thiên đường đối với nó. Nó ao ước được đặt lưng ở một góc nào đó, đánh một giấc.
Bây giờ nó thấy nỗi mệt mỏi thấm vào xương cốt nó. Và đói nữa. Suốt từ sáng đến giờ nó chưa được ăn gì, cái dạ dày lép kẹp, cồn cào đến không chịu được. Thấy gì ăn được, nước giãi nó cứ tứa ra. Đi thẳng lại quầy mậu dịch, nó định mua một ổ bánh mì. Nhưng bà mậu dịch lại đuổi đi như xua một con chó ghẻ. Miệng thét, tay bà vung lên, đẩy ra…
- Không có gì đâu! Đi đi! Không có gì đâu! Bọn này từ trại nào ra mà nhiều thế không biết nữa. Rõ khốn nạn. Sống sao nổi với bọn chúng! Hở gì đớp nấy!
Nó không hiểu bà nói ai. Bởi lúc ấy cửa hàng bà chỉ có hai người, nó và một bà cụ ở quê ra.
- Bà nói ai thế? Nó thật thà hỏi lại.
Người đàn bà chạc tuổi mẹ nó, nhưng trông như một mụ phù thuỷ, hai súc thịt nơi má rung rung, mắt trợn tròn:
- Mày ngớ ngẩn không biết bà nói ai hả?
- Bà cho tôi mua một ổ bánh mì!
- Bà không “phục vụ” cho ngữ mày. Mày là một thứ quỉ!
- Bà nhầm rồi. Bây giờ thì nó đã bình tĩnh lại và nỗi tự ái làm nó quên cả cơn đói.
- Tao mà nhầm hả thằng quỉ sa tăng. Mày cút đi ngay! Mày nhìn gì tao? Mày định đớp gì đây? Quân khốn nạn, quân lưu manh, trộm cướp! Đồ ma vương, đồ quỉ dữ…
- Tôi đã bảo bà nhầm rồi.
- Nhầm! nhầm! Mày nói tao là quỉ hả? Ôi giời ơi! Bắt lấy nó. Nó ăn cắp! Quân ăn cướp! Mấy chú công an ơi! Cứu tôi với!
Tiếng bà kêu oang oang như sấm rền còn dễ sợ hơn cả tiếng còi báo động. Nó cũng muốn chạy, nhưng hai chân nó cứ chôn chặt một chỗ. Nó nhìn bà và cảm thấy buồn nôn. Giá bây giờ bà có bán cho nó một ổ nó cũng không buồn nhá nữa - nó kinh tởm lắm rồi.
Hai trật tự mang băng đỏ và một công an giắt khẩu K54 đã bước lại bao chặt lấy nó.
- Đi! Một mệnh lệnh, lạnh.
- Tôi mua bánh mì…
- Về đồn!
- Tôi không ăn cắp!
- Trói nó lại.
- Để tôi đi, không phải trói…Tôi không ăn cắp.
Nó bị tống vào một gian nhà kín như bưng, tường cao, mái bằng, không giường chiếu, không một mảnh chăn rách. Biết trong nhà có người, nhưng nó không nhận ra ai vì tối quá. Nó ngồi thu lu, xo mình trong một góc tường. Bức tường ẩm ướt, lạnh buốt. Nhưng mỏi quá nó phải dựa lưng vào đấy, chịu cái giá lạnh, cố hy vọng chờ nhà chức trách đến, nó sẽ khai rõ đầu đuôi.
Sao ở giữa Hà Nội, một trung tâm của Thủ đô như thế này mà người ta bắt người dễ hơn ở nhà quê bắt một con chó. Rùng minh, nó nghĩ đến cái trại giam nó vừa thoát khỏi, nghĩ đến con đường dài thăm thẳm, đất đỏ nhầy nhụa, dài tít tắp suốt mấy chục cây số, hai bên toàn những dãy núi đá hoa cương mà nó đã bì bõm suốt bốn ngày liền. Chưa một đứa nào thoát khỏi cái trại mà bố Thuật đã nói với mẹ nó đây là cái trường vừa học vừa làm. Mẹ nó vân tin đấy. Mai mỉa thế là cùng. Những người phụ nữ bao giờ cũng nhẹ dạ.
Có tiếng chân người bước lại gần. Một lúc sau nó mới nhận ra đấy là một người con gái, cũng chạc tuổi nó.
- Vừa “chôm” gì đấy?
Ngồi bệt xuống cạnh nó, cô gái nói một cách tự nhiên như hỏi một người bạn.
- Không! Nó đáp uể oải, bắt buộc.
- Đừng dối tớ nữa.
Linh mệt mỏi, định không trả lời. Nó hiểu đây là dân đầu đường xó chợ, đầu trộm đuôi cướp. Không hơi đâu mà dây vào lũ chúng nó. Nhưng một ý nghĩ khác lại loé lên, khuyên nó lên tìm hiểu đây là nơi nào, và những ai bị bắt vào đây? Biết đâu lại không có những người bị oan như nó. Đắn đo một lúc, nó hỏi:
- Đằng ấy vì sao phải vào đây?
- Làm đĩ.
Linh ớn lạnh. Câu trả lời gọn lỏn, không một chút ngượng ngùng. Lần đầu tiên nó nghe qua âm thanh một người con gái hai tiếng kinh tởm ấy một cách tự nhiên như hít thở khí trời vậy.
- Đằng ấy đùa với tớ đấy chứ?
- Vui sướng gì ở đây mà đùa.
- Mới bây nhớn đã đi làm cái việc nhục nhã ấy ư?
- Có gì là nhục nhã.
- Đằng ấy trơ trẽn quá…Thiếu gì việc lương thiện sao nỡ bán đi cái trinh trắng nhất của người con gái.
- Gì mà trơ trẽn…Đừng giả đạo đức, “ông nội”. Tớ chúa ghét mấy cha đạo đức giả. Mồm của ông Bụt nhưng cái ấy là của cụ Dê. Đằng ấy cán bộ gì?
- Không là cán bộ gì cả….Mới ở trại Phong Hoá ra.
- Phong Hoá, tớ hiểu rồi.
Phong Hoá rừng sâu rau má mọc
Đường đi chênh vênh vách đá dọc
- Đằng ấy có qua Phong Hoá rồi à?
- Không. Tội gì tớ phải vào đấy!
- Làm đĩ…mà còn….gì nữa.
- Làm đĩ là một cách mua bán sòng phẳng. Mình cần tiền, và người ta cần cái của mình. Thế thôi. Chẳng phải chôm chỉa của ai….Cái anh chôm chỉa như cậu mới là không sòng phẳng.
- Tớ mua bánh mì…Tớ có ăn cắp đâu.
- Đằng ấy có tiền?
- Không tiền sao gọi là mua.
- Thế mới gọi là chôm chỉa…Tớ không tin.
- Tớ không nói dối. Thằng Linh thật thà móc tiền ra trước cô gái.
- Đằng ấy chưa được ăn gì à?
- Suốt từ sáng đến giờ.
- Tớ còn bánh mì.
- Tớ không ăn của đằng ấy đâu.
- Đã bụi đời mà còn đẳng cấp. Đằng ấy quý tộc chắc?... Đã biết mùi mè chị em chưa? Tớ cho. Thôi ăn đi đã.
Cô gái dúi vào tay Linh ổ bánh mì như cục đá, rắn đanh và lạnh buốt. Nó phân vân, nhưng rồi bụng nó cồn lên những đợt sóng như cuốn nó vào giữa dòng thác của cơn đói thèm ăn.
- Đừng khách khí, được ăn, không mất tiền, không bị bắt, còn muốn gì nữa.
- Tớ trả tiền đằng ấy.
- Cậu muốn sòng phẳng, được thôi, tớ cũng muốn thế
Răng tốt, Linh gặm ổ bánh mì rồm rột nghe đến ngon miệng.
Đêm ấy, lần đầu tiên Linh ngủ bên một cô gái. Đúng ra cô bé đã ghì chặt lấy nó như một người mẹ che chở cho đứa con giữa cơn buốt giá của mùa đông Hà Nội. Nó tỉnh dậy khi có tiếng còi báo động. Cô gái vẫn riết lấy nó, giọng ngái ngủ.
- Đừng dậy, lạnh quá. Thằng Mỹ nó chẳng dại đem bom dội xuống chúng mình lần nữa đâu.
Bên ngoài đã nghe tiếng nhốn nháo, sôi động: tiếng réo gọi con của bà mẹ, tiếng còi rúc, tiếng la thét của cánh bảo vệ, tiếng chân chạy…
Linh hiểu người ta đang chạy tránh một cái chết bất ngờ, còn ở đây, chỉ cách nhau có bốn bức tường, cái chết như một thách thức đối với những con người đầy oan khiên., bất hạnh…
Sau này, không ngờ, cô gái lại trở thành người bạn thân nhất đời nó. Cô có cái tên rất bình dị: Sen – Nguyễn Thị Sen, vốn là một cháu ngoan Bác Hồ. Bố Sen, một kỹ sư, tốt nghiệp từ thời Pháp. Ông làm việc ở Viện khoa học. Suốt ngày ông lầm lũi với công trình khoa học của mình. Mẹ Sen là một nhà giáo. Sau Sen là ba đứa em giai, đứa nhỏ nhất lên sáu. Một quả bom đã dội đúng ngôi nhà của Sen. Hôm đó Sen vừa đưa đứa em đi sơ tán. Cái tin đau đớn không còn nước mắt để khóc nữa. Cuộc đời hai chị em lang thang. Cuối cùng, Sen đành phải gởi em về cho một bà dì ở quê - với điều kiện hàng tháng cô phải gửi tiền đầy đủ về cho bà.
Linh chợt nhận ra đời đầy những đau thương, và mỗi con người vào trại giam, đều chứa đựng những hoàn cảnh thật éo le. Nó ân hận về những ý nghĩ nặng nề đối với cô gái. Giá hoàn cảnh rơi vào nó, chắc nó cũng không biết chon con đường nào khác…
Cảm tình của cậu con trai bắt đầu bằng sự thông cảm và thương hại. Ngược lại người con gái có bản lĩnh không bao giờ chấp nhận sự thương hại của bất kỳ ai - kể cả người yêu. Tính tình cương trực, thậm chí ngang ngược, cô gái không bao giờ dung nạp sự dối trá.
Sau cái đêm hai đứa ôm nhau ngủ ấy, Linh phát hiện ra gói tiền mình dành dụm bao lâu nay bị mất. Tất nhiên, người đánh cắp không thể là ai khác ngoài Sen.
- Đằng ấy mất bao nhiêu?
- Một trăm năm mươi bảy đồng.
- Đằng ấy nghi tôi là đồ chôm chỉa.
- Tôi không dám nghĩ thế…Nhưng Sen thông cảm, còn ai vào đây nữa. Trước khi ngủ tôi còn sờ thấy.
- Tôi khốn nạn thế ư? Sen tự đấm vào ngực mình. Rồi, đứng phắt dậy, cô tụt hết quần áo ném vào mặt Linh, dang chân, dang tay nhìn chằm chặp vào mắt người con trai.
- Nắn bóp cho kỹ đi! Giọng cô phát ra, lạnh lùng, cay độc.
Thằng Linh hốt hoảng. Nó không hiểu sao cả. Thậm chí nó còn không dám đưa tay cầm bộ quần áo nữa huống là nắn bóp. Sợ đến phát sốt, phát rét, nó van vỉ:
- Thôi Sen ạ. Tôi xin lỗi….Mà tôi có dám nói, dám nghi ngờ gì bạn đâu.
- Được. Tớ sẽ tìm bằng ra cho đằng ấy.
Cô ấy vẫn chưa chịu mặc quần áo. Để nguyên thân thể nõn nà ấy, cô lùng sục lại phía bức tường đối diện, nơi hai cậu bụi đời đang ôm nhau ngủ, rất say.
- Dậy, đừng ngủ vờ.
Hai cậu con trai vẫn không cựa quậy.
- Tớ bảo, không dậy hả? Được, đừng có trách tớ ác. Nói xong Sen ngồi xuống, luồn hai bàn tay vào ống quần cụt của hai đứa, nắm chặt….lôi cả hai dậy. Đau quá, em van chị. Chị tha cho em!
- Đứng im, đứa nào nhúc nhích, tớ bóp cái, chết ngay không kịp thở….Đứa nào lấy tiền đằng kia?
- Dạ, em không!
- Em ngủ suốt từ tối đến giờ…
- Ngủ! Ngủ!
- Đau quá chị ơi!
- Chị ơi, em van chị, chết mất!
- Đứa nào? Không nói tớ bóp….
- Á, á…Dạ em xin trả.
Linh chứng kiến cảnh tra tấn rất lạ kỳ của cô gái.
- Tớ xin lỗi bạn…Vừa nói nó vừa đưa cho cô gái một phần số tiền của nó.
Sen lắc đầu và mặc quần áo vào.
- Linh để mà tiêu. Sen không lấy đâu…
Sen không nhận tôi buồn lắm. Không nhờ Sen, tôi mất sạch.
- Linh cho Sen là hạng người gì? Sen làm đĩ thật, nhưng còn nhân cách bằng vạn một số thằng đang ngồi trên ghế đệm ấy.
Thằng Linh không dám nài nỉ nữa. Nó phục một nhân cách.
- Liệu đến bao giờ họ thả chúng ta ra hả Sen? Linh ngờ nghệch hỏi.
- Còn lâu. Chuẩn bị vào trại thì có. Họ chờ tống vào đây cho đủ chuyến xe để họ chở đi.
- Nhưng tôi không ăn cắp. Sen biết đấy, tôi có tiền, tôi mua cơ mà.
- Nhà chức trách không cần biết điều ấy. Chỉ cần nhìn cái đầu trọc của cậu, cái gương mặt háu đói của cậu cộng với lời hô hoán là đủ lý do họ tống đằng ấy vào trại giam rồi.
- Vô lý quá.
- Cái lý đâu thuộc về chúng ta, lúc này nó thuộc về những ty có quyền kia chứ.
May mắn cho bọn chúng. Một quả bom dội gần đấy, đánh tung cánh cửa gỗ ra xa bức tường. Cả bốn đứa không có việc gì.
- Chạy thôi…
Sen nắm tay lôi Linh chạy ra ngoài giữa tiếng phản lực Mỹ gầm rú…
Bắt đầu từ đấy, thằng Linh sống cuộc đời khác hẳn: cuộc đời của những đứa bụi đời thật sự, lang thang không nhà, không cửa, bạ đâu ngủ đấy. Duy chỉ có điều nó không ăn cắp, không làm điều xằng bậy. Cô gái điếm đã trở thành bạn thân của nó, bày cho nó đến mậu dịch lấy bánh mì về bán ở ngay nhà ga. Có ngày nó kiếm cũng được vài đồng bạc. Ăn uống xong nó cũng dành dụm được một đồng.
Cuộc sống như thế, đối với nó cũng tạm ổn. Nó cảm thấy yên tâm, khỏi lo bị bắt vào trại lần nữa. Nhưng điều nó day dứt không lúc nào nguôi là mong mỏi tìm gặp được bác Phương, người bạn tri kỉ của bố Công nó. Gặp được bác nó sẽ lần tìm được ra bố đẻ nó. Nó tin chắc bố nó còn sống. Nhiều cơn mơ cho nó gặp bố Công, khi ông đang chỉ huy một trận đánh, khi ông đang hành quân…Đối với nó, những lần như thế là niềm hạnh phúc thiêng liêng.
Gặp bất kỳ chú bộ đội nào lớn tuổi, hai ba sao trở lên, nó đều tìm cách lân la dò hỏi. Nó hy vọng đấy có thể là bạn của bác Phương hoặc của bố nó. Nó làm công việc ấy âm thầm, lặng lẽ nhưng hết sức kiên trì. Chưa bao giờ nó cảm thấy nản.
Sen đi vắng vài ba hôm, lại trở về thăm nó. Cô dẫn nó đi ăn phở Ga, phở Sinh Từ, phở Lò Đúc…Những hiệu phở ngon có tiếng thời ấy.
- Tớ vừa chài được thằng cha vụ trưởng. Già nhưng chịu chơi. Nay tớ bao đằng ấy.
- Vụ trưởng mà lăng nhăng thế ư? Thằng Linh nghệch mặt lên, thật thà hỏi. Đối với nó, đã vụ trưởng thì phải hết sức nghiêm, thấy gái điếm là phải vội vàng quay mặt đi và căm thù…
- Cậu ngây thơ quá. Thằng đàn ông nào lại không háu gái đẹp, gái tơ. Đạo đức giả cả thôi, đằng ấy ạ. Cậu cam đoan gì, tớ chài cả thứ trưởng cho cậu xem. Đám ấy ăn uống sung sướng, vợ lại già, tắc tị…Thôi, chuyện của tớ nhăng nhít thế đấy…Còn cậu mấy hôm nay làm ăn ra sao?
- Đủ ăn..
- Nhờ giời mong được thế mãi.
- Sen định sống như thế suốt đời hay sao?
- Không. Tạm một thời gian đã. Phải kiếm một thằng nhân tình, già cũng được, giám đốc là thấp nhất, bộ trưởng hơi khó hoạt động, lừng chừng ở giữa là cục, vụ trưởng. Phải bắt chúng nó chia sẻ bớt cái sự sung sướng sang những kẽ khốn cùng như bọn mình chứ.
- Đừng làm thế, tớ thấy nó nhẫn tâm thế nào ấy.
- Lập trường giai cấp đằng ấy rõ ràng quá a. Tớ không ngờ đằng ấy lại thương hại bọn “đầy tớ” dân ăn trên ngồi trốc ấy.Toàn là bọn xu nịnh, trên bảo dưới vâng.
- Trong họ cũng có nhiều người tốt…Dù sao giấy rách cũng cố giữ lấy nề, Sen ạ.
- Khỏi lo. Đã rách cho rách luôn.
- Đằng ấy có thể kiếm sống như tớ. Dù sao cái nghề của tớ nó vẫn còn lương thiện.
- Chẳng có cái nghề nào lương thiện ở trong cái xã hội này cả, ngoài cái nghề làm anh cu li cho nhà nước và làm lãnh đạo không có cái đầu riêng. Đằng ấy là con buôn, tớ là con điếm, cả hai đều bị người ta khinh rẻ như nhau và đều có thể bị lôi vào nhà giam, vào các trại cải tạo bất kỳ khi nào.
- Nhưng mà…
- Không có nhưng gì hết.
- Cậu hơi ác!
- Đời ai người ta thiện với tớ…Ngay cái bà dì thuộc dòng họ tớ kia, nuôi một thằng cháu sáu - bảy tuổi mà cũng phải sòng phẳng với tớ, thiếu một hào cũng không được: mỗi tháng 30 đồng. Quà cáp không kể. Cộng tất cả các khoản bằng lương cán bộ đại học rồi…Cậu khuyên tớ sống như cậu, lấy gì tớ nuôi em. Chẳng lẽ lôi nó ra ném dưới sông à.
Từ đấy Linh im lặng. Cậu cảm thấy bất lực trước những lý lẽ kỳ cục của người bạn gái cùng lứa tuổi. Chẳng bao giờ Linh gặp một người con gái ngang ngạnh, thật thà tới mức trần trụi, có những ý nghĩ ngược đời, nhưng suy cho cùng, nhiều điều vẫn có cái lý riêng của nó. Con người ấy, tưởng không biết sợ ai, không biết coi ai ra gì, con người ấy tưởng không còn con tim…
Nhưng Linh đã nhầm. Có đêm lạnh, cô chuồi ra khỏi chiếc chăn hai đứa vẫn đắp, co người lại như con tôm, nghẹn ngào, đau đớn trong những dòng nước mắt. Những lúc ấy, dù Linh có năn nỉ, có an ủi vỗ về sao, cậu cũng không thể nào cạy răng Sen hé lấy một lời. Lấy chăn cậu đắp cho cô, cô lại tung ra.
Vào một lúc vui vẻ nhất, Linh lại hỏi:
- Đằng ấy có gì dấu tớ?
- Những lúc như thế, đằng ấy nên để mặc tớ. Tớ không thích ai thương hại đâu…
- Nhưng tớ rất sợ tiếng khóc của phụ nữ….
- Làm thằng con trai thế là hèn, chẳng cất nổi đầu lên để làm nên trò trống gì đâu…Và điều quan trọng là những con mụ đàn bà ấy sẽ hại cậu suốt đời. Nhớ nhé, đừng có nhẹ dạ, mềm yếu trước các mụ đàn bà.
- Tớ không thể nào hiểu đằng ấy được. Ác khẩu vừa vừa thôi, cậu à.
Hai tính cách khác hẳn nhau, thậm chí ngược chiều nhau, nhưng họ lại trở thành một đôi bạn chân tình trong những năm ngặt nghèo nhất trong cuộc đời mỗi người, họ đã dựa vào nhau, chia se với nhau từng niềm vui nhỏ bé và những nỗi buồn mênh mông.
Cứ vài hôm Sen lại trở về thăm Linh một lần ở ga Hàng Cỏ. Lần nào, Sen cũng mua cho bạn, khi tấm bánh, khi cái khăn mặt, cái bàn chải hoặc đôi dép…Có lần Sen tặng Linh cả một chiếc đồng hồ Vile của Thuỵ Sĩ.
Đêm nào bị công an và trật tự đuổi gắt, đôi bạn lại đưa nhau lền gầm cầu. Ở đấy là khu tuyệt cấm, bởi nó là mục tiêu quan trọng của máy bay Mỹ. Nhưng đối với Linh và Sen, nó là nơi an toàn nhất ít bị xua đuổi nhất. Đôi bạn lại trải một tấm nylon và quấn chung với nhau một chiếc chăn Nam Định. Họ lại tận hưởng với nhau những giây phút ấm áp nhất, tình cảm nhất. Cô gái lại ôm chàng trai vào khuôn ngực tròn trĩnh của mình, đặt lên đôi má cậu ta, lên đôi môi cậu ta những chiếc hôn mạnh mẽ…Những câu chuyện chảy dài theo tình cảm nồng thắm của hai người. Biết bao nhiêu chuyện mà họ đã gặp, đã va chạm trong cuộc đời. Và sáng hôm sau họ lại chia tay….
- Tớ rất ghét những cuộc chia tay bịn rịn, Một lần Sen nói với Linh.
Linh, ngược lại, những cuộc chia tay bao giờ cũng làm cậu xao xuyến, buồn buồn. Đứng im lìm như ngọn cây trước buổi trưa hè đứng gió, mắt dõi theo từng bước chân của người bạn gái, lòng rười rượi… Cậu luôn cảm giác như có cái gì vừa rứt ra khỏi mảnh tâm hồn trễ tràng của cậu, khiến cậu băn khoăn, khiến cậu xốn xang.
Đối với Linh, Sen vẫn là một khối đầy bí mật. Hơn nửa năm sống với nhau trong tình bạn man dại, cậu cũng chỉ bắt được một phần mười tính cách của người con gái. Nhưng rồi chính Linh cũng tự thú: “ Không, Sen không phải là cô gái lúc nào cũng chỉ đùa với cuộc đời, ngược lại nàng là một cô gái sống chủ yếu bằng nội tâm, bằng chiều sâu của con người. Cô ấy có một trái tim dễ rung động. Ta đã cảm nhận từng rung động của con tim ấy qua những trăn trở, thao thức….Chỉ có điều nàng có một sức mạnh riêng của mình, sức mạnh của lý trí. Nàng đã lấy lý trí ấy che đậy chính con tim bị rớm máu của nàng”.
Sau này trong cuốn nhật ký của Linh mà bạn bè tìm được có nhiều đoạn đầy trân trọng về người con gái làm tiền này: “…Đối với tôi, Sen là cứu cánh, là niềm tin là một cái gì đấy vô cùng cao cả, vô cùng thiêng liêng. Cô ấy đã đến với tôi thật thà đến trần trụi, trong lúc tôi đang chơi vơi như người chết đuối giữa dòng. Sen đã cho tôi biết rõ hơn mặt sau của cuộc đời. Nó cũng nhầy nhụa và hôi tanh như những vũng bùn mới hốt từ dưới cống lên. Tôi không muốn em chìm ngập trong ấy. Nhưng em lại luôn tự hào rằng, em sòng phẳng. Em cho rằng: em trong sạch hơn những thằng cán bộ suốt đời chỉ biết ăn quỵt và nói phét. Đấy là những loại đạo đức giả, luôn khuyên nhủ dạy bảo người ta vươn tới một cái chủ nghĩa thật cao đẹp, trong khi chính họ lại sống trần trụi đầy những ham muốn thấp hèn.
Cái nghề “con buôn” vặt vãnh của anh, không cho anh thấy được gì đầy đủ đâu. Còn em, em thấy từng cái lỗ chân lông bẩn thỉu của nhừng thằng đạo đức giả ấy”. Một lần nào đấy, em đã tâm sự với tôi như thế.
Chúng tôi sống với nhau trong tình bạn cao cả và cũng thật khó hiểu với người đời, cho đến lúc tôi gặp một người con gái mặt mũi bơ phờ, chạy qua chạy về như một người điên ở giữa sân ga Hà Nội, con người sau này đã trở thành vợ tôi. Từ đấy tôi xa em…