Chương 19

Sen đã trở ra Hà Nội trong đoàn anh hùng và chiến sĩ thi đua. Trước khi đi báo cáo thành tích về việc ba năm liền lãnh đạo trung đội cung đường trọng điểm có hai con ngầm, mục tiêu thường trực của bọn F Mỹ, cô được về thăm cậu em ruột.
Cô ngỡ ngàng, đứng lúc lâu, mới nhận ra một cách chắc chắn rằng, người con trai kia là cậu em mà cô đã một thời bán cả những gì trinh trắng nhất của mình để nuôi nó. Cậu cao lớn ngang chị. Da hơi ngăm đen, nhưng gương mặt thông minh, trán dô, mắt đen, sâu và lanh lợi…
Sen tra hỏi bà dì vì sao ba không cần số tiền của cô gởi về nữa. Bà dì im lặng, lúng túng, nhưng cuối cùng đành phải thú thật rằng có anh bộ đội, đi nạng, tìm đến tận nhà. Anh ta nhận là người trong đơn vị của Sen, một người bạn rất thân của cháu bà. Người con trai ở lại chơi với bà một ngày một đêm. Trước khi lên đường trở lại đơn vị, anh đã gởi cho bà một số tiền và nói đấy là tiền của đơn vị trợ cấp cho cháu bà để lo cho thằng em. Anh chỉ yêu cầu bà viết thư cho Sen, khuyên cô giữ sức khỏe và đừng gởi tiền về nữa. Và từ đấy, anh giữ đúng lời hứa cứ ba tháng một lần, anh gởi tiền đều đặn cho bà theo đường bưu điện.
-Anh ấy người như thế nào? Sen ngạc nhiên hỏi.
-Ủa. Dì tưởng anh ấy là người đơn vị cháu.
-Không phải. Anh ấy ở đâu dì có biết không?
-Không. Làm sao lại có chuyện kỳ lạ thế này, dì không sao hiểu được cả.
-Dì còn giữ cái giấy chuyển tiền nào của anh ấy không?
-Dì giữ làm gì những thứ ấy… À, mà hình như còn một cái anh ấy gởi cách đây mươi hôm…
Phải đến hơn một tiếng đồng hồ sau, bà mới tìm được cái mảnh giấy lẫn lộn trong đống quần áo cũ. Và từ cái dấu bưu điện đen mờ trên cái mảnh giấy nhàu nát ấy, Sen đã lần về một tỉnh vùng biên giới tìm vào trại thương binh… Cô tin chắc người gởi tiền giúp cô đang ở đấy.
Cuộc tìm kiếm công phu và kiên nhẫn đã giúp cô “bắt” gặp người ân nhân muốn giấu tên kia chính là anh bạn bụi đời đã bao nhiêu đêm nằm gầm cần với cô: Vũ Linh.
Linh ngượng ngùng và bối rối khi gặp lại người bạn gái năm xưa… Cô gái vốn cứng rắn và từng trải đã không kìm giữ được xúc động khi nhìn đôi nạng khó nhọc chống đỡ cái thân hình gầy yếu và xanh xao của bạn.
-Sao Linh giấu tôi? Cô gái hỏi thẳng người con trai khi hai người cùng đi với nhau ra phía cổng trại.
-Không phải với Sen, mà với tất cả bạn bè và người thân, tôi không muốn ai biết tôi tàn phế. Cũng như Sen, tôi rất sợ lòng thương hại của người khác.
-Sen nghĩ, cuộc sống bụi đời đã giúp chúng mình hiểu nhau, nhưng bây giờ thì tôi mới vỡ nhẽ: Linh chẳng hiểu gì Sen cả. Tại sao Sen lại thương hại Linh. Linh cao đẹp hơn nhiều những gì Linh nghĩ về mình. Sen nghĩ, có thể hơi quá một chút, Linh nhân cách hơn nhiều cái nhà lãnh đạo mà một con điếm như mình đã từ chối tiếp. Nhiều đêm Sen nghĩ, tìm một người như Linh thật khó hơn nhiều cái ông bố Thuận “đạo đức” và đầy quyền lực kia. Không biết giấu diếm, không biết che đậy tình cảm mình, Linh biết tính Sen rồi đấy. Sen rất quí trọng và cả yêu Linh nữa. Nhưng nghĩ lại, Sen thấy mình không xứng đáng với tình yêu ấy. Bởi một điều đơn giản, cái quí nhất của người con gái – theo quan niệm đương thời – Sen đã bán đi rồi. Nhưng Sen sẽ nguyện làm một người bạn trung thành suốt đời của Linh…
-Bây giờ thì Linh không thể yêu ai được nữa cả. Sen ạ. Linh không muốn mình trở thành gánh nặng cho một ai cả… Đôi lúc tớ nghĩ, đã là con người có lòng tự trọng thì phải biết kết thúc cuộc đời đúng lúc…
Hai người dừng lại bờ một con suối. Đấy là một buổi chiều cuối thu, mặt trời buồn bã rắc những sợi tơ vàng vương vấn trên dòng nước đang thầm thì to nhỏ… Những cây lau trổ cờ bạc phéch dọc hai bên bờ suối đá, như những người bạn vô duyên. Con suối ở đoạn này hẹp lòng, nước dồn nén, khó chịu thúc qua các tảng đá. Cái âm thanh nghe đến bực bội, nhức nhối. Chỉ có những bông hoa mua tim tím êm ả là những nét chấm nhỏ còn có vẻ trữ tình.
Linh bỏ đôi nạng gỗ còn mới xuống đám cỏ mat, cả hai cùng ngồi. Trong một lúc, họ nhìn thẳng vào nhau.
-Linh nhìn cho thật kỹ Sen đi… Nhìn kỹ rồi hãy tin Sen. Và nếu như Linh tin thì Linh phải có trách nhiệm về những gì người ta đã dựng lên và vu khống bố Công của Linh và cả Linh nữa. Phải tìm cho ra thủ phạm, tìm cho ra nguồn gốc của mọi tội lỗi trên cõi đời này, phải tìm cho ra những tên khốn nạn và đểu giả đang núp trong tấm màn nhung rực rỡ của Đảng kia, phải lôi chúng ra, bôi vôi vào trán chúng, đừng cho chúng lẫn lộn với những người lương thiện… Đừng bi quan quá, Linh ạ.
-Sen đừng cưới Linh nhé. Đã bao nhiêu lần Linh ra ngồi bên dòng suối này… Linh nghĩ ngợi nhiều lắm. Có lúc Linh đã đứng dậy và nhìn những bông hoa mua tim tím kia và ghen với nó, bởi dẫu sao nó vẫn còn làm cho con suối vốn hoang dã này đẹp hơn. Còn tớ, không còn ích gì cho đời nữa. Tớ là hòn đá trơ trẽn nằm giữa dòng suối kia, tớ chỉ là vật cản… Lúc ấy tớ cúi đầu xuống, nhẫn nhục chịu tội với bố, với mẹ, với bạn bè, người thân… Nhưng Sen biết Linh nghĩ thế nào không? Không phải tớ nghĩ cần phải sống để trả thù cho bố tớ đây. Không, không phải như thế, Sen ạ. Thật đấy. Lúc ấy Linh nghĩ, mình phải có trách nhiệm nuôi thằng em của Sen cho đến lúc nó vào đại học và tớ sẽ chạy chọt xin học bổng cho nó. Phải để cho Sen công tác thật tốt, không phải bận tâm việc gia đình em út nữa. Ít có một người chị chăm chút hết lòng với em mình như Sen. Đúng là hết mình…
-Linh làm Sen thật khó nghĩ. Linh có hơn gì Sen đâu…
-Nhưng dù sao Linh cũng là con trai. Linh có thể hạn chế những chi tiêu trong sinh hoạt… Còn Sen khac…
-Điều đáng nói không phải chỗ ấy, mà ở cái tình của Linh đối với Sen kia… Nếu Linh không chối từ, mình nhận làm vợ Linh.
-Đừng nói thế Sen ạ. Mình không bao giờ xứng đáng với Sen nữa đâu. Cuộc đời của một thằng thương binh như mình còn có ích gì cho ai, nếu không phải là gánh nặng cho người thân.
-Sen không hề nghĩ thế. Sen sẽ rất tự hào, rất kiêu hãnh được sống với Linh.
-Thôi, ta không nên nói chuyện ấy nữa. Chúng ta hãy sống với nhau trong mối quan hệ lâu nay chúng ta đã sống, quan hệ bạn bè. Linh sẽ không bao giờ muốn cột chặt cái thân tàn phế của mình cho một người con gái nào cả, mình không muốn làm cái gánh nặng cho một ai…
-Tùy Linh. Mình sao cũng được. Mình biết Linh chê mình… gì rồi.
-Sen đừng nói thế. Linh khổ tâm lắm… Mình đã là một thằng bụi đời ngủ gầm cầu còn chê ai nữa.
-Linh có hứa với mình là đừng bao giờ có ý nghĩ dại dột muốn tự vẫn nữa không?
-Biết nói thế nào được khi con người không còn sức chiến đấu, không còn khả năng làm việc nữa. Cuộc đời của mỉnh là một món nợ của xã hội. Thiều sự cưu mang của xã hội, mình sẽ không sống được… Nhưng trước mắt, như mình đã hứa với mình, mình sẽ sống để lo giúp Sen nuôi thằng Súng đến tuổi vào đại học.
Sen im lặng. Cô hiểu không thể nào từ chối tấm lòng tốt của Linh trong lúc này. Cậu ấy có thể nhảy xuống dòng suối này bất kỳ lúc nào, nếu thấy đời mình trở nên vô ích. Cô nói:
-Linh cho mình góp một nửa cho em mình. Chu cấp cả phần quả mình không kham nổi. Nhưng một nửa thì được. Trợ cấp của tớ bây giờ cũng khá hơn trước. Gần đây tớ được bầu chiến sĩ thi đua, đơn vị cũng thưởng cho một số tiền…
Linh im lặng.
Là người lình, cô hiểu, số tiền trợ cấp, kể cả trợ cấp thương tật của Linh cũng chẳng được là bao. Cũng như cô, Linh đã tằn tiên, chắt chiu từng đồng, từng hào để có tiền giúp thằng em Sen. Cô hiểu điều ấy là mục đích sống của Linh. Nếu không, cậu ấy sẽ chối từ cuộc sống này. Đối với cậu, điều ấy không có gì khó.
Mặc dù vậy, nhiều lúc Sen vẫn tự sỉ vả mình, tại sao lại viết cho Linh một bức thư đầy khổ hạnh như thế. Chẳng nhẽ Sen đi cầu xin xa xôi cái sự cưu mang của Linh ư? Không, cô hoàn toàn không có ý nghĩ ấy. Từ lâu, Sen vẫn xem Linh là người con trai thân nhất của cô và hồi ấy, cô hiểu, do một sự thôi thúc nào đấy trong tình cảm, cô đã phải để cho ngòi bút kéo ý nghĩ mình chạy đi. Và khi đã chia sẽ với bạn, cô cảm thấy lòng vợi đi những ưu tư. Cô không quen đọc lại thư mình viết ra. Cô sợ thấy lại chính mình thật quá…
Vốn sòng phẳng, cô không thể chấp nhận cái sự cưu mang của Linh. Nhưng nghĩ lại, cô đành phải nhẫn nhục im lặng. Cô không thể xóa đi cái mục đích sống của Linh. Con người có nhân cách là thế đấy, bao giờ củng tìm cho mình cái ý nghĩa tồn tại của chính mình. Và như thế, lương tâm mình sẽ thanh thản, sẽ nhẹ nhõm và mỗi khi nhìn vào mặt bạn bè và đồng đội, mình không thấy hổ thẹn. Con người có nhân cách là con người biết tự hổ thẹn.
-Thôi được, Sen nói, đôi mắt nhìn thẳng vào anh con trai, trước mắt hẵng thế. Tớ ở ngoài này một thời gian ngắn thôi. Công việc trong kia vất vả lắm. Thương anh chị em mình. Thật lòng tớ không muốn đi một tí nào cả. Nhưng cái anh cán bộ tuyên truyền, cái anh cán bộ thi đua cứ bắt mình phải đi, đi ra mà báo cáo thành tích… Mình chúa ghét cái trò này, nó hình thức thế nào ấy. Nhưng thú thật, mình cũng muốn kết hợp ra tìm hiểu vì sao cái bà dì Tênátđiê của mình bỗng chốc lại biến thành ông Giăng van Giăng(1). Tớ nghĩ mãi, lực vấn mình mãi, tìm hết mọi câu trả lời, nhưng vẫn không giải thích được…
-Trước đây, khi lá thư được gởi đi – Sen lại tiếp – chờ mãi không thấy cậu trả lời, quả thật tớ rất lo. Tình cảm của cậu đối với tớ thế nào, tớ biết. Chắc chắn nếu nhận được thư tớ, cậu sẽ trả lời ngay. Mình lo… Linh không còn nữa. Nhưng như thế này là may rồi. Mình không mất một người bạn tốt, một người bạn có thể tâm tình được và trái đất này, vẫn còn giữ được một nhân cách.
Tớ sẽ nói thằng em tớ đến đây thăm cậu. Cậu đã đối xử với nó quá tốt.
-Thôi Sen ạ. Đừng bắt nó trả ơn sớm quá. Mình hoàn toàn không muốn như thế. Thật lòng đấy. Hãy để nó yên tâm học hành đến nơi đến chốn. Đi lại, có phải gần gũi gì cho cam, vừa mất thì giờ học của cậu ấy vừa tốn kém.
-Đấy không phải là thì giờ, đấy không phải là tốn kém. Đấy là tình cảm, Linh ạ. Mà đã là tình cảm thì không thể so sánh được. Linh đâu phải là loại người chịu đặt tình cảm lên đĩa cân… Cậu em mình rất quí, rất trọng Linh. Nó gần được Linh, mình yên tâm lắm. Tuy lớn xác thế, nhưng nó ngộc nghệch lắm, chẳng như chúng mình bằng tuổi nó đâu. Linh đồng ý với mình như thế nhé.
-Vâng.
-Linh còn ở đây bao lâu nữa?
-Thật tình mình chưa biết về đâu và sống bằng cách gì… Đôi lúc nghĩ: hay trở về cái ga Hàng Cỏ, và lại một thúng bánh mì đội trên đầu… Xót quá! Nghĩ mà thương cho cái thân phận hẩm hiu…
Một lần, hồi còn ở chiến trường, bác Phương có đến tìm mình. Không biết tại sao ông biết mình vào Trường Sơn và ở đấy. Mình tin chắc, tình cờ, có ai nhắc đến tên mình và ông hỏi dần… Hoặc mẹ mình nhờ ông tìm hộ… Hoặc là… Nhưng rất tiếc là hôm ấy mình đi lãnh thuốc trên y tế sư đoàn. Và ông cũng không để lại cho mình địa chỉ. Mọi người cho biết, ông trên đường đi vào, chuẩn bị cho một chiến dịch mới. Xem ông có vẻ vội vã. Gặp ông thể nào mình cũng lần ra bố mình. Một con người trung thực, khổ cả một đời. Càng nghĩ, càng dứt ruột… Chẳng biết chiến tranh chấm dứt, người ta lại làm những cuộc “cách mạng” gì nữa để rồi lại sa vào tội lỗi…Và những người trung thực lại phải rời khỏi Đảng. Những kẻ cơ hội, bọn nịnh thần thời nào cái lưỡi cũng dài hơn tấm lòng, lại lộng hành, lại nhân danh Đảng…
Linh dừng lại, mệt mỏi chống hai tay ra sau. Anh lại nhìn người bạn gái cuộc đời củng hẩm hiu như anh, nói:
-Trông Sen hồi này rắn rỏi hơn… Mình mất nhiều máu quá. Nhưng vẫn còn hai vết thương chưa lấy được mảnh ra. Dù sao bom đạn và con người cũng không thể song song tồn tại trong một “môi trường” được. Thế nào cũng phải lên bàn mổ một vài lần nữa. Phải lấy nó ra và gởi tặng cho những nhà bác học…
-Cậu vẫn là cậu, y hệt Actơ(2). Khổ nhục đến thế, đau đớn tật nguyền đến thế vẫn cứ như không, vẫn cứ khôi hài được.
-Mình không rõ ý nghĩa của cái nét khôi hài trong tính cách của “Ruồi trâu” ấy là gì. Nhưng riêng mình, mình nghĩ, nếu trong lúc nào đấy mình có mang cái nét khôi hài kia, thì đấy cũng chỉ là cái vỏ để che đậy những đau đớn, những dằn vặt của số phận mà mình đang gánh chịu. Thế thôi, Sen ạ. Tránh nỗi khổ,  phải tìm đến niềm vui, tất nhiên làm gì có niềm vui thật sự đối với những người như mình. Cái trái dòng của tâm trạng con người là thế đấy. Nhưng dù sao mình cũng rất mê Ruồi râu.
-Sen còn ở ngoài này bao lâu nữa?
-Khoảng hai mươi hôm. Trong chương trình, đoàn mình có về báo cáo ở tỉnh của bố dượng cậu lãnh đạo đấy… Lại một nghịch lý cuộc đời nữa đây. Không hiểu lúc mình đứng trước micrô, ông ấy sẽ nhìn mình như thế nào nhỉ.
-Lúc ấy ông ở cương vị một nhà lãnh đạo rồi. Tất nhiên là gương mặt phải hồ hởi, đầu luôn gậ và mắt lấp lánh niềm thông cảm, khâm phục…
-Thế nào ông ấy cũng lên bắt tay, tặng hoa…Cậu đồng ý để tớ hôn nhà lãnh đạo ấy một cái như cái hôn năm nào trong nhà thổ cao cấp ấy nhé.
-Dù sao cũng phải giữ thể diện, không phải cho ông ấy mà cho chính ta, Sen ạ…Có điều này, mình mong Sen đừng lộ cho bất cứ một ai, ngay cả mẹ mình biết về mình. Mình nhớ mẹ lắm. Cả hai đứa em mình nữa… Nhưng thôi, đừng làm cho bà lo lắng thêm vì mình.
-Tớ hiểu…
-Cậu đã chuẩn bị báo cáo chưa?
-Không. Chẳng phải chuẩn bị gì đâu. Mấy ông thì đua viết, mình đọc. Thế thôi… Tớ kể cho cậu nghe câu chuyện khôi hài một tí cho vui. Nhưng là chuyện thật đấy nhé. Trong đoàn mình có một chiến sĩ. Anh ta leo lên cột cờ của một đồn địch, giật lá cờ ba que xuống và cầm là cờ mặt trận tung lên. Đạn thù bắn như mưa. Nhưng người chiến sĩ vẫn ôm chặt lấy cột cớ, và lá cờ cách mạng vẫn tung bay trước gió. Khí thế quân mình lên rất mạnh. Tất cả ào lên và chiếm được đồn giặc. Và điều may mắn, anh còn sống. Sau chiến thắng, mọi người vây lại công kênh anh lên và tất cả đều tôn anh là anh hùng. Anh được bồi dưỡng, được đưa ra Hà Nội báo cáo điển hình. Anh được đến gặp một đồng chí lạnh đạo. Trong buổi lễ đón tiếp long trọng, nhà lãnh đạo hỏi:
-Đồng chí nghĩ như thế nào mà vẫn không rời vị trí khi đạn thù xối như mưa?
Người chiến sĩ suy nghĩ một lúc và trả lời.
-Dạ, báo cáo đồng chí, lúc ấy em sợ chết quá. Và vì vậy em cứ ôm quíu lấy cột cờ…
Người chiến sĩ thật thà ấy bị mấy anh cán bộ thi đua giũa cho một trận và, tất nhiên cái danh hiệu anh hùng cũng mất luôn.
-Đấy là một chiến sĩ dũng cảm và có nhân cách.
-Nếu như Linh, Linh sẽ trả lời với nhà lãnh đạo kia ra sao?
-Mình cũng sẽ trả lời như thế - mình coi trọng cái nhân cách hơn là cái danh hiệu anh hùng… Nếu phải báo cáo thành tích, Sen nên nói tất cả sự thật, cái dũng cảm, mưu trí và cả cái hèn nhát, ti tiện… Con người là một hợp thể những cái ngược chiều ấy.
-Đúng như thế. Có phải lúc nào mình cũng chỉ dũng cảm, cũng không sợ chết đâu. Nhiều lúc nghĩ mình quần quật suốt ngày đêm thế này để làm gì? Có phải để cho mấy thằng cha chủ nhiệm thi đua nhau sắm đài, mua xe, xây nhà và ăn nhậu… Lúc ấy nản lắm, thủ trưởng đơn vị có gọi, mình cáo ốm liền. Nhưng được cái, mình nghĩ lại, nhiệm vụ cứ phải làm cái đã. Mấy thằng cha ấy sẽ tính sau. Đảng chưa thấy thì dân cho chúng sẽ thấy…
-Đúng thế, Sen ạ. Ta có thói quen hay lý tưởng hóa người anh hùng.
Trong đoàn mình, có một đại đội trưởng sắp được phong anh hùng. Tay ấy giỏi thật. Dũng cảm đã đành mà mưu lược một cây. Nghe tên anh ta là giặc sợ run lên rồi. Thế nhưng đem nào anh ta cũng đòi ngủ với mình. Tất nhiên không vì thế mà mình coi thường anh ta. Ngược lại rất quí, bởi anh ta rất thật. Anh ấy nói với mình rằng không có cái “món” ấy anh không chịu nổi. Mình sẽ giử kín cho anh ta và anh ta chắc được phong anh hùng.
Chiều xuống nhanh. Sương buông nhè nhẹ trên các chóp núi đá. Hoàng hôn tim tím trên dòng suối. Không khí sẽ dần lại, lành lạnh. Cả hai đều không để ý đến thời gian. Họ vẫn ngồi, vẫn trò chuyện tâm tình cho đến lúc chiều sẫm lại và cái màn hắc nhung rập rờn rũ xuống không gian. Lúc ấy họ mới đứng dậy. Linh khó nhọc dựa trên đôi nạng gỗ khua trên con đường đá gỗ ghề dẫn về trại điều dưỡng nghe nặng nề, buồn cô đơn.
Họ dừng lại ở một ngã ba. Một lần nữa họ nhìn thẳng vào nhau. Cả hai đều thấy bịn rịn. Chẳng biết họ có còn gặp lại nhau nữa không. Cuộc chiến tranh vẫn đang giữa hồi ác liệt…
-Sen đi nhé.
Sen quờ tìm bàn tay bạn:
-Chúc Linh chóng hồi phục. Nhớ thư đều cho Sen nhé…
Nhưng rồi cả hai không ai dám bước trước…
Người con gái linh cảm như đây là lần gặp nhau cuối cùng. Cô nhận ra, lần đầu tiên trong đời, trái tim cô như bị ai vò xé… Và để chống lại sự mềm yếu của mình cô ôm chầm lấy anh, hôn lên hai mà anh hai nụ hôn mạnh mẽ, nồng nàn. Và cô chợt hiểu, đây là những nụ hôn thật nhất trong đời cô.
-Thôi, em đi…
Cái tiếng “em” lần đầu tiên bật ra trên đôi môi bướng bỉnh của cô. Và cô hoàn toàn không nghĩ rằng, đấy là tiếng em duy nhất trong đời cô dành cho anh.
Cô đi một lúc lâu, dừng lại vẫn thấy Linh đứng như chôn chân một chỗ, trên đôi nạng gỗ, dáng hơi nghiêng về phía trước. người con gái hiểu rằng anh vẫn đang nhìn cô. Tự nhiên cô thấy mình bủn rủn. Nỗi xúc động làm cô rơi nước mắt. Và cô cứ để yên cho những dòng chảy ấy tự nhiên…
Ai cũng nghĩ rằng cô là người con gái cứng rắn, gần như không còn biết rung động trước bất kỳ người con trai nào. Giá lúc này đây gặp cô, chắc họ sẽ hiểu, có người con gái nào lại không mềm yếu trước người con trai mình yêu.
Cô lo sợ, một nỗi lo sợ gần như nỗi hoảng hốt về thân phận người bạn trai duy nhất mà cô kính trọng và vì nể kia. Không hiểu anh ta sẽ xử sự cuộc đời mình sao đây. Anh sẽ không bao giờ về lại ngôi nhà quyền quí cao sang kia nữa. Điều ấy là hiển nhiên. Và cũng chắc chắn, anh cũng sẽ không thể nào quay lại cái ga Hàng Cỏ với thúng bánh mì khô cứng lạnh băng ấy nữa. Với lòng tự trọng, anh không bao giờ nhận sự giúp đỡ cưu mang của một ai…
Nhẽ nào đây là lần gặp nhau cuối cùng… Sen thấy tim mình nhói buốt. Cô không dám nghĩ đến điều chua chát ấy nữa. Nhưng dường như những điều bất hạnh thường bám dai dẳng trong tâm trí hơn bất cứ những gì vui vẻ.
Hai người vẫn đứng im lìm giữa khung trời vùng rừng ăm ắp hơi lạnh của đêm. Họ vẫn hướng về nhau cho đến khi cả hai không ai còn thấy ai…