Chương Kết

Cho đến hôm nay, tôi vẫn cho rằng mình la người may mắn đã tìm gặp được bà Trang, bà trạc bốn mươi. Sau bao nhiêu năm âm thầm chịu những đau thương, đổ vỡ, bà vẫn giữ cho mình một dáng người thuôn thả, khuôn mặt phúc hậu và làn da mịn. Nhìn kỹ mới nhận ra nét đẹp duyên dáng và kín đáo từ nơi đôi mắt đen và buồn, từ đôi lông mày mềm mại như hai nét vẽ thanh tú của một họa sĩ vẽ chân dung tài hoa. Đôi môi bà lúc nào cũng như có một lớp son mỏng trông hấp dẫn.
Nhìn bà, tôi vẫn nhận ra có cái gì đấy rất Hà Nội, rất trí thức, lịch lãm, tế nhị…
Bà tiếp tôi ở số nhà… đường Phan Thanh Giản(4). Đây là ngôi nhà cô em chồng cũ của bà. Chồng cô em là một thương gia, đã mất trước giải phóng Sài Gòn hơn một năm. Hai con trai bà đang học ở Pháp. Gia đình còn hai mẹ con – bà và một cô gái út 14 tuổi.
Lúc đầu nhìn thấy tôi bà rất vui, tưởng đây là bạn cùng đơn vị với chồng bà. Nhưng khi biết mình nhầm, bà hơi thất vọng.
-Mong anh thông cảm. Tôi không muốn gợi lại cái vết thương mà tôi đã chịu bao lâu nay. Đúng là… một nhát dao chém vào tim. Nhưng anh đã đến đây, tôi không nỡ từ chối. Bà dừng lại một lúc rồi tiếp:
-Nhưng sao anh biết tôi ở đây?
-Chị Loan… chắc bà biết chị ấy.
-Vâng. Đấy là một nhân chứng, là con người của bi kịch. Cuộc đời của cô ấy cũng y như cuộc đời thằng Linh nhà tôi. Đúng là những đứa con rơi của… Chúa. Mời anh xơi nước. Nước vối quê chồng tôi đấy.
-Bà có đi dạo?
-Buồn quá, thỉnh thoảng tôi vẫn đi nhà thờ với cô em chồng. Tôi nghĩ, trong lúc tâm trạng như thế này, cũng nên tìm đến một cái gì đấy để bấu víu linh hồn mình. Tôi không phải người cộng sản và vì thế tôi muốn đến với Chúa.
-Bà đã tìm đến nơi an nghỉ cuối cùng của ông nhà?
-Vâng. Tôi đã đến đấy. Anh đã qua Trảng Bàng chưa? Ông nhà tôi nằm ở đấy, không xa con lộ số 1(5). Tôi đã tìm gần suốt buổi. Có đến hàng trăm ngôi mộ. Tôi xem từng tấm mộ chí. Hơn một nửa là bộ đội miền Bắc, anh ạ.
Tại ngôi mộ nhà tôi, tôi cũng gặp một bia đá – đặt cạnh tấm gỗ, chắc là của đồng đội ông ấy. Tấm gỗi ghi tên họ Vang Hồng Định. Quê quán Lạng Sơn.
Nhập ngũ ngày… Hy sinh ngày 27/04/1975. Tấm bia đá khắc dòng chữ: Con cúi đầu chịu tội trước vong hồn bố. Con trai của bố Thiên Minh Linh.
-Tôi được biết ông nhà có một cuốn nhật ký gần như chưa một ai được biết.
-Vâng. Các anh ở phòng thương binh xã hội Trảng Bàng rất trân trọng, đã gói cẩn thận, niêm phong và giao lại cho tôi. Cùng với cuốn nhật ký là chiếc nhẫn cưới mà tôi đã trao cho nhà tôi hơn 20 năm trước.
-Cuốn nhật ký tuyệt mật ấy có thể là một chiếc chìa khóa mở ra những bí mật về bao nhiêu cuộc đời bấy lâu nay vẫn còn đóng kín.
-Vâng. Cũng có thể gọi là như thế. Đúng là… chứng nhân về một tội ác.
-Bà định trao nó cho ai?
-Cho con trai tôi, thằng Linh.
-Cho đến nay bà vẫn chưa tìm ra anh Linh ở đâu ư?
-Tôi đã đi khắp nơi, kể cả việc tìm đến những ông thầy xem tướng số giỏi nhất thành phố này, nhưng vẫn chưa lần được nó.
-Anh ấy có những người bạn rất thân.
-Vâng. Chính cô Sen đã vào tận đây tìm tôi. Cô ấy cho biết cô đã lặn lội lên tận dòng sông Kỳ Cùng, dò tìm thằng Linh nhà tôi. Cô ấy chỉ gặp vợ nó. Tất nhiên thôi. Tội nghiệp con bé. Chiều nào cũng tha thẩn bồng con ra khúc ngoặc dòng sông, nơi nó đã chia tay với chồng nó. Đứng đấy hướng về phía nhà ga, vòi või chờ chồng, cho đến khi gặp người cuối cùng xuống ga. Lúc ấy thằng bé đã ngủ, tấm áo bộ đội của bố khoác ngoài đẫm nặng sương…
Cô Sen nói rằng, cô ấy đã ôm cai Ly và òa khóc. Khi kể lại với tôi cảnh này, cô không thể nào giữ được nỗi đau và xúc động. Tôi không dỗ cô ấy, với tiếng khóc, có thể cô ấy nhẹ bớt nỗi đau và nỗi buồn.
-Họ là những người bạn rất thân…
-Vâng. Từ những ngày lang thang… Hà Nội… Sen có nói với tôi, cô ấy sẵn sàng làm  vợ con trai tôi, khi nó đã bị thương. Nhưng… cuộc đời oái oăm là thế. Giá như hồi ấy… mà con bé được lắm… một cô gái duyên dáng, xinh xẻo và rất Hà Nội…
Cho đến bây giờ cô ấy vẫn gọi tôi bằng mẹ và hứa với tôi, sẽ đi cùng trời cuối đất tìm bằng được thằng Linh. Tôi tin… với sức mạnh của tình yêu, cô ấy sẽ thực hiện bằng được ý nguyện của mình. Sen mới đi khỏi đây ba hôm… Sen nói với tôi, cô đi tìm thằng Bảy Thẹo đang công tác tại một nông trường nào đấy ở Buôn Mê Thuộc, hy vọng… con người ấy không có việc gì không làm được.
-Vâng. Tôi cũng tin như thế… Bà đã gặp cô Nứa chưa ạ?
-Hai vợ chồng cô ấy có đến đây tìm tôi. Cô ấy cho tôi địa chỉ của chị Loan, vợ bác sĩ Tâm. Đấy là một người chị nó rất kính trọng.
-Chị ấy cũng đang gặp hạn. Tôi nói. Chị Loan cho biết Linh có ra tìm chị. Anh đã chống nạng đi gõ khắp các cửa kêu oan cho bác sĩ Tâm. Nhưng cuối cùng người ta vẫn làm theo ý người ta… Anh ấy buồn quá và đã ra đi…
-Người cuối cùng mới đến nhà tôi hôm qua đây là bác Phương. Bà tiếp lời tôi. Bác Phương cho biết anh con trai của bác đã về nhận công tác ở tỉnh quê chồng tôi – anh Châm ấy. Bác có hai người con trai. Châm học ở Nga. Cậu em đi vào chiến trường và hy sinh ở Lò Gò năm 1972. Bác ấy an ủi tôi: “Thằng Châm nó đã vào cấp Ủy ở đấy rồi, chị ạ. Tôi tin, nó không phải chỉ là nhân chứng như thế hệ tôi và chị. Nó đủ bản lĩnh và năng lực làm sáng tỏ mọi điều mờ ám mà những người thuộc thế hệ chúng ta đã làm. Chính nó sẽ đưa ra ánh sáng mọi cái mà tôi và chị chịu bó tay”.
“Chị có tin những điều tôi nói không?”
Tôi im lặng. Tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ đều có những trách nhiệm  trước lịch sử.
Có tiếng chuông đồng hồ gõ 11 tiếng. Bà Trang cố giữ tôi ở lại ăn một “bữa com rau” với gia đình. Thái độ lịch sự và nhã nhặn rất Hà Nội của bà làm tôi cảm động. Nhưng vì đã lỡ hẹn với một người bạn, tôi thành thật cảm ơn và xin bà một dịp khác.
-Tôi còn đến nữa bà ạ… Cũng như gia đình, tôi muốn biết số phận anh Linh, con trai của bà. Sau khi khắc bia chịu tội với bố, anh sẽ tổ chức cuộc đời mình như thế nào.
Lặng lẽ chia tay với bà Trang, lòng tôi tự nhiên nhức nhối. Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ Ba Tư của Oma Khayam:
Ở đời này không dễ tìm sự thật
Không dễ thấy công bằng trên trái đất
Đừng tưởng anh thay đổi được đời này
Đừng ngồi trên cành cây anh định chặt.
Gần nghìn năm đã trôi qua, câu thơ vẫn còn như mới… với chủ nghĩa duy ý chí vẫn đang tàn phá đất nước… đang tàn phá thế giới… ai cũng nghĩ mình có quyền lực mình mong muốn: ấm no, hạnh phúc, công bằng, bác ái… mà quên đi cái quy luật khắt khe của cuộc sống, của xã hội…
Rời khỏi căn nhà bà Trang ở đường Phan Thanh Giản, tôi đi bộ ngược lại phía đường Công Lý(6) qua đường Tự Do(7)… Tôi đi, im lặng, cúi đầu xuống… Trước mắt tôi bao nhiêu cuộc đời đang dở dang ở phía trước, bao nhiêu số phận chưa thể nào kết thúc ngày hôm nay. Dù có phải theo dõi thêm năm năm, hay mười năm, tôi vẫn không nề hà. Tôi coi đây là món nợ mà thế nào tôi cũng phải trả trước độc giả quý mến của tôi.
Hà Nội mùa hoa sữa 1972
Thành phố Hồ Chí Minh hè 1989
 
 
 
 
 
 Chú thích:
 
Nhân vật trong “Những người khốn khổ” của Victo.Hugo, một con người nhân đạo, luôn giúp kẻ khó.
Nhân vật trong tiểu thuyết Ruồi trâu của nhà văn nữ Ê.L. Vôinits.
Truyền thuyết về hòn Vọng Phu ở Bình Định.
Bây giờ là đường Điện Biên Phủ (xin độc giả thông cảm, tôi muốn giữ không khí và cả tên đường lúc tôi đi tìm người đàn bà bất hạnh.
Bây giờ là QL 22.
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Đường Đồng Khởi

Xem Tiếp: ----