Dịch giả: Thanh Vân
Mười bốn

Thực ra Elizabeth Costello là một vị khách mẫu mực. Cúi trên bàn nước ở góc phòng khách, bà dành cả kỳ nghỉ cuối tuần cặm cụi với bản thảo, hình như làm chú thích. Ông không mời bà ăn, và bà cũng không hỏi. Thỉnh thoảng, không nói một lời, bà biến khỏi căn hộ. Ông có thể đoán ra bà làm gì một mình, có lẽ bà lang thang trên các đường phố ở Bắc Adelaide, có khi ngồi trong hiệu cà phê gặm bánh sừng bò và ngắm xe cộ.
Trong một lần bà vắng mặt, ông lùng tìm bản thảo xem là cái gì, nhưng không tìm ra.
- tôi suy ra rằng – chiều Chủ nhật, ông nói với bà – bà gõ cửa nhà tôi để nghiên cứu xem có thể dùng tôi vào một quyển sách nào đó chăng?
Bà mỉm cười.
- Điều đó đơn giản quá, ông Rayment ạ.
- Sao lại không đơn giản? hình như dù đơn giản đối với tôi. Bà viết sách và cho tôi vào đó? đấy có phải việc bà đang làm không? Nếu vậy thì là loại sách gì, và bà không nghĩ là cần được tôi ưng thuận sao?
Bà thở dài.
- Nếu tôi cho ông vào một quyển sách như ông nói, thì tôi cứ việc làm thôi. Tôi sẽ đổi tên ông và một vài hoàn cảnh sống của ông, đưa vào vài lời phỉ báng, và sẽ là như thế. Chắc chắn tôi chẳng cần phải đến nhà ông, không, ông đã đến với tôi như tôi nói, người đàn ông có cái chân hỏng.
Ông phát chán vì bị nói là ông đã đến với người đàn bà này.
- Bà không thấy là dùng người khác sẵn sàng đến với bà hơn sẽ thoải mái sao? – ông nhận xét, lạnh nhạt kết thúc – Xin bà tha cho tôi. Tôi không phải là người dễ bảo, rồi bà sẽ phát hiện ra ngay bây giờ thôi. Bà thắng rồi. Tôi sẽ không cản trở bà. Bà sẽ thấy nhẹ người khi thoát khỏi tôi. Và ngược lại.
- Còn tình cảm nồng nàn không đúng lúc của ông thì sao? ông sẽ tìm ra một thứ như thế nữa ở đâu?
- Tình cảm nồng nàn của tôi, như bà gọi, không phải việc của bà, thưa bà Elizabeth Costello.
Bà mỉm một nụ cười hiu hắt và lắc đầu.
- Ông không phải nói đến công việc của tôi – bà đáp lại nhẹ nhàng.
Bàn tay ông nắm chặt cái nạng. Nếu đó là cái nạng đúng cách thức, bằng gỗ tần bì hoặc bạch đàn chứ không phải bằng nhôm, có sức nặng nhất định, ắt là ông đã táng vào đầu mụ phù thuỷ già này, hết lần này đến lần khác, nhiều hết mức có thể được cho đến lúc mụ nằm chết đứ đừ dưới chân ông, máu ướt đẫm thảm, rồi sau đó người ta làm mọi thứ với ông.
Chuông điện thoại reo.
- Ông Rayment? Marijana đây. Ông có khoẻ không? Xin lỗi vì những ngày tôi vắng mặt. Tôi thật không phải. Ngày mai tôi đến, OK?
Thế là đúng như họ tưởng tượng: chị là người không phải đạo.
- Vâng, tất nhiên là được, Marijana. Tôi mong chị khá hơn. Ngày mai tôi sẽ gặp chị như thường lệ.
- Ngày mai Marijana trở lại làm việc – ông thông báo cho vị khách, đơn giản hết mức. Đến lúc bà xéo đi rồi, ông hy vọng bà ta hiểu thông điệp ấy.
- Thế thì tốt. Tôi sẽ tránh đường cô ta – rồi thấy ông chằm chặp nhìn bà, giận dữ - Ông lo cô ấy tưởng tôi là một trong những bà bạn ngày xưa của ông chứ gì? – bà tặng ông nụ cười chẳng gì vui hơn – Đừng làm cho mọi việc nghiêm trọng thế, Paul.
Vì sao Marijana quyết định trở lại và chị sớm xuất hiện, bước qua cửa trước. Chưa kịp cởi áo mưa – trời đang mưa, trận mưa ấm áp, đầy hơi nước mang đậm hương khuynh diệp – chị đặt xuống bàn một quyển sách mỏng bóng loáng. Bìa in nhiều ngôi nhà kiểu giả-Gothic trên bãi cỏ rộng mênh mông, trong một ô là một chàng trai ria rất đẹp, mặc áo sơ mi cộc tay bị trói vào bàn phím máy tính, một chàng khác cũng cô ó bộ ria chải chuốt không kém đang ngoảnh nhìn qua vai. Trường Cao đẳng Wellington: Năm Thập kỷ xuất sắc. Ông chưa bao giờ nghe về trường Cao đẳng Wellington.
- Drago nói nó sẽ đến đây – Marijana nói – Ông thấy sao, nhìn thì giống như một trường tử tế?
Ông lật giở quyển sách. "Tổ chức từ thiện của các nữ tu sĩ bảo trợ cho trường Cao đẳng Wellington ở Fambrokeshires – ông đọc to – chuẩn bị cho lứa trẻ đối mặt với những thách thức của thế kỷ mới…" Nhiều ngành trong kinh doanh, khoa học và công nghệ, các lực lượng vũ trang. Nơi này là ở đâu nhỉ? làm thế nào chị tìm ra nó?
- Ở Canberra. Nó tìm ra nhiều bạn mới ở Canberra. Các bạn nó ở Adelaide không tốt, chỉ dúi nó xuống – chị phát âm từ "Adelaide" theo kiểu Ý, ăn vần với "spider". Dubrovnik rất gần Venice mà.
- Chị nghe nói về Cao đẳng Wellington từ đâu?
- Drago biết đủ thứ. Trường dự bị cho Học viện quân sự.
- Trường dự bị.
- Vâng, trường dự bị. Ông biết đấy, chúng thích thế mà.
Ông trở lại với quyển sách. Đơn xin nhập học. Bảng liệt kê lệ phí. Ông đã biết lệ phí của các trường nội trú rất cao, song các con số giấy trắng mực đen này làm ông giật mình.
- Nó sẽ học ở đó mấy năm?
- Nếu bắt đầu từ tháng Giêng là hai năm. Trong hai năm ấy, nó phải tự túc mười hai tháng, rồi sau đó có thể được học bổng. Nó chỉ cần lệ phí cho hai năm.
- Drago có nhiệt tình với trường này không? Nó muốn đi chứ?
- Rất nhiệt tình. Nó muốn đi.
- Chị biết không, thông thường thì các bậc cha mẹ nên nhìn ngó nhà trường trước khi quyết định. Hãy đi một vòng xem cơ ngơi, nói chuyện với hiệu trưởng, xem cảm giác về nơi đó ra sao. Chắc anh chị và Drago không muốn thăm trường Cao đẳng Wellington trước?
Marijana cởi áo mưa, chiếc áo làm bằng chất liệu nhựa trong, rất tiện dụng, và vắt lên ghế. Da chị ấm và hồng hào. Không hề có dấu vết căng thẳng trong vụ đụng chạm gần đây của họ.
- Trường Cao đẳng Wellington – chị nói – Ông cho rằng Cao đẳng Wellington muốn ông bà Jokić tận Munno Para đến thăm, xem nhà trường liệu có OK cho con trai họ ư?
Giọng chị hiền hậu. Nếu có người bối rối, thì chính là ông.
- Ông Rayment, ở Croatia chồng tôi thuộc loại nổi tiếng. Ông có tin tôi không? Mọi tờ báo đều đăng ảnh chồng tôi. Miroslav Jokić là con vịt máy. Trên ti vi cũng đăng nhiều ảnh con vịt máy – chị giơ hai ngón tay ra hiệu – Anh ấy là người duy nhất làm con vịt máy đi được, kêu quạc quạc và ăn – chị vỗ vào mông – và nhiều việc khác nữa. Con vịt cũ, cũ lắm. Từ Thuỵ Điển đến Dubrovnik năm 1680. Không người nào biết sửa. Rồi Miroslav sửa lại hoàn hảo. Một, hai tuần lễ, anh ấy trở thành nổi tiếng ở Croatia. Nhưng ở đây thì – chị ngước mắt lên trời – có ai cần đâu? Ở Australia chẳng ai nghe đến con vịt máy. Họ chẳng biết nó là gì nữa kia. Chẳng ai biết đến tên Miroslav Jokić. Chỉ là một công nhân ô tô. Mà công nhân lắp ráp ô tô chẳng là cái gì hết.
- Tôi không đồng ý với chị - ông nói – Công nhân ô tô không phải như thế đâu. Không có ai chẳng là gì. Vả lại, dù các vị có đến thăm họ hay không, dù anh chị ở Munno Para hay Timbuctoo, tôi đoán trường Cao đẳng Wellington sẽ rất vui lòng nhận tiền của anh chị. Cứ nộp đơn đi. Tôi sẽ trả tiền. Tôi sẽ đưa ngay séc cho chị nộp lệ phí nhập học.
Vậy đấy. Dễ dàng đến thế. Ông thật tận tâm. Ông trở thành cha đỡ đầu. Người cha đỡ đầu dẫn dắt đứa con đến với Chúa. Liệu ông có đưa Drago đến với Chúa không?
- Thế thì hay quá – Marijana nói – Tôi sẽ bảo Drago. Ông làm cháu nó vui sướng – một lúc ngừng lặng – Còn ông? Chân ông ổn không? Không đau chứ? ông có tập không?
- Chân tôi OK, không đau – ông nói. Câu ông không nói là: Nhưng sao em lại bỏ việc, Marijana? Tại sao em lại bỏ tôi? như thế là không có đạo đức nghê nghiệp. Tôi đánh cuộc là em không muốn bà Putts nghe thấy chuyện này.
Ông vẫn đầy phiền muộn, ông muốn Marijana có dấu hiệu ăn năn nào đó. Đồng thời ông say sưa vì vui thấy chị trở lại, phấn khích vì số tiền ông sắp cho. Việc trao tặng luôn làm ông phấn chấn, ông biết mình là thế. Nó khuyên khích ông cho nữa. Giống trò cờ bạc ăn tiền. Run cả người vì thua. Thua hết ván này đến ván khác. Suy sụp một cách khinh suất, liều lĩnh.
Marijana bắt tay vào việc, đúng kiểu bận bịu thường lệ. Bắt đầu là phòng ngủ, chị dọn giường, trải khăn sạch. Nhưng có thể cảm thấy mắt ông dõi theo chị chắc thế, cảm thấy hơi ấm từ ông mơn trớn đùi chị ngực chị. Sáng sáng thần ái tình thường chạy rần rật trong người ông. Nếu nhờ phép màu nào đó, ông có thể ôm Marijana ngay lúc này, trong tâm trạng này, tiếp nhận ngọn triều đang lúc cao trào, ông sẵn sàng đánh cược là sẽ vượt qua mọi sự đoan trang, khuôn phép của chị. Nhưng đương nhiên là không thể được. Như thế là vô liêm sỉ. Còn tệ hơn thế nữa, là điên rồ. Ông không dám nghĩ đến nữa.
Rồi cánh cửa buồng tắm mở, bà Costello mặc áo choàng và đi dép lê xuất hiện. Bà ta đang lau tóc bằng khăn mặt, để lộ nhiều mảng da đầu hồng hồng. Ông giới thiệu qua loa:
- Marijana, đây là bà Costello. Bà ấy lưu lại đấy một thời gian ngắn. Đây là bà Jokić.
Marijana chìa tay và bà Costello bắt tay với vẻ trang trọng lố lăng.
- Tôi hứa không làm vướng cô – bà ta nói.
- Bà đừng lo.
Nhiều giây sau ông nghe thấy cửa trước kêu lách cách. Từ trong cửa sổ, ông quan sát Costello xuống phố, đi thẳng ra sông. Bà ta đội chiếc mũ rơm, ông nhận ra là của ông, chiếc mũ ông không đội từ nhiều năm nay. Bà ta tìm thấy nó ở đâu vậy? bà ta đã lục lọi tủ áo của ông?
- Một bà dễ thương – Marijana nói – Bà ấy là bạn ông?
- Bạn ư? Không, không phải tí nào, chỉ là người cộng tác. Bà ấy có việc trong thành phố nên ở tạm đây.
- Thế thì tốt.
Hình như Marijana rất vội vàng. Thông thường, việc đầu tiên trong buổi sáng là chị chăm sóc cái chân, hướng dẫn ông tập. Nhưng hôm nay chị không đả động đến bài tập.
- Tôi phải đi thôi, vì là ngày đặc biệt, tôi phải đón Ljuba ở đội kịch – chị nói. Chị lấy một món khoái khẩu đông lạnh từ trong túi ra – Chiều nay có khi tôi quay lại. Tôi mua "be bé" cái này cho ông ăn trưa đây. Tôi để lại, ông trả tiền sau.
- "Chút ít" – ông sửa lại cho chị.
- Chút ít – chị nói.
Chị vừa đi thì có tiếng chìa khoá lách cách trong ổ và Elizabeth Costello về.
- Tôi mua ít hoa quả - bà ta tuyên bố. Bà để các túi nhựa lên bàn – Tôi đoán là ở đây có cuộc phỏng vấn. Ông có nghĩ Marijana xứng đáng không?
- Phỏng vấn?
- Cho cái trường này này. Họ muốn phỏng vấn cậu ta và cha mẹ cậu ta để biết chắc là có thích hợp không.
- Drago xin học chứ không phải cha mẹ cậu ta. Nếu người của Cao đẳng Wellington khôn ngoan, họ sẽ vồ vội lấy Drago.
- Nhưng nếu họ hỏi thẳng thừng các phụ huynh này làm thế nào trả được khoản lệ phí cao chót vót ấy thì sao?
- Tôi sẽ viết cho họ một bức thư. Tôi sẽ bảo đảm việc ăn ở. Tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết.
Bà xếp trái cây thành một kim tự tháp nhỏ trong cái bát trên bàn nước – đào, xuân đào, nho.
- Thật đáng phục – bà nói – Tôi mừng vì có dịp hiểu ông rõ hơn. Ông làm tôi tin cậy.
- Tôi làm bà tin cậy? trước đây chưa ai nói với tôi điều đó.
- Vâng, ông làm tôi tin lần nữa. Chắc ông đã tiếp nhận một cách nghiêm túc những gì tôi nói về ông và bà Jokić. Một người bối rối vì nhận ra có một tình yêu thực sức và lỗi thời, vậy thôi. Tôi xin bái phục ông.
Bà ta ngừng việc đang làm và nói ướm, không hề mỉa mai và hơi nghiêng đầu.
- Tuy nhiên – bà nói tiếp – xin ông nhớ vẫn còn một chướng ngại vật cần vượt qua là Miroslav. Chúng ta còn chưa biết Miroslav có đồng ý cho con trai vào một trường nội trú xa hoa cách nhà một ngàn dặm không. Hoặc Miroslav có chịu nhận sự trợ cấp tài chính của người đàn ông mà vợ anh ta đến chăm nom sáu ngày một tuần, người đàn ông mất một chân không đây. Ông đã nghĩ sẽ làm gì với Miroslav chưa?
- Anh ta có ngu mới từ chối. Việc này có ảnh hưởng gì đến anh ta đâu. Nó chỉ tác động đến con trai của anh ta, đến tương lai của thằng bé thôi.
- Không Paul ạ, nghĩ thế không đúng đâu – bà ta mềm mỏng nói – Từ con trai đến vợ, từ vợ đến anh ta, sợi dây liên kết là thế chứ. Ông đã động chạm đến lòng tự hào, đến danh dự đàn ông của anh ta. Sớm hay muộn ông cũng phải đối mặt với Miroslav. Ông sẽ nói gì nếu cái ngày ấy đến? "Tôi chỉ cố giúp thôi"? ông định nói thế chứ gì? Như thế chưa hay đâu. Chỉ toàn sự thật chưa chắc đã hay. Mà thực ra thì không phải ông cố giúp. Ngược lại, ông đang cố cản trở công việc của nhà Jokić. Ông đang cố lọt vào quần lót vợ Jokić. Dụ dỗ các con của Jokić xa rời anh ta và biến chúng thành của mình, một, hai, thậm chí cả ba đứa. Nhìn chung, tôi không thể gọi cái chương trình hành động ấy là thân thiện. Không, ông không phải là bạn của Miroslav, nhìn vào phương diện nào cũng thế. Miroslav sẽ không tiếp nhận ông một cách thân thiện, ông có thể trách anh ta không? vì vậy ông sẽ làm gì với Miroslav đây? Ông phải nghĩ đi. Ông phải nghĩ – bà ta gõ đầu ngón tay lên trán – Nếu suy nghĩ của ông dẫn ông đến nơi tôi cho là phải đến, cụ thể là một bức tường trống rỗng, tôi sẽ đề xuất một cách lựa chọn đây.
- Lựa chọn cái gì?
- Lựa chọn với cả mớ lộn xộn của ông và gia đình Jokić. Hãy quên cô vợ Jokić và đừng nghĩ đến cô ta nữa. Bắt đầu óc quay trở lại. Ông có nhớ lần cuối cùng ông đến khoa Xương ở bệnh viện không? ông có nhớ người phụ nữ đeo kính đen trong thang máy không? đi chung với một bà già hơn? Lẽ tất nhiên là ông nhớ. Cô ta gây cho ông ấn tượng sâu sắc. Ngay cả tôi cũng nhận thấy thế.
Chẳng có việc gì xảy ra trong đời chúng ta mà không có ý nghĩa, Paul ạ, như bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể nói với ông. Đấy là một trong bài học lịch sử dạy cho chúng ta, một trong nhiều bài học. Ông đã bỏ đọc truyện rồi ư? Một sai lầm. Không nên thế đâu.
Hãy để tôi cho ông biết đầy đủ về người đàn bà đeo kính đen. Than ôi, cô ta bị mù. Cô ta bị mù từ một năm nay, hậu quả của một khối u ác tính. Cuộc phẫu thuật bỏ mất một mắt, rồi con mắt kia cũng thế nốt. Trước tai hoạ đó, cô ta rất đẹp, chí ít cũng là người hết sức hấp dẫn, ngày nay, chao ôi, cô ta khó coi theo kiểu mọi người mù đều khó coi. Người ta không thích nhìn mặt cô ta nữa. Hay đúng hơn, người ta thấy mình nhìn chằm chặp và rút vội cái nhìn chăm chú khó chịu. Tất nhiên cô ta không nhìn thấy sự ghê tởm này, nhưng cô cảm thấy. Cô ta ý thức được cái nhìn trừng trừng của người khác, giống những ngón tay dò dẫm lên cô ta, dò dẫm rồi rụt lại.
Là người mù còn tệ hơn được bái trước là sẽ như thế, tệ hơn vì cô chưa từng hình dung ra. Cô ta đâm ra thất vọng. Vấn đề là trong nhiều tháng, cô ta trở thành một mục tiêu kinh dị. Cô không muốn lộ diện công khai, là nơi có thể bị nhìn ngó. Cô ta muốn ẩn mình. Cô ta muốn chết. Đồng thời – cô ta không thể làm khác được – lòng cô tràn đầy những thèm khát bất hạnh. Cô ta đang giữa tuổi xuân của đàn bà, cô ta kêu van ầm ĩ và thèm muốn, như một con bò hoặc con lợn động đực.
Những lời tôi nói có làm ông sửng sốt không? ông tưởng tôi bịa chuyện? Không đâu. Người phụ nữ ấy là có thật, ông đã tận mắt nhìn thấy cô ta, tên là Marianna. Chúng ta đang sống trong một thế giới có vẻ yên bình song chứa đầy kinh hoàng, Paul ạ. Những thứ ông không thể tưởng tượng ra suốt bốn ngày chủ nhật trong tháng. Ví dụ, đại dương sâu thẳm dưới đáy biển đang diễn ra những thứ vượt quá sự tưởng tượng.
Marianna chua xót vì không có người an ủi, lại càng không có người thờ phụng, nhưng tình yêu trong đó là biểu hiện thể xác nhất. Cô ấy muốn được như trước kia dù chỉ là ngắn ngủi, cũng như ông muốn được là ông trước kia. Tôi bảo này, sao ông không nói ra điều mà ông và Marianna có thể đạt được cùng nhau, cô ta mù còn ông thì què?
Để tôi kể thêm một điều nữa về Marianna. Cô ấy biết ông đấy. Phải, cô ta biết ông. Ông và cô ta đã quen biết, ông không nhận ra sao?
Dường như Costello đang đọc nhật ký của ông. Cứ như ông giấu một cuốn nhật ký, còn người đàn bà này đêm đêm lẻn vào nhà ông và đọc hết những điều bí mật của ông. Nhưng ông không ghi nhật ký, trừ khi ông viết trong mơ.
- Bà nhầm rồi, bà Costello – ông nói – Người phụ nữ mà bà gọi là Marianna ấy, tôi chỉ nhìn thấy mỗi một lần duy nhất ở bệnh viện, và rõ ràng cô ta không nhìn thấy tôi. Cô ta không thể quen biết tôi, kể cả trong cảm giác thông thường nhất.
- Phải, có lẽ tôi nhầm, có thể thế lắm. Hay có khi chính ông mới là người nhầm lẫn. Có lẽ Marianna đã xuất hiện ở đoạn đời trước kia của ông, lúc cả hai còn trẻ, diện mạo đẹp đẽ, và ông đã quên mất rồi. Ông là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp kia mà? Có lẽ đã có lần ông chụp ảnh cô ta, và tình cờ ông chỉ tập trung chú ý vào hình ảnh chứ không phải vào cô ta là nguồn của hình ảnh.
- Có lẽ. Nhưng trí nhớ của tôi không tồi, và tôi không thể nhớ ra một chuyện như thế.
- Thôi được, dù có là bạn cũ hay không, sao ông không thấy ông với Marianna có thể kết hợp cùng nhau? Hãy cho tôi những hoàn cảnh khác thường, tôi sẽ thu xếp một cuộc gặp. Ông chỉ cần đợi và sẵn sàng thôi. Tôi cam đoan là nếu có đề xuất gì, tôi cũng để cô ấy ra mắt mà không tổn thương đến lòng tự trọng.
Một lời cuối cùng. Tôi gợi ý nhé. Ông và cô ấy cứ sắp xếp gì đi nữa, ông nên xuất hiện trong bóng tối. Như thế tốt cho cô ấy. Hãy tưởng tượng cai giường của ông là một hang động. Bão tố đang gào thét, một cô thợ săn trinh nữ vào tìm chỗ ẩn náu. Cô giơ một bàn tay và gặp bàn tay khác, bàn tay của ông. Vân vân và vân vân.
Ông muốn nói một câu gay gắt nó không thể, dường như ông đờ đẫn hoặc chết điếng.
- Còn tình tiết ông quả quyết là không nhớ ra – bà ta nói tiếp – cái ngày ông có thể hoặc không thể chụp ảnh cô ta, tôi chỉ muốn nói rằng ông hãy bớt tự tin đi một tí. Hãy khuấy động trí nhớ và ông sẽ kinh ngạc thấy nhiều hình ảnh nổi lên bề mặt. Nhưng tôi không ép ông. Chúng ta cùng xây dựng câu chuyện về phía ông, giả thuyết rằng ông chỉ thoáng nhìn cô ấy trong thang máy. Một cái nhìn thoáng qua nhưng đủ đốt cháy những thèm khát. Từ sự thèm muốn của ông và nhu cầu thèm muốn của cô tasẽ nảy sinh cái gì? Tình cảm thắm thiết ở mức độ lớn lao nhất chăng? Một tai hoạ ở tuổi xế chiều? Chúng ta sẽ xét xem. Vấn đề nằm trong tay ông và cô ấy. Gợi ý của tôi có thể chấp nhận được không? nếu có thì ông ừ. Nếu quá bối rối, ông chỉ cần gật đầu ra dấu. Thế nhé?
Cô ta tên là Marianna, hai chữ "n". Tôi không thể làm gì hơn. Tôi không có quyền thay đổi tên. Ông có thể gọi cô ta bằng một tên khác tạm thời nếu ông muốn, một cái tên nựng nịu như Em yêu hoặc Mèo con hay bất cứ cái gì. Cô ấy đã kết hôn, nhưng sau ngón đòn số phận như tôi miêu tả, cuộc hôn nhân tan vỡ, và mọi thứ khác cũng tan nát. Cuộc sống cô ấy bị xáo trộn. Hiện tại cô ấy sống với mẹ, bà già ông thấy đi cùng cô ấy.
Đấy là một xuất thân đầy đủ cho thời gian này. Phần còn lại ông có thể biết qua chính cô ấy. Hai chữ "n". Đã có thời là con gái một người chăn lợn. Trang phục của cô ấy lộn xộn như mọi thứ trong đời cô ấy, nhưng có thể bỏ qua điều đó, ai chẳng có sơ suất ngẫu nhiên khi mặc quần áo trong bóng tối?
Hay bối rối nhưng sạch sẽ. Từ sau cuộc phẫu thuật, một cuộc phẫu thuật quá ư tinh tế chứ không như vụ tàn sát gớm ghiếc cắt cụt tay chân, cô ấy trở nên kỹ tính một cách bệnh hoạn về sự sạch sẽ, về khứu giác. Chuyện ấy xảy ra với một số người mù. Vì thế tốt hơn hết là ông cũng sạch luôn. Nếu tôi nói lỗ mãng, ông bỏ qua cho. Rửa ráy thật kỹ. Rửa ráy mọi chỗ. Và bỏ bộ mặt buồn rượi ấy đi. Mất một chân đâu phải thảm kịch. Ngược lại, mất một chân còn là hài kịch nữa kia. Mất bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cũng nảy ra chuyện hài hước. Nếu không thì chúng ta không có nhiều chuyện vui về đề tài này. Có một ông già một chân. Ông ta đứng chìa mũ ra ăn xin. Vân vân và vân vân.
Nghe lời khuyên này, Paul: năm tháng trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Vì thế hãy tận hưởng trong lúc ông còn khoẻ mạnh. Nó luôn muộn hơn là ông nghĩ đấy.
Mà không, cái cô Marijana, cô điều dưỡng viên kia không phải ý tưởng của tôi, nếu đấy là chuyện ông đang băn khoăn. Hơi đâu mà quan tâm. Marijana ở Dubrovnik, niềm say mê không thích hợp của ông đã đến qua bà Putts bạn ông. Chẳng dính dáng gì đến tôi.
Ông không biết tôi làm gì phải không? ông nghĩ tôi là đồ của nợ. Ông thấy tôi suốt ngày nói năng nhảm nhí, bịa ra đủ chuyện trong lúc tôi đi. Tôi thấy ông không chống đối, vẫn còn chưa. Ông chịu đựng tôi, hy vọng tôi sẽ từ bỏ và cuốn xéo. Đừng chối, nó hiển hiện trên mặt ông kia kìa, sờ sờ ra đấy. Ông là Job, còn tôi là một trong nỗi khổ sở, tai ương không đáng có của ông, một mụ đàn bà cứ lượn qua lượn lại, đầy những dự tính cứu vớt ông khỏi bản thân, lải nhải luôn mồm trong lúc ông thèm sự yên tĩnh.
Mà không phải theo cách này, Paul. Tôi nói lại đây là chuyện của ông, không phải của tôi. Khi nào ông nhận chịu trách nhiệm, tôi sẽ biến. Ông sẽ không nghe tin gì về tôi nữa, như thể tôi không có trên đời. Tôi cũng hứa thế với Marianna, bạn mới của ông. Tôi sẽ ra di, ông và cô ấy sẽ thoải mái vạch kế hoạch cứu rỗi triển vọng của ông.
Hãy nghĩ đến việc bắt đầu ra sao. Có thể tính toán sao cho thu hút được sự chú ý hơn là vụ tai nạn trên đường Magill, khi cậu thanh niên Wayne đâm sầm vào ông, làm ông bay vèo trong không khío như một con mèo. Từ đó trở đi mới tàn tạ đáng buồn làm sao! Ngày càng chậm chạp và trì độn hơn, đến bây giờ ông gần như mắc kẹt trong một căn hộ ngột ngạt với cô điều dưỡng viên không thể bớt quan tâm đến ông. Nhưng hãy là người có trái tim nhân hậu. Marianna là một triển vọng, với bộ mặt bị huỷ hoại và những thèm muốn đáng ăn năn nắm giữ cô ấy. Marianna hoàn toàn là một người đàn bà. Vấn đề là ông có phải là người đàn ông đủ cho cô ta không?
Hãy trả lời cho tôi đi, Paul. Nói gì đi chứ.
Giống như biển cả đập vào đầu ông, ông chỉ còn biết là đã bị bắn tung khỏi con thuyền, bị các dòng chảy ngầm giằng tới giật lui. Nước vỗ, vỗ mãi, rồi sớm hay muốn sẽ lột nốt mẩu da thịt cuối cùng của ông khỏi xương. Ngọc trai là mắt ông, san hô là xương ông.