Dịch giả: Thanh Vân
Hai mươi bảy

Thực ra vết thương trên lưng không có gì nghiêm trọng, đúng như Marijana nói. Đến trưa ông có thể cử động nếu thận trọng, có thể mặc lấy quần áo, có thể tự làm sandwich. Đêm qua, ông tưởng đã cận kề cái chết, hôm nay ông lại khoẻ khoắn, dù ít hay nhiều. Lấy cái này một tí, cái kia một tí, nhào, trộn và lăn thành viên thuốc trong nhà máy ở Bangkok, thế là cơn đau to khổng lồ bé lại bằng con chuột nhắt. Kỳ diệu thay.
Vì thế khi Elizabeth Costello đến, ông đã có thể thuật lại các sự kiện ngắn gọn nhất, bình tĩnh nhất và thực tế nhất.
- Tôi bị trượt trong lúc tắm và trẹo lưng. Tôi gọi Marijana, cô ấy đến và chữa cho tôi, bây giờ tôi đã khá rồi – Ông không nhắc đến Johann August xảo quyệt, không nhắc đến cơn run và những giọt nước mắt, không nhắc đến bộ pyjamas trong thùng giặt – Sáng hôm ấy Drago tạt vào kiểm tra. Một thằng bé dễ thương. Chín chắn hơn tuổi.
- Ông nói là đã khá.
- Vâng.
- Còn những bức ảnh của ông? Bộ sưu tập ảnh của ông?
- Bà định nói gì?
- Bộ sưu tập ảnh của ông cũng ổn chứ?
- Tôi đoán thế. Mà sao lại không ổn?
- Có lẽ ông nên ngó qua một cái.
Không có bất cứ dấu hiệu nào tỏ ra bị mất thực sự. Không có gì thực sự mất. Nhưng có cảm giác một trong những bức ảnh của Fauchery hình như không đúng, khi ông rút ra khỏi bao bằng chất dẻo và đưa ra ánh sáng, trông càng không ổn. Thứ ông cầm trong tay là một bản sao, tông màu nâu bắt chước màu nâu đỏ, do một máy in điện tử in trên giấy ảnh rất dại mặt. Bìa các tông là mới, hơi dày hơn nguyên bản. Độ dày này là thứ đầu tiên tố cáo sự giả mạo. Nếu không thì cũng không đến nỗi tồi. Bà Costello không gợi ý, ông sẽ không bao giờ để ý.
- Sao bà biết? – ông hỏi bà.
- Làm sao tôi biết Drago và bạn nó làm những gì? tôi không biết. Tôi chỉ ngờ thôi – Bà giơ bản sao lên – Tôi sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu một trong những người Úc này là cụ cố Costello ở Kerry. Ông nhìn này, nhìn cái người này – bà gõ móng tay vào một bộ mặt ở hàng thứ hai – Anh ta giống hệt Miroslav Jokić!
Ông vồ lấy tấm ảnh trên tay bà. Miroslav Jokić đúng là anh ta, đội mũ, sơ mi mở phanh cổ, cũng hàng ria mép ấy, đứng sát cạnh những người thợ mỏ Cornich và Ireland của một thời đã xa.
Đây là sự báng bổ mà ông cảm thấy hơn hết thảy, người chết thành trò cười của hai thằng ranh con vênh váo và bất kính. Có lẽ chúng đã dùng công nghệ kỹ thuật số làm việc này. Ông chưa bao giờ dựng được hình ảnh có sức thuyết phục nhường này trong một phòng tối kiểu cũ.
Ông quay sang bà Costello.
- Bản gốc thành cái gì rồi? – ông hỏi – Bà có biết bản gốc thành cái gì không? – ông nghe thấy giọng ông không sao kiềm chế nổi, nhưng ông không quan tâm. Ông đập mạnh bản sao xuống đất – Đồ ngu, thằng con trai ngu xuẩn! Nó đã làm gì bản gốc?
Elizabeth Costello mở to mắt nhìn ông, sửng sốt.
- Ông đừng hỏi tôi, Paul – bà ta nói – không phải tôi rước Drago vào nhà tôi và cho xem hết bộ sưu tập ảnh quý giá của tôi. Tôi không phải là người bày mưu cho mẹ thông qua con.
- Làm sao bà biết hành động phá hoại này?
- Tôi không biết. Tôi nói rồi, tôi chỉ ngờ thôi.
- Nhưng cái gì làm bà nghi ngờ? sao bà không cho tôi biết?
- Bình tĩnh lại nào, Paul. Hãy cân nhắc xem. Chúng ta có Drago và cậu bạn Shaun của nó ở đây, hai chàng trai Úc khoẻ mạnh, và chúng dùng thời gian rảnh rỗi ra sao? Không đua xe. Không đá bóng. Không lướt mạng. Không hôn hít bọn con gái. Không, thay vào đó chúng giam mình nhiều giờ liền trong phòng làm việc của ông. Chúng nhìn chằm chằm vào sách dâm ô chăng? Không, trừ khi tôi nhầm, chúng có những quyển sách bẩn thỉu đặc biệt riêng. Chúng chỉ có thể mê mải với bộ sưu tập ảnh của ông, bộ sưu tập mà theo lời ông là vô giá và sẽ quyên tặng nhà nước?
- Nhưng tôi không thấy chúng có động cơ gì. Vì sao chúng phải dùng đủ thứ rắc rối này để làm một thứ của giả? – ông ấn đầu nạng lên bản sao và nghiền vào tấm thảm.
- Cái ấy thì tôi không thể giúp ông. Chính ông đã vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng hãy nhớ điều này, có những cu cậu trẻ trung, hăng hái trong một thành phố ngủ lơ mơ, chẳng biết làm cách nào thoát được sự bồn chồn trong lòng, chúng cứ rì rầm trong tai và bao nỗi khao khát trong đầu. Thời gian đang giục gấp mọi thứ quanh ta, Paul ạ. Bọn con gái có con ở tuổi thiếu niên. Bọn con trai chỉ mất nửa giờ là kiếm được kỹ năng mà chúng ta phải mất nửa đời học hỏi. Chúng vớ được rồi chán và lại chuyển sang thứ khác. Có lẽ Drago và bạn nó cho đây là chuyện đùa: Thư viện quốc gia, một đám các quý ông già cả đáng kính và các quý bà phe phẩy quạt cho đỡ nóng, một nhân vật tai to mặt lớn nào đó trình bày Di sản Rayment, thì – ơ này, ơ này! – đứng giữa trong món đầu vị của bộ sưu tập là một người thuộc thị tộc Jokić! Billy Bunter sẽ gọi đó là một trò đùa tai hại. Có lẽ tất cả chỉ là thế: một trò đùa dàn dựng công phu và khá vô vị, mất không ít thời gian của chúng và có khi còn phải có chuyên gia hướng dẫn nữa chứ.
Còn nguyên bản, bức ảnh Fauchery quý giá của ông, ai mà biết nó ở đâu? Có khi nó vẫn nằm dưới gầm giường Drago. Hoặc có khi Drago và Shaun bán phứt cho nhà buôn rồi. Tuy vậy, ông cứ bình tĩnh. Có lẽ ông cảm thấy mình là cái đích của trò đùa, và nói thực là ông đúng. Nhưng có lẽ đàng sau việc này không có ác ý gì. Có lẽ không yêu mến, nhưng cũng không ác ý. Chỉ là một trò đùa trẻ con, thiếu suy nghĩ.
Không yêu mến. Đơn giản thế ư? Đơn giản đến mức ai cũng thấy? như thể trái tim trong lồng ngực đột nhiên quá mệt mỏi, không đập được nữa. Nước mắt lại dâng trong mắt ông, nhưng ông cố kìm lại, chỉ hơi ứa ra.
- Thế bọn chúng là gì nào? – ông thì thào – Bọn gypsy? Chúng còn ăn cắp những gì nữa của tôi, quân gypsy Croatia?
- Đừng quá thống thiết thế, Paul. Chúng là người Croatia và chỉ là người Croatia thôi. Chắc chắn ông biết thế. Một dúm người Croatia tử tế, một dúm người Croatia tồi tệ và hàng triệu người Croatia ở giữa. Gia đình Jokić không đặc biệt tồi tệ mà chỉ hơi nhẫn tâm, hơi thô bạo. Kể cả Drago. Drago không phải là một chàng trai xấu tính, ông biết thế. Tôi xin nhắc ông: nghe ông kể về cậu ta, tôi nghĩ cậu ta khá cao thượng, những bức ảnh ấy không phải của ông, ông chỉ bảo vệ chúng vì lợi ích của lịch sử nước nhà. Ông nhớ cho, Drago cũng là một phần của lịch sử đó. Drago nghĩ, chèn một người nhà Jokić vào kỷ niệm của quốc gia có hại gì đâu, cho dù hơi vội một chút, ví dụ chèn ông nội Jokić? Chỉ là một trò nghịch ngợm, còn hậu quả ra sao cậu chưa nghĩ tới. Nhưng trong đám thanh niên ngỗ ngược có mấy ai nghĩ đến hậu quả hành động của chúng?
- Ông nội Jokić ư?
- Phải. Cha của Miroslav. Ông tưởng trong ảnh chính là Miroslav? Nhưng đừng thất vọng, tất cả không mất đâu. Thực ra, nếu ông may mắn thì chẳng mất gì hết. Cược mười ăn một, Fauchery yêu quý của ông vẫn còn trong tay Drago. Bảo cậu ta ông sẽ gọi cảnh sát nếu không trả lại ông ngay lập tức.
Ông lắc đầu.
- Không. Nó sẽ đâm sợ và đốt mất.
- Thế thì nói với mẹ cậu ấy. Nói với Marijana. Cô ta sẽ bối rối. Cô ta sẽ làm bất cứ việc gì để che chở đứa con đầu lòng.
- Bất cứ việc gì?
- Cô ta sẽ nhận lỗi về mình. Vả lại, cô ấy chính là người phục hồi hình ảnh trong gia đình.
- Sau đó thì?
- Tôi không biết. Không biết sẽ xảy ra chuyện gì sau đó với ông. Nếu ông tiếp tục muốn gây chuyện cãi lộn thì ông cứ làm. Nếu không thì thôi.
- Tôi không muốn cãi lộn. Tôi chỉ muốn nghe sự thực. Việc này là ý tưởng của ai, của Drago hay cái-cậu-tên-gì-nhỉ? À, Shaun, hay của Marijana?
- Tôi sẽ gọi nó là một định nghĩa công bằng, phải chăng về sự thực. Ông không thích nghe nữa à?
- Không, tôi không muốn nghe nữa.
- Ông không muốn nghe vì sao ông lại bị chọn làm nạn nhân, làm cái đích?
- Không.
- Tội nghiệp Paul. Ông chùn bước trước khi ngón đòn quất tới. Nhưng có khi chẳng có ngón đòn nào đâu. Có lẽ chính Marijana sẽ quy phục trước ông. Lỗi tại tôi, ông muốn làm gì tuỳ ý. Vân vân. Ông sè không bao giờ biết chắc trừ khi ông gây lộn với cô ta. Tôi không thể thuyết phục được ông? Nói cách khác thì cái gì mới làm ông từ bỏ? Một câu chuyện tầm thường về một người đàn ông bị bọn gypsy lừa đảo, bị một mụ gypsy hồng hào và một thanh niên gypsy điển trai lừa. Một việc chẳng quan trọng, chẳng đàng hoàng tí nào.
- Không, tuyết đối không.tôi từ chối. Không đe doạ. Giá bà biết tôi tởm và chán cái kiểu khích bác của bà và không muốn trong đầu bà có những chuyện điên rồ này nữa! Tôi có thể nhìn thấy điều bà muốn. Bà muốn tôi – dùng từ gì nhỉ? – lợi dụng Marijana. Bà hy vọng khi đó chồng cô ấy phát hiện ra, bắn tôi hoặc nện cho tôi một trận. Đấy là loại việc chẳng quan trọng bà đang mong chứ gì? Tình dục, ghen tuông, bạo lực, hành động kiểu thô bỉ nhất.
- Đừng lố bịch thế, Paul. Ông sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng như thế này – bản chất của nó là đạo đức – bằng cách đánh đập hoặc bắn chết ai đó. Ông phải nhận biết điều đó chứ. Nhưng nếu lời gợi ý của tôi làm ông mếch lòng thì tôi rút lui. Đừng nói với Drago. Đừng nói với mẹ cậu ta. Nếu tôi không thể thuyết phục nổi ông, thì chắc chắn tôi cũng không thể ép buộc được ông. Nếu ông vui lòng để mất bức ảnh quý giá ấy thì cứ thế vậy.
Nói với Marijana, mụ Costello bảo ông thế. Nhưng ông biết nói gì? Marijana? Xin chào, chị khoẻ không? tôi muốn xin lỗi vì chuyện đêm trước, cái đêm tôi bị trượt ngã trong buồng tắm, tôi không biết cái gì choán lấy tôi. ắt là tôi mất trí. Nhân tiện, tôi nhận thấy một trong những bức ảnh trong bộ sưu tập của tôi bị mất. Chị có thể hỏi Drago xem cháu nó có gói nhầm vào ba lô của cháu không?
Quan trọng hơn hết thảy, là ông không được buộc tội. Nếu ông làm thế, nhà Jokić sẽ phủ nhận, và sẽ kết thúc mối quan hệ rất mong manh ông vẫn duy trì giữa họ - là bệnh nhân, là khách hàng.
Có lẽ ông sẽ viết một bức thư nữa, hơn là gọi điện cho Marijana, lần này sẽ im cái tính bất ổn đi, chú ý tối đa đến cách diễn đạt, trình bày một cách bình tĩnh, biết điều, tình trạng của ông với chị, với Drago, về bức ảnh bị mất. Nhưng ngày nay ai lại viết thư? Ai đọc kia chứ? Marijana có đọc bức thư đầu tiên của ông không? chị có nhận được không? chị chẳng lộ một dấu hiệu gì.
Hồi ức trở lại với ông, thời thơ ấu đến thăm Paris, đến Galeries Lafayette, ngắm những mẩu giấy xoắn lại làm đạn, bắn từ chỗ này đến chỗ kia dọc theo một ống khí nén. Ông nhớ lại, khi cửa ống mở, không khí trong lòng cơ cấu ấy réo lên. Một hệ thống giao lưu đã biến mất. Một thế giới không còn nữa, phù hợp với sự tồn tại. Cái gì xảy ra cho chúng, những viên đạn phủ bạc ấy? Chắc là bị nâu chảy làm vỏ tàu hoặc làm tên lửa dẫn hướng.
Nhưng có khi với người Croatia lại khác. Có khi trở lại đất nước cũ, vẫn còn những cô dì, bà nội, bà ngoại viết thư cho gia đình ở xa, mãi tận Canada, Brazil, Australia, dán tem rồi bỏ vào thùng thư: Ivanka đoạt giải ở lớp kể chuyện, con bò đốm vừa đẻ, mọi người có khoẻ không, bao giờ gặp lại? Vì thế có khi nhà Jokić không thấy kỳ cục khi được thổ lộ qua thư.
Miroslav thân mến, ông viết.
Tôi đã cố chia tay gia đình anh, vì chắc rằng anh thấy tôi nên im miệng và nhận bất cứ thứ gì thánh thần mang đến cho tôi. Song, tôi sẽ không giấu nữa. Một bức ảnh hiếm của tôi bị biến mất và tôi muốn lấy lại. (Tôi nói thêm rằng Drago không thể bán nó đi, nó quá nổi tiếng trong nghề).
Nếu anh không hiểu tôi muốn nói gì, anh hãy hỏi con trai anh, hỏi vợ anh.
Nhưng không phải vì thế mà tôi viết thư. Tôi viết vì muốn có một đề nghị.
Anh ngờ tôi có ý đồ với vợ anh. Anh đúng. Nhưng anh đừng vội kết luận ý đồ ấy thuộc loại gì.
Không phải vì khoản tiền tôi đề nghị. Tôi cũng đưa ra một đề nghị khá mơ hồ, sự mơ hồ của con người, ý tôi chủ yếu là về tình yêu. Tôi đã tận dụng từ cha đỡ đầu, nếu không với anh thì với Marijana. Có lẽ tôi chưa thốt ra từ ấy mà mới nghĩ đến thôi. Lời đề nghị của tôi như sau. Đáp lai khoản nợ không thời hạn dành cho việc học của Drago và có thể cho các con khác của anh chị, anh có thể dành một chỗ trong trái tim và tổ ấm của anh cho một người cha đỡ đầu?
Tôi không rõ ở Croatia, Công giáo có cho phép làm cha đỡ đầu không. Có thể có, mà cũng có thể không. Những cuốn Kinh Thánh tôi tham khảo không nói đến. Nhưng chắc anh phải quen thuộc với khái niệm này. Cha đỡ đầu là người đứng cạnh người cha bên bình nước thánh hoặc lượn quanh đầu đứa trẻ, chúc phúc cho nó và nguyền giúp đỡ nó suốt đời. Khi vị linh mục trong lễ rửa tội là hiện thân của Con với người cầu xin, người cha tất nhiên là hiện thân của Cha, nên cha đỡ đầu đương nhiên là hiện thân của Thánh thần. Ít ra là tôi quan niệm thế. Một hình ảnh không vật chât mà thuộc tinh thần, vượt ra ngoài những giận dữ và thèm muốn.
Anh sống ở Munno Para, cách thành phố một khoảng. Vậy là trong tình trạng sa sút hiện tại của tôi, tôi đến thăm không dễ dàng. Tuy nhiên về nguyên tắc, anh sẽ mở cửa nhà anh cho tôi chứ? Tôi không muốn được đền đáp, không muốn chút gì hữu hình trừ chiếc chìa khoá cửa sau. Chắc chắn là tôi không ấp ủ mưu toan tách vợ con anh khỏi anh. Tôi chỉ muốn được quanh quẩn gần đó, mở rộng lòng mình những lúc mọi người có chuyện bận tâm và cầu phúc cho gia đình anh.
Hiện giờ, Drago không phải băn khoăn khi hiểu vị trí mà tôi mong muốn có được trong nhà. Các cháu nhỏ có thể thấy khó khăn hơn. Nếu anh lựa chọn không nói gì với chúng lúc này, tôi sẽ hiểu.
Tôi biết lời đề nghị này không phải là điều anh ngờ khi bắt đầu đọc thư. Tôi có nhắc đến một việc xảy ra trong nhà tôi với một người quen – một bức ảnh trong bộ sưu tập ảnh của tôi biến mất và vân vân – bà ta gợi ý nên gọi cảnh sát. Nhưng tôi không muốn đẩy mọi chuyện đi xa hơn. Không, tôi chỉ dùng sự việc khó chịu ấy làm phần mở đầu cho ngọn bút của tôi được tung hoành và nói lên nỗi lòng của mình (hơn nữa, ngày nay con người có dịp viết bao nhiêu bức thư?)
Tôi không rõ anh cảm nhận ra sao về các bức thư. Nhận được thư của người lớn tuổi hơn từ một giới đáng kính hơn, có lẽ anh sẽ không thấy lạ và cầm bút trả lời. Còn không, nếu thư từ là chuyện lạ lùng với anh, anh cứ gọi điện (8332 1445). Hoặc Marijana hay Drago có thể nhắn tin. (Tôi không quay lưng với Drago, ngược lại là khác: nhờ anh bảo với cháu nó thế). Hoặc với Blanka. Cuối cùng, bao giờ cũng là im lặng. Sự im lặng có thể tràn đầy ý nghĩa.
Tôi sẽ niêm phong và dán tem thư này, và đi một chuyến vất vả đến hộp thư gần nhất trước khi thay đổi ý định. Tôi hay suy tính và suy tính suốt, nhưng lúc này tôi ghét cay ghét đắng làm thế.
Bạn chân thành của anh,
Paul Rayment.