Dịch giả: Thanh Vân
Hai mươi chín

- Một cuộc thăm viếng không báo trước – ông nói – Tôi không thích những người đến thăm không báo trước và chính tôi cũng không làm thế.
- Dù sao thì – Elizabeth Costello nói – chỉ phá vỡ quy tắc của ông một lần thôi. Ăn ở hoà thuận với xóm giềng tự nhiên hơn viết thư nhiều. Sao ông lại tiếp cô dâu bí ẩn của ông ở tầng trệt thế này, chính cô ấy?
Tâm trí ông trở lại thời thơ ấu, nhớ đến Ballarat trong những ngày trước khi điện thoại trở thành phổ biến, khi một chiều Chủ nhật, cả bốn người vào cái xe tải Renault màu xanh của ông bố dượng người Hà Lan, lên đường thực hiện các cuộc viếng thăm không báo trước. Chán chết! Ông nhớ chỉ những cuộc đến thăm Andrea Mittiga, một tiểu chủ, bạn làm vườn của người cha dượng là vui. ở nhà Mittiga, giữa đám mạng nhện chăng đầy khoảng không gian chật hẹp sau bể nước to tướng, cậu bé Paul cùng Prinny Mittiga nín thở tiến hành những cuộc khảo sát đầu tiên về sự khác nhau giữa nam và nữ.
- Hãy hứa Chủ nhật sau lại đến nhé! – Prinny Mittiga thì thầm khi chuyến đến thăm kết thúc, sau khi uống nước ép quả mâm xôi và ăn bánh ngọt hạnh nhân, họ chui vào chiếc xe tải nặng trĩu những cà chua, mận, cam từ vườn nhà Mittiga để về đại lộ Wirramunda. Ông nhún vai.
- Dunno – cậu bé nói, mặt cậu bình thản tuy bừng bừng muốn đến với những bài học.
- Paulie và Prinny lại chơi trò bác sĩ đấy – chị gái Paul ngồi trên cái ghế tạm trên thùng xe tuyên bố.
- Đừng!- cậu phản đối và huých vào lườn chị.
- Này, các con, ngoan nào! (tiếng Pháp) – bà mẹ mắng. Còn "ông Hà Lan" khom người trên tay lái tránh những cú xóc nảy người và ổ gà trên đường nhà Mittiga, chẳng bao giờ lắng nghe.
"Ông Hà Lan" lái xe với tốc độ chậm nhất, số bốn. Đấy là lý thuyết lái xe của ông ta học được ở Hà Lan. Khi họ leo lên đồi, động cơ rú lên và nghẹn lại, những xe khác xếp hàng đàng sau bóp còi inh ỏi. Tiếng còi chẳng ảnh hưởng gì đến ông ta. "Lúc nào cũng giục, cũng vội!" ông ta nói bằng giọng Hà Lan nghiến kèn kẹt. "Một lũ điên! Chỉ tổ phí xăng!" ông ta chẳng phí xăng cho bất cứ ai. Vì thế họ chạy trong bóng tối, không bật đèn để tiết kiệm ắc quy.
- Ô là la, ông ta đang phí xăng! Paul và chị gái thì thầm với nhau trên thùng xe đầy mùi củ thược dược thối, khó chịu và những hợp âm man rợ kiểu Hà Lan, chúgn vừa cười vừa khịt mũi, cố nén tiếng xì trong khi những chiếc xe đích thực, những xe Holden, Chevrolet và Studenbaker phóng qua. "Khốn kiếp! Khốn kiếp! Khốn kiếp!"
"Ông Hà Lan" hay mặc quần soóc. Chẳng gì chướng hơn cảnh ông ta trong chiếc quần soóc rộng lùng thùng, đôi chân nhợt nhạt, bít tất ngắn kẻ ca-rô đến mặt cá chân giữa những người Australia chính hiệu. Vì sao mẹ chúng lại lấy ông ta? bà đã để ông ta làm việc đó với bà trong bóng tối phòng ngủ? Khi chúng đến ông bố dượng làm việc đó với mẹ, chúng vừa xấu hổ vừa giận dữ.
Chiếc xe tải Renault của ông Hà Lan là chiếc xe duy nhất ở Ballarat. Ông ta mua lại xe cũ của một người Hà Lan khác. Renault là loại xe tiế kiệm nhất, ông ta phát biểu thế, dù chiếc xe hay trục trặc, luôn phải đưa đến trạm sửa chữa đợi phụ tùng thay thế từ Melbourne tới.
Ở Adelaide không có xe Renault. Không có Prinny Mittiga. Không chơi trò bác sĩ. Chỉ có loại đích thực. Họ có nên đi thăm một chuyến không báo trước như thời xưa không? Nhà Jokić sẽ đón tiếp ra sao? Sẽ đóng sầm cửa vào những bộ mặt sửng sốt của các vị khách, hay xuất phát từ cùng một cõi nhân gian, họ sẽ nói năng phóng khoáng như nhà Mittiga, một cõi trần gian đã qua hoặc sắp đến làm họ đón chào và mời dùng trà, ăn bánh ngọt rồi chất đầy quà mang về nhà?
- Một cuộc thám hiểm thực sự - Elizabeth Costello nói – Sự tiết dục dốt nát của Munno Para. Tôi chắc chuyến đi sẽ làm ông kiệt quệ.
- Nếu chúng ta đến thăm Munno Para, nó sẽ không làm tôi kiệt quệ - ông nói – Trong người tôi chẳng có gì để mà cạn kiệt.
- Ông thật tốt bụng đã mời tôi đi cùng – Elizabeth Costello nói – Ông không thích đi một mình à?
Lúc nào cũng hớn hở, ông nghĩ. Mệt sao được khi phải sống với một người cứ nhất quyết vui vẻ.
- Tôi không nghĩ đến việc đi mà thiếu bà – ông nói.
Nhiều năm trước ông hay đạp xe xuyên Munno Para trên đường đến Gawler. Hồi ấy chỉ có vài ngôi nhà rải rác quanh một nhà ga chiếm hết chỗ, đàng sau có một bụi cây trơ trụi. Giờ những vùng rộng có nhiều ngôi nhà mới trải dài hút tầm mắt.
Số 7 Narrapinga Close là địa chỉ trên hợp đồng ông ký với Marijana. Chiếc taxi thả họ xuống trước ngôi nhà kiểu thực dân có bãi cỏ xanh rờn bao quanh một khu vườn Nhật Bản nhỏ hình chữ nhật, mộc mạc, nước chảy nhỏ giọt xuống bề mặt một phiến đá hoa màu đen, lăn tròn sống động. ("Thực quá!" Elizabeth Costello vừa xuống xe vừa tán tụng. "Thực quá! Ông có muốn tôi giúp một tay không?")
Người lái xe đưa đôi nạng cho ông, ông trả tiền xe.
Cánh cửa mở hé khoảng một gang tay, một cô gái có bộ mặt xanh xao, lãnh đạm, lỗ mũi đeo cái khuyên bạc, ngờ vực dò xét họ. Blanka, ông đoán, cô con gái giữa, kẻ cắp ở cửa hàng, người được ông che chở bất đắc dĩ. Ông đã thầm mong cô là một người đẹp giống đứa em gái. Nhưng không, cô ta chẳng hề xinh đẹp.
- Xin chào – ông nói – Tôi là Paul Rayment. Đây là bà Costello. Chúng tôi muốn gặp mẹ cô.
cô gái lẳng lặng biến mất. Họ đợi và đợi mãi trên ngưỡng cửa. Chẳng có gì xảy ra.
- Tôi nghĩ chúng ta nên vào trong – cuối cùng Elizabeth Costello nói.
Họ vào phòng khách, đồ đạc bọc da trắng, một màn hình tivi rộng chiếm gần hết một bên tường, bên kia là một bức tranh trừu tượng lớn, một vòng xoáy màu cam, màu vàng chanh và vàng trên nền cánh đông màu trắng. Một cái quạt quay trên đầu họ. Không có những con búp bê mặc quần áo dân gian, không cảnh hoàng hôn trên biển Adriatic, chẳng có chút gì nhắc nhở đến đất nước cũ.
- Thực quá! – Elizabeth Costello lại nói – Ai mà nghĩ là thế này!
Ông nghĩ những nhận xét về cái thực có phần nhắm vào ông, ông cho là mỉa mai. Còn gì nữa ông không thể đoán ra.
Người giả định là Blanka thò đầu qua cửa.
- Bà ấy sắp đến – cô ta nói và rút lui.
Marijana không hề mất công làm đẹp. Chị mặc quần jeans xanh, áo trắng, cái eo đầy đặn chẳng thắt gì.
- Vậy là ông đưa thư ký của ông đến – chị nói, không rào đón – Các vị muốn gì?
- Đây không phải là cuộc đối đầu – ông nói – Chúng tôi có một vướng mắc nho nhỏ và tôi nghĩ cách giải quyết tốt nhất là có một cuộc trò chuyện hoà nhã. Elizabeth không phải là thư ký của tôi và chẳng bao giờ là thế. Bà ấy chỉ là một người bạn. Bà ấy đi cùng vì hôm nay đẹp trời, chúng tôi muốn đi một chuyến.
- Một chuyến về nông thôn – Elizabeth nói – Cô khoẻ không, Marijana?
- Khoẻ. Mời ông bà ngồi. Các vị muốn uống trà?
- Tôi thích trà, và Paul cũng thế. Nếu có một thứ Paul bị mất trong nếp sống cũ, là ghé vào bạn bè uống trà.
- Chà, Elizabeth hiểu tôi hơn cả tôi tự hiểu mình. Tôi cần nhấp giọng.
- Vậy thì tốt – Marijana nói – Tôi đi pha trà.
Những tấm mành gấp góc chắn ánh sáng mặt trời gay gắt, nhưng qua các khe có thể nhìn thấy hai cây bạch đàn cao trong sân và cái võng mắc ở giữa trống không.
- Một cách sống – Elizabeth Costello nói – Ngày nay đó chẳng phải là thứ người ta gọi sao? Các bạn Jokić của chúng ta có cách sống đáng ủng hộ.
- Tôi không hiểu vì sao bà lại chế nhạo – ông nói – Chắc rằng một trong nhiều tên sách ở Melbourne sẽ là "Một cách sống ở Munno Para". Vì sao họ phải rời bỏ Croatia nếu không vì cách sống họ lựa chọn?
- Tôi không chế giễu, ngược lại tôi rất ngưỡng mộ.
Marijana mang trà vào. Trà, nhưng không có bánh ngọt.
- Vì sao các vị đến đây? – chị nói.
- Tôi có thể nói chuyện với Drago, chỉ ngăn ngắn thôi?
Chị lắc đầu.
- Nó không có ở nhà.
- Thôi được – ông nói – Tôi có một đề nghị. Drago có chìa khoá căn hộ của tôi. Sáng thứ Ba tôi có việc ra ngoài, và sẽ đi vắng gần như cả ngày. Chín giờ tôi đi và không trở về trước ba giờ. Nhờ chị nói với Drago rằng khi tôi về đến nhà, sẽ rất hay nếu mọi thứ y như trước.
Một lúc im lặng dài. Marijana đi một đôi dép nhựa màu xanh. Dép xanh và móng chân đỏ tía, có lẽ ông, người chụp các chân dung cũ và Marijana là người phục chế tranh cũ, nhưng khiếu thẩm mỹ của họ cách xa nhau. Cũng như nhiều thứ khác của họ là những thế giới tách biệt hẳn nhau. Ví dụ, thái độ của họ với khái niệm của tôi và của anh. Một người phụ nữ ông hằng mơ bẩy được khỏi chồng. Tôi muốn chăm sóc em. Tôi muốn dang rộng đôi cánh che chở cho em. Trong thực tế sẽ ra sao, chăm sóc chị với hai đứa con gái thù địch và cậu con trai bội bạc? ông sẽ kéo dài được bao lâu, ông với đôi cánh che chở của ông? Mặt khác, bộ ngực chị mới kiêu hãnh, mới duyên dáng làm sao!
- Tôi không biết gì về việc cái chìa khoá – Marijana nói – Ông cho Drago chìa khoá?
- Drago có một chìa khoá cửa trước trong thời gian cậu ấy sống với tôi. Trong thời gian cậu ấy dùng căn hộ của tôi. Chị có một chìa và Drago có một chìa khác. Cậu ta có thể mang các thứ ra khỏi căn hộ và có thể mang trả lại. Dù tôi có ở nhà hay không. Cậu ấy dùng chìa khoá của mình. Tôi không biết nói sao cho rõ đây.
Trên bàn có một chiếc bật lửa hình vỏ ốc anh vũ, mạ chrome. Marijana châm một điếu thuốc.
- Bà cũng có chuyện phàn nàn? – chị nói với Elizabeth – Bà cũng nghĩ con trai tôi là kẻ cắp?
Elizabeth nhún vai rất kịch.
- Tôi không biết nghĩ sao, tôi chắc thế - bà ta nói – Ngày nay thanh niên là chủ thể của nhiều cám dỗ… Cái từ "kẻ cắp" đó.. Nó rộng quá, nặng nề quá, dứt khoát quá. Ở Mỹ, người ta dùng từ "ăn cắp vặt". ăn cắp một ngàn đô la với ăn cắp vặt, giữa hai thứ đó có nhiều cấp độ. Vị khách của tôi, ông Paul đây, cho đó là ăn cắp vặt, một trong những thứ vặt vãnh nhất, đến mức có thể coi là mượn. Có phải ông muốn nói thế không, Paul? Cậu Drago hoặc có thể là bạn của Drago đã mượn một hay hai món đồ mà ông muốn được trả lại?
Ông gật đầu.
- Ông đến vì việc đó phải không? – Marijana nói – Không gọi điện, mà đập cửa như cảnh sát? Ông mất gì? ông nói ông mất gì?
- Một bức ảnh trong bộ sưu tập của tôi. Một bức của Fauchery. Một bản sao thay thế cho bản gốc, một bản sao đã được sửa chữa, vì mục đích gì thì tôi không thể nói được. Chúng tôi không phải cảnh sát. Như thế thật lố bịch. Cảnh sát không đi taxi.
Marijana phẩy tay về phía điện thoại. Họ bị đuổi? thậm chí ông chưa kịp uống hết tách trà.
- Bản gốc? – chị nói – Nó là cái gì, bức ảnh gốc ấy? ông bấm máy, tách, thế là làm một bản sao. Máy ảnh để làm việc đó. Máy ảnh giống như máy photocopy. Bản gốc là cái thứ gì vậy? bản gốc đã là bản sao rồi. Nó không như tranh vẽ.
- Nói thế là vô lý, Marijana. Là nguỵ biện. Một bức ảnh không phải là một thứ tự thân. Cũng không phải là một bức tranh. Nhưng không được làm gì nó, kể cả sao chép. Mỗi cái thành một cái mới, thực sự mới, mới trên thế giới, một bản gốc mới. Tôi bị mất một bức ảnh gốc rất giá trị với tôi và tôi muốn được trả lại.
- Tôi nói năng vô lý ư? Ông chụp ảnh, hay người mà ông nói, ông Fauchery chụp ảnh, rồi các ông in ra, một hai ba bốn năm, những bức ảnh ấy là bản gốc, năm lần bản gốc, mười lần bản gốc, hàng trăm lần bản gốc và không được sao chép? Giờ thì có vô lý không? ông đến đây, ông nói với Drago ông phải tìm ra bản gốc. Để làm gì? để nếu ông chết ông có thể tặng bản gốc cho thư viện? để ông có thể trở thành nổi tiếng? ông Rayment nổi tiếng? – chị quay sang Elizabeth Costello – Ông Rayment tặng chúng tôi một khoản tiền. Bà có biết việc đó không? ông ấy đề nghị tôi bỏ việc điều dưỡng. Ông ấy đưa ra cho chúng tôi cả một cuộc sống mới. Ông ấy muốn Drago đến trường mới, một trường đắt tiền ở Canberra. Ngỏ ý muốn trả tiền. Bây giờ ông ấy nói chúng tôi ăn cắp của ông ấy.
- Đấy mới là một nửa sự thực. Tôi đề nghị chăm sóc chị. Tôi cũng đề nghị chăm sóc các con chị. Nhưng tôi không đưa ra một cuộc sống mới. Chúng ta mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi.
- Vậy tại sao ông nói Drago ăn cắp?
- Tôi không tin là đã nói từ "ăn cắp" và nếu tôi nói thế tôi nhận ngay không dè dặt. Drago, hay có thể là Shaun, bạn của Drago đã lấy một bức ảnh trong bộ sưu tập của tôi, đã mượn nó, đã làm một bản sao có sửa chữa, tôi không làm ra vẻ biết, chị hiểu những việc này rõ hơn tôi. Bây giờ tôi muốn lấy lại bản gốc. Sau đó sẽ không có câu hỏi nào và mọi việc vẫn như trước đây. Drago vẫn có thể đến chơi, bạn nó vẫn có thể đến chơi, Drago vẫn có thể ở lại qua đêm nếu nó muốn. Nếu thành thói quen mượn không trả lại là không tốt, Marijana ạ, không tốt cho một chàng trai đang lớn. Ở trường mới của Drago, trường Cao đẳng Wellington, người ta sẽ không tha thứ việc ấy.
- Wellington chấm dứt rồi. Chúng tôi không có tiền học ở Wellington.
- Tôi đã đề nghị trả tiền ăn học ở Wellington, và vẫn giữ lời đề nghị ấy. Không có gì thay đổi. Tôi cũng sẽ trả mọi khoản khác nữa. Tiền nong không phải là vấn đề.
- Nếu không phải chuyện tiền nong, sao ông lại giận dữ thế? Tại sao ông đến đập cửa? ngày Chủ nhật mà ông đập cửa như cảnh sát. Bùm, bùm!
Ông chưa bao giờ thạo cãi nhau. Đặc biệt là phụ nữ, họ vượt xa ông hàng trăm lần trong việc này. Một sự thật hiển nhiên là vợ ông. Thực ra, giờ đây ông cho rằng có lẽ chính vì thế mà cuộc hôn nhân chấm dứt không có quá nhiều cãi vã, nhưng bao giờ ông cũng thua. Có khi ông thắng một cuộc, một lần, ông và Henriette có thể ở lại với nhau. Chán biết mấy khi phải ràng buộc với một người đàn ông không thể cãi nhau một trận ra trò!
Với Marijana cũng y như thế. Có lẽ Marijana muốn ông rắn rỏi hơn. Có lẽ trong thâm tâm chị muốn ông thắng cũng nên. Nếu ông có thể lặp lại thăng bằng, biết đâu ông giữ được chị.
- Không ai giận dữ, Marijana. Tôi có một bức thư định gửi, và tôi nghĩ sẽ nhanh chóng hơn nếu đích thân mang đến. Tôi sẽ để nó lại đây – Ông đặt bức thư lên bàn nước – Thư đề gửi Mel. Anh ấy có thể đọc lúc rỗi rãi. Tôi tưởng – ông liếc nhìn Elizabeth Costello – chúng tôi tưởng rằng ghé vào uống một tách trà và chuyện phiếm là hay, như người ta thường làm trong những ngày xưa. Một việc dễ chịu, thân mật, thoải mái. Thật tiếc nếu nó đã lỗi thời.
Nhưng Elizabeth Costello chẳng giúp gì. Bà ta dựa vào lưng ghế, nhắm mắt lại, đãng trí. Ơn Chúa Ljuba không quanh quẩn ở đây, xử lý ông bằng cái nhìn chằm chằm của nó.
- Chỉ có cảnh sát mới đập cửa rầm rầm – Marijana nói – Nếu ông gọi điện trước, nói ông đến uống trà, ông đã không làm tôi sợ như cảnh sát.
- Làm chị sợ? phải. Tôi xin lỗi. Lẽ ra chúng tôi nên gọi điện trước. Đấy là việc chúng tôi nên làm. Đấy là lỗi của chúng tôi.
Im lặng. Đấy là kết luận của cuộc đọ sức này? Nói thẳng thắn thì ông đã thua, nhưng thua trong danh dự, đủ danh dự để đấu lần thứ hai, hay ông đã thua thảm hại?
- Các vị muốn gọi taxi? – Marijana nói – Ông muốn gọi taxi không?
Ông và Costello nhìn nhau.
- Có – Elizabeth Costello nói – Trừ khi ông Paul đây còn muốn nói gì thêm.
- Paul đây chẳng có gì mà nói nữa – ông nói – Paul đến với hy vọng lấy lại tài sản của mình, nhưng đến lúc này thì Paul đành thua.
Marijana đứng dậy, phẩy tay một cách độc đoán.
- Nào đi! – chị nói – Ông muốn thấy Drago là loại ăn cắp gì, tôi sẽ chỉ cho ông.
Ông cố nhấc người khỏi chiếc sofa. Dù nhìn thấy ông ráng sức, chị vẫn không nhúc nhích để giúp. Ông liếc nhìn Elizabeth Costello.
- Ông đi đi – Elizabeth Costello nói – Tôi ở lại đây nín thở trước khi tiết mục tiếp theo bắt đầu.
Ông cố thẳng người lên. Marijana đã lên đến lưng chừng cầu thang. MỗI lần một bậc, nắm chặt thành cầu thang, ông theo sau.
RIÊNG TƯ, biển hiệu sáng chói trên cửa. PHÒNG NÀY DÀNH CHO CON.
- Phòng của Drago – Marijana nói và mở toang cánh cửa.
Căn phòng trang bị đồ đạc bằng gỗ thông vàng nhạt, giường, bàn học, giá sách, máy tính đang chạy. Không thể sạch sẽ và ngăn nắp hơn.
- Rất đẹp, - ông nói – rất gọn gàng. Tôi ngạc nhiên đấy. Drago chưa bao giờ ngăn nắp như thế khi ở cùng tôi.
Marijana nhún vai.
- Tôi bảo nó, ông Rayment để cho con lộn xộn vì ông ấy thích con, nhưng ở đây con không được bừa bãi, đây là nhà con. Tôi cũng bảo nó, con muốn vào hải quân, con muốn sống trong tàu ngầm, con phải học gọn gàng.
- Đúng thế. Nếu muốn sống trong tàu ngầm, tốt hơn hết phải gọn gàng. Drago muốn sống trong tàu ngầm ư?
Marijana lại nhún vai.
- Ai biết được? nó còn trẻ. Nó chỉ là một đứa trẻ.
Ông có ý kiến riêng về Drago, nhưng không nói ra, là nếu cậu giữ được căn phòng gọn gàng ngăn nắp đến thế, chẳng qua vì mẹ cậu kèm sát bên cạnh. Marijana Jokić sẵn sàng doạ dẫm nếu chị muốn. Sẵn sàng có bộ dạng hùng hổ với ông trong tương lai.
Có ba bức ảnh ghim bên trên giường Drago, phóng to cỡ áp phích quảng cáo. Hai bức của Fauchery: một tốp thợ mỏ, những người đàn bà và trẻ con trên ngưỡng cửa ngôi nhà tranh, vách liếp. Bức thứ ba in màu là tám thân hình đàn ông uốn giữa không trung lúc lao xuống bể bơi.
- Thế đấy – Marijana nói. Chị chống nạnh đợi ông nói.
Ông bước lại gần và xem xét kỹ bức ảnh thứ hai. Gắn lên người cô bé có hai bàn tay đầy bùn là mặt Ljuba, cặp mắt đen láy của nó nhìn xoáy vào ông. Ghép chưa được hoàn hảo, hướng đầu không khớp hoàn toàn với đôi vai.
- Chỉ là trò chơi thôi – Marijana nói – Chẳng có gì nghiêm túc. Nó chỉ là – ông nói như thế nào nhỉ? – là bản in thử thôi.
- Là sắp đặt. Hình ảnh.
- Chỉ là những hình ảnh. Chơi đùa với hình ảnh trên máy tính, như thế là ăn cắp ư? Một việc làm hiện đại. Ai mà biết những hình ảnh này thuộc về ai? Ông muốn nói, tôi chĩa máy ảnh vào chị - chị gõ một ngón tay vào ngực ông – tôi là kẻ cắp, tôi ăn cắp hình ảnh của chị? không, hình ảnh là tự do, ảnh của ông, ảnh của tôi. Việc Drago làm chẳng có gì bí mật. Những bức ảnh này – chị phẩy tay vào ba bức ảnh trên tường – tất cả trong website của nó. Ai cũng có thể nhìn thấy. Ông có muốn xem website ấy không?
Chị chỉ vào chiếc máy tính đang kêu vo vo nhè nhẹ.
- Xin đừng – ông nói – tôi không hiểu gì về máy tính. Drago có thể làm mọi bản sao nó thích, tôi sẽ không để ý nữa. Tôi chỉ muốn lấy lại bản gốc. Những bức ảnh in từ âm bản. Những bức ảnh đã được bàn tay Fauchery chạm vào.
- Bản gốc – đột nhiên chị mỉm cười, không kém ân cần, dường như chị chợt nghĩ ra rằng ông không hiểu gì về máy tính cũng như khái niệm về bản gốc hoặc những thứ khác, không phải vì tính ương ngạnh, mà vì ông là kẻ ngớ ngẩn.
- Thôi được. Bao giờ Drago về tôi sẽ bảo nó về những bản gốc – chị ngập ngừng – Elizabeth hiện đến sống với ông?
- Không, chúng tôi không có kế hoạch ấy.
Chị vẫn mỉm cười.
- Nhưng có khi ý ấy hay đấy. Ông sẽ không lẻ loi khi có chuyện cấp cứu.
Chị lại ngập ngừng, và trong sự ngập ngừng ấy ông cảm thấy mục đích chị đưa ông lên gác không hẳn là chỉ cho ông xem phòng của Drago.
- Ông là người tốt, ông Rayment.
- Paul chứ.
- Ông là người tốt, Paul. Nhưng ông quá cô đơn trong căn hộ của ông, ông có biết tôi định nói gì không? tôi đã từng cô đơn ở Coober Pedy trước khi chúng tôi đến Adelaide, vì thế tôi hiểu, tôi hiểu lắm. Ngồi nhà cả ngày, con cái đến trường, chỉ có đứa bé nhất và tôi – hồi ấy Ljuba còn bé – rất dễ thành tiêu cực. Có lẽ ông cũng thành tiêu cực trong căn hộ của ông. Không con cái, chẳng có ai. Rất…
- Rất rầu rĩ?
Chị lắc đầu.
- Không, tôi không biết ông nói thế nào. Ông chộp lấy. Bất cứ thứ gì đến là ông chộp lấy – dùng một bàn tay, chị ra hiệu cho ông hiểu.
- Như người chết đuối vớ được cọng rơm – ông gợi ý. Đây là lời gợi ý đầu tiên cho chị hiểu tiếng Anh của chị không đủ để diễn đạt. Gía ông có thể nói tiếng Croatia nhỉ! Có lẽ nd tiếng Croatia, ông có thể ca hát bằng trái tim. Học có quá muộn không? ông có thể tìm ra thầy dạy ở Adelaide này không? bài một: động từ yêu, ljub, hoặc từ gì đó.
- Đằng nào – chị nói – Elizabeth đến sống với ông, rồi ông sẽ quên Marijana. Quên cả cha đỡ đầu. Cha đỡ đầu là ý tưởng không hay, không hiện thực. Vì ông ta ở đâu, cha đỡ đầu này? Ông muốn cha đỡ đầu đến sống ở Narrapinga Close? Như thế không hiện thực, ông thấy không?
- Tôi chưa bao giờ đề nghị đến sống với chị.
- Đến sống ở đây, ông ngủ chỗ nào? trên giường của Drago, nơi Drago đang ngủ? hay ông muốn ngủ với tôi và Mel, hai đàn ông, một đàn bà? – lúc này chị cười khùng khục – Ông muốn thế?
Ông không thể cười nổi. Họng ông khô khốc.
- Tôi có thể sống ở sân sau – ông thì thào – Tôi có thể dựng một túp lều. Tôi có thể sống trong túp lều ở sân sau và bảo vệ mọi người. Tất cả mọi người.
- OK – chị nói nhanh – nói thế đủ rồi. Elizabeth đến sống với ông, bà ta làm mọi việc, không ràu ràu nữa.
- Rầu rĩ chứ.
- Không rầu rĩ nữa. Cái từ buồn cười thật. Ở Croatia chúng tôi nói ovaj ghuni không có nghĩa là ông ta rầu rĩ mà là ông ta đang giả vờ, ông ta không thật. Nhưng ông không giả vờ, phải không?
- Không.
- Ờ, tôi biết thế - rồi ông sửng sốt và có lẽ chị cũng ngạc nhiên, chị kiễng chân hôn ông một cái, hai cái, mỗi cái hôn một bên má – Đi thôi, giờ chúng ta xuống dưới nhà.