Tủ Sách Tuổi Hoa
Chương Mười
THOÁT NẠN VÀ SỬA SOẠN ĐI CHƠI

Bố và ông cảnh sát phải giảng giải cho tôi biết rằng tôi cần phải đi theo để phòng hờ xem bà giữ thư viện có cần nhắc nhở điều nào trong đêm hôm kia chăng?
Người cảnh sát trong bộ đồng phục nói thêm:
- Biết đâu cô lại giúp thêm được cho em cô không chừng. Vì ít ra cô cũng có thể nhận diện và nói cho bà giữ thư viện biết rằng cậu con trai rủ Tuấn đi chơi đua xe hôm tối thứ hai chính là người mà chúng tôi đang giam giữ.
Tôi ráng nuốt nước miếng, nhưng cũng đành đi theo Bố, Tuấn và ông cảnh sát lên chiếc xe trắng xanh của cảnh sát đang chờ ngoài đường.
Lúc chúng tôi bước ra khỏi cửa, Mẹ nói theo:
- Tôi sẽ đến trường trình bày cho bà Hiệu trưởng biết để xin phép cho các con.
Trong khi ở cảnh sát, Tuấn chẳng phải nhờ gì đến tôi cả. Vì khi chúng tôi vừa bước vào trong, người đàn bà giữ thư viện đã ngồi ở đó từ trước, bà ấy nhận ra Tuấn ngay. Bà đã khai rằng:
- Chính là em học sinh này. Nó làm tôi hơi ngạc nhiên tối hôm đó. Vừa vào tới thư viện, nó bỏ sách vở lên bàn, rồi bỏ đi chơi với em học sinh mà hồi nãy tôi đã nhận diện. Tối hôm ấy, có cô bé này đi vào thư viện chung với nó.
Bà vừa nói vừa chỉ vào tôi. Tôi đưa mắt nhìn Tuấn. Miệng nó đang há to như lúc phải phòng nha sĩ. Nó vẫn tưởng rằng đã qua mặt được bà giữ thư viện, nhưng có ngờ đâu bà ấy rõ mọi chuyện. Và chính vì vậy mới là may mắn cho nó.
Sau khi bà giữ thư viện đã nói đi nói lại rằng tối qua Tuấn đã ở luôn trong thư viện từ bảy giờ tới chín giờ tối, thì mọi sự đều sáng tỏ. Người cảnh sát chở cho Bố về nhà. Rồi còn kịp giờ học nên cho xe chở Tuấn và tôi tới trường luôn.
Một tới khi đó, tôi mới bắt đầu nghĩ lại về chuyến đi chơi Phú Lâm. Bố đã hứa rằng Bố Mẹ sẽ suy nghĩ kỹ về chuyện này rồi sẽ trả lời cho tôi biết chiều nay. Tôi thật nôn nao nên thấy giờ học kéo dài như vô tận. Đáng lẽ tôi phải ôn lại các bài toán cho cẩn thận và hiểu rõ ràng mọi công thức vì đến Thứ Sáu này cô giáo cho làm bài kiểm; nhưng tôi chẳng còn đầu óc nào mà tính toán. Tôi cứ mãi nhìn ra cửa sổ, chốc chốc lại nhìn đồng hồ. Tâm trí tôi đang miên man nghĩ về nhà, tưởng tượng ra câu chuyện giữa Bố Mẹ về tôi.
Vậy mà cũng tới lúc chuông reo tan học. Kiều chờ tôi ở ngoài cửa lớp, vừa cười vừa nói một cách tin tưởng:
- Thảo này, tụi mình đang mong cho bồ được đi chơi Phú Lâm với tụi này đó. Mình hứa sẽ vái ông Địa cho tới khi nào thấy bồ đến báo tin cho biết là được phép đi. Bồ biết không, ông Địa mau mắn lắm.
Tôi chưa từng bao giờ vái ông Địa để xem ông có cho tôi gặp may mắn hay không. Nhưng tôi chắc rằng chẳng có như vậy đâu.
Ở trường ra, tôi đi thật mau về nhà. Tôi nóng lòng muốn biết xem Bố Mẹ định cho tôi được đi hay không. Tôi đã hứa với Kiều là sẽ cho cô nàng hay tin ngay nếu Bố Mẹ trả lời.
Lúc tôi về tới nhà, tôi thấy Mẹ đang hong tóc cho mau khô. Thường thường, Mẹ tôi không hay gội đầu vào giữa tuần như hôm nay, nhưng đặc biệt tối nay, các bà sẽ có một buổi họp của nhóm phụ nữ thông công. Họ có mời một số các bà khác đến dự. Vì vậy, Mẹ tôi muốn bới đầu tóc giả vào, trông có vẻ lịch sự hơn.
Thấy tôi bước vào phòng, Mẹ nói:
- Mẹ định dùng cái độn tóc giả này đề bới cao lên một chút đó Thảo.
Tôi đề nghị.
- À, Mẹ ơi, sao Mẹ không dùng một ít keo xịt tóc để giữ cho tóc lâu tuột?
Mẹ nhìn tôi mỉm cười như ngụ ý rằng câu nói của tôi là chí lý.
- Mẹ để con đi lấy cho.
Tôi nhanh nhảu tình nguyện đi ngay, không phải chỉ vì thấy Mẹ bận rộn, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu mình làm một vài việc lặt vặt giúp Mẹ chắc Mẹ sẽ gặp dịp thấy được sự nôn nao của tôi, mong nghe Mẹ cho biết về việc chơi Phú Lâm.
Tôi vào trong nhà, đi lại chiếc kệ có nhiều chai lọ chất thành từng hàng. Tôi biết cái bình keo xịt tóc nằm chỗ nào rồi. Mẹ mới xịt cho tóc tôi hôm Chủ nhật tuần trước.
Cầm chiếc bình xịt trong tay, tôi hỏi Mẹ:
- Để con xịt lên tóc Mẹ nhé?
Không cần trả lời, Mẹ tôi ngồi xuống, lấy tay che phía trước trán cho thuốc keo xịt khỏi văng vào mũi.
Tôi bấm cái bút thật mạnh và đưa cái bình vòng vòng mái tóc cua Mẹ cho keo phun ra đều đặn. Tôi chưa xịt được hết một nửa vòng thì bỗng nhiên nghe Mẹ kêu ầm lên:
- Eo ơi, con xịt cái gì vậy nè?
- Dạ keo xịt tóc đó ạ.
Nhưng Mẹ đã hất cái đầu thật nhanh, rồi giằng lấy bình keo xịt khỏi tay tôi và nhìn kỹ lại cái bình xịt.
- Khổ quá, thuốc xịt muỗi mà - Mẹ kêu to lên.
Tôi giật mình lập lại.
- Ủa, xịt muỗi sao ạ?
Đọc kỹ lại hàng chữ mờ mờ trên bình xịt tôi mới thấy đề "Thuốc xịt muỗi”. Tời lúc đó tôi mới nhận ra mùi thuốc hăng hăng, khác hẳn mùi keo xịt tóc có pha nước hoa như mọi lần.
Mẹ cau có nhìn tôi:
- Con gái gì mà vô ý tứ quá chừng này. Con không biết chi hết sao?
Rồi Mẹ chạy một mạch vào nhà tắm, gội đầu hết lại một lần nữa. Một lúc sau đi ra, Mẹ hãy còn càu nhàu, và cứ mong chờ tóc khô kịp trước giờ đi. Không hẳn là Mẹ nổi giận đối với tôi, nhưng lẽ dĩ nhiên là Mẹ không vui lòng chút nào.
Tôi bước vào nhà trong, xem lại những chai, lọ, bình ở trên kệ và kiếm thử xem bình keo xịt tóc nó như thế nào. À, bình này cũng có chữ ‘xịt” nên thảo nào mà tôi không lầm sao được. Tôi chợt nhớ đến chuyện đi chơi Phú Lâm cuối tuần này. Chẳng còn biết Kiều có còn vái ông Địa cho tôi gặp may, đề đến báo tin là được đi cho nó biết không.
Sau chuyện lấy nhầm chai thuốc xịt muỗi đó, tôi đoán thế nào cũng có hai trường hợp xảy ra cho tôi. Một là có thể Mẹ tôi bực mình về tôi quá nên phạt tôi không cho đi chơi Phú Lâm nữa. Hai là vì tôi cứ hay làm rộn và mệt Mẹ, nên Mẹ muốn tôi đi đâu vài ngày cho khuất mắt để Mẹ được thảnh thơi đôi chút. Nếu vậy, thế nào Mẹ cũng bàn với Bố là nên cho tôi đi chơi. Nhưng ngay lúc này thì tôi không biết sẽ rơi vào trường hợp nào.
Tôi chỉ muốn làm sao hỏi được Mẹ để xem Bố Mẹ đã suy nghĩ và có y định thế nào về việc cho tôi đi hay không, nhưng tôi vẫn thấy chưa phải lúc để hỏi. Tôi cho rằng tốt hơn hết là cứ loanh quanh ở dưới nhà này để Bố Mẹ có dịp cho tôi biết hơn. Vừa lúc ấy Bố đi vào, thấy tôi Bố hỏi:
- Thế nào, con đã xếp đồ đạc vào vali xong chưa? - Bố cười và nụ cười hiện ra ở khóe mắt nữa.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Xếp đồ gì hở Bố?
- Đồ đạc để sửa soạn đi chơi ở Phú Lâm chứ đồ gì. Thế ra Mẹ chưa nói cho con hay sao?
Tôi trả lời:
- Thưa Bố, chưa. Có lẽ tại vì Mẹ đang bực mình với con.
Kể từ đó tôi kể vắn tắt cho Bố nghe lấy lộn chai thuốc xịt vừa rồi.
Bố vừa cười vừa nói:
- Thảo nào. Thật uổng quá, giá mà tối nay có buổi nhóm ở ngoài trời, thì chẳng ai bị muỗi cắn nữa hết.
Tôi cũng cười theo, nhưng không dám cười ra tiếng. Tôi sợ Mẹ nghe thấy, vì Mẹ chắc còn đang bực mình. Tôi hỏi lại Bố vì bấy giờ mới hiểu ra câu nói của Bố:
- Con được đi thật hở Bố?
- Chứ sao. Mẹ và Bố đã suy nghĩ và bằng lòng cho con đi chơi rồi đó.
- Thế ạ, thích quá! Bây giờ con đi thu xếp ngay nhé.
- Chưa vội mà con. Mãi chiều Thứ sáu mới đi cơ mà. Con còn phải học trong vài ngày nữa đó nhé.
Tôi chợt nhớ là Kiều vẫn đang chờ tôi báo tin, nên vội xin phép Bố chạy sang nhà nó một chút. Nghe tôi nói xong, Kiều cười thích thú, làm như chuyện tôi được Bố Mẹ cho đi này là do cô nàng van vái ông Địa mới được.
- Đó bồ thấy chưa. Tôi đã nói với bồ là ông Địa mau mắn lắm mà.
Tôi muốn nói cho Kiều biết rằng tôi chẳng tin ông Địa nào hết cả, nhưng tôi lại thôi. Ngừng một lát, Kiều tiếp:
- Mình và nhỏ Thu vừa bàn với nhau là tụi mình sẽ cùng mặc đồ giống nhau trong thời gian chơi ở Phú Lâm. Vậy Thảo nhớ mặc "mi-ni" áo dài có thêu tên bằng chữ tắt ở phía trái nhé. Thế là tụi mình sẽ giống nhau hơn.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Nhưng mà "mi-ni" áo dài là thế nào chứ?
- Ơ kìa, là áo dài kiểu mới cắt ngắn lên tới đầu gối đó. Bộ Thảo chưa có cái nào hay sao?
Tôi nhớ ra rồi. Thu có một kiểu áo dài ngắn lên tới tận đầu gối. Đó là mốt áo dài mới tung ra, được tụi bạn tôi đặt tên là "mi-ni" áo dài, để cạnh tranh với kiểu “mi-ni jupe” đang thịnh hành ở Âu châu. Mấy đứa bạn tôi còn bày đặt thêu chữ tắt của tên vào một phía ngực của áo dài nữa. Như áo của Mộng Thu có hai chữ M và T thật to thêu quấn vào nhau, trông cũng đẹp. Tôi thích kiểu áo ấy. Mới đầu tôi định xin Mẹ cho tôi may một cái áo dài mới như vậy, nhưng tôi vừa lỡ làm hỏng mấy chuyện khiến Mẹ bực mình rồi, nên tôi biết chắc Mẹ sẽ không cho đâu. Phải chi có cô Bạch Cúc ở đây thì thế nào cô cũng dẫn tôi đi mua vải và may một chiếc áo dài theo mốt mới đó, hoặc ít ra cô tôi cũng nói giúp vào để Mẹ sắm cho tôi. Chứ một mình tôi thì đành chịu.
Nhớ một lần nọ, tôi muốn may thêm một chiếc áo dài hàng "pure soie" mới, tôi đến xin Mẹ thì Mẹ đã hỏi:
- Con có đủ tiền trong ống để mua chưa?
Tôi hỏi lại:
- Tiền trong ống là con để dành mà. Bây giờ con phải tự may sắm lấy sao ạ? Con tưởng Bố Mẹ may sắm cho con mọi thứ cần thiết chứ ạ?
Mẹ đáp:
- Chứ sao. Nếu con đang cần hoặc thiếu áo dài mặc thì dĩ nhiên Bố Mẹ sẽ may cho con đầy đủ, lành lặn. Nhưng nếu con đã có nhiều quần áo rồi mà còn ham thích đòi áo mới, thì con chỉ việc lấy tiền dành dụm trong ống ra mà mua. Chứ con xem, nhà mình chỉ đủ ăn thôi, chứ có dư giả gì mà nay con đòi theo mốt này, mai lại mốt khác được.
Nghe Mẹ nói một thôi một hồi như vậy, tôi liền đổi ý, không muốn may thêm áo dài kiểu mới nữa. Nhưng bây giờ tôi bỗng nãy ra một ý nghĩ. Tôi mở tủ áo ra, nhìn một lượt mấy cái áo dài của tôi treo trên mắc. Mẹ tôi vừa giặt ủi cho tôi một lô áo dài sạch sẽ. Tôi nghĩ bụng có lẽ nên thêu tên tôi vào áo trước, rồi sẽ nhờ Mẹ chỉ cách cắt sửa vạt áo cho ngắn lên thành mốt mới. Tôi chỉ cần thêu một chữ T vào là xong. Mẹ đã có sẵn chỉ thêu đủ màu rồi, tôi sẽ xin Mẹ mấy sợi và hỏi Mẹ cách thêu luôn.
Tôi lấy một chiếc áo dài xuống khỏi mắc, đặt lên giường. Rồi cầm chiếc bút nguyên tử trong tay, tôi bắt đầu viết chử “T”. Tôi đã cố viết nắn nót, nhưng trông nó chẳng vừa mắt chút nào. Tôi không thấy nó giống hình chữ "T” nên cố gắng sửa lại một chút. Tôi càng ráng sửa chữ đó cho coi được hơn, thì nó lại càng bết hơn. Cuối cùng tôi phải đi tới bàn làm việc của Bố để tìm cục gôm. Thật uổng công của tôi, vì càng tẩy, vết mực càng tèm lem, dơ hết cả một bên áo. Tôi đành cuộn chiếc áo lại để đem giặt.
Nhìn chiếc áo thừ nhì treo trên mắc, tôi với tay lấy xuống cặm cụi vẽ chữ “T”. Đáng lẽ tôi phải viết thử ra ngoài giấy trước, nhưng tôi quên bẵng đi mất. Mãi tới lúc đặt bút viết một nét trên áo dài rồi tôi mới nhớ ra. Giá tôi cứ viết theo lối chữ in thì cũng không sao. Đàng này tôi lại cứ muốn viết chữ “T” hoa theo lối chữ thêu người ta vẫn vẽ. Lúc bấy giờ tôi mới thấy chữ T hoa đó sao mà xấu thế. Nó có những vòng những móc quấn quít, không làm sao vẽ cho mềm mại được. Tôi lấy chiếc áo dài hồi nãy ra đem so với chiếc áo này, thử xem chiếc áo nào trông đúng hơn? Tôi lắc đầu Chữ "T”' lần này chẳng đẹp đẽ gì hơn chữ “T” hồi nãy.
Cuối cùng, tôi nhất định phải tập vẽ cho quen tay ở ngoài giấy trước đã. Tôi tập vẽ đi vẽ lại mới thấy chữ "T” coi đẹp đẹp một chút. Vì thế tôi bèn lôi một cái áo dài khác để vẽ vào. Nhưng xui cho tôi quá. Có lẽ vì hồi hộp lo sợ vẽ hỏng cả chiếc áo này, nên tôi đã run run, không ước lượng cho rõ hàng được. Một phần bên trái cua chữ "T' đó lại quá ngắn, trong khi phần bên kia lại quá dài. Lần này tôi không dám tẩy xóa nét nào nữa, vì nó sẽ tèm lem ra như cái áo đầu tiên. Tôi chỉ mong sao có thể giặt sạch đi hết mấy vết mực này.
Tôi chợt nghĩ ra một ý kiến. À, mà sao tôi lại không nghĩ đến nó ngay từ lúc nãy nhỉ? Thế là tôi bèn ba chân bốn cẳng chạy ngay lại bàn làm việc của Bố.
Đúng rồi, Bố hay đánh máy, nên chắc có nhiều giấy Cabon. Tôi sẽ tập viết tên tôi ra ngoài một tờ giấy, tới lúc viết được chữ ưng ý rồi, tôi sẽ chỉ việc "can-kê" vào áo là xong. Vậy mà sao tôi không nghĩ ra từ đầu nhỉ? Ngu thật! Phí mất ba cái áo bị dơ cả rồi.
Tôi tập viết tên tôi khá lâu, mãi cũng chưa thấy được ưng ý hoàn toàn. Tuy nhiên tôi cũng chọn được một kiểu để tô lên áo. Tôi phải hết sức cẩn thận đê tô kỳ này mới được. Nếu có thiếu chút đỉnh nét nào thì chút nữa thêu, tôi sẽ sửa lại. Tôi đặt tờ giấy Carbon thật cẩn thận lên áo rồi đặt mẫu chữ thêu lên. Tôi cẩn thận tô từng nét.
Tôi tô gần hết chữ "T” thì Tuấn nhảy vào và "hù” tôi một tiếng. Tôi giật bắn cả mình, nhảy nhổm lên. Thế là giấy, áo, Carbon, bút chì văng hết cả.
- Chị Thảo đang làm cái trò gì vậy?
Tuấn vừa. nói vừa nhìn vào đống áo dài dơ mực trên giường tôi.
Tôi cáu kỉnh:
- Không biết. Làm người ta hoảng hồn nè. Đang viết mẫu chữ lên áo thì làm hư hết của người ta rồi.
- Nhưng mà chị lấy giấy Carbon và giấy đánh máy chi vậy? Bộ tính đánh máy chữ vào áo hả?
- Hông giỡn à nghe - Tôi cắt ngang.
- Mẹ có biết chị làm mấy chuyện này không? Chắc không đâu.
Tuấn biết ngay là tôi đã không hỏi Mẹ nên mới làm như vậy.
Tôi cầm chiếc áo dài thứ tư lên xem lại. Giấy Cabon nhem nhuốc in lên phía ngực áo. Chữ “T” mới xong một nữa thì bị một nét gạch thẳng tuốt lên trên. Tôi giận quá
- Coi kìa. Đụng vào làm người ta giật mình, hư hết mẩu chữ rồi nè.
- Em hả? Đâu có. Nãy giờ em đứng đây không mà, có làm gì đâu - Tuấn ngụy biện, chữa lỗi cho mình.
Tôi nói một hơi:
- Không phải bây giờ, chị nói là hồi nãy kìa, lúc em mới đi vào đó. Nếu em không "hù” làm chị giật mình thì chị đã “can” xong mẫu chử này vao áo và cũng không bị dơ nữa. Bây giờ hư hết rồi.
Tuấn nhún vai
- Ai bày ra cách in giấy cabon lên áo cho dơ hết cả vậy?
Tôi đành cầm chiếc áo lem nhem dính  như lọ than đi gột cho sạch. Tuấn cũng đi theo nói lải nhải:
- Bộ tính phí tang một vết tích hả?
Tôi chợt nhận thấy hành động đang làm của mình. Tôi muốn giấu Mẹ những việc sai lầm đã làm, như thế là không được. Chúng tôi đã học thuộc lòng một câu gốc: "Hãy biết chắc rằng tội lỗi người sẽ chỉ người ra". Mẹ cũng đã hằng dạy bảo chúng tôi rằng tốt hơn là phải xưng ra và nhận biết những việc đã làm chớ không được dấu thêm. Tôi bèn bỏ dở chiếc áo dài vừa nhúng vào chậu, nửa khô, nửa ướt, nửa sạch, nửa bẩn, tèm lem những vết cabon, rồi  tôi vào trong bếp tìm Mẹ
- Mẹ ơi - tôi nhìn mái tóc mới gội còn ẩm nước của Mẹ, mà chợt nhớ ra chuyện lấy nhầm chai thuốc xịt muỗi khiến Mẹ bực tức lúc nãy. Tôi cảm thấy đây không phải là lúc nhận thêm những việc lầm lẫn nữa.
Nhưng Mẹ đã lên tiếng:
- Chuyện gì nữa đây Thảo?
Giọng nói của Mẹ làm tôi nhận ra rằng đây không phải là lúc để tôi thú tội. Nhưng tôi đã lỡ bắt đầu rồi,. nên không thể bỏ lửng được, vì như vậy chỉ làm Mẹ càng thắc mắc. Tôi liền buột miệng:
- Con lỡ làm dơ mấy cái áo dài rồi, Mẹ.
- Áo dài gì? - Mẹ hỏi lại.
- Mấy cái áo dài mà con đã lỡ viết tên vô để thêu và định cắt ngắn theo mốt mới, giống như của Kiều và Thu đó, và...
Mẹ ngắt lời:
- Khoan đã. Con phải nói cho Mẹ nghe từ đầu xem nào.
Tôi đành khởi sự từ đầu, nói cho Mẹ nghe về việc Kiều và Thu định mặc áo dài mini có thêu tên tắt ở ngực áo. Mà tôi thì không có chiếc áo dài nào theo mốt mới này. Tôi cũng thưa Mẹ rằng tôi biết chắc Bố Mẹ sẽ không cho tôi may cái áo dài mới đâu, vì tôi có đủ áo mặc rồi, nên tôi đã định sửa lại mấy cái áo cho hợp kiểu, và vẽ tên lên, rồi sẽ dùng chỉ xanh để thêu…
Trông Mẹ như sắp nổi giận với tôi nữa, nhưng rồi Mẹ lại khoan thai nói:
- Thôi, được rồi. Con vẫn còn ba cái áo dài kia mà. Lấy một cái ra đây, rồi vẽ mẫu chữ lại mà thêu.
Tôi nói:
- Hỏng hết rồi, Mẹ. Con cũng đã vẽ chữ thử lên cả mấy cái đó, nhưng chữ nào cũng xấu hết.
Mẹ kêu lên:
- Hỏng hết cả bốn cái à?
- Dạ, cả bốn cái - Tôi công nhận một cách yếu ớt.
Bây giờ trông Mẹ như muốn khóc.
- Con tệ quá, Thảo ạ. Con có biết là Mẹ đã mất cả buổi chiều hôm qua để giặt ủi cho con không?
Tôi nói đỡ:
- Mẹ để con giặt lại ạ.
Mẹ tiếp:
- Phải đấy. Con đem đi giặt cho kỹ, rồi hồ dương cho trắng và ủi cho thẳng thớm lại. Nếu không thì chẳng có gì mà mặc đâu.
Lúc tôi tưởng thế nào Mẹ cũng nổi giận với tôi, thì tôi thấy Mẹ đi lấy một cái bàn chải nhỏ và một chất thuốc tẩy để giúp tôi chà sạch vết cabon và vết chì trên vai. Sau đó tôi đem đi ngâm xà bông và giặt giũ lại.
Vừa giặt xong thì Bố gọi:
- Có bạn kìa co.n.
Kiều tươi cười:
- Thôi tụi mình khỏi mặc áo dài mi-ni thêu tên nữa. Theo Má mình nói là đi chơi như vậy thì mặc quần tây tiện hơn. Mình mới gặp Thu đó. Tụi mình se mặc quần tây rộng ống màu nâu nghe.
Tôi nuốt chửng như muốn nghẹn. Thật uổng công, tôi đã làm hỏng hết cả bốn cái áo dài, mà bây giờ tụi bạn lại đổi ý, đòi mặc quần tây, mà quần tây ống rộng màu nâu thì tôi chẳng có. Thế mới chán chứ!