Tủ Sách Tuổi Hoa
Chương Chín
CUỘC TRA HỎI TIẾP TỤC

Sáng hôm sau, lúc ngồi vào bàn ăn điểm tâm, Bố cầu nguyện cho Bằng, Bảo và cho cả người thứ ba liên quan đến vụ lộn xộn đó, dù người ấy là ai.
Rồi Bố cũng cầu nguyện về một điều mà tôi hầu như đã quên đi rồi. Đó là tôi có nên đi chơi cuối tuần ở Phú Lâm không. Lúc đó, tôi vừa xảy ra những xúc động khác nhau về việc của Tuấn, nên tôi cũng không biết chắc là mình còn thích đi Phú Lâm hay không nữa. Thế nhưng, tận trong đáy lòng, tôi có cảm tưởng rằng mình vẫn muốn đi cho biết thế nào. Vì khi Kiều Và Thu rủ tôi đi lần đầu tiên, tôi đã cho đó là một chuyện trọng đại nhất trong đời.
Trong lúc Mẹ cắt bánh mì ra, thì Bố quay về phía tôi nói:
- Thảo à, Bố Mẹ không muốn trì hoãn mãi về chuyện con xin đi chơi ở Phú Lâm. Bố Mẹ chưa có dịp bàn về chuyện đó, nhưng chắc chắn tối nay, Bố Mẹ sẽ trả lời rõ ràng cho con biết ý kiến của Bố Mẹ. Hãy để cho xong xuôi vụ của Tuấn đã, rồi Bố Mẹ sẽ nghĩ kỹ về chuyện của con.
Bố vừa nói "sẽ suy nghĩ kỹ”, câu ấy khiến tôi chợt nhớ đã nhiều lần Bố nói như vậy, mà bây giờ tôi mới nhận ra được ý nghĩa thật sự của nó. Bố Mẹ đã không dùng câu ấy để làm làm một cớ thoái thác đâu. Bố Mẹ tôi thật sự có suy nghĩ kỹ càng về mọi chuyện của chúng tôi. Như chuyện đi chơi ở Phú Lâm đó, tôi tưởng đã quên hẳn rồi, vậy mà Bố Mẹ tôi vẫn còn để tâm suy nghĩ đến.
Khi tôi vừa rời khỏi bàn ăn để đi đánh răng, rửa miệng trước khi đi học, tôi nghe có tiếng chuông bấm. Tôi chỉ còn mấy phút nữa để sửa soạn cho xong để tới trường, nhưng tôi vẫn mong sao ông cảnh sát tới. Tôi không biết làm sao tôi có thể yên tâm ngồi trong lớp được suốt cả buổi học, vì cứ thắc mắc chuyện của Tuấn sẽ ra thế nào.
Quả như tôi mong đợi, ông cảnh sát đã đến. Nhưng câu chuyện đã không tiếp nối như tôi đã mong muốn.
Bố tôi ra mở cửa:
- Chào ông cảnh sát.
- Chào ông.
Rồi Bố bước sang bên cạnh, nhường chỗ cho ông cảnh sát vào nhà. Nét mặt ông cảnh sát tỏ vẻ nghiêm trọng khi ông nói:
- Thưa, tôi cần phải đưa em Tuấn tới cảnh sát mới được.
Ông nhìn Bố tôi một cách nghiêm trọng và cứng rắn. Tôi quay lại nhìn Tuấn. Da mặt Tuấn trắng nhợt nhạt. Lúc nhìn thấy nét sợ hãi lộ ra trên mặt nó như vậy, tôi lại đâm ra nghi ngờ. Có lẽ Tuấn có tội trong vụ đó chăng? Ồ, không thể như vậy được. Tuấn đã kể hết cho Bố Mẹ nghe, và chính Bố đã tin nó mà.
Nhưng nếu như thế thì tại sao họ lại phải đem Tuấn đi tới cảnh sát?
Ông cảnh sát và Bố bước vào phòng khách. Thấy tôi còn đứng tần ngần ở phòng trong, Mẹ tôi giục:
- Con không nhanh lên thì lại trễ giờ học bây giờ.
Tuy nói với tôi, nhưng mắt Mẹ luôn theo dõi Bố và ông cảnh sát ngoài phòng khách.
Tôi chạy vội đi đánh răng, chẳng biết có đánh sạch bằng mọi ngày không, vì tôi nóng ruột chỉ muốn xong cho mau để còn ra nghe xem có chuyện gì lạ không. Như vậy tôi mới yên tâm hơn để đi học.
Lúc tôi đã sẵng sàng để đi, tôi thấy Bố và Tuấn cũng sửa soạn xong rồi. Bố cầm chiếc mũ ở tay, còn Tuấn cũng vẫn mặc bộ đồng phục học trò quần xanh, áo trắng.
Ông cảnh sát đang nói:
- Tôi đã gặp người đàn bà giữ thư viện, bà ấy nói rằng có nhớ chuyện hôm qua, có một em đến xin lỗi như cách em Tuấn đã kể lại. Bà ấy còn thêm rằng bà ấy có thể nhận diện được mặt em học trò đó vì lâu lâu mới có một vụ rắc rối như vậy xảy ra.
Cả Bố và Tuấn mỉm cười. Bố nói:
- Chúng tôi vẫn dạy con cái chúng tôi phải biết công nhận lầm lỗi cua mình. Thật ra… cũng không phải là lời dạy dỗ của chúng tôi.
Thật. Bố đã chẳng bỏ mất dịp tiện để nói ra lời làm chứng hay sao? Nhưng này, Bố đã dám nói cả với ông cảnh sát quan trong đó rằng ông ấy là một tội nhân nữa sao? Trong khi ngay bây giờ chuyện của Tuấn đang còn có vẻ gay cấn quá!
Vừa lúc ấy, ông cảnh sát nhìn thẳng vào tôi. Bắt gặp cái nhìn chăm chăm của ông ấy cả người tôi rợn gai ốc lên. Cuối cùng ông ta lên tiếng:
- Có lẽ chúng tôi nên mời cả cô bé này tới nữa.
Tôi la hoảng lên:
- Ủa bộ cả tôi nữa sao. Chi vậy hở ông?