Chương 7
Xưởng chế tạo khí giới

Ông ấm khẽ gõ ba cái vào cửa, dõng dạc hỏi:
- Ba Mỹ Ký 1 có nhà đấy không?
Tôi đứng sau ông ấm, chờ. Nhà này là một căn nhà tồi tàn, nhỏ hẹp ở trong ngõ Trung Yên, Hà Nội. Mấy tiếng guốc lộp cộp trong đêm khuya vang lên, cánh cửa hé mở, một cái mặt người ốm ló ra...
- Á ông Nghị! Rước ông vào nhà...
Người ấy nói đoạn, mở rộng cánh cửa. Bấy giờ tôi mới nhận ra là bác Ba Mỹ Ký, một người trong vòng ba mươi tuổi, thân thể gầy rạc như xác ve, hai vai so lên gần đến mang tai, vừa đứng vừa run trong một tấm chăn bông vải nâu màu đã xám xịt như cái khăn lau trường. Chúng tôi bước vào, bác ta đứng lại đóng cửa kĩ lưỡng, rồi quay vào trải một cái chiếu mới lên bộ giường mộc.
Người Tây Phương, khi đang vận robe de chambre 2 mà phải tiếp khách lạ là vội lấy quần áo tử tế để thay ngay. Có khách lạ, cũng biết giữ lễ, bác Ba Mỹ Ký cũng thay cái chăn bông nâu đó là robe chambre của bác, xong lấy một chiếc pardessus 3 kiểu tối... cổ thay vào. Đoạn bác hỏi ông ấm:
- Có việc gì mà... rồng lại đến nhà tôm thế này? Đem ấm nước với cái điếu ra đây, em!
Em đây là một cậu ngồi cắm cổ xuống một cái bàn kê tận phía trong kia, đang lúi húi làm gì, tôi cũng không để ý. Thấy anh gọi, cậu này đứng lên, cầm bộ đồ nước, cái điếu đem ra hỏi anh rằng:
- Thế anh đã tô xong chưa mà để vung vãi ra thế này?
Bác Ba Mỹ Ký đáp:
- Chưa, cứ để nguyên cả cỗ đấy, chốc nữa tao làm.
Từ lúc vào chưa nói câu nào, bây giờ ông ấm mới hỏi:
- Thế nào? Đám xì ở Hàng Kèn vừa rồi có ăn thua gì không?
Bác Ba Mỹ Ký cười:
- Kể cũng ăn thua khá đấy, nhưng vì một nỗi là tạ đông quá, chia năm xẻ bảy đi mất, tôi còn được có bảy đồng.
- Thôi, kinh tế này, thế đã là may...
- Chỉ đủ tiền trả ngót hai chục thang thuốc.
- Thế vẫn chưa khỏi à?
Đến đây, bác Ba nhăn mặt, lắc đầu:
- Chưa! ông lang bảo là ho kinh niên!
Rồi bác sù sụ như một ông lão tám mươi sặc thuốc lào vậy.
Ba Mỹ Ký, cái tên này tôi nghe thấy như là hơi quen, dễ là vì ông ấm đã có nhắc đến, lần đầu mà tôi lại cái nhà ở ngõ hàng Cá với anh Vân, khi ông ta lẩm bẩm nói tới việc phái binh đi phố Hàng Kèn. Bác Ba ta có bộ tóc để dễ đến mấy tháng nay chưa xén, dù ai quých đến đây tất cũng phải biết ngay là một tay bạc bịp đã lũa. Nếu cứ phô cái hình thù ấy mà bịt được mắt mọi người thì thật bác phải là có "thánh cho ăn lộc" mới được, vì người không còn một vẻ gì là sang. Tôi đã lấy làm ngạc nhiên, lại sốt ruột nữa. Vì ông ấm đã nói: "Nào, ta đi thăm xưởng chế tạo khí giới" mà đến đây, tôi vẫn chưa hiểu câu nói ấy có ngụ ý gì...
Bác Ba Mỹ Ký lại hỏi:
- Có phải tiên sinh đến lấy đồ đấy không?
Ông ấm:
- Chính thế, với lại đến thăm bác nhân thể.
- Xin đa tạ...
Bác Ba Mỹ Ký nói đến đấy, thấy lộ vẻ bứt rứt ngẫm nghĩ trù trừ mãi, rồi hỏi ông ấm:
- Thế quan anh cho đệ được biết: ông này là... thế nào?
Cái ông ấm vô ý tứ này bây giờ mới vội:
- Quên đi mất... Rõ nỡm!... ông này là một ông rất có cảm tình với làng b... ta. Đất rất nhiều, rất sộp!
Tôi nghe mà ngượng. Không phải ngượng vì được liệt ngang hàng với hạng người như Ba Mỹ Ký nhưng vì, nói cho cùng, chính mình đã được nhiều dịp chia tiền với ông ấm, mà chưa từng có đất nào để mách ông hoặc đồ đệ ông đi "chinh phục" cả!
Ông ấm nói thế vội đứng dậy, ra hiệu cho tôi đi theo ông đến phía cái bàn. Ba Mỹ Ký cũng vội xốc lại cổ áo, theo chúng tôi.
Cậu bé lúc nãy mang ấm, điếu ra để anh tiếp khách, lúc này đang ngồi cần cù cầm ngọn bút lông mèo mới, chấm vào một cái đĩa đựng ít sơn đỏ rồi tô lên mặt một quân xúc xắc.
Ông ấm hỏi:
- Bài siêng đấy chứ?
Ba Mỹ Ký đón lời:
- Không, lưỡng diện đấy chứ có phải siêng đâu! à, cụ ạ, tôi mới có một cỗ thuỷ ngân đẹp một cách lạ!... Để tôi lấy cụ xem nhé...
Rồi bác lôi cái ô kéo, lấy ra một cái hộp sắt tây to tướng và bảo:
- Có lẽ ta ra giường tiện hơn.
Thế là chúng tôi lại quay ra chỗ cũ. Cúi xuống gầm giường lấy một cái nắp thạp đầy những gạo bên trên có một cái bát "chân tượng" lên, dọn dẹp điếu, ấm vào một góc, bác Ba mở hộp. Mới đầu tôi tưởng đó là hộp thuốc của một ông lang chữa bệnh lậu nào thì phải, vì trong đó có một số không đếm được những gói giấy nhỏ, trắng, đỏ với xanh.
Bác Ba lấy một gói đỏ, mở ra. Ba quân xúc xắc màu xương còn trắng nõn, vết mực đỏ, đen ở sáu mặt rất tươi đẹp, ló ra một cách choáng lộn, kiêu hãnh nữa, khiến cho nhìn đến, ta có cái cảm giác là tưởng tượng đến những mĩ nhân còn tuyết trong giá sạch phô cái "thân ngọc" cho những ông phu tướng giữa lúc hoa chúc động phòng. Bác Ba nhìn đến cái công trình mĩ thuật của mình bằng cặp mắt say sưa như một nhà tài tử, rồi hỏi:
- Thế nào? Các ông trông có đẹp không?
Ông ấm lấy kính đeo, cầm từng quân lên tay, chỉ ngắm nghía những góc. Ông khoe:
- Được lắm, tay chân đã khá lắm đấy.
Rồi ông gieo vào bát, thử. Một sự lạ: ba quân này quay lộn thế nào cũng không thành được nhất nhị tam vì có hai quân nếu không dậy mặt tứ ngũ thì cũng lại chỉ lên ngũ lục.
Bác Ba nói câu này để tự khen thêm một lần nữa:
- Có khí giới này thì gặp anh nào hắc búa đến đâu, mình cũng cứ việc nhét đất thó vào lỗ mũi nó mà lấy tiền!
Ông ấm khích một câu:
- Thôi đi đừng nói giỏi nữa! Nào thử ra, vào xem trông có đẹp hơn độ trước không?
Ba Mỹ Ký mỉm cười:
- Thưa thầy, ngón của thầy truyền cho mười phần thì con cũng đã nhập tâm được bảy, tám.
Rồi bác lấy ở hộp ra một gói giấy đỏ khác, mở gói lôi ra một cỗ trạc xếch khác, gieo xuống bát, phân vua rằng:
- Đấy nhé đã đích là bài siệng chưa?
Xong bác đứng lên, bỏ pardessus ra, lấy một cái áo the kép mặc vào.
Tôi tự hỏi rằng: "Làm gì mà phải khăn áo chỉnh tề thế kia?" Ông ấm cũng gieo và kêu: "Ư, bài siệng thật".
Bài siệng đây là bài mà người ta chưa đục ruột nó. Người ta chưa đục ruột nó với đổ thuỷ ngân vào trong thì nó dậy nhất nhị tam hoặc tứ ngũ lục phải do ở sự tình cờ.
Bây giờ thì bác Ba ngồi xuống, xếp nếp áo the ở lòng cho nó "ý tứ" riêng của bác rồi chọn hai quân xúc xắc không siệng cầm vào tay.
Bác gieo quân xuống bát và mỗi khi gieo xong, lại để bàn tay vào lòng, một tay chống nẹ, một tay gieo xong lại rút để vào lòng mình, trông cái cử chỉ ấy thật tự nhiên. Tôi nhận ra rằng kiểu ngồi này thật chép đúng của ông ấm B... khi ông đốc thúc quân binh trong cái "Việt Hoa chiến kỉ" vậy.
"Ngón của thầy truyền cho mười phần thì con cũng đã nhập tâm được bảy, tám" lời này của bác Ba kể cũng đúng sự thật đấy, vì trước khi gieo, nếu bác ta đã kêu trước là nhất, nhị, tam thì không bao giờ cỗ bài lại dậy: tứ, ngũ, lục hoặc đã bảo tứ, ngũ, lục thì không khi nào cỗ bài lại dậy: nhất, nhị, tam.
Còn hai phần mười kia, không bao giờ bác học nốt được. Chẳng có cái dáng điệu phong lưu bệ vệ của ông ấm, hình thù bác trông cỏ như vậy và - theo bộ từ điển của làng bạc bịp - trông lộ tẩy như vậy thì không khi nào bác phát tài được vì ông ấm xưa nay chỉ phái bác đi với những đám trếch chứ chẳng bao giờ dám cho bác đụng chạm vào đám sang trọng, thượng lưu. Cái "nước sơn" của con người mà can hệ đến thế đó.
Sau cuộc thử tài đệ tử, ấm B... tôn sư có vẻ hài lòng lắm và nói đùa:
- Được tôi cũng đã có cơ vững dạ mỗi khi phái bác... hạ sơn!
Chúng tôi cùng cười. Bác Ba Mỹ Ký hỏi:
- Nhưng cụ bảo đánh đòn thuỷ ngân hơn hay đòn lưỡng diện hơn?
Ông ấm mắng như mắng một học trò:
- Hỏi dốt thế? Phải tuỳ cơ ứng biến chứ lại... Anh hỏi thế có khác gì một người biết võ mà mỗi khi có cuộc chiến đấu, hỏi thầy rằng: "Con nên đánh môn Thiếu Lâm hay môn Mai Hoa?" Không! Nếu cứ như câu hỏi của anh thì người đời ai cũng là b... được cả!... Đây này, còn có cả trường hợp nguy hiểm này nữa: thí dụ đang gieo mà vỡ xúc xắc, thuỷ ngân đổ ra bát... thì anh định giở ngón thế nào?
Ba Mỹ Ký ngẩn ra không biết nói câu gì, chỉ giương đôi con ngươi trắng dã hỏi lại. Ông ấm trừng trừng nhìn học trò của ông hồi lâu rồi cầm lấy cỗ xúc xắc bảo:
- Trông đây này!
Ông gieo và tiếp:
- Thí dụ quân đã vỡ nhé...
Rồi ông làm bộ ngơ ngác nhìn chung quanh gian phòng, chỉ vào một góc tường mà hỏi: "Ông kia tinh nghịch chơi lối gì thế? Có phải ông ném gì vào bát đấy không?" Trong lúc này, ông đã cầm ba quân xúc xắc lên, quờ lòng bát khoắng một cái. Rồi ông nói tiếp: "Nếu không là ông thì tất là một người khác!" Rồi ông ném một quân ra xa, bỏ cái bát ra ngoài tráp gạo, cúi xuống bới lấy một quân khác lên, tiếp: "Thôi không ai nhận cũng được! Xin mời các ngài... còn quân nữa đây!" Ông lại gieo một hồi rồi nhìn chúng tôi ra ý hỏi: hiểu rồi hay chưa hiểu?
Tôi với bác Ba Mỹ Ký thú thật là chưa hiểu kĩ, lúc ấy ông ấm mới cắt nghĩa rằng:
- Lúc quân nhỡ mà vỡ, điều cốt yếu là mình phải làm cho làng không kịp biết là có thuỷ ngân. Muốn thế, ta phải đổ vấy có một người trong đám, bất cứ người nào. Khi ta chỉ tay lên và nói: "Ông kia, ông tinh nghịch gì thế?" là cả làng phải nhìn một cách căm tức đến mặt người vô phúc bị ta vu oan cho vậy. Thừa lúc không ai để ý, cái tay ta khoăng vào lòng bát đã hắt hết thuỷ ngân đi. Giọt thuỷ ngân hắt ra sẽ tan thành bụi! Phải biết, lúc ấy đang hỗn độn; người này buộc tội, người kia cãi lại, không ai để ý đến mình. Mình ra một quân ở tay, vờ là bới nó dưới bát gạo lên. Quân vỡ kia ném đi rồi, giữa lúc người đang đỏ muốn được thêm, người đang đen chỉ muốn gỡ, vừa phần sợ sẽ làm rầm rầm lên thì sẽ có chuyện với những tay sai của cụ Arnaud 4 có lẽ đang tuần bằng xe đạp ngoài phố, ai nấy sau cùng mới nghĩ ra rằng yên lặng là hơn. Đã có quân thay, cả làng lại nối cuộc.
Nghe ông cắt nghĩa, tôi phải phục là ông biết tâm lí người đời lắm mới có thể ứng biến một cách táo bạo như thế được; ông thật đáng là vị quân sư của làng b...
Ông ấm kết bằng câu này:
- Nhưng ít khi vỡ quân lắm.
Ba Mỹ Ký vẫn ngồi ngẫm nghĩ đến chuyện đó, sau cùng mới nói:
- Xin bái lĩnh cái ngón ấy của thầy!
Ông ấm lấy ba cái giấy bạc một đồng ra:
- Cho tôi một cỗ trạc xếch lưỡng diện với một cỗ bất mẫu tử.
Ba Mỹ Ký cầm tiền rồi trao lại ông ấm hai gói giấy xanh.
Chúng tôi ra về.

*

Ba Mỹ Ký vốn là một người thợ mạ đồ vàng giả cho một cửa hiệu. Có lẽ không muốn lục đến tên tục, người ta lấy ngay tên cửa hiệu do bác làm công, gán cho bác.
Lúc cửa hiệu được kì thịnh vượng, bác làm ăn rất phát tài. Sẵn tiền trong tay, bác phải tìm cách giải trí. Giải mãi trí vào cái khoé kiếm tiền một cách rất dễ, trí bác dần dần chán nản mọi việc nặng nhọc của tay chân. Đâm ra biếng lười, bác ta bị ông chủ mời về vườn để tha hồ mà giải trí.
Sau khi tìm được vài ngón bịp tài bàn, tổ tôm, bác vẫn sống ung dung bằng cách thịt những dân lao động, sau cùng bác phải xin vào làm môn đồ của ông ấm B...
Xem ý ra, trong đám "học trò", chỉ có bác này là được ông ấm có lòng thương hơn cả. Bệnh ho sù sụ của bác mà bác tưởng là sẽ thành kinh niên ấy, bác phải giữ nó trong phổi, trong cuống họng là vì một trận đòn gây nên.
Hồi ấy, nạn khủng hoảng chưa đến tác hoạ tại xứ này.
Ngày đầu tháng, toà nhà gác ở ngõ Hàng Cá với cái vẻ rộn rịp của một bộ tham mưu giữa lúc chiến tranh, đã khiến cho quân sư ấm B... vì nhiều việc quá phải nhận ngay "đồ đệ trông lộ tẩy" của mình vào một nơi hang hùm nọc rắn.
Kể đòn của bác Ba Mỹ Ký trông cũng khá đẹp nhưng bác sa hố là vì người bác không có lấy một "nước sơn". Bọn quyền quý kia chỉ quých ở sự đánh bài và không quých ở sự "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" nên đã cho bác một bài học khá cay nghiệt.
Bác vì thế, mắc chứng ho.
Nghĩ thương hại một kẻ lâm nạn vì cái vô ý của mình, ông ấm phải đem bao nhiêu lối "chế tạo khí giới" của ông ra truyền cho bác Ba để bác làm sinh kế. Cũng đôi khi, bác được phái đi đánh chác, nhưng vẫn không kiếm đủ tiền chữa bệnh ho.
Ông ấm đã phải thu xếp cho bác cái việc nhàn hạ là ngồi một chỗ làm hàng. Ông lại bảo anh em làng b... nên đến mua cho bác.
Bài mẫu tử, bài giác mùi, giác bóng, xúc xắc thuỷ ngân, xúc xắc lưỡng diện, tiền nhựa, những thứ ấy bác bán đắt gấp đôi, ba những bài thường.
Thành thử búa, giũa, ve của bác xưa kia dùng để chế tạo mọi đồ nữ trang nay bác chỉ dùng vào việc đúc xúc xắc. Thằng em họ bác mà người nhà bác gửi bác cho nó học nghề mạ, bác chỉ cho "chế tạo khí giới" rồi nói dối với cả họ là vẫn cho em học làm thợ ngà!
Ông ấm thuật chuyện rồi bùi ngùi nói một cách cảm động:
- Rõ thương hại nó quá. Dễ thường nó ho lao!...
Sống về nghề thì chết về nghề, sự này không lạ. Có điều lạ là ông ấm, một con mọt của xã hội, hạng người nguy hiểm đáng cho đời đổ lỗi tất cả các tính xấu của Trái đất, té ra lại là một người có đủ thuỷ chung...
Một sự chẳng ngờ.
Chú thích

1

2

3

4

Thời ấy ở Hà Nội có hiệu chuyên làm đồ nữ trang bằng vàng giả bán rẻ tiền tên là Mỹ Ký. Bác Ba này được gọi là Mỹ Ký vì cũng đã làm công ở hiệu ấy.
Tiếng Pháp, nghĩa là áo ngủ.
Tiếng Pháp nghĩa là áo ấm mặc ngoài, ta thường phiên ra là ba-đơ-suy.
Chánh sở mật thám đương thời.