Phần III

Nửa giờ sau. Thúy thức dậy, thức thật sự. Nàng cần thức để ra buồng vệ sinh.
Giây lát sau, bạn chàng trở vào với chàng, Toàn cũng vẫn chưa nói gì. Chàng đang bẽ bàng với ai, không phải bẽ bàng vì đã làm xằng mà vì đã thua trận.
Phải, chàng thua trận, không có chiếm được Thúy, không có hưởng được ân huệ của Thúy lúc nàng ý thức.
Đành rằng khi nãy nàng vẫn ý thức, chỉ giả ngủ thôi, nhưng Thúy có thể nói rằng mình bất thức và chàng đã lén lúc ăn cắp chớ không được ai cho.
Bẽ bàng rồi tức giận, chàng muốn nắm đầu Thúy mà nện cho nàng một trận nên thân, khi nàng trở vào.
Người đàn ông luôn luôn thấy mình có quyền, một khi đã được. Trước sau có mấy phút mà họ thay đổi tức thì, trước họ có du côn bao nhiêu cũng không hề dám có tác phong vũ phu với người đàn bà, nhưng sau đó thì họ có quyền được phục dịch, được nghe lời, đôi khi được hành hạ nữa.
Những người đàn bà oanh liệt được các tay vũ phu sợ bao nhiêu, cũng đành phải bó tay chịu nước lép sau đó, càng phản ứng mạnh để thoát, càng phải ăn đòn.
Thì ra, Thúy đã thất lời hứa. Nàng chịu đựng, chớ không phải là cho. Như thế, nàng mà có chịu đựng suốt đời, chàng cũng không thèm. Một phút làm anh hùng vẫn hơn cả đời làm thằng ăn cắp.
Vì không phải là kẻ lỗ mãng, kẻ vũ phu, nên cơn tức giận của Toàn không bùng nổ lớn.
Trái lại, Toàn làm lành. Chàng thấy rằng không du côn được thì phải làm con cừu ngoan vậy chớ ở giữa lưng chùng, còn thiệt nhiều hơn.
Chàng chìa tay ra để cho Thúy gối đầu, Thúy thấy cánh tay ấy, phải hiểu ý chàng và phản ứng của nàng sẽ chỉ đường cho chàng có thái độ hợp với tình thế.
Thúy tự nhiên đón nhận sự săn sóc đó, không sung sướng mà cũng chẳng chê.
Day qua hôn nhẹ thật nhẹ nơi thái dương của bạn, nơi mà tóc mai của người đàn bà rất mịn, Toàn thì thầm:
- Thúy! Em nghe thế nào? Cảm tình của em đối với anh có khác hơn trước đây hay không? Liệu có yêu anh được hay không?
- Cứ hỏi bấy nhiêu đó mãi. Hễ ký hiệp ước rồi thì phải tôn trọng hiệp ước nghe chưa?
- Nhưng em từ chối đi ra ngoài với anh hồi chiều nay, bảo rằng nên nằm nhà để hưởng hạnh phúc. Nhưng em vẫn không thèm nằm nhà, em viễn du trong giấc cô miên. Chính vì thế mà anh muốn biết.
- Nằm nhà để hưởng hạnh phúc. Và phải hưởng hạnh phúc một cách lặng lẽ.
- Anh trông đứng trông ngồi cái đêm nay mà anh tưởng trước là đêm thần tiên của đời anh. Nhưng rồi không có gì cả. Em đã giữ lời hứa và quả anh đã được yêu... nhưng không phải yêu em. Anh đã yêu một cây chuối, một chiếc gối. Em chỉ cho anh rất ít. Hồn em, em cất kỹ hay thả cho nó bay đi.
- Anh đã chẳng thường bảo em rằng em không hồn hay sao?
Thúy nói rồi cười dòn lên trong lúc Toàn vẫn cứ buồn hiu. Chàng xác nhận nửa chừng:
- Anh chỉ nói vậy thôi chớ dầu sao em cũng còn là con người. Mà cho dẫu em không có hồn, em vẫn có trí. Thế mà em đã KHÔNG CÓ MẶT, lúc anh yêu em.
Em đã bố thí một cách phũ phàng. Tục ngữ ta thường nói: "Một mặt hơn mười gói", nhà anh có việc vui, mời em đến, em tránh đi, chỉ gởi lại biếu một chai rượu. Sao em lại nỡ coi rẻ anh đến thế.
- Thôi, cứ nói hoài cái đó nghe nhàm lắm. Anh đã được cái gì anh đòi hỏi, thì còn ức chuyện chi.
- Không, anh không được. Anh đòi Thúy, một cô Thúy một trăm phần trăm, chớ anh không đòi cái xác của em.
- Thôi, dẹp chuyện đó lại.
- Không. Nhứt định không. Anh không thể chịu đựng được cái người mà anh ấp yêu trong tay lại nghĩ đến người khác.
- Anh độc tài. Anh bắt xác người ta còn muốn bắt luôn cả hồn nữa sao?
- Ừ, anh độc tài đó. Mà anh có quyền độc tài.
- Quyền gì?
- Quyền của một người chồng.
- Ai cho những anh chồng quyền độc tài?
- Pháp luật và dư luận, vì sự độc tài ấy chỉ hạn định thôi, nên những anh chồng được hưởng mà không hại cho quyền lợi những chị vợ, hơn thế còn lợi cho hạnh phúc của gia đình.
- Hạn định trong vòng nào?
- Hạn định trong vòng người chồng được tuyệt đối đòi hỏi nơi người vợ sự hiến dâng song hành, từ thân thể đến tinh thần.
- Nhưng anh có là chồng thật của em đâu.
- Sao lại không. Anh đã XIN LÀM CHỒNG của em, chớ nào anh có XIN LÀM CHỒNG GIẢ bao giờ. Cho dẫu hưởng dược ân huệ ấy trong hai tháng ngắn ngủi thôi, anh cũng phải được hưởng trọn vẹn, đúng theo lời cam kết.
Thúy không đuối lý nhưng nàng lặng thinh. Nàng nín lặng vì muốn nhượng bộ.
Từ bao lâu nay, nàng đã coi thường Toàn, không tính có chàng trong đời nàng. Bỗng dưng hôm nay người thanh liên nầy cả gan dám tỏ ra bất khuất, lại đủ khả năng lập luận đanh thép nên nàng không thể không kể đến hắn, không nể hắn.
Người đàn bà, dầu sao bản chất của họ là bản chất phục tùng, không nhiều thì ít. Nhưng họ chỉ phục tùng kẻ nào đủ bản lãnh thôi. Mà hễ gặp cái kẻ đó rồi thì tự nhiên là họ mặc nhận uy quyền của kẻ đó, ban đầu còn tự ái, chỉ mặc nhận vậy thôi, rồi lần lần họ đi từ nhượng bộ nầy đến nhượng bộ khác.
Tình yêu nơi họ cũng chỉ nẩy nở trong sự phục tùng thôi. Không bao giờ một anh chồng râu quặp mà được vợ yêu, mặc đầu chị vợ anh có phục dịch anh như đầy tớ đi nữa.
Thế nên trong xã hội, người ta thường thấy những anh du côn rất võ phu, đánh vợ mà mình nghe phải sốt ruột, phải thương xót. Vậy mà các chị vợ phải đòn ấy lại cứ yêu chồng, cái mới chết. Họ yêu chồng chỉ vì những anh chồng ấy đã có cái gì để họ phải phục tùng rồi tình yêu nơi họ phát sanh ra.
Thúy làm thinh trong một thái độ đầu hàng phần nào. Nhưng Toàn lại ngỡ nàng làm lì, dùng khí giới im lặng khinh bỉ để đương đầu lại với chàng theo chiến thuật đề kháng thụ động, nên Toàn nổi giận vụt ngồi dậy và hét:
- Đó là quyền làm chồng của anh, em hiểu chưa?
Nếu không có sự ngộ nhận về thái độ của bạn, Toàn đã không nổi xung thiên được. Mà hễ nổi xung thiên được thì uy thế của chàng càng lên.
Chàng vừa hét vừa đập tay lên nệm thình thình khiến Thúy hết cả hồn vía.
Đây là lần đầu tiên mà người thiếu phụ sang trọng và kiêu căng nầy bị một người bên nam phái đối xử tệ như vậy.
Tức giận nhưng nghe mình bất lực, nàng tủi thân quá, cắn môi cố nén một hồi nhưng không được, nên nàng òa lên mà khóc.
Nồi súp de Toàn đã xì bớt hơi được rồi nên không nổ, mặc dầu đã kêu khè khè nơi cái súp báp một cách hầm hừ hăm dọa.
Hơn thế, chàng hối hận hết sức mà đã ngược đãi bạn. Ngược đãi? Phải. Đối với giới người có giáo dục, có thiện căn, mắng chưởi la hét người khác là ngược đãi họ rồi đó chớ không đợi phải đánh đập người ta một cách tàn nhẫn.
Lại nằm trở xuống, chàng ôm lấy đầu bạn rồi van lơn cầu khẩn:
- Thúy ơi! Thúy tha lỗi cho anh đã thô lỗ với Thúy!
Thúy càng khóc dữ hơn. Nàng đã hết tủi thân rồi. Và đây là trận khóc hả hơi, trận khóc nhõng nhẽo. Ừ, khi mà người đàn bà nghe mình nhỏ nhoi, bản năng em nhỏ của họ sống dậy và họ luôn luôn nhõng nhẽo.
Toàn hôn lên tóc, lên tai, lên trán bạn để đợi cơn khóc dịu bớt rồi mới lấy khăn lau lệ cho bạn.
Thúy úp mặt vào ngực chàng mà thổn thức.
Chàng gọi:
- Thúy!
- Dạ.
Toàn chết sững, gọi mà không hỏi gì được vì cái tiếng "dạ" đầu hàng nầy nó thổi chàng thình lình bay bổng lên tận chín từng mây xanh.
Chàng hôn lên trán bạn rất dài rồi hưởi cái mái tóc đặc biệt của một cô Thúy không xức nước hoa, lắng nghe cái gì rất lâu, mới tiếp tục những câu hỏi bỏ dỡ khi nãy:
- Thúy còn hờn anh hay không?
Thúy nấc lên một tiếng rồi nghẹn ngào đáp:
- Còn.
- Thôi anh lạy Thúy để chuộc tội rồi cưng Thúy nhiều thật nhiều để bù lại sự hất hủi mà Thúy đã phải chịu từ khi nãy.
- Hông! Hổng thèm đâu.
- Thúy không chịu để anh cưng sao?
- Hổng thèm cho anh lạy.
- Sao lạ vậy Thúy? Phải để anh tạ tội chớ.
- Chính em mới có tội.
- Không em không có tội gì hết. Nhưng thôi, nếu Thúy chịu tha tội cho anh thì phải chứng tỏ bằng một việc cụ thể. Đâu Thúy hôn anh một cái xem nào.
Thúy chớp nhoáng hôn vào má bạn, cái hôn như bị dính vào đó bằng một thứ mũ cây mà người ta dùng bắt chim, Thúy không sao lấy mũi ra khỏi má của Toàn được.
Toàn ngây ngất, không còn biết mình đang sống thật hay chiêm bao.
- Thúy ơi! Thúy!
Thúy bây giờ mới buông bạn ra mà đáp:
- Dạ.
- Ta đang ở đâu?
- Em đang nằm trong tay anh và anh đang nằm trong hạnh phúc.
- Ta vẫn sống à?
- Ừ, sao anh hỏi lạ vậy?
- Em có thật à? Để anh rờ xem có thật hay chỉ là ma.
- Ý ạ, anh nói nghe ghê quá! Em hổng thèm chơi với anh đâu.
Nàng giận giỗi dang ra. Toàn rượt theo dỗ:
- Thôi cưng, có anh đây, đừng sợ gì hết. Thúy nè! Như thế nầy mà chỉ được có hai tháng mà thôi sao? Không, không khi nào mà anh chịu để em xô ra trong hai tháng.
- Thấy không, em đã nói mà! Hễ được voi thì đòi tiên.
- Không biết. Nhưng anh sẽ giết em rồi tự tử, nếu em bỏ rơi anh.
Chàng nghiến răng trèo trẹo mà nói như vậy khiến Thúy nghe toàn thân mọc ốc. Ánh đèn chong lờ mờ, nhưng nàng đoán thấy là đôi mắt của Toàn đỏ ngầu. Hắn sắp biến thành con thú dữ, hay ít lắm cũng thành ra con người man rợ không chịu đựng được sức kềm chế nào cả.
Tự nhiên uy thế của thầy thơ ký đánh máy chữ ngày xưa lại tăng lên thêm, và tự nhiên tình yêu nơi Thúy cũng trưởng thành thêm một chút.
Si tình là một hình thức yêu tiêu cực, không gây ảnh hưởng được nơi kẻ mà ta si. Nhưng sự yêu đương cuồng bạo có khả năng thống trị, nó làm bá chủ, nó đàn áp mà không gây căm hờn, còn trái lại nữa.
Thúy xỏ năm ngón tay vào tóc bạn, cày ra sau rồi hôn lên trán bạn trong một tâm trạng dỗ dành và nịnh nọt, rồi vả vào má bạn mà rằng:
- Coi hiền mà du côn dữ!
- Anh bắt buộc phải du côn để bảo vệ hạnh phúc của anh.
- Nếu em không sợ chết thì sao?
Toàn cười xòa:
- Nếu em không sợ thì anh đầu hàng.
- Mà nếu đầu hàng cũng chẳng được ân huệ
gì thêm?
- Thì anh giết nó.
- Nó nào?
- Thế lào cũng phài có một thằng trong đời em, nó ngăn em yêu anh. Anh sẽ giết nó.
- Đừng nói nhảm. Không có thằng nào hết.
- Không có sao em không yêu anh?
Thúy cười dòn lên, nhưng đó là giọng cười cảm tình chớ không mỉa mai.
- Anh điên rồi, nói không đầu không đuôi gì hết. Bộ hễ người nào không yêu người nào là vì có người khác à? Nhưng nói thế chớ em yêu anh rồi.
Toàn đã thấy rằng tình cảm của Thúy đối với chàng thình lình thay đổi.
Tuy nhiên chàng vẫn cứ mong mỏi chính miệng nàng xác nhận như vậy. Giờ nàng đã xác nhận, chàng lại không dám tin. Đó là sự may mắn quá sức tưởng tượng của chàng để chàng dám tin là có thật.
Chàng ngóc đầu lên nhìn trừng trừng Thúy, Thúy kéo đầu chàng xuống, đè mũi chàng lên má nàng và nói:
- Đã yêu rồi không ai xí gạt anh mà ăn vàng ăn bạc gì. Tin đi.
- Nhưng yêu trong bao lâu? Không chịu hai tháng đâu.
- Ừ, lâu hơn.
- Nhưng bao lâu chớ?
- Bao lâu tùy anh.
- Trọn đời nghe không?
- Dạ.

*

Mặc dầu đã thức suốt đêm, sáng hôm đó Toàn vẫn tươi rói, hơn thế, chàng hách ghê lắm.
Trên đời không có thành công nào làm cho con người hỉnh mũi bằng thành công về tình, càng hỉnh mũi hơn khi sự thành công ấy là một đắc thắng ngoạn mục.
Vào sở, chàng nện gót giày kêu bôm bốp, ở sở ai cũng ngán chàng cả vì thấy chàng ở không luôn luôn mà cứ lãnh lương cao, ngỡ chàng là một nhân vật quan trọng lắm đang làm gì bí mật mà chỉ có chủ hãng là được phép biết thôi.
Họ đã ngán chàng, nay thấy chàng làm oai như vậy họ lại càng ngán hơn.
Chàng rua ông chủ sự phòng nhân viên rồi khoe:
- Vợ mỏa vừa sanh, mẹ tròn con vuông mỏa thích quá.
- Vậy à? Mừng cho chị ấy. Nhưng sao lại khai là độc thân?
- Ấy, vợ mỏa nó có chỗ làm mà đằng ấy phụ cấp con cái lại to hơn ở đây, nên mỏa để cho nó hưởng.
Rồi bí mật chàng ngậm câm luôn. Giây lát sao, chàng xách xe chạy xuống hãng Xucamêcô để khoe nữa.
- A, bà con ơi! Thúy đã đầy tháng rồi.
- Dữ hôn, Tuyết trách, sao không đợi ăn thôi nôi mới cho hay.
- Ấy, bận nhúm lửa.
Cả sở cười rần rần. Ông Mục hỏi:
- Thế chị Toàn chừng nào đi làm trở lại.
- Bận con cái chắc nó phải thôi luôn.
Bọn phụ nữ ở đây đều nghĩ rằng Thúy ắt hẳn phải đẻ bọc điều nên mới tốt số như vậy.
- Chắc tôi phải sắm xe mới để thưởng công vợ tôi mới được.
Rồi chàng lại xách xe chạy tuốt lại đàng nhà ông Hiệu.
Ông Hiệu đã gọi chàng ba hôm rồi mà chàng không thèm đến vì chàng chán ông ta quá, cứ do dự mãi, không quyết định được gì hết.
Chàng sẽ nói vào mặt ông Hiệu rằng chàng không cần cóc gì nữa cả. Sở dĩ chàng chạy ngược chạy xuôi, là mong kiếm tiền để mua chuộc Thúy. Mà giờ đã được Thúy yêu rồi thì còn phải làm cái quái gì nữa cho nhọc xác.
Ông Hiệu hôm nay hơi ngán người thanh niên giàu sáng kiến nầy. Hắn tự nhiên oai vệ ra, tác phong hắn là tác phong của người đồng địa vị với ông, không phách lối một cách vô lễ, nhưng dạn dĩ và bình tĩnh trước mặt ông y như là hắn đồng lứa tuổi và đồng tài sản với ông.
- A... anh Toàn, trông anh dữ!
- Bận quá vì vợ đẻ...
- Vợ đẻ à! Hoan hô!
Lối pha trò chơi chữ nầy ai cũng hiểu cả, nên ông nhà giàu nầy chúc mừng liền. Ông ta hỏi thêm:
- Thế Hoàng Nam hay Công Chúa?
- Công Chúa.
- Con so chớ?
- Vâng...
- Đẻ con đầu lòng là gái thì dễ làm ăn lắm. Chưa chi mà anh đã thành công rồi đây.
Ông Hiệu muốn ám chỉ đến công việc mà ông ta sắp giao phó cho Toàn. Nhưng chàng bị sự thắng trận tình ái ám ảnh nên chận ngay.
- Ừ, tôi vừa thành công, mà thành công to lớn không thể tưởng tượng được.
Ông Hiệu hơi thất vọng, ngỡ Toàn trúng áp phe gì khác và sợ hắn không hợp tác với ông nữa. Ông do dự giây lát rồi mới dám hỏi:
- Nhưng có bỏ rơi tôi hay không?
- Tôi đến đây, nghĩa là còn nghĩ tới ông.
- Quí hóa lắm là cảm ơn toa lắm. Như thế nầy. Mỏa đề nghị toa cộng tác với mỏa ngay từ bây giờ. Toa đi Nha Trang nghiên cứu lại địa thế để cất xưởng. Công việc nầy chỉ mất độ một tháng thôi. Làm thế nào mua một miếng đất vừa rẻ vừa thuận lợi cho công việc chuyên chở, nghĩa là nằm kế các trục giao thông, mà đừng xa bãi cát lắm.
Xong, toa coi nhà thầu họ xây cất luôn, vì đã vẽ họa đồ, đã cho thầu kiến trúc rồi.
Suốt thời kỳ nầy toa hưởng mười lăm ngàn mỗi tháng.
Xong đâu đó, toa làm giám đốc kỹ thuật cho hãng ở ngoải luôn, để điều khiển hai người kỹ sư, một Việt Nam, một Nhựt Bổn.
Lương giám đốc kỹ thuật của toa sẽ là hăm lăm ngàn, và hơn thế, toa mặc nhiên được một trăm năm mươi cổ phần, mỗi cổ phần một ngàn đồng.
Ai bảo phước bất trùng lai?
Toàn đã hết tin tục ngữ rồi vì phước của chàng sao mà kế tiếp nhau mà đến với chàng, phước nào cũng to như đông hải.
Chàng gục gặc đầu ra vẻ ta đây người bảnh, hài lòng về điều kiện nhưng không ham mê quá trớn. Đoạn chàng đáp y như Tây:
- Để tôi về hỏi lại vợ tôi coi.
- Ừ, toa cứ hỏi lại ẻn. Nhưng mỏa tin rằng ẻn sẽ nhận cho phép toa hợp tác với moa. Nè, giám đốc kỷ thuật được quyền cả một ngôi biệt thự to lắm đa nghen.
- O. K. riêng tụi mình với nhau. Nhưng tiếng nói cuối cùng là do ở cả Thúy.
- Chừng nào toa trở lại?
- Ba hôm nữa.
- Rất mong toa vậy.
Toàn ra khỏi ngôi biệt thự của ông Hiệu ở đường Trương Tấn Bửu, mặt vát hất lên trời. Chàng lái xe như đường phố Saigon chỉ để dành riêng cho chàng xử dụng, chưởi một anh phu xích lô đạp quẹo ẩu, chưởi một bác tài xế tắc xi lấn ép chàng.
Chàng ghé qua sở để nghe tâm trạng giám đốc của mình ra thế nào đối với cái nơi mà chàng sắp lìa khỏi vài tuần nữa đây.
Đi ngang qua văn phòng của ông Thành để đến buồng giấy của chàng, chàng nghe ông ấy đang nói chuyện với ai bằng điện thoại trong đó.
Cái tật ông Thành là nói điện thoại to quá. Ông ta hét như là kẻ đối thoại của ông điếc, như là không tin cái máy nhỏ xíu ấy đủ khả răng phóng đại tiếng nói của ông ở đầu dây bên kia.
- À..., ơ...hơ... anh mừng cho em... à... ơ thôi, cũng không thấy mặt nó làm gì... ơ hơ... khó lắm em ơi... chung quanh đây có tai mắt của vợ anh... bất tiện lắm...ơ... mà anh cũng không có thì giờ để đến nơi em chỉ định... ơ...à... anh van em đừng đến. Em định xé hiệp ước hay sao chớ. Anh đã đền bù cho em đủ rồi, tiền nuôi con cũng tính cả trong đó. Em đã nhận các điều khoản sao giờ còn làm rầy?
Văn phòng của ông Thành không bao giờ đóng cửa. Cửa được che lại bằng một bức bình phong sơn mài. Thành thử Toàn không tò mò, cũng không nghe sót một tiếng.
Chàng mỉm cười tự bảo thầm:
- Tội nghiệp cái lão vô phước. Chắc bị con nào làm khổ rồi đây. A...ha...hễ có tiền là như vậy đó, ngày kia cái ông giám đốc Toàn nầy có thế cũng sẽ bị Thúy làm giặc vì những cô Hélène, cô Hồng Liên, cô Thu Nguyệt, và bị các cô nàng nầy làm tình làm tội mỗi khi các cổ bị ra rìa.
Chàng vào buồng giấy của chàng một hồi, rồi xách áo ra về.
Ấy, khổ và cái áo nầy nữa. Bất kỳ ở công hay tư sở, hễ bước lên tới nấc thang nào đó thì nhơn viên phải mặc áo lớn đi làm, không hề có lịnh đích xác, nhưng ai cũng ngầm hiểu và làm như thế cả, tốn tiền giặt ủi không thể tưởng tượng được. Mà bọn tiệm giặt họ cũng biết rằng đập bọn cần mặc áo được nên họ đập thẳng tay, ủi một chiếc áo ăn công mười hai lần mắc hơn ủi một cái quần.
Thật là càng cao danh vọng càng dài tốn hao. Có lắm ông xếp bắt buộc phải đi xe hơi nhưng ít tiền, phải sắm một chiếc 202 tiền sử mười ngàn đồng ọp ẹp, rồi khổ thân với nó từ sáng đến chiều vì nó èo uột, làm biếng làm nhác, hay làm chứng dọc đường, đứng lại chơi vài tiếng đồng hồ, hay tới sở rồi không muốn về nữa.
Đó là những cái lụy do địa vị tạo ra và con người phải nô lệ những cái lụy ấy, dầu muốn dầu không.
Chàng về tới nhà cùng lúc với Thúy. Thúy đi bằng tắc xi và chàng xuống xe day ra sau thì thấy vợ cũng đang trả tiền cho người tài xế.
Thúy lộng lẫy như bà hoàng khiến Toàn đứng chết sững mà nhìn bạn như nhìn trộm một thiếu phụ lạ. Trong giây phút nầy, chàng thấy rằng chàng khỏi phải hối tiếc ba năm tù của chàng.
Vào tù để không được mỹ nhân mới là phí một thời, chớ còn chính vì đã nhờ vào tù mà sau đó được người đẹp, một người đẹp có một không hai ở Saigon, thì đó là một cái giá vừa phải, mà có thể còn rẻ nữa là khác.
Ừ, nếu chàng không vào tù thì không túng tiền, không có gọi điện thoại cho Mục, không tái ngộ với Thúy, không được Thúy mời tới nhà, không bị Thúy lợi dụng làm bù nhìn, và cố nhiên không được làm chồng thật của Thúy.
Đó là những bước phiêu lưu ngộ nghĩnh mà chàng dấn bước vào mà không dè là hay, chừng dừng bước bên đường nhìn lại quãng lộ trình vừa qua, chàng mới chợt thấy rằng mình đã sống mấy tháng kỳ thú, huyền hoặc, chưa tới kết cuộc nhưng chương thứ nhứt cũng khá tròn trịa.
Chàng giựt mình mà thấy một cuộc mạo hiểm như cuộc mạo hiểm của chàng mà kết thúc được trơn tru tốt đẹp như vậy.
Nhưng chương thứ nhứt đã hết, chương thứ nhì và những chương sau sẽ ra thế nào? Toàn đặt dấu hỏi, đoạn nhìn lại nhan sắc của người vợ mà chàng chiếm được một cách bất ngờ, rồi đâm sợ.
Nàng đẹp quá. Nàng đẹp đến đỗi không anh chồng nào mà an lòng được với sắc đẹp của nàng. Và thường thì những câu chuyện tốt đẹp quá, không bao giờ được tốt đẹp lâu dài.
Mấy tháng nạy chính chàng đã phiêu lưu nhưng từ đây kẻ phiêu lưu sẽ là Thúy. Chiếc tàu Thúy đã vào ụ mấy tháng để sửa chữa, nhờ thế mà nó nằm yên được nơi cái bến yên ổn mà trên bước phiêu lưu, chàng đã ghé lại để hưởng hạnh phúc.
Nhưng tàu đã được sửa chữa xong và không có gì có thể ngăn nó trương buồm ra khơi cả. Nhưng chiếc tàu ấy phải đi có chốn về có nơi chớ nó ma mà linh trôi nổi từ hoang đảo nầy đến hoang đảo khác như trước đây, thì chàng... Không, chàng đã tiến đến chỗ không chịu đựng nổi một phụ bạc, một phản bội nào.
Chàng sẽ có phản ứng mạnh để bảo vệ hạnh phúc của chàng và... trời ơi... có thể trở vào tù vì hành động tự vệ có thể có.
Thúy mau bước đến bên chàng và khen:
- Chiếc cà vạt của anh đẹp quá!
Toàn không thèm chú ý đến lời khen thành thật đó mà trong một lúc thường chắc chàng đã sung sướng lắm.
Nghiêm nghị, Toàn hỏi:
- Em đi đâu đó?
Cả hai vừa nói chuyện vừa lên thang lầu, chiếc thang chung của dãy nhà từng nhứt.
- Em đi mua nước hoa.
- Sao không đợi anh đưa bằng xe nhà?
- Trời! Chiều tối anh mới rảnh, và chiều tối em đâu có đủ thì giờ chọn lựa như suốt một buổi sáng. Vả lại mùa nầy chiều trời hay mưa.
Toàn đuối lý nhưng không chịu thua. Chàng đưa ra, xẳng lè, một cái lịnh:
- Từ rày có đi đâu phải đi với anh!
Thúy day qua nhìn bạn, cười hiền lành mà rằng:
- Độc tài!
- Ừ, anh độc tài, rồi sao?
- Rồi em sẽ tẩy chay anh độc tài, không chơi với anh nữa chớ không sao cả.
- Chơi hay không chơi anh cóc cần.
- Để em đi một mình coi anh làm gì em.
- Hừ, em đi một mình. Gái có chồng, bỏ nhà chồng một ngày là hỏng rồi.
- Hỏng thì sao?
- Thì đưa em ra tòa về tội bỏ phế gia cang.
- Rồi sao nữa. Để được phép bỏ em? A ha ha, em chỉ mong có thế.
Toàn lại đuối lý. Hai người đã lên tới trước cửa căn nhà họ. Toàn vừa mở cửa vừa hỏi:
- Em đi mua sắm gì mà không thấy cầm gì trong tay?
Họ bước vào trong. Thúy vội khép cửa lại rồi ôm chồng, níu đầu chàng xuống hôn lên trán hắn một cái rồi hỏi:
- Ghen hả? Em sung sướng lắm.
Toàn chỉ lo sợ chớ chưa ghen. Nhưng chàng đã bắt đầu ghen khi nhớ ra rằng Thúy không có mua sắm gì cả như nàng đã nói láo, mà hễ nói láo tức là gian.
Chàng vùng vằng bỏ đi, vừa nện mạnh gót giày lên gạch, vừa nói:
- Gái có chồng, không được dối chồng một chút xíu nào cả.
Thúy không giận, chỉ cười dòn lên mà rằng:
- Anh trẻ con lắm, xem nè!
Toàn quay lại thì thấy vợ mở xắc ra đưa ngay dưới mũi chàng và trong ấy nằm ba hộp nước hoa thứ mắt tiền, bộp bìa cứng trình bày rất đẹp.
Vẫn chưa tin, và thấy cần phải kiểm soát coi đó là hộp cũ hay là hộp mới, có đựng lọ nước hoa trong đó hay chăng. Toàn làm bộ cười hiền lành rồi vừa thò tay vào xắc lấy ra một hộp vừa khen:
- Chà, nước hoa thượng hảo hạng.
Hộp nặng lắm và còn niêm phong bảo đảm.
Thúy nhõng nhẽo:
- Đáng lý gì anh phải mua cho em đó.
- Em sành hơn thì cứ mua đi.
- Mà đừng có cấm cung em thì em mới đi mua sắm nầy nọ được chớ.
- Không, không cấm cung. Chỉ tại em không chịu đi ra ngoài với anh, anh mới tức đó thôi.
- Chiều nay thì ta ăn cơm ngoài vậy.
Toàn vui mừng quá, hôn thưởng vợ một cái nhưng không khỏi ngạc nhiên không hiểu vì sao nàng thay đổi thái độ như vậy.
Chàng không buồn hỏi, nên không bao giờ biết rằng sở dĩ chàng được làm chồng vĩnh viễn của Thúy là nhờ thái độ ương ngạnh của chàng, nhờ yêu sách quyết liệt của chàng đêm tân hôn, sau cuộc ân ái mà Thúy đã giả chết, và sở dĩ Thúy thay đổi thái độ hôm nay là nhờ cơn ghen của chàng.
Mỗi lần người đàn ông cứng rắn trong thái độ là y được người đàn bà trọng nể hơn, mặc dầu yêu hơn hay không thì chưa chắc.
Bữa cơm trưa hôm đó thật vui vẻ, Thúy nói:
- Tối nay đi ăn anh bao nghen? Em hết cả tiền rồi.
- Cố nhiên là anh bao. Anh có tiền. Nhưng sao em hăm để gia tài lại cho anh lúc em sắp đẻ.
- Phải, em còn tiền, nhưng ở trong ngân hàng, ở nhà thì hết trơn. Nhưng cũng còn trong ấy không bao nhiêu.
- Em thích ăn ở đâu?
- Tùy anh.
- Ở một quán ăn có ca nhạc được không?
- Càng hay.
- Nè, tại hiệu ăn "Địa cầu" sau phòng ăn có một cái bar. Cô thủ quỹ của hiệu ăn ấy ngồi sau bar chắc để phụ lực với bọn chiêu đãi đực rựa.
Cô ấy giống em như tạc. Lúc anh chưa được em và đêm nào không có đưa em đi ăn, anh vào ngồi uống rượu ở bar đó để nhìn cô ta cho đỡ ghiền.
- Chết đa nghen. Cấm anh tới đó nữa, và đêm nay cấm anh ngó ngoái ra sau lưng. Và coi chừng ăn đạn đồng có bữa, bởi bồ của con đó
- mà em biết
- là một quân nhân có Colt 12.
- Không sợ.
Toàn không dè rằng uy tín của chàng vừa tăng lên nơi Thúy.
Đản bà họ dị kỳ không chịu được. Họ hay ghen và quyết đòi độc quyền về chồng họ, về người yêu họ. Nhưng nếu các ông chồng, các anh nhơn tình, quá trung thành với mẫu quốc, thì lại bị xem thường. Nói một cách khác, càng phải ghen họ càng yêu đàn ông hơn miễn là đừng bắt họ phải chịu đựng quá mức.
Giấc ngủ trưa hôm đó của Toàn chập chờn vì những bài toán khó giải.
Mặc dù đang giữa mùa mưa, cuộc sống tốn kém sẽ bắt đầu, bắt đầu ngay tối hôm nay. Bao nhiêu tiền chàng dành dụm được, đi ăn với Thúy mười bữa là hết sạch.
Chàng không dành dụm được bao nhiêu vì chiếc xe đổ nợ, nay nó nhõng nhẽo mai nó èo uột hết cái nầy năm trăm đến cái kia ba trăm, tiền săn sóc nó mỗi tháng không tốn dưới một ngàn, thêm bảy trăm bạc xăng nữa với một ngàn rưỡi tiền nhà là đi hết ba ngàn hai rồi.
"Được Thúy rồi đó, nhưng có giữ nàng lâu hay không? Thúy nó cũng yêu mình thật, nhưng nó lại yêu đời sống vật chất hơn. Nó không lẳng lơ, không trắc nết không dâm dật, nhưng nó cần tiền nhiều quá thì thế nào nó cũng phải tìm một thằng có cái lưng lớn hơn lưng mình để đưa ra mà chịu đựng mức sống bà hoàng của nó.
"Kể ra nó cũng là người được. Nó đã trắng trợn mà cho mình biết rằng mình không đủ bản lãnh làm chồng của nó. Quả đúng y như vậy. Nếu mình cố bám làm xằng để được kéo dài thời kỳ ăn ở với nó thì lại phải vào tù trở lại, tức là rốt cuộc vẫn không được làm chồng lâu dài".

*

Hiệu ăn đặt trên lầu của một ngôi nhà rộng mà hai bên hông đều trổ ra hai mặt phố.
Có hai cửa và hai thang lầu đưa lên hiệu, một cửa trổ ra một con phố đông đúc, tiện lợi ra vô. Nhưng Toàn lại đưa bạn vào đó bằng cái cửa phía bên vắng hoe. Lên thang lầu bên đó phải đi qua cái quầy có cái bar.
Toàn muốn cho vợ thấy mặt cô thủ quỹ, để hai vợ chồng so sánh chơi vậy thôi chớ không phải để chọc ghen vì chàng đâu có dè rằng uy tín của chàng lên khi Thúy ghen.
Trước quầy, sáu người Hoa kỳ đang ngồi trên sáu chiếc ghế cao cẳng. Tất cả đều ngoái cổ nhìn ra sau lưng họ để "xem" ca nhạc, vì chiêu đãi viên của cái bar là đực rựa, họ không buồn nói chuyện với hắn.
- Em xem kìa!
Qua khỏi sáu ẩm khách ấy, Toàn nói khẽ với bạn và kín đáo chỉ cô thủ quỹ ngồi trước quầy, trước mặt cô ta không có khách uống rượu vì không có đặt ghế trước quầy nơi đó.
Thúy chưa hề thấy ai đẹp hơn nàng, và ngạc nhiên không biết bao nhiêu trước dung nhan mỹ lệ của cô thủ quỹ nầy, hơn thế, cô ta lại khá giống nàng, có thể bảo rằng đó là hai chị em ruột.
Chỉ có khác một điều là cô thủ quỹ có gương mặt ngây thơ hơn gương mặt sắc sảo một cách rất là đàn bà của nàng, và cô ta không ma ky dê, và ăn mặc toàn trắng đơn sơ như một nữ sinh.
Toàn đưa bạn lại một bàn trống, vừa đi vừa nói đùa:
- Chắc chắn đó là một đứa con rơi của ba em. Nó giống em như đúc.
- Nói như đúc thì hơi quá. Nhưng quả nó giống em. Rất có thể lắm. Ba em ngày xưa cứ theo lời má em nói thì cũng không phải là ông phật lắm đâu.
Đôi bạn cười xòa với nhau. Họ chưa kịp ngồi xuống thì một thực khách ở bàn kế cận đứng bật dậy, bước lại chào họ.
Thúy đưa tay ra bắt tay người đàn ông ấy khiến Toàn tái mặt, choáng váng không còn nghe được vợ chàng giới thiệu chàng ra sao, và giới thiệu người ấy là ai.
Chàng té lên ghế chớ không phải là ngồi nữa, trong khi người ấy và Thúy còn nói thêm với nhau vài câu.
Nữ mà cầm tay nam thì chàng đã thấy nhiều rồi giữa cái đô thành muốn làm Tây nầy. Chàng không nghe sao cả và không chống lại điểm lịch sự Tây phương đó khi vợ kẻ khác làm như vậy.
Nhưng giờ đây là người trong cuộc, chàng đau như xé cả ruột gan. Da thịt của người bạn đời của chàng, chàng quan niệm rằng chỉ có chàng là có quyền và có ân huệ được chạm tới mà thôi.
Họ đã ngồi xuống, và người bồi bàn rất ngạc nhiên mà nghe giọng nghẹn ngào của Toàn khi chàng gọi món uống và rất ngạc nhiên mà thấy hai tay run rẩy của chàng khi chàng đón lấy thực đơn mà hắn trao cho.
Giây lát sau, hớp một ngụm nước cam vắt, Toàn nuốt trôi được cái nghẹn nó chận cứng cổ họng chàng.
Cây quạt máy đứng sau lưng chàng thổi mồ hôi ghen của chàng làm cho chàng mát lạnh và vừa tỉnh táo lại thì một thằng ở đâu đằng một bàn xa, len lỏi đến và Thúy lại đưa tay ra bắt tay hắn.
Thúy cười nói:
- À, anh Quỳnh! Chồng tôi, anh Toàn!
Cái tên Quỳnh nầy chắc cũng băn khoăn lắm mà tự hỏi sao bàn tay của chồng Thúy lại ươn ướt. Đó là mồ hôi ghen trong cơn ghen trước chưa ráo lại bị mớ mồ hôi ghen khác vừa toát ra làm cho nó càng ướt thêm.
Thanh niên dễ ghét ấy tự nhiên kéo ghế ngồi cạnh Thúy như là không có chàng ở đó. Hắn dễ ghét vì tác phong đó, lại dễ ghét vì hắn đẹp trai và bảnh trai. Hắn gọi Thúy bằng tên, khiến Toàn muốn đấm hắn một đấm cho hắn sặc máu mũi ra.
- Trời lâu quá, không thấy Thúy đâu cả, ngỡ Thúy xuất ngoại rồi chớ.
- Ừ, đi Âu châu mới về. Thế rào, có gì lạ.
- Cũng chẳng có gì. Có gặp Hồng bên ấy chăng?
- Gặp.
- Có quả nó trốn qua bên ấy để đẻ hay không?
- Cái đó thì rất khó biết. Có lẽ lúc mang bầu, nó nằm nhà. Khi nó để cho thiên hạ gặp mặt thì không còn thấy gì nữa cả.
A, ha... ha... té ra trong vòng quen thuộc của cô Thúy có đến lắm cô trốn để đẻ. Cô nào có tiền thì đi xa. Cô nào ít xu, hay không còn cha mẹ như Thúy thì ở lại, níu đầu một thằng bù nhìn như chàng để tạm che thai. Phải, trước đây chàng chỉ là CHIẾC ÁO CHE THAI, không hơn không kém.
Cái anh Quỳnh đẹp trai ấy đi rồi, một anh đẹp trai khác nữa vừa lên tới nơi, theo sau anh ta là bốn bạn trai khác, cả thảy đều sang trọng và đều đẹp trai.
Họ lại thấy Thúy, lại đến chào nàng và nàng lại phân phát những cái bắt tay rát ruột đối với chàng.
Có hai điều nầy mà Toàn không sao nuốt trôi được là lũ nó xem như không có chàng ngồi đó, mặc dầu chàng ngồi đó, mặc dầu chàng đã có giấy chứng chỉ miệng của Thúy hẳn hòi: "Chồng tôi".
Bộ giấy chứng chỉ của Thúy là giấy chứng minh giả sao mà!
Điều thứ hai là chàng rất xa lạ với bọn nầy, khiến chàng bị mặc cảm nhỏ nhoi. Ừ, chúng nó quả biết nhau cả mà không quen biết chàng, tức là chàng không thuộc vào giới của chúng nó.
Hai vợ chồng ăn xong hai dĩa rồi mà Toàn không hề mở miệng, khiến Thúy thấy mình rất trơ, nghe mình trơ trọi, bị một anh chồng không thèm săn sóc nữa.
Tuy nhiên nàng không tức, chỉ bình thản nói nho nhỏ:
- Em van lạy anh, ngước lên nói cái gì với, kẻo tụi nó khinh em chết, lại còn cười anh nhà quê nữa.
Toàn gạt dĩa qua một bên, ngước mặt lên, xẳng giọng hỏi:
- Sao lại nhà quê?
- Tốt lắm! Anh gây gổ với em cũng được, miễn là có nói với nhau cái gì cho nó đỡ trơ.
Sao lại quê à? Thì anh ghen với bạn trai của em, không nhà quê chớ còn là cái gì nữa.
- Người thành phố của các cô không biết ghen hay sao?
- Biết. Nhưng họ không ghen với bất kỳ ai. Họ thấy cái gì khả nghi kìa, họ mới ghen.
- Gái mà bắt tay hằng chục anh con trai, lại không khả nghi hay sao?
- Anh lạc hậu lắm. Nếu anh thấy em nhảy đầm như ngày xưa thì chắc là một anh chết ngất hai là anh giết em.
- A...ha...ha..! Lạc hậu! Em tưởng mấy thằng để vợ chúng nó khiêu vũ là mấy thằng tiến bộ về quàn niệm lắm hả? Em lầm. Sự thật thì chúng nó ham ôm vợ người khác mà nhảy thôi, còn vợ chúng nó thì chúng nó vẫn giữ độc quyền.
Có mấy thằng bị vợ giữ riết không biết làm thế nào, đành phải cho vợ học nhảy để cho các nàng thích mà cho chúng tự do. Đó là một sự đổi chác, nhưng chúng nó vẫn lời, vì một khi mà chúng nó cho vợ nhảy là chúng nó đã hết yêu vợ chúng nó rồi, đã kể bỏ các nàng rồi.
- Ngụy biện. Nhưng không sao, mỗi người một quan niệm và em không hề dám trách anh. Chỉ phiền là em đã báo trước với anh rằng anh không thể làm chồng của một người đàn bà mông đen được vì anh sẽ ghen mà chết. Anh không chịu nghe.
Toàn đuối lý trước điểm nầy. Quả Thúy đã lương thiện mà nói rõ như vậy.
Để tỏ ra mình không thua mà chỉ vì nhiều tinh thần hiểu biết, Toàn cố tươi nét mặt lên mà rằng:
- Không, anh không ghen. Anh chỉ làm bộ vậy thôi coi thái độ em ra sao.
Trước sau có mấy phút mà Toàn suýt biến ra một con người khác vì những suy luận rắc rối trong trí chàng: "Thì ra đời sống mông đen là thế, và con người mông đen muốn cho khỏi lỗ lã về tình cảm phải gỡ gạc một cách chụp giựt, ông ăn chả bà ăn nem, mà bà ăn chả thì ông cũng phải tìm nem mà ăn: ông đi nhảy đầm, bà can không được thì bà lại đi khiêu vũ; ông có bạn gái thì bà có bạn trai".
Toàn nhớ lại lời của một thằng bạn độc thân đã nói lúc chàng còn làm ở hãng địa ốc "Tổ ấm". Đó là một thanh niên ăn chơi bạt mạng. Hắn lập luận như sau: "Đời nầy không có con gái trinh tiết thì thằng con trai nào không chơi bời trước khi kết hôn là dại, vì chúng nó sẽ lỗ lã mà không kêu ca gì được".
Hai vợ chồng ăn đă xong bữa. Toàn lại không nói gì sau cuộc cãi cọ và cuộc làm lành của chàng. Chàng rất khó chịu vì những tình cảm lộn xộn nơi lòng chàng, tình cảm do các suy luận mà ra.
Mặc dầu đã làm hỏng thời thanh xuân của chàng bằng mấy năm lao lý, tấm lòng chàng vẫn còn nguyên vẹn trắng trong. Chàng tin rằng tình yêu là thiêng liêng, nói chuyện lời lỗ, nói chuyện gỡ gạc trong đó tức là lôi cái thiêng liêng ấy xuống bùn nhơ.
Thế mà chàng không suy luận như thế không được. Chàng phải tập cho hết ghen để chạy theo đời sống mông đen của Thúy mới mong làm chồng Thúy lâu dài Mà muốn hết ghen cho mau lẹ kẻo hỏng đại cuộc thì phải gỡ gạc để khỏi đau xót trước tự do giao thiệp của Thúy.
Mà như thế là hết yêu Thúy rồi, hay còn yêu vậy vậy thôi, như các ông chồng cho vợ đi học nhảy để các bà hết thấy lỗ lã, để các ông tự do, ban đầu thấy vợ mình trong tay kẻ khác, các ông cũng đau khổ lắm, nhưng đành phải đánh liều cầm bằng như tình yêu giữa họ đã chết rồi.
Có kỳ dị và mâu thuẫn chưa! Muốn được yêu Thúy lâu đài phải để Thúy tự do, còn mình thì phải tìm nơi tạm trú tình cảm, tức là làm cho tình mình yêu Thúy giảm đi!
Tấm lòng trong trắng của chàng kêu lên mà phản đối, không sao nhận chịu được cái trò kỳ dị đó.
Nhưng không nhận, cũng phải nhận, chớ biết sao giờ. Chàng phải cho Thúy tự do, mà cho ngay trong bữa ăn nầy. Và để xoa dịu nỗi đau lòng, chàng phải gỡ gạc,
Tươi cười, chàng nói với bạn:
- Anh thử chơi một cách dại dột làm em bẽ mặt với bạn hữu. Anh thấy là cần phải chuộc tội ngay bây giờ đây. Em nên gọi các anh ấy đến chuyện trò giây lát cho vui.
Toàn không biết rằng các anh ấy giờ phút nầy cóc cần người đẹp là Thúy. Họ vào đây, ăn bậy một tô mì, uống một ly rượu để nghe nhạc hoặc để cười đùa xa với mấy cô ca sĩ quen.
Nói xong, không đợi ý kiến của bạn, Toàn đứng lên đi lùi ra sau đến trước quầy.
Tất cả các ghế cao đều được ẩm khách Hoa Kỳ choán. Chàng chỉ mong như thế để được đứng trước cô thu ngân viên. Nhìn cô ta chàng hỏi:
- Hết chỗ rồi, cô cho phép tôi tạm đứng đây uống ly rượu chớ?
- Ông cứ tự tiện.
Chàng gọi một ly Cassis rồi nói:
- Nếu nơi đây mà có ghế thì tôi dám cá rằng không bao giờ trống cả. Phải không cô?
- Có thể. Nhưng thu ngân viên không phải là chiêu đãi viên. Hơn thế, tôi cần được yên trí đề khỏi lầm lẫn tiền bạc và sổ sách thì không thể để ghế trước mặt tôi cho những ông khách hay lải nhải ngồi.
- A, té ra tôi làm rộn cô. Phiền quá. Nhưng tôi lại thích đứng đây.
- Không sao, ông là một trường hợp đặc biệt.
- Sao tôi lại được ơn huệ đó?
- Vì ông đi với bà, tức ông lại đây vì bắt buộc chớ không phải để tán tôi. Hơn thế, ông là khách ăn, chớ không phải khách uống. Thiện chí của ông đã rõ. Ông phải đứng đây vì lẽ gì đó thôi.
- Cám ơn cô đã hiểu biết giùm cho tôi một cách rộng rãi như thế. Cô nè! Người ta nói: "Sai một con toán, bán một cái nhà!"
Vậy nếu cô có lỡ làm sai mà tại tôi thì cô cho tôi biết để tôi bán chính nhà tôi hầu bồi thường giùm cô.
Cô thu ngân viên mỉm một nự cười xinh không thể tưỏng tượng được, khiến trong giây phút Toàn quên mất Thúy.
Đây là một cô gái đẹp, chàng đã nhìn xa rất nhiều lần, những lần nhớ Thúy, vào đây uống rượu, ngồi đằng chiếc ghế cao đằng kia.
Phần si Thúy và vốn chưa được cô ta nói lời nào, chưa được cô ta cười với chàng lần nào, Toàn chưa nghe gì cả.
Giờ thì chàng đã hơi nghe nghe cái gì rồi.
ĐỪNG HỎI TẠI SAO! Toàn vụt cười khan lên khi nhớ lại câu châm ngôn rất thâm thúy của Thúy. ĐỪNG HỎI TẠI SAO! Ừ, đừng hỏi tại sao mà mấy thằng có vợ đẹp, những cô vợ mà ra đường ai cũng quay lại nhìn mà trầm trồ, mấy thằng ấy lại có mèo.
Chàng đang si Thúy ghê lắm. Thế mà trong giây phút nầy, chàng sắp sửa phản bội Thúy đây.
- Cô nè! Toàn uống một ngụm rượu rồi hỏi, hiệu nầy mở cửa đến khuya thật khuya thế làm sao
cô dám về nhà một mình?
- Ông tò mò quá. Đáng lý gì tôi không trả lời lại còn cự ông nữa. Nhưng tôi tin rằng có vợ đẹp như ông, thì ông không hỏi để tán tôi nên tôi cũng xin nói. Bạn tôi sẽ đón tôi để đưa tôi về khi hiệu đóng cửa.
- Bạn trai chớ?
- Lẽ cố nhiên, còn phải hỏi. Bạn gái làm thế nào mà dám lãnh trọng trách ấy.
- Thế, ông ấy đi xe gì?
- Ông có phải là tướng cướp, chúa đảng
"Sọ người", chúa đảng "Đô la" hay không mà điều tra kỹ như vậy?
Cô gái đã bắt đầu pha trò.
Toàn cười nói:
- Ấy, tôi hỏi thế để biết phận mình. Xe tôi là một chiếc hai ngựa lạc son. Nếu ông ấy cũng đi xe hai ngựa, cho dẫu là xe mới, tôi sẽ đỡ tủi thân. Bằng như ông ấy đi xe Caravelle, tôi xin xá cô một cái rồi trở về ngay với vợ tôi.
Cô gái cười và tâm sự:
- Anh ấy đi Simca 9. Nhưng ảnh không giàu.
- Cũng hạng bảnh đấy.
Thúy ngồi một mình, giây lát buồn quá, gọi bồi tính tiền. Nàng chỉ đưa tay lên ngoắc một cái thì lũ bạn chúng nó sẽ bu đông nghẹt quanh nàng. Nhưng nàng không làm gì cả, bởi nàng đã bắt đầu ghen.
Thoạt tiên, nàng chỉ bị mích lòng thôi. Một cô vợ bị chồng bỏ rơi, đi tán gái ngay trước mặt cô ta, là cô vợ ấy kém cỏi lắm.
Nhưng giây lát sau, nàng nổi ghen lên. Thật sự Thúy không biết rõ đó là ghen tương hay chỉ là sự căm tức
trước cái bất lịch sự của Toàn.
Có lẽ là ghen, vì dầu sao, nàng cũng đã yêu Toàn phần nào rồi. Giấy tính tiền mang đến, nàng chỉ tay ra sau, mà không thèm day lại, ngầm bảo bồi tìm Toàn mà lấy tiền.
Nàng đợi thêm mười phút nữa rồi đứng lên xâm xâm đi lại quầy:
- Thôi về chớ.
Biết rằng Toàn đã trả tiền xong, nàng vừa nói vừa nắm tay bạn mà kéo xễn đi, háy cô thu ngân viên một cái và nói to lên một mình:
- Bà móc con mắt ra!
Người sung suớng nhứt đêm nay là Toàn. Chàng được Thúy ghen! Trời ơi, có vinh diệu nào bằng! Cỡ Thúy mà có la hét mắng chưởi chàng giữa đám đông, chàng cũng lấy làm hả dạ.
Thúy chỉ ghen có một tí thôi, nhưng cũng là ghen. Uy tín của Toàn lên cho thêm nơi Thúy. Toàn đã biết tán gái chớ không phải là một anh chàng lù khù chỉ mê độc một thiếu phụ và hài lòng trọn đời với hạnh phúc cổ điển ấy.
Xuống tới đường là Thúy đã quên mất cô thu ngân viên xinh đẹp mà lúc nãy nàng quả muốn móc mắt thật sự.
Nàng liếc nhìn chồng và buồn cười quá. Anh chàng ngốc, chỉ trong mấy tháng đã biến hẳn ra một con người khác. Hắn bước lần chớ không đột biến, nhưng quả hắn bước thật mau, tiến bộ rất nhanh chóng.
ĐỪNG HỎI TẠI SAO? Không bao giờ Thúy thấy châm ngôn của mình đúng bằng đêm nay. Đừng hỏi tại sao mà con người lại đi tách ra khỏi căn bản thật của họ, tốt ra xấu, xấu ra tốt, phật thành quỉ mà quỉ cũng thành phật được, chung qui chỉ vì hoàn cảnh sống đã hướng nhơn sinh quan của họ qua nẻo khác thôi.
Nàng không yêu Toàn, y như là cũng không yêu ai khác. Nhưng nàng đã thấy Toàn hay hay, làm chồng nàng được mà cũng sẽ làm bạn của nàng được.
Hơn thế, nàng hơi bắt đầu yêu Toàn. Đây là một biến cố mới lạ trong đời tình cảm của Thúy.
Khi nãy, lúc ngắm Toàn và nghĩ ngợi về những biến đổi nơi hắn, nàng đã nhận xét thấy rằng trí và lòng con người mềm dẻo như bột, muốn nắn thế nào nó ra thế nấy, tùy mình biết nắn hay không.
Nhận xét đó vẫn đúng với chính nàng. Cô gái lòng sắt dạ đá nầy, khi xưa vốn cũng có hồn, nhưng bị giáo dục sai lầm và bị sóng đời trui luyện cho nó cứng ra như vậy. Và giờ, trước một thanh niên còn tin yêu nơi cuộc đời và dám có những cử chỉ cao nhã, lòng nàng hơi mềm trở lại đôi phần.
Vì thế mà nàng xấu hổ với chính nàng mà phải thi hành kế quỉ, kế quỉ nầy chỉ diễn ra ngày mai thôi, nhưng phải bắt đâu bằng một hành động sơ bộ ngay bây giờ.
Xe đậu đằng đại lộ Lê Lợi, họ phải đi bộ một đỗi gần. Vừa bước Thúy vừa thỏ thẻ:
- Anh à, anh nói anh yêu em lắm. Nhưng anh có sẵn lòng hy sinh vì em hay không?
- Cái đó còn tùy.
- Hay.
Toàn vốn còn hờn bạn nên nói lẫy như vậy, nói xong chàng giựt mình. Nhưng chàng rất đổi kinh ngạc trước phản ứng bất ngờ của Thúy. Chàng đang chờ đợi Thúy mắng nhiếc, nào là mầy là thằng đểu giả, thằng xỏ lá, mới ngày nào còn lạy tao để ăn mày một ân huệ xác thịt mà chưa chi đã có giọng vuốt mặt nuốt lời thề rồi. À, tao có bắt mầy thề bán sống bán chết sẽ yêu trọn đời, sẽ dám nát thân vì tao đâu, thế mà mầy cứ thề rồi chưa đầy một tháng ăn ở với nhau, chưa nát một chiếc chiếu Cà-Mau hạng bét mà mầy đã trở mặt rồi.
Chàng không sao hiểu được tâm trạng của Thúy. Chàng đáp như vậy tức là chàng đã lên chơn, và Thúy đâm ra kính nể chàng hơn, thấy chàng có tư cách hơn.
- Sao lại hay?
Toàn sợ sệt hỏi, nhưng Thúy lại ngỡ là chàng vặn bẻ. Nàng cũng sợ sệt đáp:
- Em khen anh, chớ có nói mỉa đâu mà anh giận. Hay vì anh làm oai như một ông chồng độc tài. Em ghét anh lắm, nhưng vẫn phải nể oai anh. Nhưng tùy gì?
- Tùy sự hi sinh ấy có xứng đáng hay không.
- Lại còn hay nữa. Nghĩa là anh vẫn cứ còn sẵn sàng hi sinh cho em, nhưng không hi sinh mù quáng. Hay lắm. Anh đã bớt si em rồi, nhưng em lại thích như vậy hơn vì em thuộc hạng gái không bị xúc động trước các cuộc si tình mà cho ưa đàn ông mạnh cá tính thôi.
Nhưng đây chỉ là một hi sinh nho nhỏ, xứng đáng lắm. Một nguời chồng thương vợ thì ít ra cũng phải cưng vợ một tí như vậy. Anh chỉ phải đi Biên hòa thôi chớ không phải làm gì khó khăn và nhọc xác lắm.
- Đi Biên hòa! Chi vậy?
- Em cần một chiếc lọ sứ kiểu Á đông mà không phải Tàu hay Nhựt; nghĩa là mộc mạc sằn dã, chỉ có trường Mỹ Nghệ Biên hòa là chế tạo được thôi.
- Ngỡ gì. Ừ, mai ta sẽ đi mua.
- Nhưng em lười đi xa. Vả em còn non ngày tháng sợ mệt. Anh đi mua giùm em.
- Lọ cắm hoa à?
- Ừ.
- Nhưng anh biết ý thích em thế nào mà chọn cho đúng.
- Tùy anh. Em tin là anh vẫn đủ khiếu thẩm mỹ để chọn. Miễn là đồ sứ Biên hòa, do trường Mỹ Nghệ chế tạo là được.
- Ô Kê.
Đêm nay Toàn mới làm chồng thực sự của Thúy, non một tháng sau đêm tân hôn. Thúy không giả ngủ như chết, không thờ ơ lạnh nhạt như trước, khi chàng ấp yêu bạn. Có sự hợp tác hẳn hòi trong sự yêu đương.
Sáng ra, Thúy khuyên bạn tránh đi xa buổi chiều, sợ mưa gió. Và nàng nóng lòng thấy chiếc lọ. Nàng tỏ ra là một cô vợ nhõng nhẽo và nóng tánh, muốn gì là muốn lấy được.
Toàn chiều ý bạn vì chính chàng cũng ngán đi buổi chiều, vả lại không có công việc vì ngăn trở chàng lo cho gia đình buổi sáng cả.
Nhưng có một điều nầy hơi lạ khiến chàng ngạc nhiên lắm là Thúy có ý rõ rệt để cầm giữ chàng ở nhà cho trưa, quyết kéo dài cái giây phút mà chàng lên đường.
Mọi khi hễ dậy là dậy, chàng tập thể thao hay làm gì mặc chàng, Thúy cứ việc nằm vật nằm vựa mà ngủ nướng.
Hôm nay thì khác. Nàng thức một lượt với Toàn và kéo cổ chàng lại, không cho chàng dậy. Thỏ thẻ nàng thì thầm:
- Em đã thật là vợ anh trong đêm rồi, thì đêm rồi mới thật là đêm tân hôn. Vậy thì có lý nào, sau đêm tân hôn người chồng lại bỏ người vợ nằm một mình để đi tập thể thao?
- Em nói phải lắm, và anh có lỗi.
Toàn chưa thấy những cử chỉ kỳ lạ của Thúy trong giờ phút nầy trước luận điệu rất hữu lý của nàng, và trước hạnh phúc của chàng, nó làm chàng mù quáng đi.
Sáng hôm nay, trời mưa lâm râm nhưng lại nắng nhiều. Đó là đám mưa báo trước những ngày nắng ráo hiếm hoi giữa mùa mưa.
Và không có gì sung sướng cho bằng nằm dưới chăn, trên nệm, ấm quá, với lại bên cạnh mình một người bạn đời mà mình yêu ghê hồn.
Đôi bạn nói với nhau những gì không ra gì hết mà chừng Toàn xem lại đồng hồ thì đã tám giờ rồi.
- Đói bụng lắm, chàng kêu, anh phải đi ăn cái gì mới được.
Từ hôm Thúy đầy tháng tới nay họ không có đi ăn sáng chung, vì Thúy dậy trưa lắm mà Toàn thì không thể đợi. Chàng không buồn hỏi xem Thúy ăn ở đâu.
- Không, Thúy nói, bữa nay anh phải ăn ở nhà.
- Có gì ăn?
- Thì em nấu nước làm cà phê, rồi ra ăn bánh mì nướng với ba tê gan hộp.
- Cũng được.
Đàn ông sửa soạn rất mau. Toàn đã xong cả mà Thúy chưa xong mái tóc và đôi mi mà nàng chải cho cong quớt lên bằng một chiếc bàn chải nhỏ xíu.
Toàn biết rằng đợi cho Thúy xong cả, chắc chàng phải rã ruột, nên chi chàng lặng lẽ lấy ấm múc nước rồi đặt lên chiếc rê sô điện để đun cho sôi.
Bánh mì nướng mà Thúy nói là thứ bánh mì nướng, nhập cảng, đựng trong một chiếc hộp bằng thiếc vàng rất to mà chàng thấy lâu rồi. Ba tê gan hộp, chàng đoán là Thúy cất trong tủ lạnh, và quả đúng như vậy.
Chàng khui sữa, khui ba tê, dọn mọi thứ lên mặt bàn, đợi một lát nữa, nước sôi rồi chàng lấy phin ra lượt hai phin.
Ông nội trợ nầy dọn bữa ăn sáng ra đàng hoàng rồi mà bà gia trưởng chỉ mới đánh phấn nửa chừng thôi.
Khi họ ngồi lại bàn thì cà phê sữa đã gần nguội và đồng hồ tay của Toàn chỉ chín giờ kém năm.
- Em báo hại anh không đủ thì giờ chọn.
- Sao lại không. Ta ăn xong là chín giờ rưỡi ; mười giờ rưỡi, anh sẽ tới trên ấy; anh bỏ ra một tiếng đồng hồ để chọn; mười một giờ rưỡi anh lên đường, về tới đây mười hai giờ rưỡi là đúng bữa cơm trưa.
- Nhưng về trưa nắng lắm. Anh ăn năm phút là đi ngay.
Nhưng Thúy không cho bạn ăn xong trong năm phút. Chính những trò chèo kéo cho dài bữa ăn, tức là cho trễ giờ đi nầy đã làm cho Toàn ngạc nhiên. Bấy giờ chàng mới chợt nhận ra rằng từ sáng đến giờ Thúy cứ kỳ đà cho chàng để thì giờ trôi qua mà không hay.
Chàng ngạc nhiên vì Thúy đã bảo rằng rất nóng lòng muốn thấy mặt chiếc lọ, mà lại hành động trái lại.
Khi Toàn lên xe thì quả đồng hồ tay của chàng chỉ đúng chín giờ rưỡi, y theo thời dụng biểu mà Thúy đã định.
Chiếc xe hôm nay sao lạ quá. Chàng qua khỏi ngã tư Năng Xi thì nó chạy chậm như rùa bò.
Khỏi Cảnh sát cuộc trung ương, thấy đại lộ trống trơn, chàng đạp lút ga thì kinh ngạc mà thấy nó vẫn tiến như là chàng chạy số một.
Nó bò chớ không chạy nữa. Nó lết chớ không bò nữa. Và nó xịt khói như là xe xích lô máy.
Chiếc hai ngựa sơn vàng nầy thở khò khè và cố lết tới khỏi rạp Đại Nam độ hai mươi thước là tắt thở.
Toàn biết người bạn già của chàng đang hấp hối nên cho xe xề lần sát vỉa hè, nên giờ nó không làm chướng ngại cho sự giao thông.
Chàng xuống xe, giở ca bô lên xem thì không thấy gì lạ cả, bởi chàng dốt động cơ xe hơi, mà cũng bởi có lắm cái hỏng máy rắc rối khó biết cho đến đỗi thợ chuyên môn cũng phải mò rất lâu mới tìm ra được chỗ hỏng.
Đậy ca bô lại, Toàn toan gọi tắc xi để đi cầu cứu một ga ra thì bỗng chợt nhớ có đồ quan trọng trên xe còn phải lấy ra.
Thế là chàng lại leo trở lên xe. Chiếc xe không được gài thắng, máy vẫn còn mở và vẫn ở số hai. Chủ xe chưa kịp lấy gì cả thì thình lình chiếc xe bị đẩy tới thật mạnh do một sức va chạm mạnh ở đàng sau.
Số là xe chàng tắt nghỉ cách trụ xe buýt lối hai thước, và xe Chợ lớn vừa ra, đậu lại đó, người
tài xế xe buýt thấy chàng đậu chướng, tinh nghịch ủi chơi một cái.
Toàn để chơn lên bàn đạp ga mà không hay và lúc xe bị ủi, chàng đạp bàn chân ấy mà cũng không hay.
Chàng chỉ kinh ngạc mà
thấy xe chàng lại chạy trở lại được. Nó chạy như chưa bao giờ bịnh hoạn, và khi chàng sang số ba thì nó tiến tới ngon lành.
Toàn mỉm cười lẩm bẩm một mình: "Ngỡ sẽ bị Thúy bố hôm nay!".
Xe cứ chạy ngon lành cho đến cua Hai Bà Trưng
- Phan Thanh Giản thì bắt đầu xịt khói trở lại, thở è è và chậm bước lần lần cho đến giai đoạn lết khi nãy.
Toàn ngỡ rồi nó sẽ chạy nhanh trở lại được nên cho nó lết riết cho tới gần đầu cầu xa lộ thì không còn hy vọng nào.
Chàng xem lại đồng hồ thì thấy đã mười rưỡi rồi. Lần nầy chàng cũng khôn hồn cho xe rề rề tới sát lề, nên yên lòng được mà để nó nằm đó.
Thót lên chiếc xe tắc xi, chàng nói địa chỉ một ga ra trên đường Lê văn Duyệt, nhưng đồng hồ xe chưa nhảy cái nào chàng đã đổi ý bảo chạy lại hãng chàng.
Toàn vẫn còn giữ tinh thần kỹ luật y như là lúc làm thư ký đánh máy. Khi sáng chàng không nói một lời nào với ai ở sở cả là chàng sẽ vắng mặt hôm nay, nên chàng muốn ghé qua nơi đó coi có gì lạ hay không, mặc đầu chàng biết rằng sẽ không có gì lạ cả đối với một nhân viên bù nhìn như chàng.
Buồng giấy của Toàn ở trong cùng hết, phải đi qua hết một hành lang hẹp mà buồng giấy của ông Thành trổ cửa ra hành lang.
Cái tật của ông Thành là không bao giờ đóng cửa bu rô cả. Miễn là bức bình phong ngăn người ngoài thấy ông là đủ rồi.
Toàn đi giày đế kếp.
Lúc trờ tới trước cửa phòng việc của ông Thành thì bỗng chàng rụng rời mà nghe một giọng nói quen quen thân như là "GIỌNG CỦA CHỦ NÓ".
"GIỌNG CỦA CHỦ NÓ" là tên của hiệu máy hát và đĩa hát kia, vẽ nhãn hiệu một con chó ngồi trước ống loa để nghe giọng ca rất quen thuộc Của Chủ nó, một chàng ca sĩ nào đó.
Không, Toàn không ngạc nhiên mà hay Thúy đến đây.
Chàng nghe rằng ông Thành là người chịu ơn nặng của thân phụ Thúy nên Thúy mới xin được chỗ làm cho chàng ở đây.
Chàng chỉ chết điếng vì lời nói đầu tiên mà chàng nghe được trước tiên.
Thúy vỗ bàn chưởi:
- Đồ Sở Khanh! Đồ đểu giả! Để tao nhờ pháp luật truy tầm phụ hệ cho mầy coi!
Ông Thành tuy không đáng tuổi cha của Thúy nhưng vẫn làm chú nàng được. Thế mà nàng lại mầy tao với ông. Nhưng đó vẫn không phải là cái điều làm cho Toàn bị tê liệt thình lình.
Cái điều khủng khiếp chính là sự khám phá bất ngờ của chàng. Từ bao lâu nay, chàng cứ theo hỏi vặn Thúy cha con BÍCH-THỦY là ai, hỏi không phải để làm tội, làm tình gì nàng, hoặc để mà ghen tương, hỏi chỉ vì tò mò thôi. Nhưng Thúy đã nhứt quyết im lặng.
Thì ra sự im lặng của nàng có lý do vững chắc. Đó là một điều không thể thú nhận được mà không mất thể thống của nàng. Nàng đã xuống đến mức chót khi tằng tẹo với ông già Thành.
Bảo rằng nàng xuống vực thẳm, không phải vì ông Thành thiếu tư cách. Trái lại nữa. Nàng có thể làm vợ chánh thức của ông Thành lắm. Nhưng mà làm nhơn tình với một người cao niên như vậy thì chỉ vì tiền thôi, mà như thế là buôn hương bán phấn rồi đó, không hơn không kém.
Nàng đã bảo rằng nàng là nạn nhơn. Hừ. Nạn nhơn! Nàng trổ trời chớ có trẻ dại đâu mà bị ông Thành gạt gẫm lường tình. Lại mắng người ta là Sở Khanh nữa.
Nhưng cái ông Thành nầy cũng không phải là người tốt đâu. Ông ta đã cho Thúy ra rìa khi Thúy mang thai với ông ta, có lẽ đã bù cho Thúy một số tiền to.
Bấy giờ Toàn mới hiểu tại sao mà Thúy không chịu cho chàng nhìn Bích Thủy làm con. Bích Thủy là một món khí giới mà nàng dùng để dọa nạt ông Thành hầu lấy tiền mãi của ông ta, mặc dầu đã thuận làm êm với số tiền bồi thường rồi.
Và bấy giờ Toàn mới hiểu tại sao mà Thúy gởi chàng đi Biên hòa hôm nay. Cú điện thoại hôm nọ trong buồng giấy của ông Thành mà chàng tình cờ nghe lỏm được là của Thúy. Thúy hẹn với ông Thành ở đâu đó nhưng ông Thành muốn dứt nên từ chối. Nàng quyết không tha ông ta, tới sở níu ông ta nàng mới nghe cho, và muổn thế, phải tìm cách đưa chàng đi xa trong mấy tiếng đồng hồ.
Và bây giờ chàng mới hiểu tại sao mà Thúy đã làm đủ cách khi sáng để chàng lên đường rất trễ. Chẳng ông giám đốc thì luôn luôn không đến sở sớm bao giờ. Nếu chàng đi sớm, Thúy cũng chẳng mong gặp ông Thành được, mà đến Chừng chàng về, chàng có thể ghé sở và bắt gặp Thúy ở đó.
Toàn đứng chết sững như bị trời trồng, và nhờ chưa hành động gì, nên lại được nghe tiếp câu chuyện.
Ông Thành nói rất khẽ, giọng đầu hàng:
- Thôi, em đừng có làm ồn, em muốn gì anh cũng nhận nấy, mặc dầu em đã xé hiệp ước đơn phương.
- Em không muốn gì hết, chỉ cần anh lo cho con anh thôi.
- Đồng ý! Anh đã lo rồi bằng số tiền to ngày nọ.
Quả đúng y như chàng đã đoán. Ông Thành đã phải bồi thường cho Thúy một khoản tiền lớn, với lời hứa của nàng không đòi gì nữa.
Thúy lại vỗ bàn mà hét:
- Anh tưởng bấy nhiêu đó là đủ hay sao?
- Tại em chỉ đòi có bấy nhiêu đó thôi. Anh lại còn giúp em sau đó, cho anh rể của em một sở làm.
Toàn đau nhói nơi tim.
- Ừ, em chỉ đòi có bấy nhiêu đó là tại em quên việc ăn học của nó về sau nầy.
- Thì chừng ấy anh sẽ lo không được sao?
- Không được. Ai biết được chuyện gì xảy ra một năm nữa đây. Bây giờ nói chuyện bây giờ thôi. Anh thật từ chối phải không?
- Đâu có. Thì như anh đã nói. Anh nhận nhưng có điều kiện.
- Á, thôi đi anh! Rồi anh lại bỏ rơi người ta lại nữa.
Không cần là thánh, Toàn cũng đoán rằng điều kiện ấy là hai người trở lại với nhau.
Sau khi sanh nở, Thúy đẹp lộng lẫy ra, và chắc chắn ông Thành còn mê mệt sắc đẹp của nàng hơn trước nữa. Ông ta ngỡ hễ có chửa, đẻ là hết xài, mà quả cũng đúng phần nào vì nhiều cô gái đẻ xong là già xọm ngay, nên ông ta mới bỏ rơi Thúy nhưng giờ...
Và không cần là thánh, Toàn cũng biết được rằng Thúy sẽ bằng lòng, qua cái giọng của nàng, đã dịu đi, mặc dầu ý nghĩa của câu nói còn cứng rắn.
Cái giọng ấy dịu lại mà còn đượm hơi hướng nhõng nhẽo, và có cái vẻ gì mà người bình dân nói là "chính hấu nhưng mại hơi".
- Thúy ơi, ông Thành nói bằng giọng trỏng, anh vẫn còn yêu em y như ngày nào, y như...
- À thôi!
Nhưng tiếng sau của câu nói dở chừng của ông Thành bỗng đổi giọng. Chàng biết chắc ông ông Thành đang làm mùi và bước lại gần Thúy. Hai tiếng, "thôi" của Thúy càng êm dịu càng nhõng nhẽo hơn.
Toàn đã run lên. Chàng kinh ngạc khi khám phá ra sự thật về dĩ vãng của Thúy, nhưng không đau khổ, Thúy lấy ông Thành hay thằng A. thằng B. nào cũng thế thôi. Chàng đã nhận yêu một cô gái chửa hoang thì người tình cũ của nàng là ai, không quan hệ lắm.
Nhưng chàng không thể dung thứ một bước sẩy vời nữa của Thúy nó có nghĩa một cuộc phản bội đối với tình chồng nghĩa vợ.
Bước lẹ vào trong, chàng hét:
- Quân khốn nạn, hãy bỏ trò chó má ấy đi!
Ông Thành và Thúy đã bắt đầu mùi. Ông ta đã bước tới trước mặt người nhơn tình cũ, toan đưa tay ra. Còn Thúy thì đương la hét lại rút từ ví một chiếc khăn tay bằng vải phin, ý chừng để lau nước mắt cá sấu.
Đối với hai diễn viên nầy, như là một thiên tai gì vừa xảy ra, giết chết họ thình lình trong những cử chỉ cuối cùng của họ, cái chết đến chớp nhoáng quá nên ai đang làm gì, chết rồi vẫn còn như là đang làm cái ấy, cánh tay đưa lên nửa chừng, ngưng lại ở lưng chừng khoảng không và chiếc mu xoa rút chưa ra khỏi xắc vẫn còn nằm nửa trong nửa ngoài của miệng ví.
Họ chết sững mấy giây sau tiếng hét, và sau khi Toàn xuất hiện ra khỏi bức bình phong.
Chính kẻ muốn lên mặt ông Toà đã xử án hai phạm gian cũng chết sững ngay sau đó. Hắn giận quá, run bây bẩy, nghẹn ngang nơi cổ họng, mồ hôi nhỏ giọt.
Kẻ hoàn hồn trước hơn hết là ông Thành. Ông ta thấy rằng một người anh rể không có quyền
bao nhiêu, hơn thế cái ông anh rể nầy lại là kẻ sống nhờ chén cơm của ông bố thí.
Ông mỉm cười nói:
- Rua Toàn! Chắc Toàn đã rình nghe cả rồi! Nhưng cũng chẳng có gì, như Toàn vừa biết.
- Á thôi! Tao đã sáng mắt ra rồi! Hừ thật là tồi! Thật là khốn nạn!
Người chủ hãng kinh ngạc hết sức trước cơn ghen rõ rệt của một người thanh niên không có gì để ghen.
Bấy giờ Thúy cũng đã tỉnh lại. Nàng day lại nhìn Toàn, buồn vô hạn mà rằng:
- Thật đáng tiếc! Đáng tiếc cho anh. Anh đã biết nhiều lắm rồi và anh sẽ đau khổ. Em đã bảo rằng ĐỪNG HỔI TẠI SAO. Anh có thấy không? Ich lợi gì cho anh.
- Im, con khốn nạn! Đứa phản bội đê tiện.
- Ơ kìa, Toàn, sao lại nặng lời một cách vô lý thế, ông Thành bình tĩnh hỏi.
- Vô lý, mầy tưởng tao ghen vô lý hử? Tao là kẻ có quyền vì tao là chồng của Thúy.
Hôm nay ông chủ hãng cao niên nầy bị đến hai người trẻ tuổi mầy tao với ông. Nhưng ông không nao núng cho bằng khi nghe tiết lộ nầy.
Ông trố mắt nhìn Toàn giây lát rồi phá lên cười, một chuỗi cười rất là khinh thị và mai mỉa. Ông nói to lên một mình:
- Chồng của Thúy! A thì ra Thúy đã tụt xuống đến cái mức đó, vừa lấy chồng bù nhìn, vừa đi làm tiền! Còn ông chủ sự phòng nghiên cứu của tôi chỉ là một tên ma cạo thôi.
Thình lình ông chủ hãng trăng hoa nầy bị đến hai cái tát tai một lượt, một cái ở má bên trái, do một bàn tay trắng nỏn và thơm phức đánh vào, và một cái ở má bên phải do một bàn tay thể thao nện xuống.
Ông ta ôm mặt và chưởi:
- Con đ... và thằng ma cô định tống tiền tao à? Tao cho cả hai đứa vào tù hết.
Thúy ngoe nguẩy bỏ đi trong khi Toàn toan nện cho chủ nhân của chàng một quả đấm thôi sơn.
Nhưng một cánh tay tuy già nua nhưng gân guốc đưa ra, khiến Toàn bắt ngán. Chàng cũng rút lui vì sợ, nhưng với giọng anh hùng tha thứ:
- Tao không thèm ăn thua đủ với mầy là một đứa không xứng với tay tao.
Khi anh chồng nầy ra tới cửa của cái hãng buôn mà anh ta không còn mong bao giờ trở lại nữa, anh ta lại đứng chết sững mà nhìn cô gái trắc nết bước lên tắc xi.
Thúy đẹp hơn bao giờ cả nên anh ta do dự trước quyết định của anh ta khi nãy là đi luôn, không thèm trở lại căn nhà ở đầu cầu chữ Y nữa để lấy áo quần.
Hai phút quạ, Toàn cũng lên tắc xi để về căn nhà đã chứng kiến hạnh phúc lớn lao đầu tiên trong đời chàng, bụng bảo là để mắng thêm Thúy cho đã nư, để thanh toán sự phản bội "của con khốn nạn đó", nhưng tiềm thức chàng lại có mục đích khác.
Chàng mắng chưỏi Thúy thật đó. Thúy không đóng cửa ngoài mà cũng chẳng đóng cửa buồng của nàng, à không, của họ.
Nàng cũng sợ một sự thanh toán của một thanh niên ngây thơ, hắn dám ghen quá rồi làm liều, giết bậy thì nguy. Nàng để cửa để có thể kêu cứu nếu rủi ro ấy xảy ra.
Mặc dầu đế giày của chàng bằng cao su xốp, Toàn cũng nện mạnh đến đỗi Thúy nghe được những tiếng bước nặng nề lôi đình của chàng.
Thúy không sợ mất Toàn nhưng vẫn sợ hắn vì những điểm thiên lương còn sót lại bên nàng cho nàng nhận thức rõ rệt tội lỗi của nàng.
Con người bình tỉnh kiêu hãnh và bất kể dư luận của bất kỳ ai ấy bỗng nhiên teo lại còn nhỏ xíu, thế là nàng còn cố tự thu hình lại cho nhỏ thêm.
Sự đầu hàng tinh thần bộc lộ ra bằng sự đầu hàng của thể xác, và không đau, không buồn, cô ả vẫn cố khóc, vì khóc là hình thức thọ tội, vừa thọ tội vừa van xin tha thứ.
Toàn không vào, chỉ đứng nơi ngưỡng cửa mà nhìn con người mà chàng đã yêu đắm đuối và chính vì đã yêu đắm đuối, nên mới ghen đến bể tim ra tùng mảnh.
- Á thôi đi, chàng quát, con đàn bà gian trá, nước mắt của cô không gạt tôi được nữa đâu.
Thúy tấm tức tấm tưởi nói:
- Nào em có gạt anh điều gì. Em là gái chửa hoang anh đã biết mà tha thứ.
- Nhưng cô đã chửa hoang với một ông già.
- Với ông già hay người trẻ nào có khác gì?
- Sao lại không! Với người trẻ, cô là nạn nhơn bị hắn lường tình. Còn với một ông già, cô bán nhan sắc của cô.
- Điều đó vẫn chứng tỏ rằng em là nạn nhơn. Tại sao bán nhan sắc? Vì em cần tiền. Mà tại sao em lại cần tiền? Vì em đã bị giáo dục sai lầm. Như thế, em không là nạn nhơn hay sao?
- Á thôi. Cô không gạt tôi? Vậy chớ cô tìm lại thằng già ấy làm gì?
- Thì như anh đã rình nghe, có lẽ không sót một tiếng...
- Tôi không có rình. Xe banh, tôi đi Biên Hòa không được, tình cờ ghé qua đó và rủi ro hay may mắn tôi đã bắt chợt được câu chuyện thôi.
- Ừ, cho là anh không rình đi nữa, nhưng anh đã nghe. Em chỉ đến để đòi thêm tiền.
- Chớ không phải để bẹo hình bẹo dạng của cô cho nó mê trở lại. Chà, hôm nay cô đẹp hơn bao giờ hết và cô thơm hơn bao giờ hết, thơm bằng cái mùi nước hoa sang trọng nhứt mà cô đã mua.
Nhưng tôi thì tôi lại nghe là cô thúi, CÔ THÚI cô biết chưa, CÔ THÚI NHƯ MỘT ĐỐNG RÁC.
Có một nhà văn gàn kia chủ trương nên biến mọi chữ Y thành ra chữ I cụt. Nếu cái anh gàn ấy mà được thiên hạ nghe thì tên Thúy của cô sẽ là THÚI. Đó là một sự tiền định.
- Em thúi? Vâng. Thì anh cứ bỏ em là xong, chớ việc gì mà nổi giận, mà làm ồn lên như vậy.
- Tôi có quyền nổi giận, có quyền làm ồn vì tôi bị gạt gẫm.
- Lại gạt gẫm nữa!
- Cô đã hứa yêu tôi, giờ cô lại...
- Thì em vẫn cứ yêu anh.
- Nhưng ngoài tình yêu, cô có bổn phận trung thành với tôi.
- Thì em vẫn trung thành với anh. Đòi tiền rồi nhận tiền của nó, không có nghĩa là...
- Nhưng nó đã nói là chỉ giao tiền với một điều kiện thôi. Nó không cần nói ra điều kiện ấy mà cô đã hiểu và đã làm bộ khước từ.
- Bằng cớ gì chứng tỏ rằng em làm bộ?
- Thật là giả dối một cách trắng trợn, không biết xấu hổ chút nào. Ừ, cô không nhận, cô chưa nhận, nhưng giọng từ chối nhõng nhẽo của cô nói rõ to lên là cô sẵn sàng nhận.
- Thôi thì cho là em phản bội anh đi. Vậy anh trừng phạt em làm sao đây?
- Tôi giết cô, tôi giết nó, tôi giết tôi!
Đôi mắt Toàn đỏ ngầu, nhưng mặt chàng lại hơi tím. Và chàng lại run bây bẩy.
Thúy đâm sợ, nhưng nghĩ kỹ, nàng an lòng được. Toàn là một con người không dám giết, chắc chắn như vậy. Vả lại tội lỗi nàng chưa làm mà chỉ có thể làm thôi thì cơn ghen tức của hắn không đủ mạnh để biến hắn thành kẻ sát nhơn.
- Tùy anh tha giết mặc lòng, em còn biết nói sao nữa giờ. Em yêu anh và vẫn yêu anh, vẫn cứ là vợ của anh. Em sẽ vâng lời anh về mọi điểm.
- Vưng lời, hừ vưng lời!
Toàn chưa bao giờ khổ sở như bây giờ. Nếu quả Thúy vưng lời chàng thì chàng tha thứ được. Nhưng chàng biết chắc rằng nàng sẽ phiêu lưu.
- Cô có dám lấy danh dự mà thề với tôi là cô sẽ không tìm nó nữa để mà đòi tiền hay không?
- Sao em lại dại mà không đòi tiền người ta trong khi ta cần tiền?
- TA không cần tiền, chỉ có CÔ là cần tiền thôi.
- Anh không cần à? Thế từ mấy háng nay, anh sống bằng tiền gì?
- A... ha... ha... đã kể ơn rồi? Tôi sống bằng tiền bố thí. Tệ hơn nữa, tôi làm ma cô như thằng già dịch ấy đã nói. Nhưng tôi đã hành động vô ý thức, tôi bị một bọn lưu manh gài bẫy nên tôi hoàn toàn vô trách nhiệm và không xấu hổ với lương tâm tôi.
Tôi nói "một bọn lưu manh" vì biết đâu cái kế quỉ bắt cóc tôi, không do chính thằng già ấy bày ra để cô thi hành hầu tìm một con bù nhìn?
- Dầu sao, khi anh đã nhận rằng EM cần tiền, CHỈ CÓ EM là cần tiền, thì anh cũng nên cho phép em đòi nợ chớ.
- Nhưng con nợ lại ra điều kiện.
- Mà em có nhận đâu.
- Rồi cô sẽ nhận.
- Tại sao em lại nhận khi em đủ uy quyền hăm dọa người ta?
- Vì nhận vẫn lợi hơn. Tiền nó bao bọc cô lần thứ nhì nầy sẽ cao hơn tiền cấp dưỡng nhiều.
- Anh chỉ bịa ra, chỉ tưởng tượng ra thế thôi.
Anh thử nghĩ coi. Anh không giàu, không danh vọng, không đẹp trai số dách, em có thể sống một mình thì tội gì em lại phải quì lụy anh để được làm vợ anh, nếu không phỉ là vì em muốn làm vợ anh.
- A... ha... ha... cô tưởng tôi là trẻ con à? Cô tưởng tôi không thấy được thâm ý của cô à? Có lẽ ban đầu cô chỉ muốn mưọn tôi làm tấm bình phong tạm vài tháng thôi. Nhưng rồi cô thấy tấm bình phong hữu ích quá, cô định dùng có luôn. Cô dùng tôi như là người ta tiêm thuốc ngừa dịch hạch chuột, tiêm rồi thì hết lo rủi ro. Ừ, từ đây cô mong cứ phiêu lưu với mấy thằng có tiền mà không sợ có con với chúng nó. Bởi vì nếu có thì đã có tôi che chở bề ngoài, mà cô muốn khai sanh là con tôi, tôi cũng sẵn lòng.
Nhưng nói cho cô biết rằng tôi phỉ nhổ vào mặt cô, tôi xé giấy bạc mà ném vào sọt rác.
Cô đừng tưởng tôi là thằng vô dụng. Để tôi ra khỏi cái hãng của thằng tình già của cô, xem tôi có chết đói hay không, hay là tôi sẽ ở vi la cho biết. Cô cứ ráng đợi, không lâu đâu chừng hai tháng thôi là cô sẽ có tin tôi.
Toàn khoe cái tương lai của chàng mà ông Hiệu đã hứa, một là để khỏi xấu hổ với ai vì đã ăn bám vào họ, hai là... trời ơi, chàng cứ còn yêu Thúy, không muốn mất nàng, và thấy phải lòe nàng, cho nàng thoáng thấy một tương lai không ẹ lắm, nếu nàng chịu trung thành với chàng.
- Em chỉ mong anh được thành công và mừng trước cho anh. Nhưng thôi nhé, anh cứ phỉ nhổ vào em như anh muốn, rồi ta xa nhau. Anh mắng chưởi em bấy nhiêu đó nghĩ cũng khá đủ rồi, không lẽ anh lại còn hành hạ tinh thần em thêm nữa.
- Sao gọi là khá đủ rồi? Tôi bị gạt gẫm, đau khổ nầy sẽ đánh dấu mãi mãi trên đời sống tâm thần của tôi thì...
- Nếu quả thế là tại anh yêu em đó thôi chớ còn thiệt hại vật chất, hoặc tinh thần do sự gạt gẫm (nếu có gạt gẫm) anh có phải gánh chịu gì đâu.
- A ha... không gánh chịu? Tôi đã làm ma cô bất đắc dĩ, vô ý thức, tôi lại không gánh chịu ân hận à?
- Anh mâu thuẫn với anh. Chính anh đã bảo rằng vì bị gạt gẫm nên anh vô trách nhiệm và anh không xấu hổ với lương tâm anh.
Toàn đuối lý nên làm thinh. Và chàng làm thinh vì đã đến lúc không biết làm gì, nói gì thêm nữa.
Chàng đã chưởi Thúy nhiều lắm rồi và nặng lắm rồi, nhưng không chưởi được nữa không phải vì không thể làm nhiều thêm, nặng thêm, mà vì Thúy cứ xuống nước mãi, không đương đầu lại, không khiêu khích, giống như một cánh cửa mở sẵn, chàng không làm sao mà động mạnh vào dó được.
Còn làm thì làm gì? Chàng chỉ còn xách gói ra đi thôi, chớ đã không can đảm giết Thúy rồi tự sát thì đứng đó thật là trơ.
Nhưng chàng vẫn đứng đó. Đứng đó mà không biết làm gì. Chàng không muốn xách gói ra đi chút nào, đợi cho Thúy năn nỉ nhận điều kiện của chàng để tha thứ.
Nhưng Thúy xuống nước mà cứ nhận chịu số phận bị bỏ rơi chớ không năn nỉ để được khoan hồng nào, khiến chàng phải hụt đỏi, chới với trong cái khoảng không tuyệt vọng, không biết bám vào đâu để cứu vãn một tình thế nguy cho chàng.
Lâu lắm, thấy không còn mong mỏi gì được, chàng bước vào buồng mở chiếc tủ không khóa ra, lấy y phục mà thồn hết vào chiếc va ly da lớn.
Chàng lẩm bẩm một mình, như có ý nói hơi to đủ cho Thúy nghe cốt để bi thảm hóa giây phút nầy, làm cho Thúy cảm động để rồi có thể nàng đổi ý.
- Một ngày cũng nghĩa vợ chồng. Huống chi đã quen hơi bén tiếng từ bao tháng nay rồi! Buồn chết đi thôi!
- Anh quyết định đi à? Thúy hỏi.
- Đã không đồng ý với nhau được thì anh đi là hơn.
Chàng đã đổi lối xưng hô, không "tôi", "cô", mà "anh" và sẽ "em".
- Nhưng anh đi đâu?
- Em không cần biết.
- Tới giây phút nầy mà anh còn muốn gây hấn nữa sao? Ta không nên xa nhau như hai kẻ thù.
- Anh cũng không muốn thế. Anh đi hơi xa. Anh nhận một công việc quan trọng.
- Cái chức giám đốc mà anh nói khi nãy đó à?
- Chưa. Chỉ chuẩn bị để làm Giám đốc thôi.
- Nhưng giám đốc hiểu theo ta hay theo Tây?
- Theo ta là sao, theo Tây là sao?
- Giám đốc, theo tây nghĩa là theo đúng nghĩa của danh từ ấy, thì chỉ là một người làm công ăn lương của chủ nhân.
Còn ta thì các ông chủ nhơn lại tự xưng là giám đốc có lẽ vì danh từ giám đốc oai hơn.
- Nếu thế thì anh sẽ là giám đốc theo Tây. Anh chỉ là người làm công ăn lương của chủ nhơn, nhưng khá lắm, có biệt thự rộng, xe riêng, tất cả đều của hãng đài thọ.
- Cũng dễ thở. Vậy chúc anh may mắn...
Cái tiếng "cũng" trên đây làm cho Toàn tuyệt vọng lắm. Chàng ngỡ một địa vị như địa vị mà chàng vừa tả sẽ làm cho Thúy suy nghĩ.
Nhưng nó nói "cũng dễ thở" tức là nó không ngán đia vị ấy lắm. Mà nghĩ cũng phải. Nó sẽ được một ông chủ nhơn bao, thì làm vợ một ông giám đốc, thật không có nghĩa gì cả. Ông kia là tỷ phú, ông nầy chỉ lãnh vài mươi ngàn một tháng là cùng. Hơn thế, làm nhơn tình không có bổn phận nặng nề như làm vợ lại dễ rút tiền hơn là làm vợ.
Buồn dàu dàu, chàng nói, giọng gần như van lơn:
- Thúy ơi! Làm vợ một thầy ký, em làm không được thì đã đành rồi. Nhưng anh nghĩ cái địa vị tương đối "dễ thở" của anh, sẽ giúp em ra khỏi cảnh không đẹp của em mà không bắt em chịu thiệt hại bao nhiêu, thì em nên nghĩ lại.
Thúy ơi! Nói làm sao cho em rõ được rằng anh yêu em không biết bao nhiêu. Mà có gì khó khăn nó ngăn ta trở lại những ngày đầm ấm với nhau đâu. Em chỉ phải hứa một lời là không tìm cách đòi nợ có nữa. Rồi hai ba tháng nữa là anh sẽ rước em đến cái nơi xa xôi ấy...
Toàn đã vô tình làm cho Thúy không muốn hơn. Thúy là con người của các thành phố lớn, con người của nhịp sống quay cuồng. Con người ca líp ấy sẽ ủ rũ như hoa lọ thiếu nước, tại một vùng hẻo lánh xa xôi nào, mà cho đến một thành phố nhỏ như Ban mê thuột cũng không hạp với nàng chớ đừng nói là nơi đèo heo hút gió mà Toàn thường khen là rất hợp cho một thời trăng mật kéo dài năm bảy năm của một đôi vợ chồng trẻ.
Không hiểu sao Thúy lại nghĩ ngay đến ba thành phố Ban mê thuột, Pleiku và Kontum mà các nguời thất vận, các tay phiêu lưu hay tìm đến đó để làm lại cuộc đời bởi vì tục ngữ "đất cũ đãi người mới" và "đất mới đãi người cũ" vẫn còn thường hay đúng.
Toàn đã hỏng bước đầu trên đường đời hắn, đã đau khổ vì yêu thì hắn đi đến những chốn ấy là khôn ngoan, là hợp lý.
Nàng đáp:
- Thú thật rằng anh đi, em cũng buồn lắm. Quả ta đi đã quen hơi bén tiếng nhau rồi.
Nhưng như thế là hơn. Anh chưa làm chồng em được đâu anh à. Anh sẽ còn đau khổ không biết bao nhiêu nữa, ngày nào mà anh còn ăn ở với em.
- Thúy định cứ lang bang như thế mãi cho đến già sao?
- Không, em sẽ kiếm chồng chớ. Nhưng anh chồng tương lai của em phải dửng dưng được khi em bắt tay một người đàn ông khác. Anh thì còn lâu anh mới chịu đựng được tác phong ấy.
Toàn thẫn thờ rất lâu rồi quả quyết đậy va ly lại. Chàng khóa cẩn thận, xách lên rồi nói:
- Thôi vĩnh biệt.
Từ nãy giờ Thúy ngồi trên giường, dựa vào một chồng gối. Nàng ngồi thẳng dậy, bỏ chơn xuống, đoạn đứng lên bước đến trước Toàn là rằng:
- Dầu sao em cũng không quên được mấy tháng ta gần gũi nhau.
Nàng cúi đầu đưa tóc dưới mũi Toàn để chàng hôn giã biệt. Nhưng Toàn lùi lại một bước mà rằng:
- Anh cũng vậy. Anh sẽ nhớ mãi kỷ niệm êm đềm nầy đến trọn kiếp anh.
Chàng khộng dám hôn Thúy vì cái hôn ấy sẽ rủ theo nhiều cái hôn khác rồi thì chàng sẽ phải quì lạy Thúy để xin ở lại mà chẳng đòi hỏi lôi thôi gì nữa. Chàng sẽ toại nguyện và Thúy sẽ đầu lụy chàng, sẽ phục dịch chàng hơn trước đây nhiều. Nhưng bỉ ổi ôi là bỉ ổi, cái kiếp ma cô!
Chàng nhớ đã đọc một quyển sách y học phổ thông ngoại quốc khảo về tâm trạng của bọn ma cô. Sách nói rằng bọn ấy là những con bịnh trầm trọng. Bịnh của chúng là một thứ tâm bịnh kỳ dị, vừa thích đàn áp, lại vừa thích được che chở.
Chúng nó ngược đãi gái giang hồ để rồi thọ lãnh sự nuôi nấng của hạng gái nầy. Mà danh từ "nuôi nấng" phải hiểu khác hơn là cho ăn, cho mặc. Chúng có thể kiếm tiền đtrợc để sống nhưng ưa được bọn nầy săn sóc hơn.
Chàng là một thanh niên lành mạnh cả thể chất lẫn tâm hồn thì không thể làm ma cô được.
Tuy thế, ra tới cửa, chàng dừng chơn lại để nhìn vào, đắm đuối thìn người thiếu phụ đẹp tuyệt trần, như một ẩn sĩ say sưa nhìn một cụm phong lan cả hoa lẫn lá đều đẹp một vẻ đẹp thần tiên, nhưng trong cụm phong lan
có rắn độc, ông ta mê nhìn mà không dám hái.
Nếu Thúy nói một lời, chắc chàng sẽ ngã. Mà có lẽ chàng đang mong đợi lời ấy cũng nên.
- Anh! Anh ở lại với em anh nhá!
Nhưng Thúy không nói gì cả. Chàng thở dài, rồi nghẹn ngào gọi:
- Thúy ơi! Vĩnh biệt!
- Chúc anh may mắn.

*

Toàn đi thuê một buồng khách sạn rẻ tiền, nằm nghỉ một hơi vì chàng đã mệt lả sau quá nhiều xúc động mạnh, đoạn dậy đi gọi ga ra, không phải để nhờ họ mang xe về sửa, mà để bán ngay tại chỗ cho họ.
Người chủ ga ra cho chàng một giá rẽ mạt. Nhưng chán nản quá, chàng cứ nhận bừa với điều kiện là phải trả tiền ngay lập tức.
Cái ông chủ ga ra nầy dễ thường đã có gặp nhiều trường hợp như vậy rồi hay sao không biết nên ông ta có mang sẵn tiền theo với lại giấy bút để Toàn làm giấy ngay.
- Nhớ sang tên đa nhé, Toàn căn dặn, đừng có tưởng hễ tôi còn đứng tên thì ông cán chết người ta rồi tôi ở tù. Không đâu. Người mình cứ tưởng lầm như vậy nên rốt cuộc họ đều sáng con mắt ra, khi họ bị những hai tội, tội cán chết người và tội lạm dụng tên người khác.
Ký giấy xong, chàng nghe nhẹ nhõm cả người. Chàng hết bận vì chiếc xe khổ mà chàng không cần nó lắm. Nó là một gánh nặng vô ích bởi nó cứ ạch đụi mãi và nẹo tiền mãi mà người đẹp thì không đòi đưa đi đâu nữa hết thì tiếp tục nuôi dưỡng nó trong mấy tháng sau nầy thật là vô lý.
Nhưng vứt được bận bịu nầy, chàng nghe nhẹ bao nhiều thì dứt bận bịu kia, nặng bấy nhiêu. Bận bịu kia là một thứ bận bịu dễ chịu, hơn thế, bận bịu thần tiên. Không còn bận bịu ấy nữa, lòng chàng nặng những tiếc thương mà chàng tin là không bao giờ nguôi cả.
Định đến thăm ông Hiệu để nhận cái công tác mà chàng hứa nhưng chưa chịu "ừ" dứt khoát, chàng lại trở về khách sạn, mở va li ra, lấy chiếc áo sơ mi dơ mà chưa bỏ giặt ra để hít cái hơi của Thúy còn vương trong đó.
Chiều hôm qua trời mưa dầm, lạnh lẽo vô cùng, Thúy đã tinh nghịch, thay vì mặc áo ấm của nàng, lại mặc chiếc sơ mi ấy rồi giữ trên người nàng suốt đêm.
Tất cả áo quần của chàng đều thoang thoảng mùi hương nước hoa mà Thúy đã xịt sương sương vào tủ để ướp thơm y phục của nàng.
Nhưng không hương nước hoa nào mà thân yêu, mà êm dịu, mà say sưa, mà quen thuộc cho bằng hương của chính người nàng còn đọng đầy trong chiếc sơ mi dơ nầy.
Toàn nhắm mắt lại để tưởng tượng đang nằm cạnh bạn. Chỉ có hương thôi, nhưng âm thanh, màu sắc cũng nổi lên được phần nào và chàng nghe văng vằng đâu đây giọng trong trẻo của Thúy, thấy mơ màng màu tóc, màu da hồng tự nhiên của Thúy.
Toàn thẫn thờ lâu lắm, đoạn chôn thật sâu, tận đáy va ly, chiếc áo sơ mi gợi nhớ ấy, hầu hương của Thúy được một lớp y phục dầy ở trên giữ lại cho thật lâu phai.
"Của tin còn một chút nầy!"
Thúy đã chết! Nhưng di vật của nàng mong manh quá
- chỉ là một mùi hương thôi
- thì chàng phải cố mà tàng trữ di vật dễ mất ấy. Chàng tiếc mà không bỏ lọ đóng nút được mùi hương ấy, nếu được, chàng sẽ hà tiện lắm, cả tháng mới dám mở nút lọ ra hít hơi một lần, hà tiện còn hơn là Thúy hà tiện nước cốt hoa Chanel, thứ hai ngàn đồng một lọ nhỏ.

*

Lúc chàng gặp mặt ông Hiệu thì đã năm giờ chiều rồi. Ông Hiệu trách:
- Sao toa biệt dạng vậy? Mỏa gọi điện thoại mấy lần đều không được toa. À, sao lại buồn thế.
- Thúy nó không chịu cho mỏa đi xa, nên mỏa giận và tức lắm.
- Vậy à? Thật đáng tiếc.
- Nhưng mỏa gây lộn với nó mà quyết đi. Tuy nhiên đi mà gia đình không thuận thì còn làm sao mà không buồn được.
- Ối, đàn bà thì luôn luôn vậy. Họ cứ muốn giữ ta ở trong nhà, nghe lời họ thì không bao giờ làm vương, làm tướng gì được đâu. Thế nào, chừng nào lên đường?
- Ngay bây giờ cũng được, nghĩa là càng sớm càng tốt. Nếu chần chờ, mỏa đổi ý hay nhớ Thúy quá, không can đảm đi nữa thì hỏng cả.
- Nếu được vậy thì hay lắm. Nhưng phải ngày mốt mới lên đường được. Toa phải đi với viên kỹ sư Nhựt Bổn mà hắn thì cần được báo trước ba mươi tiếng đồng hồ để hắn chuẩn bị tài liệu. Toa biết Ăng Lê không?
- Chỉ biết có vài câu chào hỏi, cám ơn, từ giả, v.v...
- Hơi rắc rối đấy! Tên lùn nầy chỉ biết Ăng Lê thôi.
- Nhưng chúng tôi sẽ ăn ở tại đâu?
- Ở khách sạn, cố nhiên. Mai mỏa sẽ đánh điện lấy hai buồng tốt nhứt ở khách sạn sang nhứt ngoài Nha Trang. Còn giờ thì toa nhận chút ít tiền đây. Toa lấy đỡ mười ngàn nhé!
- Tùy toa.
Mặc dầu đáng lý ra thì chàng phải cần ông tỷ phú nầy, nhưng hôm nay Toàn lại toa toa, mỏa mỏa với ông ta, vì thật ra, chàng không cần cóc gì nữa, kể cả kế mưu sinh. Đói vài hôm rồi lao đầu vào một chiếc cam nhông, hoặc uống một ống thuốc ngủ còn sướng hơn là kéo những ngày buồn thảm mà cuộc đời không còn mùi vị gì nữa cả.
Lúc trao tiền, ông Hiệu căn dặn:
- Tối mai hồi bảy gìờ mười lăm, toa lên đây để mỏa đưa đi ăn cơm rồi giới thiệu hai người với nhau, toa với thằng Nhựt, rồi mốt là lên đường. Mỏa lấy giấy xe lửa cút xét cho hai người. À, xe toa đâu?
- Thúy cần nên mỏa để lại.
- Nhưng toa phải sắm Caravelle cho Thúy mới được. Mà chỉ có hợp tác với mỏa mới mong sắm Caravelle được.
Ông Hiệu không biết mặt mũi Thúy ra sao, nhưng tin chắc rằng Thúy sang và đẹp lắm, nên mới nói thế.
Họ chia tay nhau hồi sáu giờ rưỡi. Toàn đi ăn cơm luôn, ăn ở một hiệu ăn vắng như chùa Bà Đanh ở mút đầu dưới sông của đại lộ Hàm Nghi.
Hiệu ăn nầy là một hiệu ăn mà chàng không bị ai quấy rầy. Chàng thích nhơi nỗi buồn của chàng một mình.
Chàng kêu mấy dĩa lươn, ếch, gắp bậy vài đũa, nhưng nuốt không trôi. Chàng nghe no tới cổ.
Tuy nhiên chàng kéo dài bữa ăn ra vì chưa biết làm gì để qua đêm nay, phải ngồi đây cho đến chín giờ mới được. Ở đây chín giờ họ mới đóng cửa mà giờ thì mới có bảy giờ hơn. Thoạt tiên, Toàn định đến một cái ba bình dân. Ba sang trọng hiện nay khách ngoại kiều nhiều quá chàng không thoải mái được ở đó. Vả lại mục đích chàng cũng không đạt được ở đó.
Mục đích chàng như thế nào?
Có ai đã sầu tình và đã đi xa chưa? Các bạn hẳn đã trải qua tâm trạng kỳ lạ nầy là luôn luôn các bạn muốn tìm một chút xíu tình thương ở cái nơi đã hất hủi các bạn. Các bạn sẽ mang theo nơi chốn xa xôi chút xíu tình thương đó, để có đích mà nhớ.
Mà ai sẽ ban cho kẻ lên đường chút xíu tình thương ấy? Ắt hẳn không phải là gái buôn hương bán phấn đâu. Ở vào thời đại quay cuồng nầy, loại gái ấy rất hà tiện thì giờ, bán cái khác thì bán chớ nhất định không bán ảo tưởng yêu đương, không bán ái tình giả tạo. Chỉ có các cô chiêu đãi viên ở các quán rượu mới là đủ điều kiện gây ảo tưởng cho khách sắp đi xa. Họ có bán món khác ở nơi bí mật nào hay không thì không rõ, chớ ở các quán rượu họ chỉ bán những nụ cười, những mối tình hờ giả tạo, đúng y như truyền thống kỹ nữ thời xưa.
Chiêu đãi viên của các ba sang trọng không bán tình cảm giả tạo vì ngoại kiều không cần. Chính những cô bồi rượu hơi quê, còn khá ngây thơ, khá trong sạch của các quán rượu bình dân mới là người của những đêm nầy, họ còn biết cảm động chút ít khi ta tâm sự, họ còn biết an ủi ta đôi lời, họ mới chịu hứa bậy với ta vài lời để ta ngỡ họ yêu ta vì thương kẻ đồng cảnh ngộ, đồng bị phụ tình như nhau. Ấy, ít có cô bồi rượu nào mà không bị phụ tình ít nhất là một lần.
Toàn nghiền ngẫm chương trình nầy một hồi rồi thấy là không được. Các quán rượi bình dân rất đông khách cao bồi, du đảng. Họ thường đập nhau bằng ve chai, và rất mệt cho những khách hiền lành rủi ro ngồi gần đó.
Hơn thế, họ hay giành gái, bắt tình hờ một đêm với một cô bồi rượu, không yên thân với họ đâu.
Thình lình, Toàn sực nhớ đến một người, một nơi và chàng mừng rỡ vô cùng.
Người đó là cô thu ngân viên của một hiệu ăn sang trọng có ca nhạc ở đường Lê Lợi, hiệu "Địa cầu".
Đành rằng cô ấy ngồi sau quầy rượu mà quầy rượu ở đó cũng luôn luôn nghẹt khách, nhưng ngoại kiều ở đó thuộc hạng không say sưa, lịch sự vô cùng, cũng không giành cô thu ngân viên được vì cô ấy không tiếp khách.
Toàn xem lại đồng hồ thì mới có tám giờ. Đằng ấy chưa có ca nhạc, nghĩa là khách chưa đông. Nếu khách chưa đông thì mấy chiếc ghế cao cẳng trước quầy phải còn trống và muốn uống rượu, chàng phải ngồi ở đó. Mà ngồi ở đó thì xa cô thu ngân viên.
Vì vậy mà Toàn gọi bánh, cà phê rồi tiếp tục nằm vạ tại tiệm ăn vắng khách nầy.
Mãi đến chín giờ, nhơn viên của tiệm ăn chồng ghế lên mặt bàn, chàng mới chịu trả tiền rồi ra đi.
Chàng đi bộ, vì chín giờ đêm, khách ngoại kiều cũng chưa đến đông đủ, chàng phải lang thang qua rất nhiều ngả đường mới tìm đến cô thu ngân viên có gương mặt hao hao giống Thúy được.
Đêm nay ráo trời, nhưng Toàn lại tiếc rằng không mưa dầm. Chàng muốn cho mình khổ thật khổ, khổ đến cùng cực.
Đó là ý muốn tự hủy diệt âm thầm của tiềm thức, được bản năng tự tồn tiết chế lại phần nào, biến ý chí quyên sinh ra ý chí hành xác.
Chàng muốn khổ và mơ được ai kia tưởng tượng đến nỗi khổ, niềm đau của chàng mà thương xót chàng. Chàng lại muốn cả thế gian đều biết rằng chàng khổ và đau.
Chàng đã khóc các nhân vật tiểu thuyết tình đau thương và biết rằng có hằng triệu người khác cũng khóc như chàng. Chàng muốn làm một nhân vật loại đó bởi vì chàng thấy niềm đau của chàng to không kém niềm đau của các nhơn vật trong các tiểu thuyết ấy, đẹp không thua niềm đau của họ, chàng đáng tội nghiệp ít ra cũng bằng họ.
Hồi mười giờ, Toàn lên tới đầu thang thì rất hài lòng mà thấy mười chiếc ghế cao của quầy rượu đều có người chiếm.
Những ẩm khách nầy đều phải ngồi một cách thật là bất tiện và mỏi lưng, mỏi cổ. Họ ngồi day vào bên trong quầy, nhưng trong đó chỉ có một chú đực rựa người Tàu, ngắm không hay ho gì cả nên cả thảy đều phải day nghiêng lại để nhìn bục nhạc sau lưng họ, nhìn các nữ ca sĩ, ít ra cũng mát con mắt hơn.
Cô thâu ngân viên chưa có công việc, vì người khách ăn, khách uống về đêm sớm nhứt, cũng chưa trả tiền. Nhưng cô ta cúi xuống mà đọc tiểu thuyết ở một tờ báo hàng ngày mới mua lúc đi dọc đường để đến đây, đọc mê say không thấy sự xuất hiện của chàng.
Toàn thấy cô ta mỉm cười rồi châu mày có lẽ nhơn vật trong đó vừa nói một câu ngộ nghĩnh, rồi lại nói một câu thô lỗ hay đểu giả.
Không, cô ta kém xa Thúy, cười xinh không bằng Thúy, mà châu mày cũng không não nuột bằng Thúy. Cô ta có tướng học trò, gương mặt còn ngây thơ lắm, chắc mới ra đời đi làm và mặc dầu có bồ đưa rước, có thể vẫn còn trong trắng, vì gái thơ bắt con trai chinh phục rất lâu, đôi khi hằng năm các cô vẫn chưa ban ơn bố đức.
Thúy cũng ngây thơ như vậy ngày xưa. Và cô nầy cũng sẽ "văm" như Thúy ngày kia. Nhưng giờ thì chàng lại cần một cô đã "văm".
Chàng không còn lòng dạ nào để chinh phục ai để thay thế cho Thúy, mà chỉ mong bị chinh phục thôi. Con gái thì không hề chinh phục được đàn ông. Vào tù vì một cô gái thơ, có lẽ chỉ có chàng mà thôi, bao nhiêu cuộc tan nhà nát cửa, đổ nước nghiêng thành khác từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều do đàn bà gây ra chớ không phải là con gái.
Vả lúc chàng vào tù thi Thúy cũng đã "văm" lắm rồi. Chưa có chồng không có nghĩa là gái thơ.
Cô Thu ngân viên đã đọc hết kỳ tiểu thuyết đăng báo, ngước lên, ngạc nhiên trong một giây rồi chào chàng bằng một cái mỉm cười.
- Tiểu thuyết đó có hay, hay không cô?
- Hay lắm! Bà ngồi đâu ông?
- Tôi chỉ đến một mình, cô cho phép tôi đứng đây uống ly rượu như lần trước nhé?
- Mời ông.
Toàn gọi một cái cassis như lần trước, rồi hỏi người con gái áo trắng học trò, may bằng lụa nội hóa:
- Cô có giận vợ chồng tôi lắm không?
Nàng cười vui thật tình mà rằng:
- Bà ấy đã hiểu lầm, nhưng không can gì. Đời bây giờ bị hiểu lầm như thế là thường. Đôi khi người bị hiểu lầm bắt buộc phải tự vệ, phải phản đối, nhưng không vì thế mà giận cho mệt trí.
Thì ra cô gái nầy đã khá kinh nghiệm chớ không ngây thơ lắm đâu. Những cô học trò thật sự, chưa biết đời không thể quan niệm dễ dãi như vậy được.
- Sao hôm nay bà ấy không cùng đi với ông? Coi bộ ghen lắm mà dám thả lỏng ông à?
Toàn không cười trước lời nói chơi nầy. Chàng châu mày mà rằng:
- Không bao giờ có cô ấy đi với tôi nữa cả.
- Cơm không lành, canh không ngọt à?
- Không, đã đoạn tuyệt với nhau rồi.
- Thật đáng tiếc! Nhứt là cho ông! Một thiếu phụ đẹp ghê hồn như vậy!
- Nó đẹp ghê hồn, nhưng hồn nó lại không đẹp.
- Thôi thì mời ông đến đây uống rượu để giải khuây.
- Chắc cô chưa có dịp sầu tình?
- Hẳn là chưa.
- Thì không làm sao mà cô biết được niềm đau của kẻ sầu tình cả. Rượu không tưới tắt được lửa địa phủ nó đốt tim của tôi.
- Dữ vậy sao? Ai biết đâu. Tôi cứ ngỡ đâu ông sầu tình, uống rượu là quên được vì nghe trong tiểu thuyết nói như vậy.
- Chỉ quên được có vài giờ thôi. Tôi sẽ đi xa cô à!
- Vậy hả? Đi xa là liều thuốc hay hơn rượu sao?
- Không biết, nhưng thử xem niềm đau có giảm được hay không!
Một anh bồi bàn lấy một phiếu tính tiền mà cô thu ngân viên trử trước mặt cô ta. Năm phút sau, hắn mang đến số tiền, một tờ giấy năm trăm, và cô ta đặt vào dĩa món tiền thối, cô ta làm việc nhà nghề lắm, là chôn tiền lẻ ở dưới, các loại tiền cứ lớn lần lần, theo gia cấp tiền bạc, giấy mười đồng chồng lên giấy năm đồng, cho tiện bề khách để buộc boa lại trong dĩa.
Xong cô ta ngước lên.
- Mời cô uống với tôi một cốc rượu nhẹ, Toàn nói.
- Cám ơn ông, tôi không uống được rượu.
- Đêm nay tôi muốn say thật say, và có người cùng say với tôi.
- Thế thì ông đã lầm nơi rồi. Mấy cô chiêu đãi viên ở những ba lớn sẽ vui lòng say với ông.
- Nhưng tôi lại muốn tìm một người bạn nửa giờ còn hơn là muốn say nữa. Tôi muốn nhớ Sài Gòn, về sau nầy. Mà Sài Gòn thì còn có gì, còn ai để tôi nhớ, ngoài người bạn gái nửa giờ ấy.
Nếu cô bạn cho ơn huệ uống với tôi, không cần say cũng được, một ly nhỏ thì tôi đội ơn cô không biết bao nhiêu.
- Đồng ý vậy.
- Nếu rủi ro bạn của cô đến đây thì...
- Không, anh ấy không hề ghen xằng.
- Nghĩa là tôi ghen xằng?
Cô gái trố mắt nhìn Toàn rồi đáp:
- Không, tôi có muốn nói thế bao giờ đâu, sao ông lại xuyên tạc như vậy?
- À, xin lỗi cô, tôi đã nói bậy vì nghĩ đến người khác.
Bỗng Toàn thương xót cô gái áo trắng trước mặt chàng không biết bao nhiêu.
Bạn của cô ta không ghen xằng như chàng, thế nghĩa là người bạn ấy đã thành chánh quả rồi trong nếp sống mông đen mà Thúy đã nói đến nhiều lần. Hắn không còn trong trắng, không còn yêu dại khờ nữa, không còn trung kiên mãi với một mối tình nữa mà bắt kẻ khác trung kiên với hắn, như chàng đã muốn bắt Thúy làm thế.
Hắn là con bướm, lướt qua đời đóa hoa dại nầy năm bảy tháng, một năm rồi thôi.
Và cô gái còn tin yêu nơi cuộc đời là cô thu ngân viên nầy ngày kia sẽ chai lòng chai dạ sau bao phen chìm nổi như Thúy.
Chừng ấy chàng sẽ gặp lại cô nầy, nhưng không ích gì cho chàng cả vì cả hai đều hết biết yêu.
- Có ngày, ta sẽ gặp lại nhau.
- Cố nhiên, cô gái nhắm một chút xíu Cassis nơi ly của cô rồi mỉm cười đáp như vậy.
Cô ta không hiểu được Toàn đang nghĩ gì và không thể hiểu ý nghĩ của chàng qua câu nói to lên ấy nó phải nằm giữa các ý nghĩ thầm kín của chàng mới là rõ nghĩa đối với người khác.
- Ta sẽ gặp lại nhau. Nhưng chừng ấy cả cô lẫn tôi đều biến thành người khác rồi.
- Cố nhiên. Có lẽ rồi ông sẽ nguôi sầu. Còn tôi thì hạnh phúc hơn bây giờ vì anh ấy hứa sẽ cưới tôi.
- Có bảo đảm không?
- Vững lắm. Anh ấy bảo đảm bằng tất cả tấm lòng anh ấy.
Toàn bật cười. Nếu anh chàng mông đen đó mà bảo đảm bằng tấm lòng khờ dại của chàng hiện giờ thì được, nhưng bằng tấm lòng của một tay ăn chơi thì kể như nước đổ lá môn.
- Anh cười gì?
Toàn đáp dối:
- Giờ cô đang yêu, ngày sau cô sẽ đang hưởng hạnh phúc. Thành thử không bao giờ cô an ủi tôi được cả.
- Tôi biết sao bây giờ.
- Chỉ có người đang khổ hiện giờ mới an ủi được tôi thôi.
- Có lẽ. Nhưng ông làm sao mà tìm cho ra ngay đêm nay một người đang đau khổ.
- Ừ, đúng như vậy. Họ đông hàng vạn trong thành phố nầy, đêm nay, nhưng họ đang nằm nhà mà khóc thầm. Tôi làm sao mà có mắt trông suốt qua các nóc nhà để xem ai đang ôm gối thở than.
- Không cứ gì kẻ khổ ôm gối thở than đâu. Cái cô ca sĩ đang cười đằng bục nhạc cũng có thể đau khổ vì tình. Nào ai biết đâu.
- Cô sâu sắc lắm. Và nào ai biết đâu rằng kẻ đang đứng trước mặt một thiếu nữ xinh đẹp là cô lại đang nghe lòng mình như nát tan ra từng mảnh.
- Tôi chỉ nói theo tiểu thuyết thôi chớ thật ra tôi chưa biết đời, chưa biết đau khổ là gì.
- Mong cho cô không bao giờ biết.
- Cám ơn ông.
- Cô không an ủi tôi được đêm nay, nhưng dầu sao tôi cũng sẽ có được một hình ảnh để mà nhớ: hình ảnh một cô gái trong trắng, yêu đời, ham sống mà tôi được quen trong giây phút. À, xin lỗi, cô tên chi? Tôi là Toàn, buôn bán.
- Tôi là Hồng.
- Màu Hồng là màu hên. Cô sẽ may mắn suốt đời.
- Nếu được vậy thì tôi sẽ nhớ đến lời chúc lành của ông.
- Đâu cô kể hạnh phúc của cô tôi nghe thử xem.
- Tôi rớt Trung học, nhưng nhà khá giả, có đủ tiền để đóng thế chân làm thu ngân viên ở đây. Anh Quỳnh ấy tới đây ăn uống và nghe nhạc. Rồi anh chú ý đến tôi. Anh xin phép đứng đây uống rượu như ông bây giờ, thế rồi chúng tôi quen nhau, yêu nhau.
Toàn muốn nói: "Rất tiếc rằng tôi là người đến trễ", nhưng chàng không nói, không phải vì không dám nói, nhưng vì không muốn nói dối. Không, Hồng không phải là loại người mà chàng mê được.
Chàng khen, tuy cũng dối nhưng ít dối hơn:
- Hay như tiểu thuyết. Nhưng sao hai lần rồi, tôi không gặp anh ấy?
- Ấy, trước anh ấy uống rượu ở đây hằng đêm, nhưng giờ thì chỉ đưa rước tôi thôi.
Toàn nghe thương cô Hồng nầy quá. Cái anh Quỳnh ấy giờ đây, có lẽ đang uống rượu nơi khác, đang bắt tình với một cô khác, và sẽ không đưa rước Hồng nữa, đêm nào đây.
Ban đầu hắn bảo bận làm ăn lắm, đưa rước rất là thất thường. Sự đưa rước lơi lần cho đến một đêm kia, khi hiệu ăn đóng cửa, Hồng sẽ sốt ruột nhìn con đường khuya vắng vẻ mà ngóng mãi bóng dáng chiếc xe quen thuộc từ lâu.
Cái đêm đó Hồng sẽ trải qua tâm trạng đêm nay của chàng. Và chàng sẽ ra sao?
Bây giờ khách vào cũng đông mà khách ra cũng nhiều, Hồng bận rộn tới tấp, khiến Toàn thấy là mình phải để yên cô ta.
Chàng trả tiền rồi nói:
- Thôi, vĩnh biệt cô Hồng nhé, và chúc cô TOÀN HỒNG.
Cô gái không ngước lên, nhưng cười đáp:
- Cám ơn, chúc ông may mắn và cũng TOÀN HỒNG.
Thật là hết! Cô Hồng ấy cũng không cho một nụ cười, một đôi mắt tiễn chàng xuống thang lầu. Cả Sàigòn đều ruồng rẫy chàng.
Toàn đi thất thểu và lang thang từ phố nầy đến phố khác mãi cho tới khuya thật ktluya mới gọi xe về phòng ngủ để... thức.

*

Nếu như bình thường thì Toàn rất thích viên kỹ sư nầy. Hắn còn trẻ, cỡ cao niên hơn chàng chừng vài tuổi thôi, tánh tình vui vẻ lắm. Hắn nói chuyện huyên thiên mặc dầu Toàn không hiểu nói gì và hắn cười luôn miệng.
Tới Nha trang rồi, họ trọ ở hai buồng khích vách nhau, trông ra biển và ngay ngày hôm ấy họ đi tìm địa thế liền và tìm được một cách dễ dàng.
Đó là một xóm bình dân ở ngoại ô thành phố, gồm rất đông lều tranh. Đất của tư nhơn, cỡ mua, giá không đáng kể, nhưng phải cho tiền dân cư ở đó dời nhà đi thì hóa ra cũng khá mắc. Nhưng cả hai đều không thấy đâu hơn, nên Toàn nhứt định đánh điện về ông Hiệu để ông ta điều đình mua ngay vì chủ đất, một công chức trung cấp hiện đang cư ngụ ở Sàigòn.
Trong bữa cơm chung tối hôm ấy, Toàn rụng rời khi thình lình nghe viên kỹ sư Aruka ấy nói:
- Trông anh buồn như là có tâm sự gì có phải không?
Chàng trố mắt, há miệng nhìn người thanh niên ngoại quốc nầy, kẻ mà từ bữa cơm giới thiệu ở Sàigòn đến nay, chỉ trò chuyện vói chàng bằng dấu hiệu.
Aruka nhìn vẻ kinh ngạc của Toàn, mỉm cười mà không nói gì thêm.
Lâu lắm, Toàn mới hỏi được:
- Té ra anh là người Việt miền Bắc? Sao ông Hiệu lại gạt tôi làm gì? Mà chính anh cũng tùng đảng với ông ấy,
Aruka đã hết vui vẻ nói cuời, mà chỉ mỉm cười một cách chua xót mà đáp:
- Không, tôi là ngưòi Nhật chánh hiệu. Tôi sanh trưởng ở Đông Kinh, chưa hề xuất ngoại lần nào, trừ lần nầy.
- Nhưng sao...
- Ấy, tôi học tiếng Việt với một người đàn bà Việt gốc miền Bắc, hiện cư ngụ tại Đông Kinh.
- Vậy hả? Nhưng học ngoại ngữ thì thường người ta chọn ngôn ngữ nào quan trọng về mặt quốc tế, chớ sáo lại...
- Cố nhiên. Tôi giỏi Ăng Lê. Nhưng tôi phải học tiếng Việt và nước Việt Nam của anh có liên hệ mật thiết với đời sống tình cảm của tôi. Tôi sang đây với tư cách tình nguyện, chớ thật ra hãng tôi đã chọn người khác. Tôi phải giành giựt tranh đấu mới được đi.
- Kỳ lạ! À, mà sao anh cứ nói tiếng Nhựt?
- Không ích lợi gì mà cho ai biết bí mật của mình. Tại tôi thấy anh buồn quá, tôi muốn an ủi anh nên mới để lộ chân tướng. Ta chỉ có hai ngươi,làm việc chưng ở một nơi xa nhà anh, tôi không thể bỏ anh.
- Cám ơn lòng tốt của anh. Anh học bao nhiêu lâu mà nói tiếng Việt giỏi đến thế?
- Gần hai mươi năm, nghĩa là năm tôi lên mười một.
- Té ra bên ấy có người Việt?
- Rất ít thôi anh à. Bà nầy là vợ một cựu hiến binh, hiện làm nghề bán quán cơm.
Toàn, qua cơn ngạc nhiên mới chợt nhớ phép lịch sự, đưa tay ra để siết tay nguời bạn. Cái siết tay của Âu Chân hay thật. Ta chỉ bắt chước họ mà làm thế thôi. Nhưng khi ta làm thế, trong những dịp như thế nầy, tự nhiên ta nghe cảm thông nhau và lòng ta với lại lòng người bạn mà ta siết tay, như trôi qua lại với nhau bằng cái ngõ liên lạc ấy!
Aruka hỏi lần nữa:
- Anh buồn lắm phải không?
- Ừ.
- Tôi có thể làm gì được để giúp anh?
- Không, anh không thể giúp tôi đâu.
- Tôi có quá tò mò hay không nếu tôi hỏi tánh cách của mối buồn của anh?
- Không. Giữa bạn trai với nhau. Tôi chỉ sầu tình thôi, chớ không có gì lạ.
- À, ra thế. Hèn chi...
- Hèn chi làm sao? Chắc anh đã nhiều kinh nghiệm. Anh trên ba mươi chưa?
- Tôi mới hăm chín thôi.
- Tôi chưa hiểu hai tiếng hèn chi của anh.
- Hèn chi mà má tôi căn dặn tôi đừng có yêu. Không, má tôi không có nói rõ ràng như vậy, nhưng đã làm cho tôi hiểu như vậy.
- Và anh đã nghe lời mẹ?
- Ừ. Tôi thèm yêu lắm và đã toan cãi lời má tôi.
Nhưng rồi tôi lại thớ đến những điều mà tôi nghe thấy nên tôi giựt mình và giữ mình được. Yêu, khổ lắm.
- Khổ không thể tưởng tượng được.
- Tôi chỉ kinh nghiện qua người khác thôi, mà cũng đã khổ lắm, khổ giùm cho người ta. Đừng nói chi xa. Cái bà người Việt dạy Việt ngữ cho tôi ấy, bà ấy cũng đã đau khổ trên hai mươi năm nay và chồng bà ta cũng đau khổ trên mười năm rồi.
- Chồng bà ấy cũng người Việt?
- Không, người Nhựt. Để tôi kể anh nghe. Bà ấy đã tâm sự với tôi nhiều lần, vì bà là người bạn vong niên của tôi, và tôi là bạn của con của bả.
Bà là người Hà nội, con nhà khá giả, có học, thứ người mà thuở ấy xứ anh gọi đùa là "tiểu thơ Hà nội"
Bà ta đã yêu một sinh viên và mối tình giữa đôi trai tài gái sắc nầy đang đẹp thì quân đội Nhựt tới chiếm đóng Việt Nam.
Tôi không nói xấu nước tôi, cũng không binh vực. Nhưng tôi không thể không nhìn nhận rằng đạo quân chiếm đóng nào cũng thô bạo, nhứt là khi có phản ứng của dân nước bị chiếm đóng.
Thuở ấy thanh niên thiếu nữ của nước anh, những phần tử xoàng xoàng thì hoan hô người Nhựt, nhưng những phần tử tiến bộ nhứt lại chống chúng tôi.
Bà ấy và người sinh viên nhơn tình của bả đều bị hiến binh bắt.
Chồng bà ta hiện giờ, thuở ấy đã bốn mươi tám rồi, làm thượng sĩ hién binh Nhựt, có khá nhiều quyền.
Ông ta chưa có vợ lần nào và xúc động trước sắc đẹp của người tiểu thơ Hà nội ấy, ông ta đề nghị một cuộc đổi chác: nếu cô gái ưng lấy ông ta làm chồng, một cô gái mười tám, tức nhỏ hơn ông ta đến ba mươi tuổi, thì ông tha cho cả hai, tha cô ta và tha luôn người tình của cô ta. Bằng không, anh sinh viên bị tra tấn đến chết và cô ta sẽ bị hiếp.
Tôi lẫn anh đều không phải là nhơn chứng của thời đó, nhưng hắn ta đã phải nghe, phải đọc thấy rằng sở Kempetai của nước tôi thuở ấy tàn bạo vô cùng, không kẻ bị bắt nào mà không tự tử để tránh trước sự tàn bạo của họ.
Cuộc đổi chác trên đây là may mắn hiếm hoi có thể cứu được ít lắm là một mạng người: mạng anh sinh viên ấy.
Vì thế mà cô tiểu thơ Hà nội đã nhận lời, bởi không nhận lời, cô cũng bị hiếp và nhơn tình cô bị ngược đãi cho đến chết.
Anh thử tưởng tượng niềm đau khổ của cô ta khi nhận cuộc mua bán đó.
Cô ta đau cho đến hơn mười năm trong cảnh làm vợ viên thượng sĩ hiến binh già, ở Hà nội, và sau đó ở Đông Kinh, vì khi Nhựt đầu hàng, ông thượng sĩ nọ hồi hương mang vợ theo, rồi về hưu một năm sau đó.
Nhưng từ cái ngày mà tôi gặp bà ấy thì chính ông thượng sĩ hiến binh đã cướp vợ người, lại đau.
Giờ ông ta chỉ là một tên chủ quán cơm không có quyền sanh sát nữa thì bà nọ đâu còn thèm sợ ông ta. Vả lại bà ta đã được thương yêu thì chính ông ta lại sợ bả.
Hơn thế, năm tôi gặp bà ấy, năm tôi lên mười một thì ông ấy đã năm mươi mốt và bà ấy hăm mốt, sức lực của ông bắt đầu xuống trong khi đó thì sức lực của bà đang lên mạnh.
Bà ta đã trả thù, bằng cách cho ổng mọc sừng. Mà cho dẫu không có mối thù nào để trả, bà ta cũng đã đi con đường đó vì sự so le tuổi tác giữa đôi vợ chồng.
Thế là ổng bắt đầu khổ từ năm đó, và cứ càng năm càng khổ nhiều hơn vì càng năm, sức lực của ổng càng xuống thêm. Năm nay ổng đã 68 và bả đã 38. Hai người vẫn cứ chênh lệch nhau ba mươi tuổi, nhưng ba mươi năm cách biệt ngày nay, xa bằng mười ba mươi năm cách biệt ngày xưa, người chồng năm mươi không già hơn người vợ hai mươi cho bằng người chồng bảy mươi đối với người vợ bốn mươi mặc dầu con số sai biệt trong hai trường hợp, vẫn cứ là ba mươi năm.
Phương chi năm nay bà ấy lại bước vào thềm tuổi hồi xuân, và phương chi ông ấy yêu vợ y như hồi ổng hai mươi tuổi.
- Té ra nhờ thân với một người Việt mà anh mới mến nước Việt và tìm cách qua đây?
- Không. Chính vì mến yêu nước Việt trước nên tôi mới tìm làm quen với bà ấy. Nhưng để rồi tôi kể chuyện của tôi sau. Tôi muốn nói rằng nếu không có tình yêu thì cả hai ông bà ấy, không ai khổ cả.
Làm vợ một hiến binh Nhựt thì cũng như làm thiếp một ông Tuần Phủ, nào có kém gì. Sở dĩ cô tiểu thơ Hà nội ấy đã đau khổ là vì cô đã trót yêu anh sinh viên.
Còn bị mọc sừng thì cứ bỏ quách vợ, nhưng ông ấy lại quá yêu vợ.
- Nhưng sao tôi nghe nói rằng người đàn bà Nhựt phải trung thành với chồng, nếu không, người chồng có quyền giết họ mà không phải tội.
- Đó là chuyện ngày xưa. Anh nên biết rằng quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng nước tôi, đã xáo trộn tất cả, đã làm lung lay cả nền móng xã hội của chúng tôi, đã đập tan cả nhơn sinh quan ngàn đời của chúng tôi.
Thế nên không còn chuyện trừng phạt vợ ngoại tình bằng gươm bằng kiến nữa, cùng lắm là đưa các bà ra tòa để ly dị. Nhưng ai đã yêu vợ quá thì ráng mà chịu đau chớ cũng không có chuyện đưa vợ ra tòa.
- Tình yêu làm cho ta đau khổ. Đúng như vậy. Tôi cũng đã nghe thiên hạ nói thế nhiều rồi, trước khi anh kể câu chuyện nầy. Nhưng biết là một chuyện mà tránh được là một chuyện.
Tình yêu quyến rũ cho đến đỗi ta rất sợ nó mà cứ lao đầu vào đó, bất kể hậu quả tai hại nào.
- Ai cũng thế anh à, trừ các bực thánh nhơn. Nhưng không phải là thánh nhơn, tôi vẫn giữ mình được và vì một tai họa trong gia đình tôi nó gây đau khổ lớn lao đến đỗi tai họa ấy biến thành ám ảnh hàng ngày, không ai trong gia đình mà không lấy lời răn của ông ngoại tôi làm điều tâm niệm.
Tôi đã bảo nước Việt Nam có liên hệ mật thiết đến đời sống tình cảm của tôi là vì tai họa nói trên.
Không hiểu sao, tự nhiên tôi mến thương anh quá nên quyết tâm sự với anh về câu chuyện bí mật nầy của gia đình tôi mà chưa người ngoài nào biết được, kể cả người đồng hương lân cận gia đình chúng tôi.
Aruka rút một điếu thuốc rồi trao cả gói cho bạn. Toàn đánh diêm lên châm thuốc cho bạn và cho chính chàng.
Hai người làm thinh, thở khói lên từ từ trước hai tách cà phê đậm đen, Aruka có lẽ đang sắp đặt lại những điều nghe biết để kể cho có mạch lạc, còn Toàn không dám làm rộn Aruka, sợ hắn đổi ý rồi không tâm sự nữa chăng.
Dầu sao, nãy giờ chàng cũng đã tạm quên được mối sầu của chàng hơn một tiếng đồng hồ rồi.
Cái giọng Việt miền Bắc của một thanh niên Nhựt sao mà nghe hay kỳ lạ, và hắn kể chuyện cũng hay, câu chuyện của hắn lại ly kỳ hấp dẫn.
Đặt điếu thuốc của mình lên đường mương của cái gạt tàn thuốc bằng sứ Đà lạt, Aruka hỏi:
- Anh có biết rằng tôi mang máu Việt trong huyết quản của tôi không?
Một lần nữa, Toàn lại trố mắt hả miệng mà nhìn trừng trừng vào viên kỹ sư ngoại quốc nầy.
- Hèn chi, chàng ấp úng nói giây lát sau đó, hèn chi mà anh nói tiếng Việt...
- Không, quả thật tôi chỉ mới học tiếng Việt năm tôi mười một tuổi với cái bà cựu hiến binh ấy.
Nói cho thật rõ ra, tôi mang hai dòng máu. Cha tôi mới là người Việt còn mẹ tôi là người Nhựt thuần túy.
Câu chuyện gia đình tôi xảy ra tại Saigon cách đây hăm chín năm. Những người dưới năm mươi tuổi hoặc già hơn mà không theo dõi thời cuộc không hề biết có một chuyện như vậy. Nhưng Tòa án Saigon còn giữ hồ sơ về vụ ba má tôi 1.
Aruka hút lại điếu thuốc khi nãy, rút mấy hơi rồi bỏ tàn thuốc vào cái gạt tàn, rót vào đó mấy giọt cà phê cho tắt khói, uống một ngụm cà phê thấm giọng rồi bắt đầu kể.
- Năm 1934 ấy, tại đường d´Espagne mà bây giờ là đường Lê-Thánh-Tôn, cạnh nhà thuốc Vương-Hữu-Lễ ngày nay, một hôm một hiệu buôn Nhựt-Bổn mở thêm ra một hiệu bán kem và đó là món quà ngọt lạ nên được hoan nghinh ngay.
Từ hôm tôi sang Sàigòn đến nay, ngày nào tôi cũng đi qua đường Lê-Thánh-Tôn cả, đứng trước căn nhà ấy hằng giờ, để tưởng tượng ra những gì đã xảy ra trong đó, thuở ấy.
Tiệm đó của ông ngoại tôi. Không nói, chắc anh cũng dư biết rằng đó là một cái ổ gián điệp, vì nước tôi chuẩn bị xâm lăng toàn cõi Đông Nam Á.
Nhưng điều đó là tôi nói qua vậy thôi chớ không liên hệ đến câu chuyện chánh. Chỉ có một chút xíu liên hệ nầy là ông ngoại tôi là một sĩ quan tình báo, thuộc dòng hiệp sĩ Samourai.
Người giữ kết của hiệu kem của ông ngoại tôi là thứ nữ của người, mẹ ruột của tôi bây giờ.
Nước Việt-Nam thuở đó là một nước bị trị, nên Nhựt kiều ở Sài gòn, chỉ leo heo vài người, không buồn học tiếng Việt làm gì. Và cũng chẳng nói gì với ai, khách vào ăn kem, ăn xong trả tiền, giá cả đã định sẵn rồi, quà lại rẻ, không hề có dịp cãi chối với khách.
Người Việt thì bị người Pháp xem chừng ráo riết nên cũng không ai dám học tiếng Nhựt. Vả lại có muốn, cũng chẳng biết học với ai.
Thế mà có một thanh niên Việt kia lại ve vãn má tôi được.
Thanh niên ấy học trường bách nghệ, ngày nay gọi là trường Kỹ Thuật Cao Thắng.
- Sao mới đến Saigon có mấy hôm mà...
- Không, tôi tới từ một tháng nay rồi. Tôi đã nghe mẹ tôi kể dĩ vãng người nhiều bận nên tôi thuộc lòng từng nơi chốn ở Saigon và qua đây là tôi tìm thăm các nơi đó trước hết.
Ban đầu, thanh niên chỉ vào ăn kem và lẫn lộn trong đám thực khách không tên không tuổi. Lần lần người ấy chần chờ lại hơi lâu một chút trước quầy thâu tiền và mắt má tôi đã gặp mắt người.
Căn nhà ở đường d´Espagne chỉ là hiệu buôn thôi. Trên có lầu, nhưng để cho nhơn viên ở, còn ông ngoại tôi và vợ con thì thuê một biệt thự ở đường Testard, tức Nguyễn Du bây giờ, cho xứng với thể thống sĩ quan cao cấp của ông ngoại tôi.
Tối lại, hiệu buôn đóng cửa thì má tôi đi bộ về nhà. Ông ngoại bà ngoại tôi chỉ ở nhà thôi chứ ít khi lui tới hiệu buôn lắm.
Chính trên các nẻo phố đưa má tôi từ hiệu kem về ngôi biệt thự ở đường Testard mà má tôi đã gặp ba tôi mỗi đầu hôm.
Lần đầu tiên, ba tôi chỉ chào má tôi một cái rồi lánh mặt liền. Nhận diện được người thanh niên thường tới hiệu ăn kem và hay cà rà trước quầy thâu tiền, và được má tôi chú ý vì phong độ hiên ngang của chàng, má tôi mỉm cười chào đáp lễ.
Từ đó, đêm nào chàng cũng đón má tôi cả. Không đồng ngôn ngữ, họ trao lòng trao ý với nhau bằng mắt rồi họ yêu nhau. Không đầy một năm, má tôi thọ thai với chàng.
Má tôi khóc lóc và ba tôi tỏ thật với gia đình bên nội tôi, cậy người đến xin cưới má tôi.
Nhưng anh biết, ông ngoại tôi thuộc dòng hiệp sĩ, đâu có gả con cho người thường, phương chi người thường ấy là công dân của một nước đã mất chủ quvền.
Ông ngoại tôi kiện, ba tôi vào tù về tội dụ dỗ gái vị thành niên. Còn má tôi thì được đưa về nước, giấu một nơi xa để sanh đẻ.
Sau khi tôi ra đời rồi thì má tôi xin thí phát qui y tại một chùa sư nữ trong rừng sâu. Ông ngoại tôi chỉ mong thế thôi, vì theo gia phong của họ ông ngoại tôi thì không còn giải pháp gì để cứu vãn một sự hư hỏng như vậy.
Tôi được bà ngoại tôi nuôi dưỡng nói là xin con rơi mà nuôi làm cháu nội nuôi, và mãi cho đến năm tôi lên bảy, tôi mới được bà nội đưa vào chùa thăm má tôi.
Má tôi đã tu được bảy năm rồi, lòng trần đã nguội nên bà ngoại tôi không lo nữa mới dám ban cho má tôi cái ơn huệ thấy mặt đứa con của người.
Lòng trần đã nguội, thế mà thấy mặt tôi, má tôi bảo là giống ba tôi như đúc từ một khuôn mà ra, má tôi đã khóc ngất.
Ngày ấy tôi chưa nhận thức được tất cả niềm đau của má tôi. Nhưng về sau, mỗi năm đi thăm má tôi một bận, má tôi kể lần dĩ vãng của người và lai lịch của tôi, tôi mới hay rằng má tôi là người đau khổ nhất đời, chỉ vì người đã yêu.
Tôi thương má tôi bao nhiêu thì tôi sợ tình yêu bấy nhiêu và mỗi lần bóng dáng một giai nhơn xuất hiện ra trước mắt tôi thì bóng hình xa xôi của một thiếu phụ xinh đẹp chôn chặt thời xuân của bà giữa một cánh rừng tòng, sau liêu một ngôi chùa cổ, cũng hiện lên để cảnh cáo tôi.
Những năm tôi bắt đầu thành con trai, má tôi thường khuyên:
- Con nè, ngày sau con cứ lập gia đình theo lý trí chớ đừng bày đặt yêu đương làm gì. Tình là giây oan đó con à!
- Thế anh đã lập gia đình chưa?
- Chưa. Vì tôi không thể cưới một người mà tôi chưa yêu, đàng khác tôi lại không dám yêu một người mà tôi không biết sẽ cưới được hay không?
Toàn lại đưa tay ra và đôi bạn trẻ, một lần nữa, lại siết tay nhau.
- Ta là đồng bào, đồng tâm với nhau, Toàn nghẹn ngào nói.
- Ừ, ta là đồng bào, đồng tâm với nhau.
- Anh có yêu nước Việt-Nam hay không?
- Tôi không muốn giả dối nên thú thật với anh rằng tôi nghe tôi là người Nhựt mặc dầu tôi ý thức rằng máu Việt-Nam chảy trong huyết mạch tôi. Chẳng qua là do giáo dục cả, giáo dục bằng tình gia đình, bằng những hình ảnh thân yêu ban đầu. Tôi hai tuổi là đã thấy hoa anh đào, thấy áo ki mô nô, sáu tuổi là đã thấy đỉnh núi Phú-sĩ.
- Nhưng có cần gì quốc tịch đâu anh. Ta cảm nghĩ như nhau là đủ rồi.
- Ừ, đủ lắm rồi. Mà cái điều ta nghĩ giống nhau nhứt là "Tình là giây oan".
Đêm đó, đôi bạn thức khuya thật khuya, Aruka kể cho bạn nghe chuyện những đôi nhơn tình bên Nhựt tự sát bằng cách ôm nhau nhảy vào miệng núi lửa Phú-sĩ, chỉ vì họ không được yêu nhau.
- Tôi thì chắc tôi không dám chết, Aruka nói, nếu tôi mà có dám yêu đi nữa, không dám chết vì tình. Không, ái tình không phải là ngành chuyên môn của tôi, tôi không yêu nhiều được cho đến chết, nên tôi không ân hận bao nhiêu mà không dám yêu. Yêu ít ít thì không yêu cũng được. Anh có dám chết vì tình hay không?
Toàn ngần ngừ rất lâu rồi thẳng thắn đáp:
- Không.
- Tốt lắm. Mà như vậy thì còn sầu làm quái gì. Anh đã không dám chết thì anh sẽ quên được. Quên được thì tìm quên ngay càng sớm càng có lợi.
- Ai lại không muốn thế nhưng muốn là một chuyện còn làm được hay không lại là chưyện khác.
Hôm sau, trong khi Aruka nằm nhà nghiên cứu đồ án thì Toàn thương lượng với những người cư ngụ ở trên cuộc đất cất xuởng tương lai về khoản tiền bồi thường cho họ dời đi chỗ khác.
Công việc rất gay go vì người bình dân nhứt là quê mùa, thường hay nghi kỵ, nghi kỵ vì không biết. Họ cứ tưởng muốn đòi bao nhiêu cũng được và đòi cho cố sát, thuyết phục họ thế nào cũng không xong.
Họ đồn rằng dưới đất sâu, nơi đó có mỏ than, mỏ dầu hôi hay mỏ vàng gì ấy và nếu nhận ít thì sẽ phải tiếc.
Từ sáng đến chiều mà chàng chỉ ký được có ba cái công tra, còn hằng trăm nhà khác chàng chưa tiếp xúc được.
May là chàng đã khôn ngoan, điều tra trước và chọn những người đanh đá nhứt để mà thương lượng. Bọn nầy mà kịp tính già tính non thì nguy vì họ sẽ xúi giục cho nhiều người khác bắt giá thì còn khó lòng hơn không biết bao nhiêu.
Toàn có lương tâm nên chàng mới làm thế chớ chàng biết cách lợi dụng sự dốt nát của những người nầy rồi đi vòng quanh pháp luật, và có thế đuổi không họ được, khi mua đất xong rồi.
Chiều lại rảnh rang, chàng bỗng buồn vô hạn. Nhìn về phương Nam, chàng tưởng tượng cảnh náo nhiệt của Sàigòn, với bao nhíêu tiếng động, bao nhiêu màu sắc, bao nhiêu người đẹp ở đó, mà một nguời đã phụ chàng và đang chạy theo xa hoa, đang ban ân cho người khác.
Thiên bạ cứ ngỡ trốn vào các nơi hẻo lánh, trốn vào cảnh tịch mịch của chùa chiền là dễ quên và quên được.
Sự thật thì sự vắng vẻ làm cho kẻ sầu muộn nghe cô đơn hơn và thấy rõ hơn niềm sầu của mình.
Qua rừng qua núi, mắt Toàn cứ nhìn về phương Nam. Chàng nhớ Saigon như trẻ con nhớ mẹ không bằng, nhớ Saigon không vì Saigon mà vì ai kia.
Chàng dối gạt lòng mình, hình dung ra cô thu ngân viên của hiệu ca ca nhạc Địa Cầu, cô gái thơm mùi hoa dại, cỏ đồng giữa xa hoa giả tạo của đô thành. Nhưng hình ảnh cô nầy không đậu được trong trí chàng, vừa hợp lại là tan ngay, và một hình ảnh khác, bị xua đi, lại cứ xáp đến.
Rồi Toàn và Aruka lại ăn cơm chung. Bữa trưa họ ăn riêng vì ai cũng muốn tự do, nhưng bữa đầu hôm, họ thấy sự hội kiến là cần, nên bắt dọn chung bàn.
Hiệu cơm tây nầy của khách sạn, đặt dưới nhà. Bữa ăn có kéo dài đến khuya cũng không bất tiện, vì ăn xong là họ lên gác mà ngủ chớ khỏi phải đi đâu cả.
Toàn hỏi:
- Đọc các bản thống kê, tôi thấy hai điều mâu thuẫn dưới đây, bên xứ anh. Là dân Nhựt rất trọng đạo đức, mà nước Nhựt lại là nước đông gái giang hồ nhứt thế giới. Sao lại có chuyện lạ lùng thế?
Aruka cười và đáp:
- Người làm thống kê dùng danh từ sai. Thật ra là không phải gái giang hồ đâu. Bọn đó phần lớn là ca kỹ.
- Ca kỹ không buôn hương bán phấn sao?
- Chỉ phần nào thôi. Họ bán ái tình hơn là bán cái thứ không sạch sẽ mà anh tưởng tượng.
- Bán ái tình? Ái tình mà mua bán được à?
- Ái tình giả tạo, cố nhiên. Nhưng họ giả dối có khoa học và nghệ thuật, được huấn luyện đúng phương pháp, trong nhiều năm, nên người mua cứ cảm giác thật rằng mình được yêu. Đó là bọn bán ảo tưởng.
- Trò chơi kỳ lạ!
- Kỳ lạ mà khôn ngoan. Đó là cái khôn ngoan độc đáo của dân tộc tôi. Chúng tôi biết ái tình là nguy hiểm nên lánh đi.
Nhưng không yêu, hóa ra con người không trọn là con người, thiếu mất một cái gì nên chúng tôi yêu giả, giả mà như thật, vẫn sung sướng y như yêu thật mà khỏi đeo thảm chuốc sầu về sau.
Thảng đôi khi có một thằng ngốc yêu thật một ca kỹ thì cũng không sao. Nó cưới người ca kỹ đó và nàng sẵn sàng làm một người vợ đảm và trung thành.
Bằng như mà nàng chỉ lường tiền mà không cho cưới thì thằng ngốc cũng khỏi đau khổ nhiều vì ngốc đến đâu nó cũng phải chợt tĩnh ra rằng cô ả chỉ là ca kỹ thôi và tình người ca kỹ làm bằng giấy màu, như các loại hoa giấy màu bán ngoài chợ, có sắc mà không hương.
- Cái đêm mà tôi sắp ra đi, tôi đã cố ý làm ái tình giả tạo, nhưng không được.
- Là tại xứ nầy không có người chuyên bán ái tình giả tạo. Tôi đã biết Saigon, có thể bảo là khá rõ. Không, ở đó không có ca kỹ, hay có mà là thứ ca kỹ rất kém, không kém sắc mà kém nghề nghiệp, không hề được huấn luyện, không hề cho ai ảo tưởng nào được cả.
Bên tôi, hễ sầu tình, tìm đến ca kỹ là được an ủi ngay.
- Nhưng sao vẫn có bọn thanh niên thiếu nữ ôm nhau nhảy vào miệng núi lửa Phú-sĩ?
- Không, bọn đó không sầu tình, họ chỉ bị tình duyên trắc trở, vẫn còn yêu nhau thì đâu có vấn đề đi tìm ái tình giả tạo nơi khác. Nhưng họ là số ít, phần lớn những người Nhựt bổn thất tình đều qua khỏi được những cơn khủng hoảng tình cảm nhờ lũ ca kỹ có một không hai trên thế giới.
Anh nên biết điều nầy là chỉ có ái tình mới trị lành bịnh tình. Nói rõ hơn, khi ta thất vọng, khi ta đau vì tình thì chỉ có một mối tình khác mới an ủi ta được. Mà mối tình khác ấy, nếu là thứ thiệt thì làm sao mà tìm được ngay để thay thế.
Vậy chỉ có bọn ca kỹ mới là sẵn có trên tay ta, muốn, lúc nào cũng được, có ngay tức khắc
để giúp ta quên ngay.
- Giờ, tôi phải làm thế nào để tự cứu tôi bây giờ?
- Hoạt động và hành động. Anh phải làm việc bằng hai bằng ba người thường mới quên được, mới lành tâm bịnh được, và tôi bảo đảm với anh rằng anh sẽ lành, nếu anh chịu nghe tôi.
Toàn nghe lời bạn, và chàng làm việc y như là hãng pha lê tương lai nầy là của riêng chàng.
Sáng dậy mới bét mắt, uống xong tách cà phê là chàng đi ra ngoại ô ngay để tiếp tục cuộc thương lượng gay go với những người cư ngụ trên miếng đất mà ông Hiệu đang mua.
Mười hôm sau, ông Hiệu đánh điện ra báo tin đã mua xong đất và chàng lại tiến hành cuộc thương lượng cả trong giờ nghỉ trưa nữa.
Nhưng chàng cứ bị cái buổi chiều rảnh rang và buổi đầu hôm cô quạnh.
Mùa mưa đã đi đến nửa chừng. Mưa dầm tháng bảy để bờ biển Nha trang mồ côi khách tắm, và cảnh góa bụa của thành phố nghỉ mát nầy càng khiến chàng thèm và nhớ hương vị Sàigòn mà không một bóng hồng nào mang ra cả.
Nửa tháng sau, ông Hiệu mang tiền mặt đến và các nếp nhà tranh nhận tiền, bắt đầu dời đi. Nhà thầu từ Saigon cũng mang thợ thuyền và vật liệu ra.
Công việc của hai thanh niên bấy giờ bề bộn lắm, vì họ phải kiểm soát cuộc kiến thiết tỉ mỉ, đúng y theo hợp đồng
mà ông Hiệu đã ký với nhà thầu.
Vì xưởng kỹ nghệ phải vững chắc, ông Hiệu không chịu để nhà thầu tự do xây dựng mà đòi kiểm soát từng giai đoạn xây cất, từ việc trộn hồ đến việc đào móng.
Ngày nào không có gì để theo dỏi, dòm ngó, đôi bạn lại đi bãi biển, đi xa thật xa để tìm cát. Cát của bãi biển Nha trang cứ theo lời chuyên viên Aruka, thì chỗ nào cũng tốt cả, cũng dùng được cả. Nhưng hắn quyết tìm một bãi mà cát tốt nhứt thế giới để thực hiện cái mộng của ông Hiệu là chế tạo thủy tinh.
Những ngày ấy, Toàn có dịp đứng nhìn hằng giờ những hòn đảo ngoài xa và nhớ lại cái mộng của chàng lúc chàng còn ăn ở với Thúy.
Chàng mơ một cảnh sống tay đôi, trên một hoang đảo để tận hưởng hạnh phúc với Thúy mà không bị ai quấy rầy.
Thúy đã cười đùa chế giễu giấc mộng nói lớn lên của chàng.
Không, Thúy không phải là bạn đồng tâm của chàng, Thúy là người của phồn hoa đô hội. Thúy là người của cảnh sống giả tạo, của đam mê vật chất.
Thế mà chàng cứ yêu Thúy, cứ mê Thúy, cứ nhớ Thúy, cứ đau vì Thúy.
Aruka để mớ cát cầm trên tay chảy xuống bãi, qua các khe ngón tay của hắn, nhìn bạn, cười mà hỏi:
- Đã trên một tháng rồi mà vẫn còn nhớ nàng à?
- Khó lòng mà quên được.
- Chắc nàng đẹp lắm. Nhưng đẹp nào cũng chỉ bằng mớ cát nầy là cùng. Tôi nắm cát trên tay, ngắm vẻ đẹp của nó rồi cứ tiếc, không nỡ hủy diệt nó. Nhưng mà rồi tôi cũng phải hủy diệt nó vào lò bát quái nấu cho nó chảy ra thành nước để rồi biến nó thành pha lê.
Cái đẹp nào cũng phù du cả, tiếc thương cho lắm cũng hoài công mệt trí mà thôi.
Toàn biết rằng dân tộc Nhựt yêu thiên nhiên hơn là yêu người, không đồng ý với bạn đồng nghiệp nhưng cũng không ngạc nhiên, không cãi.
Mỗi người, mỗi dân tộc ai cũng đều có nhơn sinh quan của họ cả, cãi vô ích và kính nể tư tưởng của họ là hơn.
Rồi đôi bạn trai trẻ nầy lại nỗ lực làm việc.
Công việc xây cất tiến hành rất đều. Nửa tháng đầu không thấy kết quả vì phần kiến trúc đầu ở dưới mặt đất: đó là nền móng của xưởng, đòi hỏi lắm công phu, lắm cẩn thận mà không ngoạn mục.
Nhưng nửa tháng sau, khi nền móng đã khô hồ, thì xưởng từ từ mọc lên, ban đầu những cột xi măng cốt sắt rồi kế đó là tường.
Lương của thợ thuyền, do nhà thầu mang ra phát. Nhưng ông Hiệu cũng đến để xem sao và không lần nào ông ta không mang ngân phiếu và quà ra cho Aruka và Toàn.
Đồng thời ông cũng ra lịnh cho nhà thầu xúc tiến việc kiến thiết ngôi biệt thự riêng của ông giám đốc tương lai là Toàn ở cạnh xưởng.
Ông hứa chắc:
- Anh sẽ có một chiếc Dauphine mới tinh khôi, khi biệt thự cất xong.
Tôi đã đệ đơn lên hội đồng liên bộ để trình bày kế hoạch thống nhứt lối đựng nước mắm theo chương trình của anh là hủy diệt tĩn, thay bằng ve chai. Cứ theo tin hành lang thì kế hoạch đó rất được hội đồng chú tâm đến. Các bộ đều ưng ý về nguyên tắc của kế hoạch, họ chỉ còn lo phản ứng của báo chí, dân chúng, của các nhà sản xuất thôi.

*

Công việc đang tiến hành trơn tru như bánh xe lăn trên đường rầy sắt thì đùng một cái tang thương xảy ra.
Sáng hôm ấy, Toàn ăn điểm tâm với Aruka, vừa ăn vừa đọc sơ qua tờ nhựt báo hằng ngày, thì một cái tin đăng ở dưới trang tư làm cho chàng chết ngồi tại chỗ.
Đó là một cái tin chia buồn, đặt cạnh lời cáo phó của gia đình ông Hiệu: ông đã mãn phần.
Thấy bạn chết sững, Aruka cười rồi hỏi:
- Nàng đã đi lấy chồng và anh vừa đọc tin mừng trong báo?
Toàn nuốt nghẹn, nghẹn uất hận cho số phận mình và đáp:
- Không, ông Hiệu đã chết.
- Thế à? Vậy ta nên về Saigon ngay để đưa đám ông ấy.
- Rồi thì vĩnh biệt công trình nầy.
- Đâu có, ổng còn gia đình, còn công ty, và công việc sẽ tiếp tục như thường chớ.
- Không, đây là cuộc đầu tư riêng của ông. Quả ổng có lập công ty khai khác việc nầy, nhưng chưa thành, chưa bán được phần hùn nào cả mà cho tới đây, chỉ có một mình ổng là xuất vốn thôi.
- Nhưng ổng có người kế nghiệp chớ?
- Có. Nhưng người nước tôi chưa trưởng thành về mặt làm ăn. Đờn bà nước tôi hễ chồng chết thì một là chính họ tiếp tục công việc của chồng họ, nếu họ có tài tháo vác, hai là họ bỏ rơi tất cả, nếu họ chỉ biết nồi cơm trách cá. Họ không bao giờ có cố vấn doanh nghiệp để giao phó công việc mà chồng họ bỏ dở dang.
Bà Hiệu thuộc vào hạng phụ nữ không biết tháo vác mà cũng không biết dùng cố vấn doanh nghiệp. Bà sẽ buông trôi.
- Thế à? Thật đáng tiếc.
Họ vừa nói tới đó thì ông thầu khoán từ từng trên xuống đến nơi. Tay cầm tờ báo.
Ông ta hốt hoảng hỏi:
- Hai anh có hay gì chăng?
Toàn chỉ gật đầu. Ông ta kêu trời mà than:
- Nguy cho tôi quá, tôi chỉ mới lấy được có một phần tiền. Nếu bỏ dở công việc tôi lỗ mất hai phần ba.
- Ông sẽ kiện người kế nghiệp để đòi cho đủ số, ông đừng lo. Toàn an ủi.
- Nhưng phải hai năm nữa mới xong vụ kiện, mà tôi thì cần tiền ngay.
Ông thầu khoán nầy mỗi tuần chỉ ra đây có một ngày. Công việc, ông giao cả cho cai phu và một đứa cháu kiểm soát tối cao các cai phu của ông.
- Ta phải về Sài gòn ngay để xem sao.
- Cố nhiên.
Cả ba đều đồng ý như vậy.
- Mời hai anh cùng đi xe với tôi.
- Cám ơn, Toàn nhận lời rồi day lại dặn Aruka:
- Anh nên mang cả đồ đạc của anh đi, không chắc gì ta sẽ trở lên đây.
Ông thầu khoán khen phải và thêm:
- Phần tôi, tôi sẽ ra lịnh cho thợ thuyền ngưng việc kể từ sáng hôm nay. Trời ơi, sao mà rủi ro cho ta đến thế. Ông ấy đang mạnh khỏe sởn sơ.
- Có lẽ ông ta đau tim, hay bị tai nạn gì.
--------------------------------

1

Đây là một câu chuyện có thật đã xảy ra ở Sàigon năm 1934.