Dịch giả: Ngô Quý Quang
CHƯƠNG II
TIẾNG VE KÊU

Fusaco về, mang theo hai đứa con. Đứa lớn lên bốn, còn đứa nhỏ chưa đầy tuổi.
- Bao giờ thì có đứa thứ ba nữa đây? - Singo hỏi giữa chừng câu chuyện.
- Lần trước ba cũng đã hỏi con như vậy! - Fusaco đáp lại. - Còn cô Kikuco nhà này vẫn chưa định có con ư?
Câu nói của chị ta không hề có ẩn ý, nhưng nét mặt của Kikuco lúc đang nhìn đứa bé bỗng đờ ra.
- Đặt con bé nằm xuống đi. - Singo xen vào.
- Kunico chứ không phải là "con bé". - Fusaco nói. - Chính ba đã đặt tên cho cháu mà bây giờ ba lại gọi là "con bé"?
Dường như chỉ mình Singo nhận từ sự thay đổi trong nét mặt Kikuco. Tuy nhiên, ông không để lộ ý nghĩ của mình và quay ra chơi với đứa cháu đang thích thú giãy đạp lung tung.
Fusaco lục khăn gói lấy đồ rồi cùng Satoco, đứa con gái lớn, đi vào nhà tắm.
- Tôi thấy con bé con này nó dễ tính và biết nghe lời hơn chị nó đấy! - Bà Yasuco nói với chồng.
- Chắc tại vì bố mẹ nó lục đục với nhau nên ảnh hưởng lên tính cách của Satoco đó thôi. - Singo đáp. - Vợ chồng nó bắt đầu cãi cọ nhau ngay sau khi sinh Satoco mà, phải không?
- Chẳng lẽ một đứa trẻ bốn tuổi có thể hiểu được những chuyện như thế sao?
- Sao không? Những chuyện ấy ảnh hưởng đến đứa bé lắm...
- Nào, mợ cháu mình đi chơi nhé? - Kikuco bế đứa nhỏ lên nói nựng và bồng cháu đi ra khỏi phòng.
Bà Yasuco đứng bật dậy, chạy đến chỗ khăn gói của con gái và móc cái ví của chị ta ra.
- Này, bà làm cái gì vậy? - Singo khẽ cảnh cáo - Để cái bóp xuống ngay! Bà có nghe tôi nói gì không?
- Nhưng tại sao cơ chứ, nếu tôi có thể được biết? - Yasuco hỏi lại tỉnh bơ.
- Để nó lại chỗ cũ đi! Bà không hiểu mình đang làm gì ư? - Singo nhắc lại và tay ông run lên.
- Chẳng lẽ tôi lại đi ăn cắp của nó à?
- Còn tệ hơn ăn cắp nữa.
Bà Yasuco bỏ lại cái bóp và ngồi xuống bên tay nải của Fusaco.
- Tôi muốn xem tiền bạc của con gái mình ra sao thì có gì là xấu nào? Ông thử nói coi! Biết đâu nó chẳng có lấy một xu để mua kẹo cho con cũng nên. Tôi chỉ muốn xem tình trạng của nó ra sao, vậy thôi.
Singo nhìn bà hằn học. Sau đó một phút, Fusaco từ nhà tắm đi ra.
- Này con, tao vừa định bảo để xem trong bóp mày có tiền bạc nhiều ít thế nào mà ba mày la tao quá. - Bà Yasuco nói luôn khi vừa thấy chị ta. - Nếu tôi đã làm gì không phải thì thôi, xin lỗi vậy.
- Xì, "Nếu tôi đã làm gì không phải". - Singo đay lại. Lời phân trần của vợ đã làm ông nổi giận.
Sau đó, ông cố trấn an mình bằng cái ý nghĩ rằng hành vi của vợ ông là rất bình thường trong quan hệ của người mẹ đối với con gái, nhưng ông không sao trấn tĩnh được. Dường như nỗi mệt mỏi của năm tháng đã trào ra từ nơi nào đó thật sâu và đã nhấn chìm ông.
Fusaco nhìn chăm chăm vào khuôn mặt phẫn nộ của Singo. Chị sững sờ không phải vì hành vi của bà mẹ, mà là vì phản ứng của ông bố.
- Thì đấy, mẹ muốn xem gì thì cứ xem đi. - Cuối cùng chị ta kêu lên đầy vẻ khiêu khích và quẳng cái bóp vào lòng bà Yasuco.
Singo lại càng nổi giận hơn nữa. Bà Yasuco không động đến cái bóp.
- Aikhara nghĩ rằng nếu không có tiền con chẳng dám bỏ nhà đi. - Fusaco nói tiếp. - Mẹ cứ việc xem, dù sao bóp cũng rỗng không.
Vừa lúc ấy Kikuco dắt đứa bé chập chững bước vào. Fusaco đón lấy con và cởi áo cho nó bú. Chị có khuôn mặt xấu, nhưng thân hình thì đẹp. Đôi vú lớn căng sữa, cứng chắc.
- Thế còn Suychi đâu rồi? Hôm nay chủ nhật cơ mà? - Fusaco bỗng hỏi. Hẳn là chị muốn làm dịu tình hình.
2
Khi Singo về đến cổng nhà, ông bỗng ngước lên và nhìn từ những cây hoa hướng dương bên hàng rào nhà bên cạnh. Ông trở lui mấy bước, đến sát bên dưới những bông hoa đang trĩu xuống trên cánh cổng.
Sau lưng Singo, cô bé hàng xóm vừa về tới. Ông tránh lối cho cô bé và lẩm bẩm:
- Những bông hoa to quá. Thật là một kỳ quan!
Cô bé mỉm cười bẽn lẽn:
- Đó là vì nhà cháu tỉa bớt, chỉ để mỗi nhánh một bông thôi.
- À ra vậy! Hoa mới to đến thế!
Singo nhìn những cây hướng dương của mấy nhà xung quanh.
Trên các nhánh đều có vài ba bông hoa nhưng chúng chỉ nhỏ bằng nửa những bông hoa bên rào nhà hàng xóm, ông đang định trước về nhà, chợt nghe tiếng Kikuco reo lên:
- Ba!
Cô bước đến sau lưng ông, trong túi xách chìa ra những mầm giá non.
- Con chào ba, ba ngắm hoa hướng dương ư? - Kikuco hỏi han ân cần, nhưng hẳn là cô để tâm đến việc Singo đi làm về một mình, không có Suychi hơn là đến chuyện mấy bông hoa.
- Một kỳ quan thật sự con ạ. - Singo nói - Giống như đầu người khống lồ, phải không?
Sự so sánh hoàn toàn không có chủ định. Nói ra điều đó rồi Singo mới chợt cảm thấy cái sức mạnh không ngờ của những bông hoa to lớn nọ. Và cả sự hoàn thiện tuyệt đối trong cách sắp xếp của những búp, đài, nhị ở đó nữa. Những lá nhỏ ở cuống hoa tạo thành một vương miện. Mọi thứ ở đây xen chặt vào nhau nhưng không hề tạo ra cảm giác lộn xộn. Chúng toát ra một vẻ hài hòa, êm ả.
Chúng tỏa ra một sức mạnh không ai ngờ tới.
Những bông hướng dương lớn hơn đầu người. Có thể là sự hoàn hảo tuyệt vời của chúng đã gợi ra ở Singo một mối liên tưởng đến bộ óc. Trong cái sức mạnh hoang phí ấy của thiên nhiên, ông phát hiện ra biểu tượng của lòng dũng cảm. Ông không biết những bông hoa hướng dương là đực hay cái, nhưng ông có cảm giác rằng chính ở trong chúng tiềm tàng sinh lực của dương tính.
Sánh bước cùng Kikuco về nhà, Singo tự hỏi phải chăng những ý nghĩ kỳ lạ sinh ra trong đầu ông là do sự có mặt của cô.
- Gần đây, ba thấy đầu óc mụ mẫm quá. Chắc hẳn là vì thế mà mấy cái hoa hướng dương đã gợi ba nghĩ đến đầu người. Chà... ba muốn đầu mình được hoàn hảo như thế biết bao nhiêu? Lúc trên tàu về đây ba đã thử tưởng tượng xem nếu có thể tháo cái đầu để đem đi lau dầu hay sửa chữa thì tuyệt biết chừng nào. Riêng cái đầu thôi. Cắt nó ra, (kể nghe thì cũng khiếp đấy!), đưa nó đến một bệnh viện. "Làm ơn sửa giùm cái này?", sẽ nói với người ta như vậy. Việc còn lại thì họ sẽ lo. Rửa óc, căn chỉnh, chữa lại chỗ hỏng...Trong thời gian đó, độ vài ba ngày hoặc một tuần, thân xác ta được ngủ thật là sâu. Chẳng phải thức giấc, cũng chẳng phải khổ sở vì những ác mộng.
Trên mặt Kikuco thoáng hiện một nét u ám.
- Có lẽ là ba mệt mỏi rồi. - Cô nói chỉ đủ nghe thấy.
- Thì đúng thế rồi. Hôm nay, ở sở ba tiếp một người khách và lấy thuốc lá ra hút. Ba châm một điếu, hút một hơi rồi đặt vào cái gạt tàn, xong lại châm điếu thứ hai, hút một hơi rồi lại bỏ vào gạt tàn. Một lúc sau nhìn lại, thì ra trong cái gạt tàn có ba điếu thuốc còn dài nguyên đang bốc khói. Lúc ấy thật là khó xử quá.
Khi còn ở trên tàu quả thực Singo có nghĩ về cái thú của việc tháo đầu ra đem tu bổ, nhưng ông còn bị cám dỗ hơn bởi việc thân thể được ngủ sâu - giấc ngủ tuyệt vời của thân xác được giải phóng khỏi đầu óc. Còn gì trên đời có thể thú hơn? Quả là ông đã mệt mỏi quá mất rồi.
- Sao ba không đi nghỉ hè? - Kikuco hỏi.
- Ba cũng tính đi Camicochi. Chẳng thế thì cũng không ở đâu nhận sửa óc cơ mà! Có điều là Fusaco vừa về đến nhà. Ba ở lại sẽ tốt hơn cho nó, phải không?
- Ôi, con ganh với chị biết bao vì có một người cha tốt như vậy? - Kikuco thốt lên.
Trong giọng nói của cô, Singo nhận thấy những xáo động của tâm hồn. "Chẳng hiểu mình có hy vọng là khi nói huyên thuyên với nó về những chuyện không đầu không đuôi như thế này có làm cho nó quên đi việc Suychi không về hay không nhỉ? - ông thầm hỏi, có lẽ là không, nhưng ai mà biết được. Thế rồi ông hỏi thẳng:
- Cái câu con vừa nói ấy là để chế nhạo đấy à?
Kikuco giật mình.
- Hãy xem Fusaco nó ra nông nỗi nào rồi hãy bảo rằng ta là người cha tốt. - Singo nói tiếp.
Kikuco thực sự bối rối. Mặt cô đỏ lựng tận mang tai.
- Nhưng ba đâu có lỗi gì về việc đó. - Cô khẽ đáp và trong giọng nói của cô, Singo nhận thấy một ý muốn an ủi đối với ông.
3
Đêm đêm ve sầu từ cây anh đào ngoài vườn lại bay vào nhà.
Singo bước ra vườn và đến dưới gốc cây. Tiếng ve vang lên ong ong từ khắp mọi phía. Ông kinh ngạc không chỉ bởi tiếng ve kêu mà còn vì số lượng của chúng nữa. Liên tục có những con ve tách khỏi cây và bay vào trong không trung. Những đám mây vùn vụt trôi về phía đông. Mặc dù dự báo thời tiết nói. Ngày tai họa 1 năm nay sẽ không có bão, nhưng Singo vẫn có linh cảm rằng đến đêm sẽ có gió lớn, mưa to và trở lạnh.
- Có chuyện gì thế ba? - Tiếng Kikuco vang lên ở sau lưng ông. - Ve kêu dữ quá làm con nghĩ hay là có chuyện gì xảy ra...
- Ừ không biết đằng nào mà lần. Người ta vẫn còn nói rằng vịt với ngỗng lắm mồm, nhưng ve cũng chẳng kém.
Kikuco săm soi một chiếc kim có xâu chỉ và đáp:
- Con không nói về chuyện con nào lắm mồm đâu, có điều tiếng ve kêu nghe có vẻ khác thường. Nó lanh lảnh như thể sợ cái gì.
- Ba cũng không để ý nữa. - Singo đáp và nhìn vào trong nhà, nơi mấy người đàn bà đang túm tụm để may quần áo cho hai đứa trẻ.
- Satoco vẫn còn chơi ve phải không? - ông hỏi tiếp.
Kikuco khẽ gật đầu. Vốn là đứa trẻ "thành thị" nên lúc đầu Satoco rất sợ ve. Để nó khỏi sợ, Fusaco đã cắt cánh ve đi cho con chơi. Từ đó, hễ bắt được ve là con bé chạy đi tìm kéo để cắt cánh.
Việc đó đã làm bà Yasuco khiếp sợ và kêu rên rằng hồi nhỏ Fusaco đâu có tàn nhẫn, nhưng chồng cô đã làm cô thành ra như vậy. Bà Yasuco thậm chí còn suýt ngất xỉu khi nhìn thấy lũ kiến lửa tha những xác ve cụt cánh. Vốn dĩ bà không phải là loại người dễ xúc động vì những chuyện như vậy, cho nên phản ứng của bà làm Singo kinh ngạc. Hẳn là việc Yasuco ghê sợ đã xuất phát từ những linh cảm u ám nào đó ở bà. Vấn đề hoàn toàn không phải ở mấy con ve.
Fusaco kể lể đủ chuyện với mẹ, song không hề nhắc đến chuyện khi nào sẽ ra đi - nghĩa là chị ta vẫn chưa có đủ can đảm để nói về cái chính yếu nhất. Là người cha, Singo cho rằng mình có bổn phận khuyên bảo con gái. Tuy nhiên, vì Fusaco đã có gia đình nên việc can thiệp ở đây cũng rất tế nhị. Còn việc để mẹ con chị ở lại cũng chẳng đơn giản chút nào. Vì thế Singo cứ lần lữa mãi với quyết định của mình, làm như mọi việc tự nó sẽ có thể thu xếp được.
Một lần trong bữa ăn, Fusaco bỗng buột ra:
- Ba quý cô Kikuco quá, phải không cả nhà?
- Dĩ nhiên là ông quý nó. - Bà Yasuco trả lời. - Và cả ta nữa, nếu mày muốn biết, ta cũng hết sức quý nó. Hơn nữa, Kikuco cũng cư xử rất lễ độ đối với chúng ta.
Mặc dù câu nói của Fusaco có tính chất khẳng định, nhưng bà Yasuco thấy cần phải trả lời cô. Bà có vẻ đùa giỡn, song hẳn là bà muốn đặt con gái vào đúng chỗ. Trong giọng nói của bà bộc lộ mối thiện cảm đối với người con dâu hạnh phúc và ác cảm đối với người con gái bất hạnh.
Singo cũng có những cảm nghĩ tương tự và ông thấy khổ tâm khi nghe chính Fusaco nói ra điều đó. Đối với ông, Kikuco như một ô cửa sổ mà qua đó ông nhìn ra ngoài cuộc đời từ trong ngôi nhà buồn tẻ của mình. Các con đẻ của ông - máu và thịt của ông, thì lại không được như ông hằng mong muốn. Cái quan trọng nhất là chúng không có khả năng sống được như chính bản thân chúng muốn và điều đó đã khiến cho gánh nặng của mối quan hệ máu mủ trở nên không chịu đựng nổi. Người con dâu trẻ đã làm niềm an ủi duy nhất đối với Singo. Tình thương yêu dành cho cô là một tia sáng trong sự cô đơn buồn khổ của ông, thông qua nó, ông muốn làm cho cuộc sống của chính mình được tốt han.
Mấy lời nói của Fusaco đã động chạm đến bí mật nhỏ ấy của Singo.
Chú thích:
1 Ngày thứ 210 của năm ở Nhật (tính từ đầu mùa xuân, tức là khoảng mồng một tháng chín) được coi là ngày tai họa, vì vào dịp đó thường xảy ra bão lụt hoặc các thiên tai khác.