Dịch giả: Ngô Quý Quang
CHƯƠNG IX
TIẾNG CHUÔNG MÙA XUÂN

1
Người ta kỷ niệm 700 năm kinh đô Phật giáo ở Kamakura vào mùa hoa anh đào nở. Suốt ngày tiếng chuông chùa gióng giả không ngớt.
Singo lúc nghe thấy tiếng chuông lúc không, ông phải căng hết thính giác của mình ra. Kikuco thì nghe thấy cả, dù cô đang ở đâu và làm gì trong nhà.
- Đó, chuông đánh đó? - Singo kêu lên.
- Dào ôi, ông nghe được một cái là mừng rú lên. - Bà Yasuco làu bàu. - Mấy nhà sư hẳn là mệt lả người vì đánh chuông suốt ngày này qua ngày khác như vậy!
- Không đâu mẹ ạ, các nhà sư không đánh chuông, mà khách đi lễ đánh đấy ạ. Cứ gióng một tiếng chuông là được thưởng mười yên.
- Kikuco giảng giải.
- Bày đặt khôn gớm nhỉ! - Singo thốt lên ngạc nhiên.
- Họ gióng chuông để cầu siêu cho người chết. Các chùa còn lập cả kế hoạch nữa cơ: bao nhiêu người đến xem lễ và gióng chuông...
- Con vừa bảo kế hoạch ấy hả? - Singo hỏi lại và cảm thấy sặc sụa vì buồn cười.
- Trong tiếng chuông chùa có một cái gì đó thật là buồn thảm! - Kikuco nói. - Con thấy rùng mình lên ấy.
Điều đó làm Singo ngạc nhiên, bởi vì ông đã nghĩ là được ngồi ngắm hoa đào nở và nghe tiếng chuông chùa trong một ngày tĩnh mịch như ngày này thì thật thú vị và thư thái biết bao nhiêu.
- Thế còn ngày lễ 700 năm này là thế nào nhỉ? - Bà Yasuco hỏi.. - Người thì bảo là kỷ niệm Đức Phật Tổ, kẻ thì lại bảo là kỷ niệm đấng Nichiren.
Singo và Kikuco không trả lời được.
- Thế báo chí không viết gì về chuyện đó hả mẹ? - Kikuco hỏi.
- Hình như cũng có đây. - Yasuco đáp và đưa một xấp báo cho con dâu. - Tôi cũng có thấy viết gì đó về ngày lễ, nhưng câu chuyện về cặp vợ chồng già bỏ nhà ra đi đã gây ấn tượng quá mạnh làm tôi quên hết mọi cái khác. Một nhà từ thiện lớn, Phó chủ tịch Hội đua thuyền Nhật Bản, nguyên Chủ tịch hãng sản xuất thuyền buồm, sáu mươi chín tuổi. Còn bà vợ thì sáu mươi tám...
- Nhưng điều gì đã gây ấn tượng đối với bà? - Singo hỏi.
- Ông ta để lại một bức thư trăng trối như sau: "Chúng tôi không muốn đạt đến cái tình trạng đáng ghét của tuổi già, khi mà người ta chỉ còn đếm từng ngày và bị thế giới và mọi người quên lãng. Hai chúng tôi không muôn sống đến lúc đó. Chúng tôi rất thông cảm với Tử tước Tacaghi 1. Con người ta cần phải ra đi, trong lúc còn được yêu mến. Vì thế chúng tôi rời bỏ thế giới này trong tình thương yêu của gia đình và của vô vàn bạn hữu cùng các bậc đồng nghiệp, đồng niên". Đó là bức thư họ để lại cho con gái. Còn cho các cháu thì họ viết thế này: "Cũng sắp đến ngày nước Nhật được hoàn toàn độc lập, song con đường tới tương lai vẫn còn đen tối lắm. Nên những người trẻ tuổi từng biết đến nỗi khủng khiếp của chiến tranh nay thực sự muốn hòa bình, họ cần phải đi theo tư tưởng của Gandhi vốn phủ nhận việc sử dụng bạo lực. Chúng tôi đã sống quá lâu và trở nên bất lực trong việc dẫn dắt người khác và cả bản thân mình đi theo con đường mà chúng tôi cho là duy nhất đúng. Cố sống đến cái "tuổi đáng ghét" có nghĩa là chúng tôi sẽ xóa bỏ hết cuộc sống đã qua cho tới phút này. Chúng tôi muốn được nhớ đến trong ký ức của các cháu như một người ông và một người bà tốt".
Đọc đến đó Yasuco im lặng, Singo ngoảnh mặt đi và chăm chú nhìn những cây anh đào ở ngoài vườn.
- Họ đã bỏ nhà ra đi, sau đó có ghé lại chỗ người chị gái của ông chồng ở Osaca rồi từ đó biệt tăm. - Bà Yasuco nói thêm, mắt không rời tờ báo.
- Thế còn bà vợ có để lại lời vĩnh biệt không? - Singo hỏi.
- Cái gì cơ? Bà vợ ấy à? - Yasuco ngạc nhiên hỏi lại.
- Thì bà vợ chứ gì nữa! Một khi hai người đã định cùng chết, thì việc mỗi người đều trăng trối lại cũng là tự nhiên thôi. Bà thử tưởng tượng nếu tôi với bà mà định chấm dứt cuộc đời thì bà cũng muốn để lại vài lời chứ?
- Tôi chẳng cần trăng trối gì cả. - Yasuco đáp nhanh. - Chỉ có bọn trẻ khi định tự tử là cả anh cả nàng đều viết thư tuyệt mệnh để lại thôi. Bởi vì họ muốn kể cho người biết là lúc còn sống họ đã bị chia duyên rẽ thúy như thế nào. Còn tôi thì có gì mà muốn nói đến mức ấy! Khi người ta đã là vợ chồng của nhau, thì chỉ cần người chồng để lại thư tuyệt mệnh là đủ.
- Quả thực bà nghĩ thế à?
- Đó ông xem, nếu tôi muốn chết một mình thì mọi cái sẽ khác hẳn.
- Trong tâm hồn bà sẽ dồn tích lại vô vàn đau khổ đắng cay chứ gì?
- Chẳng phải là cũng thế cả hay sao? Tôi đã quá nhiều tuổi để...
Singo cười xòa cắt ngang:
- Thôi, tôi hiểu rồi. Đó là lời tuyên ngôn của một bà lão còn lâu mới đến lúc chết, mà cũng chẳng định làm chuyện đó. Thế còn con thì sao, Kikuco?
- Con ấy ư? - Kikuco hỏi lại một cách do dự.
- Giả sử như con với Suychi định tự sát thì con có muốn để lại thư tuyệt mệnh không?
Nói đến đó Singo hiểu ngay là lẽ ra không được hỏi như vậy.
- Con không biết nữa. Có thể là nếu xảy ra việc như vậy thì... - Kikuco đáp và ngước nhìn ông bằng đôi mắt to long lanh nước mắt. - Nhưng con có cảm giác là con sẽ muốn để lại vài lời cho ba.
Yasuco thì chưa hề mảy may nghĩ đến cái chết, Singo thầm nghĩ, song Kikuco thì dường như không xa lắm với ý nghĩ đó. Singo đã tưởng Kikuco sẽ òa lên khóc, nhưng cô đã đứng lên và bỏ ra ngoài.
Như vậy là người ta cho rằng, nếu hai vợ chồng định chấm dứt cuộc đời thì chỉ cần người chồng để lại thư tuyệt mệnh là đủ. Phải chăng người đàn bà ủy thác cho chồng mình làm hộ việc đó, hay bà ta coi mình cùng làm một với người chồng? Câu hỏi làm Singo day dứt mãi.
Cũng có thể người vợ của ông chủ tịch hãng kia không có ý định kết liễu cuộc đời, song bà đã theo chồng một cách không hối tiếc. Quả là rất lạ, rất lạ...
Rồi ở đây người vợ của chính Singo cũng đã tuyên bố rằng nếu họ quyết định tự sát thì bà sẽ không để lại lời trăng trối. Sẽ chỉ cần đến lời của ông là đủ.
Người đàn bà tự nguyện theo chồng đi đến cái chết. Đôi lúc cũng xảy ra ngược lại, song thường thì người vợ vẫn theo chồng. Đặc biệt là trong trường hợp của Singo, một người vợ như thế đang ngồi ở đây ngay sát cạnh ông.
- Ông quá cưng con bé nên động một tí là nó khóc đấy! - Bà Yasuco nhận xét. - Và tuy cưng chiều nó, nhưng ông chả chịu đả động gì về chuyện chính yếu nhất. Cả đối với Fusaco cũng vậy.
Singo lặng thinh ngắm nhìn cây anh đào nở đầy hoa. Những cánh hoa đầy đặn và lộng lẫy bồng bềnh trôi trong sắc trời chiều xanh ngắt. Cả đường nét lẫn màu sắc của vòm tán không hề gợi nghĩ đến sức mạnh, nhưng cây hoa dường như vẫn choán hết cả bầu trời. Nó đang ở vào giai đoạn nảy nở rực rỡ nhất, và khó có thể tin rằng một vẻ huy hoàng dường ấy lại sắp sửa mất đi. Những chiếc lá sắc trắng từ trên cành rụng xuống lả tả và phủ lên mặt đất xung quanh gốc cây như một tấm thảm.
- Khi ta nghe nói đến một người trẻ tuổi từ giã cuộc đời, ta thấy dửng dưng. Nhưng nếu đó là một người già thì ta thấy đau nhói trong tim. - Bà Yasuco trầm ngâm nói. - "Con người ta cần phải ra đi lúc còn được yêu mến" Chà... Còn báo hôm qua có viết chuyện một ông già sáu mươi mốt tuổi đưa đứa cháu mười bảy tuổi bị bại liệt từ quê lên Tokyo để nằm nhà thương làm phúc. Ông già đã cõng thằng bé đi vòng vòng để cho nó xem thành phố. Thằng bé nhất định không chịu vào nhà thương và cuối cùng ông cụ đã xiết cổ nó bằng một chiếc khăn.
- Vậy ư?
Singo thờ ơ nói cho qua chuyện và ông nhớ lại mình đã xúc động thế nào khi đọc bài báo về các vụ nạo thai ở những thiếu nữ, và rồi ban đêm ông đã nằm mơ thấy chuyện ấy. Hai vợ chồng ông thật khác nhau biết chừng nào!
2
Singo dẫn Fusaco và con bé Satoco đi xem đám rước lễ.
Khi ba người đang đi trên đường phố chính dẫn đến chỗ tượng Phật thì Singo bỗng để ý đến một cây sơn trà lùn ở trước cửa một kiốt bán thuốc lá. Ông ghé lại mua thuốc và ngắm cây hoa. Những cánh hoa kép hơi quăn trông rất đẹp.
Người chủ quán giảng giải cho Singo rằng giống cây cảnh hoa kép không phải là sự lạ và ông ta có trồng được một cây sơn trà duy nhất có hoa đơn bình thường. Sau đó, ông ta dẫn ông Singo vào mảnh vườn phía sau kiốt. Cây sơn trà cảnh tí hon đã khá lâu năm có vòm lá xum xuê trông rất gợi cảm.
- Tôi phải ngắt bớt nụ hoa đi! - Chủ nhân giải thích. - Vì nếu không thì cây sẽ kiệt sức.
Sau đó ông ta giảng giải về cách trồng cây cảnh và về tình hình chơi cây cảnh ở Kamakura.
- Rất cảm ơn ông. - Singo nói khi chia tay. - Tôi ghen với ông đấy!
- Tôi chưa tạo được những kiệt tác đâu, thưa ngài. Trong vườn tôi chỉ có cây sơn trà này là quý hơn cả. Khi ta chăm cây hoa đó, ta cảm thấy có trách nhiệm nặng nề để giữ cho nó không bị khô hay xổ dáng. Đại loại là việc này cũng như một thứ thuốc chống bệnh lười nhác...
- Fusaco, con có nhớ cái dạo bỏ trốn về quê năm ngoái không? - Singo hỏi khi cha con ông tiếp tục đi trên đường phố.
- Con có bỏ trốn đâu! - Fusaco cãi lại.
- Trong khu nhà cũ ở đó có còn cây cảnh nữa không?
- Con không để ý.
- Vậy là con không để ý hả...Dễ đã bốn mươi năm trôi qua rồi! Hồi ấy ông cụ đã trồng những cây cảnh đó, ông ngoại con. Mà mẹ con thì cũng hơi vụng một chút nên ông cụ toàn phải bảo bác con giúp. Bác con thì thật là đẹp! Con sẽ không tin mẹ và bác là hai chị em nữa cơ. Ngay giờ đây ta vẫn còn thấy rõ bác ấy mặc khuông đen và mái tóc xõa xuống trán, như đang ở trước mắt vậy...Sáng sáng bác ấy dậy từ lúc trời còn chưa tỏ để dọn tuyết trên các chậu hoa. Ở Sinano trời rất lạnh và miệng bác thở ra hơi trắng...Thứ hơi trắng từng phảng phất mùi hương tươi mát của trinh nữ.
Fusaco thuộc một thế hệ khác, những mẩu chuyện của ông bố không làm chị thấy xao xuyến và Singo đắm chìm vào trong những kỷ niệm của riêng mình.
- Cây sơn trà vừa rồi dễ đến ba mươi tuổi. - Singo lẩm bẩm.
Quả tình ông thấy cây hoa đã lâu năm. Phải cần bao nhiêu thời gian để cho một cây cảnh tí xíu có được một vòm lá trông mạnh mẽ và hùng vĩ đến như vậy?
3
Khi ba ông con đến gần ngôi chùa, đoàn rước lễ của các chú tiểu đã diễu trên con đường lát đá phiến, hai bên trồng cây, phía trước pho tượng Phật lớn. Các chú bé hẳn đã đi được một đoạn đường dài, một số chú hoàn toàn kiệt sức.
Fusaco bế con lên tay để nó xem cho rõ. Cô bé Satoco nhìn chằm chặp như bị thôi miên vào các tấm áo thụng nhiều màu rực rỡ của các chú tiểu trong đám rước.
Singo từng nghe nói ở chùa này có một tảng đá, trên đó có khắc bài thơ của nữ sĩ Akico Yosano. Mấy ông còn rời khỏi đám rước để đi tìm tảng đá.
- Đây rồi, quả thật là ở đây đề "Sakiamuni..." đây này! - Singo nói.
Ông rất kinh ngạc khi thấy Fusaco không biết bài thơ nổi tiếng đến như vậy.
Akico Yosano đã viết ở đây:
"Kamakura rạng danh với tượng Quán âm Bồ tát và Phật Thích ca lộng lẫy tự ngàn xưa." Chỉ có điều là ở đây không phải tượng Phật Thích ca mà là tượng Phật Adiđà. - Singo giải thích, - Sau này nhà thơ đã biết mình nhầm nên đã sửa lại bài thơ, song bản cũ đã quá nổi tiếng mất rồi nên cứ được lan truyền. Có lẽ việc thay chữ Phật Adiđà vào đây sẽ làm câu thơ hỏng mất vần điệu, nên rốt cuộc người ta vẫn tạc vào đây theo bản trước kia. Trên tảng đá này, ngay trước mắt chúng ta đã ghi tạc một sự sai lầm.
Cách đó một chút, ở một chỗ được quây rèm, người ta bán thứ trà lễ ở ngoài trời, dưới ánh nắng, nước trà có một màu sắc lạ. Con bé Satoco kêu trà đắng và đòi uống nước.
- Con muốn uống nước! Đi mẹ, uống nước!...Satoco kêu váng lên, mắt vẫn không rời các bé gái thuộc đội múa đang ngồi nghỉ trước mặt nó.
Các vũ nữ nhỏ tuổi mặc kimono ngày hội nhiều màu rực rỡ với tay áo dài đến tận đất, mặt mũi trang điểm rất đậm. Phía sau lưng các em có mấy cây đào nở đầy hoa. Những cánh hoa bị chìm đi bởi màu sắc rực rỡ của những tấm áo, trông có vẻ nhợt nhạt và không có sức sống.
- Con muốn kimono-o, mẹ! Kimono-o! - Satoco lại réo lên.
Fusaco đứng dậy, nắm tay con và đưa nó ra ngoài, nhưng con bé vẫn ngoái nhìn chòng chọc vào những tấm áo và không ngừng kêu khóc.
- Ông ngoại đã hứa mua cho con kimono vào ngày lễ "Ba - năm - bẩy" 2 tới rồi đấy. - Fusaco nói đầy vẻ khiêu khích. - Khổ thân con bé cho đến giờ vẫn chưa được mặc kimono. Nó chỉ mới được mặc thứ kimono mùa hè chắp nối...
Khi đến một kiốt, Singo hỏi xin nước, Satoco uống liền một hơi hết hai cốc đầy.
Mấy ông cháu đã đi xa ngôi chùa và gần về đến nhà thì từ phía sau họ, một bé gái mặc tấm kimono nhiều màu sắc giống như của đội múa đi vượt lên. Cô bé đi cùng với mẹ. Singo bỗng chợt có cảm giác là có sự gì đó sắp xảy ra và ông nắm lấy vai Satoco, nhưng đã muộn.
- Kimono-o! - Satoco hét lên và túm lấy ống tay áo của cô bé kia.
- Thả ra! - Cô bé kêu lên, nhưng nó vấp phải tay áo và ngã xuống đường.
Singo kinh hoàng nhắm nghiền mắt lại.
Cô bé sẽ bị chiếc xe đang chạy tới cán chết, ông thoáng nghĩ.
Ông nghe thấy tiếng mình thét lên và cảm thấy rằng rất nhiều người khác cũng kêu thét lên.
Tiếng phanh xe hơi rít lên và chiếc xe đã đứng khựng lại kịp. Ba bốn người tách ra khỏi đám đông đang lặng đi vì sợ hãi và lao bổ đến chỗ cô bé. Cô bé bật dậy, túm lấy váy mẹ và lúc đó mới kêu thét lên lanh lảnh.
- Ôi, may quá, thoát rồi! - Có tiếng ai đó nói. - May là phanh xe tốt thật... Một chiếc xe đáng tiền.
- Nếu đó mà lại là thứ xe tòng tọc thì con bé đi đời rồi! - Tiếng ai đó nói thêm.
Satoco sợ chết khiếp. Mắt nó lộn ngược như thể lên cơn động kinh.
Fusaco cúi lạy và xin lỗi người mẹ đứa trẻ. Chị hỏi han xem cô bé có bị đau không và áo có bị rách không. Người mẹ kia chỉ đứng lặng người và nhìn lơ đãng đi đâu đó. Cuối cùng cô bé cũng nín khóc. Mặt nó nhòe nhoẹt son phấn, nhưng đôi mắt nhỏ sáng lóng lánh như thể vừa được rửa sạch.
Singo không nói một lời nào cho đến khi về tới nhà. Từ xa ông đã nghe tiếng đứa cháu nhỏ ở nhà khóc. Có cả tiếng Kikuco đang hát ru nó. Satoco òa lên khóc, có thể là vì nó nghe thấy em mình khóc hoặc là vì nó cảm thấy đã về đến chỗ an toàn.
Fusaco vạch áo ra, đón lấy đứa nhỏ từ tay Kikuco và cho nó bú:
- Xem này, xem này, cả người tôi ướt đẫm mồ hôi lạnh. Nhìn đây, mồ hôi chảy thành dòng xuống khe ngực tôi này...
Singo ngoảnh mặt đi nhìn bức tranh của Rocan 3 treo trên tường. Bức "Bão tố ở trên đời" ấy Singo đã mua được khi tác phẩm của Rocan đang còn rẻ, song ông hơi ngờ rằng nó không phải là nguyên bản. Một người bạn đã bảo ông như vậy, còn bản thân ông không am hiểu mấy.
- Chúng tôi vừa đi xem hòn đá của Akico. - Singo nói với con dâu. - Bài thơ trên đó được tạc theo nét chữ của nhà thơ và mang tựa đề là "Sakiamuni" 4.
- Thế ạ?
4
Ăn tối xong, Singo đi ra phố. Ông đi vòng qua một lượt các xưởng may kimono và các cửa hàng đồ cũ.
Ông không tìm được món đồ thích hợp cho Satoco.
Ông thấy lòng mình nặng trĩu. Trong đầu ông lởn vởn những dự cảm u ám.
Có thể nào một bé gái nhỏ mà lại đòi tấm áo đẹp của một đứa bé khác một cách dữ dằn như thế được? Có lẽ lòng ganh tị và tính tham lam ở Satoco được thể hiện mạnh hơn những trẻ khác cùng tuổi? Dù thế nào thì đối với Singo, hành vi vừa rồi của nó trên đường phố cũng là hết sức điên rồ.
Không lẽ Yasuco lại chỉ may áo cho cháu bằng vải cắt ra từ những tấm kimono cũ của mình? Biết đâu Fusaco chẳng nói điêu ngoa? Những lời nói của cô khá là nanh nọc. Mà Fusaco muốn ông mua kimono hay là váy đầm cho cháu nhỉ?
"Ta quên rồi"', Singo lẩm bẩm.
Ông bỗng nghĩ là nếu hai vợ chồng ông quan tâm nhiều hơn đến con gái mình thì nó đã không xấu tính như vậy và hẳn là nó sẽ làm vui lòng ông bà với một đứa cháu dễ thương. Cảm giác có lỗi làm Singo thấy chân nặng như chì.
"Tôi đã biết mọi cái thế nào trước khi tôi được sinh ra, vì thế tôi không được may mắn có cha mẹ để mà yêu quý. Tôi không có cha mẹ, vì thế tôi không có cả con để nó yêu quý tôi".
Đó là những lời trong một vở Noh. Có điều những lời ấy chẳng giúp ông được gì.
"Đức Phật trước đã ra đi, còn đức Phật mới vẫn chưa tới. Tôi được sinh ra trong giấc mơ, tôi biết coi cái gì là thực bây giờ? Tôi đã may mắn được hóa kiếp thành người, điều mà vốn khó lắm thay"
Phải chăng sự hằn học và hung hăng mà Satoco thể hiện khi xông vào đứa trẻ mặc áo đẹp nọ là được di truyền từ người mẹ? Hay là từ người cha? Nếu là từ người mẹ thì Fusaco đã được thừa hưởng từ ai? Từ ông, hay từ Yasuco?
Nếu trước đây ông lấy người chị của Yasuco, hẳn là sẽ không có những đứa con như Fusaco hay đứa cháu như Satoco. Kể cũng thật bất ngờ, song Singo bỗng nhiên cảm thấy một nỗi khát vọng không sao kiềm chế nổi về một người đàn bà đã khuất bóng từ lâu, đến độ ông muốn được lao vào trong cánh tay người ấy.
Khi ông về đến nhà, Fusaco đã ôm con ngủ. Ông không nói với vợ và con dâu là ông vừa đi tìm mua kimono cho cháu. Fusaco hình như cũng không kể gì về chuyện xảy ra.
Singo đi về phòng mình. Lát sau Kikuco đem than bỏ vào hỏa lò cho ông.
- Ngồi xuống đây với ba một lúc đi con. - Singo đề nghị.
- Đợi con một chút nhé! - Kikuco đáp và biến đi để trở lại với một cái khay trên có một bình trà và mấy bông hoa.
- Hoa gì đây? - Singo hỏi và cầm một bông lên. - Trông như hoa chuông thì phải.
- Người ta bảo con là hoa huệ đen đấy ba ạ.
- Hoa huệ đen ư?
- Vâng. Cô bạn dạy con học trà đạo bảo thế. - Kikuco giải thích, đoạn lấy từ trong cái tủ ngăn ra một bình cắm hoa nhỏ.
- Thì ra là huệ đen! - Singo ngạc nhiên nói.
- Cô ấy kể với con là vào buổi lễ tưởng niệm ngày mất của Rikyu được tổ chức ở nhà bảo tàng, người giáo viên của trường Ensu có cắm một kiểu hoa gồm hai thứ huệ đen và trà trắng trong một cái bình bằng đồng thau cổ thắt. Sự kết hợp ấy mới tài tình đến kinh ngạc!
- Chà - chà!...
Singo thán phục ngắm nhìn những bông hoa huệ.
- Hôm làm lễ kỷ niệm, cô bạn con kể tuyết rơi đến hai mươi phân ấy. - Kikuco nói tiếp. - Lúc đó là tiết lập xuân, là lúc mà hoa huệ đen trông đẹp hơn cả. Chúng mọc ở tận trong núi kia, trên cao lắm!
- Màu của nó giống màu sắc sơn trà, phải không?
- Vâng. - Kikuco đáp và cho nước vào bình. - Cô bạn còn kể với con là năm nay có trình diễn những bài thơ làm trước khi chết của Rikyu và cả thanh kiếm mà ông đã dùng để tự sát.
- Úi chà! Con vừa bảo cô bạn con là gì nhỉ? Giáo viên dạy trà đạo phải không?
- Vâng ạ. Cô ấy góa chồng trong chiến tranh... Hồi trước cô ấy học hành chăm chỉ lắm nên bây giờ cũng có ích.
- Hoa huệ nhỏ hơn hoa chuông hay sao nhỉ?
- Dạ, chắc vậy.
- Lúc đầu thì tưởng nó là màu đen, nhưng thực ra là màu tím thẫm có pha sắc đỏ thắm rất đặc biệt, để mai ban ngày ta xem kỹ lại đã.
- Ồ đưa ra ánh nắng thì nó sẽ mất màu thực của mình đi và thành ra màu tím gần như trong suốt có lẫn sắc đỏ ba ạ.
Kikuco đặt bình hoa lên chiếc bàn con.
- Mấy chiếc mặt nạ cũng ở trong ngăn tủ mà lúc nãy con lấy lọ hoa...- Singo nói. - Đưa giùm chúng ra đây cho ba!
Ông đặt chiếc "Djido" lên.
- Cái này là một tư tưởng tốt đẹp. Nó là biểu tượng của tuổi xuân vĩnh viễn. Ta đã nói điều đó với con chưa nhỉ?
- Chưa ạ.
- Con có nhớ Tanizaki, cô gái trước đây làm ở chỗ ba không? Ba từng bắt cô ta đeo chiếc mặt nạ này. Và thật kỳ lạ, là cô lại trở nên hết sức hấp dẫn, khiến ba phải sững sờ.
Kikuco đeo chiếc mặt nạ vào.
- Buộc dây ở phía đằng sau phải không ạ? - cô hỏi.
Singo nhớ lại hôm mang mặt nạ về nhà, ông đã suýt hôn lên đôi môi đỏ thắm của chiếc Djido.
"Sống trong bưng bít chưa phải là đáng sợ, nếu hoa vẫn nở trong trái tim người..."
Và đó cũng là lời trong một vở Noh.
Singo thấy không đủ sức để nhìn Kikuco đang quay đi quay lại cái biểu tượng làm choáng váng đầu óc của tuổi xuân vĩnh cửu ấy.
Chiếc mặt nạ che gần hết cằm Kikuco và từ chỗ cằm lộ ra hai hàng nước mắt chảy dài xuống cổ cô. Những giọt lệ cứ nhỏ xuống, nhỏ xuống...
- Kikuco, nói cho ta biết, có phải hôm nay con gặp cô bạn của mình, là để hỏi ý kiến về việc con định dạy trà đạo, nếu con phải chia ly với Suychi, đúng không? - Singo nói.
Chiếc mặt nạ gật gật. - Nếu chúng con có phải chia tay, con vẫn muốn được ở lại đây với ba. Và con sẽ dạy học ở đây.
Những lời ấy phát ra từ dưới chiếc mặt nạ, nhưng rất rõ ràng.
Có tiếng con bé Satoco khóc. Từ phía vườn vẳng lại tiếng chó sủa.
Trong cả tiếng khóc của đứa trẻ lẫn tiếng sủa của chó, Singo cảm thấy có điềm dữ. Còn Kikuco thì hình như đang lắng nghe xem, có phải Suychi, kẻ đã bỏ nhà đến chỗ tình nhân ngay cả ngày hôm nay, một ngày chủ nhật đang về không?
Chú thích:
1 Nhân vật lừng danh trong hoàng tộc Nhật Bản đã bỏ nhà ra đi để tìm đến cái chết vào năm 1948, vì không chịu chấp nhận ý nghĩ về sự sụp đổ của giới quý tộc thượng lưu Nhật sau chiến tranh.
2 Tức là ngày 16 tháng 11, các trẻ lên ba, năm, bảy tuổi được mặc kimono mới đến chùa lễ Phật.
3 Rocan (1758 - 1831), thi sĩ đồng thời là nhà tu hành Nhật Bản.
4 Sakiamuni: Thích ca mâu ni, một trong hai tên gọi của Phật tổ Như Lai