Dịch giả: Dương Tường
Chương 99

Làm  việc một mình ở dưới này với đàn gà quả là xa lạ và cô quạnh đến nỗi Joóc-Gà đâm tự hỏi làm sao mà bác Mingô có thể chịu được hơn hai mươi lăm năm trời, trước khi anh đến với bác. “Khi ông chủ mua tau”, ông lão đã kể với anh, “và đàn gà bắt đầu đông thêm, ông í cứ bỉu là sẽ mua thêm cho tau một đứa giúp việc, cơ mà ông í chả bao giờ giữ lời, và tau mới vỡ nhẽ ra là bạn bầu mấy gà có khi còn tốt hơn chung đụng mấy người”. Mặc dầu Joóc cảm thấy mình cũng yêu gà gần như chẳng kém ai, đối với anh, chúng không bao giờ có thể thay thế người được. Song anh cần một người nào đó để giúp mình chứ không phải để bầu bạn, anh tự nhủ vậy.
 
Riêng phần mình, anh vẫn thấy nên chọn Vơjơl là hợp lý nhất. Như thế mọi sự sẽ vẫn là bó tròn trong phạm vi gia đình và anh có thể đào tạo thằng bé y như bác Mingô đã đào tạo anh. Nhưng vì anh ngại phải thương lượng với Matilđa và Kitzi nên Joóc cố nghĩ xem có tay luyện gà nào quen mà anh có thể thuyết phục ông chủ mua lại của người hiện đang sở hữu y. Song anh biết bất cứ ai đã là chủ gà chính hiệu thì phải ở bước dường cùng, thực sự cần tiền đến mức tuyệt vọng, mới nghĩ đến chuyện bán người luyện gà của mình, nhất là lại bán cho một đối thủ như mexừ Liơ nữa. Cho nên anh bèn nghĩ đến những người da đen dự các cuộc đấu hạ cấp, song có tới nửa số này cũng là dân luyện gà như anh, đem những gà loại của ông chủ họ đi chọi, và phần lớn trong đám còn lại thì cũng thuộc loại ba như gà của họ hoặc giả là những nhân vật khả nghi mang đến đấu trường những con gà rất hay, kiếm được bằng những cách đáng ngờ. Có một số đấu thủ hạ cấp người da đen tự do anh đã gặp là những tay cừ thực sự và có thể thuê công nhật, thuê hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí cả năm, nhưng anh biết không đời nào mexừ Liơ cho phép một người da đen tự do lọt vào đất đai của ông, dù anh ta có là tay luyện gà cự phách nhất miền Bắc Carôlina chăng nữa. Thành thử Joóc không có cách nào khác. Và cuối cùng một buổi tối, anh thu hết nghị lực, nêu vấn đề ra trong gia đình.
“Trước khi em lại biểu là em không chịu, thì hẵng nghe anh đã. Lần sau mà ông chủ muốn đem theo anh đi đâu chắc chắn lúc í ông í sẽ biểu anh: “Đi kiếm thằng con nhớn của mầy đưa xuống đây!” Một khi đã xảy ra dư vậy là Vơjơl phải ở hẳn vĩnh viễn mấy bọn gà, trừ phi ông chủ nói khác đi, mà có lẽ chả bao giờ có chuyện í và cả anh lẫn em đều không thể hé ra một tiếng xì xầm…” Anh khoát tay ngăn không cho Matilđa ngắt lời. “Khoan! Anh không muốn em cãi lại. Anh đang cố để em thấy là thằng bé cần phải xuống đó ngay bi giờ. Nếu anh đưa nó xuống ngay thì có thể đủ thì giờ để anh dạy nó cho gà ăn khi anh phải đi xa và giúp anh tập cho gà trong mùa luyện. Rồi còn thì giờ bao nhiêu trong cả năm, nó có thể ra đồng với mấy người cơ mà”. Thấy vẻ mặt căng thẳng của Matilđa, anh nhún vai một cách tinh vi và vờ nhẫn nhịn, nói: “Thôi được, vậy thì anh chỉ việc để em giải quyết mấy ông chủ!”
“Em chỉ tức cái là anh nói cứ dư Vơjơl đã nhớn í”. Matilđa nói: “Anh không biết thằng bé mới sáu tuổi hay sao? Vừa bằng nửa tuổi của anh khi anh bị kéo xuống đấy”. Cô ngừng một lát. “Dưng mà em biết là bi giờ lên sáu, là nó phải làm việc. Cho nên xem chừng không còn cách nào khác là làm theo lời anh, mặc dù quả tình em cứ tức điên lên mỗi khi nghĩ là ba cái con gà í đánh cắp anh đi mất bao nhiêu!”
“Cứ nghe em mấy mẹ thì có mà! Làm dư gà nó bắt chộp anh đi, mang qua đại dương đến tận đâu đâu í!”
“Thì cũng dư thế phần lớn thời gian, vì anh đi suốt”.
“Đi suốt! Thế ai ngồi đây nói chuyện mấy em? Ai ngày nào cũng ở đây cả tháng nầy?”
“Tháng nầy thì có thể thế, dưng mà ít nữa thì anh lại ở đâu?”
“Nếu nói về mùa chọi thì ông chủ biểu đi đâu là anh ở đấy. Nếu nói về bi giờ đây thì ăn xong, chắc chắn anh cũng không ngồi đây cho đến lúc có con cáo nào bò vào khu dưới í, chén một vài chú gà, kẻo anh đi tong thực sự mất!”
“Ờ! Dốt cuộc anh cũng phải đồng ý là ông chủ chả từ bán cả anh nữa nhá!”
“Anh tin rằng nếu bà chủ để cho gà của ông bị ăn thịt thì ông ấy cũng bán luôn cả bà í”.
“Nầy”, Matilđa nói, “Chúng mình đã thỏa thuận về chuyện Vơjơl là không phải to tiếng, vậy thời đừng có gây sự cãi cọ về chuyện gì khác nữa”.
“Anh có khơi chuyện trước đâu, chính là em đấy”.
“Thôi được, Joóc à, em hết cơn đôi co rồi”. Matilđa nói, đặt những bát thức ăn bốc hơi nghi ngút lên bàn. “Anh ăn đi rồi mà về thôi, sáng mai em cho Vơjơl xuống đấy. Trừ phi anh muốn đưa nó đi ngay bi giờ thì em đi sang bà tìm nó về”.
“Thôi, mai cũng được”.
 
Nhưng trong vòng một tuần, Joóc-Gà thấy rõ là đứa con trai lớn của mình hoàn toàn không có cái đã từng là niềm say mê thuở thiếu thời của anh. Dù nó sáu tuổi hay bao nhiêu đi nữa, Joóc cũng không thể quan niệm được rằng sau khi hoàn thành một công việc được giao, Vơjơl lại có thể tha thẩn chơi một mình, hoặc chỉ ngồi thừ ra không làm gì ở một chỗ nào đó. Để rồi giật mình bật dậy khi bố nó cáu tiết kêu lên: “Đứng dậy! Mầy tưởng cái nầy là cái gì? Đây không phải lợn, đây là gà chọi!” Sau đó, Vơjơl sẽ làm khá tốt bất cứ nhiệm vụ mới nào đó được cắt đặt vào, song một lần nữa liếc mắt ngó sang, Joóc lại thấy cậu con trai ngồi thừ hoặc bỏ đi chơi. Sôi máu, anh nhớ lại hồi bé, có bao nhiêu thì giờ rảnh anh chỉ lăng xăng ngắm nghía đàn gà con và gà tơ, bứt cỏ và bắt cào cào cho chúng ăn, lấy thế làm hào hứng khôn xiết.
 
Tuy trước kia, cách đào tạo của bác Mingô rất thiết thực và điềm tĩnh – ra một mệnh lệnh, lặng lẽ giám sát, rồi một mệnh lệnh nữa - giờ đây Joóc quyết định thử một phương pháp khác với Vơjơl, hy vọng làm nó chừa cái thói kia. Anh sẽ nói chuyện với nó.
“Ở trên kia, lúc một mình, con làm gì?”
“Chả làm gì, bố ạ”.
“Ờ, thế có hòa thuận mấy các em, có nghe lời mẹ mấy bà không?”
“Có ạ”.
“Chắc mẹ mấy bà cho con ăn ngon lắm hả?”
“Vâng ạ”.
“Thế con thích ăn gì nhất?”
“Bất kỳ thứ gì mẹ nấu cho chúng con ạ”.
Thằng bé thậm chí không có lấy một mảy may tưởng tượng. Anh sẽ thử phương sách khác.
“Con kể bố nghe chuyện cụ, dư con đã làm một lần, xem nào?”
Vơjơl ngoan ngoãn làm theo, có phần cứng ngắc, thiếu tình cảm. Tim Joóc trĩu xuống. Nhưng sau khi đăm chiêu đứng đó một lúc, thằng bé hỏi: “Bố à, bố có trông thấy cụ không?”
“Không”, anh trả lời, khấp khởi hy vọng. “Bố biết về cụ cũng dư con thôi, do bà kể”.
“Trước bà thường đi xe ngựa mấy cụ!”
“Nhất định rồi! Đấy là bố bà mà. Cũng dư về sau, một hôm nào đó, con kể cho các con con là con thường hay ngồi đây mấy bố giữa đàn gà”.
 
Điều đó hình như làm Vơjơl ngượng, nó im bặt.
 
Sau một số lần cố gắng khập khiễng như vậy nữa, cực chẳng đã, Joóc đành bỏ cuộc, song lại hy vọng có thể may mắn hơn với Asfođ, với Joóc-con và Tôm. Không thổ lộ với ai nỗi thất vọng của mình về Vơjơl, anh tiếc rẻ quyết định dùng thằng bé vào những việc chốc lát, từng lúc, như đã bàn với Matilđa chứ không hoài công cố gắng luyện nó thành người phụ tá vĩnh viễn suốt ngày suốt buổi như anh đã thực tâm dự định.
 
Cho nên, khi Joóc-Gà cảm thấy Vơjơl đã nắm vững nhiệm vụ cho lũ gà nhỏ và gà tơ trong chuồng ăn và uống mỗi ngày ba lần, anh gửi trả nó về cho Matilđa  để bắt đầu làm việc ngoài đồng với mọi người – và điều đó xem ra rất hợp với thằng bé. Tuy không bao giờ lộ ra ý nghĩ đó với Matilđa, Kitzi hay những người khác, song Joóc-Gà bao giờ cũng cảm thấy khinh thường sâu sắc công việc đồng áng mà anh coi không có gì khác hơn là một dịch vụ cực nhọc không ngừng, nào cuốc xới dưới ánh mặt trời nóng nực, nào kéo lê những bì ngô, nào bắt sâu thuốc lá không bao giờ dứt và ngả những thân ngô làm thức ăn cho gia súc, mùa nối mùa bất tận. Với một tiếng cười khúc khích anh nhớ lại lời bác Mingô: “Cứ cho tau chọn giữa một cánh đồng ngô hay bông thật tốt mấy một con gà chọi hay, thể nào tau cũng lấy con gà!” Chỉ nghĩ đến cái điều là một cuộc chọi gà được thông báo ở đâu đó, đã đủ phấn khởi vui vẻ rồi – dù là ở trong một cánh rừng, một bãi cỏ trống để thả bò hay đằng sau chuồng ngựa của một ông chủ nào đó - lập tức không khí náo nhiệt như thể các tay chọi gà đang bắt đầu dồn về đó với những chú gà quàng quạc cất tiếng gáy khàn trong nỗi cuồng vọng muốn thắng hay là chết.
Vào cái vụ nghỉ ngơi mùa hè, khi gà đang thay lông, chỉ có công việc thường nhật và Joóc-Gà dần dần trở nên quen với tình trạng không có ai bên cạnh để trò chuyện, ngoại trừ lũ gà - đặc biệt là con mồi lão tướng lông nhọn hoắt vốn trước đây là con cưng của bác Mingô.
 
“Đáng lý ra mầy có thể biểu chúng tau bác í ốm đến chừng nào chứ, cái con quỷ già mắt vách đất này!” một buổi chiều, anh bảo con gà già như vậy, nó nghênh nghênh đầu một giây như thể biết là anh đang nói với nó, rồi lại tiếp tục mổ bới theo cái cách thường xuyên đói ăn của nó. “Mầy nghe tau nói mấy mầy đây!” Joóc nói, kiểu gắt yêu. “Mầy phải biết là bác í thật là nguy kịch chứ lị!” Trong một lúc, anh đưa mắt uể oải nhìn theo con gà đang sục sạo. “Ờ, tau chắc mầy biết bác í bây giờ mất rồi. Tau không biết mầy có nhớ ông lão dư tau không.” Nhưng con gà mồi già vẫn lảng ra mổ mổ, bới bới, coi bộ chẳng nhớ ai sất và cuối cùng Joóc-Gà ném một hòn sỏi khiến nó vừa chạy biến vừa kêu quang quác. Trong khoảng một năm nữa – Joóc ngẫm ngợi – có lẽ con gà già sẽ đi gặp bác Mingô ở chốn nào mà giới chọi gà và lũ gà của họ tìm đến sau khi chết. Anh tự hỏi điều gì đã xảy đến với con gà đầu tiên của ông chủ - cái con do một vé xổ số hai mươi lăm xu mang lại, đã khởi đầu sự nghiệp của ông ta cách đây hơn bốn chục năm. Cuối cùng nó đã ăn một đòn tử thương chăng? Hay nó đã chết cái chết già của một con gà mồi danh dự? Tại sao dạo trước anh không hỏi bác Mingô về chuyện đó nhỉ? Anh phải nhớ hỏi ông chủ mới được. Hơn bốn mươi năm về trước! Ông chủ đã kể với anh là khi được con gà ấy, ông mới có mười bảy tuổi. Tức thị là bây giờ ông khoảng năm mươi sáu, năm mươi bảy gì đó – hơn Joóc-Gà độ ba chục tuổi. Nghĩ về ông chủ, về việc ông ta có trong tay cả người lẫn gà cho đến trọn đời, anh bỗng lan man tự hỏi: cái cảm giác là mình không thuộc về một người nào cả, nó như thế nào nhỉ? Cái cảm giác được “tự do” nó ra sao? Chắc cũng chẳng hay ho gì lắm, nếu không thì mexừ Liơ, cũng như phần lớn những người da trắng đã không ghét dân da đen tự do thậm tệ đến thế. Nhưng rồi anh nhớ đến những lời mà một phụ nữ da đen tự do bán rượu cho anh ở Grinxborâu, đã từng nói với anh: “Mỗi một người tự do chúng tôi là một bằng chứng sống cho dân nhọ đồn điền các anh thấy rằng: là một người da đen không có nghĩa phải là nô lệ. Ông chủ anh không bao giờ muốn anh nghĩ gì về cái đó”. Trong những buổi cô đơn đằng đẵng ở khu gà chọi, Joóc-Gà bắt đầu suy nghĩ triền miên về điều ấy. Anh quyết định sắp tới đây, anh sẽ lân la trò chuyện với một số người da đen tự do anh vẫn gặp nhưng bao giờ cũng lờ đi, những lần đi cùng với ông chủ đến các thành phố.
 
Bước dọc theo hàng rào song mây, cho lũ gà nhép và gà tơ ăn, uống, Joóc-Gà như mọi lần, vẫn khoái thấy đám gà tơ cất giọng còn non, giận dữ kêu cục cục với anh, như thể đang ôn tập cái khí thế man rợ sắp tới ở bãi đấu. Anh bắt đầu chợt thấy mình nghĩ rất nhiều về chuyện bị sở hữu.
 
Một buổi chiều, trong khi đi kiểm tra thường kỳ số gà đang độ trưởng thành ở bãi thả, anh quyết định tiêu khiển bằng cách thử bắt chước tiếng gáy thách thức của một con trống, một ngón mà anh gần đạt đến độ hoàn hảo. Trước đây, gần như bao giờ cũng vậy, điều đó lập tức khiến một con gà cảnh vệ giận dữ xông ra, lồng lộn gáy đáp lại và ngúc ngắc đầu bên này, bên kia tìm kẻ địch đột nhập mà nó chắc chắn là vừa nghe thấy tiếng. Hôm nay cũng thế. Nhưng con gà lẫm liệt từ bụi rậm nhẩy ra đáp lại tiếng nhứ gọi của anh còn đứng đập cánh phành phạch vào mình đến gần nửa phút rồi mới cất tiếng gáy như xé toang buổi chiều thu. Ánh nắng huy hoàng lấp lánh trên bộ lông ngũ sắc của nó. Dáng dấp nó hùng mạnh và dữ tợn, từ đôi mắt long lanh đến cặp giò to khỏe màu vàng, với những chiếc cựa sát thương lợi hại. Từng phân, từng lạng của thân hình nó biểu trưng sự dũng cảm, nghị lực và tinh thần tự do một cách hùng hồn đến nỗi khi quay về, Joóc-gà nguyện sẽ không bao giờ bắt con gà này để luyện và tỉa lông xén cánh. Nó phải được để lại ở đó, giữa lùm thông với những con mái của nó – không bị đụng chạm đến và tự do!

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley