Dịch giả: Dương Tường
Chương 102

Với một giấy thông hành đặc biệt do mexừ Liơ cấp, Vơjơl treo cái đèn xách ở xe la và phóng suốt đêm hôm trước lễ Tạ Ơn để đưa Tôm từ đồn điền Ơxkiu về nhà kịp bữa tiệc lớn, sau sáu tháng vắng nhà. Khi xe lăn bánh vào đường xe riêng của đồn điền Liơ trong buổi chiều tháng mười một lạnh giá và Vơjơl thúc la chạy nước kiệu gấp, Tôm phải cố kìm nước mắt khi xóm nô quen thuộc hiện ra và nó trông thấy tất cả những người nó xiết bao thương nhớ đang đứng đó đợi nó. Rồi họ bắt đầu vẫy, gọi và lát sau, nắm chặt chiếc túi đựng những món quà nó đã tự tay làm cho từng người, nó nhảy xuống đất giữa những cánh tay ôm ghì và những cái hôn của tốp phụ nữ.
“Cầu Chúa phù hộ trái tim nó!”… “Nom nó ra dáng làm sao!” “Chứ lị! Xem nầy, vai mấy cánh tay nó đẫy ra làm sao!”… “Bà nội, để cho cháu hôn anh Tôm mấy!”… “Đừng có riết chặt lấy nó suốt ngày thế, để tau cũng được ôm nó tí chứ, nhỏ!”
Qua bờ vai họ, Tôm nhìn thấy hai đứa em trai Jêimz và Luyx với vẻ kính sợ; nó biết Joóc-con đang ở dưới khu gà chọi với bố và Vơjơl đã nói với nó là Asfođ được ông chủ cho phép đi thăm một cô gái ở đồn điền khác.
Rồi nó trông thấy bác Pompi, mọi khi vẫn liệt giường, giờ quấn xù xụ một tấm mền ngồi bên ngoài lều trong một chiếc ghế mây. Vừa gỡ ra được là Tôm chạy vội lại nắm lấy bàn tay run rẩy, sưng phù của ông già và cúi sát xuống để nghe cho rõ cái giọng rạn vỡ, gần như thều thào của bác.
“Tau chỉ muốn biết chắc là mầy đã về thực để thăm bọn tau, cháu giai ạ…”
“Vâng, ông Pompi, cháu rất mừng được trở về!”
“Thôi được, sẽ gặp mầy sau”, ông già run lập cập.
Tôm lúc này đang bối rối vì xúc động. Cho đến nay mới mười sáu tuổi, chẳng những nó chưa bao giờ được đối xử trân trọng đến thế, như với người lớn, mà còn chưa từng cảm thấy ở cái gia đình xóm nô của mình một biểu hiện yêu thương và kính trọng dạt dào như vậy.
Hai đứa con gái còn đang kéo nó, reo hò í ới thì bỗng một giọng quen thuộc vang lên ồm ồm ở đằng xa.
“Lạy Chúa, ông Gà Sống đang đến kìa!” Matilđa kêu lên bàn và toán phụ nữ tíu tít bày bữa cỗ mừng Lễ Tạ ơn lên bàn.
Khi Joóc-Gà sải bước vào khu xóm nô, trông thấy Tôm, mặt anh tươi rói lên: “Chà, hãy nhìn coi cái gì đã xổng chuồng về nhà này!” Anh vỗ vai Tôm bồm bộp. “Làm được tí tền nào chưa?”
“Dạ chưa, bố ạ”.
“Mầy là cái thứ thợ rèn gì mà không kiếm được tền hử?” Joóc vờ ngạc nhiên, hỏi.
Tôm nhớ là lại là bao giờ nó cũng cảm thấy như bị cuốn trong cơn lốc mỗi khi lâm vào thế tiếp cận với lối diễn đạt khoa trương ồn ã của bố. “Còn lâu mới là thợ rèn, bố ạ, con mới đang cố học thôi”, nó nói.
mầy một cái gì chớ.
“Vâng” Tôm nói như cái máy, vụt nghĩ rằng có lẽ chẳng bao giờ nó nắm vững được đến nửa phần những gì ông Aizêiơ đang kiên trì dốc mọi cố gắng để giúp nó học. Nó hỏi: “Anh Joóc-con có lên ăn cỗ không?
“Cũng có thể nó đến kịp, cũng có thể không.” Joóc-Gà đáp. “Nó lười lĩnh quá không làm cho xong việc thứ nhất tau giao cho nó sáng nay, cho nên tau biểu chừng nào chưa xong thì tau không muốn thấy cái mặt nó ở trên nầy!” Joóc-Gà tiến lại chỗ bác Pompi. “Cháu rất mừng thấy bác ra khỏi lều, bác Pompi. Bác thấy người thế nào?”
“Kém con ạ, kém lắm, cái thân già thì còn gì là tốt nữa, có thế thôi”.
“Miễn cho tui cái chuyện vớ vỉn í đi, miễn hết không nghe một tí tẹo nào!” Joóc-Gà oang oang và anh quay sang Tôm, cười ha hả: “Ông Pompi của mầy là một người nhọ loại thằn lằn rắn ráo, còn sống đến trăm tuổi. Từ khi mầy đi có dễ ông í đã hai ba lần ốm rõ nặng cơ mà, mỗi lần cánh lền bà thút thít khóc cả lũ, sắp sửa làm ma thì ông lão lại nhỏm dậy!”
Cả ba đang cười thì Bà Nội Kitzi thét: ‘Chúng mầy mang bác Pompi lại đây ngồi vào bàn ngay đi!” Mặc dầu trời se se lạnh, các bà đã kê một cái bàn dưới cây hạt dẻ để mọi người có thể cùng dự bữa tiệc mừng Lễ Tạ ơn.
Jêimz và Luyx nắm chắc lấy chiếc ghế của bác Pompi, bà Xerơ đon đả chạy theo sau.
“Đừng có đánh rơi ông đấy, ông chưa quá già đến độ không đét đít được chúng mầy đâu!” Joóc-Gà kêu to.
Khi tất cả đã yên vị, mặc dầu Joóc-Gà ngồi chủ tọa, Matilđa vẫn chỉ đích vào Tôm để nói: “Con trai, cầu Chúa xuống phước cho bàn ăn đi”. Giật mình, Tôm bỗng ước giá mình dự tiên được điều này để nghĩ sẵn trước một lời cầu nguyện nào khả dĩ diễn đạt được những nỗi xúc động nó cảm thấy đối với sự ấm cúng và sức mạnh của tình gia đình. Nhưng thấy mọi người đều đã cúi đầu, nó chỉ nghĩ được như sau: “Lạy Chúa, xin Người xuống phước cho dững thức chúng con sắp ăn đây, chúng con cầu xin vậy, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”.
“Amen!... Amen!” những người khác hòa theo, từ đầu đến cuối bàn. Rồi Matilđa, các bà Kitzi và Xerơ bắt đầu chạy qua chạy lại như con thoi, chốc chốc lại bầy thêm những bát, đĩa đầy tú ụ, nghi ngút hơi suốt dọc bàn và giục mọi người ăn, mãi cuối cùng mới trở lại ngồi về chỗ. Trong nhiều phút, không ai nói gì, tất cả đều ăn như sắp chết đói, với những tiếng ậm ự thưởng thức và những tiếng tặc lưỡi trầm trồ. Rồi sau một lát, trong khi Matilđa hay Kitzi luôn tay rót sữa bơ mới vào đầy cốc của Tôm, hoặc tiếp thêm thịt nóng, rau và bánh mì vào đĩa nó, họ bắt đầu hỏi nó dồn dập.
“Tội nghiệp thằng bé, ở đằng í họ cho con ăn có tốt không? Ai nấu nướng cho con ăn?” Matilđa  hỏi.
Tôm phải nhai bớt cho đỡ đầy mồm để trả lời: “Vợ ông Aizêiơ, bà Emma”.
“Da bà í màu gì, nom bà í ra sao?” Kitzi hỏi.
“Bà í da đen, beo béo”.
“Cái í thì có dính gì đến việc bếp núc của nhà chị ta!” Joóc-gà cười hô hố. “Chị ta nấu nướng có tốt không, nhỏ?”
“Khá ngon, bố ạ, vâng” Tôm gật đầu khẳng định.
“Dào, dù sao cũng chẳng bằng mẹ mầy!” bà Xerơ toang toác. Tôm khoan khoái thì thào. “Vâng, không bằng”, đồng thời nghĩ bụng là bà Emma ắt bất bình biết bao nếu nghe thấy họ nói vậy và ngược lại, họ hẳn sẽ bất bình biết mấy nếu biết bà ta là tay nấu bếp cừ hơn.
“Bà í mấy người chồng thợ rèn có phải là người Cơ đốc ngoan đạo không?”
“Có ạ.” Nó nói. “Nhất là bà Emma, bà í đọc Kinh Thánh một lô một lốc”.
Tôm vừa ăn hết đĩa thứ ba thì mẹ và bà nó lại trút thêm vào, mặc dầu nó lắc đầu quày quạy. Nó ấp úng phản đối được một câu: “Phải dành chút gì cho Joóc-con khi anh í đến chứ!”
“Còn vô khối cho nó, mà con cũng biết đấy!” Matilđa nói. “Con ăn thêm một miếng thịt thỏ rán nầy… thêm ít rau nữa nầy… và cái món bí đông ninh nầy nữa. Bà Malizi lấy ở bữa tiệc trên đại sảnh một liễn sữa trứng tướng gửi xuống đây. Ngon đáo để”.
Tôm đã bắt đầu xúc sữa trứng thì bác Pompi hắng giọng định nói gì và tất cả im lặng để nghe bác. “Nhỏ, cháu đã đóng móng cho la, cho ngựa chưa?”
“Họ để cho cháu tháo móng cũ, cơ mà cháu chưa đóng cái móng mới nào!” Tôm nói, nhớ lại vừa mới hôm trước thôi có một con la dữ đến nỗi phải buộc chằng chân mới đóng móng được. Joóc-Gà cười to. “Chắc nó chưa bị la đá đủ đau để thuần thục tay nghề đây! Nếu không biết rành thì rất dễ lẫn chân ngựa, chân nọ sọ chân kia!” Nghe nói có một tay thợ rèn nhọ đóng móng đằng trước lộn ra đằng sau, thành thử con ngựa chỉ độc đi giật lùi!” Khi thôi cười về câu nói đùa của chính mình, Joóc-Gà hỏi: “Đóng móng ngựa và la thì được bao nhêu?”
“Hình như người  ta giả mexừ Ơxkiu mười bốn xu một móng.” Tôm nói.
“Rành là không nhiều tền bằng chọi gà!” Joóc-Gà thốt ra.
“Dào, nghề rèn rành là có ích hơn chọi gà nhều!” Bà nội Kitzi nói sẵng, giọng sắc như dao, đến nỗi Tôm muốn nhẩy lên ôm ghì lấy bà. Rồi bà nói tiếp, giọng đột nhiên trở nên dịu dàng: “Nầy con, cái người í lúc “học” con nghề rèn thì bắt con làm gì?”
Tôm rất mừng thấy bà hỏi, vì nó đang muốn cho gia đình biết sơ qua công việc của nó. “À, thưa bà, mỗi sáng sớm, cháu dóm lò, lúc ông Aizêiơ đến là phải cháy tốt. Rồi cháu bầy dững đồ dùng mà cháu biết ông í cần cho dững việc sắp làm. Là vì khi gò sắt nung đỏ thì không thể để nó nguội đi trong khi tìm bới đúng loại búa để nện nó…”
“Lạy Chúa, thằng bé đã rèn rồi!” bà Xerơ thốt lên.
“Không ạ.” Tôm nói. “cháu chỉ là cái họ gọi là thợ quai búa. Nếu ông Aizêiơ làm vật gì nặng, dư trục xe hay lỡi cầy, chỗ nào ông nện búa con thì cháu quai búa tạ. Và thi thoảng, còn dững việc vặt đơn giản, ông í để cháu làm nốt trong khi ông í bắt đầu một cái gì khác”.
“Bao giờ lão í để cho mầy bắt đầu đóng móng ngựa?” Joóc-Gà hỏi, vẫn tiếp tục dồn, xem vẻ gần như là muốn thằng con đang học nghề thợ rèn phải lâm vào thế bối rối, nhưng Tôm nhe răng cười: “Con không biết, bố ạ, dưng con cho rằng chả bao lâu, ông í sẽ cảm thấy con có thể làm được việc í mà không  cần ông í giúp đỡ. Đúng dư bố nói, rành là con đã bị đá nhều lần. Thực tế, có một số con dữ cứ chồm chồm, chả dững đá mà còn cắn nữa, nếu mình không cẩn thận”.
“Người da trắng có đến cửa hàng thợ rèn í không con?” bà Xerơ hỏi.
“Có ạ, hàng lô hàng lốc. Chả mấy ngày không thấy ít nhất là một tá hay hơn nửa đứng quanh quanh trò chuyện trong khi chờ đợi ông Aizêiơ hoàn thành công việc họ mang tới đặt làm”.
“Ờ, thế con nghe thấy họ nói dững loại tin gì mà bọn ta không biết vì cứ ru rú ở đây?”
Tôm nghĩ một lúc, cố nhớ lại xem ông Aizêiơ và bà Emma coi những gì là quan trọng nhất mà họ mới nghe cánh da trắng nhắc đến. “À, có một cái tin họ gọi là “điện tín”. Một mexừ Moxờ nào đó ở Washington nói chuyện thẳng mấy ai đó ở tận Baltimo. Họ biểu ông ta nói “Thượng đế đã rèn tạo cái gì?” Cơ mà con chả hiểu rõ đích xác cái đó nghĩa là gì”.
Mọi cái đầu quanh bàn ăn quay cả về phía Matilđa, chuyên gia về Kinh Thánh của họ, xong xem vẻ chị cũng bối rối. “Tui… à, tui không dám chắc”, chị phân vân nói, “dưng mà có lẽ tui chưa đọc thấy gì về cái đó trong Kinh Thánh”.
“Mẹ à, cách nầy hay cách khác” Tôm nói, “xem ra cái í chả có dính dáng gì đến Kinh thánh cả. Đấy chỉ là chuyện gì đó nói mấy nhau tít xa qua không khí”.
Nó hỏi có ai ở đây biết là mấy tháng trước đây, Tổng thống Polk đã chết vì ỉa tháo tỏng ở Nasvil, bang Tennexi và Tổng thống Zatseri Têilơ đã lên kế tục.
“Cái í ai nấy đều biết rồi!” Joóc-Gà thốt ra.
“À, ra nhà anh biết nhều thế mà chả bao giờ nói cho tui nghe” Bà Xerơ gay gắt nói.
Tôm nói: “Người da trắng, nhất là đám trẻ con, hát dững bài bắt chước chúng ta, cơ mà lại do một mexừ Xtiphân Fôxtơ đặt”. Tôm hát chút ít câu nó nhớ được trong các bài “Ông già Jô da đen”, “Ngôi nhà cũ kỹ của tôi ở Kentắcki” và “Ông chủ nằm trong lòng đất lạnh, giá lạnh”.
“Rành là nghe có cái gì giống dư nhọ thật!” Bà nội Kitzi kêu lên.
“Ông Aizêiơ biểu là mexừ Fôxtơ, khi đang nhớn bỏ bao nhiêu thì giờ nghe nhọ hát ở nhà thờ mấy lị ở quanh các tàu thủy và các bến tầu” Tôm nói.
“Hèn nào!” Matilđa nói, “Dưng mà con có nghe thấy có ai trong dân nhọ ta làm gì không?”
“À, có ạ”, Tôm nói và nó kể là những người da đen tự do đem việc đến đặt ông Aizêiơ đã nói chuyện nhiều về những người da đen trứ danh ở miền Bắc đấu tranh chống chế độ nô lệ, đi các nơi nói chuyện với những đám cử tọa rất đông, hỗn hợp da trắng lẫn da đen làm cho họ rơi nước mắt và hoan hô, bằng cách kể lại cuộc đời nô lệ của mình cho đến khi thoát ách, trở thành tự do. “Chả hạn có một người  tên là Fridirich Đơgơx”, Tôm nói, “họ biểu ông ta hồi bé là một nô lệ ở Merơlơn, ông ta tự học biết đọc, biết viết và cuối cùng làm việc, dành được đủ tền mua tự do cho mình khỏi tay ông chủ”, Matilđa ném một cái nhìn đầy ý nghĩa về phía Joóc-Gà trong khi Tôm kể tiếp. “Họ biểu dân chúng tụ họp hàng trăm người  ở bất kỳ chỗ nào ông í nói chuyện và ông í đã viết một quyển sách, thậm chí còn ra một tờ báo nữa”.
“Có cả lền bà phụ nữ nổi tiếng nữa cơ, mẹ ạ”. Tôm nhìn Matilđa, Bà Nội Kitzi, và bà Xerơ, và kể chuyện một người nô lệ cũ tên là Xojơnơ T’ruth: nghe nói bà ta cao hơn một mét tám, bà ta cũng nói chuyện trước những đám đông nghìn nghịt những người da trắng và da đen, mặc dầu bà ta không biết đọc cũng chẳng biết viết.
Bật dậy từ chỗ ngồi của mình, Bà Nội Kitzi bắt đầu hoa chân múa tay như điên. “Ngay bi giờ mới thấy mình cần phải lên miền Bắc, tự mình nói chuyện ít buổi”. Bà làm bộ điệu như đang đứng trước một đám cử tọa lớn. “Dân da trắng các người hãy nghe Kitzi đây! Tui không muốn cái sự bí bét nầy nữa! Dân nhọ chúng tui ớn và chán ngấy kiếp nô lệ rồi”.
“Mẹ ơi, thằng nhỏ biểu người phụ nữ í dững mét tám cơ! Mẹ chưa đủ cao!” Joóc-Gà vừa nói vừa cười rống lên, trong khi những người khác quanh bàn nhìn anh trừng trừng, giả vờ phẫn nộ. Buồn thỉu, Bà Nội Kitzi lại ngồi xuống.
Tôm lại kể cho họ nghe về một phụ nữ nô lệ thoát ách trứ danh khác. “Bà ta tên là Hariét Tớpman. Không kể xiết bao nhiêu lần bà í xuống Nam đưa hàng xốc người dư chúng ta đến tự do trên Bắc, đi bằng cái lối họ gọi là “Đường Sắt Bí Mật”. Thực tế, bà í làm thế nhều đến nỗi họ nói bi giờ người da trắng treo giải đáng giá bốn mươi nghìn đôla cho ai bắt được bà í, sống hay chết cũng được”.
“Lạy Chúa lòng thành, không thể tưởng tượng được là người da trắng lại trả nhều tền đến thế để bắt một người nhọ nào trên đời” bà Xerơ nói.
Nó kể là ở một bang xa tít gọi là Califoniơ, nghe đồn hai người da trắng đang xây một nhà máy cưa thì phát hiện ra một kho vàng nhiều quá sức tưởng tượng ở dưới đất và hàng nghìn người bèn đổ xô - bằng xe tải, cưỡi la hoặc thậm chí cuốc bộ đến cái chỗ mà người ta đồn rằng có thể lấy xẻng mà xúc vàng.
Cuối cùng nó nói những cuộc tranh luận lớn về chế độ nô lệ đang diễn ra giữa hai người da trắng tên là Xitphân Đơglơx và Abraham Lincôn.
“Hai người í, ai về phe nhọ?” Bà Nội Kitzi hỏi.
“Đâu dư là mexừ Lincôn, con chỉ biết có đến thế” Tôm nói.
“Thế thì cầu Chúa ban cho ông í sức mạnh!” Kitzi nói.
Chép chép răng, Joóc-Gà đứng dậy vỗ vỗ cái bụng căng và quay sang Tôm: “Nầy nhỏ, mầy mấy tau đi dạo cho dãn cẳng, tiêu bớt cái bữa ăn nầy đi tí chăng?”
“Thưa bố, vâng” Tôm nói gần như lắp bắp, cố lắm mới giấu được vẻ kinh ngạc và làm ra bộ thản nhiên.
Cánh phụ nữ, cũng sửng sốt không kém, đưa mắt nhìn nhau, vẻ giễu cợt, đầy ý nghĩa, khi Joóc-Gà và Tôm cùng đi xuôi con đường. Xerơ khẽ kêu: “Lạy Chúa, thằng bé đã gần to bằng bố rồi!” Jêimz và Luyx đăm đăm nhìn theo bố và anh trai, thèm đến gần phát ốm, song chẳng dại gì mà đi theo. Nhưng hai đứa con gái bé nhất, Kitzi con và Meri, thì không thể không nhẩy cẫng lên và bắt đầu lò cò theo sau, cách độ tám hoặc mười bước.
Không cần ngoái lại nhìn chúng, Joóc-Gà ra lệnh: “Quay về đằng kia giúp mẹ rửa bát đĩa!”
“Eo bố!” hai đứa đồng thanh léo nhéo.
“Cút, tau đã bẩu mà!”
Quay nửa người lại, âu yếm, nhìn hai đứa con gái, Tôm mắng yêu chúng: “Các em không nghe thấy bố nói à. Tí nữa ta sẽ gặp nhau”.
Với những tiếng phàn nàn của hai đứa con gái đằng sau lưng, họ lặng lẽ bước tiếp một quãng ngắn, rồi Joóc-Gà nói, gần như càu nhàu: “Nầy, chắc mầy hiểu bố chỉ trêu mầy tí trong bữa ăn, chứ chả có ác ý gì chứ?”
“À, vâng”, Tôm nói, trong thâm tâm lấy làm ngạc nhiên trước thái độ gần như xin lỗi của bố. “Con biết bố đùa thôi”.
Joóc-Gà làu bàu nói: “Ta đi tiếp xuống ngó qua lũ gà cái chăng? Để xem cái thằng Joóc-con vô tích sự í mắc chuyện gì ở đấy lâu thế. Theo tau biết, chưa chừng bi giờ nó thịt mấy con gà, nấu lên đánh chén mừng Lễ Tạ Ơn cũng nên”.
Tôm cười: “Joóc-con tốt đấy, bố ạ. Anh í chỉ chậm chạp thế thôi. Anh í từng biểu con anh í cũng yêu gà dư bố” Tôm dừng lại một chút, rồi quyết định đánh bạo nêu ý nghĩ tiếp theo của mình: “Con cho rằng trên đời không có ai yêu gà dư bố”.
Nhưng Joóc-Gà sẵn sàng nhất trí khá nhanh: “Dù sao cũng không ai thế trong cái gia đình này. Bố đã thử tất cả bọn nó rồi - trừ con. Tuồng dư tất cả lũ con trai còn lại của bố đều muốn suốt đời kéo cầy từ đầu nầy đến đầu kia cánh đồng, ngước mắt lên chỉ thấy mông con la!” Anh ngẫm nghĩ một lát: “Nghề rèn của mày, nói cho đúng ra, cũng chưa phải là sống cao sang gì - không  gì bằng chọi gà – dưng mà chí ít nó cũng là một công việc lền ông”.
Tôm tự hỏi liệu cha mình có thực sự tôn trọng cái gì ngoài gà chọi không. Nó cảm thấy rất mừng là đã thoát bằng cách nào đó và đi vào cái nghề rèn vững vàng, ổn định. Song nó diễn đạt ý nghĩ của mình một cách quanh co.
“Con thấy làm ruộng chả có gì xấu, bố ạ. Nếu không có người làm ruộng, chắc không ai có ăn. Con chọn theo nghề rèn cũng dư bố ưng chọi gà, là vì con thích nó và Chúa cho con cái khiếu í. Rành không phải tất cả mọi người cùng thích một thứ dư nhau”.
“Ờ, chí ít bố mấy con còn biết đường làm ra tền trong khi làm cái mình thích”, Joóc-Gà nói.
Tôm trả lời. “Hiện mới có bố thôi. Con thì còn phải vài năm nữa mới kiếm được, khi nào con học nghề xong và đi làm cho ông chủ - nghĩa là nếu ông í cho con một ít trong số tền làm ra, dư ông í làm với dững gì bố được cá khi chọi gà hạ cấp!”
“Chắc chắn là ông í sẽ cho thôi!” Joóc-Gà nói. “Ông chủ không đến nỗi xấu như mẹ mầy, bà nội mầy mấy các cô bác í thích rêu rao đâu. Ông í có dững thói cách thường tình, rành là thế! Mầy chỉ cần biết cách đánh vào mặt tốt của ông chủ, dư tau í - cứ làm cho ông í tưởng mình coi ông í là một ông chủ loại thượng lưu đối đãi tốt với nhọ”. Joóc-Gà ngừng một lát. “Cái mexừ Ơxkiu ở chỗ mầy làm í – mày có biết ông í cho lão nhọ Aizêiơ bao nhêu tền công rèn không?”
“Đâu dư mỗi tuần một đôla” Tôm nói. “Con nghe vợ ông Aizêiơ biểu mỗi tuần ông chồng đưa bà í chừng nấy để để dành, và bà í để dành từng xu một”.
“Chọi gà thì chưa đầy một phút đã được hơn thế!” Joóc-Gà kêu lên rồi kìm lại.
“Được, dù sao, khi mầy về đây rèn cho ông chủ, chuyện tền nong cứ để mặc tau. Tau sẽ nói chuyện để ông í biết cái mexừ Ơxkiu í bủn xỉn dư thế nào mấy cánh nhọ”.
“Vâng ạ”
Joóc-Gà có cái cảm giác kỳ lạ là anh thực sự muốn bảo đảm tranh thủ được sự liên mình - thậm chí, sự đồng tình thôi - của riêng đứa này trong số sáu con trai, không phải vì có cái gì không ổn với năm đứa kia và mặc dù thằng cu nầy xuề xòa nhất đám, đừng có hòng thấy nó diện cái gì đại loại như một chiếc khăn quàng xanh với mũ quả dưa đen điểm chiếc lông chim dài; mà chỉ vì rõ ràng thằng Tôm nầy có những phẩm chất về ý thức trách nhiệm không phải ngày nào cũng gặp được, cũng như một sức mạnh và bền bỉ cá nhân khác thường.
Họ tiếp tục im lặng đi một lát nữa, rồi bất thần, Joóc-Gà hỏi: “Có bao giờ, mầy nghĩ đến chuyện làm  rèn vì mình không nhỏ?”
“Bố định nói gì? Cách nào mà con làm thế được, hở bố?”
“Có bao giờ mầy nghĩ đến chuyện để dành tền mầy sẽ kiếm ra để mua lấy tự do cho mình không?”
Thấy Tôm ngẩn tò te không trả lời được, Joóc-Gà tiếp tục nói:
“Mấy năm trước, vào dạo đẻ Kitzi, một đêm tau mấy mẹ mầy ngồi tính thử xem mua tự do cho cả gia đình nhà mình thì hết bao nhiêu, theo giá nhọ hồi í. Phải tới quãng sáu mươi tám trăm đôla…”
“Úi” Tôm lắc lư đầu.
“Nghe tau nầy!” Joóc nói: “Rành là một đống của. Dưng mà từ dạo í đến giờ, tau đã ra sức đi chọi gà hạ cấp đến nát xương lòi da cho mẹ mầy để dành tền được cá của tau. Không được nhều dư tau trù tính lúc bắt đầu, dưng mà dù sao cũng tạm, chả ai biết trừ mẹ mầy mấy tau – bây giờ thêm mầy nữa – bà í đã có hơn một nghìn đôla bỏ hũ chôn ở quanh sân sau!” Joóc-Gà nhìn Tôm. “Bố nghĩ…”
“Cả con nữa, bố ạ!” một ánh mắt long lanh trong mắt Tôm.
“Nghe đây, nhỏ!” Giọng Joóc-Gà thúc bách hơn. “Nếu bố cứ tiếp tục được cá dư trong mấy mùa qua thì đến lúc mầy bắt đầu rèn cho ông chủ, ắt phải có thêm ba, bốn nghìn nữa được cất giấu”.
Tôm hăm hở gật đầu. “Và bố ạ, với cả hai bố con mình cùng làm ra tền, một năm mẹ có thể chôn giấu đến năm, sáu trăm cũng nên!” nó phấn khởi nói.
“Phải!” Joóc-Gà thốt lên. “Cứ đà í, trừ phi giá nhọ cao vọt lên, có thể chúng mình đủ tền để mua tự do cho cả gia đình, trong vòng độ… để bố tính xem…”
Cả hai cùng bấm đốt ngón tay, tính toán. Lát sau, Tôm kêu lên: “Độ mười lăm năm”.
“Mầy học ở đâu mà tính nhanh vậy? Mầy thấy ý tau thế nào, nhỏ?”
“Bố ạ, con sẽ hục đầu vào rèn, làm chết thôi! Giá bố biểu con từ trước!”
”Với hai bố con, tau biết là làm được mà!” Joóc-Gà nói, mặt tươi hơn hớn. “Làm cho cái gia đình nầy thành cái gì chứ lị! Tất cả chúng ta lên Bắc, nuôi nấng dững con, cháu, dư con người sinh ra là phải được thế! Mầy bẩu sao, nhỏ?”
Càng xúc động sâu sắc, Tôm và Joóc-Gà đang sôi nổi nắm lấy vai nhau thì đúng lúc ấy, họ quay lại, thấy cái dáng chắc mập của Joóc-con tiến lại gần, vừa ì ạch chạy, vừa gọi to: “Tôm! Tôm!”, miệng cười toác rộng gần hết mặt. Hổn hển tới kịp bố và em trai, thở không ra hơi, ngực phập phồng, nó nắm lấy tay Tôm lắc rối rít, vỗ lưng bồm bộp và đứng ngây đó hết khò khè lại nhe răng cười, mồ hôi làm đôi má phúng phính bóng nhẫy lên. “Rất… mừng… được… gặp… em… Tôm!” Cuối cùng, nó nói đứt quãng.
“Cứ bình tĩnh, nhỏ!” Joóc-Gà nói, “Kẻo không có sức mà ăn cỗ”.
“Con … chả… bao… giờ… mệt… đến… không… ăn… được…bố… ạ!”
“Vậy sao không lên ăn đi” Tôm nói, “Chúng mình gặp nhau sau. Bố mấy em đang nói chuyện cần”.
“Thôi… được… lát… nữa… gập… em” Joóc-con nói, không  chờ giục thêm, quay đầu hướng về xóm nô.
“Tốt hơn là ba chân bốn cẳng lên!” Joóc-Gà hò với theo. “Không biết mẹ mầy giữ được bọn em mầy bao lâu để chúng nó khỏi ăn hết dững gì còn lại?”
Nhìn Joóc-con bắt đầu lạch bạch chạy, Tôm và bố ôm bụng cười cho đến lúc nó biến mất ở khúc quành, vẫn tăng tốc độ.
“Tốt hơn là ta cứ tính mười sáu năm nữa, ta mới được tự do” Joóc-Gà nói, hổn hển.
“Sao thế?” Tôm hỏi, chợt lo lắng.
“Cứ cái cách thằng nhỏ nầy phàm ăn thế, chỉ nuôi nó đến lúc í cũng mất đứt một năm thu nhập!”

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley