Dịch giả: Dương Tường
Chương 104

Joóc-Gà đi rồi, số may mắn đi theo và có lẽ cả nghị lực của ông cũng đi nốt, vận của Mexừ Liơ cứ thế tiếp tục suy. Mới đầu, ông ra lệnh cho Joóc-con chuyển sang dành cả thời gian hằng ngày chăm nom gà, song mới đến cuối ngày thứ ba, ông chủ đã thấy các cóng nước ở một số chuồng gà con cạn khô và gã Joóc-con bầu bĩnh, chậm chạp bèn bị tống cổ với những lời đe dọa ghê gớm. Sau đó, đứa con trai út, Luyx, mười chín tuổi, được chuyển từ làm đồng về nhận công việc đó. Để chuẩn bị cho mấy cuộc chọi còn lại trong mùa, giờ đây Mexừ Liơ buộc lòng phải đích thân làm hầu hết công việc bồi sức và luyện gà trước kỳ thi đấu, vì cho đến nay, Luyx hoàn toàn không biết xoay sở ra sao. Cu cậu theo ông chủ đến các cuộc đấu ở nhiều địa phương khác nhau và những ngày ấy, cứ tối đến, gia đình lại tụ tập chờ Luyx về kể lại mọi chuyện xảy ra.
Gà của ông chủ  thua nhiều hơn thắng, bao giờ Luyx cũng nói vậy, và lát sau, lại kể thêm là nó nghe hóng thấy nhiều người nói chuyện công khai rằng ông Tôm Liơ phải tìm cách vay tiền để đánh cá. “Xem vẻ chả mấy ai muốn nói chuyện mấy ông chủ. Họ chỉ nói qua quít hoặc vẫy nhanh một cái rồi tiếp tục đi cứ dư ông bị mắc dịch í”.
“Phải, ôn dịch bắt họ đi, bi giờ chả họ biết là ông í nghèo mà”, Matilđa nói “Ông í xưa nay vưỡn chỉ là cách cơ mà thôi” bà Xerơ sẵng giọng.
“Cái ông già í chưa bao giờ bẳn tính đến thế!” một đêm, bà Malizi kể vậy với đám cử tọa lầm lì. “Ông í sục sặc trong nhà dư con rắn, hò hét và chửi thề nếu bà chủ chỉ nhìn ông í thôi. Và khi ông đi vắng, cả ngày bà í ở trong nhà kêu la rằng bà í thậm chí không bao giờ muốn nghe nói đến gà nữa!”
Matilđa ngồi nghe, lòng cạn khô xúc động qua bao khóc lóc và cầu nguyện từ khi Joóc–Gà của bà đi khỏi. Bà đưa mắt điểm qua mấy đứa con gái ở tuổi vị thành niên và sáu con trai lớn khỏe mạnh trong đó ba đã có vợ con. Rồi tia nhìn đó quay lại ngưng trên người con trai thợ rèn, Tôm, như thể bà muốn anh nói điều gì. Nhưng người nói lại là Lili Xiu, cô vợ bụng chửa của Vơjơl ở đồn điền Cari bên cạnh ghé qua thăm, và giọng cô nặng trĩu lo sợ. “Con chả hiểu rõ ông chủ bên này bằng các bà, dưng mà con cảm thấy ông í sắp làm cái gì thật kinh khủng, chắc chắn dư chúng ta đã sinh ra đời vậy”. Im lặng đè nặng lên họ, không ai muốn phát biểu, sự phỏng đoán của mình, chút ít cũng là không muốn nói ra lời.
Sau bữa điểm tâm sáng hôm sau, bà Malizi lạch bạch từ nhà bếp hớt hải xuống cửa hàng rèn. “Ông chủ biểu cháu thắng yên con ngựa của ông í và dắt nó đi vòng ra cổng trước, Tôm ạ“ bà giục, đôi mắt to rõ ràng là ướt đẫm “Lạy Chúa, nhanh lên cháu, bởi vì những điều ông í nói mí bà cụ chủ tội nghiệp rằng là chả ra sao“. Chẳng nói chẳng rằng, loáng sau, Tôm đã buộc con ngựa thắng yên cương vào một cột cổng vả anh vừa bắt đầu vòng ra mé đại sảnh thì mexừ Liơ lật đật đi qua cửa trước. Mặt đã đỏ gay vì rượu, ông chật vật trèo lên lưng ngựa và phóng đi, ngật ngà ngật ngưỡng trên yên.
Qua một cánh cửa sổ nửa mở nửa khép, Tôm nghe thấy bà chủ Liơ khóc như tim sắp vỡ ra. Cảm thấy bối rối thay cho bà, anh tiếp tục đi qua sân sau đến lán thợ rèn, nơi anh vừa bắt đầu mài sắc một mũi cày bị cùn, đang làm thì bà Malizi lại đến.
“Tôm“, bà nói: “Bà tiêng bố cho cháu biết khéo ông chủ rồi đến tự giết mình mất thôi, ông í cứ dư thế này mãi, gần tám mươi tuổi đầu rồi còn gì“.
“Bà Malizi, bà muốn biết sự thật à“, anh đáp: “Cháu cho rằng cách này hay cách khác đấy chính là điều ông í định làm!“
Mexừ Liơ trở về vào khoảng giữa chiều, theo sau là một người da trắng khác cưỡi ngựa, và từ vị trí quan sát của mình ở nhà bếp và cửa hiệu rèn, cả bà Malizi và Tôm đều ngạc nhiên thấy hai người không xuống ngựa vào đại sảnh nghỉ ngơi uống nước, như trước đây, bao giờ có khách cũng thế. Đằng này, hai con ngựa vẫn tiếp tục phi nước kiệu xuôi con đường sau nhà, hướng về phía khu gà chọi. Không đầy nửa giờ sau, Tôm và bà Malizi thấy người khách phóng nhanh trở lại một mình cặp ở nách một con gà mái chọi sợ hãi kêu cục cục và Tôm đứng ở ngoài, nên có thể nhìn thấy khá gần vẻ giận dữ của người đó khi y phi ngựa qua.
Mãi đến cuộc họp mặt thường lệ của xóm nô đêm hôm ấy, Luyx mới thuật lại những gì thực sự đã xảy ra. “Khi con nghe thấy tiếng ngựa đến“, nó nói, “con cốt sao chắc chắn là ông chủ đã trông thấy mình đang làm việc, rồi mới lẩn ra sau mấy bụi cây, từ chỗ í con biết là có thể nhìn và nghe rõ mọi chuyện.
“Thế, sau khi mặc cả thật găng một hồi, họ đi đến ngã giá một trăm đôla con gà mái chọi đang ấp một lứa trứng í. Rồi con thấy người kia xỉa tền ra đếm, rồi ông chủ đếm lại trước khi bỏ vào túi. Ngay sau đấy bắt đầu một sự hiểu nhầm, tưởng ông chủ biểu dững quả trứng con mái í đang ấp cũng đi kèm luôn vào món hàng í. Thế là ông chủ bắt đầu nguyền rủa dư điên! Ông chạy tới túm lấy con gà nhấc lên và lấy chân giậm nát bét ổ trứng thành một mớ bèo nhèo! Hai người xít nữa đánh nhau, thì bất thình lình người kia giật lấy con gà và nhẩy lên ngựa, miệng hét nếu ông chủ không già khụ dư thế, thì lão ta đã choảng vỡ đầu rồi!“
Mỗi ngày qua đi, nỗi lo lắng băn khoăn của cái gia đình xóm nô càng sâu thêm và ban đêm giấc ngủ khắc khoải không yên vì không biết sắp tới còn có diễn biến gì đáng sợ nữa. Suốt mùa hè cho đến khi bước vào mùa thu năm 1855 ấy, cứ mỗi cơn thịnh nộ của ông chủ, cứ mỗi lần ông đi khỏi nhà hoặc trở về, cả gia đình bất giác lại dồn mắt vào anh chàng Tôm thợ rèn hai mươi hai tuổi, như muốn kêu gọi anh dìu dắt hướng dẫn, nhưng Tôm không đáp ứng. Sang tháng mười một mát mẻ, khi một vụ thu hoạch tốt đẹp trên khoảng sáu mươi lăm âycơ bông và thuốc lá của ông chủ khiến ông có thể bán khá tiền, một hôm thứ bảy vào lúc sẩm tối, Matilđa ngóng ở cửa sổ căn nhà gỗ nhỏ của mình cho đến khi thấy người khách cuối cùng của Tôm rời cửa hiệu rèn, và bà hối hả chạy ra đó, qua kinh nghiệm bao lâu nay, nhìn vẻ mặt mẹ, Tôm biết một điều gì đặc biệt đang làm bà bận tâm.
“Có gì thế mẹ?“ anh vừa hỏi vừa bắt đầu vun lửa trong lò rèn.
“Mẹ đang nghĩ, Tôm ạ. Bi giờ, cả sáu con trai mẹ đều đã thành người nhớn rồi. Con không phải là cả, dưng mà mẹ là mẹ của con, mẹ biết con có đầu óc chín chắn nhất“, Matilđa nói. “Hơn nữa, con là thợ rèn, còn bọn nó là lực điền. Cho nên, xem ra con phải là người lền ông trụ cột của gia đình này từ khi bố con đi đã tám tháng nay...“ Matilđa ngập ngừng rồi thành thật nói thêm, “chí ít cũng đến khi bố về“.
Tôm giật mình kinh ngạc thực sự, vì từ bé đến giờ, anh vẫn là thành viên kín đáo, dè dặt nhất trong gia đình. Mặc dầu tất cả đều sinh trưởng ở đồn điền của mexừ Liơ anh chưa bao giờ trở nên thật gần gũi với ai trong số anh em trai, chủ yếu là vì anh đã phải đi xa mấy năm học nghề thợ rèn và từ khi trở về nhà như một người trưởng thành, anh luôn ở lò rèn, trong khi các anh em trai của anh làm việc ngoài đồng. Anh càng ít tiếp xúc hơn với Vơjơl, Asfođ và Joóc-con vì nhiều lý do khác nhau. Vơjơl, nay đã hai mươi sáu tuổi, có bao nhiêu thì giờ rỗi rãi đều sang đồn điền bên cạnh với cô vợ Lili Xiu và đứa con mới đẻ đặt tên là Iuriơ. Còn Asfođ, hai mươi lăm tuổi thì xưa nay gã với Tôm bao giờ cũng xung khắc và tránh nhau, thêm nữa, Asfođ đã trở nên yếm thế hơn bao giờ hết từ khi ông chủ của cô gái mà gã cay cú muốn lấy từ chối không cho hai cô cậu nhảy chổi, ông ta gọi Asfođ là tên “nhọ kiêu kỳ“. Và anh chàng Joóc-con hăm bốn tuổi, bây giờ rõ là béo ị, cũng đang lao vào mải mê tán tỉnh một chị bếp ở một đồn điền kế cận, gấp đôi tuổi mình, làm cả gia đình dè bỉu rằng cu cậu sẵn sàng cầu hôn bất kỳ ai muốn nhồi đầy dạ dầy mình.
Việc Matilđa bảo Tôm rằng bà coi anh như chủ gia đình càng khiến anh bàng hoàng hơn vì điều đó hàm ý rằng anh sẽ là người trung gian giao thiệp với mexừ Liơ mà anh vốn cố tình lảng xa, rất ít tiếp xúc cụ thể. Từ khi dựng cửa hiệu rèn, ông chủ, chả biết do đâu, bao giờ cũng có vẻ tôn trọng sự dè dặt trầm tĩnh của Tôm, cùng với khả năng hiển nhiên của anh về nghề rèn, nhờ đó khách hàng cứ ùn ùn đến ngày một đông. Bao giờ họ cũng trả ông chủ tại đại sảnh mọi công sá về các việc Tôm đã làm, và mỗi chủ nhật ông chủ phát cho Tôm hai đôla tiền công hàng tuần.
Cùng với tính trầm lặng cố hữu không muốn nói chuyện nhiều với ai, Tôm còn có khuynh hướng ngẫm ngợi đào sâu những ý nghĩ thầm kín. Không ai ngờ rằng trong  hai năm nay, có khi hơn nữa, anh đã xoay đi lật lại trong đầu những điều cha anh mô tả về những triển vọng đáng phấn khởi mà “trên Bắc“ phơi bày trước người dân da đen tự do, và Tôm đã cân nhắc rất kỹ ý định đề nghị với toàn thể gia đình xóm nô là, thay vì chờ đợi thêm hàng bao năm đằng đẵng để cố mua lại tự do, họ nên vạch kế hoạch cẩn thận và tiến hành một cuộc chạy trốn hàng loạt lên miền Bắc. Anh đã miễn cưỡng phải bỏ ý định ấy khi nhận ra rằng bà nội Kitzi hẳn đã ngoài sáu mươi tuổi, và các bà già Xerơ, Malizi, cũng coi như người trong gia đình, đã ngoại thất tuần. Anh cảm thấy ba người này ắt sốt sắng nhất muốn đi khỏi, song anh khó tin có bà nào sống qua được những hiểm nghèo và gian khổ của một nước bài tuyệt vọng như vậy.
Gần đây, Tôm đã thầm suy luận rằng tổn thất vừa rồi của ông chủ trong chọi gà hẳn là còn lớn hơn ông bộc lộ. Tôm đã theo dõi sát mexừ Liơ mỗi ngày một thêm căng thẳng, phờ phạc và già nua, sau mỗi chai uýtxki cạn đến đáy. Nhưng Tôm biết rằng chứng đáng lo nhất về một cái gì bất ổn sâu sắc là theo lời Luyx, đến nay, ông chủ đã bán đi ít nhất là nửa số gà của mình, mà gây được bấy nhiêu giống xoàng ra cũng phải mất nửa thế kỷ.
Rồi Nôen đến và bước sang năm mới 1856, một cái gì như một tấm màng tang chùm khắp, không chỉ riêng trên xóm nô mà trên toàn bộ đồn điền. Rồi một buổi chiều đầu xuân lại một người cưỡi ngựa xuất hiện ở lối vào đồn điền. Mới đầu, bà Malizi đánh giá y là một khách mua gà nữa. Nhưng rồi thấy ông chủ đón chào người này một cách khác hẳn, bà đâm lo. Mỉm cười và tán chuyện với người khách trong khi y xuống ngựa, ông chủ hét Joóc-con đứng gần đấy sai cho ngựa ăn, uống và dắt vào chuồng ngủ đêm, rồi mexừ Liơ ân cần hộ tống y vào nhà.
Ngay cả trước khi bà Malizi bắt đầu dọn bữa tối, ngoài xóm nô mọi người đã lo sợ hỏi nhau “Muốn gì đi nữa, cái người này là thế nào nhỉ?“... “Trước nay chưa thấy y ta bao giờ cả!“...“Gần đây, chả lần nào, ông chủ tiếp khách dư vậy!“...“Thế các người đoán y ta đến đây làm gì?“. Họ gần như không đủ kiên nhẫn chờ bà Malizi đến thông báo tình hình.
“Họ nói chuyện gỉ, chuyện gì tôi nghe chả đâu vào đâu cả“, bà nói “Có thể là vì có bà cụ chủ ở ngay đấy“. Rồi bà Malizi nói tiếp, nhấn giọng: “Dưng mà, muốn thế nào thì thế, tui không sao ưa được cái vẻ của người này! Tui đã thấy nhiều kẻ giống dư hắn, mắt liếc ngang liếc dọc, lại cố làm ra vẻ ta đây kẽ giờ, mà thực ra không phải là thế“.
Hàng chục đôi mắt ở xóm nô đang giám sát các cửa sổ ở đại sảnh thì những di động hiển nhiên của ngọn đèn nói lên rằng bà chủ Liơ đã để hai người đàn ông ở lại phòng khách và lên gác đi ngủ. Ngọn đèn phòng khách vẫn còn cháy sáng khi người cuối cùng trong gia đình xóm nô thôi không gác nữa và về giường ngủ, sợ tới giờ kẻng báo thức lúc rạng đông.
Trước bữa điểm tâm, vừa có dịp là Matilđa kéo riêng người con trai thợ rèn ra một chỗ. “Tôm, đêm qua không có dịp nào để nói riêng mấy con, mới lị mẹ chả muốn làm mọi người sợ chết khiếp, cơ mà bà Malizi biểu mẹ là bà nghe thấy ông chủ nói ông phải giả hai văn tự cầm nhà và bà Malizi biết ông chủ hồ dư không có lấy một xu! Mẹ cảm thấy đến tận đầu ngón tay rằng cái lão da trắng í là một lái buôn nhọ!“.
“Con cũng vậy“ Tôm nói gọn. Anh im lặng một lát “Mẹ ạ, con nghĩ với một ông chủ nào khác, chúng ta lại có thể khá khấm hơn đấy, có nghĩa là chừng nào tất cả chúng ta còn sum họp. Đấy là lo lắng lớn nhất của con“.
Thấy những người khác bắt đầu ra khỏi lều để đi làm buổi sáng, Matilđa vội bỏ đi, để khỏi làm họ hốt hoảng không cần thiết bởi việc tiếp tục câu chuyện.
Sau khi bà Liơ bảo Malizi là mình đau đầu, không ăn điểm tâm, ông chủ và người khách đánh một bữa sáng ngon lành, rồi bước ra sân trước, chụm đầu chuyện trò sôi nổi. Hồi lâu, họ dạo quanh đại sảnh, vào sân sau, rồi cuối cùng tới chỗ Tôm đang thụt chiếc bễ làm lấy, phun những tia lửa vàng vàng bay lên lò rèn trong đó có hai tấm sắt bẹt đang được nung gần tới độ nóng cần thiết để gò thành bản lề cửa. Trong mấy phút liền, hai người đứng theo dõi sát Tôm dùng chiếc kìm cán dài lấy những tấm sắt đỏ rực ra. Sau khi khéo léo gấp chính giữa tấm sắt đó, quấn thật chặt quanh một chiếc cần làm khuôn cắm vào lỗ đục của cái đe mang nhãn hiệu Fisơ Norix, tạo thành ống bản lề, anh tiếp tục đục ba lỗ bắt vít vào mỗi tấm. Nhấc cái đục nguội chuôi ngắn và cái búa bốn “pao“ tự rèn lấy ưa thích của anh, Tôm cắt những lá sắt thành những bản lề hình chữ H mà một khách hàng đã đặt, luôn tay luôn chân làm việc tựa hồ không biết đến sự có mặt của hai người đang quan sát anh.
Cuối cùng mexừ Liơ nói:“Nó là một tay thợ rèn cừ ra trò, chính tôi cũng phải nói thế“, ông lấy giọng tự nhiên.
Người kia ầm ào tán thành. Rồi y bắt đầu đi quanh trong lán rèn, ngó nhìn những dẫn chứng nhan nhản về kỹ năng của Tôm treo ở những chiếc đinh và chốt. Đột nhiên y hỏi thẳng Tôm: “Chú mày bao nhiêu tuổi?“
“Thưa ông, bi giờ là sắp hăm ba“.
“Chú mày có mấy con?“
“Thưa ông, tui chưa vợ“
“Một gã trai to, khỏe như chú mày thì chả cần vợ cũng có con rải rác khắp nơi“.
Tôm chẳng nói chẳng rằng, thầm nghĩ có biết bao con cái người da trắng rải rác khắp các xóm nô.
“Có thể chú mầy là một nhọ thực sự ngoan đạo chăng?“
Tôm biết người này đang tìm cách moi chuyện anh vì một lý do gì đó - gần như chắc chắn là nhằm đánh giá để mua anh. Anh nói sắc gọn: “Tui chắc mexừ Liơ đã nói mấy ông bày tui ở đây hầu hết là một gia đình, mẹ tui, bà tui và các anh chị em tui và các cháu tui. Bầy tui ai nấy đều được dạy dỗ tin ở Thượng đế và Kinh Thánh, thưa ông“.
Mắt người nọ nheo lại: “Vậy chứ ai trong bọn chú mầy đọc Kinh Thánh cho mọi người khác nghe?“.
Tôm chả dại gì cho người lạ mặt mang điềm gở này biết rằng cả bà nội lẫn mẹ mình đều biết đọc. Anh nói: “Tui cho rằng bọn tui trong khi nhớn lên ai nấy đều nghe Kinh Thánh nhều đến nỗi đâm thuộc lòng, thưa ông“.
Có vẻ yên tâm, người nọ quay lại chuyện lúc đầu: “Chú mầy liệu có thể lo toan công việc rèn ở một đồn điền lớn hơn thế này nhiều không?“
Cũng bình tĩnh như lúc họ đến, ông chủ và người khách của mình bỏ mặc Tôm tức sôi sùng sục; họ vừa mới hướng ra đồng thì bà già Malizi đã từ nhà bếp hớt hơ hớt hải đến: “Vậy chớ dững người lền ông í nói gì thế, Tôm? Bà chủ thậm chí không dám nhìn vào mắt tao nữa“.
Cố gắng ghìm giọng, Tôm nói: “Sắp có sự bán chác gì đây, bà Malizi ạ, có thể là tất cả chúng ta, dưng mà cũng có thể chỉ mình cháu thôi“. Bà Malizi oà lên khóc và Tôm lắc mạnh vai bà. “Bà Malizi, việc gì phải khóc. Dư cháu biểu với mẹ cháu, khéo đến nơi mới chúng ta lại khấm khá hơn ở đây mấy ông í cũng nên“. Nhưng tha hồ cố gắng, Tôm vẫn không sao làm cho bà già Malizi nguôi buồn phiền.
Cuối ngày hôm đó, những người khác ở ngoài đồng về, các anh em trai của Tôm mặt lầm lầm, u ám giữa đám phụ nữ rên khóc sướt mướt. Tất cả lập tức kể lại chuyện ông chủ cũng đã dẫn khách ra quan sát họ làm việc như thế nào, rồi người lạ mặt đi từ người nọ đến người kia đặt những câu hỏi khiến không ai còn có thể nghi ngờ gì về viêc họ đang được đánh giá để đem bán.
Đến gần sáng thì ba người trong đại sảnh không thể không nghe tiếng náo động mỗi lúc một tăng do nỗi đau buồn và kinh hãi dâng lên trong đám mười bảy con người ở xóm nô; cuối cùng, phần lớn những người đàn ông cũng phản ứng một cách cuồng loạn như phụ nữ, họ đâm lây nhau lên cơn túm lấy, ghì chặt lấy bất kỳ ai ở gần mình nhất mà la trời rằng chẳng bao lâu sẽ không còn được thấy nhau nữa. “Lạy Chúa xin cứu chúng con khỏi sự áááác nầy“, Matilđa thất thanh cầu nguyện.
Sáng ra, Tôm rung chuông báo thức với một dự cảm về sự tận thế.
Bà già Malizi đi qua bên anh, tất cả đến nhà bếp đại sảnh sửa soạn bữa điểm tâm. Chưa đầy mười phút sau, bà ì ạch quay lại xóm nô, bộ mặt đen căng thẳng vì một cơn choáng váng mới và lại nhễ nhượi nước mắt: “Ông chủ biểu không ai được đi đâu. Ông biểu khi nào ông điểm tâm xong, tất cả phải tập họp ngoài này“...
Cả bác Pompi già khụ, ốm liệt cũng được đặt trong ghế khiêng ra khỏi lều khi mọi người tập họp, kinh hoàng.
Lúc mexừ Liơ và người khách quành mé đại sảnh, dáng đi chệch choạng của mexừ Liơ nói với mười bảy đôi mắt rằng ông ta còn quá chén hơn mọi khi nữa và hai người dừng lại khoảng bốn mét trước đám dân xóm nô, ông chủ bèn lớn tiếng, giận dữ, líu cả lưỡi:
“Bọn nhọ các người bao giờ cũng thò mũi vào công việc của ta, cho nên các người chẳng lạ gì là cái đồn điền này sắp đổ vỡ. Các người là gánh nặng quá lớn, ta không đương nổi nữa, cho nên ta phải bán bớt cho quý ông đây“...
Thấy tất cả đồng thanh la hét, rền rĩ, người kia khoa tay thô bạo “Im mồm! Đã làm ỏm tỏi lên như thế từ đêm qua rồi còn chưa đủ à?“ Y đưa mắt lướt qua lướt lại hàng người cho đến khi họ im lặng. “Ta đây không phải loại buôn nhọ bình thường. Ta là đại diện cho một trong những hãng lớn nhất, xộp nhất trong ngành. Chúng ta có các chi nhánh, có tàu để giao nhọ theo đơn đặt hàng, đi đi về về giữa Richmơnd, Saletơn, Memphix, và Niu Oliânz...“.
Matilđa thốt ra nỗi khắc khoải đầu tiên trong tâm trí của tất cả: “Thưa ông chủ, chúng cháu sẽ được bán cùng cả loạt chứ ạ?“.
“Ta đã bảo các ngươi im cái mồm! Rồi các ngươi sẽ biết. Ta khỏi cần nói ông chủ các ngươi đây là một quý ông chân chính, cũng như phu nhân đôn hậu trên nhà kia đang khóc nẫu cả lòng vì những bộ da đen của các ngươi. Nếu đem bán lẻ bọn các ngươi, ông bà đây ắt được nhiều tiền hơn, nhiều hơn nhiều". Y đưa mắt nhìn Kitzi-bé và Meri đang run bần bật. "Hai đứa nữ này, ngay bây giờ chúng bay đã có thể bắt đầu sinh sản những tí nhau nhọ đáng bốn trăm trở lên một đứa". Cái nhìn của y đặt lên Matilđa. "Ngay cả như nhà chị cũng đã khá già, nhà chị cũng biết nấu nướng, chị nói thế mà. Dưới miền Nam hiện nay, một đầu bếp giỏi giá từ nghìn hai đến nghìn rưởi". Y nhìn Tôm. "Cứ cái đà giá cả đang lên bây giờ, theo ta, một gã thợ rèn đang trai có thể dễ dàng bán được hai nghìn rưởi, thậm chí tới ba nghìn, nếu gặp người nào muốn có chú mày để thu hút khách hàng như chú mày đang làm ở đây!" Đôi mắt y lướt trên năm anh em trai của Tôm, từ hai mươi đến hai mươi tám tuổi. "Còn bọn trai lực điền này, mỗi đứa phải đáng giá từ chín trăm đến một nghìn"... Cha lái buôn nô lệ ngừng lại để gây hiệu quả. "Nhưng các ngươi quả là một bọn nhọ may mắn! Bà chủ các ngươi một mực đòi là các ngươi phải được bán cả cụm và ông chủ các ngươi đã đồng ý!".
"Cảm ơn bà chủ! Cảm ơn Chúa Jêxu!" Bà nội Kitzi kêu lên. "Sáng danh Thượng đế!" tiếng Maltiđa lanh lảnh.
"IM MỒM!" Cha lái buôn nô lệ giận dữ khoa tay. "Ta đã hết sức cố gắng thuyết phục ông bà ấy làm khác mà không được. Cũng là tình cờ mà hãng của ta lại có một số khách hàng có một đồn điền thuốc lá ở cách đây không xa. Ngay gần công ty xe lửa Bắc Carôlina ở quận Hơmex. Họ cần một gia đình nhọ cùng sống chung, không gây rắc rối, không có kẻ nào trốn chạy hoặc chuyện gì đại loại như thế, và có kinh nghiệm lo toan mọi việc ở chỗ của mình. Sẽ không cần phải đem các ngươi bán đấu giá. Ta được dặn là không phải xiềng các ngươi, không phải làm điều gì đại loại như thế, trừ phi gặp chuyện rầy rà!" Y lạnh lùng nhìn suốt lượt. "Thôi được, bắt đầu ngay từ bây giờ tất cả bọn các ngươi vừa nghe ta nói chuyện, hãy tự coi mình là nhọ của ta cho đến khi ta đưa các ngươi tới nơi tới chốn. Ta cho các ngươi bốn ngày để thu xếp gói ghém đồ đoàn. Sáng thứ bảy, chúng ta sẽ cho một số xe tải chở các ngươi đến quận Alơmenx".
Vơjơl là người đầu tiên thốt lên bằng một giọng rã rời: "Còn Lili Xiu mấy con nhỏ của tui ở đồn điền Cari thì sao? Ông cũng mua luôn thể chứ, thưa ông?".
Tôm bật ra: "Và còn bà nội chúng tui, bà Xerơ và bà Malizi và cụ Pompi? Cũng là gia đình cả, sao ông không nhắc đến"...
"Ta không có ý định ấy! Ta không thể mua tất cả các ả mà một gã trai vớ được để tòm tem cho khỏi cảm thấy cô đơn!" cha lái buôn nô lệ kêu lên mỉa mai. "Còn như đám già thân tàn ma dại này, họ đi còn không nổi nữa là làm việc, chả khách nào thèm mua họ? Nhưng ông Liơ tốt bụng đã bằng lòng để cho họ tiếp tục lê lết ở quanh đây".
Giữa những tiếng kêu, khóc òa lên, Bà Nội Kitzi nhảy ra ngay trước mặt mexừ Liơ nói như rứt từng tiếng ra khỏi cổ họng: "Ông đã đẩy chính con giai ông đi rồi, chả nhẽ tui không thể chí ít là được ở mấy lũ cháu ư?" Thấy mexừ Liơ vội vã nhìn đi chỗ khác, bà cụ sụm xuống đất, những cánh tay trẻ, khỏe nắm lấy và đỡ bà dậy trong khi các bà già Malizi và Xerơ gần như đồng thanh tru lên: "Ông chủ, tui chỉ còn có bọn nó là gia đình thôi!"... "Tôi cũng thế, thưa ông chủ! Bầy tui sống cùng nhau đã năm mươi năm có lẻ!" Bác Pompi già khụ tàn phế thì chỉ ngồi, không đủ sức đứng dậy khỏi ghế, nước mắt ròng ròng trên má, nhìn thẳng trước mặt như mất hồn, môi mấp máy như cầu nguyện.
"IM MỒM". Lão lái buôn nô lệ hét. "Ta bảo các ngươi lần chót đấy. Rồi các ngươi sẽ mau chóng thấy ta biết cách trị nhọ như thế nào!".
Cặp mắt Tôm tìm kiếm và trong một thoáng chốc, quyện lấy luồng mắt mexừ Liơ và Tôm lựa lời nói, giọng khàn đi: “Thưa ông chủ, chúng cháu rành là khổ tâm thấy ông gặp sự không may, và chúng cháu biết sở dĩ ông bán chúng cháu chỉ là vì ông buộc lòng phải làm thế mà thôi...”.
Mexừ Liơ có vẻ gần như cảm kích, rồi mắt ông lại cụp xuống và mọi người phải cố gắng mới nghe rõ lời ông. “Phải ta chẳng hiềm ghét gì đứa nào trong bọn bay, nhỏ ạ...” ông lưỡng lự. “Tình thật, thậm chí còn có thể nói bọn bay là những tên nhọ tốt, phần hết bọn bay đều sinh ra và lớn lên ngay trên đất của ta”.
“Thưa ông chủ”, Tôm dịu dàng cầu xin, “nếu các người ở quận Alơmenx không nhận các cụ già trong gia đình chúng cháu, liệu ông có thể để cho cháu mua các cụ từ tay ông được không? Người này vừa nói các cụ chả đáng bao tền, cháu xin giả ông tốt giá. Cháu sẽ quỳ gối xin ông chủ mới để cho cháu kiếm chút việc rèn thuê ở ngoài, có thể là làm cho cái đường sắt í, và các anh em trai cháu cũng làm mướn góp thêm vào nữa, thưa ông?” Tôm van vỉ một cách khốn khổ, lúc này nước mắt bắt đầu chảy xuống má. “Thưa ông chủ, làm được ngần nào, chúng cháu xin gửi ông tất cả cho đến khi chúng cháu giả hết khoản tền mua bà nội chúng cháu, mấy lại ba cụ già kia nữa cũng là gia đình chúng cháu, ông đòi bao nhiêu chúng cháu xin giả chừng nấy. Tất cả chúng cháu đã no đói có nhau, rành là chúng cháu tha thiết muốn ở bên nhau, thưa ông chủ...”.
Mexừ Liơ đã cứng rắn hơn. Nhưng ông nói: “Thôi được! Giả ta mỗi mống ba trăm đôla, ta để cả cho”... ông giơ tay lên ngăn lại, trước khi nỗi vui mừng của họ kịp bùng ra trọn vẹn. “Hãy khoan! Họ còn phải ở lại đây đến khi nào ta nhận đủ tiền”.
Giữa những tiếng rền rĩ và nức nở, giọng Tôm vọng đến xa vắng “Xét mọi bề, bầy tui ngỡ có thể trông chờ ở ông nhiều hơn thế, ông chủ ạ”.
“Đưa chúng ra khỏi đây, ông lái!” ông chủ quát. Và quay gót, đi nhanh về phía đại sảnh.
Trở về xóm nô tuyệt vọng cùng đường, cả các bà già Malizi và Xerơ cũng tham gia vào an ủi Bà Nội Kitzi. Bà ngồi trong chiếc ghế đu do Tôm làm cho bà, giữa sự nháo nhác của gia đình xúm lại ôm ghì, hôn hít bà, tưới đẫm nước mắt lên bà. Tất cả đều khóc.
Từ một nguồn nghị lực nào đó, bà lão tìm ra được sức mạnh, lòng can đảm để gắt lên, giọng khàn khàn: “Chúng bay đừng có rối lên thế! Bà mấy Xerơ, Malizi, mấy lị Pompi chỉ việc ở đây chờ Joóc cho đến khi nó trở về. Chả còn mấy lâu nữa, đã gần hai năm rồi. Nếu nó không đủ tền mua bọn tau, thì bà chắc cũng chả mất thêm nhiều thời gian để Tôm mấy cả bọn con trai chúng mầy sẽ...”.
Asfođ nghẹn ngào: “Vâng thưa bà, chúng cháu nhất định sẽ làm được!” Bà mỉm cười nhợt nhạt với Asfođ, với tất cả mọi người. “Còn một điều nữa,” Bà nội Kitzi nói tiếp, “bất kỳ đứa nào trong bọn bay có thêm con trước khi bà gặp lại bọn bay, chớ có quên kể lại cho chúng nghe về các cụ đẻ ra tau, về mẹ tau là Bel và bố tau người Phi tên là Kunta Kintê, tức là cụ tổ năm đời của các con bọn bay! Nghe bà đây! Hãy kể cho chúng nghe về bà, về Joóc của bà, về chính các cháu nữa! Và kể dững đều chúng ta đã phải trải qua giữa nhều ông chủ khác nhau. Kể cho con cái nghe tất cả, cho chúng biết tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng là ai!”.
Giữa một hợp xướng xụt xà xụt xịt những tiếng “Nhất định chúng con sẽ làm thế”... “Chúng con sẽ không bao giờ quên đâu, Bà Nội ạ”. Bà lão đưa tay quờ những khuôn mặt ở gần mình nhất “NÍN ngay! Mọi sự rồi sẽ tốt đẹp! Nín ngay, bà đã biểu các con mà! Bọn bay sắp sửa trút ngập nước mắt làm trôi bà ra khỏi cửa bây giờ!”.
Thế rồi, cách nào đó, bốn ngày cũng trôi qua, những người phải ra đi đã gói ghém hành trang và cuối cùng, sáng thứ bảy đã tới. Ai nấy đều thao thức suốt đêm. Lặng lẽ hầu như không thốt ra lời nào, họ tập hợp lại, tay nắm tay chăm chăm nhìn mặt trời lên. Cuối cùng, đoàn xe tải tới. Lần lượt, những người ra đi quay lại lặng lẽ ôm hôn những người ở lại.
“Bác Pompi đâu?” có người hỏi.
Bà Malizi nói: “Tội nghiệp ông già đêm qua biểu bà là ông ấy không chịu nổi phải thấy tất cả các cháu đi...”.
“Dù thế nào cháu cũng phải chạy vào hôn ông!” Kitzi-bé kêu lên và chạy về phía căn nhà gỗ nhỏ.
Một lát, bỗng thấy tiếng cô bé: “ÔI, KHÔNG!”.
Những người khác, đang đứng dưới đất hoặc nhảy từ trên xe xuống, vội lao tới. Ông già đang ngồi trên chiếc ghế tựa của mình. Và ông đã chết.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley