Dịch giả: Dương Tường
Chương 113

Chiều muộn hôm Tết dương lịch năm 1863, Matilđa chạy như bay vào xóm nô. “Các con có trông thấy cái tay da trắng vừa mới cưỡi ngựa đến đây không? Các con chả tin được đâu. Y ta đang rủa xả ở trong kia, biểu mấy ông chủ là vừa có tin theo đường dây điện tín hỏa xa báo rằng Tổng thống Lincôn đã ký Tuyên bố Rải phóng cho chúng ta được tự do!”.
Cái tin phấn khởi ấy khiến những người da đen thuộc sở hữu của Marê, cũng như hàng triệu người khác như họ, vui sướng như điên trong những căn lều của họ... nhưng mỗi tuần qua đi, sự hoan hỉ chờ đợi tự do giảm dần, teo đi và cuối cùng quắt lại thành một nỗi thất vọng mới, vì thực tế càng trở nên rõ ràng rằng trong cái vùng ngày càng đẫm máu, tan hoang của khối Liên Minh, lệnh của Tổng thống Lincôn, chỉ thổi bùng thêm sự khinh ghét cay đắng đối với ông mà thôi.
Nỗi thất vọng ở xóm nô của đồn điền Marê sâu sắc đến nỗi mặc dù Tôm thi thoảng vẫn báo tin quân Yanki thắng những trận lớn, kể cả việc đánh chiếm Atlanta, mọi người vẫn từ bỏ hy vọng được tự do; cứ thế cho đến cuối năm 1864, một bữa Tôm hớn hở khác thường, gần hai năm nay chưa thấy anh phấn khởi thế bao giờ. Anh nói các khách hàng da trắng của anh đã mô tả hàng nghìn lính Yanki giết người cướp của, đông không kể xiết, dăng hàng tiến quân dài tới năm dặm, dưới sự chỉ huy của một tên tướng Sơman điên cuồng nào đó, đã tàn phá bang Jojiơ như thế nào. Mặc dù trước đây đã nhiều lần vỡ mộng, gia đình khó lòng dẹp được niềm hy vọng tự do mới được nhóm lại khi Tôm thông báo thêm tin tức vào những đêm sau.
“Tuồng dư quân Yanki không chừa lại tí gì! Đám da trắng chưởi họ đốt sạch cả đồng ruộng, đại sảnh, chuồng ngựa! Họ giết cả la, nấu thịt bò và mọi thứ khác ăn được! Dững thức gì họ không đốt không ăn được thì họ phá béng mấy lại cướp bất cứ cái gì mang theo được!” Và nghe nói dân nhọ ào hết ra rừng, ra đường cái, đông dư kiến, bỏ đồn điền, bỏ các ổng chủ, đi theo quân Yanki đến nỗi chính cái ông tướng Sơman í phải xin họ trở về chỗ cũ!”.
Rồi không lâu sau khi cuộc tiến quân thắng lợi của bên Yanki tràn tới bờ biển, Tôm hổn hển báo tin: “Saletơn mất rồi!”... và sau đó là: “Tướng Grant đã chiếm Richmơn!”... và cuối cùng, tháng 4 năm 1865: “Tướng Li đã đầu hàng, nộp toàn bộ quân đội “Liên Minh!” Miền Nam đã chịu thua!”.
Niềm hân hoan vui sướng ở xóm nô giờ đây thật không lấy gì đo nổi khi họ ùa ra qua sân trước đại sảnh và ngược lên lối vào, tới đường cái lớn để hòa vào hàng trăm người đã kéo đến đó, tíu tít như đèn cù, nhẩy cẫng, nhún lên nhún xuống, hò la, gào hú, hát ca, thuyết giảng, cầu nguyện. “Tự do, lậy Chúa, tự do!”... “Đội ơn Chúa toàn năng, cuối cùng, tự do đã đến!”.
Nhưng rồi trong vòng mấy ngày, tinh thần hội hè hoan lạc lại chìm vào tang tóc và sầu đau sâu sắc với cái tin sét đánh về vụ ám sát Tổng thống Lincôn. “Đạạại ááác!” Matilđa rít lên trong khi cả gia đình khóc quanh bà cùng với hàng triệu người như họ đã tôn kính vị Tổng thống hy sinh như đấng cứu tinh Môixe.
Rồi sang tháng năm, như đang xảy ra ở khắp miền Nam thất trận mexừ Marê triệu tập tất cả nô lệ trong sân trước đại sảnh. Khi đã tập hợp thành một hàng ngang, họ thấy khó nhìn thẳng vào bộ mặt bàng hoàng, chảy dài của ông chủ, của bà Marê khóc sướt mướt và của vợ chồng Lão Joóc Jonxơn vốn dĩ cũng thuộc nòi da trắng. Thế rồi, bằng một giọng đau đớn, mexừ Marê chậm rãi đọc tờ giấy cầm trong tay báo rằng miền Nam đã thua cuộc chiến tranh. Thấy khó nén được ngẹn ngào trước cái gia đình da đen đứng dưới đất đối mặt ông, ông nói: “Tôi nghĩ thế nghĩa là tất cả các người đã tự do như chúng tôi. Các người có thể đi khỏi nếu các người muốn, có thể ở lại nếu các người muốn thế, và nếu ai ở lại, chúng tôi sẽ cố gắng đãi một cái gì...”
Những người da đen thuộc sở hữu của Marê lại bắt đầu nhảy nhót, hát ca, cầu nguyện, la hét: “Chúng ta được tự do!”... “Rốt cuộc, thế là tự do!”... “Tạ ơn Người, Đức Chúa Jêxu!”. Tiếng reo mừng như điên bay đi, lọt qua khung cửa mở của căn nhà gỗ nhỏ nơi Iuriơ, con trai của Lili Xiu, năm nay lên tám, đang nằm sốt mê man từ mấy tuần nay. “Tự do! Tự do!” nghe thấy vậy, Iuriơ bật dậy khỏi giường nằm, sôi sục, chiếc áo ngủ phất pha phất phới; đầu tiên, nó chạy ra chuồng lợn: “Lũ lợn kia, đừng ủn ỉn nữa, chúng mầy được tự do rồi! Nó nhào tới chuồng bò: “Lũ bò cái kia, đừng cho sữa nữa chúng mầy tự do rồi! – và cả TAO cũng thế!”.
Nhưng đêm hôm ấy, sau khi mọi người đã mệt lử không còn sức để reo mừng, Tôm tập hợp đại gia đình trong chuồng ngựa để bàn bạc xem giờ đây, khi “cái tự do” bao lâu mong đợi đã đến, họ cần phải làm gì. “Tự do sẽ không nuôi sống chúng ta, nó chỉ để cho chúng ta tự ý quyết định xem cần làm gì để có cái ăn”. Tôm nói. “Chúng ta phải có nhều tền, mà ngoài tôi làm rèn mấy mẹ nấu bếp, nhà ta chỉ biết mỗi việc làm đồng mà thôi”, anh đánh giá cái thế khó xử của gia đình.
Matilđa thuật lại là mexừ Marê đã đề nghị bà thuyết phục mọi người cân nhắc ý kiến của ông đưa ra là phân mảnh đồn điền ra và ai muốn làm rẽ thì chia đôi hoa lợi. Một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra. Nhiều người lớn trong gia đình muốn rời đi thật nhanh, càng sớm càng tốt, Matilđa phản đối. “Mẹ muốn gia đình ta đây tiếp tục xum vầy. Bi giờ thử bàn về chuện di chuyển nhá, phí dụ chúng ta bỏ đi, thế rồi bố Joóc-Gà của các con giở về, không có ai biểu cho bố biết chúng ta đi đằng nào thì sao!”.
Mọi người im lặng khi Tôm ngỏ ý muốn nói: “Tui xin nói mấy cả nhà nữa là làm sao chúng ta chưa thể bỏ đi được – là vì chúng ta chưa chuẩn bị gì cả, thế thôi. Khi nào chúng ta chuẩn bị xong xuôi, tôi sẽ là người đầu tiên đòi đi”. Cuối cùng, đa số chịu là Tôm nói phải và cuộc họp gia đình giải tán.
Nắm tay Airin, Tôm cùng vợ đi dưới ánh trăng về phía cánh đồng. Nhẹ nhàng nhảy qua một hàng rào, anh bước những bước dài, ngoặt theo một góc chín mươi độ, khoanh một hình vuông, rồi sải cẳng trở về chỗ hàng rào anh nói: “Airin, chỗ này sắp sửa là của chúng mình!” Chị khe khẽ nhắc lại lời anh: “của chúng mình!”.
Trong vòng một tuần, các đơn vị riêng rẽ của gia đình làm phần ruộng của mình. Một buổi sáng, Tôm đã rời khỏi lò rèn đi đến giúp sức các anh em trai, thì chợt nhận ra một người cưỡi ngựa lũi thũi trên đường cái là lão cựu thiếu tá kỵ binh Kêitz, quân phục tả tơi, ngựa thì tập tà tập tễnh. Kêitz cũng nhận ra Tôm và thúc ngựa lại gần hàng rào, lão ghìm cương lại: “Ê, nhọ, mang cho ta gáo nước!” lão gọi. Tôm tới chỗ xô nước. Anh múc đầy gáo và bước lại đưa nó cho Kêitz. “Tình hình bi giờ thay đổi rồi, ông Kêitz ạ”, Tôm điềm đạm nói. “Sở dĩ tui mang cho ông gáo nước nầy chỉ là vì bất kỳ ai khát, tui cũng cho uống, chớ không phải vì ông quát tháo đâu. Tui muốn ông phải hiểu rõ điều í”.
Kêitz đưa trả lại chiếc gáo. “Cho ta gáo nữa, nhọ”. Tôm cầm chiếc gáo, bỏ trở lại vào xô nước và bước đi không thèm ngoái nhìn lại.
Nhưng khi một kỵ mã khác vừa hú vừa phóng nước đại theo đường cái, với một chiếc mũ quả dưa đen nhàu nát rất dễ nhận ra bên trên một chiếc khăn quàng xanh bạc thếch, thì mọi người ngoài đồng ào ào chạy cả về xóm nô: “Mẹ ơi, bố về! Bố về!” Khi con ngựa vào tới sân, các con trai Joóc-Gà kéo phăng ông kiệu lên vai và kéo đến trước mặt Matilđa chan hòa nước mắt.
“Làm sao mà lại khóc rống lên thế, mụ?” ông giả vờ bất bình hỏi, đồng thời ôm ghì lấy bà như không muốn buông ra nữa, nhưng cuối cùng ông cũng rời khỏi bà lớn tiếng bảo gia đình tập hợp lại và im lặng. “Rồi sau, bố sẽ kể cho cả nhà nghe bố đã đi dững đâu, làm dững gì từ khi chúng ta xa nhau”, Joóc-Gà oang oang. “Dưng ngay bi giờ bố phải cho các con biết cả nhà ta sắp cùng nhau đi đến đâu sum vầy!”. Trong không khí im lặng tưởng chừng nghe thấy cả tiếng kim rơi và với khiếu kịch bẩm sinh, Joóc-Gà kể là ông đã kiếm được cho cả nhà một khu định cư ở miền Tây Tennexi và những người da trắng vùng này đang nóng ruột chờ họ đến giúp sức xây dựng một thị xã.
“Nói cho cả nhà biết cái nầy nhé! Đất ở chỗ chúng ta sắp đến đen nhánh và mầu mỡ đến nỗi cắm một cái đuôi lợn con xuống, sẽ mọc lên cả con lợn í... đêm đến thì khó mà ngủ được vì dưa hấu nhớn nhanh đến nỗi cứ nứt đôm đốp dư pháo nổ. Có những con ôpốt[1] nằm ềnh dưới gốc cây, béo ục ịch không đi nổi, nước ngọt ở cây nhỏ xuống đặc dư mật...!”.
Gia đình phấn khởi nhộn nhạo như điên, không để ông nói nốt. Trong khi một số chạy đi khoe những người khác ở các đồn điền bên cạnh, chiều hôm ấy Tôm bắt đầu lập kế hoạch sửa một chiếc xe làm đồng thành một chiếc “Róccơuê [2] có mui, mà mười chiếc như thế có thể đưa tất cả các đơn vị trong gia đình đến chỗ mới nọ. Nhưng đến lúc mặt trời lặn, khoảng một tá người khác, chủ các gia đình mới được giải phóng, đã kéo tới – không phải là xin, mà đòi hỏi cho các gia đình của họ cùng đi – họ là những người da đen ở các đồn điền Hâut, Fitzpat'rie, Pơm, Têilơ, Rait, Lêik, Mêcgrigo... thuộc quận Alơmenx.
Trong hai tháng ráo riết hoạt động tiếp theo, cánh đàn ông đóng xe “Róccơuê”. Phụ nữ mổ thịt gia súc, nấu nướng, đóng hộp và sấy thức ăn để đi đường và chọn những thứ tối cần thiết để mang theo. Ông già Joóc-Gà đi quanh giám sát mọi hoạt động, rất thích vai trò chính của mình. Lại có thêm những gia đình mới được giải phóng xúm đến quanh tìm Tôm tình nguyện giúp một tay và cam đoan sẽ nhanh chóng lấy xe tải riêng để làm thành xe “Róccơuê” của gia đình. Cuối cùng anh tuyên bố tất cả những ai muốn đều có thể đi – nhưng mỗi đơn vị gia đình chỉ được một chiếc “Róccơuê” thôi. Cuối cùng, khi hai mươi tám chiếc xe đã được chất đồ lên và sẵn sàng lăn bánh vào rạng sáng hôm sau, với một cảm giác kỳ lạ vừa buồn vừa bình thản, đám người mới được tự do tha thẩn đi quanh, khe khẽ sờ vào những vật quen thuộc, chậu rửa bát, cọc rào..., biết rằng đó là lần cuối cùng.
Trong nhiều ngày, những người da đen ở đồn điền Marê chỉ loáng thoáng thấy vợ chồng ông chủ. Matilđa khóc: “Lậy Chúa, tui thật không muốn nghĩ đến cái nông nỗi mà ông bà í đang phải trải qua, tui thề là thế!”.
Tôm đã rút vào trong xe mình để nghỉ đêm thì chợt nghe thấy tiếng gõ nhẹ ở cửa phía sau. Không hiểu sao, anh biết ngay đó là ai, ngay trước cả khi mở tấm che hậu. Lão Joóc Jonxơn đứng đó, mặt nhăn nhó vì xúc động, hai tay vặn vẹo chiếc mũ: “Tôm... tôi muốn nói một câu với anh... nếu anh có thì giờ...”.
Tụt xuống khỏi xe, Tôm đi theo lão Joóc Jonxơn một quãng dưới ánh trăng. Cuối cùng, khi lão Joóc dừng lại, gã nghẹn ngào vì bối rối và xúc động, khó khăn lắm mới nói lên lời: “Tôi và Mathơ đã bàn... xem ra chúng tôi chỉ có các anh các chị là người thân mà thôi. Tôm ạ, chúng tôi băn khoăn không biết các anh các chị có để cho chúng tôi đi theo không?”.
Một lát sau, Tôm mới nói: “Nếu chỉ có một gia đình tui thì tui có thể trả lời cậu ngay bi giờ. Dưng mà còn có nhều người khác nữa. Tui phải bàn mấy tất cả bọn họ. Tui sẽ cho cậu biết...”.
Tôm đi đến từng xe khác, gõ khe khẽ, gọi những người đàn ông ra. Tập hợp họ lại, anh nói cho họ biết điều gì xảy ra... Một phút im lặng nặng nề. Tôm đề nghị: “Cậu ta là tay xú-ba-dăng tốt nhất đối mấy bọn tui, bởi vì thực ra cậu í chả phải là xú-ba-dăng gì hết, cậu í vai kề vai làm lụng mấy bọn tui mà”.
Một số, phần nào hiềm kỵ da trắng, phản đối kịch liệt. Nhưng sau một lát, một người bình tĩnh nói: “Giời sinh hắn da trắng, hắn làm thế nào được...” Cuối cùng, phải lấy biểu quyết và đa số đồng ý để cho vợ chồng Jonxơn đi theo.
Cần phải hoãn lại một ngày để làm một chiếc “Róccơuê” cho lão Joóc và Mathơ. Rồi rạng sáng hôm sau, một đoàn hai mươi chín chiếc “Róccơuê” có mui sắp hàng dọc bắt đầu cót két, lọc cọc chuyển bánh rời khỏi đồn điền Marê trong bình minh. Trên đầu đoàn xe, ông Joóc-Gà sáu mươi bảy tuổi đội mũ quả dưa, đeo khăn quàng, cưỡi con ngựa “Già Bóp”, mang trong tay con gà chọi già độc nhỡn. Đằng sau ông, Tôm lái chiếc xe thứ nhất, với Airin ngồi bên cạnh và đằng sau họ là lũ con, mắt tròn xoe thích thú, đứa bé nhất Xinthiơ mới được hai năm. Và sau hai mươi bảy chiếc xe nữa, với những người đàn ông da đen hoặc lai cùng vợ họ ngồi trên chiếc ghế trước, cuối cùng đến chiếc xe vét của lão Joóc và Mathơ; họ dõi mắt nhìn xuyên qua lớp bụi mù mịt cuốn lên bởi tất cả những vó ngựa, la và bánh xe đang tiến về phía mà ông Joóc-Gà thề sống thề chết rằng đích thị là miền Đất Hứa.
Chú thích:
[1] Loại thú có túi đựng con ở Mỹ
[2] Một loại xe hòm lớn do ngựa kéo, hai bên thành và ở đằng sau có cửa, thường được đóng tại thị xã Roccơuê

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley