Dịch giả: Dương Tường
Chương 13

Sáng hôm cuối cùng của hội mùa, những tiếng thét đánh thức Kunta dậy. Mặc áo vào, nó chạy bổ ra và sợ thắt ruột lại. Trước mấy căn lều gần đấy, khoảng sáu, bảy người đàn ông đeo mặt nạ dữ tợn, khăn trùm đầu quấn cao, mặc quần áo bằng lá vả vỏ cây, đang nhảy lên nhảy xuống như choi choi, la thét man dại và vung giáo. Kunta kinh hãi nhìn một người vào từng căn lều, miệng gầm gào, và mỗi khi nhô ra đều kèm theo một đứa con trai thuộc lứa kafô thứ ba đang run bần bật nắm cánh tay nó, lôi xềnh xệch.
Cùng với một đám bạn thuộc lứa kafô thứ hai cũng khiếp đảm như nó, Kunta giương mắt nhìn vào góc một căn lều. Mỗi đứa con trai thuộc lứa kafô thứ ba bị chụp lên đầu một cái mũ nặng nề bằng vải bông trắng. Ngó thấy Kunta, Xitafa và nhóm lau nhau của chúng, một trong những người đeo mặt nạ xồ tới, hoa ngọn giáo và hét lên hung dữ. Tuy anh ta đã dừng phắt và quay lại với bọn bị chùm đầu dưới sự giám sát của mình, lũ trẻ vẫn chạy tán loạn, kinh hãi kêu the thé. Và khi tất cả bọn con trai lứa kafô thứ ba trong làng đã được tập hợp, chúng bèn được giao cho những người nô lệ, bọn này nắm tay chúng, dẫn từng đứa một ra ngoài cổng làng.
Trước đó, Kunta đã nghe nói là những đứa con trai lớn ấy sắp sửa được đưa đi khỏi Jufurê để đào tạo thành người lớn, nhưng nó không hề biết là điều đó xảy ra như thế này. Việc lên đường của bọn con trai lứa kafô thứ ba cùng với những người sẽ rèn luyện chúng thành nam nhi, chùm bóng u buồn lên cả làng. Trong những ngày tiếp theo, Kunta và các bạn không thể nói chuyện gì khác ngoài những điều kinh khủng chúng đã trông thấy cùng những điều còn kinh khủng hơn chúng nghe lỏm được về việc rèn luyện trưởng thành bí ẩn kia. Những buổi sáng, arafang củng đầu bọn chúng vì tội không chú ý nhớ những câu kinh Koran. Và sau giờ học, lũ lượt đi theo sau bầy dê ra bãi rậm, Kunta và các bạn, mỗi đứa đều cố không nghĩ đến cái điều chúng không thể nào quên đi được – là chúng sẽ ở trong cái nhóm con trai chùm đầu của làng Jufurê bị lôi xềnh xệch và đá thúc qua cổng làng.
Tất cả bọn nó đều đã nghe nói rằng phải qua trọn vẹn mười hai tuần trăng, toán con trai lứa kafô thứ ba nọ mới được trở về làng – nhưng bấy giờ là với tư cách đã trưởng thành. Kunta nói có người kể với nó rằng bọn con trai trong thời kỳ huấn luyện trưởng thành ngày nào cũng bị đánh. Một thằng tên là Kamarô bảo bọn ấy phải đi săn thú rừng lấy cái ăn, còn Xitafa thì nói là ban đêm, bọn chúng được phái vào tận rừng sâu một mình để tự tìm lấy đường về. Nhưng điều khủng khiếp nhất mà không đứa nào nhắc đến mặc dù nó làm cho Kunta nơm nớp mỗi lần đi giải, là trong thời gian huấn luyện trưởng thành, “chim” nó sẽ bị cắt bớt đi một đoạn. Sau một thời gian càng nói chuyện, ý nghĩ về việc rèn luyện trưởng thành càng trở nên ghê sợ đến nỗi bọn trẻ thôi không nói về cái đó nữa và mỗi đứa đều cố gắng giấu kín nỗi sợ trong lòng, không muốn lộ ra là mình không dũng cảm.
Kunta và các bạn đã tiến bộ nhiều trong công việc chăn dê kể từ những ngày khắc khoải đầu tiên ngoài bãi. Nhưng chúng vẫn còn phải học nhiều. Chúng bắt đầu phát hiện ra rằng công việc của bọn chúng gay nhất vào buổi sáng khi hàng đàn ruồi bu vào cắn làm cho lũ dê chạy lung tung, run cả làn da và quầy quậy cái đuôi ngắn tũn trong lúc tụi trẻ và mấy con chó bổ nháo bổ nhào cố lùa chúng trở lại bầy. Nhưng trước lúc trưa, khi mặt trời hun nóng đến nỗi ruồi phải kiếm chỗ mát, bầy dê mệt mỏi đâu đã vào đó yên trí gặm cỏ thật lực thì cuối cùng bọn trẻ có thể rảnh tay vui chơi.
Giờ đây, chúng đã là những tay thiện xạ sử dụng ná – và cả những bộ cung tên mới mà bố chúng cho trước khi chúng bước sang lứa kafô thứ hai – chúng thường bỏ ra khoảng một giờ để hạ thủ mọi thú vật nhỏ chúng có thể tìm thấy: thỏ rừng, sóc đất, chuột bụi, thằn lằn và có hôm cả một con gà gô có cựa ranh mãnh định nhử Kunta ra xa tổ nó bằng cách kéo rệt một bên cánh làm như bị thương vậy. Gần xế chiều bọn trẻ lột da, rửa sạch những thú săn được trong ngày, lấy muối (mà bao giờ chúng cũng mang theo) ướp những cỗ lòng, rồi nhóm lửa quay lên làm một bữa rôm rả.
Mỗi ngày ra bãi, dường như lại nóng nực hơn hôm trước. Càng ngày ruồi sớm càng ngừng cắn dê hơn để đi tìm bóng râm và bầy dê khom mình quỳ xuống để gặm lớp cỏ ngắn còn xanh bên dưới lớp cỏ cao đã khô nỏ. Nhưng Kunta và các bạn thì hầu như không để ý đến tiết trời nóng nực.  Mình bóng nhẫy mồ hôi, chúng chơi đùa như thể mỗi ngày đều là ngày phấn khởi nhất trong đời. Bụng căng tròn sau bữa ăn trưa, chúng vật nhau, hoặc chạy thi, hoặc chỉ đơn thuần la hét và nhăn mặt chế diễu nhau, thay phiên nhau cẩn thận gác bầy dê đang gặm cỏ. Chơi đánh trận giả, bọn trẻ quật và xỉa nhau bằng những cây có rễ dày cho đến khi một đứa  giơ một nắm cỏ lên, ra hiệu giảng hòa. Rồi chúng hạ bớt sát khí bằng cách xoa chân vào bộ lòng của một con thỏ vừa bị mổ, theo những truyện cổ tích chúng được các bà già kể cho nghe, các chiến binh thật sự thường dùng dạ dày cừu trong trường hợp đó.
Thỉnh thoảng, Kunta và các bạn đùa nghịch với lũ chó uôlô trung thành của mình, giống này người Manđinka đã nuôi hàng thế kỷ nay, vì chúng nổi tiếng là giống chó săn và bảo vệ tốt nhất trong toàn Châu Phi. Không ai có thể tính được số dê và gia súc đã được cứu khỏi nanh vuốt của bọn linh cẩu trong những đêm tối trời nhờ tiếng hú của chó uôlô. Nhưng linh cẩu không phải loại thú mà Kunta rình khi chúng chơi trò đi săn. Trong trí  tưởng tượng của chúng, khi bò trườn trong đám cỏ cao rám nắng của vùng xavan, mồi săn của chúng là tê giác, là voi, là báo và sư tử dũng mãnh kia.
Đôi khi, một đứa trẻ theo đàn dê của mình tìm cỏ và bóng mát, loanh quanh đâm tách rời khỏi các bạn. Trong một vài lần đầu tiên gặp tình trạng đó, Kunta cố hết sức lùa dê lại thật nhanh và quay trở lại gần chỗ Xitafa. Nhưng chẳng bao lâu, nó bắt đầu thích những lúc cô đơn ấy, vì như vậy nó có dịp mơ tưởng một mình đang rình săn một con thú lớn nào đó. Trong phút mộng mơ giữa ban ngày đó, không  phải nó đang lùng loại linh dương bình thường, hay báo, hay thậm chí sư tử nữa; đó là loại được kinh sợ nhất và nguy hiểm nhất trong tất cả các thú vật - một con trâu điên.
Con trâu điên mà nó truy lùng đã gieo kinh hoàng trong khắp miền đến nỗi bao nhiêu nhà đi săn đã được phái đi giết con vật man rợ, nhưng chỉ làm nó bị thương, rồi hết người này đến người khác lần lượt bị nó húc thủng bụng bằng đôi sừng quái ác. Càng khát máu hơn trước vì vết thương đau đớn, con trâu điên đã húc chết nhiều nông dân Jufurê đang làm việc trên cánh đồng bên ngoài làng. Chàng Kunta Kintê lừng danh, bấy giờ ở tận trong rừng sâu, đang hút một tổ ong để lấy mật nuôi dưỡng nghị lực của mình, thì nghe thấy tiếng trống thoại cầu xin chàng cứu dân chúng ở làng quê nơi mình sinh trưởng. Chàng không thể từ chối.
Ngay đến một ngọn cỏ khô cũng không hề sột soạt dưới chân chàng vì chàng dò theo dấu vết của con trâu điên rất lặng lẽ, sử dụng cái giác quan thứ sáu nó mách cho những ximbôn (1) (thiện xạ) bậc thầy biết những con thú đi theo đường nào. Và chẳng mấy chốc chàng thấy những dấu chân chàng tìm; chúng lớn hơn mọi dấu chân chàng từng thấy xưa nay. Giờ đây, vừa lặng lẽ rảo bước, chàng vừa hít sâu vào hai lỗ mũi cái mùi hôi thối của nó dẫn chàng tới đống phân trâu mới to tướng. Và vận động với tất cả khôn ngoan, khéo léo của mình, cuối cùng Ximbôn Kintê phát hiện thấy cái thân hình đồ sộ của chính con vật ẩn trong đám cỏ cao, rậm mà mắt thường ắt không thấy được.
Kéo căng dây cung về phía sau, Kintê thận trọng ngắm – và bắn mũi tên tới trúng đích. Con trâu điên, giờ đây bị thương nặng càng nguy hiểm hơn bao giờ hết. Bất thần nhảy từ bên nọ sang bên kia, Kintê né tránh đường tấn công hung dữ, tuyệt vọng của con vật và ráng sức đối phó trong khi nó lại lao vào húc một lần nữa. Chàng chỉ bắn phát tên thứ hai khi phải nhảy sang bên vào phút cuối cùng – và con trâu khổng lồ đổ rầm xuống chết.
Tiếng huýt gió sắc lảnh kéo Kintê kéo ra khỏi chỗ nấp những nhà đi săn sợ hãi và run rẩy trước đó đã thất bại trong công việc mà giờ chàng đã thành công vẻ vang. Chàng hạ lệnh cho họ lột bộ da khổng lồ, bẻ sừng và gọi thêm người giúp sức kéo cái xác về tận Jufurê. Dân làng mừng rỡ reo hò, họ đã trải da thú suốt lôi đi bên trong cổng làng để bụi khỏi bám vào chân Kintê. “Ximbôn Kintê!” tiếng trống gióng lên như vậy. “Ximbôn Kintê” bọn trẻ con gào lên, vẫy những cành sum suê lá trên đầu. Mọi người xô đẩy nhau, cố sờ được vào nhà đi săn dũng mãnh, hy vọng lấy được phần nào đởm lược của chàng. Những chú bé nhảy quanh cái xác khổng lồ, diễn lại cảnh hạ thủ nó bằng những cây gậy và những tiếng kêu thét man dại.
Và giờ đây từ giữa đám đông, tiến ra về phía chàng cô gái khỏe mạnh nhất, duyên dáng nhất và đen đẹp nhất trong tất cả các thiếu nữ Jufurê - thực tế là trong toàn Gămbia – và, quỳ trước mặt chàng, nàng dâng lên một bầu nước mát, nhưng Kintê không khát, chỉ rấp ướt đầu ngón tay để tỏ thiện cảm với nàng, liền đó nàng uống bầu nước ấy với những giọt nước mắt sung sướng, bằng cách đó chứng minh với mọi người tình yêu trọn vẹn của mình.
Đám đông hò reo dãn ra - nhường lối cho hai ông bà Ômôrô và Binta đầu bạc phơ, da nhăn nheo, lập cập chống gậy tới. Chàng Ximbôn để mẹ già hôn mình trong khi Ômôrô đứng nhìn, cặp mắt tràn đầy tự hào. Và dân làng Jufurê hô theo nhịp “Kintê! Kintê!” Cả lũ chó cũng sủa vang lên hoan hô.
Phải chăng chính con chó uôlô của chàng, nó đang sủa “Kintê! Kintê!” Hay là Xitafa đang điên cuồng la hét? Kunta vùng ra khỏi phút hoang tưởng kịp thời để trông thấy lũ dê bị bỏ quên của mình đang lồng về phía trại ấp của một người nào đó. Xitafa và các bạn khác cùng lũ chó giúp sức quây chúng lại trước khi xảy ra tai hại, nhưng Kunta xấu hổ quá đến nỗi phải cả một tuần trăng trôi qua nó mới lại dám thả mình vào những cơn mơ mộng hão như vậy.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley