Dịch giả: Dương Tường
Chương 18

Kunta thấy mình phải gần như chạy lon ton mới giữ được đúng khoảng cách hai bước chân đằng sau Ômôrô. Nó thấy hầu như mỗi lần bố nó nhẹ nhàng sải dài cẳng là nó phải bước nhanh hai bước ngắn mới kịp. Sau một giờ như vậy, niềm phấn khởi của Kunta đã ỉu sìu đi gần như nhịp chân của nó. Cái bọc trên đầu mỗi lúc một nặng hơn và một ý nghĩ kinh khủng vụt đến với nó: giả dụ nó đâm mệt quá đến nỗi không theo nổi nữa thì sao? Hung lên, nó tự bảo mình sẽ gục ngay tại chỗ, trước khi điều đó xảy ra.
 
Đây đó, khi hai bố con đi qua, những con lợn rừng khịt khịt lao vào bụi rậm, gà gô xào xạc bay lên và những chú thỏ nhảy vọt đi tìm chỗ nấp. Nhưng đang mải miết với quyết tâm theo cho kịp Ômôrô, nên dù có là một con voi, Kunta cũng không buồn để ý. Những bắp thịt phía dưới gối Kunta đang bắt đầu nhoi nhói. Mặt nó vã mồ hôi, cả đầu cũng thế, cứ xem cái bọc bắt đầu trượt đi, đảo một tí bên này, một tí bên kia thì đủ biết, và nó cứ phải đưa cả hai tay lên chỉnh lại cho ngay ngắn.
 
Sau một lúc, nhìn đằng trước, Kunta thấy hai bố con đang lại gần cây lữ khách của một làng nhỏ. Nó tự hỏi đó là làng gì, nó dám chắc mình có biết đến tên làng đó nếu bố nó nhắc, nhưng từ lúc rời Jufurê, Ômôrô chẳng nói cũng chẳng nhìn lại sau lưng. Mấy phút sau, Kunta thấy mấy đứa bé trần truồng thuộc lứa kafô đầu chạy bổ ra gặp hai bố con nó – như bản thân nó có hồi cũng đã từng làm thế. Chúng vẫy tay, hò la, và khi đến gần hơn Kunta có thể thấy mắt chúng trợn tròn vì thấy một thằng nhóc như vậy cùng du hành với bố.
 
“Các người đi đâu thế?” chúng lao xao hỏi, chen chúc hai bên Kunta. “Có phải bố mày đấy không?” “Bố con mày là người Manđinka phải không?” “Làng mày là làng gì?” Dù rất mệt, Kunta vẫn cảm thấy rất già dặn và quan trọng nó tỉnh bơ bọn kia, y hệt như bố nó vậy.
 
Đến gần mỗi cây lữ khách, con đường thường rẽ đôi, một ngả dẫn vào làng, ngả kia đi qua ngoài làng để cho người nào không có việc gì ở đó cứ tiếp tục đi mà không bị coi là khiếm nhã. Khi Ômôrô và Kunta rẽ vào ngả đi qua phía ngoài làng, bọn trẻ con thất vọng kêu lên, còn những người lớn ngồi dưới cây bao-báp của làng chỉ đưa mắt nhìn các lữ khách, vì tất cả còn tập trung chú ý vào một ông già kể sử mà Kunta nghe thấy đang lớn tiếng diễn thuyết về sự vĩ đại của người Manđinka. Kunta nghĩ bụng: chắc sẽ có khối ông già kể sử, người hát ngợi và nhạc công tại lễ cầu phước cho làng mới của hai bác nó.
 
Mồ hôi bắt đầu chảy vào mắt Kunta, khiến nó cứ phải hấp háy cho đỡ xót. Từ lúc hai cha con khởi hành, mặt trời mới đi qua một nửa bầu trời, thế mà chân nó đã đau tợn và cái bọc đội đầu đã trở nên nặng đến nỗi nó bắt đầu nghĩ là mình sắp sửa quỵ, không chịu nổi nữa. Một cảm giác kinh hoàng dâng lên trong nó khi Ômôrô đột nhiên dừng lại và lẳng cái bọc đội đầu của mình xuống đất, bên một con hố trong leo lẻo cạnh đường đi. Kunta đứng một lúc, cố kềm chế đôi chân run rẩy. Nó túm chặt lấy cái bọc đội đầu để hạ xuống, nhưng nó tuột khỏi tay, rơi đánh bịch một cái. Lòng rầu rĩ nó biết là cha đã nghe thấy – nhưng Ômôrô đã quỳ xuống uống nước ở lạch, thậm chí không tỏ dấu hiệu gì là có con trai mình ở đó nữa.
 
  Trước đó, Kunta không nhận ra là mình khát đến mức độ nào. Bước thấp bước cao bên bờ nước, nó quỳ xuống để uống nhưng chân nó không chịu gập theo tư thế ấy. Sau khi cố thử lần nữa vẫn không được, cuối cùng nó đành nằm áp bụng xuống, chống hai khủy tay và xoay xở áp miệng xuống được làn nước.
 
“Một chút xíu thôi”. Đây là lần đầu tiên bố nó lên tiếng kể từ lúc rời Jufurê và điều đó khiến Kunta bất bình “Nuốt một tí chờ cho xuôi, rồi lại uống thêm tí nữa”. Vì một lý do nào đó, nó cảm thấy tức bố nó. “Vâng, thưa bố”, nó định nói thế, song không thốt ra được tiếng nào. Nó nhấm nháp chút nước mát và nuốt ực đi. Nó cố nén đợi mà như muốn gục xuống. Sau khi nhấp thêm một chút nữa, nó ngồi dậy và nghỉ bên bờ hồ. Nó thoáng nghĩ rằng việc rèn luyện trưởng thành hẳn cũng từa tựa như vậy. Thế rồi, ngồi thẳng người, nó ngủ thiếp đi.
 
Khi nó giật mình thức dậy, nó ngủ được bao lâu rồi nhỉ? – thì chẳng thấy Ômôrô đâu cả. Chồm trở dậy, Kunta thấy cái bọc lớn dưới một gốc cây cạnh đó, vậy là bố nó chưa đi đâu xa. Khi bắt đầu ngó quanh quẩn, nó mới nhận ra là mình mẩy ê ẩm biết chừng nào. Nó lắc mạnh người và vươn chân vươn tay. Các bắp thịt đau rần, nhưng nó cảm thấy dễ chịu hơn trước. Quỳ xuống uống thêm vài hụm nước, Kunta thấy bóng mình trên mặt hồ lặng tờ - một bộ mặt đen nhẻm bé choắt với đôi mắt to và cái miệng rộng. Kunta mủm mỉm cười với bóng mình rồi nhoẻn miệng phô cả hàm răng. Nó không dừng được, phá lên cười rộ, và khi ngẩng nhìn lên… thì Ômôrô đã đang đứng cạnh nó. Kunta bật đứng phắt dậy, luống cuống, nhưng bố nó dường như đang chăm chú vào những điều gì khác.
 
Dưới bóng mấy cái cây, cả hai đều lặng thinh chẳng nói chẳng rằng, trong khi lũ khỉ chí chóe và bầy vẹt quang quác trên đầu, hai cha con lấy trong bọc ra ít bánh mì ăn với bốn con chim câu rừng béo mập mà Ômôrô đã dùng nỏ bắn chết và quay trong khi Kunta ngủ. Vừa ăn, Kunta vừa tự nhủ rằng, dễ gặp cơ hội một cái là nó sẽ tỏ cho cha biết mình cũng có thể giết thú và nấu nướng thức ăn cừ như thế nào, theo lối nó và các bạn cùng lứa kafô vẫn làm ngoài bãi hoang vậy.
 
Ăn xong, mặt trời đã qua được ba phần tư bầu trời cho nên khi buộc lại và đặt các bọc ngay ngắn lên đầu thì không đến nỗi nóng như trước nữa và hai cha con lại tiếp tục lên đường.
 
“Bọn tubốp cập thuyền ở cách đây một ngày đường” Ômôrô  nói vậy khi đã đi một quãng dài. “Bây giờ là ban ngày ta còn nhìn rõ, nhưng ta vẫn phải tránh những chỗ bụi rậm và cỏ mọc cao có thể che dấu những điều bất ngờ” Ômôrô  đưa ngón tay sờ vỏ dao và cung tên “Đêm nay ta phải ngủ trong một làng nào đó”.
 
Cố nhiên, có bố bên cạnh, nó không việc gì mà sợ, nhưng Kunta vẫn cảm thấy một loáng hãi hùng sau cả một quãng đời luôn nghe thấy mọi người cùng trống phách kể về những vụ mất tích và bắt trộm người. Trong khi tiếp tục đi – lúc này bước rảo hơn một chút – Kunta nhận thấy những đống phân linh cẩu trên đường; phân linh cẩu màu trắng ngần vì chúng có bộ hàm khỏe nhai rau ráu và ăn rất nhiều xương. Và bên vệ đường, bước chân hai cha con tiến lại gần khiến một bầy linh dương ngừng ăn, đứng ngây như tượng, chăm chăm nhìn cho tới khi hai con người đi qua hẳn.
 
“Voi!”. Lát sau Ômôrô nói và Kunta trông thấy những bụi rậm xung quanh bị giẫm nát, các cây con bị tróc vỏ, tước cành và một số cây lớn gần bật hẳn rễ do bị voi dựa vào để kéo những lá non trên ngọn xuống vừa tầm vòi chúng có thể vươn tới. Vì lẽ voi không bao giờ ăn ở gần làng, gần người, nên cả đời Kunta cho tới nay mới chỉ thấy vài con, mà lại từ rất xa. Mấy con này ở trong số hàng nghìn thú rừng ùa nhau chạy ầm ầm như sấm dậy trước những đám khói đen khủng khiếp khi một đám cháy lớn lan khắp vùng rừng hoang hồi Kunta còn bé tí, nhưng ơn Chúa Ala, mưa đã dập tắt đám cháy trước khi nó gây hại cho Jufurê hay bất kỳ làng nào gần đó.
 
Trong khi hai cha con hì hụi đi theo con đường mòn tưởng như bất tận, Kunta chợt nảy ra ý nghĩ rằng cũng như bước chân người vạch nên những con đường, loài nhện dệt lên những sợi dài mỏng mảnh để ngao du trên đó, Kunta tự hỏi liệu Chúa Ala có muốn mọi sự cho sâu bọ và thú vật như cho người không; nó ngạc nhiên nhận ra trước đây chưa bao giờ nó nghĩ tới điều đó. Nó ước ao giá có thể hỏi Ômôrô ngay tức thời về chuyện này. Nó lại càng ngạc nhiên hơn về nỗi Lamin đã không hỏi gì nó về vấn đề ấy, vì Lamin vẫn hay hỏi nó về cả những chuyện nhỏ nhoi hơn cả chuyện sâu bọ. Được, nó sẽ có ối chuyện để kể cho thằng em nghe khi nó trở về Jufurê – đủ để lấp đầy những ngày dài ngoài bãi cùng các bạn mục đồng của nó trong những tuần trăng tới. 
 
Kunta cảm thấy nó và Ômôrô đang đi vào một loại xứ sở khác với vùng mình ở. Mặt trời tà rọi chiếu xuống những đám cỏ rậm rạp chưa từng thấy, và giữa những cây quen thuộc, lại có những khóm lớn toàn cọ và xương rồng. Ngoài ruồi trâu, những vật duy nhất biết bay nó thấy ở đây không phải là những chú vẹt xinh đẹp và những loài chim vẫn ríu rít hót quanh làng Jufurê, mà là những con diều hâu lượn vòng tìm mồi cùng lũ kền kền săn thức ăn đã chết.
 
Khi mặt trời như quả cầu màu da cam gần sát tới đất thì Ômôrô và Kunta nhìn thấy một vệt khói dày bốc lên từ một làng trước mặt. Tới chỗ cây lữ khách, ngay cả Kunta cũng có thể thấy rõ có điều gì không ổn ở đây. Cành cây treo rất ít dải băng cầu phước, chúng tỏ dân ở đây ít có người rời khỏi làng và phần lớn khách lữ hành từ các làng thường chọn đường qua mé ngoài làng. Ngán thay, không có đứa trẻ nào chạy ra gặp hai cha con.
 
Khi đi ngang qua cây bao-báp làng, Kunta thấy nó bị cháy xém mất một phần. Quá nửa số lều đất nó trông thấy, đều trống không, rác rưởi đầy sân, thỏ chạy rong và chim chóc vầy trong bụi rậm. Dân làng – đa số nằm quanh hoặc tựa cửa lều của mình – hầu hết là người già hoặc ốm đau và mấy đứa hài nhi oe oe khóc dường như là những trẻ con duy nhất ở trong làng. Kunta không thấy ai thuộc lứa tuổi nó – hoặc thậm chí trạc tuổi Ômôrô.
 
Mấy ông già nhăn nheo yếu đuối ra đón hai du khách. Ông lão cao tuổi nhất trong đám đập chiếc gậy chống, ra lệnh cho một bà già rụng hết răng mang nước và mạch kê đến cho khách, có lẽ bà ta là một nô lệ, Kunta ngồi nghĩ thầm. Rồi các ông già tranh nhau giải thích chuyện gì đã xảy đến với làng mình, cụ nọ cướp lời cụ kia. Bọn săn nô lệ một đêm đã lén bắt hoặc giết chết tất cả lớp người trẻ trong làng, “từ tuổi con đến tuổi nó”. Một ông già chỉ Ômôrô, rồi lại chỉ Kunta “Bọn ta già rồi, chúng tha cho. Bọn ta chạy rạt vào rừng”.
 
Ngôi làng bỏ không đã tan nát trước khi họ quyết định quay về. Họ chưa trồng cấy được gì hết, lương thực không có là bao, mà sức lực cũng chẳng được mấy nả. “Không có đám trẻ, chúng tôi sẽ chết dần chết mòn” một trong số những ông già nói vậy. Ômôrô đã nghe kỹ câu chuyện của họ và anh chậm rãi nói”Làng anh con, cách đây bốn ngày đường, sẽ hoan nghênh các cụ đến”.
 
Tất cả đều lắc đầu, trong khi cụ già nhất nói: ‘ Đây là làng của chúng tôi. Không giếng nào khác có nước ngọt như giếng làng chúng tôi. Không cây nào khác tỏa bóng mát dễ chịu như cây làng chúng tôi. Không bếp ăn nào khác thơm lừng như dưới bàn tay nấu nướng của phụ nữ làng chúng tôi”.
 
Các cụ xin lỗi vì không có nhà khách. Ômôrô cam đoan với các cụ rằng cha con anh thích ngủ dưới trời sao. Và đêm đó, sau bữa ăn đơn sơ với bánh mì lấy trong bọc hành trang, mà họ chia sẻ với dân làng, Kunta nằm trên tấm nệm rập rình bằng nhành cây xanh, và suy nghĩ về tất cả những điều nó đã nghe thấy. Ví thử như đây là Jufurê, mọi người nó biết đều chết hoặc bị bắt mang đi, Ômôrô, Binta, Lamin và bản thân nó nữa – cây bao-báp bị đốt cháy thui và các sân nhà đầy rác rưởi. Kunta cố nghĩ sang chuyện khác.
 
Rồi đột nhiên trong đêm tối, nó nghe thấy tiếng kêu rú của một con gì trong rừng bị một thú dữ bắt, và nó liên tưởng đến chuyện bắt người. Nó cũng nghe thấy đằng xa có tiếng linh cẩu gào – song le, trong đời nó dù mùa mưa hay mùa khô, dù giáp hạt đói kém hay vào mùa gặt, đêm nào mà nó chả nghe thấy tiếng linh cẩu gào đâu đó. Đêm nay, khi cuối cùng, nó chìm vào giấc ngủ, Kunta thấy tiếng kêu quen thuộc của chúng gần như là an ủi vỗ về.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley