Dịch giả: Dương Tường
Chương 19

Trong ánh sáng đầu tiên của rạng đông, Kunta thức giấc và đứng bật dậy. Đứng cạnh ổ nằm của nó là một bà già kỳ quái đang cất giọng vỡ ra the thé hỏi cái khoản thức ăn bà sai nó đi tìm cách đây hai tháng, giờ ra sao rồi. Đằng sau Kunta, Ômôrô dịu dàng nói: “Bà nội ạ, chúng con cũng muốn biết đường trả lời để bà rõ thôi”.
 
Tắm rửa và ăn uống xong, trong khi hai cha con hối hả đi khỏi làng. Kunta nhớ đến một bà già ở Jufurê thường dò dẫm đi quanh, ngó vào tận mắt mọi người và hoan hỉ nói: “Mai, con gái ta về đấy!”. Con gái bà đã mất tích từ bao vụ mưa trước, ai nấy đều biết và con gà trống trắng đã nằm ngửa mà chết, nhưng tất cả mọi người bị bà níu lại đều dịu dàng đồng ý: “Vâng, thưa bà – mai ạ”.
 
Mặt trời chưa lên cao lắm. Hai cha con thấy đằng trước có một bóng người đơn độc tiến về phía mình trên con đường mòn. Hôm trước, hai cha con đã gặp hai ba người lữ hành – mỉm cười và chào nhau – nhưng ông già này lại gần, tỏ rõ là muốn nói chuyện. Chỉ về hướng mình vừa đi khỏi, ông nói “Chú có thể gặp một tên tubốp đấy”. Sau lưng Ômôrô, Kunta gần như ngừng thở. “Có nhiều người đội cái bọc hành trang cho hắn”. Ông già kể là tên tubốp trông thấy ông già và giữ lại, nhưng chỉ để hỏi xem con sông bắt đầu từ đâu. “Tôi bảo hắn đầu sông ở chỗ xa cuối sông nhất”.
“Hắn không có ý làm hại cụ ư?” Ômôrô hỏi.
“Hắn làm ra rất thân thiện”, ông già nói, “nhưng con mèo bao giờ cũng ăn thịt con chuột mà nó vờn”.
“Đúng là như thế”, Ômôrô nói.
 
Kunta muốn hỏi bố về cái tên tubốp kỳ dị tới đây để tìm sông chứ không tìm người, nhưng Ômôrô đã chào từ biệt ông già và đang rảo bước đi xuôi con đường mòn như thường lệ, không muốn nhìn xem Kunta có theo sau lưng mình không? Lần này, Kunta lấy thế làm mừng, vì nếu ngó lại, Ômôrô ắt thấy con trai mình đưa cả hai tay lên giữ cái bọc đội đầu trong khi chật vật chạy cho kịp bố. Chân Kunta bắt đầu tướp máu, nhưng nó biết rằng để ý đền điều đó là thiếu khí phách nam nhi, nói chi đến chuyện đi thưa với bố.
 
Cũng vì lý do đó, Kunta cố nuốt đi nỗi khiếp sợ khi mà, lát sau, cùng ngày hôm ấy, hai cha con rẽ theo một chỗ ngoặt và gặp một gia đình sư tử – một con đực to đùng, một con cái đẹp mã và hai con con đã khá lớn – đang nằm ườn ở một ruộng cỏ rất gần đường. Đối với Kunta, sư tử là những con vật dễ sợ, lén lút, sẵn sàng vồ chú dê nào được mục đồng thả lỏng cho rời bầy đi ăn khá xa.
 
Ômôrô bước chậm lại và, mắt không rời đám sư tử, điềm tĩnh nói, dường như cảm thấy nỗi sợ của con trai: “Giờ này, chúng nó không săn bắt hoặc ăn gì đâu, trừ phi chúng đói. Những con này béo tốt cả”. Tuy vậy, anh vẫn đặt một tay lên nỏ và tay kia nắm bó tên khi họ đi qua. Kunta nín thở, nhưng vẫn bước đều, nó và sư tử nhìn nhau chằm chằm cho đến khi khuất dạng.
 
Đáng lý nó còn tiếp tục nghĩ về chúng và về tên tubốp cũng ở quanh quất trong vùng, nhưng đôi chân đau nhức không để cho nó yên. Đêm hôm đó, giá có tới hai mươi con sư tử kiếm ăn ở chỗ Ômôrô chọn để ngủ lại, thì nó cũng chả buồn đếm xỉa tới. Kunta vừa mới ngã mình xuống cái ổ lót cành cây mềm đã ngủ say tít – và khi bố nó lay dậy vào lúc rạng sáng, nó tưởng đâu như mới được ít phút thôi. Mặc dầu cảm thấy như chưa ngủ tí nào. Kunta vẫn không giấu nổi vẻ thán phục khi thấy Ômôrô đã làm xong bữa ăn sáng mau lẹ biết bao, nào lột da, nào làm lòng, nào quay hai chú thỏ rừng bẫy được hồi đêm. Trong khi Kunta ngồi bệt đánh chén món thịt thơm ngon, nó nghĩ lại hồi nó cùng các bạn chăn dê bỏ hàng giờ bắt thú vật để nấu ăn như thế nào và nó băn khoăn không hiểu bố nó và nhiều người đàn ông khác lấy đâu ra thì giờ mà học được nhiều thứ thế – dường như tất cả những gì cần biết.
 
Đôi bàn chân rộp phồng, cặp giò và lưng và cổ nó, tất cả lại bắt đầu đau rần vào cái ngày đi đường thứ ba này – thực tế, cả người nó dường như là một khối đau ê ẩm, nhưng nó coi như việc huấn luyện trưởng thành đã bắt đầu với mình và nhất quyết phải là đứa gan lì nhất trong lứa kafô của nó, không chịu lộ vẻ đau đớn ra. Khi giẫm phải một cái gai đúng vào trước lúc trưa, Kunta dũng cảm mắm môi không kêu, nhưng nó bắt đầu tập tễnh và tụt hậu xa đến nỗi Ômôrô đành quyết định để cho nghỉ ít phút bên đường trong khi ăn bữa chiều. Thứ sáp dịu đau bố nó xoa vào vết thương khiến nó cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng lát sau, hai cha con tiếp tục khởi hành, và nó bắt đầu đau dữ, – và chảy máu nữa. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, vết thương đã đầy bụi bẩn, nên không chảy máu nữa và việc cuốc bộ liên tục làm tê cái đau đến mức vừa đủ để nó theo kịp được bố. Kunta không dám chắc, nhưng nó có cảm giác như Ômôrô đã đi chậm lại chút xíu. Tới lúc họ dừng lại nghỉ đêm ấy, vùng chung quanh vết thương nom gớm chết và sưng đẫn, nhưng bố nó đắp một lượt thuốc khác và sáng ra, coi bộ cũng đỡ và tạm tạm để chịu sức nặng của nó mà không đến nỗi đau lắm.
 
Hôm sau, khi lên đường, Kunta khoan khoái nhận thấy họ đã vượt qua và bỏ lại sau lưng vùng đất đầy gai và xương rồng, và đang tiến vào miền bãi rậm giống vùng Jufurê hơn, nhiều cây to cùng thảo mộc chi chít hoa, nhiều khỉ chí cha chí chóe cùng chim chóc đủ màu sắc, nhiều hơn bất cứ nơi nào nó từng thấy. Việc hít làn không khí thơm lừng khiến Kunta nhớ lại những lần nó đưa thằng em đi bắt cua dọc theo bờ bôlông, ở đó nó và Lamin thường chờ để vẫy mẹ cùng các phụ nữ khác chèo xuồng về nhà sau buổi làm ở cánh đồng lúa.
 
Tới mỗi cây lữ khách, Ômôrô đều rẽ theo lối vòng qua phía ngoài làng, nhưng bọn trẻ con lứa kafô đầu của mỗi làng bao giờ cũng chạy ra gặp và kể cho hai người khách lạ những tin tức địa phương lý thú nhất. Ở mỗi làng như vậy, bọn tí nhau đưa tin bổ nhào ra kêu lớn: “Thầy mo! Thầy mo!” và, coi thế là hoàn thành nhiệm vụ, chúng chạy biến vào trong cổng làng. Con đường vòng chạy khá gần, đủ để cho Ômôrô và Kunta trông thấy đám thị dân đứng xem một bóng người đeo mặt nạ, vận tế phục đang vung roi trên tấm lưng trần của một phụ nữ kêu tru tréo bị mấy phụ nữ khác giữ chặt. Tất cả đám khán giả nữ đều thét lên mỗi lần một nhát roi quật xuống. Qua nhiều lần bàn cãi với lũ bạn chăn dê, Kunta được biết là một người chồng, nếu bị cô vợ lăng loàn, nhiễu sự làm rầy khá nhiều, có thể lặng lẽ đến một làng khác thuê một thầy mo về làng mình, nấp kín đâu đó, thỉnh thoảng quát lên rùng rợn, rồi xuất hiện và phạt đòn cô vợ đó trước công chúng, sau đó tất cả phụ nữ trong làng đều ăn ở tử tế hơn trong một thời gian.
 
Ở một cây lữ khách, không có đứa trẻ nào ra gặp bố con nhà Kintê. Thực tế, làng vắng lặng, không thấy một bóng người cũng chẳng nghe thấy tiếng gì, ngoài chim chóc và khỉ. Kunta tự hỏi hay là bọn bắt nô lệ cũng đến cả nơi này nữa chăng. Nó hoài công đợi Ômôrô giải thích điều bí ẩn đó, nhưng lại chính bọn trẻ mau miệng ở làng sau nói cho nó hay. Chỉ ngược trở lại con đường, chúng kể rằng xã trưởng ở đó cứ toàn làm những điều dân không ưa, cho đến một đêm cách đây không lâu, trong khi ông ta ngủ, mọi người đã lặng lẽ mang hết của cải bỏ đi đến nhà bạn bè và gia đình ở những nơi khác – để lại một ông “xã trưởng rỗng” – theo lời bọn trẻ – ông này bây giờ cứ đi quanh hứa hẹn sẽ hành động tốt hơn nếu dân làng trở về.
 
Vì đã sắp tối nên Ômôrô quyết định vào làng này và đám đông tụ tập dưới bóng cây bao-báp xôn xao bàn tán về tin đồn đầy khích động ấy. Đa số chắc chắn rằng những người làng giềng mới của họ sẽ trở về sau khi dạy cho xã trưởng bài học này thêm ít ngày nữa. Trong khi Kunta nhồi nhét cơm ninh lạc đầy dạ dày, Ômôrô tìm đến jaliba của làng này, thu xếp việc truyền một thông báo bằng hiệu trống cho các ông anh. Anh nhắn họ đón mình vào lúc mặt trời lặn ngày hôm sau và báo rằng cùng đi, còn có con trai đầu lòng của mình.
 
Trước đây, đôi khi Kunta đã mơ ước được nghe thấy tên mình loan đi bằng hiệu trống qua khắp miền và giờ đây điều đó đã xảy đến. Hiệu trống ấy ắt không rời khỏi tai nó nữa. Sau đó, nằm trên chiếc giường tre ở nhà khách, mặc dù mệt thấu xương, Kunta vẫn nghĩ tới những jaliba khác gò lưng trên mặt trống, nện rõ ràng tên nó trong từng làng dọc con đường dẫn tới làng của Jannê và Xalum.
 
Vì trống đã loan tin, nên giờ đây, tới mỗi cây lữ khách không phải chỉ có bọn trẻ con trần truồng như thường lệ, mà cả một số người lớn tuổi và nhạc công cũng ra đón. Và Ômôrô không thể chối từ yêu cầu của một ông già xin anh cho làng ông được hân hạnh tiếp đãi, chí ít cũng là một cuộc ghé thăm ngắn ngủi. Trong khi cha con nhà Kintê giải khát trong mỗi nhà khách, rồi ra ngồi cùng ăn uống dưới bóng cây bao-báp hoặc cây gạo, những người lớn săm sắn tập hợp quanh Ômôrô nghe anh trả lời các câu hỏi của họ, còn trẻ con các lứa kafô thứ nhất, thứ hai và thứ ba thì bu lấy Kunta.
 
Trong khi lứa kafô đầu chằm chằm nhìn nó với vẻ nể sợ lặng lẽ, bọn cùng tuổi hoặc lớn hơn Kunta vừa ghen tị một cách đau đớn, vừa kính cẩn hỏi về làng quê nó và về nơi nó định đến. Nó nghiêm trang trả lời bọn chúng với tư thế đĩnh đạc – là nó hy vọng thế – như bố nó trả lời bố bọn kia. Lúc hai cha con rời chân lên đường, nó chắc chắn rằng dân làng cảm thấy đã gặp một thiếu niên hầu như suốt đời theo cha đi du lịch trên những nẻo đường dài của đất nước Gămbia.
 

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley