Dịch giả: Dương Tường
Chương 30

Đến cây lữ khách, Kunta cầu nguyện cho cuộc hành trình của mình được an toàn. Đồng thời để xin cho chuyến đi phát tài, Kunta buộc một chân con gà đã mang theo vào một cành thấp để mặc nó vỗ cánh bành bạch và kêu quang quác ở đó, trong khi hai anh em bắt đầu lên đường. Tuy không ngoái lại nhìn, Kunta vẫn thừa biết Lamin đang cố hết sức rảo bước theo cho kịp và giữ cái bọc đội đầu cho cân – đồng thời giữ sao cho Kunta khỏi nhận thấy cả hai điều đó.
Sau một giờ, con đường mòn đưa hai anh em tới bên một cái cây thấp, cành xòe rộng treo đầy chuỗi hạt. Kunta muốn giảng giải cho Lamin hiểu một cái cây như vậy có nghĩa là gần đây có một số ít người Manđinka vô tín ngưỡng thường hay hít thuốc lá bột, hút thuốc lá sợi bằng ống điếu gỗ với bát sành và còn uống một loại bia làm bằng rượu mật ông nữa. Nhưng quan trong hơn cái kiến thức ấy, là việc dạy cho Lamin biết kỷ luật im lặng khi đi đường. Đến trưa, Kunta biết chân cẳng Lamin hẳn đang đau dữ, và cả cái cổ phải đội bọc hành lý nặng trĩu nữa. Song chỉ có bằng cách tiếp tục chịu đau, một chú bé mới có thể luyện cho mình cứng rắn về cả thể xác lẫn tâm hồn. Đồng thời Kunta cũng biết là cần phải để cho Lamin dừng lại để nghỉ trước khi nó quỵ xuống, một điều có thể làm tổn thương đến lòng tự hào của nó.
Theo con đường vòng để tránh làng đầu tiên đi qua, chúng mau chóng bứt khỏi đám con nít trần truồng chạy ra xem. Kunta vẫn không ngoái lại nhìn, song nó biết Lamin hẳn đã rảo bước nhanh hơn và rướm thẳng lưng để vây với bọn con nít. Nhưng khi đã bỏ lại bọn con nít và ngôi làng sau lưng, tâm trí Kunta chuyển từ Lamin sang những chuyện khác. Nó lại nghĩ đến cái trống mà nó sắp làm cho mình – trước hết là làm trong tưởng tượng như những người đẽo mặt nạ và con giống vẫn làm thế. Về mặt trống thì nó đã có một tấm da dê non đã cạo gột và đang sấy khô trong lều và nó biết đích chỗ có thể kiếm được thứ gỗ cứng cần thiết để làm một cái khung trống thật khỏe – chỉ quá đám ruộng lúa của phụ nữ một quãng ngắn thôi. Kunta gần như hình dung thấy được cái trống tương lai của mình kêu ra sao.
Khi con đường mòn đi vào một khóm rừng cây sát bên cạnh, Kunta riết chặt cây dao mang theo như đã được dạy. Nó tiếp tục đi một cách thận trọng – rồi dừng lại và rất lặng lẽ nghe ngóng. Lamin giương to mắt đứng đằng sau nó sợ hãi nín thở. Nhưng một lát sau, thằng anh bớt căng thẳng và lại cất bước tiến về phía mà nó nhẹ nhõm nhận ra là có tiếng nhiều người đàn ông đang hát một bài hò lao động. Phút chốc, nó và Lamin tới một quãng rừng thưa và trông thấy mười hai người đang căng thừng kéo một chiếc thuyền độc mộc. Họ đã hạ một cây, đốt và phát hết cành lá và giờ đây đang bắt đầu chuyển nó ra sông. Cứ kéo hết một cữ dây, họ lại hò sang câu sau, mỗi câu đều tận cùng bằng “Tất cả một lòng!” rồi lại ráng sức kéo chiếc thuyền đi khoảng một sải tay nữa. Đi qua đám người, Kunta giơ tay vẫy và họ cũng vẫy lại, nó định bụng lát sau sẽ nói cho Lamin biết những người đó là ai và tại sao họ lại làm thuyền bằng một cái cây mọc trong rừng sâu này mà không chọn chỗ ở gần bờ sông: họ là người làng Kêrêoan, nơi làm thuyền độc mộc cừ nhất trong dân tộc Manđinka và họ biết chỉ có gỗ cây rừng mới nổi.
Lòng trào lên nồng ấm, Kunta nghĩ về ba thanh niên làng Bara mà hai anh em nó đang rong ruổi đường trường để tới gặp. Thật kỳ lạ, tuy trước đó chưa gặp nhau bao giờ mà tưởng như là anh em vậy. Có lẽ vì họ cũng là người Manđinka. Cách họ nói năng có khác Kunta, nhưng trong lòng, họ không khác. Cũng như họ, Kunta đã quyết định rời làng đi tìm kiếm thần tài của mình – và chút ít hồi hộp – trước khi trở về nhà trước những đợt mưa lớn sắp tới.
sau khi ăn dăm ba miếng, Lamin hẳn có thể tiếp tục đi cho tới giờ cầu kinh fitirô vào lúc sẩm tối, bấy giờ cả hai anh em ắt sẽ hoan hỉ đón một bữa ăn đầy đủ hơn và một đêm nghỉ ngơi cho lại sức.
Song Lamin mệt quá, thậm chí không ăn được. Nó nằm lăn ngay chỗ nó vừa uống nước bên dòng suối, mặt úp xuống, hai cánh tay dang ra, bàn tay ngửa lên. Kunta lặng lẽ bước tới nhìn hai gan bàn chân em, chưa thấy chảy máu. Rồi chính Kunta cũng ngủ chợp đi và khi trở dậy, nó lấy trong bọc ra đủ hai suất thịt sấy. Lay Lamin dậy, nó đưa cho em một phần thịt và ăn phần của mình. Chẳng bao lâu, chúng lại tiếp bước trên con đường mòn qua đủ các chỗ ngoặt và các điểm mốc mà các trai làng Bara đã vẽ cho Kunta. Đến gần một làng, chúng thấy hai bà già và hai cô gái cùng mấy đứa con nít thuộc lứa kafô đầu đang tất bật bắt cua, thục tay xuống một dòng suối nhỏ tóm mồi ra.
Khoảng gần sẩm tối, khi Lamin bắt đầu mỗi lúc một níu chặt hơn lấy cái bọc đội đầu, Kunta trông thấy đằng trước có một đàn lâm cầm lớn đang bay vòng, sà xuống đất. Nó dừng phắt lại, nấp kín, trong khi Lamin cũng quỳ thụp xuống đằng sau một bụi cây. Kunta giấu môi bắt chước tiếng con đực gọi con cái và phút chốc mấy chị mái rừng mập mạp mỡ màng vỗ cánh lạch bà lạch bạch đến. Chúng đang nghênh nghênh đầu nhìn quanh thì mũi tên của Kunta xuyên thẳng qua mình một con. Kunta vặt đứt đầu nó cho máu chảy hết ra và trong khi nướng chim, nó dựng tạm một chỗ trú thô sơ rồi cầu kinh. Nó cũng nướng mấy bắp ngô rừng trẩy được ở dọc đường, trước khi đánh thức Lamin dậy, thằng cu này đã quay ra ngủ ngay lúc chúng đặt hai chiếc bọc đội đầu xuống. Lamin vừa ngấu nghiến chén xong bữa là lại lăn kềnh ra đám rêu êm mượt dưới cái mái lá siêu siêu, ngủ tiếp không hé môi thì thầm lấy một tiếng.
Kunta ngồi bó gối trong không khí tĩnh mịch của trời đêm. Cách đó không xa, linh cẩu bắt đầu hú. Nó tự giải trí một lúc bằng cách xác định các âm thanh khác của rừng. Rồi ba lần, nó loáng thoáng nghe thấy một điệu kèn thánh thót. Nó biết đó là tín hiệu cầu kinh cuối ngày của làng gần đây nhất, do vị alimamô ở đó thổi bằng một cái ngà voi rỗng. Nó muốn nhắc Lamin nghe tiếng gọi da diết gần như tiếng người đó, song nó chợt mỉm cười vì thằng em lúc này đâu có thiết gì đến bất kỳ âm thanh nào kêu ra sao. Rồi cầu kinh xong, Kunta cũng ngủ liền.
Mặt trời mọc được một lát, hai anh em đi qua làng ấy và nghe tiếng chày nhịp nhàng của phụ nữ thì thụp giã mạch kê nấu cháo điểm tâm. Kunta tưởng như thấy vị mạch kê ở lưỡi, nhưng chúng không dừng lại. Xuôi theo đường một quãng không xa, là một làng khác và khi chúng đi qua đấy, đàn ông đang ở nhà thờ ra, và đàn bà đang tất tưởi quanh bếp lửa nấu ăn. Xa hơn nữa, Kunta trông thấy trước mặt mình một ông già ngồi bên rệ đường. Ông cụ đang gần như gập đôi người trên một lô tiền vỏ ốc, vừa lẩm bẩm một mình vừa xáo đi xáo lại đồng tiền trên một chiếc chiếu tre đan. Để khỏi ngắt quãng ông lão, Kunta sắp sửa lướt qua thì ông ngước nhìn lên và gọi hai anh em lại chỗ mình ngồi.
“Lão quê ở làng Kôtacunđa thuộc nước Uôli, nơi mặt trời mọc trên khu rừng Ximbani”, ông nói, giọng the thé như vỡ ra. “Còn các cháu quê ở đâu?” Kunta trả lời là làng Jufurê và ông lão gật đầu. Lão đã nghe nói về làng ấy. Ông nói là mình đang bói tiền ốc xem nó báo trước ra sao về cuộc hành trình của ông đến thành phố Timbuctu “mà lão muốn được thấy trước khi chết”, và ông tự hỏi liệu các khách lữ hành có sẵn lòng giúp ông chút gì không. “Chúng cháu nghèo nhưng rất vui sướng được chia sẻ với ông những gì chúng cháu có, ông ạ”, Kunta vừa nói vừa cởi bọc, thò tay vào lấy một chút thịt sấy đưa cho ông lão. Ông cám ơn Kunta và đặt miếng thịt vào lòng.
Ông nhìn cả hai và hỏi: “Các cháu là hai anh em đi du hành ư?”
“Vâng, thưa ông”, Kunta đáp.
“Thế là tốt đấy!” ông già nói và nhặt lên hai đồng tiền vỏ ốc. “Hãy thêm đồng này vào số tiền vỏ ốc trong túi săn của cháu, rồi nó sẽ mang lời to cho cháu đấy”, ông vừa nói với Kunta vừa chìa cho nó một đồng. “Còn cháu, chàng trai nhỏ”, ông đưa cho Lamin đồng kia, “hãy giữ đồng này dành cho, khi nào cháu trưởng thành, có túi săn riêng”. Cả hai anh em cảm ơn và ông lão cầu Chúa Ala phù hộ cho chúng.
Đi tiếp được một lúc lâu thì Kunta quyết định là đã đến lúc phá vỡ sự im lặng giữa nó với Lamin. Không dừng bước cũng chẳng ngoái lại, nó bắt đầu nói: “Em ạ, có một truyền thuyết kể là chính những lữ khách Manđinka đã đặt tên cho cái nơi ông già ấy định đến. Họ tìm ra ở đó một loại côn trùng mới mà trước đó họ chưa từng thấy bao giờ và bèn đặt tên cho nơi này là Tumbô Kutu nghĩa là “côn trùng mới”. Thấy Lamin không trả lời gì cả, Kunta bèn quay đầu lại, Lamin ở mãi tít đằng sau lúi húi trên chiếc bọc hành lý – nó đã bung ra rơi xuống đất – và đang chật vật buộc nó lại. Khi Kunta rảo bước lộn lại, nó hiểu ra là do Lamin cứ níu lấy cái bọc, nên dây buộc bị lỏng ra và cu cậu xoay sở hạ nó xuống khỏi đầu không một tiếng động, vì không muốn phá cái quy tắc im lặng bằng cách yêu cầu Kunta dừng lại. Trong khi buộc lại cái bọc, Kunta thấy chân Lamin chảy máu, song điều đó đã được dự kiến từ trước, nên nó chẳng nói gì. Nước mắt long lanh trong mắt Lamin trong khi nó lại đội cái bọc lên đầu và hai anh em tiếp tục đi. Kunta tự trách mình đã không cảm thấy sự vắng mặt của Lamin và có thể đã bỏ nó lại sau lưng.
Chưa đi xa thêm được bao nhiêu lại thấy Lamin thốt lên một tiếng kêu tắc nghẹn. Tưởng nó giẫm phải một cái gai, Kunta quay lại – và thấy thằng em trừng trừng ngước mắt về phía một con báo nằm ép mình trên một cành cây mà hai đứa sắp sửa đi qua bên dưới. Con báo khẽ rít xì xì xì xì rồi dường như trôi lừ đừ vào đám cành cây và mất hút. Run rẩy, Kunta tiếp tục đi, vừa hoảng hốt vừa bối bối, giận mình. Tại sao nó lại không trông thấy con báo nhỉ? Có thể nó chỉ muốn ẩn kín để khỏi bị trông thấy và ắt chẳng định vồ hai anh em đâu, vì cái giống mèo lớn này, trừ phi đói hết sức, thường ít khi bắt mồi súc vật giữa ban ngày ban mặt, còn với người thì càng hiếm thấy chuyện đó, bất kể giờ giấc nào, trừ phi chúng bị dồn ép, khiêu khích hoặc bị thương. Tuy nhiên, trong trí nhớ Kunta, vụt lóe lên hình ảnh con dê cái bị báo ngoạm nát, hồi nó còn đi chăn dê. Nó tưởng như còn vẳng nghe lời cảnh báo nghiêm khắc của vị kintangô: “Các giác quan của người đi săn phải tinh. Anh ta phải nghe thấy những gì mọi người khác không nghe thấy, ngửi thấy những gì người khác không ngửi thấy. Anh ta phải nhìn xuyên qua đêm tối”. Thế mà trong khi nó vừa đi vừa nghĩ ngợi lan man thì chính Lamin đã trông thấy con báo. Phần lớn những chuyện phiền phức tệ hại của nó trước nay đều do cái thói quen ấy, nhất thiết phải sửa chữa mới được nó nghĩ bụng. Nhanh nhẹn cúi xuống và vẫn đều nhịp bước, Kunta nhặt một hòn đá, nhổ lên đó ba lần rồi quăng trở lại thật xa, như thế là hòn đá đã mang những tà khí súi quẩy về quá khứ sau lưng chúng.
Hai anh em tiếp tục đi dưới nắng chói chang, cháy lửa và quanh cảnh dần dần chuyển từ rừng xanh sang những dãy cọ với lạch ngầu bùn lừ đừ chảy, chúng đi qua những làng bụi rậm, nóng bức, tại đó – hệt như ở Jufurê – từng bày con nít lứa kafô đều chạy quanh la thét, đàn ông ngả ngốn dưới gốc cây bao-báp và đàn bà chuyện gẫu bên bờ giếng. Nhưng Kunta thắc mắc tại sao họ lại để dê lang thang quanh làng cùng với chó, gà mà không đem chăn ngoài bãi hoặc nhốt trong chuồng như ở Jufurê. Nó đoán chắc họ là một loại người kỳ dị.
Chúng dấn bước trên nền đất cát, không có cỏ mọc, rải rác những quả khô nứt toác của những cây bao-báp hình thù quái dị. Những khi đến giờ cầu nguyện, chúng nghỉ ngơi và ăn nhẹ, và Kunta thường soát lại bọc đội đầu cùng chân cẳng Lamin giờ đã đỡ tướp máu, và các ngã tư đường giao nhau vẫn trải ra như một bức tranh cho đến khi, cuối cùng, xuất hiện cái khung vỏ đồ sộ già cỗi của cây bao-báp mà các gã trai làng Bara đã mô tả. Hẳn nó phải già đến mấy trăm vụ mưa, rồi cuối cùng mới chết, Kunta nghĩ và nhắc lại với Lamin cái điều mà một gã thanh niên đã nói: “Một vị graiót yên nghỉ trong đó”; nó đem kiến thức riêng kể thêm rằng các graiót, khi chết, không chôn như người thường, mà được đặt trong hốc những cây bao-báp cổ, bởi chưng cả cây lẫn những chuyện lịch sử trong đầu các vị graiót đều bất kể thời gian. “Bây giờ chúng ta gần đến nơi rồi”, Kunta nói, nó những muốn ngay lúc này đã có cái trống dự định làm để báo hiệu trước cho các bạn. Cuối cùng, khi mặt trời lặn, hai anh em tới chỗ những hố đất sét – và kìa, ba gã trai trẻ!.
“Chúng tôi đã linh cảm là bạn sẽ tới!” Họ kêu to sung sướng được thấy Kunta: Họ không đếm xỉa gì đến Lamin như thể nó chỉ là thằng em lứa kafô thứ hai của bản thân họ vậy. Giữa cuộc chuyện trò sôi nổi, ba gã thanh niên hãnh diện phô những hạt vàng nhỏ xíu họ đã thu lượm được. Sáng hôm sau, tia sáng đầu tiên vừa ló, Kunta và Lamin đã nhập bọn, xắn những tảng đất sét dính nhem nhép thả vào những bầu nước lớn. Sau khi khuấy lộn lên rồi đổ từ từ chỗ nước bùn đi, họ quơ ngón tay rờ rẫm thật kỹ xem có hạt vàng nào lắng xuống đáy bầu không. Thỉnh thoảng có một hạt nhỏ như hạt kê, hoặc to hơn một tí.
Họ làm việc ráo riết đến nỗi không còn thì giờ để trò chuyện. Trong cơn lùng sục vàng, thậm chí Lamin dường như quên cả những cơ bắp đau nhừ của mình. Và mỗi một hạt vàng quý giá đó được thận trọng bỏ vào thân rỗng những chiếc lông cánh bồ câu rừng lớn nhất, nút chặt bằng một chút bông. Khi ba gã thanh niên nói họ lượm như thế là đủ rồi thì Kunta và Lamin đã được đầy sáu chiếc lông. Bây giờ – họ nói – họ muốn đi ngược đường lên xa hơn, vào sâu hơn trong nội địa để kiếm ngà voi. Họ bảo là họ được nghe kể về những nơi thỉnh thoảng có những con voi già bị gẫy ngà trong khi định nhổ bật rễ cây rừng để kiếm ăn. Họ cũng nghe nói là nếu tìm ra những bãi tha ma bí mật chôn voi, sẽ có cả một kho tàng ngà voi. Kunta có muốn cùng đi không? Anh chàng bị cám dỗ mãnh liệt, cái đó nghe còn hào hứng hơn cả săn vàng nữa. Nhưng nó không thể đi được – vì vướng Lamin. Nó buồn bã cảm ơn lời mời mọc của họ và nói rằng nó phải đưa em về nhà. Họ nồng nhiệt chia tay nhau, sau khi Kunta ép bằng được các gã trai nọ phải nhận lời ghé thăm Jufurê trên đường trở về Bara.
Cuộc hành trình trở về dường như có vẻ ngắn hơn đối với Kunta. Chân Lamin chảy máu đau hơn, song khi Kunta đưa những chiếc lông đựng hạt vàng cho nó mang và bảo: – “Chắc mẹ sẽ khoái những thứ này”, thì nó lại đi nhanh hơn là đằng khác. Nỗi vui sướng của Kunta không lớn hơn niềm hạnh phúc mà bản thân nó cảm thấy do việc đã mang em cùng đi, cũng như cha nó đã từng làm thế với nó – cũng như Lamin một ngày kia sẽ đưa Xuoađu đi và rồi đến lượt Xuoađu sẽ đưa Mađi. Gần đến cây lữ khách làng Jufurê, Kunta bỗng nghe thấy cái bọc đội đầu của Lamin lại rơi một lần nữa. Kunta giận dữ quay người lại, song lúc đó nó trông thấy vẻ mặt cầu khẩn của thằng em. “Thôi được lát nữa hẵng nhặt!” nó gắt. Không nói một lời, quên phắt những bắp thịt đau nhức và đôi chân chảy máu, Lamin lao qua mặt Kunta hướng về phía làng, bộ giò khẳng khiu chạy nhanh hơn bao giờ hết.
Khi Kunta vào qua cổng làng, đàn bà, trẻ con đang náo nức bu quanh Binta, bà này cài sáu chiếc lông chim đựng hạt vàng lên tóc, rõ ràng là thanh thản nhẹ hẳn người và sung sướng cơ hồ muốn vỡ tim. Một lát sau, bộ mặt Binta và Kunta trao đổi một cái nhìn âu yếm, nồng nàn hơn hẳn những lời chào hỏi thông thường giữa một người mẹ với con trai lớn đi xa trở về. Chẳng mấy chốc, miệng lưỡi bẻo lẻo của đám phụ nữ đã kể cho tất thảy mọi người ở làng Jufurê biết hai đứa con trai lớn nhà Kintê đã mang về những gì. “Trên đầu Binta có cả một con bò cái” một bà già kêu lên như vậy – số vàng trong những chiếc lông chim đủ mua một con bò cái – và tất cả các phụ nữ khác lặp lại câu đó.
“Con đã làm tốt”, Ômôrô nói gọn lỏn khi Kunta gặp ông. Nhưng cái tình cảm họ chia sẻ với nhau không cần dài lời thêm, còn lớn hơn là với Binta. Trong những ngày tiếp theo, các bậc huynh trưởng gặp Kunta trong làng và đã bắt đầu nói chuyện với nó và mỉm cười một cách đặc biệt, và nó trang trọng trả lời một cách tôn kính. Bọn nhóc lứa kafô thứ hai, bạn của Xuoađu, đều chào Kunta như một người lớn, miệng nói: “Bằng an!” hai tay chắp lên ngực đứng yên cho đến khi nó đi qua. Thậm chí, một hôm, Kunta còn nghe hóng thấy Binta cà kê nói chuyện về “hai người đàn ông mà tôi phải phục vụ cơm nước”, và lòng nó đầy tự hào khi thấy mẹ nó cuối cùng đã hiểu ra nó là người lớn.
Bây giờ, Kunta để cho Binta không những nấu ăn mà còn làm những việc bới đầu chấy – điều mà bà vẫn hậm hực vì không được làm. Và nó cảm thấy bây giờ có thỉnh thoảng đến thăm lại căn lều của mẹ thì cũng tốt thôi. Còn Binta thì cứ lăng xăng tất tả, tươi hơn hớn, thậm chí lúc nấu ăn cũng âm a hát một mình, một cách tự nhiên thoải mái, Kunta thường hỏi xem bà có cần nó làm gì không; nếu bà trả lời có, nó sốt sắng làm ngay thật sớm, bất kể là việc gì. Nếu Lamin hay Xuoađu nghịch ồn quá, nó chỉ cần lừ mắt là lập tức hai đứa im bặt. Và Kunta thích tung bổng Mađi lên rồi đỡ lấy khi nó rơi xuống, còn Mađi thì càng khoái trò này hơn. Về phần Lamin thì rõ ràng nó coi ông anh lớn chỉ kém có Chúa Ala. Nó chăm nom bảy con dê của Kunta (đang sinh sôi nảy nở) như thể đó là những con dê bằng vàng và sốt sắng giúp Kunta gây dựng mảnh ruộng lạc và mạch kê.
Bất cứ lúc nào Binta cần việc gì ở quanh lều, Kunta đều đem cả ba đứa trẻ đi cho khỏi vướng tay bà và bà đứng ở cửa mỉm cười, nhìn theo nó kiệu Mađi trên vai, theo sau là Lamin vây vo như con gà trống và Xuoađu ghen tức chạy đằng đuôi. Thật tốt đẹp, Kunta nghĩ – tốt đẹp đến nỗi nó bắt đầu chợt thấy mình ước ao một ngày nào đó sẽ có một gia đình riêng như thế này.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley