Dịch giả: Dương Tường
Chương 56

Cả tháng sau, Bel không buồn nói với Kunta – và thậm chí còn tự mình mang lấy rổ về ngôi nhà lớn sau mỗi lần đến vườn lấy rau. Thế rồi, một sáng sớm Thứ hai, chị bỗng chạy bổ ra vườn, mắt trợn tròn vì kích động, và nói buột ra: “Quận trưởng cảnh sát vừa phóng ngựa đi! Bảo me-xừ là có đánh nhau to trên mạn ngược, ở chỗ nào đó gọi là Bôxtơn! Là vì đám da trắng uất quá về các thứ thuế má của nhà vua ở bên kia bờ nước lớn. Me-xừ đã sai Luthơ đóng xe để lên tỉnh. Rõ là ông í cuống lên!”.
Đến bữa ăn tối, mọi người xúm quanh lều bác vĩ cầm để nghe ý kiến của bác ta và của ông lão làm vườn, vì ông lão làm vườn là người cao tuổi nhất trong xóm nô, còn bác vĩ cầm là người chu du thiên hạ nhiều nhất và thạo đời.
“Chuyện í xảy ra từ bao giờ?” một người nào đó hỏi vậy và cụ làm vườn nói: “Dào, bất cứ cái gì ở tên mạn ngược mà đến tai ta thì cũng phải xảy ra đã khá lâu rồi”.
Bác vĩ cầm chêm vào: “Tui nghe nói cái vùng mạn trên, quanh quanh cái vùng Bôxtơn í, có ngựa chạy hộc tốc truyền tin về đến Vơginia này, cũng phải mất mươi ngày là nhanh nhất”.
Xe ông chủ trở về lúc trời sẩm tối, Luthơ hối hả đến xóm nô, thêm những chi tiết anh đã lượm được: “Họ kể nà một đêm, một số người Bôxtơn uất ức quá với sưu thuế của nhà vua, đâm niều mạng xông vào bọn nính triều đình. Bọn nính bèn nổ súng, và người đầu tiên bị giết nà một nhọ tên là Crixpơx.  Họ gọi nà cuộc xảm xát Bôxtơn!”.
Mấy ngày sau, ít thấy có chuyện gì khác được bàn tán, Kunta nghe ngóng, không biết sự tình đó là thế nào và tại sao dân da trắng và cả da đen nữa, lại nhốn nháo đến thế về những chuyện gỉ chuyện gì xảy ra mãi tít tận đâu đâu. Chả mấy ngày không có vài ba người nô lệ đi ngang, hô hoán từ đường cái lớn một tin đồn mới. Và Luthơ vẫn tiếp tục mang về đều đặn những tin tức từ miệng đám gia nô, tá điền và các lái xe khác đã cùng anh trò chuyện trong mọi chuyến đi của ông chủ để chăm nom người ốm hoặc để bàn luận về tình hình diễn biến ở Niu Inglơn với các ông chủ khác trong các tòa nhà lớn của họ, hoặc ở tỉnh hay các thị xã gần đấy.
“Người da trắng chả giữ kín được chuyện gì đâu”, bác vĩ cầm nói với Kunta. “Chúng nó ngập chìm giữa dân nhọ. Chúng nó làm gì đi đâu cũng vậy, chả mí khi là không có dân nhọ nghe ngóng. Hễ chúng nó vừa ăn vừa nói chuyện là nhọ gái hầu bàn giả ngây giả điếc, dưng mà nhớ hết từng lời nghe lỏm được. Ngay cả khi bọn da trắng sợ lộ xoay ra đánh vần cũng thế thôi, nếu có  nhọ ở quanh quất đấy, thì, chậc, một lũ gia nô nhọ tìm đến một nhọ biết đánh vần ở gần đấy nhất mà nhắc lại từng chữ từng vần cho nhọ này chắp lại thành câu chuyện đã được nói, phổng có lâu la gì. Là tau muốn nói: cánh nhọ ta không có chịu ngủ trước khi biết bọn da trắng bàn tán chuyện gì.”
Những gì đang xảy ra “trên mạn ngược” vẫn tiếp tục truyền tới từng mẩu một suốt cả mùa hè sang tới mùa thu. Thế rồi, ngày này qua ngày khác, Luthơ bắt đầu thuật lại rằng mặc dầu dân da trắng đang khốn đốn là thế về chuyện sưu thuế, song đó không phải là mối lo duy nhất của họ. “Họ bẩu một số hạt, dân nhọ nhìu gấp đôi dân da trắng. Họ đang no nhà vua bên kia bờ nước có thể cho cánh nhọ ta được tự do để đánh nại bọn da trắng”. Luthơ chờ cho những tiếng “ồ” của cử tọa lắng xuống. “Thật đấy”, anh ta nói “tui nghe bẩu một số người da trắng hốt nắm, đêm đến nà khóa chặt cửa, thậm chí thôi hẳn không chuyện trò gì nữa khi có mặt bọn gia nhân nhọ”.
Hàng tuần lễ sau, đêm đêm, Kunta nằm dài trên ổ ngẫm nghĩ về hai tiếng “tự do”. Trong phạm vi hiểu biết của anh điều đó có nghĩa là không còn có ông chủ nào nữa, muốn làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi. Song, cuối cùng anh xác định, thực nực cười nếu nghĩ rằng bọn da trắng mang những người đen qua suốt miền con nước lớn đến đây làm nô lệ để rồi lại thả họ tự do. Điều đó ắt chẳng bao giờ xảy ra.
Trước dịp lễ Giáng Sinh một ít, có mấy người bà con me-xừ Uolơ đến thăm. Gã da đen lái xe cho họ đánh chén căng bụng trong nhà bếp của Bel, vừa ăn vừa kể làm quà cho chị nghe những tin tức mới nhất. “Nghe nói ở Jóocjơ”, gã nói, “có người da đen tên gọi Joócj Lêil, dân da trắng dòng Baptít cấp cho ông ta giấy phép được giảng đạo cho dân nhọ suốt dọc sông Xavanna. Nghe nói ông sắp mở một nhà thờ Baptít cho người Phi ở Xavanna. Lần đầu tiên tui nghe nói đến một nhà thờ cho dân nhọ…”.
Bel nói: “Trước đây, tui có nghe nói đến một nhà thờ như vậy ở Pitơbơg, ngay trong vùng Vơginia này. Nhưng này, anh có nghe gì về những vụ rối loạn của người da trắng ở mạn ngược không?”
“À, tui nghe nói đận trước, cả lô cả lĩ những người da trắng tai to mặt lớn có cuộc họp lớn ở Philađelphia. Họ gọi nó là Đại hội Lục địa lần thứ nhất”.
Bel nói là mình đã nghe tin đó. Thật vậy, chị đã cất công đọc tin này trong tờ Nhật báo Vơginia của me-xừ Uolơ rồi kể lại cho ông lão làm vườn và bác vĩ cầm nghe. Đó là những người duy nhất biết chị võ vẽ đọc được chút ít. Gần đây, khi bàn với nhau, cụ làm vườn và bác vĩ cầm đã nhất trí là không nên cho Kunta biết cái khả năng đó của Bel. Đã đành anh biết giữ mồm giữ miệng và đã đạt đến trình độ hiểu tiếng và diễn đạt lưu loát tới mức không thể ngờ đối với bất kỳ ai từ Châu Phi tới, song họ cảm thấy anh vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ là hậu quả sẽ nghiêm trọng biết chừng nào nếu như me-xừ nghe mong manh là Bel biết đọc: me-xừ sẽ bán phắt chị ngay ngày hôm đó.
 
Sang đầu năm sau – 1775 – hầu như mọi tin tức từ bất cứ nguồn nào cũng đều nói đến những phát triển mới của tình hình ở Philađelphia. Thậm chí, qua những điều Kunta nghe thấy và hiểu được, cũng thấy rõ là dân da trắng đang tiến tới xung đột với nhà vua bên kia bờ biển ở cái nơi gọi là nước Anh. Và người ta xôn xao rất nhiều về chuyện một ông chủ Patrich Henri nào đó đã kêu to: “Hãy cho tôi tự do hay bắt tôi chết!” Kunta thích câu chuyện đó, song anh không thể hiểu làm sao lại có một người da trắng nói thế; đối với anh người da trắng xem ra tự do quá rồi còn gì.
 
Trong vòng một tháng, có tin là hai người da trắng tên là Uyliêm Đoz và Pôl Rivir đã phóng ngựa đi báo cho một người nào đó biết là hàng trăm lính của nhà vua đang tiến về một nơi nào đó gọi là “Comcod” để phá hủy số súng đạn tàng trữ tại đấy. Và chẳng bao lâu sau, người ta nghe nói, trong một trận ác chiến ở “Lếchxinhtơn”, “dân quân” chỉ mất có một dúm người mà giết được hơn hai trăm lính triều đình. Chỉ hai ngày sau, lại có tin là một nghìn lính nữa bị hạ trong một trận chiến đẫm máu ở một nơi gọi là “Đồi Bănkơ”, “Dân da trắng trên tỉnh cười hả hê, nói nà bọn nính nhà vua mặc áo đỏ để máu chảy ra đỡ nộ”, Luthơ kể “Nghe nói một phần máu í chảy nà công của dân nhọ chiến đấu bên cạnh dân da trắng”. Anh nói bây giờ đi đến đâu cũng nghe thấy là các ông chủ ở Vơginia tỏ ra nghi ngại đám nô lệ hơn bao giờ hết – “kể cả các gia nhân nhọ nâu năm nhất”.
 
Vào tháng 6, trở về sau một chuyến đi, khoái chá thấy mình oai hẳn lên, Luthơ đi dọc xóm nô tới gặp một cử tọa nôn nóng chờ những tin mới nhất của anh. “Có một me-xừ Joocj Uosinhtơn nào đó được chọn để đìu khỉn một đạo quân. Một cha nhọ bẩu tôi nà nghe đâu ông í có một cái đồn điền to tướng mấy bao nhiu nô lệ”. Anh nói là còn nghe đồn có một số nô lệ ở Niu Inglơn được thả tự do để góp sức đánh bọn lính áo đỏ của nhà vua[1].
 
“Tui biết tỏng đi rồi!” bác vĩ cầm kêu lên. “Cánh nhọ bị kéo vào vòng để chết uổng mạng, y như cái cuộc chiến tranh Pháp - Ấn nọ. Rồi chẳng bao lâu xong xuôi, da trắng lại quay phắt về vung roi đánh nhọ dư cũ!”.
“Có thể không”, Luthơ nói. “Nghe đâu có một số da trắng tự xưng nà Quêicơ đã nập một Hội chống Chế độ nô lệ ở Phinađelphia. Tui đồ rằng họ nà một số người da trắng không tin số kiếp dân nhọ nà phải nàm nô nệ”.
“Tui cũng thế”, bác vĩ cầm chêm vào.
 
Những mẩu tin thường xuyên do Bel đóng góp, nghe như chị đã bàn bạc trao đổi với chính ông chủ, nhưng cuối cùng, chị thừa nhận là đã nghe trộm qua lỗ khóa phòng ăn vào bất cứ khi nào me-xừ tiếp khách, vì cách đây không lâu, me-xừ đã cộc lốc bảo chị bày bàn ăn đâu đấy rồi ra ngoài ngay, và đóng cửa lại sau lưng chị; sau đó chị nghe thấy me-xừ vặn khóa cửa. “Mà tui thì biết con người này rõ hơn cả mẹ đẻ!” chị làu bàu, vẻ phẫn nộ.
“Y nói những gì trong í sau khi khóa cửa?” bác vĩ cầm sốt ruột hỏi.
“À, tối nay me-xừ biểu xem chừng không có cách nào tránh khỏi đánh nhau với người Anh. Ông í đoán bọn chúng sắp cho những tàu lớn chở lính sang đây. Ông í biểu riêng ở Vơginia đã có hơn hai trăm nghìn nô lệ và mối lo lớn nhất là ngộ nhỡ người Anh khích được cánh nhọ chúng ta chống lại dân da trắng. Me-xừ biểu mình trung thành mới nhà vua dư bất kỳ người nào, dưng không ai có thể chịu được sưu cao thuế nặng”.
“Tướng Uosinhtơn đã đình không nấy thêm người da đen nào vào quân đội nữa”, Luthơ nói, “dưng một số dân nhọ tự do ở mạn ngược ní sự rằng họ cũng nà một bộ phận của nước này và muốn chiến đấu”.
“Rõ là liều, cú để cho bọn da trắng chết kha khá có được không”, bác vĩ cầm nói. “Cái đám nhọ tự do quả là điên”.
 
Nhưng những tin tiếp theo vào khoảng hai tuần sau lại còn rung động hơn. Huân tước Đănmo, thống đốc hoàng gia ở Vơginia, đã tuyên bố trả tự do cho những nô lệ nào rời bỏ đồn điền để phục vụ trong hạm đội Anh của ông ta gồm những chiến thuyền và tàu đánh cá.
“Me-xừ lồng lộn lên”, Bel thuật lại. “Có người tới dự tiệc biểu là thuần thấy bàn chuyện đem xiềng hoặc bắt giam những nô lệ  “tình nguy” là định gia nhập quân đội hoặc thậm chí chỉ mới có ý nghĩ đó – dễ thường tính cả đến nước bắt cóc và treo cổ cái ông Huân tước Đănmo ấy nữa”.
Kunta được giao nhiệm vụ lo ăn uống cho lũ ngựa của các me-xừ đỏ mặt tía tai, nhớn nhơ nhớn nhác đến thăm me-xừ Uolơ nghiến răng nghiến lợi đằng đằng sát khí. Và Kunta kể lại, những là lũ ngựa đầm đìa mồ hôi như thế nào ở mạng sườn vì phải phóng trên chặng đường dài, vất vả, những là làm sao một số me-xừ phải đích thân lái lấy xe của mình. Một trong số đó – anh kể với mọi người – là Jon Uolơ, anh trai ông chủ, người đã mua Kunta khi anh được giải xuống tàu tám năm trước đây. Sau cả quãng thời gian ấy, mà mới thoạt nhìn cái bộ mặt đáng ghét nọ, anh đã biết ngay, nhưng lão ta thì thản nhiên vứt dây cương cho Kunta, chẳng tỏ vẻ gì là nhận ra anh cả.
“Mầy đừng có nây xế nàm nạ”, bác vĩ cầm nói: “Kiểu ông chủ dư y ta có khi nào xèm chào hỏi bọn nhọ. Đấy nà khi y nhớ ra mầy là ai”.
Trong mấy tuần sau đó, qua lỗ khóa, Bel được biết ông chủ và các khách khứa vừa hốt hoảng vừa giận dữ khi nghe tin hàng nghìn nô lệ ở Joocjơ, Nam Carôlina và Vơginia cả gan trốn khỏi các đồn điền đi theo Huân tước Đănmo. Một số nói là họ nghe đâu như phần lớn những nô lệ bỏ trốn chỉ tìm đường lên mạn ngược thôi. Song tất cả những người da trắng đều nhất trí là cần phải nuôi thêm chó săn.
Rồi một hôm, me-xừ Uolơ gọi Bel vào trong phòng khách và chậm rãi đọc to lên hai lần một bài có đánh dấu trong tờ Nhật báo Vơginia. Ông ta sai Bel đem chỉ cho cánh nô lệ thấy bài đó và đưa tờ báo cho chị. Chị làm theo lời dặn và phản ứng của mọi người cũng y như của chị - phẫn nộ hơn là sợ hãi. “Hỡi dân da đen, các người chớ có bị cám dỗ mà đi vào con đường tự hủy diệt… dù chúng ta có phải chịu đau khổ hay không, nếu các người bỏ chúng ta mà trốn chạy, nhất định các người sẽ chết”.
Trước khi trả lại tờ Nhật báo, Bel vào buồng riêng đóng kín cửa, đánh vần từng chữ, đọc các tin khác trong số đó có những tường thuật về các vụ dấy loạn của nô lệ đã xảy ra thực sự hoặc còn trong dự đoán. Sau đó me-xừ quát mắng chị về tội không mang trả báo trước bữa ăn tối và Bel khóc lóc xin lỗi. Nhưng chẳng bao lâu, chị lại được sai ra truyền đạt một tin mới – lần này là việc Viện dân biểu Vơginia đã ra sắc lệnh xử “tử hình không được nhà thờ rửa tội đối với mọi nô lệ da đen hoặc nô lệ khác âm mưu dấy loạn hoặc nổi dậy khởi nghĩa”.
“Thế nghĩa làm sao?” một lực điền hỏi và bác vĩ cầm trả lời “Là nếu anh nủi dậy, người da trắng sẽ giết anh mà không gọi cha cố đến!”.
Luthơ nghe nói một số người da trắng gọi là “Đảng viên bảo thủ” và một loại khác gọi là “người Ecốt” đang hợp tác với người Anh. “Mới nị tên nhọ nhà cảnh sát quận trưởng bẩu tôi nà Ngài Đănmo phá các đùn đìn ven sông, đốt cháy các đại sảnh và bẩu sẽ cho dân nhọ được tự do nếu đi theo ông í”, Luthơ kể là ở Yoóctao và nhiều tình khác, bất cứ người da đen nào bị bắt ở ngoài đường ban đêm đều bị phạt roi và bắt giam.
Năm ấy, Lễ Giáng Sinh chỉ là một chữ suông. Có tin là Huân tước Đănmo suýt bị một đám đông hành hung, nhưng nhanh chân chạy thoát về kỳ hạm. Và một tuần sau, lại thấy truyền tới các tin ngã ngửa là Đănmo, với các hạm đội của ông ta ở ngoài khơi Nofóc, đã ra lệnh cho thành phố này phải tản cư hết trong vòng một tiếng đồng hồ. Rồi súng lớn của ông ta bắt đầu bắn phá, gây ra những đám cháy dữ dội và phần lớn thành phố Nofóc đã biến thành tro tàn. Ở những chỗ còn sót lại, theo lời Bel, lương thực và cả nước đều khan hiếm, dịch sốt nổ ra, người chết nhiều đến nỗi nước kênh đào Hamtơn Rôd ngổn ngang những xác trương phềnh bị sóng đánh dạt vào bờ. “Nghe nói người ta chôn những xác í vào cát và bùn”, Luthơ nói. “Mới nị trên các tàu Anh, bao nhiêu nà nhọ đang sắp chít đói và sợ mất vía”.
Ngẫm nghĩ về tất cả những sự kiện ghê gớm đó, Kunta cảm thấy rằng, theo một cách sâu xa huyền bí nào đó, mọi đau khổ này chắc hẳn phải có một ý nghĩa nào đó, một lý do nào đó, rằng chuyện này hẳn là do ý Chúa Ala. Sắp tới đây, bất cứ sự gì xảy tới, với cả dân da đen lẫn dân da trắng cũng là do Người định đoạt.
Đầu năm 1776, Kunta và mọi người nghe tin một viên tướng tên là Conoulix chỉ huy nhiều tàu đầy thủy thủ và từ nước Anh tới, định vượt qua “sông Yoóc”, nhưng một cơn phong ba lớn đã đánh bạt các tàu đi tứ phía, mỗi chiếc một nơi. Sau đó, lại thấy nói về một cuộc Đại hội lục địa nữa, trong đó một nhóm điền chủ ở Vơginia kiến nghị đòi tách rời hoàn toàn khỏi người Anh. Hai tháng trôi qua, thuần những tin vặt vãnh, rồi một hôm Luthơ từ tỉnh trở về và loan báo rằng sau một cuộc mít-tinh khác vào ngày mồng 4 tháng 7[2], “Tất cả những người da trắng tui gặp đìu quýnh cả nên! Có cái gì nói về Xuyên Ngôn Độc Nập í! Nghe họ bẩu me-xừ Jon Haucoc viết tên mình to tướng tường tương đến nỗi nhà vua chả cần giương mắt cũng nhìn thấy”.
Những chuyến sau đi lên tỉnh, Luthơ trở về, mang theo những chuyện nghe lỏm được là ở Baltimo, một hình nộm “vua” to bằng người thật được chở lên xe bò diễu qua các phố rồi quẳng vào một đống lửa liên hoan, xung quanh là một đám người da trắng la hét. “Bạo chúa! Bạo chúa!” Và ở Richmơnd, súng bắn mừng hàng tràng trong khi những người da trắng reo hò, vung đuốc và nâng cốc chúc tụng lẫn nhau. Đi dọc theo xóm nô lặng lẽ, ông già làm vườn nói: “Chả có cái gì đáng cho dân nhọ reo mừng sất. Nước Anh hay nước này, đều nà da trắng tuốt”.
Cuối mùa hè ấy, một hôm Bel hớt hơ hớt hải đến xóm nô báo tin một khách dự tiệc cho biết Viện Dân biểu vừa thông qua một nghị định, nói rằng “sắp lấy dân nhọ vào quân đội làm lính đánh trống, thổi kèn hoặc làm quân tiên phong”.
“Quân tiên phong là gì?” một lực điền hỏi.
“Nghĩa là bị đẩy lên trước và chết độn đường” bác vĩ cầm nói.
Ít bữa sau, Luthơ mang về một mẩu chuyện hào hứng kể về một trận chiến đấu lớn ở ngay Vơginia, trong đó có nô lệ tham gia ở cả hai bên. Giữa một loạt đạn súng hỏa mai, hàng trăm lính áo đỏ và Bảo thủ cùng một đội phạm nhân và lính da đen đã dồn một lực lượng nhỏ hơn gồm lính cô-lô-nhân” da trắng cùng nhiều tên nô lệ da đen qua một chiếc cầu nhưng một người lính nô lệ tên là Bily Flora ở hậu phương đã nhổ bật nhiều ván cầu vứt đi, khiến quân Anh phải dừng lại và rút lui, cứu thoát đội quân thuộc địa.
“Bổ bựt một cái cầu! ắt hẳn nà một gã nhọ khỏe ghê gớm!” ông cụ làm vườn kêu lên.
Năm 1778, khi quân Pháp tham gia cuộc chiến về phe thuộc địa, Bel truyền đạt lại những tin tức nói rằng hết bang này đến bang khác theo nhau cho phép nô lệ nhập ngũ, hứa sẽ giải phóng cho họ khi chiến thắng. “Bi giờ chỉ còn có hai bang nói không bao giờ để cho dân nhọ chiến đấu, đó là Nam Calina và Jóocjơ”.
“Đây là điều hay ho duy nhất tui nghe thấy nói về một trong hai bang í!” bác vĩ cầm nói.
Tuy rất căm ghét chế độ nô lệ, Kunta vẫn cảm thấy việc người da trắng giao súng cho người da đen không thể dẫn tới cái gì tốt đẹp. Trước hết người da trắng bao giờ cũng có nhiều súng hơn người da đen, cho nên mọi cố gắng nổi loạn, rốt cuộc, ắt sẽ thất bại. Và anh liên hệ tới chuyện ở chính quê hương anh, bọn tubốp đã trao súng đạn cho những vua chúa, thủ lĩnh gian ác, để rồi người da đen lại đánh người da đen, làng này chống làng kia và xiềng những người bị thua – chính đồng bào mình – đem bán làm nô lệ.
Có lần Bel nghe thấy ông chủ nói có tới năm nghìn người da đen, cả tự do lẫn nô lệ, tham gia cuộc chiến đang tiếp diễn, và Luthơ thường xuyên mang đến những câu chuyện về người da đen chiến đấu bên cạnh các ông chủ của họ, Luthơ còn kể về những đại đội toàn da đen ở “trên mạn ngược”, thậm chí có cả một tiểu đoàn toàn da đen gọi là “Đoàn hán tử nước Mỹ” “Cả đến cũng đại tá cũng nà nhọ” Luthơ nói, “Tên nà Mitđơntơn”.  Anh hóm hỉnh nhìn bác vĩ cầm. “Bác chả đoán được ông ta nàm gì đâu!”.
“Mầy định nói cái gì?” Bác vĩ cầm nói.
“Ông í cũng kéo vĩ cầm! Mà cũng đến núc kéo đờn tí chút rồi đấy!”.
Đoạn, Luthơ âm a và hát một bài hát anh ta đã được nghe ở trên huyện. Bài hát dễ thuộc và chẳng mấy chốc những người khác cũng hát theo, còn lấy que gõ nhịp nữa. “Chàng Mỹ ta cưỡi chú ngựa lùn ra tỉnh…[3]. Và khi bác vĩ cầm bắt đầu kéo đàn, đám thiếu niên ở xóm nô bèn nhảy múa và vỗ tay theo nhịp.
Tháng 5 năm 1781 mang đến câu chuyện choáng người về việc bọn kỵ binh áo đỏ phá đồn điền Môntixelô của me-xừ Tômat Jefoxơn. Mùa màng bị hủy hoại, khoa lúa bị đốt cháy, gia súc chạy thất tán, tất cả ngựa và ba mươi nô lệ bị bắt. “Người da trắng bẩu nà cần phải kíu Vơginia”, Luthơ thuật lại và ít bữa sau anh kể là dân da trắng rất mừng vì đạo quân của tướng Uosinhtơn đang tiến về đó. “Và trong đó có vô khối nhọ”. Tháng 10 mang đến những tin về các lực lượng phối hợp của Uosinhtơn và Lafayét trút đạn vào Yoóctao, tấn công tướng Anh Conoulix. Và chẳng bao lâu, họ được biết nhiều trận chiến đấu khác đang diễn ra dữ dội ở Vơginia, Niu Yooc, Bắc Carôlina, Merơlơn và nhiều bang khác. Rồi đến tuần thứ ba của tháng đó, tin truyền đến khiến cho xóm nô cũng phải reo lên: “Conoulix đầu hàng rồi! Chín tranh kít thúc! Tự do đã giành được!”.
Luthơ giờ đây hầu như không có thì giờ để ngủ giữa những chuyến xe đi đi về về và cả đến me-xừ cũng lại mỉm cười – lần đầu tiên trong bao năm theo lời Bel.
“Tui đến đâu cũng thấy dân nhọ gào to y như người da trắng vậy”, Luthơ nói.
Nhưng theo lời anh, những người nô lệ ở khắp nơi hoan hỉ nhất là về người anh hùng đặc biệt của mình. “Ông bủ Bily Flora”, vừa mới giải ngũ và mang cây súng hỏa mai trung thành của mình trở về Nôfóc.
“Tất cả đến đây!” không bao lâu sau, Bel hô lớn, gọi mọi người ở xóm nô, “me-xừ vừa mới biểu tui người ta chỉ định Philađelphia là thủ đô của Hợp Xủng Cuốc!”[4]. Nhưng sau đó, chính Luthơ mới là người báo tin quan trọng: Me-xừ Jefơxơn đã nêu nên một thứ Đạo nuật giải phóng gì đó. Nó nói rằng các ông chủ có quyền cho dân nhọ tự do, nhưng tui nghe thấy nói đám Quêicơ và những người chống chế độ nô nệ mới nị các nhọ tự do trên mạn ngược vẫn tiếp tục kêu gào bởi vì đạo nuật nói nà các ông chủ không bắt buộc phải nàm thé, trừ phi các ông í muốn thế”.
Khi tướng Uosinhtơn giải tán quân đội vào đầu tháng 11 năm 1783, chính thức chấm dứt cái mà đa số dân chúng đã bắt đầu gọi là “Cuộc chiến tranh bảy năm”, Bel bảo mọi người trong xóm nô: “Me-xừ biểu bi giờ sắp hòa bình rồi”.
“Sẽ chẳng bao giờ có hòa bình, chừng nào còn người da trắng”, bác vĩ cầm chua chát nói, “bỉ chưng họ chẳng thích cái gì hơn là chém giết”. Bác đảo nhanh mắt nhìn các bộ mặt xung quanh. “Rồi các người xem tui nói có đúng không – đối với cánh nhọ chúng ta, sắp tới sẽ còn tệ hơn trước nữa”.
Lát sau, Kunta và ông lão làm vườn ngồi bình thản nói chuyện “Cháu đã thấy bao nhiu chuện từ khi cháu đến đây. Thế nà đã bao nâu rồi nhỉ?” Kunta không biết trả lời ra sao và điều đó làm anh bối rối.
Đêm ấy, khi còn có một mình, Kunta bỏ hàng giờ liền, cẩn thận xếp thành từng đống mười hai hòn một tất cả mớ sỏi nhiều màu và mỗi tuần trăng anh vẫn nhất nhất bỏ vào chiếc vỏ bầu, không đơn sai. Kết quả cuối cùng mớ sỏi cho anh biết khiến anh bàng hoàng đến nỗi ông lão làm vuòn không bao giờ được biết đáp số cho câu hỏi của mình. Xung quanh anh, trên nền đất của căn lều là mười bảy đống sỏi. Anh đã trải ba mươi tư vụ mưa! Lạy Chúa Ala, điều gì đã xảy đến với đời anh? Anh đã ở đất người da trắng lâu bằng thời gian anh sống ở Jufurê. Anh có còn là một người Phi nữa không, hay đã trở thành một gã “nhọ”, như những người kia tự gọi mình? Thậm chí anh có còn là một người đàn ông nữa không? Anh đã bằng tuổi cha anh, khi hai cha con thấy nhau lần cuối, vậy mà anh chẳng có thằng con nào, không vợ, không gia đình, không làng bản, không nhân dân, không tổ quốc; hồ như không chút quá khứ nào tồn tại thực sự đối với anh nữa – và cũng chẳng hề thấy tương lai. Y như thể Đất nước Gămbia là một giấc mơ anh đã từng thấy lâu lắm rồi. Hay là anh vẫn còn đang ngủ? Và nếu thế, thì liệu có bao giờ anh thức giấc không?
Chú thích:
[1] Những sự kiện nhắc đến ở đây xảy ra trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ (1776 – 1783).
[2] Ngày độc lập của Hoa Kỳ.
[3] Một bài dân ca rất phổ biến hồi cách mạng Mỹ.
[4] Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley