Dịch giả: Dương Tường
Chương 57

Kunta không có thì giờ ngẫm nghĩ nhiều về tương lai, bởi vì ít ngày sau, một tin đến như cơn lốc làm náo động cả đồn điền. Sau khi quận trưởng cảnh sát tới gặp ông chủ, đóng chặt cửa bàn kín với nhau, Bel hổn hển kể lại rằng, một đầy tớ gái chạy trốn bị bắt về đã thú nhận, dưới làn roi quất, rằng người vẽ đường tẩu thoát cho thị không phải ai khác ngoài gã lái xe cho ông chủ, Luthơ.
Lồng lộn chạy ra xóm nô trước khi Luthơ kịp tẩu thoát, me-xừ Uolơ đưa anh đến giáp mặt với quận trưởng cảnh sát và giận dữ hỏi anh có đúng thế không. Khiếp đảm Luthơ thú nhận là có. Mặt đỏ bừng vì điên khùng, me-xừ giơ tay toan đánh, nhưng khi Luthơ xin tha tội, me-xừ lại hạ tay xuống và đứng ngây đó lặng lẽ nhìn Luthơ hồi lâu, những giọt lệ tức tối trào lên khóe mắt.
Sau cùng, ông nói, rất bình tĩnh: “Quận trưởng, ông hãy bắt tên này cho vào trại giam. Đến kỳ tới, sẽ đem hắn ra bán đấu giá”. Và không nói thêm nửa lời, me-xừ quay lưng đi về đại sảnh, bỏ ngoài ta những tiếng nức nở đau đớn của Luthơ.
Những lời bàn tán phỏng đoán xem ai sẽ được chỉ định thay Luthơ lái xe cho me-xừ, vừa khởi lên chưa được bao lâu thì một đêm, Bel ra bảo Kunta là me-xừ cần gặp anh ngay lập tức. Mọi người nhìn theo – nhưng không ai ngạc nhiên – trong khi anh tập tễnh bước vào ngôi nhà theo sau Bel. Tuy đã ngờ ngợ đoán ra tại sao mình được gọi đến, Kunta vẫn thấy hơi rợn vì anh chưa bao giờ nói với ông chủ hoặc đi quá căn bếp của Bel trong ngôi đại sảnh suốt trong mười sáu năm ròng anh ở đồn điền.
Trong khi Bel dẫn anh qua bếp vào một hành lanh, Kunta tròn xoe mắt nhìn sàn nhà bóng lộn và những bức tường cao có phủ giấy. Chị gõ vào cánh cửa lớn có chạm trổ. Anh nghe thấy ông chủ nói: “Cứ vào!” và Bel bước vào trong phòng quay lại vẫy Kunta, mặt thản nhiên như không. Kích thước của căn phòng to như cái kho lúa khiến anh không thể tin được. Sàn nhà bằng gỗ sồi đánh bóng phủ đầy thảm, tường treo tranh và thảm dệt. Đồ đạc, bàn ghế mầu sẫm sang trọng, cân xứng, tất cả đều đánh véc-ni và hàng dãy sách sắp trên những giá đóng thụt vào tường. Me-xừ Uolơ ngồi đọc ở một cái bàn giấy dưới ngọn đèn dầu có chụp tròn bằng thủy tinh xanh và ông ta quay lại đối diện với Kunta, kẹp một ngón tay vào giữa cuốn sách để đánh dấu.
“Tôby, tôi cần một lái xe. Anh đã trưởng thành ở nơi này và tôi tin anh là người trung thực”. Đôi mắt to màu xanh của ông ta như xuyên qua Kunta. “Bel nói với tôi là anh không uống rượu bao giờ. Tôi thích thế và tôi cũng đã để ý thấy anh cư xử như thế nào” Me-xừ Uolơ dừng lại. Bel lừ mắt nhìn Kunta. “Nhè, me-xừ”, anh vội vàng nói.
“Anh biết chuyện gì xảy đến với Luthơ rồi chứ?” me-xừ hỏi. “Nhè”, Kunta nói. Cặp mắt me-xừ nheo lại và giọng ông trở nên lạnh lùng, cứng rắn. “Cẩn thận, kẻo tôi sẽ bán anh đi trong vòng một phút”, ông ta nói, “tôi sẽ bán cả Bel nếu hai người không biết điều hơn thế”.
Trong khi họ lặng lẽ đứng đó, me-xừ lại mở sách ra. “Thôi được, mai bắt đầu đánh xe cho tôi. Tôi đi Niupo. Tôi sẽ chỉ đường cho đến khi nào anh thuộc”. Me-xừ đưa mắt nhìn Bel. “Lấy quần áo tử tế cho nó. Và bảo bác vĩ cầm thay chân Tôby làm vườn nhé”.
“Dạ thưa ông chủ”, Bel nói và cùng Kunta đi ra.
Bel mang áo quần đến cho anh, nhưng chính bác vĩ cầm và ông lão làm vườn sáng sớm hôm sau đã đích thân giám sát, sửa sang cho Kunta đóng bộ xúng xính trong chiếc quần vải bạt hồ bột, là phẳng phiu và chiếc sơ-mi vải bông gai. Trông không đến nỗi nào, nhưng anh cảm thấy cái cà-vạt đen hẹp bản, mà sau đó họ thắt giúp anh, làm anh có vẻ lô lố thế nào ấy.
“Đánh xe đến Niupo thì đâu phải nà nơi xa nạ gì cứ đi thẳng gần ngay tòa thị chính Xpotxivanya”, ông lão làm vườn nói. “Đó nà một trong dững tư thất nớn của dòng họ Uolơ lâu đời”.
Bác vĩ cầm – lúc này đã được báo cho biết nhiệm vụ mới của mình cũng như của Kunta – đi quanh anh kiểm tra lần nữa với một vẻ bộc lộ rõ ràng cả hai nét tâm trạng của bác: vừa vui thích vừa ghen tị. “Mầy bi giờ rõ rành là một nhọ khá đặc biệt, không cách chi nói khác được. Chớ có bốc đồng say sưa quá đấy”.
Đó là lời khuyên không cần thiết đối với một kẻ – thậm chí sau tất cả những năm tháng đó – vẫn không hề thấy chút phẩm giá nào trong bất cứ việc gì phải làm cho người da trắng. Nhưng ngay cả nếu Kunta có cảm thấy chút phấn khởi nhỏ nào trước cái triển vọng có thể từ bỏ khu vườn lại sau lưng để mở rộng chân trời của mình – như các ông bác Jannê và Xalum của anh đã làm – thì điều đó chẳng mấy chốc cũng bị quên lút đi trong những nhiệm vụ mới tất bật khẩn trương của anh.
Được các bệnh nhân viện đến bất cứ giờ nào, ngày cũng như đêm, me-xừ Uolơ thường gọi Kunta bố nháo bổ nhào ra khỏi lều, đóng ngựa vào xe để phóng miết, cơ hồ đến gẫy cổ, đến những ngôi nhà đôi khi cách đồn điền hàng bao nhiêu dặm, xuôi theo những con đường hẹp, ngoằn ngoèo không nhẵn nhụi hơn vùng nông nông bao quanh là mấy. Tròng trành, nghiêng ngả trên những vết lún và ổ gà, vung roi lia lịa cho đến khi ngựa thở hồng hộc trong khi me-xừ Uolơ níu chặt vào cái ghế sau có mái che, Kunta tỏ ra có biệt tài cầm cương, khiến cho hai thày trò trong mọi trường hợp đều đến đích an toàn, kể cả trong dịp băng tan đầu mùa xuân khi những con đường đất đỏ biến thành như dòng sông bùn phản trắc.
Một buổi sáng sớm, lão Jon, anh trai ông chủ phi ngựa tới, cuống cuồng báo là vợ lão bắt đầu đau đẻ, mặc dầu tính ra, phải hai tháng nữa mới đến ngày ở cữ. Ngựa của me-xừ Jon mệt quá, không thể trở về nếu không được nghỉ và Kunta đã đánh xe chở cả hai anh em về trại của me-xừ Jon vừa đúng lúc. Đôi ngựa của Kunta nóng hừng hực vì chạy quá căng chưa kịp dịu đi tạm đủ để có thể cho uống nước thì đã nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc ré lên. Trên đường về, ông chủ cho anh biết đó là một đứa con gái nặng năm “pao”27, đặt tên là An.
Và công việc cứ như thế tiếp diễn. Cũng trong cái mùa hè – thu chạy ngược chạy xuôi túi bụi ấy, xảy ra một nạn dịch sốt nôn đờm đen, khắp hạt đều có người mắc, nhiều đến nỗi me-xừ Uolơ và Kunta chạy chữa không xuể và chẳng bao lâu chính họ cũng bị sốt. Nuốt ực những liều ký ninh thật mạnh để giữ sức tiếp tục đi, họ đã cứu được nhiều sinh mạng hơn là chịu để bệnh nhân chết. Nhưng đời sống của bản thân Kunta thì trở thành một chuỗi nhóa nhòa quyện vào nhau khôn xiết kể những căn bếp trong tư thất các đồn điền, những giấc ngủ chợp trong những túp lều lạ hoặc trong những góc chứa cỏ khô và những giờ đằng đẵng ngồi trên xe bên ngoài những túp nhà lụp xụp hay những đại sảnh, nghe vọng ra vẫn những tiếng kêu đau ấy trong khi đợi ông chủ ra để trở về nhà – hay như thường xảy ra hơn, để tiếp tục đánh xe đến người bệnh sau.
Nhưng me-xừ Uolơ không phải bao giờ cũng đi vào giữa kỳ nguy kịch. Đôi khi, hàng tuần liền không có gì khẩn cấp hơn là những đợt thăm bệnh thường lệ tại nhà hoặc những chuyến đi thăm một trong hàng loạt tưởng như vô cùng tận những bà con, bạn bè có đồn điền ở quanh quanh trong tầm đi lại của xe ngựa. Vào những dịp đó – đặc biệt vào mùa xuân và mùa hè, khi các ruộng cỏ chi chít những hoa, những dâu dại và những đám cây mâm xôi, và các hàng rào vấn vít những cây leo um tùm – cỗ xe thường ung dung lăn bánh đằng sau cặp ngựa hồng đẹp đôi, me-xừ Uolơ đôi khi ngủ gà ngủ gật dưới cái mui đen che nắng. Khắp chỗ chim cun cút bay lên vù vù, chim giáo chủ lông đỏ óng nhảy nhót, chiền chiện và chim đớp muỗi ríu rít. Thi thoảng một con rắn nằm phơi nắng trên đường bị cỗ xe đang đi tới phá đám, trườn mình lủi đi cho yên thân, hoặc một con chim ó vỗ cánh nặng nề rời khỏi chú thỏ chết, bữa ăn dở dang của nó. Nhưng hình ảnh ưa thích nhất của Kunta là một cây sồi hoặc một cây tuyết tùng cô đơn ở giữa cánh đồng; nó đưa tâm tưởng anh trở về với những cây bao-báp của Châu Phi, với câu nói của các bô lão là: ở đâu có một cây bao-báp đứng trơ trọi, ở đó trước đây đã từng có một làng. Những lần đó, anh thường nghĩ đến Jufurê.
Trong những chuyến đi xã giao, ông chủ thường hay đến thăm bố mẹ ở đồn điền Enfin. Tới gần đó – cũng như tất cả những tư thất của dòng họ Uolơ – cỗ xe lăn bánh giữa hai hàng cây to, lâu năm và dừng lại dưới bóng một cây óc chó trên bãi cỏ rộng trước nhà. Tòa dinh thự, to hơn và trông sang hơn nhà ông chủ nhiều, chễm chệ trên một khu đất hơi nhô lên, chon von bên một con sông hẹp nước chảy lờ đờ.
Trong mấy tháng đầu làm công việc lái xe, đám đầu bếp ở các đồn điền khác nhau đã dọn cho Kunta ăn – đặc biệt là Hattie Mac, chị bếp kênh kiệu, phốp pháp, da đen nhánh ở Enfin – đều gườm gườm nhìn anh bằng con mắt xoi mói, thái độ khư khư như ông từ giữ oản giống hệt Bel ở đồn điền me-xừ Uolơ. Tuy nhiên trước tư thế đĩnh đạc, cứng rắn và dè dặt của Kunta, không ai dám ra mặt thách thức anh một cách trực tiếp và anh cứ lặng lẽ ăn kỳ nhẵn đĩa bất cứ món gì họ dọn cho anh, trừ thịt lợn. Cuối cùng họ cũng bắt đầu quen với cung cách trầm lặng của anh và tới lần thứ sáu hay thứ bảy gì đó, ngay cả chị bếp ở Enfin cũng có vẻ đã xác định rằng anh đủ tư cách để trò chuyện và hạ cố nói với anh.
“Anh có biết anh đang ở đâu không?” một hôm, giữa lúc anh đang ăn, chị ta đột ngột hỏi. Anh không trả lời và chị cũng không chờ anh trả lời.
“Cái này đây là nhà đầu tiên của dòng họ Uolơ ở Hạp Xẻng Quốc. Ngoài họ Uolơ, không có ai ở đây tới một trăm năm mươi năm!” Chị nói khi đồn điền Enfin được xây dựng thì chỉ bằng nửa bây giờ, nhưng về sau, một cái nhà khác ở cạnh sông được rỡ đến, ghép thêm vào. “Lò sưởi của chúng tôi là gạch chở bằng tàu từ bên Anh sang”, chị ta hãnh diện nói. Trong khi chị tiếp tục kể con cà con kê, Kunta gật gù xã giao nhưng anh chả lấy gì làm thán phục.
Thi thoảng me-xừ Uolơ đến thăm Niupo, nơi đầu tiên Kunta nhận nhiệm vụ đánh xe tới; thật khó mà tin rằng từ đó đến nay, cả một năm trời đã trôi qua. Một ông chú bà cô của me-xừ sống tại đó trong một ngôi nhà mà Kunta thấy rất giống Enfin. Trong khi cánh da trắng đánh chén trong phòng ăn thì chị bếp ở Niupo cho Kunta ăn dưới bếp, diễu qua diễu lại với một xâu chìa khóa ở chiếc thắt lưng da mỏng quấn quanh mé trên tạp dề. Giờ đây, anh đã để ý là mọi nữ quản gia đều mang một chùm chìa khóa như vậy. Anh được biết là trong đó, ngoài những chìa khoá phòng để thức ăn, nhà sấy, hầm ướp lạnh và những chỗ trữ thực phẩm khác, còn có các chìa mở tất cả các phòng lớn phòng nhỏ trong đại sảnh. Tất cả những chị bếp anh gặp đều đi đứng cách nào cho những chìa khóa đó kêu xủng xẻng, ra cái điều mình oai vệ và được tin cẩn biết chừng nào, nhưng không có ai lắc kêu to dữ như cái nhà chị này.
Vào một bữa gần đây, giống như chị bếp ở Enfin, sau khi xác định rằng anh chàng kể ra cũng đường được, chị áp một ngón tay lên môi ra hiệu im lặng và dẫn Kunta rón rén đến một căn buồng nhỏ trong ngôi đại sảnh. Với vẻ phô phang chị ta mở cửa bằng một cái chìa khóa ở thắt lưng, đưa anh vào trong buồng và chỉ vào một bức tường. Trên đó bày ra một loạt những thứ mà chị ta giải thích là gia huy và con dấu bạc của dòng họ Uolơ, một bộ áo giáp, những khẩu súng ngắn bằng bạc, một thanh gươm bạc và quyển sách kinh của đại tá Uolơ.
Hài lòng thấy vẻ kinh ngạc không giấu nổi trên nét mặt Kunta, chị thốt lên: “Cụ cố đại tá lập đồn điền Enfin kia, dưng mà chết chôn ở đây”. Và ra ngoài nhà, chị chỉ cho anh thấy ngôi mộ và tấm bia. Sau một phút đang khi Kunta trân trân nhìn vào bia, chị ta hỏi với một vẻ thản nhiên đã luyện đi luyện lại thành thục: “Anh muốn biết nó nói gì không?” Kunta gật đầu và chị ta liếng thoắng “đọc” hàng chữ đã thuộc lòng từ lâu: “Tưởng niệm hồn thiêng Ngài đại tá Jon Uolơ, con trai thứ ba cụ cố ông Jon Uolơ và cụ cố bà Meri Ki, định cư ở Vơginia năm 1635, từ Niupo Paganel, Băckinhgamsiơ”.
Ít lâu sau, Kunta được biết nhiều anh chị em họ của ông chủ hiện sống tại Đồi Viễn vọng, cũng thuộc hạt Xpotxylvanya. Giống như Enfin, tòa đại sảnh ở đây  có một tầng lầu rưỡi như hầu hết các tư thất rất cổ vì, theo chị bếp ở Đồi Viễn vọng nói với anh, nhà vua đánh thuế phụ vào những nhà có hai tầng lầu. Khác với Enfin, Đồi Viễn vọng có phần nhỏ bé – nhỏ hơn các tư thất khác của dòng họ Uolơ – song bất kể Kunta có nghe hay không, chị bếp cho biết là không nhà nào có hành lang ở cửa vào rộng bằng hoặc có cầu thang tròn dốc như ở đây.
“Anh không lên gác được, dưng anh cũng nên biết trên ấy chúng tôi có dững cái giường bốn cột có trướng, cao đến nỗi phải bắc thang và bên dưới là giường trẻ con có bánh xe lăn. Mà tôi nói cho anh nghe điều này nữa: tất cả giường, gạch lò sưởi, xà nhà, bản lề cửa, mọi thứ chúng tôi có ở đây đều do bọn nô nhọ làm hết”.
Ở sân sau, chị ta chỉ cho Kunta nhà dệt vải đầu tiên mà anh thấy và gần đấy là khu nô lệ – gần giống như ở chỗ anh – mé dưới là một cái ao và xa hơn nữa là một nghĩa địa nô lệ. “Tôi biết anh không muốn thấy cái này”, chị ta nói, đọc được ý nghĩ của anh. Anh tự hỏi: Liệu chị ta có biết luôn cả rằng mình lấy làm lạ và buồn biết bao khi nghe thấy chị – cũng như biết bao người da đen  khác – luôn mồm nói “chúng tôi”, làm như chị là chủ cái đồn điền đang dựa vào mà sống, chú không phải ngược lại.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley