Dịch giả: Dương Tường
Chương 62

“Hôm qua tui thấy Tôby đi ngang, tui hò nó: “Nì nhọ, ghé vô ngồi chơi một nhát!” Cụ phải thấy nó nhìn tui dư thế nào, mà thậm chí nó cũng chả nói gì nữa cơ! Cụ đoán là thế nào hỉ?” Bác vĩ cầm hỏi cụ làm vườn. Cụ làm vườn chịu không biết, và cả hai bèn đến hỏi Bel. “Cháu chả rõ nữa, Nếu anh í ốm hay làm sao thì phải hiểu chứ lị. Thôi cháu mặc kệ anh í, anh í làm đến là kỳ!” chị tuyên bố.
 
Cả đến me-xừ Uolơ cũng nhận thấy gã lái xe đáng tin cậy và dè dặt một cách đáng khen của mình dường như không giống mọi ngày. Ông ta hy vọng đó không phải là giai đoạn ủ bệnh của một dịch truyền nhiễm đang xảy ra ở địa phương mà cả hai thầy trò đều lăn vào chạy chữa, cho nên một hôm ông ta hỏi Kunta có thấy khó chịu trong người không. “Thưa không, me-xừ”, Kunta vội trả lời, cho nên me-xừ Uolơ không quan tâm thêm nữa, chừng nào gã lái xe vẫn đưa mình đến nơi đến chốn.
 
Kunta xao xuyến đến tận tâm can vì cuộc gặp gỡ với người Gana nọ và chính sự việc ấy khiến anh thấy rõ mình đã sa sút biết bao. Ngày lại ngày, năm này qua năm khác, anh đã trở nên kém kiên cường, cam phận hơn cho tới khi, rốt cuộc, anh đã quên mất mình là ai – mà thậm chí cũng không nhận ra điều đó nữa. Đành rằng anh đã đi đến chỗ hiểu hơn và hòa hợp hơn với bác vĩ cầm, cụ làm vườn, Bel và những người da đen khác, song giờ đây, anh biết rằng anh sẽ không bao giờ thực sự là một người thuộc bọn họ được, cũng như họ không thể giống anh. Thực vậy bên cạnh người Gana kia, cả bác vĩ cầm, cả ông lão làm vườn, và cả Bel giờ đây đều làm Kunta bực bội. Anh vui mừng thấy họ lánh xa anh. Ban đêm, nằm trên ổ, lòng anh quằn quại, vò xé bởi cảm giác phạm tội và xấu hổ về những điều anh đã để xảy đến với bản thân. Cái hồi anh thường hay thức giấc đột ngột trong căn lều này, bật lên ngồi thẳng dậy, bàng hoàng phát hiện ra là mình không ở Jufurê, thời ấy anh vẫn còn là một người Phi, nhưng lần cuối cùng xảy ra như vậy cách đây bao năm rồi. Cái hồi mà những hồi ức về đất nước và nhân dân Gămbia là điều duy nhất nâng đỡ anh, thời ấy anh vẫn còn là một người Phi, nhưng bây giờ có khi hàng mấy tháng, anh không hề nghĩ đến Jufurê lấy một lần. Vào những năm đầu, khi mà mỗi tổn thương mới đến khiến anh quỳ gối cầu xin Chúa Ala ban cho sức mạnh và sáng suốt để hiểu ngọn ngành, cái thời ấy anh vẫn còn là một người Phi; đã bao lâu rồi kể từ khi anh cầu Chúa Ala cho đúng phép tắc?
 
Việc anh học nói tiếng tubốp – anh hiểu ra là thế - đã đóng một vai trò lớn trong chuyển biến đó. Hàng ngày chuyện trò bằng thứ tiếng ấy, thậm chí họa hoằn anh mới nghĩ đến những từ ngữ Manđinka, trừ những tiếng vẫn còn bám chắc vào đầu anh vì một lý do nào đó. Thực vậy, đến nay – Kunta giận giữ nhìn thẳng vào sự thật đó – anh thậm chí nghĩ bằng tiếng tubốp nữa. Trong vô số điều anh làm cũng như nói và nghĩ, kiểu cách Manđinka của anh đã dần dần nhường chỗ cho kiểu cách của những người da đen cùng sống với anh. Điều duy nhất anh cảm thấy còn có thể tự hào tí chút là trong hai mươi vụ mưa, anh chưa bao giờ đụng đến thịt con “ủn ỉn”.
 
Kunta lục soát tâm trí, chắc hẳn cũng còn một phần nào khác của cái bản ngã ban đầu sót lại đâu đấy mà anh có thể tìm ra được. Và nó đây: anh vẫn giữ được phẩm cách. Qua tất cả mọi sự, anh đã mang phẩm cách của mình như đã từng mang những lá bùa xaphi để xua đuổi tà ma, một thời ở Jufurê. Anh nguyện với mình, giờ đây hơn bao giờ hết, phẩm cách phải trở thành tấm lá chắn giữa anh và tất thảy những người tự gọi là “nhọ”. Họ chẳng tự biết mình chút nào; họ chả biết gì về tổ tiên như anh đã từng được dạy dỗ từ hồi niên thiếu. Kunta điểm lại trong tâm trí tên tuổi các bậc tiền thân thuộc dòng họ Kintê từ thời thị tộc xưa ở nước Mali cổ qua các thế hệ ở Moritanya, rồi ở Gămbia, cho chí các bậc đàn anh, rồi đến bản thân anh, và anh nghĩ đến mọi thành viên cùng lứa kafô với anh, ai nấy đều hiểu biết kỹ lưỡng về tổ tiên mình như vậy.
 
Điều đó khiến Kunta nhớ tới các bạn thời thiếu niên. Thoạt đầu anh chỉ ngạc nhiên, nhưng rồi anh đâm choáng váng khi thấy mình không sao nhớ ra tên của họ. Diện mạo họ trở lại trong trí anh – cùng với hồi ức về họ, nào những khi chạy ào ra ngoài cổng làng như bày chim hát, líu lô hộ tống mọi du khách đi ngang qua Jufurê; nào khi lấy que ném những con khỉ chí cha chí chóe cho chúng thoăn thoắt ném trở lại, nào khi thi nhau xem đứa nào ăn được sáu quả soài nhanh nhất. Nhưng tha hồ cố gắng, Kunta vẫn không tài nào nhớ ra tên của họ thậm chí không nhớ được lấy một tên. Anh như thấy cả lứa kafô của mình tập hợp lại, cau mày nhìn anh.
 
Ở trong lều mình cũng như khi lái xe cho me-xừ, Kunta bóp óc nghĩ. Và cuối cùng từng tên một bắt đầu lần lượt hiện về: phải, Xitafa Xila – cu cậu này với Kunta xưa kia là bạn thân nhất! Rồi đến Kalilu Contê – anh chàng đã rình mò, đuổi bắt con vẹt theo lệnh của kintangô. Xêfô Kêla – anh chàng đã xin Hội đồng Bô lão cho phép làm bạn ngoài hôn thú với chị góa nọ.
 
Giờ đây, nét mặt của một số huynh trưởng bắt đầu hiện về và đồng thời, cả những cái tên mà anh tưởng đã quên từ lâu. Vị kintangô là Xila Ba Bípba! Vị trưởng tế là Kujali Đemba! Kunta nhớ lại lễ tốt nghiệp cho lứa kafô thứ ba, hôm đó anh đã đọc kinh Koran làu làu, cừ đến nỗi Ômôrô và Binta phấn khởi đem một con dê béo đến tạ arafang tên là Brima Xêxay. Việc nhớ lại được tất cả những con người đó khiến Kunta tràn đầy vui sướng – cho tới khi anh chợt nhớ rằng các bậc huynh trưởng đó giờ đây hẳn đã chết và các bạn cùng lứa kafô với anh ở Jufurê mà anh nhớ lại như là những chú bé, nay cũng đã bằng tuổi anh – và anh sẽ chẳng bao giờ gặp lại họ nữa. Lần đầu tiên trong bao năm, anh khóc ròng mãi đến khi ngủ lịm đi.
 
Mấy ngày sau trên tỉnh lỵ, một lái xe khác kể với Kunta rằng một số người da đen tự do trên mạn Bắc tự xưng là “Liên hiệp da đen” đã kiến nghị để tất cả người da đen - cả tự do lẫn nô lệ - hồi hương hàng loạt về Châu Phi. Chỉ nghĩ thế, Kunta đã phấn khởi, tuy anh vẫn dè bỉu rằng điều đó có thể không bao giờ xảy ra vì các me-xừ chẳng những đua nhau mua người da đen mà còn trả những giá cao hơn bao giờ hết. Tuy anh biết bác vĩ cầm hồ như thà ở lại Vơginia làm nô lệ còn hơn đi Châu Phi làm người tự do. Kunta vẫn muốn có thể bàn chuyện đó với bác, vì bác vĩ cầm dường như bao giờ cũng thông thạo mọi điều cần biết về những gì đang diễn ra ở bất cứ nơi nào, nếu như sự việc ấy có liên quan đến tự do.
 
Nhưng đã gần hai tháng, Kunta độc chỉ quàu quạu với bác vĩ cầm cũng như với Bel và ông lão làm vườn. Cố nhiên, không phải anh cần họ hoặc thậm chí ưa thích họ đến thế - nhưng cái cảm giác bị mắc cạn cứ tăng mãi lên trong anh. Đến lúc tuần trăng tiếp theo vừa khởi và anh ảo não bỏ một hòn sỏi nữa vào chiếc vỏ bầu, Kunta cảm thấy cô đơn khôn xiết tả, tựa hồ anh đã tách rời mình ra khỏi thế giới.
 
Lần sau trông thấy bác vĩ cầm đi qua, Kunta lấp lửng, gật đầu với bác, nhưng bác vĩ cầm vẫn bước tiếp như không trông thấy ai. Kunta vừa giận vừa bối rối. Ngày hôm sau anh và ông lão làm vườn trông thấy nhau cùng một lúc và vẫn đi như thường không lỡ bước nào, ông già rẽ sang hướng khác. Vừa phật ý vừa chua xót – và với một cảm giác phạm lỗi mỗi lúc một tăng – đêm ấy, Kunta đi đi lại lại trong lều hàng giờ liền. Sáng hôm sau, ráng hết sức tự chủ, anh tập tễnh ra ngoài và đi xuôi xóm nô đến cửa căn lều cuối từng đã thân thuộc một thời. Anh gõ cửa.
 
Cửa mở. “Muốn gì?” bác vĩ cầm lạnh lùng hỏi.
 
Bối rối nuốt khan đánh ực, Kunta nói: “Nhân tiện tui đi qua ghé vào”.
 
Bác vĩ cầm nhổ toẹt xuống đất “Nè nhọ, bi giờ nghe tau nói nhá, Tau mí Bel, mí ông già đã bàn về mầy. Và tất cả bọn tau nhất trí rằng nếu có cái gì bọn tau không chịu nổi, thì đó là một thằng nhọ tính khí thất thường”. Bác nhìn Kunta chằm chằm “Tất cả cái không ổn mí mầy là dư thế! Mầy không ốm mà cũng chẳng làm sao cả”
Kunta đứng nhìn xuống mũi giày. Một lúc sau, cái nhìn của bác vĩ cầm dịu đi và bác ta bước né sang bên. “Mầy đã đến đây, thì vào đi. Dưng tau nói để mầy biết mầy còn giở rắm giở thối ra lần nữa thì chẳng ai thèm nói mí mầy cho đến khi mầy già bằng ông Bành tổ!”
 
Nuốt giận và tủi nhục, Kunta bước vào lều và ngồi xuống; và sau một hồi im lặng tưởng như bất tận giữa hai người – mà hiển nhiên là bác vĩ cầm không hề có ý định chấm dứt – Kunta cố cưỡng mình nói đến chuyện kiến nghị hồi hương về Châu Phi. Bác vĩ cầm hờ hững nói là bác đã biết từ lâu và không có li leo ông cụ khả năng nào để chuyện đó thành sự thật được.
 
 
Thấy vẻ phật ý của Kunta, bác vĩ cầm dường như dịu đi một chút. “Để tau nói cái này tau cuộc là mầy chưa được nghe. Trên mạn Bắc ở Niu Yóoc, có cái gọi là Hội giải phóng nô lệ, nó mở một trường cho các nhọ tự do muốn học đọc học viết và mọi thứ nghề”.
 
Kunta thấy bác vĩ cầm lại trò chuyện với mình như cũ thì sung sướng nhẹ cả người đến nỗi hầu như không nghe thấy ông bạn già nói gì. Mấy phút sau, bác vĩ cầm ngừng nói một lát và ngồi nhìn Kunta, vẻ dò hỏi.
“Mầy có nghe tao nói không?” cuối cùng bác hỏi.
“Hả?” Kunta nói, từ nãy đến giờ anh vẫn triền miên suy nghĩ.
“Tau hỏi mầy một câu từ năm phút rồi”.
“Xin lỗi tui đang mải nghĩ”
“Thôi được, vì mầy không biết đường mà lắng tai nghe, để tau bày cách cho mầy”. Bác ngồi trở lại và khoanh tay.
“Bác có tiếp tục điều bác đang nói không?” Kunta hỏi.
“Bi giờ tau quên mất tau vừa nói gì rồi. Mầy có quên cái mầy vừa nghĩ không?”
“Cái í không quan trọng đâu. Chỉ là một chuyện làm tui bận óc thôi mà.”
“Tốt hơn là gạt phăng nó đi cho khỏi nhức đầu – hay là, nói tau hay”.
“Tui không nói được.”
“Hừ!” bác vĩ cầm nói làm ra vẻ xúc phạm. “Nếu mầy nghĩ cách í…”
“Không can hệ đến bác đâu. Chuyện riêng thôi mà”
Một tia sáng bắt đầu nhoe nhoe lên trong mắt bác vĩ cầm. Khoan hẵng nói! Chuyện về một con lền bà phải không?”
“Không có gì dư thế mà!” Kunta nói, mặt đỏ bừng luống cuống. Anh ngồi đực ra nín thinh một lúc, rồi đứng dậy và nói “Thôi, tui muộn giờ làm rồi, để tui gặp bác sau nhá. Cám ơn bác đã nói chuyện với tui”.
“Đương nhiên phải thế. Khi nào mầy cần chuyện trò dăm ba câu thì cứ bỉu tau”.
 
Làm sao mà bác ấy lại biết nhỉ? Kunta tự hỏi mình trên đường đến chuồng ngựa. Và tại sao bác ta cứ gặng hỏi, ép anh nói về cái đó? Thậm chí Kunta có để cho mình nghĩ đến cái đó cũng chỉ là hết sức miễn cưỡng. Song gần đây, xem chừng anh hầu như không thể nghĩ đến chuyện gì khác. Cái đó có liên quan đến lời khuyên nhủ của ông già Gana về việc trồng hạt giống của anh.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley