Dịch giả: Dương Tường
Chương 71

Vào quãng trưa một ngày oi ả cuối tháng Tám, thím Xuki lạch bạch cố hết sức đi thật nhanh đến chỗ bác vĩ cầm đang đứng giữa đám cà chua và vừa thở hồng hộc vừa nói là thím lo về ông già làm vườn quá. Khi đầu không thấy ông cụ đến lều mình vào giờ điểm tâm, thím chả nghĩ ngợi gì - thím hổn hển nói - nhưng đến trưa cũng không thấy ông xuất hiện khiến thím đâm lo, thím đến cửa lều ông, gõ và gọi rõ to mà không thấy trả lời, thím đâm hoảng và nghĩ rằng tốt hơn hết cứ ra hỏi xem bác vĩ cầm có thấy ông cụ đâu không. Bác cũng không thấy.
"Tau biết vầy, cách này hay cách khác, ngay từ trước khi bước vào đó", đêm ấy bác vĩ cầm  nói với Kunta. Và Kunta bảo là anh không tài nào cắt nghĩa nổi cảm giác kỳ lạ đến với anh trong khi đánh xe đưa ông chủ về nhà chiều hôm ấy. "Ông cụ nằm đó ngay trên giường, rất chi là bình thản", bác vĩ cầm nói "bộ mặt hơi cười cười một tí. Coi bộ dư đang ngủ, dưng mà thím Xuki thì bỉu cụ í đã thức giấc trên thiên đàng". Bác nói bác ta mang tin buồn đó ra báo cho những người làm đồng và tay lực điền chính Catô đã cùng bác trở về, giúp một tay tắm rửa cho thi hài và đặt lên một tấm ván lạnh. Rồi họ treo chiếc mũ rơm, đã nâu sạm vì mồ hôi, của ông lão làm vườn ra ngoài cửa lều để báo tang theo tục lệ cổ truyền, trước khi cánh lực điền trở về và tập hợp trước lều nghiêng mình thi lễ lần cuối, rồi Catô và một lực điền khác đi đào huyệt.
Kunta trở về lều, lòng buồn gấp đôi - không những chỉ vì ông lão làm vườn đã chết mà còn là vì từ khi sinh Kitzi, anh đã không năng tới thăm ông cụ như anh có thể làm, trước đấy thì tưởng chừng hầu như không đủ thì giờ và bây giờ thì đã quá muộn. Về tới nhà, anh thấy Bel giàn giụa nước mắt; điều đó anh đã đoán trước, nhưng lý do khiến chị khóc làm cho anh ngạc nhiên "Xưa nay tui vẫn cảm thấy ông cụ là người cha mà tui chưa bao giờ biết mặt", chị nức nở, "Không biết vì sao mà tui không thổ lộ với ông cụ điều í, nhưng từ nay về sau, ông cụ không còn đây nữa, chắc sẽ không bao giờ lại như xưa". Chị và Kunta lặng lẽ ăn bữa tối trước khi ủ Kitzi cẩn thận đề phòng đêm mùa thu lạnh, bồng theo đến cùng với những người khác "ngồi bên kẻ quá cố" cho tới khuya.
Kunta ngồi hơi tách khỏi ra những người khác, với con bé Kitzi không ngừng giãy giụa trong lòng suốt đầu giờ cầu nguyện, và hát khe khẽ, rồi chị Manđi bắt đầu rì rầm nói chuyện, hỏi có ai nhớ là có bao giờ ông cụ nhắc đến bà con họ hàng nào còn sống không. Bác vĩ cầm nói: "Một bận đã lâu, tui nhớ là cụ có nói rằng cụ không biết mặt mẹ. Tui chỉ nghe cụ kể về gia đình có vậy thôi". Vì trong bọn họ, bác vĩ cầm là người gần gũi ông cụ nhất, và nếu có ai biết gì thì đó ắt chỉ là bác, cho nên mọi người quyết định rằng có lẽ không cần phải báo tin cho ai cả.
Một đoạn kinh nguyện nữa, một bài hát nữa, rồi thím Xuki nói "Tuồng như từ bao lâu nay, ông cụ vẫn là người làm của ai đó trong họ nhà Uolơ. Tôi có nghe cụ kể là hồi còn bé, mexừ vẫn cưỡi trên vai cụ, hóa nên tui đồ rằng vì thế, sau này khi có đại sảnh riêng, mexừ mới đưa ông cụ về đây".
"Mexừ cũng rất buồn", Bel nói. "Mexừ biểu tui nói với tất cả các bác, các anh, các chị mai nghỉ làm việc nửa ngày".
"Tốt, ít ra ông cụ cũng sẽ được chôn cất tử tế", người vừa nói là Ađa, một nữ lao công làm đồng, mẹ thằng bé Nâuơ đang thản nhiên ngồi bên cạnh "Có nhiều ông chủ chỉ cho phép ngừng làm việc vừa đủ để đến ngó mặt người nhọ chết đúng một cái trước khi cái xác còn ấm bị rúi xuống ba tấc đất".
"Ờ, tất cả những người trong gia đình Uolơ đều là những người da trắng tốt bụng, cho nên chúng ta ở đây, không ai phải lo lắng vì chuyện í", Bel nói.
Thế rồi một số người khác bèn nhắc tới chuyện các điền chủ giàu có đôi khi cũng bày ra những đám tang rất tươm tất, thường là cho những đầu bếp lâu năm ở nội thất hoặc những nhũ mẫu già đã bế ẵm, cho bú và góp phần nuôi nấng hai hoặc thậm chí ba lứa trẻ trong gia đình. "Có khi họ được chôn trong khu mộ của người da trắng, có những phiến đá phẳng đánh dấu chỗ họ nằm".
Thật là một phần thưởng ấm lòng, tuy có phần muộn mằn, đối với cả một đời lam lũ vất vả, Kunta chua chát nghĩ thầm. Anh nhớ lại cụ già làm vườn có kể với anh là hồi cụ mới đến làm ở nội thất của ông chủ, cụ còn là một gã coi ngựa trẻ tráng, lực lưỡng; cụ làm công việc này trong nhiều năm cho đến khi bị một con ngựa đá rất đau. Cụ vẫn được dùng, nhưng càng ngày càng trở nên tàn phế và cuối cùng, mexừ Uolơ bảo cụ tiêu nốt những năm tháng còn lại bằng cách làm bất cứ cái gì cụ cảm thấy có thể làm. Với Kunta làm trợ thủ, cụ đã trông nom vườn rau cho đến khi quá yếu, cả đến việc đó cũng không kham nổi, và từ đó trở đi, cụ dành phần lớn thời gian lấy rác ngô đan mũ, lấy rơm đan quạt và làm đệm ghế cho tới lúc chứng viêm khớp tiến triển làm tất cả các ngón tay của cụ cũng đâm liệt. Kunta nhớ đến một ông già khác mà thi thoảng anh có gặp ở một đại sảnh giàu có ở đầu tỉnh đằng kia. Tuy đã được phép nghỉ hưu từ lâu, sáng nào ông lão cũng đòi vài người da đen trẻ hơn khiêng ra ngoài vườn, ở đó ông có thể nằm nghiêng nhổ cỏ bằng đôi bàn tay sứt sẹo lam nham, giữa những vạt hoa của bà chủ trọn đời quý mến cũng già và tàn phế như ông. Và đó là những người may mắn, Kunta biết thế. Nhiều người già, khi không còn đủ sức thực hiện công việc trước kia của mình, bắt đầu bị đánh đập và cuối cùng bị bán đi với giá khoảng hai mươi hoặc ba mươi đôla cho một nông dân "rác rưởi da trắng" nào đó có ước vọng ngoi lên hàng điền chủ, và do đó bắt họ làm chí chết.
Kunta bị rứt ra khỏi những ý nghĩ đó khi tất cả mọi người đứng dậy khỏi chỗ ngồi chung quanh anh, họ đọc một lời nguyện cuối cùng và uể oải hướng về nhà làm một giấc độ vài tiếng để lại trở dậy trước khi trời rạng sáng.
Ngay sau khi điểm tâm, bác vĩ cầm mặc cho ông cụ bộ com-lê đen rách mà cha đẻ mexừ Uolơ đã cho cụ bao nhiêu năm về trước. Số quần áo ít ỏi khác của cụ đã bị đốt, vì, Bel nói với Kunta, ai mặc quần áo người chết thì chẳng bao lâu cũng chết theo luôn. Rồi Catô buộc thi hài lên một tấm ván rộng mà anh đã dùng rìu vót nhọn ở cả hai đầu.
Một thoáng sau, mexừ Uolơ ra khỏi ngôi nhà lớn, mang theo quyển kinh thánh màu đen to đùng và đi vào hàng, nối theo những người ở xóm nô, trong khi họ bước lật đật một cách kỳ cục, chốc chốc lại dừng, đằng sau thi hài được chở trên một chiếc xe la. Họ khe khẽ hát một bài trước đây Kunta chưa từng nghe thấy bao giờ "Sớm mơi, đến đó, tôi sẽ nói với chúa Jêxu của tôi: a, vui thay/ vui thay … Sớm mơi thức dậy, tôi sẽ thưa với Chúa Jêxu của tôi: a, vui thay/ vui thay/…" Họ cứ tiếp tục hát suốt dọc đường đến nghĩa địa nô, nơi mà Kunta nhận thấy ai nấy đều tránh do nỗi sợ hãi sâu sắc đối với cái họ gọi là "êu ma" và "vong hồn", mà anh cảm thấy có phần nào giống với những quỷ thần ở châu Phi của anh. Đồng bào anh cũng tránh nghĩa trang, nhưng đó là do trân trọng, không muốn quấy rầy người quá cố chứ đâu có phải vì sợ.
 
Khi mexừ Uolơ dừng lại ở một mé huyệt, và các nô lệ của ông ta ở mé bên kia, bà già thường được gọi là thím Xuki bắt đầu cầu nguyện. Rồi một nữ tá điền trẻ tên là Pơl hát một bài hát buồn: "Mau về thôi, linh hồn mệt mỏi của ta… Hôm nay tôi nghe thấy tiếng từ trên trời… Mau lên, linh hồn mệt mỏi của ta… Tội lỗi của tôi được dung tha và linh hồn của tôi được giải thoát…". Rồi mexừ Uolơ cúi đầu nói: "Jôzêphox, lão đã là một nghĩa bộc tốt và trung thành. Cầu Thượng đế ban phước lành cho linh hồn lão an tĩnh. Amen". Qua nỗi buồn thương của mình, Kunta ngạc nhiên nghe thấy ông lão làm vườn được gọi là "Jôzêphox". Anh băn khoăn không biết tên thật của ông cụ là gì - cái tên truyền lại từ các tổ tiên dòng giống Phi - và tông tộc ông cụ trước kia thuộc bộ lạc nào. Anh tự hỏi không hiểu chính ông lão có biết rõ điều đó hay không. Dễ thường ông đã chết như ông đã sống - không hề biết mình thực sự là ai. Qua những con mắt nhòa lệ, Kunta cùng những người khác theo dõi Catô và người giúp việc hạ ông già xuống lòng đất mà ông đã bỏ bao nhiêu năm vun xới cho của cải mọc lên. Khi những xẻng đất bắt đầu thình thịch xuống mặt, xuống ngực thi hài, Kunta chớp chớp và nuốt nước mắt trong khi đám phụ nữ chung quanh anh bắt đầu cất tiếng khóc to và cánh đàn ông thì hắng giọng, hỉ mũi xụt xịt.
 
Trong khi mọi người rời nghĩa địa, lặng lẽ trở về, Kunta thầm nghĩ: ở Jufurê, khi một người chết thì gia đình và các bạn thân than hờ và lăn lộn vào đám tro than và bụi trong lều, trong khi đó, dân làng nhảy múa bên ngoài, bởi vì đa số người Phi tin rằng không thể có đau buồn mà không kèm hạnh phúc, không thể có cái chết không kèm theo sự sống trong cái vòng tuần hoàn mà chính cha anh đã giảng cho anh nghe khi bà nội Yaixa yêu dấu của anh qua đời. Anh nhớ Ômôrô đã bảo anh: "Nín ngay, Kunta", và giải thích rằng bà nội chẳng qua chỉ nhập vào một trong ba loại người thường có trong tất cả mọi làng - những người đã đi chầu Chúa Ala, những người đang sống và những người sẽ sinh ra. Trong một lúc, Kunta nghĩ bụng là phải cắt nghĩa điều đó cho Bel, song anh biết là chị sẽ không hiểu. Tim anh trĩu xuống - cho đến một lúc sau đó, anh quyết định đó sẽ là một trong nhiều điều mà một ngày kia anh sẽ kể cho Kitzi về mảnh đất quê hương mà hẳn nó sẽ không bao giờ được thấy.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley