Dịch giả: Dương Tường
Chương 79

Tai Kunta gắn chặt vào cuộc đối thoại giữa ông chủ với một người em họ ưa thích được ông đón về nhà ăn bữa chiều, trong khi họ ngồi đằng sau cỗ xe đang lăn bánh.
“Hôm nọ, tại một cuộc bán đấu giá trên quận lỵ” ông chủ nói, “tôi lấy làm lạ thấy đám lực điền thường nhật bán được giá gấp hai, gấp ba mấy năm trước đây. Và theo những quảng cáo tôi đọc trong tờ Gazét, thì thợ mộc, thợ nề, thợ rèn – thực tế là những nô lệ có kinh nghiệm thực sự về bất cứ ngành nào, - thợ da, thợ làm buồm, nhạc công, vân vân, lên tới hai nghìn rưỡi đôla một người”.
“Đâu đâu cũng vậy kể từ khi có cái máy cán bông mới ấy!” người em họ ông chủ kêu lên. “Tôi nghe nói trong cả nước đã có tới hơn một triệu nô lệ, vậy mà các tàu hình như vẫn không đủ chở thêm nô lệ mới để cung cấp cho các vùng sâu tít tận cực Nam đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của các nhà máy miền Bắc”.
“Điều đang làm tôi lo lắng là quá nhiều điền chủ háo hức muốn kiếm lời nhanh chóng đâm không còn biết phải trái, có thể thuận tình để cho bang Vơjinia của chúng ta cuối cùng mất những nô lệ tinh túy nhất của mình, thậm chí là loại giống tốt nhất nữa”, mexừ Uolơ nói, “và đó rõ ràng là điên rồ”.
“Điên rồ? Chả phải Vơjinia có  nhiều nô lệ quá mức cần thiết đó sao? Nuôi chúng tốn kém, mà phần đông chẳng đáng giá gì mấy trong công việc”.
“Có thể hiện nay là thế”, ông chủ nói, “nhưng làm sao ta có thể biết được nhu cầu của ta trong năm, mười năm sau? Cách đây mười năm, ai tiên đoán được là ngành bông lại phát triển rộ như thế này. Và tôi chả bao giờ đồng ý với cái luận điệu rất phổ biến của chú là việc nuôi nô lệ quá tốn kém. Tôi thấy ở bất cứ nơi nào tổ chức tốt, chỉ cần tới mức nửa vời thôi, họ đều trồng trọt, chăn nuôi và gặt hái đủ để tự nuôi miệng đấy thôi? Và họ thường sinh đẻ  nhiều – mỗi đứa trẻ da đen ra đời cũng đáng tiền cho chủ chứ,  nhiều người hoàn toàn có khả năng học những kỹ thuật khiến cho mình tăng thêm phần giá trị. Tôi tin rằng nô lệ và đất – theo thứ tự đó – là những đầu tư tốt nhất hiện nay. Cũng vì lý do ấy mà tôi sẽ không bao giờ bán nô lệ và đất của tôi – đó là cột sống hệ thống của chúng ta”.
“Cái hệ thống đó có thể đang bắt đầu thay đổi mà không mấy ai nhận thấy”, người em họ của ông chủ nói. “Hãy nhìn cái đám nhà quê mới phất đang vênh vang như thể chúng đã bước vào giai cấp điền chủ chỉ vì chúng đã mua được một, hai tên nô lệ hết hơi để bắt làm chí chết xây dựng cho chúng những vụ bông và thuốc lá nhỏ nhoi đến thảm hại. Chúng thật không đáng kể, song cái giống nhà quê dường như lại sinh sôi nảy nở nhanh hơn giống nhọ. Chỉ tính số lượng đơn thuần, chẳng bao lâu chúng có thể bắt đầu lấn trên đất đai cũng như lao động của chúng ta”.
“Ấy tôi thì lại cho rằng chúng ta chả có gì phải lo ngại lắm” – ông chủ cười khúc khích, chừng như thích thú với ý nghĩ của mình – “chừng nào những người da trắng nghèo ganh đua với những người da đen tự do để mua nô lệ bị thải”.
Người em họ cười theo. “Phải, đó chẳng phải là điều khó tin hay sao? Tôi nghe nói có đến nửa số nhọ tự do ở các thành phố làm ngày làm đêm để dành đủ tiền mua người đồng chủng và sau đó cho bọn này được tự do”.
“Vì thế, ở miền Nam có  nhiều người da đen tự do đến thế”, ông chủ nói.
“Tôi cho rằng ở Vơjinia, chúng ta quá rộng rãi đối với chúng”, người em họ nói. “Không phải chỉ là chuyện chúng phá hoại nguồn lao động của chúng ta bằng cách mua đồng loại của chúng và tạo thêm  nhiều người da đen tự do nữa. Chúng còn là nguyên nhân của phần lớn các cuộc nổi dậy. Chúng ta không nên quên cái tên thợ rèn ở Richmơnđ.
“Đúng” mexừ Uolơ nói. “Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng với đầy đủ luật lệ tốt và triệt để nhằm giữ họ ở đúng vị trí của mình và với việc trừng trị đích đáng bọn gây rối để làm gương, phần lớn trong bọn họ sẽ có thể phục vụ cho những mục đích hữu ích – ở các thành phố. Tôi nghe nói hiện tại, họ gần như thống ngự trong hầu khắp các nghề”.
“Trong khi đi chu du các nơi, tôi đã chính mắt thấy điều đó phổ biến biết mấy”, người em họ nói. “Chúng làm gác kho hàng, phu bến cảng, lái buôn, thầu khoán, làm vườn. Chúng là những đầu bếp cừ nhất và cố nhiên là nhạc công nữa! Và tôi nghe nói ở khắp cả thành phố Lintsbơg, thậm chí không có lấy một người thợ cạo da trắng. Nếu thế thì tôi đến phải để râu mất thôi! Tôi sẽ không để một đứa nào trong bọn chúng kề dao cạo vào cổ họng tôi!”.
Cả hai cùng cười. Nhưng rồi ông chủ trở nên nghiêm túc. “Tôi nghĩ là các thành phố có thể đang đẻ ra cho chúng ta một vấn đề xã hội lớn hơn vấn đề người da đen tự do. Tôi muốn nói đến những lái buôn nô lệ miệng lưỡi thơn thớt chuyên lường gạt ấy. Tôi nghe nói phần lớn bọn ấy trước kia là chủ quán rượu, đầu cơ, giáo học hoặc trạng sư hạng bét, mục sư vét đĩa và đại loại như thế. Ba, bốn gã đã mon men đến tôi ở quận lỵ gạ mua nô lệ của tôi với những giá chưa từng thấy và một cha còn cả gan để lại danh thiếp tại nhà ở đây nữa! Đối với tôi, chúng hoàn toàn là những kẻ tham tàn bất chấp luân thường đạo lý”.
Họ đã tới nhà mexừ Uolơ và Kunta, như không hề nghe thấy họ nói chuyện gì, nhảy xuống đỡ họ ra khỏi xe. Đến lúc họ đã vào nhà, rửa ráy bụi bặm đường trường, rồi yên vị trong phòng khách và gọi Bel mang đồ uống đến, thì chị cùng mọi người khác trong đồn điền đã được Kunta cho biết sự việc cốt tử là ông chủ không hề có ý định bán họ. Và không lâu sau bữa tối, Kunta nhắc lại với đám cử tọa ngây ngất của xóm nô toàn bộ cuộc đối thoại với tất cả khả năng truyền đạt tối ưu của anh. Im lặng một lát. Rồi chị Manđi nói: “Ông chủ mấy người em họ có nói chuyện nhọ tự do dành tiền để mua tự do cho người thân thích. Tui muốn biết đám nhọ tự do làm sao để chính mình được tự do!”.
“À”, bác vĩ cầm nói, “vô khối chủ nô ở thành phố để cho họ học các nghề, rồi đem cho thuê lấy tiền và cho họ tí chút, dư cách ông chủ vẫn làm mới tui í. Cứ dư thế mươi mười lăm năm dành dụm, nếu thực sự may mắn, một nhọ được thuê làm ngoài có thể nộp chủ số tiền để mua tự do cho chính mình”.
“Bởi thế nên bác cứ kéo đàn túi bụi dư vậy phải không?” Catô hỏi.
“Tau làm vậy đâu phải vì thích xem dân da trắng khiêu vũ”, bác vĩ cầm nói.
“Bác đã kiếm đủ để mua lại mình chưa?”.
“Nếu đủ thì tau đã chẳng còn đây để cho mầy hỏi câu í”. Tất cả mọi người đều cười.
“Dù sao đi nữa, đã gần đủ chưa?” Catô gặng thêm.
“Mầy có thôi đi không?” bác vĩ cầm phát cáu. “Bi giờ tau gần đủ hơn tuần trước, dưng lại không gần đủ bằng tuần sau nữa”.
“Thôi được, dưng mà khi được rồi, bác sẽ làm gì?”.
“Cao chạy xa bay, người anh em ạ! Hướng về phía Bắc! Nghe nói một số nhọ tự do ở miền Bắc sống khá hơn với người da trắng và tau thấy cái í hay đấy. Giả sử tau dọn đến ở cạnh một người lai kênh kiệu rồi bắt đầu ăn nói kênh kiệu và mặc lụa là dư bọn họ, và bắt đầu chơi đàn hác-pờ, đi họp hành bàn luận về sách báo, trồng hoa và dững cái đại loại dư thế”.
Khi tiếng cười ngớt đi, thím Xuki bèn hỏi: “Các người nghĩ sao về việc người da trắng bao giờ cũng bỉu sở dĩ dân lai làm ăn tốt là vì hàng lô máu huyết da trắng mang trong người khiến họ thông minh hơn ta?”.
“Ờ, quả là người da trắng pha trộn huyết thống mình cũng khá  nhiều ra khắp ba bề bốn bên!” Bel nói một cách vô thưởng vô phạt.
“Liệu giữ mồm khi nói về xúbadăng, vú em của tui nhé!” bác vĩ cầm kêu lên, cố tỏ vẻ xúc phạm. Catô cười ngặt nghẽo suýt té nhào khỏi ghế, mãi đến khi Bơla lấy mu bàn tay củng vào đầu mới thôi.
“Chỗ này phải nghiêm túc nhé!” bác vĩ cầm nói tiếp. “Thím Xuki hỏi một câu tui định trả lời! Nếu cứ bằng vào dững kẻ dư tui mà xét thì các người sẽ hiểu là dân nhọ có màu da sáng ắt phải thông minh chớ! Hoặc giả cứ xem cái tay Benjamin Bannơcơ mà người da trắng gọi là một thiên tài toán số, lại còn nghiên cứu cả trăng, sao nữa – dưng mà còn hàng lô hàng lĩ dững nhọ đen kịt dư các người cũng thông minh thì sao?”.
Bel nói: “Tui nghe ông chủ nói chuyện về một bác sĩ nhọ tên là Jêmx Đơhơm ở Niu Oliânz. Ông bác sĩ da trắng dạy anh ta biểu là anh ta còn biết  nhiều hơn ông í, mà anh ta cũng đen dư ta thôi”.
“Tui xin kể bà con nghe về một người khác”, bác vĩ cầm nói. “Cái ông Prinxơ Hol đã khai trương dòng Tam điểm da đen í! Tui đã thấy ảnh dững ông mục sư lớn khai trương dững giáo hội da đen, phần đông đều đen đến đỗi nếu họ không mở mắt thì khó lòng nhìn thấy họ. Lại còn cái tay Philix Huytli làm những bài thơ mà người da trắng bỉu là rất hay và cái tay Gơxtavơx Vaxa viết sách thì sao?” Bác vĩ cầm liếc về phía Kunta. “Cả hai đều là nhọ gốc châu Phi chính hiệu, không có lấy giọt máu da trắng nào và tui thấy họ dất khoát chả ngu bệt chút nào!” Rồi vừa cười, bác vĩ cầm vừa tiếp. “Bởi vì khốn nỗi bao giờ cũng có dững nhọ đen bệt – cứ xem dư Catô đấy...”. Bác vùng lên chạy, Catô đuổi theo sau cách chừng hai bước. “Tui mà bắt được, tui sẽ bệt lên đầu bác”, Catô hét.
Khi những người khác thôi cười, Kunta nói: “Các người mún cười bao nhiêu cứ cười cho thỏa đi. Đã là nhọ thì tất cả đều thế đối với người da trắng. Một giọt máu nhọ thì cũng vưỡn là nhọ, dù anh có trắng hơn cả họ đi nữa – mà tui đã thấy ói người dư vậy”.
Khoảng một tháng sau, bác vĩ cầm từ một chuyến đi trở về, mang theo những tin làm cả xóm nô chìm trong buồn nản. Đến đâu, bác cũng thấy bọn người da trắng hồ hởi với tin ấy: Thủ lĩnh Pháp tên là Napôlêông đã phái qua vùng nước lớn một đạo quân khổng lồ, đạo quân này sau bao cuộc chiến đấu và đổ máu đã lấy lại Haiti từ tay người da đen và người giải phóng họ, tướng Tuxên. Được viên tướng của đạo quân Pháp chiến thắng mời đến dự tiệc, Tuxên đã sai lầm nhận lời: giữa bữa ăn, bọn hầu bàn túm lấy ông, trói giật cánh khuỷu và tống lên một con tàu về Pháp, ở đó ông bị xiềng đưa đến trước mặt Napôlêông người đã bày đặt toàn bộ âm mưu tráo trở  đó.
Là người hâm mộ vị tướng da đen Tuxên nhất trong đồn điền, Kunta xúc động với tin ấy hơn bất kỳ ai khác. Anh vẫn còn ngồi buồn xỉu trong lều bác vĩ cầm khi người cuối cùng trong đám đã lặng lẽ bỏ ra.
“Tau biết mầy buồn chừng nào về ông Tuxên í” bác vĩ cầm nói, “Và muốn mày đừng nghĩ tau coi nhẹ chuyện í, dưng mà tau có một mẩu tin tau không thể giữ kín thêm phút nào nữa!”
Kunta gườm gườm nhìn bác vĩ cầm, càng phật ý hơn khi thấy bác có vẻ như sắp bùng ra vì sung sướng. Tin gì mà có thể đại cát đến mức át cả sự tôn trọng cần có đối với sự hạ nhục vị thủ lĩnh da đen lớn nhất của mọi thời đại?
“Tau đạt rồi!” Bác vĩ cầm lúc này quả là một điển hình mẫu mực về sự phấn khởi. “Một tháng trước, khi Catô hỏi tau để dành được bao nhiêu rồi, tau không nói gì, dưng mà lúc í tau chỉ còn thiếu mấy đôla nữa thôi – và bi giờ tau vừa vặn đạt nhờ chuyến đi vừa rồi! Tau phải mất hơn chín trăm lần đờn cho bọn da trắng khiêu vũ và quả tình tau không biết liệu có bao giờ đạt đến mục đích không, cho nên tau chả nói chuyện í mới ai sất – kể cả mầy nữa – trước khi tau đạt. Bạn người Phi nầy, tau đã có cái món bảy trăm đôla và ông chủ đã bỉu tau từ lâu là tau phải kiếm để mua lại tự do cho mình!”.
Kunta bàng hoàng không nói nên lời.
“Nhìn nầy!” bác vĩ cầm vừa nói vừa xé toang tấm nệm và ném những thứ trong đó lên sàn; hàng trăm tờ giấy bạc đôla xoáy lộn quanh chân hai người. “Và nhìn đây nữa!” bác kéo một túi vải gai từ dưới gầm giường và đổ hết ra leng keng trên mớ giấy bạc – hàng trăm đồng tiền đủ mọi loại.
“Nào, thằng Phi, mầy nói gì đi chứ hay chỉ đứng há hốc mồm ra đấy?”
“Tui chả biết nói gì sất,” Kunta nói.
“Không chúc mừng sao?”
“Tui thấy dư quá tốt đẹp nên khó lòng là thật được”
“Đúng là thật đấy. Tau đã đếm nó hàng nghìn lần. Thậm chí còn dư một món đủ để tau mua một cái vali bằng các tông nữa cơ!”.
Kunta quả không sao tin nổi. Bác vĩ cầm sắp sửa được tự do thật! Không phải chỉ là một giấc mơ. Kunta cảm thấy muốn cười và khóc cùng một lúc – cho bản thân cũng như cho bạn.
Bác vĩ cầm quỳ xuống và bắt đầu vốc tiền lên. “Nầy, mầy cứ giả câm giả điếc đừng nói gì về chuyện này, cho đến sáng mai nhá, được không? Tức là đến khi tau đi gặp ông chủ và bỉu ông í giàu thêm bảy trăm đôla nữa! Mầy cũng sẽ mừng dư ông í thấy tau qua cầu chớ?”.
“Mừng cho bác. Không mừng cho tui”, Kunta nói.
“Nếu mày ráng làm tau ái ngại cho mầy đến nỗi phải lo mua nốt tự do cho cả mầy, thì mầy sẽ phải đợi một thôi nữa. Tau đã mất băm ba năm kéo đàn mới tới tự do đấy!”.
Đến lúc trở về lều mình, anh đã bắt đầu thấy nhớ bác vĩ cầm và Bel lầm tưởng vẻ buồn của anh là do thương xót Tuxên nên anh không cần phải che giấu – hoặc giải thích – điều mình đang cảm thấy.
Sáng hôm sau, đi ngang qua lều bác vĩ cầm sau khi cho ngựa ăn, anh thấy vắng tanh, nên anh đến hỏi Bel xem bác ta có ở trong nhà với ông chủ không.
“Bác í đi khỏi được một tiếng rồi. Coi bộ dư bác í vừa gặp ma. Bác í có chuyện gì vậy và bác í muốn gì với ông chủ?”
“Bác í có nói gì khi ra khỏi nhà không?” Kunta hỏi.
“Chả nói gì sất. Đã biểu là bác í đi qua tui dư thể không có tui ở đấy mà”.
Không nói thêm một lời, Kunta bước ra khỏi cửa che gió và quay trở về phía xóm nô – trong khi Bel hò theo sau lưng: “Mình đi đâu bi giờ?” và khi thấy anh không trả lời: “Được rồi! Đừng có nói gì với tui nữa nhá! Tui chỉ là vợ anh thôi mà!”. Kunta đã biến mất.
Sau khi hỏi quanh, gõ cửa tất cả các lều, thậm chí ngó cả vào nhà tiêu và gào to vào chuồng ngựa: “Bác vĩ cầm!”. Kunta đi xuôi xuống, dọc theo hàng rào. Đi được một quãng, anh nghe thấy tiếng nhạc – những đoạn sầu não, lê thê của một ca khúc anh đã từng nghe những người da đen hát tại một cuộc họp trại “ôi lạy Chúa”... – có điều lần này nó được chơi trên một cây đàn vĩ cầm. Tiếng đàn của bác vĩ cầm bao giờ cũng nhí nhảnh, vui tươi, tiếng nhạc này nghe như cây đàn đang nức nở, nó vật vờ bay dọc theo hàng rào.
Rảo bước, Kunta tới chỗ có thể nhìn thấy một cây sồi xòe nửa vòm lá trên một con suối chảy gần rìa khu vực sở hữu của mexừ Uolơ. Lại gần hơn nữa, anh trông thấy đôi giày của bác vĩ cầm thò ra đằng sau thân cây. Đúng lúc ấy, tiếng nhạc ngừng lại – và Kunta cũng dừng bước, đột nhiên cảm thấy như mình là một kẻ đột nhập trái phép. Anh đứng im, chờ bác vĩ cầm tiếp tục đàn, song tiếng ong vo ve và tiếng suối róc rách là những âm thanh duy nhất khuấy động im lặng. Cuối cùng, gần như rụt rè, Kunta đi vòng cây sồi đến đối mặt với bác vĩ cầm. Chỉ cần thoáng nhìn một cái, anh đã hiểu chuyện gì vừa xảy ra – mặt người bạn già của anh tối sầm: tia sáng lấp lánh trong mắt bác đã tắt ngấm.
“Mầy cần chút gì nhồi đệm nằm hả?” giọng bác vĩ cầm vỡ ra. Kunta không nói gì. Nước mắt bắt đầu chảy ròng ròng trên má bác vĩ cầm; bác giận dữ gạt đi tựa hồ đó là những giọt axít và nói dồn dập một thôi: “Tau bỉu ông í là cuối cùng tau đã có tiền để mua tự do – không thiếu lấy một xu. Ông í ầm à ầm ừ một phút và dòm lên trần nhà. Rồi ông í chúc mừng tau đã dành dụm được  nhiều thế. Dưng mà sau đấy, ông í bỉu nếu tau mốn thì bảy trăm í có thể coi là trả tiền mặt thôi, bởi vì trong việc kinh doanh, ông í phải tính xem giá nô lệ đã lên ngần nào từ khi có cái máy cán bông í nhập vào. Ông í bỉu bi giờ ông í không thể nhận dưới nghìn rưởi để bán một tay vĩ cầm làm tốt tiền dư tau, thế là ít nhất, bỉu là ông í có thể được hai nghìn rưởi nếu ông í phải bán tau cho người nào khác. Ông í bỉu ông í thật tình lấy làm tiếc, dưng ông ấy hy vọng tau hiểu công việc là công việc, và ông í phải kiếm lời chính đáng trên vốn đầu tư của mình”. Lúc này, bác vĩ cầm bắt đầu khóc nức nở. “Ông í bỉu là được tự do không hoàn toàn đúng dư người ta vưỡn đề cao và ông í chúc tau may mắn kiếm được nốt số còn lại nếu tau khăng khăng mốn... vì ông í biểu tau cứ tiếp tục làm việc tốt..., và khi tau đi ra, nhớ bỉu Bel mang vào cho ông í ít cà phê!”
Bác im bặt, Kunta chỉ còn biết đứng ngây ra đó.
“Đồ chó đẻ í!” đột nhiên bác vĩ cầm thét lên và vung tay ra đằng sau, bác vớ lấy cây đàn ném xuống suối.
Kunta lội ra định nhặt, nhưng chưa với tới – anh đã có thể thấy rõ là nó đã gãy nát.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley