Dịch giả: Dương Tường
Chương 88

Khi Joóc lên sáu – có nghĩa là nó phải bắt đầu đi làm đồng – Malizi rầu lòng vì thiếu nó để bạn bầu trong nhà bếp, song Kitzi và Xerơ lại sung sướng vì cuối cùng đã giành lại được nó. Qua ngày làm đồng đầu tiên của Joóc, nó có vẻ thưởng thức cái đó như là một cõi phiêu lưu mới, và họ đưa mắt trìu mến nhìn theo nó chạy lăng xăng, nhặt những hòn đá có thể làm mẻ lưỡi cày của bác Pompi. Nó thoăn thoắt mang cho mỗi người một xô nước uống mát lạnh mà nó hì hụi lấy từ con suối ở đầu đằng kia cánh đồng. Nó còn “giúp” họ trồng ngô nữa. Khi ba người lớn cười vui trước những cố gắng vụng về nhưng cương quyết của nó nhằm sử dụng chiếc cuốc, cán dài hơn cả người nó, Joóc cũng toét miệng ra cười, thể hiện đặc tính hồ hởi của nó. Họ càng cười già khi Joóc nằng nặc bảo bác Pompi là nó cày được, rồi phát hiện ra mình chưa đủ cao để cầm cán cày; nhưng nó liền hét con la: “Đứng dậy!”.
Cuối cùng, khi trở về lều vào lúc tối mịt, Kitzi lập tức bắt tay vào nấu ăn vì cô biết Joóc đã đói ngấu. Nhưng một tối, Joóc đề nghị thay đổi cái thông lệ ấy. “Mẹ ạ, mẹ làm vất vả suốt cả ngày rồi. Sao mẹ không nằm nghỉ một tí rồi hẵng nấu nướng”. Có lúc, Kitzi thấy như con trai mình đang cố gắng sắm vai người đàn ông mà cô chắc nó cảm thấy trống thiếu trong cuộc sống của cả hai mẹ con. Đôi khi, trong lúc hai mẹ con nằm sắp ngủ, nó thường khiến Kitzi mủm mỉm cười một mình với những hoang tưởng nó tâm sự với cô trong bóng tối. “Con đang đi xuôi con đường cái to í”, một đêm, nó thì thầm, “rồi con nhìn lên và con thấy cái con gấu già to tướng tường tương đang chạy… tợ dư nó cao hơn con ngựa… con mới hét ầm lên: “Ông gấu! Này, ông gấu! ông cứ liệu sẵn để tui lộn ông trong ra ngoài, bởi vì rành là ông không có làm đau mẹ tui được đâu”.
Thỉnh thoảng, khi không có gì khác hấp dẫn Joóc trong lều, thằng bé sáu tuổi hiếu động ấy bèn nằm dài ra trước lò sưởi. Lấy một cái que bằng ngón tay, vót nhọn một đầu, rồi hơ vào lửa cho cháy đen thành một thứ bút chì, nó vẽ những hình người hoặc thú vật trên một tấm gỗ thông trắng. Mỗi lần nó làm thế, Kitzi gần như nín thở, sợ là sau đó Joóc lại muốn học viết hay học đọc. Nhưng xem ra ý nghĩ đó không hề đến với nó, và Kitzi rất thận trọng không bao giờ nhắc đến chuyện viết hay đọc, điều mà cô cảm thấy đã vĩnh viễn đóng sẹo trên đời mình. Trên thực tế, trong tất cả những năm Kitzi ở đồn điền Liơ, cô chưa lần nào cầm một cái bút mực hay bút chì, một quyển sách hay một tờ báo, cũng như chưa hề nói với ai rằng cô đã từng biết đọc biết viết. Mỗi lần nghĩ đến điều đó, cô lại tự hỏi liệu mình còn đọc, viết được nữa không, nếu vì lý do nào đó, cô cần đến khả năng ấy. Rồi cô lại nhẩm đánh vần trong đầu một số từ mà cô cảm thấy mình còn nhớ chính xác, và, cố gắng tập trung cao độ, cô thử hình dung những từ ấy khi viết ra sẽ như thế nào. Đôi khi cô thèm viết thử nhưng cô vẫn giữ lời nguyện ước với chính mình là sẽ không bao giờ viết nữa.
Còn da diết hơn nhiều so với nỗi nhớ thèm được viết hoặc đọc, Kitzi cảm thấy vắng thiếu tin tức về những điều xảy ra trên thế giới bên ngoài đồn điền. Cô nhớ lại bố mình thường kể những điều tai nghe mắt thấy mỗi lần trở về từ một chuyến đi cùng với mexừ Uolơ. Nhưng bất cứ tin gì bên ngoài đều hầu như là của hiếm ở cái đồn điền nhỏ và cách biệt này, ở đó ông chủ tự mình đánh xe lấy. Xóm nô chỉ phát hiện ra những gì đang diễn biến bên ngoài khi ông chủ, bà chủ Liơ mời khách đến ăn tiệc – đôi khi hàng mấy tháng mới có một lần. Trong một bữa tiệc như vậy vào một chiều chủ nhật năm 1812, Malizi từ trên đại sảnh chạy xuống: “Bi giờ họ đang ăn và tui phải mau chóng trở lại ngay, cơ mà trong í họ đang nói chuyện có cuộc chiến tranh mới đã bắt đầu mấy cái nước Anh nọ! Hình dư là nước Anh đang chở hàng tầu lính sang đây đánh ta!”
“Lính chở sang đây không để đánh tui!” Xerơ nói: “Đấy là người da trắng đánh nhau”.
“Họ đánh cuộc chiến này ở đâu?” bác Pompi hỏi và Malizi đáp là chị không nghe nói “Chậc”, bác tiếp lời “chừng nào là ở đâu trên miền Bắc, không ở quanh đâu đây, thì chả vấn đề gì đến tui”.
Đêm ấy ở trong lều, thằng bé Joóc thính tai hỏi Kitzi “Một cuộc chín tranh là gì hả mẹ?”.
Cô nghĩ một lúc trước khi trả lời: “À, chắc là hàng đống người đánh nhau”.
“Đánh nhau về cái gì?”
“Đánh nhau về bất cứ cái gì họ thích”
“Thế người da trắng mấy nước Anh kia không thích nhau cái gì?”
“Nhóc con, cắt nghĩa cho mầy thì bao giờ cho cùng?”
Sau một thời gian rất dài không có tin tức gì thêm, trong một buổi tiệc khác ở đại sảnh, Malizi thuật lại: “Họ biểu bọn Anh đã lấy thành phố nào đó trên Bắc gọi là Đitroi. Rồi nữa, mấy tháng sau, chị lại nói ông chủ, bà chủ và khách khứa đang hoan hỉ bàn tán về “một cái tầu Hạp Sẻng Cuốc gọi là Thiết hạm. Họ biểu nó có bốn bốn khẩu súng đại bác bắn chìm ối tầu Anh!”
“Úi!” Bác Pomi kêu lên. “Thế thì đủ đánh chìm cả tầu của Nôê trong nạn Hồng Thủy!”.
Rồi một ngày chủ nhật năm 1814, Joóc “giúp” Malizi trong nhà bếp; nửa chừng nó chạy bay về xóm nô, thở không ra hơi, để truyền đạt một tin mới: “Cô Malizi bỉu nói mấy tất cả cô bác là quân Anh đã đánh tan năm nghìn lính Hạp Sẻng Cuốc, mấy lị đã đốt cả điện Capitôl lẫn tòa Bạch Ốc nữa”
“Lạy Chúa, dững thứ í ở đâu?” Kitzi nói.
“Ở cái thủ đô Oasinhtơn í”, bác Pompi nói, “Cách đây cũng xa đấy”.
“Chừng nào họ tiếp tục giết lẫn nhau, đốt lẫn nhau thay vì đốt, giết chúng ta!” Xerơ thốt lên.
Thế rồi, cũng năm ấy, vào một bữa tiệc sau nữa, Malizi hối hả đến kể: “Tất cả bọn họ ở trong kia đang hát cái gì nói về dững cái tầu Anh bắn vào một cái pháo đài nhớn gần quanh Baltimo, nói sai, tui là con chó”. Và Malizi nửa nói nửa hát lại những gì chị vừa nghe được. Tối muộn hôm ấy, có tiếng động là lạ ở bên ngoài, đám người lớn vội vàng mở cửa lều và đứng ngây ra, kinh ngạc: Joóc cắm một chiếc lông gà tây dài vào mái tóc, đang cao chân bước, vừa đi vừa gõ que vào một quả bầu khô, lớn tiếng hát theo biến cách riêng của mình những điều nó nghe lỏm được từ miệng Malizi: “Ồ, hay! Bạn thấy không trong ánh ban mai… đỏ lừ những vệt trái phá… ôi, cờ lấp lánh sao phất phới… ôi, đất nước của những người tự do, quê hương của những người dũng cảm…”
Một năm nữa, năng khiếu bắt chước của thằng bé trở thành trò tiêu khiển ưa thích của xóm nô và một trong những tiết mục của Joóc được cử tọa yêu cầu nhiều nhất là nhại lại mexừ Liơ. Thoạt tiên, kiểm tra thật chắc chắn là ông chủ không có ở gần đâu đây, rồi lim dim mắt và nhăn mặt, Joóc lè nhè giận dữ: “Bọn nhọ chúng bây không hái cho sạch cánh đồng bông này trước lúc mặt trời lặn thì tất tật cả, không đứa nào được phát khẩu phần mà ăn đâu!” Cười ngặt nghẽo, đám người lớn kháo với nhau: “Các người đã thấy cái gì dư thằng bé này chưa?...” “Tui thì rành là chưa!”… “Nó đúng là một của lạ!” Joóc chỉ cần quan sát bất kỳ ai một loáng là có thể nhại họ một cách hài hước cao độ - kể cả một thực khách ở đại sảnh, một mục sư da trắng mà sau đó ông chủ đã mời đến giảng đạo một buổi ngắn cho các nô lệ bên cây hạt dẻ. Và khi Joóc lần đầu tiên nhìn rõ ông già Mingô bí ẩn luyện gà chọi cho ông chủ, chẳng mấy chốc nó đã bắt chước giống hệt dáng đi cà nhắc của ông cụ. Bắt hai con gà trong sân, nắm thật chặt chân chúng, Joóc đẩy tới đẩy lui thật nhanh như thể con nọ dọa dẫm con kia, đồng thời ứng tác luôn lời đối thoại: “Đồ khốn nạn xấu xa, nom mầy dư loài ó, tau sẽ cào lòi mắt mày ra!” và con kia khinh mạn đáp lại: “Mầy chỉ là một túm lông, không đủ tau ngoạm nửa miếng!”.
Sáng thứ bảy sau, theo lệ thường, mexừ Liơ phân phát xuất ăn hàng tuần cho xóm nô, Kitzi, Xerơ, Malizi và bác Pompi đang nghiêm chỉnh đứng trước cửa lều mình để nhận phần, thì xoẹt một cái, Joóc quành góc nhà rượt theo một con chuột, rồi hãm phắt lại, suýt nữa đâm sầm vào ông chủ. Mexừ Liơ buồn cười, giả giọng cọc cằn: “Mầy làm gì ở đây để đáng được chia khẩu phần, nhóc con?” Bốn người lớn thiếu nước bổ chửng khi thằng bé Joóc chín tuổi đầu, bành vai ra ngay ngắn một cách tự tin và nhìn thẳng vào mắt ông chủ, tuyên bố: “Cháu làm việc trên đồng của mexừ, mấy lị cháu giảng đạo, mexừ!” Sửng sốt, mexừ Liơ nói: “Ờ, vậy thì mầy giảng đạo nghe nào!” Với năm cặp mắt dán vào nó, Joóc lùi lại đằng sau một bước và giáo đầu: “Đây là cái ông cha cố da trắng mexừ đưa đến đây hôm nọ…” rồi bất thình lình nó đập cánh tay và dằn tiếng, dữ dội: “Nếu ngờ là bác Pompi đã lấy lợn của ông chủ, thì phải thưa ông chủ! Nếu trông thấy cô Malizi lấy bột của bà chủ thì phải thưa bà chủ! Bởi vì các con đều là loại nhọ tốt cả và làm tốt với ông chủ, bà chủ tốt của các con, nên khi chết, có thể tất cả các con sẽ được vào bếp nhà trời!”
Mexừ Liơ cười gập đôi người ngay cả trước khi Joóc nói hết – thế là, miệng lấp lánh hai hàm răng trắng khỏe, thằng bé cất giọng hát một trong những ca khúc ưa thích của cô Malizi: “Chính con, chính con, ôi lạy Chúa, chính con đây đang cần cầu nguyện! Không phải mẹ con, không phải cha con, mà là con, ôi lạy Chúa, đang cần cầu nguyện! Không phải cha truyền giáo, không phải thầy trợ tế, mà con đây, ôi lạy Chúa đang cần cầu nguyện!”
Không ai trong đám người lớn từng thấy mexừ Liơ cười tợn thế. Mê mẩn, y vỗ vai Joóc: “Lỏi con, mày muốn giảng đạo ở quanh đây lúc nào cũng được!” Bỏ cái rổ đựng khẩu phần lại cho họ chia nhau, ông chủ quay trở về đại sảnh, vai rung rung, chốc chốc ngoái lại liếc nhìn Joóc đang đứng đó nhe răng cười sung sướng.
Mấy tuần sau, mùa hè ấy, sau một chuyến đi, mexừ Liơ trở về mang theo hai cái lông công dài. Sai Malizi ra đồng gọi Joóc về, y dặn dò thằng bé thật cẩn thận, làm sao để hai chiếc lông phe phẩy qua lại đằng sau các vị khách y sẽ mời tới dự tiệc vào chiều chủ nhật sau.
“Rõ làm bộ làm tịch, cố ra vẻ ta đây là phú hộ da trắng!” Malizi mỉa mai vậy sau khi kể lại cho Kitzi nghe những lời bà chủ Liơ dặn dò thằng bé phải tắm rửa kỳ cọ thật sạch sẽ, mặc quần áo mới giặt, hồ bột và là tươm tất để lên đại sảnh. Joóc rất hồi hộp phấn khởi về vai trò mới của mình và về tất cả sự chú ý – kể cả của ông chủ bà chủ - đổ dồn vào nó, đến nỗi nó phải chật vật lắm mới tự chủ nổi.
Khách khứa còn đang ở trong đại sảnh, Malizi đã lẻn khỏi nhà bếp, chạy đến xóm nô, không nén nổi lâu hơn nữa nỗi nôn nóng muốn thuật chuyện lại cho đám cử tọa đang hồi hộp chờ. “Tui nói để tất cả các người nghe, cái thằng nhãi í thật quá lắm!” Rồi chị tả Joóc vẫy hai cái lông công, “vặn vạo cổ tay, mình cúi tới cúi lui, lại điệu bộ hơn cả ông chủ bà chủ nữa cơ! Và sau khi đế-xe, mexừ đang rót rượu vang thì tợ dư vụt nghĩ ra, bèn nói: “Ê, lỏi con, giảng đạo chúng ta nghe tí nào!” Tui xin tuyên bố tui tin là thằng bé có hành nghề thật! Là vì vụt một cái nó yêu cầu ông chủ đưa cho nó quyển sách nào đó làm Kinh Thánh và ông chủ lấy cho nó. Lạy Chúa! Thằng nhãi nhảy tót lên chiếc ghế để chân có hình thêu đẹp nhất của bà chủ! Chao, nó thuyết giáo mà sáng bừng cả phòng ăn! Rồi chẳng chờ ai yêu cầu, nó bắt đầu hát váng lên. Đúng lúc í, tôi chạy ra đây”. Chị lại ù té về đại sảnh, để mặc Kitzi, Xerơ và bác Pompi vừa lắc đầu, vừa tủm tỉm cười, tự hào mà vẫn còn ngờ ngợ.
Joóc thành công đến mức mỗi chiều chủ nhật đi chơi xe ngựa với mexừ Liơ về, bà chủ lại nói với Malizi là các khách dự tiệc hôm trước, hễ gặp họ, bao giờ cũng hỏi về Joóc. Sau một thời gian cả cái bà chủ Liơ bình thường vốn trầm lặng, cũng nói lên sự mê thích của mình đối với nó, “Và Chúa biết là bà í chả bao giờ ưa nhọ!” – Malizi thốt lên. Dần dà, bà chủ Liơ kiếm những việc vặt cho Joóc làm ở trong hoặc quanh đại sảnh, cho đến khi nó mười một tuổi thì Kitzi cảm thấy có đến quá nửa thời gian, nó không ở ngoài đồng với bọn họ nữa.
Và do bữa tiệc nào cũng phải ở trong phòng ăn, phe phảy đuôi công, nghe đám người da trắng trò chuyện, nó bắt đầu lượm được nhiều tin hơn Malizi mọi khi, vì chị cứ phải chạy đi chạy lại giữa phòng ăn và nhà bếp. Lát sau khi các thực khách ra về, Joóc hãnh diện kể lại tất cả những gì nó nghe được cho những cái tai ngong ngóng ở xóm nô. Họ ngạc nhiên khi biết một vị khách nói rằng “cơ chừng ba nghìn nhọ tự do từ vô khối chỗ khác nhau đã họp mít tinh lớn ở Philađelphiơ. Ông da trắng í bỉu các nhọ đã gửi một nghị quết gì đó đến tổng thống Mađixơn nói rằng cả nhọ nô lệ lẫn nhọ tự do đều góp phần xây dựng đất nước này, cũng dư góp sức đánh mọi cuộc chiến tranh của nó, mới lị Hạp Sẻng Cuốc không phải dư nó vỗ ngực tự xưng nếu không có phần phước lành của dân nhọ”. Và Joóc nói thêm: “Ông chủ bỉu bất kỳ thằng ngu nào cũng thấy là cần phải tống cổ bọn nhọ tự do ra khỏi nước!”
Joóc thuật lại trong một bữa tiệc sau, “các người da trắng tức điên lên đến nỗi hóa đỏ”, trong khi bàn tán những tin tức gần đây về những cuộc nổi loạn lớn ở miền tây Inđi. “Lạy Chúa, các cô bác phải nghe họ ngồi trong í kể chuyện các thủy thủ nói là dân nhọ nô lệ ở Tây Inđi đốt mùa màng, nhà cửa, lại cả đánh đập, chặt đầu, treo cổ dững người da trắng trước là các ông chủ của họ nữa cơ!”
Một ngày chủ nhật năm 1818, Joóc thuật lại là “có cái gì mà khách khứa gọi là “Hội thục địa Mĩ” nó đang tìm cách chở nhiều tàu nhọ tự do đến một cái vùng “Libêria” ở châu Phi í. Các người da trắng cười giễu bọn nhọ tự do bị phỉnh là cái đất Libêria í có dững cây thịt lợn sấy rủ xuống từng lát từng lát dư lá, mới lị những cây rượu chỉ việc cắt là chảy ra tha hồ uống!” Joóc nói: “Ông chủ, riêng về phần mình, cam đoan rằng họ có thể đưa nhọ tự do xuống tầu khá nhanh!”.
“Hùm!” Xerơ khịt một cái: “Tau dất khoát không có đi đến cái châu Phi đầy dững nhọ trên cây dư khỉ cả một lũ…”
“Chị nghe đâu ra chuyện í?” Kitzi gay gắt hỏi. “Bố tui gốc ở châu Phi mà dất khoát bố chả bao giờ ở trên cây nào cả!”
Bất bình nhưng sững sờ, Xerơ ấp úng: “Ờ, tất thảy mọi người nhớn lên đều nghe nói thế!”.
“Đừng có chữa”, bác Pompi nói, lừ mắt nhìn chị. “Chả có tầu nào thèm đưa nhà chị đi đâu, nhà chị nào phải nhọ tự do”.
“Này, tui có là thế, tui cũng chả đi!” Xerơ sẵng giọng, lắt lư đầu và nhổ một tia bã thuốc màu hổ phách xuống lớp bụi, lúc này chị bực cả với bác Pompi lẫn Kitzi và cố tình không thèm chúc hai người ngủ ngon khi cuộc tụ họp nhỏ giải tán, ai về lều người nấy. Về phần mình, Kitzi cũng sôi máu không kém trước thái độ dè bỉu của Xerơ dính đến cả người cha thông tuệ, đầy phẩm cách cứng rắn của cô cùng quê hương châu Phi yêu dấu của ông.
Cô vừa ngạc nhiên vừa hài lòng phát hiện thấy cả đến Joóc cũng bực về cái điều nó cảm thấy như nhạo báng người ông gốc Phi của mình. Tuy xem vẻ như ngại ngùng không dám nói, nó vẫn không nhịn được. Nhưng cuối cùng khi nó phát biểu, cô thấy cái chính là nó e tỏ ra bất kính: “Mẹ à, tợ dư bác Xerơ nói cái gì í không phải thế, phải không mẹ!”
“Đúng đấy”, Kitzi nhiệt liệt tán thành.
Joóc ngồi im một lúc rồi lại nói: “Mẹ” nó ngập ngừng, “hay là mẹ có thể kể thêm chút xíu về ông cho con nghe được không?”
Kitzi cảm thấy trào lên một niềm hối tiếc là trong mùa đông trước, cô đã cáu tiết vì những câu lục vấn bất tận của Joóc trong một đêm, đến nỗi cô đã cấm nó không được hỏi thêm gì về ông ngoại nữa. Giờ đây, cô dịu dàng nói: “Hàng bao nhiêu lần mẹ đã cố moi óc xem còn có gì về ông mà mẹ chưa kể cho con và xem chừng chả còn gì nữa…” Cô dừng một lát. “Mẹ biết con chả quên cái gì dưng mà nếu con biểu thế, thì mẹ sẽ kể lại bất kỳ đoạn nào”.
Joóc lại im lặng một lúc, “Mẹ à”, nó nói, “có một lần mẹ bỉu con là mẹ cảm thấy điều ông lưu tâm nhất là kể cho mẹ nghe các cái thứ của châu Phi…”
“Phải, hình dư đúng thế, khối lần”, Kitzi đăm chiêu nói.
Sau một lát im lặng nữa, Joóc nói: “Mẹ à, con đang nghĩ. Giống dư mẹ đã làm mấy con, về sau con cũng kể cho các con con về ông”. Kitzi mỉm cười, thật điển hình là thằng con trai khác thường của cô: mới mười hai tuổi đầu đã bàn đến chuyện con cái mai sau.
Do sự sủng ái không ngừng tăng lên của ông chủ, bà chủ đối với Joóc, nó ngày càng được tự do thoải mái mà không cần sự cho phép chính thức của họ. Thi thoảng đặc biệt vào những chiều chủ nhật khi họ đi chơi bằng xe ngựa, nó tự ý lang thang đây đó, đôi khi hàng tiếng đồng hồ, để mặc những người lớn trong xóm nô nói chuyện với nhau, trong khi nó tò mò thám hiểm mọi xó xỉnh của đồn điền Liơ. Một ngày chủ nhật như thế, nó trở về vào lúc sắp sẩm tối và nói với Kitzi rằng nó đã bỏ cả buổi chiều đến thăm ông lão trông nom đàn gà chọi của ông chủ.
“Con giúp ông í bắt một con trống to tướng bị xổng, rồi sau đó con mấy ông cụ í nói chuyện. Mẹ à, con thấy ông í không kỳ cục dư mọi người nói đâu. Mới lị con chưa bao giờ thấy dững con gà dư thế! Dững con thế mà ông í bỉu vuỗn chưa nhớn, nó cứ quang quác và nhảy chồm chồm trong chuồng, tìm cách xông vào nhau để chọi! Ông già để cho con nhặt ít cỏ cho bọn nó ăn, và con làm thế. Ông í bỉu ông í nuôi gà còn vất vả hơn phần đông các bà mẹ nuôi con!” Kitzi nghe vậy cũng hơi tự ái một chút song cô không phản ứng gì, cô cũng vui vui thấy con trai hào hứng thế về mấy con gà. “Ông í bày cho con cách xoa bóp lưng, cổ và chân gà cho nó chọi hay nhất!”
“Tốt hơn là con tránh xa chỗ í ra, bé ạ!” cô dè chừng. “Con biết ông chủ không cho phép ai ngoài ông già í dính dáng với lũ gà đấy!”
“Bác Mingô bỉu bác í sẽ xin ông chủ cho con đến đấy giúp bác í cho gà ăn!”
Sáng hôm sau, trên đường ra đồng, Kitzi kể cho Xerơ nghe chuyện phiêu lưu mới của Joóc. Xerơ bước tiếp, trầm ngâm rồi chị nói: “Ta biết cô chả muốn ta đoán số thêm cho cô nữa, nhưng dù sao ta cũng cứ nói chút xíu về Joóc”. Chị ngừng một lát. “Nó chẳng bao giờ thành dư mọi người gọi là nhọ bình thường! Nó bao giờ cũng đi vào cái gì mới và khác thường chừng nào nó còn thở hít”.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley