Dịch giả: Dương Tường
Chương 90

“Thử nhìn nó cố lấy dáng đi cho oai vệ hơn bọn gà trống kìa!” Kitzi thốt lên với Malizi, Xerơ và bác Pompi, Joóc sải bước trên con đường để tới cùng họ tiêu dao buổi sáng chủ nhật.
“Hừm!” Xerơ lườm Kitzi. “Thôi im đi cô, bọn tui cũng vinh quang vì nó dư cô đấy!”
Trong khi Joóc tiếp tục đi tới, vẫn còn ngoài tầm tai nghe, Malizi kể cho những người kia nghe là mới chiều hôm trước thôi, chị đã nghe hóng thấy mexừ Liơ ngà ngà say tuyên bố với một số tay chơi gà được mời đến ăn tiệc rằng ông ta có một thằng nhỏ mới bốn năm tập sự đã tỏ ra có “thiên bẩm” để đến thời sẽ trở thành “ngang hàng với bất kỳ tay luyện gà nào, da trắng hay da đen, ở trong quận Caxuel”
“Ông chủ biểu lão già nhọ Mingô nói thằng nhỏ này quả là sống và thở hít chất gà! Theo lời ông chủ, lão Mingô thề không có bịa, một buổi tối muộn, lão đang đi quanh mạn dưới í thì trông thấy Joóc ngồi lom khom trên một gốc cây, nom đến ngộ. Mingô kể là lão rón rén đến đằng sau thật từ từ, hóa ra Joóc đang ngồi nói chuyện với mấy con gà mái đang ấp trứng, nói sai, lão chỉ là con chó. Lão thề là thằng nhỏ đang nói với bọn gà mái về các trận thắng sau này của lũ gà con sắp nở”.
“Lạy Chúa!” Kitzi nói, đôi mắt đắm trong hình ảnh đứa con trai đang tiến lại gần. Sau khi ôm hôn đám phụ nữ và bắt tay bác Pompi như lệ thường, Joóc cùng với tất cả ngồi xuống những chiếc ghế đẩu được mau chóng mang ra từ các lều. Trước hết, họ kể cho Joóc nghe những tin mới nhất về dân da trắng mà Malizi đã nghe lỏm được trong tuần. Lần này, số tin tức ít ỏi lượm được là: nghe đồn ngày càng có nhiều người da trắng nói năng lạ hoắc từ bên kia bờ nước lớn được tàu chở tới miền Bắc tăng cường thêm cho số người đang chiến đấu giành lấy những công việc trước đây do những người da đen tự do nắm giữ và lời bàn tán về chuyện đưa người da đen xuống tàu chở về châu Phi cũng ngày một tăng thêm. Họ nói đùa Joóc là cứ sống biệt lập như nó với cái lão già kỳ cục ấy, thì đừng hòng biết gì về những chuyện đó hoặc về những sự việc khác đang diễn ra ở phần còn lại của thế giới “trừ phi có đôi ba con gà nào đó kể cho mày nghe” – và Joóc cả cười đồng ý.
Những cuộc viếng thăm hàng tuần đó không những mang lại cho Joóc niềm vui thích  được gặp mẹ và những người kia mà còn khiến nó thoát được vài bữa các món nấu nướng của bác Mingô vốn hợp với gà hơn với người. Malizi và Kitzi thế nào cũng làm ít nhất hai, ba đĩa thức ăn ưa thích của Joóc.
Khi câu chuyện bắt đầu uể oải – thông thường là vào khoảng trưa – họ biết là cu cậu đã bồn chồn muốn về, và sau khi họ bắt nó hứa sẽ cầu nguyện thường xuyên, sau một tua ôm hôn, bắt tay nữa, Joóc hối hả đi xuôi con đường, xách giỏ thức ăn về để cùng đánh chén với bác Mingô.
Mùa hè, Joóc thường hay qua nốt phần còn lại của chiều chủ nhật ở một bãi cỏ chăn gia súc, tại đó bác Mingô có thể trông thấy nó nhảy tung tăng bắt cào cào làm món cao lương mỹ vị cho đám gà con và gà tơ nhốt trong chuồng. Nhưng bây giờ là đầu đông, đám gà hai tuổi vừa mới được rút về từ bãi thả để tập luyện, và Joóc đang cố tìm cách vớt vát một trong số mấy con gà mà bác Mingô và ông chủ cảm thấy có lẽ quá hoang dại và sợ người, khó bề tiếp thu tốt việc rèn cặp và có triển vọng bị loại coi như đồ bỏ. Bác Mingô cảm mến và thích thú theo dõi Joóc cưỡng bách kiềm chế con gà tơ giãy giụa, kêu quang quác và mổ lung tung, đồng thời ngọt ngào dỗ nó, thổi nhẹ vào đầu, vào cổ nó, cọ mặt mình vào mớ lông bóng bẩy, xoa bóp mình mảy, chân, cánh nó – cho đến khi nó thực sự ổn định.
Bác Mingô cầu cho Joóc may mắn, song bác hy vọng nó nhớ những điều bác bảo ban nó về việc dựa một cách cầu may vào một con gà không đáng tin cậy. Việc nuôi dạy và phát triển một con gà chọi hay có thể là một sự đầu tư cả đời và có thể mất sạch sành sanh trong một nước cờ theo cảm tính. Dứt khoát, anh không thể đánh liều cho một con gà xuất trận nếu chưa sửa được vĩnh viễn mọi nhược điểm có thể phát hiện được. Và đến nay, Joóc đã đạt được đến chỗ hoàn toàn bình tĩnh vặn ngoéo cổ một con gà chọi, nếu thấy hỏng kiểu. Nó đã đi đến chỗ hoàn toàn đồng quan điểm với ông chủ và bác Mingô rằng những con gà chọi duy nhất đáng giá là những con mà do rèn luyện triệt để cộng với bản năng hiếu chiến và dũng cảm, thà chết gục trên bãi chọi, chứ không chịu bỏ cuộc đấu.
Joóc rất thích khi gà của ông chủ giết được đối phương nhanh chóng mà không bị thương, đôi khi chỉ trong vòng ba, bốn mươi giây, nhưng trong thâm tâm – tuy nó ắt chẳng bao giờ hé ra điều này với bác Mingô hoặc mexừ Liơ – không gì có thể sánh với nỗi xúc động rộn ràng khi xem một con gà mình đã góp phần nuôi dạy từ lúc bé tí, chọi chí chết với một con khác cũng cỡ kiện tướng, cả hai cùng loạng choạng, tơi tả, máu me, mỏ há hốc, lưỡi thè lè, cánh kéo lết trên sàn bãi chọi, mình và chân đều run, cho đến lúc rốt cuộc, đều gục xuống hẳn: rồi trong khi trọng tài đang đếm đến mười, con gà của ông chủ, bằng cách nào đó, thu được chút hơi sức tàn, vùng đứng dậy và phóng ra nhát cựa quyết định.
Joóc rất hiểu sự gắn bó sâu sắc của bác Mingô với năm sáu con gà mồi già mình đầy sẹo mà bác coi gần như là con cưng – đặc biệt là con mà bác bảo là đã đem lại phần thắng cho ông chủ trong cuộc cá lớn nhất sự nghiệp chơi chọi gà của ông ta. “Cuộc chọi ghê gớm nhất tau từng thấy”, bác Mingô vừa nói vừa gật gật đầu về phía con lão tướng một mắt ấy.
“Ấy là hồi nó còn thanh xuân, áng chừng ba, bốn năm trước khi mày đến đây. Chả biết làm sao ông chủ lọt được vào cuộc đấu giải lớn Tết năm í, được hỗ trợ của mexừ nào đó thiệt giàu ở tận quận Xơri, bang Vơjiniơ. Họ bảo là không kém hai trăm gà tham gia chọi, tranh giải chính thức mười ngàn đôla, cùng với dững món cá ngoài lề không dưới trăm đôla. Thế, ông chủ mấy tau mang hai mươi gà đi. Tau nói cho mày nghe, hai mươi con gà đều sẵn sàng! Bọn tau đánh xe chở đi mấy ngày tới đó, dọc đường cho gà ăn, uống trong lồng mới lị xoa bóp cho bọn nó. Thế, đến gần hết cuộc thi đấu, bọn tau thắng mấy trận, dưng lại thua quá nhiều trận khác, khó lòng mới tới món giải chính í được, thành thử ông chủ như phát điên phát cuồng. Thề rồi ông í được biết là bọn ta phải chọi mấy cái con người ta biểu là đệ nhất mãnh kê ở bang Vơjiniơ. Mày phải nghe người ta hò hét, cá nhau cái con gà í mới biết là thế nào.
“Ờ, thế đấy! ông chủ vớ lấy chai rượu, tợp vài tợp rồi mặt đỏ rừ cả lên cật lực! Và trong cái đám gà còn sót lại ông ấy mới chọn cái con ó già mày đang nhìn kia kìa. Ông chủ cặp con gà í vào nách và bắt đầu đi quanh bãi chọi, thề tướng lên rằng thì là ông ấy không có nhận ai cá hết! Ông í nói là ông í bắt đầu tay trắng, nếu có kết thúc trắng tay thì cũng chả có gì là lạ! Nhỏ này, để tau nói cho mày nghe! Cái con thịt già lông cộc kia bước vào bãi chọi í ít nữa không ra khỏi, nhưng mà con kia thì chết! Các trọng tài báo rằng hai con đã cố sức giết nhau trong gần mười tư phút!” Bác Mingô nhìn con trống già với vẻ hoài cổ nồng hậu. “Nó bị thương nát mình mẩy, máu chảy nhiều đến nỗi muốn chết, cơ mà tau không chợp mắt tí nào kì đến khi cứu được nó!”
Bác Mingô quay về phía Joóc. “Nói thật, nhỏ ạ, có cái này đáng ra tau phải dồi vào đầu mày cẩn thận hơn mới đúng – phải làm mọi cái có thể làm để cứu dững gà bị thương. Ngay cả dững con khá may để giết địch thủ nhanh chóng, rồi đứng đấy gáy tướng lên, làm dư sẵn sàng chọi tiếp, dều, mình cũng có thể mắc lừa! Hễ mang nó trở về xe là phải khám khắp mình nó ngay lập tức, thật kỹ! Có khi chỉ mấy nhát cựa làm xây xát nhỏ cũng có thể dễm trùng. Bất cứ vết xước nào, mày cứ đái đại vào cho tau. Nếu có chảy máu, mày đắp lên một cái mạng dện hay một dúm lông bụng mềm của thỏ. Nếu mầy không làm thế, hai ba ngày sau, gà mầy bắt đầu nom dư teo lại, dư cái dẻ mềm dũn, rồi chả mấy chốc, gà mày chết. Gà chọi, tau nghe nói, cũng dư ngựa đua. Bọn nó cứng rắn đấy, cơ mà đồng thời cũng lại là dững sinh linh hết sức mong manh.”
Joóc có cảm giác như bác Mingô đã dạy nó một nghìn điều, vậy mà hàng nghìn điều khác vẫn còn trong đầu bác. Joóc đã cố gắng tìm hiểu mà vẫn không sao nắm được làm thế nào bác Mingô và ông chủ có thể cảm thấy những con gà nào sẽ tỏ ra nhanh mạnh nhất, táo tợn nhất và kiêu dũng nhất trong bãi đấu. Đó không phải đơn giản là những ưu điểm mắt thấy được mà giờ đây, ngay cả Joóc cũng đã biết nhận ra: lý tưởng là lưng rộng, thẳng đẹp và một cái bụng nhỏ chắc nịch. Nó biết rằng những cánh tốt, vững chãi, tròn xương phải có lông ống cứng, rộng, bóng bẩy, thiên về giao nhau dưới một cái đuôi trành góc giữa; rằng những chiếc dò lực lưỡng, mập, ngắn, phải xoạc rộng, với những cựa khỏe cách đều nhau trên đôi chân vững chắc có ngón sau đen dài xòe hẳn về phía sau và áp xuống mặt đất.
Bác Mingô thường mắng Joóc về tội trở nên mê thích một số con đến nỗi dường như quên cả những bản năng rừng rú của chúng. Thi thoảng, một con gà chọi được cưng đang ngoan ngoãn nằm trong lòng Joóc, chợt nhìn thấy một trong những con mồi già của bác Mingô, bèn quác một tiếng rầm trời, vùng khỏi tay Joóc, hùng hổ đuổi con gà già khiến Joóc phải rượt theo ách chúng lại trước khi con nọ giết chết con kia. Bác Mingô cũng dặn đi dặn lại Joóc phải kiềm chế xúc động của mình tốt hơn mỗi khi một con gà của nó bị giết trên bãi chọi; nhiều lần, anh cu Joóc cao to vạm vỡ đã òa lên khóc. “Không ai có thể mong trận nào cũng thắng, tau đã biểu mày thế không biết bao dêu lần rồi!” bác Mingô nói.
Bác Mingô cũng quyết định nói cho Joóc hay rằng mấy tháng nay bác vẫn biết cứ sau khi trời tối mịt không bao lâu, cu cậu lại lẩn mất biến, mãi rất khuya mới trở về, gần đây kéo đến gần tận sáng. Bác Mingô chắc cái đó có liên quan với việc Joóc đã có lần làm ra vẻ thản nhiên kể rằng một hôm cùng với mexừ Liơ đến cối xay bột, nó có gặp một cô hầu đại sảnh khá xinh và da gần như nâu vàng tên là Tseriti ở đồn điền kề bên. “Bao dêu năm ở đây, con mắt già, cái tai già của tau giống dư tai mắt mèo í. Ngay đêm đầu mày lẻn đi, tau đã bết”, bác Mingô nói với anh chàng học việc ngỡ ngàng. “Dào, tao chả phải hạng đi chõ mũi vào việc người khác, cơ mà tau nói mầy nghe cái nầy. Mầy phải bảo đảm thật chắc chắn, chớ để ba cái thằng tuần cha tuần bố da trắng bắt được, là vì nếu chính chúng không đánh mày sống dở chết dở, thì chúng cũng mang mầy về đây, mà mầy đừng có tưởng ông chủ không quất roi vào đít mầy nhớ!” Bác Mingô đăm đăm nhìn qua bãi cỏ thả gia súc hồi lâu, rồi mới nói tiếp: “Mầy nhận thấy tau không biểu thôi đừng lỉnh đi nữa chứ?”
“Thưa bác, vâng”, Joóc cung kính nói.
Trong một lát im lặng nữa, bác Mingô ngồi xuống một gốc cây cục thích, hơi ngả người về phía trước và bắt chân chữ ngũ, hai tay ôm đầu gối. “Nhỏ! Tau nhớ hồi trước tau cũng có lần đầu bết ra con gái là thế nào…” và một ánh sáng mới len vào trong mắt bác Mingô, trong khi những nét già nua dịu hẳn lại. “Là cái cô gái cao, dài í, cô ta còn lạ nước lạ cái, khi ông chủ cô í mua một chỗ ngay cạnh đồn điền ông chủ tau”. Bác Mingô dừng lại, mỉm cười. “Tau tả cô í thế nào cho khéo nhất nhỉ, ờ, cánh nhọ hơn tuổi tao bắt đầu gọi cô í là “Con Rắn Đen…”, bác Mingô tiếp tục kể, nụ cười mỗi lúc một mở rộng chừng nào bác hồi tưởng lại – và bác hồi tưởng lại khá nhiều điều. Nhưng Joóc đang quá buồn bực vì nỗi bị bắt quả tang, nên chẳng bận tâm đến bất cứ điều gì bác Mingô đang kể với nó. Dù sao cũng thật rõ ràng là nó đã đánh giá thấp ông lão về hơn một phương diện.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley