Dịch giả: Dương Tường
Chương 93

“Mày nghĩ gì hung thế nhỏ?”
Sau hơn một giờ ngồi chung ghế và ngắm những đám mây lớp xớp của buổi sáng ấm áp tháng hai, con đường bụi bặm trải dài trước mặt hoặc sự co duỗi đều đều những bắp thịt mông của đôi la, câu hỏi đột ngột của mexừ Liơ làm Joóc-Gà giật mình.
“Chả có gì”, gã trả lời. “Cháu chả nghĩ gì cả, ông chủ ạ”.
“Bọn nhọ chúng mày có cái gì đó tau không bao giờ hiểu nổi!” giọng mexừ Liơ hơi sẵng. “Người ta định nói chuyện tử tế với bọn mày, ấy thế là bọn mày bắt đầu giở thói ngu xuẩn. Làm tao phát điên lên, mẹ kiếp, nhất là với một thằng nhọ mồm mép như mày, lúc nào muốn thì thao thao bất tuyệt. Mày có nghĩ là người da trắng sẽ tôn trọng bọn mày hơn nếu bọn mày tỏ ra khôn ngoan không?”
Tâm trí Joóc-Gà đang lơ tơ mơ chợt bừng dậy linh lợi, sắc sảo.
“Có thể, mà lại cũng có thể có người không”, gã thận trọng nói. “Mọi sự còn tùy.”
“Đấy, mày lại giở lối nói quanh dây cà ra dây muống. Tùy cái gì?”
Tiếp tục né tránh kỳ đến lúc nào nắm rõ hơn ý đồ của ông chủ, Joóc-Gà lại lựa lời rào đón: “À, thưa ông, cháu muốn nói là còn tùy chỗ mình nói với người da trắng nào, ít nhất cháu cũng cảm thấy thế.”
Mexừ Liơ ngán ngẩm nhổ toẹt sau thành xe. “Nuôi một thằng nhọ, cho nó ăn, mặc, một cái mái che trên đầu và mọi thứ khác nó cần trên đời, ấy thế rồi cái thằng nhọ ấy chẳng bao giờ trả lời mình một câu nào thẳng thắn rành rọt!”
Joóc-Gà đoán liều rằng ông chủ chỉ ngẫu hứng quyết định khơi chuyện phiếm với mình thôi, với hy vọng làm vui cuộc đi xe la đường trường đã trở nên chán ngắt và dường như bất tận này.
Để chấm dứt không làm ông chủ bực mình nữa, gã thăm dò: “Ông muốn biết sự thật chẻ hoe, thẳng băng thì, thưa ông chủ, cháu cho rằng phần đông dân nhọ cứ tưởng làm ra ngây ngô hơn thật, là khôn ngoan, bởi vì họ sợ người da trắng”.
“Sợ!” mexừ Liơ thốt lên. “Bọn nhọ trơn tuột như lươn ấy, có thế thôi! Tao chắc cái bọn nhọ sợ sệt nhút nhát ấy mưu mô nổi loạn mỗi lần chúng tao quay lưng! Bỏ thuốc độc vào thức ăn của người da trắng, thậm chí giết cả con nít! Mày muốn kể tội người da trắng bất cứ cái gì, bọn nhọ cũng làm cái ấy suốt, thế mà hễ người da trắng hành động để tự vệ thì nhọ lại la ầm ĩ lên là nhọ sợ!”
Joóc-Gà nghĩ là nếu khôn ngoan thì thôi đừng có chọc tức ông chủ nữa. “Ông đừng tin là có ai ở chỗ ông làm dư thế, thưa ông chủ”, gã bình tĩnh nói.
“Bọn nhọ chúng bay phải biết là nếu bọn bay làm thế thì tao giết sạch!” Một con gà gáy to tướng trong lồng đằng sau họ và mấy con khác cục cục đáp lại.
Joóc không nói gì cả. Họ đang đi qua một đồn điền lớn và gã nhìn một toán nô lệ ngả những thân cây khô chết, chuẩn bị cày vỡ cho mùa sau.
Mexừ Liơ lại nói: “Tao nghĩ mà phát ớn là cái bọn nhọ có thể làm gay go biết mấy cho những người làm lụng vất vả suốt đời để xây dựng một cái gì”.
Chiếc xe la lăn bánh yên lặng được một lát, song Joóc-Gà có thể cảm thấy cơn giận của ông chủ đang dâng lên. Cuối cùng ông chủ thốt lên: “Nhỏ, tao nói cho mày nghe cái này! Suốt đời mày ở chỗ tao, ăn no phễnh bụng. Mày không biết thế nào là lớn lên lúc nhúc, chết đói dở cùng với mười anh, chị, em và cả bố lẫn mẹ chui rúc trong hai căn buồng dột nát, nóng thiêu!”
đất cằn sỏi đá – mà bây giờ có bán năm xu một âycơ, tao cũng không thèm mua - ở chỗ mà ông ấy tự xưng là chủ trại”.
Nhìn trừng trừng vào Joóc-Gà, ông cáu kỉnh nói: “Mày muốn biết cái gì đã thay đổi đời tao không?”
“Thưa ông, có”, Joóc đáp.
“Cái ông danh sư chữa bệnh bằng lòng tin ấy đến. Ai nấy phấn khởi chạy quanh cái lều lớn của ông ấy đang được dựng lên. Đêm mở màn, tất cả những ai đi được, thậm chí cả những người phải cáng, phải mang, đều ùa vào lều đó. Sau này, người ta nói ở quận Caxuel chưa bao giờ có một bài thuyết pháp về hỏa ngục như thế và những vụ chữa bệnh thần kỳ như thế. Tao không bao giờ quên cái cảnh hàng trăm người da trắng nhảy cẫng hò hét. Người nọ ôm chầm lấy người kia, rầu rĩ và oằn oại và co giật. Tệ hơn cả bất kỳ cuộc họp trại nào của dân nhọ. Nhưng giữa tất cả những hò la, ồn ào loạn xị ấy, có một điều làm tao chú ý, cách này hay cách khác.” Mexừ Liơ nhìn Joóc-Gà. “Mày có biết gì về Kinh thánh không?”
“Không… phải, thưa ông, không biết gì mà bàn.”
“Tao cuộc là mày nghĩ tao cũng mù tịt Kinh thánh! Cái ấy trong sách Thi Thiên. Tao đã đánh dấu chỗ ấy ở trong quyển Kinh Thánh của tao. Đoạn ấy nói rằng: “Xưa tôi trẻ và nay đã già; vậy mà tôi chưa từng thấy những người chính trực bị Chúa từ bỏ và dòng giống của Chúa phải đi xin ăn”.
“Sau khi vị giáo sĩ ấy đã đi khỏi lâu rồi, câu đó vẫn bám chặt trong đầu tao. Tao lật đi lật lại, xoay các chiều, cố hình dung xem nó có ý nghĩa gì đối với mình. Mọi cái tao thấy trong gia đình tao, quy lại, chỉ là xin ăn. Bọn tao chẳng có gì và rồi cũng sẽ chẳng có gì hết. Rút cục, dường như câu đó có nghĩa là nếu tao quyết tâm thành người chính trực – nói cách khác là nếu tao làm lụng cần cù và sống thiện nhất như cách tao biết – tao sẽ không bao giờ phải xin ăn, khi về già”. Ông chủ nhìn Joóc-Gà, vẻ thách thức.
“Dạ, thưa ông”, Joóc-Gà không biết nói gì khác.
“Chính lúc đó tao bỏ nhà ra đi”, mexừ Liơ kể tiếp. “Bấy giờ tao mười một tuổi. Tao tới đường cái, gặp ai cũng xin việc, làm bất cứ cái gì, kể cả công việc của nhọ. Tao rách rưới, tao ăn đồ bỏ. Tao dành dụm từng xu kiếm được – bao năm ròng, tao nói thật đấy – cho đến khi, cuối cùng tao mua được mảnh đất rừng đầu tiên trong đời tao rộng hai mươi lăm âycơ cùng với tên nhọ đầu tiên của tao tên là Joóc. Thật vậy chính là tao lấy tên hắn đặt cho mày…”
Ông chủ có vẻ như chờ đợi một phản ứng nào đó. “Bác Pompi đã kể cho cháu nghe về người í”, Joóc-Gà nói.
“Ờ, Pompi còn đến sau, tên nhọ thứ hai của tao. Nhỏ, mày nghe tao kể đây, tao đã làm việc vai kề vai với gã Joóc nhọ ấy, quần quật làm từ cái có thể đến cái không thể, đào gốc trốc rễ, phát bờ phát bụi, nậy đá để trồng mùa đầu tiên. Quả là chỉ có Chúa mới run rủi cho tao mua cái vé xổ số hai mươi lăm xu ấy và nhờ cái vé ấy, tao được con gà chọi đầu tiên trong đời tao. Nhỏ ạ, đó là con gà hay nhất tao từng có! Ngay cả những lần nó bị thương nặng, tao chữa chạy cho nó và nó tiếp tục thắng nhiều trận đấu hạ cấp đến mức chưa ai từng nghe thấy có con gà nào làm được như thế.”
Ông ta ngừng một lát. Không biết tại sao tao lại ngồi đây tâm sự thế này với một thằng nhọ. “Nhưng mà tao, đồ chừng con người ta đôi lúc cũng cần hàn huyên với ai đó”.
Ông lại ngừng. “Người ta chả thể trò chuyện gì nhiều với vợ được. Dường như người đàn bà một khi vớ được anh chồng để săn sóc mình là suốt đời chỉ những ốm đau, nghỉ ngơi hay phàn nàn cái này cái khác, trong khi nhất cử nhất động đều có bọn nhọ hầu hạ tíu tít. Hoặc giả suốt ngày đánh phấn đánh sáp kỳ đến khi trông như ma”…
Joóc-Gà không dám tin ở tai mình nữa. Song ông chủ dường như không kìm nổi mình. “Hoặc giả lại bị cách khác, như gia đình nhà tao ấy. Nhiều lần tao cứ tự hỏi tại sao chín anh chị em tao không ai vật lộn để thoát ra như tao. Giờ đây, họ vẫn còn chen chúc, đói ăn hệt như ngày tao bỏ đi – chỉ khác cái bây giờ là tất cả đều có gia đình riêng”.
Joóc-Gà quyết định rằng tốt nhất là đừng có tán thưởng – dù chỉ bằng một tiếng “dạ” – bất cứ điều gì ông chủ nói về gia đình mình, mà Joóc đã trông thấy mấy thành viên nói chuyện qua quít với ông ta khi họ gặp nhau ở các cuộc chọi gà hoặc trên tỉnh. Anh em trai của mexừ Liơ đều là những cách-cơ nghèo xác nghèo xơ, thuộc loại mà không những các điền chủ giàu, mà cả đến nô lệ của họ cũng xem khinh. Nhiều lần, Joóc đã thấy ông chủ lúng túng biết mấy, khi gặp bất kỳ ai trong bọn họ. Gã đã nghe hóng thấy họ luôn luôn ca cẩm về thời buổi khó khăn và xin tiền ông ta, gã đã trông thấy vẻ hằn học trên mặt họ khi ông chủ cho họ năm mươi xu hay một đôla mà gã biết họ sẽ tiêu vào rượu uytxki trắng loại tồi. Joóc-Gà nhớ tới cô Malizi đã kể biết bao lần là mỗi khi ông chủ mời anh chị em trong gia đình đến ăn cỗ, họ thường ăn uống, nhồi nhét bằng ba suất thường và hễ ông chủ đi khỏi tầm tai nghe là lại đua nhau thóa mạ ông ta như chó.
“Bất kỳ ai trong bọn họ đều có thể làm như tao!” mexừ Liơ thốt lên bên cạnh gã trên chiếc ghế băng xe tải. “Nhưng họ không có chí thì mặc xác họ!” Ông ta lại im, nhưng không lâu.
“Cách này hay cách khác, giờ đây tao đã khá giả - có nhà ở khang trang, trên dưới một trăm gà chọi, tám mươi lăm âycơ đất trong đó quá nửa được trồng cây cùng với nhiều ngựa, la, bò, lợn. Tao lại có đám nhọ lười chúng bay nữa.”
“Dạ”, Joóc-Gà nói, gã nghĩ có thể nhẹ nhàng phát biểu một quan điểm khác cũng không can chi. “Dưng mà cánh nhọ chúng cháu cũng cần mẫn làm việc cho ông đấy chứ, thưa ông chủ. Theo chỗ cháu biết thì mẹ cháu mấy các cô, bác Malizi, Xerơ và Pompi và Mingô – họ đã chẳng làm cật lực vì ông đó sao?”. Và không để cho ông chủ kịp trả lời, gã chuyển sang một đầu đề mà Xerơ đã nhắc tới trong buổi nó về thăm xóm nô chủ nhật trước. “Thực tế, thưa ông chủ, trừ mẹ cháu, không có ai trong số đó còn dưới năm mươi tuổi...” Gã hãm lại không nói thêm cái kết luận của Xerơ rằng chỉ tại ông chủ quá keo, không chịu mua người nô lệ trẻ nào, rõ ràng là định bắt dúm gia nhân có sẵn trong tay làm việc đến lúc họ gục xuống.
“Hẳn mày không chú ý nghe kỹ tất cả những gì tao nói, nhỏ ạ! Có tên nhọ nào thuộc quyền sở hữu của tao, đã làm vất vả như tao không? Cho nên đừng có nói với tao là dân nhọ làm vất vả thế nào!”
 “Vâng”
“Vâng cái gì?”
“Vâng thôi ạ. Nhất định ông cũng làm vất vả, thưa ông chủ”.
“Đúng quá đi chứ! Mày tưởng chịu trách nhiệm về tất cả mọi sự và mọi người ở chỗ tao, là chuyện dễ à? Mày tưởng duy trì một đàn gà đông thế này là chuyện dễ à?”.
“Không ạ, cháu biết chắc chắn cái đó thật là gay cho ông, thưa ông chủ”. Joóc nghĩ đến bác Mingô đã phải chăm nom đàn gà hằng ngày trong hơn ba mươi năm nay – không kể bảy năm của bản thân gã. Rồi, dùng chút mẹo để nhấn mạnh mấy thập niên phục vụ của bác Mingô, gã hồn nhiên nói: “Ông chủ, ông có biết bác Mingô bao nhiêu tuổi rồi không?”.
Mexừ Liơ xoa xoa cằm. “Mẹ kiếp, tao quả không biết. Để xem, có lần tao đồ chừng lão ấy hơn tao độ mười lăm tuổi – tức là lão vào khoảng ngoài sáu mươi gì đó. Và mỗi ngày một già thêm. Vẻ như lão mỗi năm một ốm yếu hơn thì phải. Mày thấy thế nào? Mày ở dưới đó quanh quần bên lão mà”.
Joóc-Gà vụt nghĩ đến trận ho gần đây của bác Mingô, cơn bệnh nặng nhất của bác từ trước đến nay, theo như gã biết. Nhớ lại Malizi và Xerơ thường bảo rằng ông chủ coi mọi sự kêu ca bệnh tật của người làm chỉ đơn thuần là lười nhác, cuối cùng gã nói: “À thưa ông chủ, thường thường thì xem bác í cũng khỏe, dưng mà cháu cho rằng quả thật ông cũng cần phải biết là đôi khi bác í bị dững cơn ho rành là dữ dội – đến nỗi cháu phát sợ, bởi vì bác í đối mấy cháu đúng dư là một người cha vậy”.
Kìm lại quá muộn, gã lập tức cảm thấy một phản ứng hằn học. Một chỗ gồ ghề trên đường làm cho những con gà trong lồng lại kêu cục cục, rồi chiếc xe lại lăn bánh trong im lặng hồi lâu trước khi mexừ Liơ cất tiếng hỏi: “Mingô làm gì cho mầy nhiều vậy? Phải chăng lão đã rút mày khỏi công việc đồng áng, đưa mày xuống đây, cho mày một cái lán riêng?”
“Không ạ, mọi cái đó là do ông làm cả, thưa ông chủ”.
Họ tiếp tục im lặng một lúc cho tới khi ông chủ lại quyết định nói nữa. “Trước tao không nghĩ mấy về cái điều mày nói ban nãy, cách đây một quãng, nhưng giờ mày nhắc tới, quả là tao đã vơ lấy một lũ nhọ già. Giờ đây, một số thế tất ngày một ngày hai sẽ bắt đầu gục để tội để nợ cho tao, mẹ kiếp! Dù nhọ hiện nay có đắt mấy, tao cũng sẽ phải mua một, hai đứa lực điền trẻ!” Ông quay lại như định sáp đến gần Joóc-Gà. “Mày hiểu những điều tao nói chứ, mọi thứ việc tao phải lo toan suốt năm suốt tháng?”
“Vâng, thưa ông chủ”
“Vâng thưa ông chủ! Cái dân nhọ hỏi gì cũng trả lời thế!”
“Chắc chắn ông chả muốn nhọ nào không đồng ý mấy ông, phải không ạ?”
“Ờ, thế mày có thể tìm được cái gì để nói ngoài câu vâng, thưa ông chủ không?”
“Không ạ... cháu muốn nói..., phải, thưa ông, chí ít ông cũng có chút tiền để mua nhọ, thưa ông chủ. Mùa này, ông thắng hay thế trong các cuộc chọi gà mà”. Joóc-Gà hy vọng lái câu chuyện sang một đầu đề an toàn hơn. “Ông chủ ạ”, gã thật thà hỏi, “có tay chơi gà nào không có trại không nhỉ? Cháu muốn nói là không trồng cấy gì, mà chỉ nuôi gà thôi?”
“Hừm-m-m. Theo tao biết thì không, trừ một số dân thành phố, nhưng tao không bao giờ nghe nói bất kỳ cha nào trong bọn ấy có đủ gà để đáng gọi là tay chơi thực thụ”. Ông nghĩ một lúc. “Trên thực tế, thì thường thường là càng nhiều gà chọi, trang trại càng lớn – như cái chỗ ông Juét mà mày vẫn đến mò gái ấy”.
Joóc-Gà rất giận mình đã khơi mào cho ông chủ nói chuyện ấy, và gã vội tìm cách chấm dứt đi cho rồi. “Cháu đâu có đến đó nữa, ông chủ”.
Sau một lúc ngừng, mexừ Liơ nói: “Mày kiếm được một con khác ở đâu đấy rồi hử?”
Joóc-Gà do dự trước khi trả lời: “Bi giờ, cháu ở nhà suốt”. Như vậy, đỡ phải nói dối trực tiếp.
Mexừ Liơ giễu: “Một con ngựa đực to lớn, vạm vỡ hai mươi tuổi như mày lại chịu thế ư? Nhỏ này, đừng có nói với tao là đêm đêm mày không chuồn đi đá bẫm cái món hĩm nóng giòn ấy! Mẹ kiếp, tao có thể đem mày cho thuê gây giống: tao cuộc là mày thích thế!” Mặt ông chủ nheo nheo gần như liếc tình, đầy vẻ dâm đãng. “Có người bạn thân của tao bảo là bọn gái da đen nóng máy ngon xơi lắm, bây giờ mày nói thật tao nghe, có đúng thế không nhỏ?”
Joóc-Gà nghĩ đến ông chủ với mẹ mình. Trong lòng sôi lên, nhưng gã vẫn chậm rãi nói, gần như lạnh lùng: “Có thể thế, thưa ông chủ”... Rồi dứt khoát: “Cháu không biết nhiều lắm”...
“Thôi được, mày không muốn nói, nhưng tao biết đêm đến mày mò đi đâu và đi thường xuyên đến mức nào. Tao không muốn bọn tuần đường bắn vào mày như tên nhọ luyện gà cho ông Juét, cho nên tao nói cho mày biết tao sẽ làm gì. Khi nào về, tao sẽ viết cho mày một giấy thông hành để đêm nào mày cũng đi săn hĩm, nếu mày muốn! Tao chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm thế cho tên nhọ nào!”
Mexừ Liơ có vẻ gần như bối rối, rồi che giấu bằng một cái cau mày. “Thế nhưng tao bảo cho mày biết một điều. Hễ mày làm thối chuyện, sáng ra không trở về, hoặc quá mệt mà bỏ việc, hoặc giả tao khám phá ra mày lại đến chỗ Juét nữa, hoặc giở bất kỳ trò gì khác mà mày biết mày không được phép làm, tao sẽ xé tan giấy thông hành ngay lập tức - và xé xác mày luôn thể. Hiểu chưa?”
Joóc-Gà vẫn không tin. “Thưa ông chủ, thế thì quý hóa quá! Rành là cháu rất lấy làm cảm kích, thưa ông chủ!”
Một cách cởi mở, Mexừ Liơ xua tay gạt đi những lời cảm ơn “Thôi được rồi, mày thấy tao đâu có xấu bằng nửa mức bọn nhọ chúng mày tưởng tượng ra. Mày có thể nói cho bọn chúng là tao biết ưu đãi một tên nhọ như thế nào nếu tao muốn”
Cái cười dâm dật lại xuất hiện: “Tốt, thế bọn gái da đen nóng máy ấy thế nào, nhỏ? một đêm mày có thể nhảy mấy đứa?”
Joóc-Gà vặn vẹo người trên ghế như con sâu: “Thưa ông, như cháu đã nói, cháu có biết nhiều nhặn gì đâu”…
Nhưng mexừ Liơ như không nghe thấy gã, cứ tiếp tục: “Tao nghe nói khối người da trắng cứ đi tìm phụ nữ nhọ để hú hí. Mày biết chuyện đó vẫn xảy ra chứ, nhỏ?”.
“Cháu có nghe nói thế, thưa ông chủ”, gã nói, cố gắng không nghĩ đến cái thực tế là gã đang nói chuyện với chính cha mình. Nhưng ngoài những gì diễn ra trong các túp lều ở các đồn điền, Joóc-Gà biết rằng ở Bơớclinhtơn, ở Grinxborâu và Đơhâm, có những “nhà đặc biệt” vẫn được rầm rì nhắc đến, thường thường do một phụ nữ da đen tự do nào đó cai quản, ở đó gã nghe nói người da trắng tuỳ thích lựa chọn gái các màu da từ đen như bồ hóng đến nhuôm nhuôm với giá từ năm mươi xu đến một đôla.
“Mẹ kiếp”, ông chủ vẫn dai dẳng, “tao với mày ngồi nói chuyện ở đây chỉ có hai ta trong cái xe này. Theo tao nghe nói, bọn nó là gái nhọ, ừ thì đành rằng thế, nhưng lạy chúa, chúng nó là đàn bà. Tao nghe nói, bọn nó giòn như pháo ấy”. ông chủ nhìn Joóc-Gà, soi mói. “Có người quen bảo tao là bọn trai trẻ nhọ chúng bay không bao giờ chán cái hĩm đen nóng giòn ấy, kinh nghiệm mày có thế không?”
“Không ạ, thưa ông chủ - cháu muốn nói, chí ít là cho đến nay thì chắc cháu chưa phải thế!”
“Đấy! Mày lại nói quanh quéo rồi!”
“Cháu không quanh co gì đâu. Ông chủ ạ”. Joóc-Gà cố hết sức mình tỏ ra nghiêm túc. “Cháu đang định nói mấy ông một điều cháu chưa hề nói mấy ai, ông chủ ạ! Ông biết cái mexừ Mêc Grigo có đám gà vàng đốm chứ?”.
“Dĩ nhiên. Tao với ông ta nói chuyện luôn. Dính gì đến ông ấy?”.
“À, ông đã hứa cho cháu một cái giấy thông hành, nên cháu chả cần nói dối làm gì. Ấy, thưa ông, gần đây cháu có chuồn ra, dư ông nói, đi thăm cô gái ở chỗ mexừ Mêc Grigo í”…Mặt gã đầy vẻ tha thiết “Tên cô í là Matilđa, cô í làm đồng và khi cần thì giúp việc ở đại sảnh. Ông chủ ạ, cô í là cô gái đầu tiên không thiết đến dững gì cháu nói hay toan tính, không để cháu sờ đến người, ông ạ! Giỏi lắm cháu cũng chỉ khiến được cô í nói là cô í thích cháu, dưng mà cô í không chịu được cung cách cháu. Cháu mới biểu cô í cháu muốn quơ bao nhiêu đàn bà, được chừng nấy, cô ấy chỉ nói là đi mà quơ, để cho cô í yên”.
Mexừ Liơ lắng nghe Joóc-Gà với cái vẻ không tin y như gã nghe ông ban nãy.
“Còn một điều nữa”, gã nói tiếp. “Mỗi lần cháu trở lại, cô ý đều dẫn Kinh Thánh về cháu! Do đâu mà cô í đọc Kinh Thánh, là vì cô í được một ông chủ cố đạo nuôi cho đến khi đạo của ông í khiến ông í phải bán nô lệ của mình đi. Thật thế, cháu xin nói mấy ông là cô í ngoan đạo biết mấy…Thưa ông chủ”…Joóc-Gà ngập ngừng. “Trước khi cháu gặp cô í, cháu vẫn săn hĩm luôn dư ông nói – dưng mà cô í làm cho cháu cảm thấy chuyện này to tát hơn chứ không phải chỉ hĩm hiếc thôi, nói sai cháu là con chó. Người đàn ông phải nghĩ đến chuyện làm lễ nhảy chổi mấy một người đàn bà tốt!”…
Joóc-Gà ngạc nhiên với chính mình. “Tức là nếu cô í bằng lòng cháu”, gã nói khẽ. Rồi thậm chí còn khẽ hơn nữa. “Và nếu ông không phản đối”…
Họ đi tiếp giữa tiếng xe cót két và tiếng gà cục cục một quãng dài nữa trước khi mexừ Liơ hỏi: “Ông Mêc Grigo có biết mày đang tán con hầu gái ấy của ông ta không?”.
“À, cô í là chân làm đồng, không bao giờ có chuyện gì phải nói thẳng với ông chủ. Dưng mà dững nhọ làm trong đại sảnh có biết chuyện, cháu đoán là một số đã mách lẻo”.
Sau một lát im lặng nữa, ông chủ nói: “Từ khi đẻ, mày chưa bao giờ gây chuyện gì thực sự rắc rối cho tao – trên thực tế, mày đã giúp tao khối việc và tao sẽ làm một cái gì cho mày. Ban nãy, mày mới nghe tao nói là tao cần một số nhọ trẻ để làm đồng. Vậy tao sẽ đánh xe đến nói chuyện với ông Mêc Grigo. Nếu ông ta có nhiều nhọ như mày nói, chắc bớt đi một đứa con gái làm đồng, ông ấy cũng chả thiếu gì lắm - nếu có thể thoả thuận một giá phải chăng. Rồi mày có thể di chuyển con bé ấy…tên nó là gì nhỉ?”.
“Tilđa…Matilđa, thưa ông chủ”, Joóc-Gà thều thào, không dám chắc là mình nghe đúng.
“Rồi mày có thể chuyển nó về chỗ tao, hai đứa dựng một cái lều”…
Miệng Joóc mấy máy nhưng không thốt ra tiếng nào. Cuối cùng gã bật ra: “Chỉ có dững ông chủ thượng thặng mới làm thế!”.
Mexừ Liơ ầm ừ. Ông khoát tay. “Mày phải hiểu chỗ chính của mày vẫn là ở dưới ấy với Mingô!”
“Dĩ nhiên, thưa ông chủ!”
Cố làm ra vẻ cau có, mexừ Liơ xỉa một ngón tay vào gã lái xe cho mình: “Sau khi mày có nơi có chốn, tao sẽ lấy lại cái giấy thông hành. Để giúp cho cái con gì nhỉ, à Matilđa, giữ cái đít đen của mày ở nhà nó!”
Joóc-Gà ngớ ra không nói được gì.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley