Dịch giả: Nguyễn Phan Quế , Luyện Xuân Thiều, Luyện Xuân Thu
CHƯƠNG 10 (E)

MÔN MÁY TÍNH – ÔNG CHỦ NHỎ - “TIỂU HACKER”
 
Môn tin học của Trường Landtane cũng rất cần đề cập. Trên thực tế, nó phản ánh trình độ giảng dạy về môn này của rất nhiều trường trung học Hoa Kỳ.
 
Lớp tin học ở nước ta, tôi cảm thấy nội dung giảng dạy tuy nâng cao, nhưng ứng dụng vào thực tế, các tri thức được học đều không cập nhật. Tôi khá thành thạo máy tính, do được ba thường phụ đạo thêm.
 
Rất nhiều trường trung học, tiểu học trong nước do thiết kế phần cứng máy tính, điều kiện đầu tư của thầy rất hạn chế nên nội dung giảng dạy hạn chế trong một phạm vi rất hẹp, chỉ có thể dạy một số cơ bản như thiết kế lập trình TRUE BASIC, hệ thống thao tác DOS, hệ thống quản lý dữ liệu FOXBASE, xử lý văn bản WPS…
 
Xem lịch trình giảng dạy này có thể thấy việc giảng dạy môn tin học trong các trường trung học của chúng ta đều là một kiểu học tập “theo khuôn mẫu có sẵn”.
 
Học sinh trong nước, chỉ có lúc lên lớp học môn tin học mới có cơ hội thao tác máy, lịch trình giảng dạy môn này hàng tuần ít, thời gian học trên máy lại ít hơn, nên dù đã học đến đại học, đa số sinh viên thao tác máy tính chưa thuần thục, còn nói gì đến ứng dụng sâu và sáng tạo.
 
Đối với các Trường trung học Landtane và Saint Louis của Mỹ thì hoàn toàn ngược lại.
 
Trong phòng máy tính của trường, máy được bày ra với số lượng tương đối lớn, đều trong trạng thái mở sẵn, bất kỳ ai khi ngồi xuống đều lập tức có thể sử dụng. Dù đi rất sớm hoặc rất muộn, vẫn không thay đổi. Nhiều học sinh có máy tính xách tay của mình, giống như túi xách xinh xắn rất tiện lợi.
 
Mỗi học sinh Trường Saint Louis và Landtane đều có e-mail address (địa chỉ thư điện tử) riêng rất thuận tiện liên lạc với nhau, trao đổi tin tức với địa chỉ khác trên mạng dù ở bất cứ nơi nào. Ngày thứ ba đến Trường Saint Louis, tôi đã có một hòm thư điện tử riêng. Trên một máy tính dùng hệ thống Linux, tôi liền dùng địa chỉ này gửi về nước  cho ba mẹ bức thư ngắn và chỉ mấy giờ sau đã nhận được thư trả lời của ba mẹ. Đó là bức thư thứ nhất phát bằng e-mail trong đời tôi.
 
Các bạn học sinh Hoa Kỳ của tôi hàng ngày đều rất ít dùng bút, thậm chí có một vài học sinh không bao giờ mang theo bút. Máy tính là bút của họ, làm xong bài, sử dụng máy in, in ra là có thể nộp bài được. Học cao trung, bài tập ở nhà của học sinh Mỹ tăng lên rất nhiều, có khi gần thời gian đi ngủ mới làm xong bài. Các bài tập này đều phải hoàn thành trên máy tính, thường phải truy cập trên mạng Internet để tra cứu tư liệu. Trước khi tôi rời Hoa Kỳ, nhiều bạn học sinh Mỹ gửi bưu thiếp ghi lời chúc của họ, dạng chữ viết không được đẹp, nguyên nhân là cả năm họ thườngdùng máy tính để làm bài tập, cơ hội viết tay rất ít, so với thế hệ trước họ viết chữ không đẹp, nhưng thao tác máy tính lại rất thuần thục; rất nhiều bậc cha mẹ ở Hoa Kỳ đều lấy các con của mình làm thầy giáo dạy sử dụng máy tính.
 
Những người đang học ở nhà trường Hoa Kỳ dù là tiểu học, trung học, đại học, truy cập Internet đều miễn phí. Tôi nghĩ đây không phải là để khoe sự hùng hậu của Hoa Kỳ, mà chỉ là thực thi một biện pháp quan trọng có ý nghĩa sâu xa. Một thời đại lấy Internet làm môn học cho đông đảo mọi người học, tất nhiên sẽ chuẩn bị được cho họ nền học thức có độ sâu và độ dày, có nhãn quan nhạy bén và có tấm lòng rộng mở.
 
Nội dung của môn tin học so với kiến thức chúng tôi - học sinh Trung Quốc – đã học, sâu hơn nhiều. Trong nội dung giảng dạy của họ, ngoài tri thức phần cứng và hệ thống thao tác phần mềm thường thấy, còn bao gồm cả phần giảng dạy để nắm vững phần mềm Borland Turbo Pascal. Đây là một loại ngôn ngữ cao cấp, thiết kế lập trình rất rộng rãi hiện nay. Trường Landtane dùng thời gian học của hai học kỳ để dạy cho học sinh từ trong lý luận và ứng dụng thực tiễn nắm chắc loại ngôn ngữ này. Rất nhiều học sinh có được “chiếc gậy” này trong tay đã có thể tự mình viết ra chương trình tương đối phức tạp, phát huy mạnh mẽ “thiên phú” của bản thân về phương diện máy tính.
 
Việc này khiến tôi nghĩ đén một câu chuyện có thực.
 
Mấy năm trước, Công ty máy tính Apple tiếng tăm của Mỹ tổ chức một cuộc triển lãm với quy mô lớn ở Boston trên bờ biển phía đông. Trong lễ khai mạc, Tổng Giám đốc tự mình đảm nhận vai trò người chủ trì và trịnh trọng mời hai vị khách mời đặc biệt đến dự cuộc triển lãm. Hai người này, một vị là Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Công ty NESTCAPE lừng danh trên mạng Internet. Bất ngờ nhất là vị thứ hai. Đó là một học sinh tiểu học chỉ mới 12 tuổi, tên là Grey M. Miler, nghe nói năm ấy còn bé đến mức răng sữa chưa thay hết.
 
Nhưng cậu bé này trái lại là một thần đồng. Cậu dùng 20 phút tại hiện trường biểu diễn thuyết trình trực quan cho mọi người phần mềm giáo dục mà mình đã dùng máy tính Apple khai thác.
 
…Hạt giống gieo trên mặt đất, ánh mặt trời rực rỡ, tiếng gió thổi mang theo những hạt mưa mát mẻ. Hạt giống nảy mầm, lớn dần. Bầu trời đầy nắng, gió và mưa. Trong vườn cây, hoa nở, trái chín mọng… Thiên nhiên tràn trề sức sống.
 
Chỉ trong 20 phút thực hành ngắn ngủi với thao tác thành thục, hình ảnh đẹp đẽ tưởng tượng phong phú, những từ giải thích sinh động và đầy đủ của cậu đã làm cho hội trường vang dậy tiếng reo hò tán thưởng.
 
Kết quả của Lễ Khai mạc ngày hội lớn ấy, M. Miller trở thành ngôi sao rực rỡ, phó Tổng Giám đốc có mạng nối toàn cầu trở thành cái bóng của cậu. Trong tiếng vỗ tay rầm rộ, ông Tổng Giám đốc Công ty máy tính Apple mang một bộ máy tính “Apple” kiểu mới nhất tặng Miller.
 
Điều làm cho người ta bất ngờ hơn cả là bản thân Miller cũng là một ông chủ. Cậu đã thành lập một Công ty tiêu thụ phần mềm giáo dục và trò chơi giải trí tự mình khai thác, cậu còn thuê một vài bạn không lớn hơn mình nhiều làm giúp việc. Năm ấy, chú bé Bill Gates 15 tuổi đã mở một công ty, Miller có đuổi kịp Bill Gates trong tương lai hay không? Nếu nói Miller là kết quả to lớn của trí tuệ sớm phát triển, trình độ tổng hợp rất cao về giáo dục tin học của Hoa Kỳ đã thúc đẩy ứng dụng máy tính và mạng Internet cho giáo dục. Gần đây, có hai mục tiêu quy mô đồ sộ nhất, một là thực hiện mỗi học sinh có một bộ máy tính xách tay. Thực hiện mục tiêu này có thể làm cho rất nhiều học sinh Mỹ vĩnh biệt sách giáo khoa in bằng giấy và bài làm bằng bút mực, bước vào một thời đại rất phong phú đa dạng của phần mềm giáo dục và sách điện tử; hai là làm cho mỗi phòng học trong toàn quốc đều được nối mạng Internet để mỗi học sinh Hoa Kỳ có thể từ trong các mạng toàn cầu truy cập tri thức, khai thác sức mạnh trí tuệ. Thực hiện được hai mục tiêu đó nhất định sẽ phát huy tác dụng tương đối lớn với nền giáo dục Hoa Kỳ và đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển việc ứng dụng máy tính trên toàn nước Mỹ.
 
Kết quả so sánh với họ, thực sự làm cho người ta sinh ra một cảm giác khủng hoảng rất rõ rệt. Trên mảnh đất tươi tốt về giáo dục tin học ở đó, Hoa Kỳ không chỉ tạo ra một loạt những nghiệp chủ xuất sắc về tin học như Bill Gates mà còn có thể dự đoán nó sẽ là một động lực thúc đẩy phát triển ngày càng lớn nền khoa học kỹ thuật cao. Trong đó sẽ có rất nhiều những vấn đề đáng để cho chúng ta học tập.
 
Tại Hoa Kỳ gần đây xảy ra “hacker” (tin tặc) xâm nhập vào máy tính. Đó là lần một “hacker” trẻ xâm nhập vào phần mềm của Bill Gates. Hacker của Hoa Kỳ vốn là “anh hùng thời niên thiếu”. Tuổi nhỏ đã luôn làm nên những vụ án kinh thiên động địa, lúc thì phá hoại mạng chủ của Nhà Trắng, lúc thì giải mã hệ thống chỉ huy tuyệt mật của Lầu Năm góc (Toà nhà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ). Nếu không dùng mưu kế lập ra một số vi-rút siêu cấp chưa hề được biết, tìm ra phần mềm “hacker” chuyên dùng để ăn cắp bí mật của người khác thì nó còn quậy phá làm cho thiên hạ không thể an toàn. Tuổi nhỏ, gây hoạ lớn đã trở thành “định luật số 1” của “hacker”. Hiện tượng này, pháp luật của Mỹ trừng phạt đặc biệt nhẹ đối với người vị thành niên phạm tội về tin học, đã không gây được tác dụng răn đe của luật pháp.
 
Không lâu trước đây, một “hacker” 18 tuổi ở Colorado, vô công rồi nghề, lấy việc truy cập vào mạng chủ Internet làm thú vui. Khi nó xâm nhập vào trang Web của một công ty tín dụng, bỗng nhiên phát hiện được tư liệu của nhà giàu số một thế giới Bill Gates. Tên “đại Hacker” tự xưng là Hoolathrew rất đắc ý. Sau khi lấy cắp được các tư liệu tín dụng của Bill Gates, nó liền đưa tư liệu đó vào một trang Web cá nhân theo địa chỉ trên mạng của một hộ dùng Internet thuộc Công ty Truyền thanh toàn quốc NBC. Trong tư liệu công khai đó, không những bao gồm các mã số tín dụng của Gates, còn bao gồm cả mật mã – chìa khoá tín dụng nữa. Bọn làm ăn bất hợp pháp nhất định hết sức vui mừng, sẵn sàng lợi dụng những tư liệu này để vớ một mẻ lớn túi tiền của Gates. “Đại hacker” Hoolathrew khoe bản lĩnh giải mã của mình trên mạng Internet, còn công khai tuyên bố: Anh ta đánh cắp được tư liệu tín dụng của ít nhất 5.000 khách hàng và trong vòng hai ngày tới sẽ đem tư liệu các tín dụng của 1.000 người khác đưa lên mạng công khai ai cũng có thể xem được.
 
Khi những tài liệu liên quan tới sự an nguy kinh tế của rất nhiều người Mỹ được công khai trên mạng, những người chân chính tới tấp gọi điện thoại tố cáo mọi việc làm của Công ty Truyền thanh toàn quốc NBC. Công ty này nghe tin rất sợ hãi, vội vàng đóng ngay mạng chủ.
 
Đây là sự kiện lúng túng thứ hai của Công ty W.J. gặp phải trong gần nửa năm nay. Nửa năm trước, công ty này cung cấp Hotmail (dịch vụ bưu điện điện tử cho các hộ dùng trên mạng) cũng từng bị “hacker” xâm nhập và đánh cắp được tư liệu cá nhân của hàng ngàn hộ sử dụng. Sau đó, Công ty này tuyên bố đã lắp đặt xong một mã rất an toàn trên mạng Internet để đối phó với sự phá hoại của “hacker”. Ai ngờ lần này “hacker” lại công nhiên thò bàn tay đen vào tận túi tiền của ông chủ lớn Công ty.
 
Hoạt động của “hacker” bị lên án. Nhưng đằng sau tội ác của một số “hacker”, chúng ta có thể thấy được khả năng ứng dụng máy tính thành thạo của thanh thiếu niên Mỹ, dễ dàng tung hoành trên mạng Internet. Tiềm lực rất dồi dào này với sự phát triển trong tương lai của Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực.
TRƯỜNG LANDTANE VỚI PHẦN THƯỞNG MUÔN MÀU
 
Tờ báo tường “Tin tức Landtane” của Trường Landtane, có một tin là Chủ tịch Hội học sinh Toms Shepperd được nhận phần thưởng thành tựu xuất sắc cấp Trường sau một năm hoạt động. Hiệu trưởng Shilstone đích thân quyết định.
 
Tôi cảm thấy rất thích thú với các loại phần thưởng do Trường Landtane lập ra. Tôi tìm đọc báo “Tin tức Landtane” do học sinh tự làm, thấy một chuỗi danh sách được thưởng:
Moutive và Hanter nhận được “Phần thưởng vinh dự thiều niên” của trường Đại học Harvard và Học viện Dartmouth. Đây là một phần thưởng rất có trọng lượng liên quan đến tố chất tổng hợp của học sinh.
Chaffman nhận được “Phần thưởng cho người phối hợp tốt”. Đây là một loại phần thưởng tuyên dương năng lực phối hợp, quan hệ giao tiếp. Trường Landtane cho rằng, làm cho mọi người cộng tác được hài hoà, nhất trí là có biểu hiện của tài năng lãnh đạo. Những trẻ con như thế, trong tương lai có thể làm nên đại sự.
Colis Lewell nhận được “Phần thưởng công dân”. Đây là loại phần thưởng tuyên dương trách nhiệm xã hội, không có liên quan gì với thành tích học tập.
Yanter Mabb nhận được “Phần thưởng hoạt động”.Đây là loại phần thưởng tuyên dương thành tích hoạt động ngoại khoá.
Chaffman và Vlaska, hai người nhận chung “Phần thưởng quy phạm đạo đức”. Đây là phần thưởng không liên quan đến thành tích học tập, chỉ có quan hệ về biểu hiện đạo đức. Dù bạn không có khả năng mà có thể làm một người tốt, cũng đáng được khích lệ.
 
Tôi còn nhận được một danh sách khen thưởng cấp Trường sau đây:
“Phần thưởng công dân”  của Câu lạc bộ Phụ huynh Trường Landtane, là phần thưởng khích lệ tinh thần trách nhiệm xã hội của học sinh.
“Phần thưởng William Hallison” là phần thưởng khích lệ tố chất tổng hợp của học sinh.
“Phần thưởng thành tựu học tập” của học sinh tốt nghiệp Haffer Letchford. Đây là phần thưởng khích lệ thành tích học tập của học sinh. Loại phần thưởng này ở Trường Landtane chỉ có số ít người nhận được.
“Phần thưởng Câu lạc bộ đọc sách Saint Louis”. Đây là phần thưởng chuyên dùng để khen các học sinh đọc được nhiều sách hay.
“Phần thưởng đọc sách Booklike của trường Đại học Harvard”. Đây là phần thưởng cao nhất của giới báo chí Hoa Kỳ. Trường Landtane đặt ra phần thưởng này nhằm cổ vũ học sinh đặt mua nhiều sách tốt.
“Phần thưởng hoạt động của học sinh trung học William Lemons”  để khích lệ học sinh phát triển tài năng thể dục.
“Phần thưởng tinh thần hoạt động của các học sinh lớp dưới William Mouseway”. Học sinh các lớp dưới không được chạy nhanh, nhảy không cao, có em cũng nhát gan. Để khích lệ các em, khi tập mạnh dạn hơn, chủ yếu là tham dự được đông đủ hơn nên đã đặt ra phần thưởng này.
 
…………..
 
Trên đây đều là phần thưởng cho năm thứ nhất của trường. Người được hưởng ước chiếm trên 6% tổng số học sinh toàn trường. Nếu tính số người được thưởng cả năm hoặc tất cả các lớp thì tỉ lệ số người được thưởng còn rất lớn.
 
Các loại thưởng của Trường Saint Louis và Trường Landtane lập ra khác nhiều so với các trường trung học và tiểu học nước ta (Trung Quốc), họ thực hiện đa nguyên hoá với muôn sắc màu phong phú trong khen thưởng đồng thời tỉ lệ được thưởng rất rộng. Những phần thưởng trực tiếp cho các thành tựu về học tập chiếm tỷ lệ rất ít. Nghe nói tuyệt đại đa số các trường trung học của Hoa Kỳ đều như vậy.
 
Thưởng như thế này hoặc như thế kia không quan trọng, chỉ cần phần thưởng có tác dụng thúc đẩy học sinh nỗ lực tiến lên, nhà trường đều tìm mọi biện pháp để thực hiện. Bất luận bạn có một chút khả năng nào đó và tự nguyện cố gắng hơn người khác một chút, đều có được cơ hội nhận thưởng. Vì vậy, học sinh Mỹ khi làm việc gì, họ cũng rất tự tin.
 
Nếu có thể được, các trường trung tiểu học của chúng ta thử phá bỏ các quy định hiện hành xem sao. Từ trường đến lớp đặt ra các loại thưởng. Tìm mọi cách để cho trẻ em dù bị coi là “bất trị” cũng có thể nhiều lần nhận phần thưởng đỏ thắm từ tay các thầy cô hoặc Hiệu trưởng trân trọng trao. Một lớp học ít nhất là trên nửa được hưởng niềm vui sướng, quang vinh của sự thành công. Trên con đường của các em, từ nay nhất định sẽ tự tin và vẻ vang hơn.
SO SÁNH TỐ CHẤT
CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ
 
Chuyến thăm Hoa Kỳ sắp kết thúc. Các thầy cô giáo và bạn học Hoa Kỳ ghi băng những lời tạm biệt đầy thân thiện, họ tặng nhiều món quà nhỏ và nhấn mạnh: “Đây là tự tay mình làm đấy”. Hầu như họ không nói vậy thì không biểu đạt được tình cảm lúc chia tay. Tôi càng cảm thấy sự đề cao tính độc đáo cá nhân của người Mỹ đã thấm vào xương tuỷ.
 
Những gì nghe và thấy trong một tháng qua, để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc nhất, không phải là sự giàu có của Hoa Kỳ. Về mặt này trước khi tới Hoa Kỳ, tôi đã nghe rất nhiều, sau khi đến đất nước này tôi cũng hàng ngày chứng kiến.
 
Trên đường bay trở lại quê hương, tôi miên man suy nghĩ, suy nghĩ đó cuối cùng chia ra thành hai vấn đề: những thành tựu vật chất đó do những con người như thế nào sáng tạo ra? Và những con người này đã được bồi dưỡng như thế nào?
 
Theo dòng suy nghĩ này, tôi so sánh tố chất học sinh trung học hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dù có sự so sánh này phần nhiều chỉ là những ấn tượng trực tiếp được nhìn thấy, nhưng tôi vẫn muốn đem nó viết ra đây, mong có thể giúp thêm chút nào trong một nghiên cứu về vấn đề giáo dục tố chất hiện nay.
 
1. So sánh tố chất về thể chất: Học sinh Hoa Kỳ chiếm ưu thế tương đối lớn.
 
Thể dục là một môn học quan trọng trong nhà trường Hoa Kỳ. Mỗi ngày bắt đầu từ 2, 3 giờ chiều, học sinh các Trường Landtane và Saint Louis đều sử dụng thời gian trên sân vận động. Rèn luyện thể dục với nhiều bộ môn, thêm vào chế độ dinh dưỡng đầy đủ hợp lý làm cho học sinh lớn nhanh. Các em gái cũng rất say mê thể dục. Học sinh thể dục tốt, học tập cũng tốt mới được các bạn tôn sùng.
 
Thân thể cường tráng sẽ làm cho tinh thần dồi dào luôn có lợi cho việc bồi dưỡng tính cách kiên cường và ý chí tiến thủ. Lợi ích của sự rèn luyện thân thể thật nhiều. Trái lại, một em bé thân thể yếu đuối, uể oải, sức mạnh ý chí cũng dễ dàng bị tổn thất.
 
Trong nhà trường chúng ta (Trung Quốc), thân hình học sinh đều thon thả như cây giá, tuy dáng người tròn lẳn ngày càng nhiều, nhưng số học sinh có thể hình như vận động viên, cơ bắp nở nang, động tác linh hoạt, tỷ lệ thấp, tốc độ phát triển chậm.
 
Nếu mỗi gia đình Trung Quốc đều xem việc rèn luyện thể dục cho con em quan trọng như các môn Ngữ văn, Toán học, nếu việc coi trọng môn thể dục có thể trở thành một “chính sách cứng” trong mỗi nhà trường, chúng ta nhất định xây đắp được nền tảng vững chắc cho tương lai dân tộc Trung Hoa.
 
2. So sánh năng lực học tập: Đa số học sinh Hoa Kỳ vượt trội hơn học sinh Trung Quốc
 
Một mặt là các gia đình Hoa Kỳ đều rất coi trọng bồi dưỡng năng lực học tập cho con cái, mặt khác cơ hội học sinh Hoa Kỳ rèn luyện năng lực học tập cho con cái, mặt khác cơ hội học sinh Hoa Kỳ rèn luyện năng lực độc lập rất cao. Hầu như ngay từ khi sinh ra, học sinh Hoa Kỳ đã có thói quen tự tay mình làm. Rất ít thấy những trẻ em không chia sẻ công việc với gia đình, các em không lau xe thì cắt cỏ. Những học sinh cuối cấp tiểu học có thể nhận làm “người đưa báo nhỏ tuổi” cho các hộ xung quanh nhà mình. Tiền kiếm được không nhiều nhưng tuổi nhỏ mà đã học đối mặt với xã hội, độc lập xử lý các vấn đề của cuộc sống. Đến thời kỳ trung học, chuyện học sinh đi làm thuê trở thành phổ biến. Mỗi khi đến kỳ nghỉ hè, trạm bơm xăng dầu, tiệm ăn nhanh, cửa hàng siêu thị khắp nơi đều có học sinh trung học làm việc. Sau kỳ nghỉ, học sinh thường kiếm được khoảng 2,3 ngàn đô la. Đối với học sinh trung học là một khoản lớn. Đến tuổi đó, rất nhiều học sinh trung học đã tương đối già dặn và tự tin.
 
So sánh dưới đây cho ta thấy, hầu hết bố mẹ trong các gia đình Trung Quốc thường coi việc được điểm tốt là nhiệm vụ duy nhất hàng đầu của con cái, mọi công việc gia đình, bố mẹ bao biện làm thay hết. Như thế không phải giúp mà là tước bỏ cơ hội bồi dưỡng năng lực cho trẻ. Kết quả của việc làm này thấy rõ trong cuộc “đọ tài” giữa các thế hệ sau của Trung Quốc và Nhật Bản đã làm kinh động toàn quốc mấy năm trước đây – trong cuộc thi đua dã ngoại trên thảo nguyên Nội Mông, thế hệ sau của Trung Quốc do sự nuông chiều quá mức của bố mẹ nên đã thua người Nhật. Kiểu sống “áo đem tận tay, cơm bưng tận miệng”, đã tạo nên tư tưởng ỷ lại sống dựa vào người khác, là điểm yếu chí mạng của thời đại chúng ta ngày nay.
 
Các bậc cha me thường ngày “muốn con mình trở thành rồng” lẽ nào không thể từ lúc nhỏ dành cho các con nhiều cơ hội “bay một mình” sao?
 
3. Lượng tri thức cơ bản: Học sinh Trung Quốc vượt trội hơn học sinh Hoa Kỳ
 
Trong những trường hợp cụ thể mà tôi nhìn thấy được, lượng tri thức cơ bản của học sinh Trung Quốc, đặc biệt là về các môn Toán học, Vật lý và Hoá học, nhiều hơn lượng tri thức cơ bản mà học sinh Hoa Kỳ nắm được, nhưng trái lại phương pháp nắm tri thức của học sinh Trung Quốc không chủ động linh hoạt, không có tinh thần tìm tòi như học sinh Hoa Kỳ.
 
Trong thời gian thăm Hoa Kỳ, thầy giáo môn Toán học tổ chức một “Cuộc thi Toán học Hữu nghị quốc tế”. Có 10 đề thi, độ khó đều nằm trong giáo trình. Thời gian vừa hết, đã có kết quả rất nhanh như sau: vì lúc đó tôi đang học năm thứ hai cao trung, có những phần toi chưa được học nên làm đúng 6 đề, Âu Bằng là học sinh năm thứ ba cao trung làm được 8 đề, Nhiệm Khả Vân, học sinh năm thứ ba cao trung ở Thượng Hải làm đúng cả 10 đề, điểm cao nhất cuộc thi. Về học sinh Mỹ, mũi nhọn toán học giỏi nhất của Trường Landtane cũng chỉ làm được 4 đề, điểm số của các học sinh Mỹ khác đương nhiên càng thấp hơn.
 
Tôi đã tiếp xúc nhiều học sinh Trung Quốc đang du học tại Hoa Kỳ, họ đều cần cù, thành tích học tập ưu tú. Nhưng những học sinh xuất sắc không nhất định là học sinh có số điểm cao. Là vì xuất sắc không chỉ là do điểm số cao trong kỳ thi, chủ yếu là dựa vào sự sáng tạo và tinh thần tìm tòi, nghiên cứu của họ.
 
Điểm đáng chú ý là, hiện nay người Mỹ cũng đang nhìn nhận lại nền giáo dục của họ, nhận thấy trước đây xem nhẹ yêu cầu nắm vững tri thức cơ bản là một sai lầm. Sai lầm này tạo nên giáo dục cơ bản của Hoa Kỳ lạc hậu so với các quốc gia phát triển khác. Một vị tiến sĩ Nhật Bản mà ba mẹ tôi quen biết, nhất định không gửi con cái mình sang du học ở Hoa Kỳ, bà cho rằng, tại các bậc tiểu học ở Hoa Kỳ học sinh không nắm vững bằng học sinh ở Nhật Bản. Hoa Kỳ hiện nay cũng đang thực hiên cải cách giáo dục, nhằm lấp chỗ trống trước kia.
 
4.Về tinh thần đồng đội: Học sinh Trung Quốc không bằng học sinh Hoa Kỳ
 
Tôi thường nghe nói đến từ team spirit (tinh thần đồng đội) trên miệng các học sinh Hoa Kỳ, tức là muốn nói tới năng lực hoặc thái độ của một cá nhân cùng hiệp đồng với mọi người. Trong một trận đấu bóng rổ, nếu ai đó tự vỗ ngực, muốn một mình khoe tài với kỹ thuật bóng, làm cho đội mình phải chịu thua, anh ta liền bị mọi người trách cho là “không có tinh thần đồng đội”.
 
Thể dục và các môn hoạt động khác đều là lớp học để học sinh Hoa Kỳ bồi dưỡng team spirit. Dù là Trường Saint Louis hay Trường Landtane, các loại thi đấu thi đấu thể dục trận này tiếp trận khác, một năm bốn mùa hầu như không có tuần nào nghỉ. Nếu thêm vào việc huấn luyện thường ngày, thời gian học sinh Hoa Kỳ sống cùng đội là một con số rất khả quan. Ngoài ra, còn các “đội hoạt động ngoại khoá” với nghĩa rộng, như tiểu tổ kịch, đội nhạc, đội múa, nhóm đọc thơ… Đại thể, rất ít học sinh Hoa Kỳ không tham gia hoạt động nhóm, đội. Hoạt động này có một tác dụng to lớn đối với việc bồi dưỡng cho họ tập quán tốt đẹp hiệp đồng cộng tác với mọi người.
 
Mở rộng tinh thần đồng đội để xem xét, nếu đại đa số công dân của một quốc gia đều có thói quen cùng người khác hợp tác chặt chẽ, sẽ giảm bớt rất nhiều tổn thất nội bộ, tạo ra nhiều xí nghiệp và đoàn thể phát triển mạnh mẽ làm cho xã hội tràn sức sống.
 
Nói cụ thể hơn, học sinh trung, tiểu học của Trung Quốc do một thời gian dài chỉ quen một mình đối mặt với sách vở, thi cử, thiếu sự hợp tác lâu dài và chặt chẽ với các bạn học, dễ tạo sự mờ nhạt ý thức đồng đội, từ đó ảnh hưởng đến năng lực gắn bó với đồng sự trên cương vị công tác sau đó, dễ phát sinh mâu thuẫn trong tập thế không đáng có. Như vậy, trên bình diện xã hội, tạo ra được sức mạnh tổng hợp to lớn và mạnh mẽ thật không dễ dàng.
 
Trong học sinh trung học và tiểu học của chúng ta, thật có việc cần thiết phải đưa “năng lực hợp tác” xếp vào mục tiêu bồi dưỡng số một hay không, nhằm tạo cho nội hàm của “chủ nghĩa tập thể” thay đổi có tính xây dựng?
 
Tính chủ động và tinh thần sáng tạo: Học sinh Hoa Kỳ nói chung mạnh hơn học sinh Trung Quốc.
 
Học sinh Trung Quốc khi làm việc gì, trước hết phải xem có quy định nào đó tuân theo hay không, nhưng học sinh Hoa Kỳ biểu hiện rất phóng khoáng. Họ quen suy nghĩ “chỉ cần không bị ốm, mọi việc đều có thể làm”. Khi chơi, chơi hết mình, làm việc gì muốn rất ít sự ràng buộc theo khuôn mẫu, dám nghĩ dám làm, dễ thành công.
 
6. Năng lực giao tiếp: Phần lớn học sinh Hoa Kỳ mạnh hơn học sinh Trung Quốc
 
Là vì cơ hội giao tiếp của học sinh Hoa Kỳ có rất nhiều. Đầu tiên là trong nhà trường các tổ chức nhóm, hội gồm nhiều loại và có nhiều hoạt động khác nhau. Nào là làm báo tường, tổ chức biểu diễn, thi đấu thể dục, rất nhiều thứ khiến người ta nhìn không xuể, đọc không hết. Ngoài ra, học sinh Hoa Kỳ rất thích cuối tuần tự mình tổ chức các dạng sinh hoạt tập thể như: gặp mặt bạn bè, mở tiệc sinh nhật… Những việc này làm cho học sinh Hoa Kỳ trong giao tiếp luôn luôn được nhẹ nhàng, thoải mái, thành thạo hơn học sinh Trung Quốc.
 
7. Khả năng tự làm:Học sinh Hoa Kỳ đa số giỏi hơn học sinh Trung Quốc
 
Trong nội và ngoại khoá đều có rất nhiều cơ hội học sinh tự mình làm lấy. Không chỉ có rất nhiều thực nghiệm và các hạng mục thao tác trong nội khoá có thể làm, thậm chí khi tới tham quan nhà bảo tàng, phòng triển lãm, rất nhiều sản phẩm triển lãm đều cho phép trẻ em sờ mó, đưa đẩy và có thể thực hiện các thao tác nữa. Người Mỹ khi ở nhà rất thích tự mình làm lấy tất cả mọi việc, thế là từ nhỏ bọn trẻ cũng đã tập được thói quen đó, nên có gì thiếu sót người lớn cũng không trách mắng trẻ em.
 
8.Thái độ khắc khổ học tập: Học sinh các trường nổi tiếng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đều như nhau
 
Trong các trường nổi tiếng Saint Louis và Landtane, thái độ học tập khắc khổ của học sinh Hoa Kỳ gần giống với học sinh các trường nổi tiếng ở Trung Quốc mà tôi được biết. Đa số học sinh sau giờ lên lớp tự học từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Nhưng học sinh Hoa Kỳ thông thường chú trọng hưởng thụ với cuộc sống nhiều hơn học sinh Trung Quốc.
 
Nhìn từ ý kiến còn hạn chế của tôi, học sinh Trung Quốc về mặt tố chất hãy còn lạc hậu so với học sinh Hoa Kỳ. Tôi thành tâm hy vọng đây chỉ là hiện tượng tạm thời. Vấn đề này đã dẫn đến sự coi trọng cao độ trong các tầng lớp xã hội Trung Quốc nên tôi rất tin tưởng ngày giải quyết được vấn đề đó cũng không còn xa nữa.
 
Căn cứ vào quan sát của tôi, giáo dục tố chất của học sinh Hoa Kỳ, chủ yếu dựa vào mục tiêu hợp lý và một chế độ hữu hiệu, quy chế ỷ lại vào phần cứng không lớn, phần lớn phương pháp bồi dưỡng tố chất của họ, trong nhà trường chúng ta đều có thể làm được. Ví dụ, thực hành chế độ khen thưởng theo mục tiêu đa dạng hoá, ra sức đẩy mạnh hoạt động thể dục, thay đổi phương thức giảng dạy nhồi nhét bằng phương thức gợi mở và tìm tòi, tăng cường bồi dưỡng tinh thần hợp tác, bồi dưỡng ý thức công dân và tấm lòng công đức với xã hội…
 
Đồng thời các bậc cha mẹ muốn làm “người có chí” không nhất phải ngồi đợi nhà trường đem lại. Sự trải nghiệm của bản thân tôi đã chứng minh, rất nhiều tố chất tốt đẹp có thể thông qua sự giáo dục của gia đình để bồi dưỡng vun đắp cho bọn trẻ.
 
Học sinh Trung Quốc không hề ngu dốt hơn học sinh Âu Mỹ. Từ tiểu học đến đại học, trong rất nhiều trường trên đất Hoa Kỳ, học sinh Hoa duệ (người Mỹ gốc Hoa) vẫn xếp ở hàng đầu. Do coi trọng giáo dục, dòng dõi người Hoa ở Hoa Kỳ đã trở thành một tập thể lớn được tiếp nhận trình độ giáo dục bình quân cao nhất Hoa Kỳ, vượt qua người Do Thái, dù họ là những người cư trú ở Hoa Kỳ vào loại sớm nhất trước đây và còn hơn cả hậu duệ người Nhật. Tại vùng Quaker của Hoa Kỳ, do tập hợp được rất đông nhân viên khoa học và kỹ thuật cao người Hoa ở đó, tiếng Hán đã trở thành ngôn ngữ công tác của nhiều công ty Quaker.
 
Như vậy, chỉ cần có một hệ thống giáo dục hữu hiệu, có một cơ chế vận hành thật tốt, làm cho mục tiêu giáo dục tố chất đã quy định được thực hiện, trong học sinh trung tiểu học của chúng ta, nhất định sẽ bồi dưỡng được một số lượng lớn học sinh có tố chất cao.