- 9 -

Một thời hoa lửa
(Trích)
ĐỖ MINH QUANG
Nguyên chiến sĩ, Tiểu đội thông tin 2W
Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 101 Sư đoàn 325
"Tháng 3 năm 1972, chiến dịch Quảng Trị bắt đầu. Đơn vị tích cực huấn luyện. Khuya mồng 7, rạng sáng mồng 8 tháng 4, báo động di chuyển toàn bộ đội hình trung đoàn, với thông báo là đi diễn tập cấp trung đoàn. Chúng tôi thu dọn lán trại, xếp gọn ba lô và hành quân ra Bến Tắm. Tàu đưa chúng tôi tới ga Kép lúc trời tờ mờ sáng. Chúng tôi chưa rõ đi đâu. Khi đầu tàu được nối xuôi về phía Nam thì chúng tôi hiểu rằng đã đến lúc lên đường vào Nam chiến đấu.
Từ lúc nhập ngũ đến đó, chúng tôi chưa được về thăm gia đình, cũng còn nhiều tâm sự phải gửi gắm lại hậu phương chứ! Chúng tôi tranh thủ viết thư cho người thân. Xin giấy, xin phong bì, xin tem. Hết phong bì thì gấp bằng giấy. Hết giấy thì xé sổ. Hết tem thì thả thư không tem xuống đường. Thế là khi đi qua chắn tàu phố Trần Phú, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Nam Bộ, Cửa Nam thư bay xuống đường như bươm bướm. May mắn cho tôi là nhà ở ngay phố Tống Duy Tân nên sau ít phút gia đình tôi đã nhận được thư dù không tem, không qua bưu điện. Tàu đến ga Hàng Cỏ khoảng 12 giờ trưa và dừng lại thay đầu máy mất 45 phút. Thật bất ngờ khi thấy mẹ tôi và các em ra ga chia tay tôi. Cả đoàn tàu dài hàng ngàn người ra trận chỉ có hai gia đình biết tin kịp ra tiễn đưa. Đơn vị đã quán triệt đến ga không ai được phép xuống tàu.
Tôi lưỡng lự không biết xử trí ra sao. Thạc nói với anh Tuyến: "Gia đình Quang đấy, anh báo cấp trung đội cho Quang xuống tàu gặp gia đình". Được sự đồng ý của trung đội trưởng và tiểu đoàn trưởng, tôi xuống sân ga gặp gia đình. Một lát sau tàu đã hú còi báo hiệu chuẩn bị khởi hành. Tôi leo lên tàu. Tàu từ từ chuyển bánh, phút chia tay thật nghẹn ngào. Hình như tôi không nói được gì với gia đình ngoài câu: "Con đi nhé!". Mẹ tôi rơm rớm nước mắt, chúng tôi ai cũng rơm rớm nước mắt. Tôi vẫy tay, tiểu đội tôi vẫy tay, cả toa tàu vẫy tay và cả đoàn tàu vẫy tay. Sau đó là một khoảng thời gian im lặng. Lúc này tôi là người hạnh phúc nhất, còn mọi người nghĩ gì? Chắc ai cũng nhớ về người thân của mình và mong ước được gặp lần cuối trước lúc đi xa...".
MAI NGỌC THOẢNG
Nguyên Tiểu đội trưởng thông tin Đại đội 18, Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B
"Lúc đó tôi là hạ sĩ, tiểu đội trưởng thông tin của Trung đoàn 48, chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo liên lạc của chỉ huy với các đơn vị trong Thành cổ Quảng Trị. Tôi còn nhớ những trận chiến đấu, đặc biệt là ngày 13 tháng 7 năm 1972, chính là ngày diễn ra đàm phán tại Pa- ri, và đồng thời Trung đoàn cho biết chúng ta quyết tâm giữ Thành cổ Quảng Trị.
Không ai truyền cho ai, nhưng chúng tôi đều biết khẩu hiệu: "Quang Sơn còn, Quảng Trị còn" (Quang Sơn chính là biệt danh của Trung đoàn). Trong điều kiện ngày 13 tháng 7 địch bắn phá ác liệt, đường dây qua sông Thạch Hãn bị đứt, tôi đã cùng đồng đội lao ra sông nối lại dây rồi bơi vào bờ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Sở chỉ huy đã thông báo: chính đồng chí đã vừa nối đường dây cho Trung đoàn nhận mệnh lệnh quan trọng của cấp trên lệnh cho Trung đoàn phải đảm bảo liên lạc với chỉ huy và đánh thắng trong ngày đó".
ĐỒNG MẠNH MỨC
Nguyên chiến sĩ truyền đạt Tiểu đoàn 18
Sư đoàn 325
"Đường hành quân của bộ đội ta từ Bắc vào rất gian khổ nhưng ở đoạn vượt sông sang Thành cổ thực sự ác liệt hơn nhiều. Trên trời pháo sáng, pháo bắn cấp tập, vượt sông rất nguy hiểm. Tôi nhớ có những chiến sĩ trẻ chuẩn bị vượt sông, hỏi tôi: "Đồng chí ơi, tình hình của ta như thế nào?". Tôi nói: "Các đồng chí yên tâm, sang bên thì sẽ biết". Hàng đêm, liên tục các đoàn quân vượt sông để tiếp quân giữ chốt ở Thành cổ. Tôi nhớ nhất có những chiến sĩ trẻ vào có nói với tôi: "Em không biết bơi". Tôi bảo, cứ bám vào phao rồi bơi sang. Bộ đội ta dùng ni lông cho tất cả ba lô vào, buộc chặt lại làm phao, súng cho lên trên". Các chiến sĩ ta chỉ mặc quần đùi bơi sang sông để tiếp tục cầm súng bổ sung. Có đồng chí chưa bơi qua sông được thì hy sinh. Đồng chí trẻ đi với tôi, có tâm sự chuyện quê hương với tôi, lúc bơi đến giữa dòng sông bị trúng đạn, chỉ kịp kêu lên: "Mẹ ơi! Mẹ cứu con!", rồi bị trôi theo dòng nước. Tôi nhớ khi tôi lên đường vào tháng 6 năm 1971, tôi nói "Chào mẹ con đi", mẹ tôi chỉ nói: "Khi nào giải phóng con nhớ về ngay với mẹ". Lúc đó trên đoạn đường đang có lụt lớn, tôi đến được nơi tập trung thì mẹ tôi về, tôi nhìn theo bóng mẹ tôi khuất dần. Khi trở về thì mẹ tôi không còn nữa.
Đơn vị chúng tôi ngoài nhiệm vụ đưa các chiến sĩ mới vào vượt sông thì nhiệm vụ chính là truyền đạt thông tin, có những đồng chí làm nhiệm vụ nối dây thông tin qua Thành. Đơn vị tôi có những "con cá kình" vượt sông thực sự, giữ cho đường dây thông suốt giữa hai bên bờ sông như đồng chí Trần Luân Tín, hiện đang ở Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Gia Tân công tác ở Bưu điện Hà Nội. Và chúng tôi làm nhiệm vụ chiến đấu trên mảnh đất này như là những "con cá kình", luôn sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc".
Đại tá BÙI ĐỨC NGOAN
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cao Vân
Trung đoàn 101 Sư đoàn 325
"Từ nơi tạm đứng là Đông Hà - ái Tử, Trung đoàn 101 chúng tôi bước vào chiến đấu từ hạ tuần tháng 7 năm 1972 ở khu bắc Thị xã Quảng Trị, tại vùng An Tiêm - Chợ Sải, nơi ngã ba sông Thạch Hãn - Vĩnh Định. Lúc đầu giành giật nhau từng khu vực, sau đó chúng tôi chiến đấu trong vài tháng tại đây chống bọn thủy quân lục chiến trong mưa bom, bão đạn ác liệt. Ngày ngày chống địch lấn dũi, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, đêm đêm đi tập kích, cải thiện thế phòng thủ. Qua vài tháng tác chiến, quân số Trung đoàn đã giảm sút, mỗi đại đội còn vài chục tay súng, mỗi tiểu đoàn còn khoảng trên dưới 100 tay súng, nhưng ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm đã được tôi luyện, tình đồng chí - đồng đội đoàn kết gắn bó keo sơn giữa chiến sĩ với chiến sĩ, và giữa cán bộ với chiến sĩ. Chúng tôi sống chung trong hầm chốt giữ, cùng ăn bánh lương khô, gói gạo sấy, chia sẻ từng điếu thuốc hiếm hoi.
Khi đó tuổi tôi đã trên 40, ngót 50, còn anh em chiến sĩ thì còn trẻ măng, tuổi mười tám, đôi mươi, hơn hẳn nhau một thế hệ tuổi tác nên nhiều chiến sĩ, thường gọi tôi là bố xưng con. Một số anh em còn vui xin được nhận cô con gái rượu của bố. Đôi lúc nhàn rỗi, chúng tôi thường hát câu ví dặm quê hương, ngâm bài thơ đất nước ngàn năm.
Sau này, chiến tranh đã lùi xa, trở về đời sống bình thường, chúng tôi thường gặp nhau cùng sinh hoạt truyền thống bạn chiến đấu Trung đoàn Cao Vân anh hùng tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên - vùng châu thổ sông Hồng. Anh em mừng mừng tủi tủi gặp nhau ôn lại chuyện cũ, nhớ thương những người bạn đã ngã xuống trên mảnh đất khói lửa, hỏi thăm nhau tình hình gia đình, vợ con, vượt khó, giảm nghèo, xây dựng kinh tế, dặn dò nhau luôn giữ vững bản chất Bộ đội Cụ Hồ trong mọi tình huống...".
ĐOÀN CÔNG TÍNH
Phóng viên chiến trường báo Quân đội nhân dân
"Nhằm phá hủy Thành cổ tới mức không còn một viên gạch dính vào nhau, Mỹ đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới phá nát các hầm hố. Rồi thả chất độc hoá học kéo từng vệt dài màu vàng trên vòm trời, tỏa dần ra, trùm xuống Thành cổ một thứ khói màu vàng nhạt chết người. Đội ngũ phóng viên Báo Quân đội nhân dân và một số báo khác có tại mặt trận, nhìn làn khói chết chóc, chốc chốc lửa bom đạn chớp loé lên dữ dội, đều muốn biết chiến sĩ ta sống ra sao trong cảnh bom đạn ngút trời đó. Nhưng con đường vào Thành cổ chẳng dễ dàng. Có lời khuyên từ Chỉ huy Mặt trận: không nên để cho phóng viên vào Thành cổ.
 Có điều gì thôi thúc khiến tôi phải tìm mọi cách vào đó cho bằng được. Tôi tìm đến vị trí người ta chỉ dẫn nhưng trước mắt tôi là một bãi dày đặc hố bom, cây cối đổ ngổn ngang... Một lúc trấn tĩnh lại thì nghe có tiếng người từ dưới đất vọng lên. Mừng quá, tôi men theo hào và đi vào căn hầm. Sau khi biết tôi muốn tìm đường vào Thành cổ, tôi nhận được lời khuyên nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh cũng đủ tài liệu. Nhưng tôi là phóng viên nhiếp ảnh không thể lấy tài liệu gián tiếp. ống kính của tôi đã gắn bó từ đầu với chiến sĩ giải phóng Quảng Trị. Tôi đã đưa được vào ống kính những hình ảnh anh hùng của chiến sĩ đánh sụp "Hàng rào điện tử Mắc Namara", ghi được phút lịch sử các chiến sĩ cắm cờ lên căn cứ Đầu Mầu, hình ảnh cả một trung đoàn 56 của quân ngụy Sài Gòn phản chiến trở về với cách mạng. Giờ đây, tôi phải có hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu tại Thành cổ. Cả nước muốn nhìn thấy họ sống ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của  B.52 Mỹ.
Nghe tôi trình bày, một nữ du kích thường làm liên lạc ra vào Thành cổ nói vui:
- Nhà báo đã "ngoan cố" muốn vào Thành cổ thì em xin dẫn đường.
Hai nữ du kích đã tự nguyện dẫn đường là cô Lệ, cô Hảo. Các cô cho biết: "Vượt qua sông Thạch Hãn trong đêm rất khó khăn, nguy hiểm. Có lúc mảnh bom rơi như mưa, trên mặt sông đầy ánh pháo sáng...". Tôi đã từng chụp những hình ảnh lúc Thành cổ mới giải phóng, dinh tỉnh trưởng còn nguyên vẹn. Còn đây là Thành cổ ngày 14 tháng 7 năm 1972, dinh Tỉnh trưởng đã nát tan tành và Thành cổ cũng sụt lở. Chỉ còn nụ cười của những người chiến sĩ bảo vệ Thành cổ là nguyên vẹn và rạng rỡ. Anh em nói khi tôi đưa ống kính lên: "Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa. Nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước".
Từ lời nói thiêng liêng như lời di chúc, tôi cũng cảm thấy thêm trách nhiệm nặng nề. Trước khi rời khỏi Thành cổ, mang tài liệu phim ảnh về Hà Nội, tôi đã viết một lời "Di chúc", phỏng theo lời người chiến sĩ đó: "Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang hộ mười cuốn phim này giao cho Tòa soạn báo Quân đội nhân dân". Đây là hình ảnh của những người con quê hương Quảng Trị và cả nước, họ đã chiến đấu anh hùng bảo vệ thị xã Quảng Trị, những nụ cười bất diệt của họ sẽ sống mãi với Thành cổ anh hùng".
Nhưng may mắn cho tôi, tôi đã thực hiện chuyến đi trót lọt với những cuốn phim mà tôi đã giữ làm "của gia bảo" cho đến hôm nay gần nguyên vẹn.
NGUYỄN HẢI NHƯ
Nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 48
Sư đoàn 320B
"Sở chỉ huy của chúng tôi trong hầm dinh tỉnh trưởng cũng là nơi đặt trạm phẫu vì không còn chỗ nào an toàn hơn nữa. Cho nên chỉ một vài ngày thuyền không sang được là số thương binh nằm ùn lại đấy. Vừa rồi có đồng chí Sử ban tác chiến Sư 325 viết một lá thư cho Viện Lịch sử Quân sự, tôi có được xem. Thư viết khi anh vào nắm tình hình. Gọi là Sở chỉ huy nhưng thực ra anh em trong đó tối tăm không có đèn đuốc gì cả. Anh nói vào đó thì cảm thấy có nhiều mùi: mồ hôi người, bom đạn, vết thương của anh em thương binh. Nhưng sau này, có đặc điểm là hầm bị đánh sập, trời nóng như thiêu như đốt, người trong Sở chỉ huy thì đông: người chỉ huy, thông tin liên lạc, pháo binh, thương binh, tất cả ở trong đó nên cái hơi phụt ra ngoài theo mấy cái cửa ra. Cho nên anh bước vào Sở chỉ huy thì thấy hơi phụt ra như là hơi nước sôi. Chính cái hơi phụt ra này mà hơi bom đạn cũng không vào được.
Nói là trong Sở chỉ huy nhưng chúng tôi cũng rất căng thẳng, chẳng để ý được mùi gì".
Nhớ mãi những đồng đội ngã xuống
trên đất Thành cổ
TRẦN QUỐC VIỆT
Ghi theo lời kể của Phạm Trọng Quý nguyên chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 thuộc Sư đoàn 325
May mắn cho tôi còn sống để làm chứng nhân những khoảnh khắc bi tráng một thời máu lửa ở mặt trận Trị Thiên, nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã oanh liệt ngã xuống trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị anh hùng.
 Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 7 tháng 5 năm 1972, đơn vị đang đứng chân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì được lệnh hành quân vào Nam. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, chúng tôi tập kết tại khu vực Bãi Hà (phía bắc sông Bến Hải). Tại đây, ta bị máy bay địch ném bom trúng đội hình, một số đồng chí hy sinh. Đêm sau, dưới ánh đèn dù chiếu sáng rực cả một vùng dọc sông và máy bay địch liên tục quần đảo khống chế, đơn vị ngụy trang tổ chức vượt sông Bến Hải an toàn. Sáng ngày 12 tháng 5 năm 1972, chúng tôi đến Gio Linh, rồi vượt qua Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang và ngày 16 tháng 5 năm 1972 vượt Thạch Hãn vào Thị xã Quảng Trị đóng quân tại khu vực nhà thờ Tri Bưu (đông bắc Thành cổ). Bắt đầu từ đây là những ngày sống, chiến đấu quyết liệt đầy hy sinh trên mảnh đất Trị Thiên máu lửa.
 Đêm 25 tháng 5 năm 1972, đơn vị được lệnh cơ động vào Thanh Hương. Dọc đường tiến quân, bị pháo địch tập kích, Đào Văn Cao (quê Thái Nguyên), Y Đô (người gốc Ê Đê, quê Gia Lai) hy sinh. Sau khi vượt cuộc đánh chặn bằng pháo của địch, chúng tôi đến khu vực nhà thờ Thanh Hương triển khai đào hầm hào, công sự chiến đấu, chốt giữ điểm cao 27 (gần bờ biển).
Rạng sáng 27 tháng 5 năm 1972, pháo địch từ hạm tàu ngoài biển và các trận địa lân cận của chúng dồn dập bắn vào khu vực chúng tôi chốt giữ. Pháo địch ngớt, những chiếc tàu "há mồm" từ ngoài khơi ập vào đổ quân lên bờ. Trên trời từng tốp máy bay trực thăng HU1A quần đảo, phóng rốc két, xả đạn đại liên như vãi trấu xuống trận địa của chúng tôi. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Đạn nổ chát chúa, cát bụi mịt mù. Địch ỷ vào hoả lực mạnh ào ạt xông lên, chúng tôi dựa vào công sự ngoan cường đánh trả, đẩy lùi các cuộc đột kích của địch. Trận đánh này Lê Đình Nam (quê Thái Nguyên), Đinh La (quê Plây Cu, Gia Lai) và anh Nuôi, Tiểu đoàn phó hy sinh.
Trưa ngày 27 tháng 5 năm 1972, anh Trần Thanh Xưng, Tiểu đoàn trưởng lệnh cho đại đội chúng tôi lui về xã Hải Quế triển khai trận địa chốt giữ mới. Tại đây, ngày nào cũng diễn ra nhiều trận đánh địch đột kích quyết liệt. Không gian tháng 5 ở Quảng Trị vốn khô nóng càng thêm hừng hực như cái chảo lửa khổng lồ úp mặt xuống đất, bởi bom đạn cày xới... ác liệt nhất là trận đánh sáng ngày 9 tháng 6 năm 1972, địch dùng xe tăng đột kích vào trận địa từ hướng đông làng Đôn Quế, xã Hải Quế. Tại vị trí chốt tiền tiêu của đại đội có một tổ ba người cảnh giới gồm: Nguyễn Văn Nhân, Đoàn Hùng (quê Thái Nguyên) do Nguyễn Văn Trận chỉ huy (hiện đang công tác tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên). Ngay từ phút đầu trận đánh Nhân và Hùng đã anh dũng hy sinh. Sau đó, Hiền, Triệu (quê Vĩnh Phú), Ngôn (quê Hà Tây), Trần Hải, Nguyễn Văn Việt (quê Thái Nguyên), Lý Văn ảnh (quê Yên Bái)... vĩnh viễn nằm xuống. Tuy bị thương vong nhiều, nhưng chúng tôi vẫn ngoan cường đánh trả, tiêu diệt hàng chục tên địch và giữ vững trận địa...
 Đêm 12 tháng 6 năm 1972, tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đội 3 thì pháo địch tập kích vào chốt của đại đội. Đỗ Quảng Thìn (quê Thái Nguyên) hy sinh. Tôi cùng Đinh Quang Thìn (quê Đồng Hỷ, Thái Nguyên, nay là đại tá nghỉ hưu) trực tiếp chôn cất liệt sĩ này tại thôn Đôn Quế (xã Hải Quế). Sáng 12 tháng 7 năm 1972, địch lại nã pháo vào trận địa của đơn vị, sau đó một tốp hai máy bay trực thăng bay đến, dưới bụng có treo một "thùng" nhỏ, tựa như công ten nơ và phụt ra những luồng khói trắng, anh Nguyễn Phi Trường hô to: "Địch thả chất độc, lấy khăn nhúng nước bịt mặt...". Một lúc sau, tôi cảm thấy không khí ngột ngạt, nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng, da thịt bỏng rát như xát ớt. Tôi và một số người bị đổ máu mũi... ít phút sau, một chiếc máy bay phản lực lao đến ném một quả bom lớn xuống làng Trung An. Bom nổ, dựng lên cột khói cao và phụt ra những quầng lửa như hoa cải. Dứt đợt tập kích hoả lực bằng không quân, bộ binh địch được xe tăng yểm hộ, chúng dò dẫm tiến về phía trận địa phòng ngự của chúng tôi, vừa đi vừa bắn như vãi đạn. Hướng tiểu đội của tôi chốt giữ, một chiếc M41 lao đến, tôi dùng B40 nhắm thẳng nó bóp cò, đạn xé gió kéo một vệt lửa dài, rất tiếc không trúng mục tiêu. Song chiếc xe tăng khựng lại và quay đầu tháo chạy. Bọn lính bộ binh cũng bỏ chạy thục mạng... Trận đánh này Chu Văn Dịt (quê Thái Nguyên) hy sinh.
Sau nhiều tháng cơ động chiến đấu ở những vùng xung yếu phía đông và nam Quảng Trị, đơn vị tôi bị tổn thất nhiều, ngày 16 tháng 7 năm 1972, chúng tôi được lệnh quay về Gio Linh củng cố lực lượng. Vào hạ tuần tháng 8, đơn vị lại được lệnh vượt sông Thạch Hãn vào làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ phía nam Thành cổ Quảng Trị. Những ngày này, có thể nói là đỉnh điểm của sự ác liệt ở mặt trận Trị Thiên mà Thành cổ và Thị xã Quảng Trị là "túi lửa". Bởi, địch đã tái chiếm được nhiều vùng, tạo thế bao vây Thị xã Quảng Trị và Thành cổ từ ba hướng.
Sau khi vào Thành, đơn vị được chốt giữ khu tây nam từ trường Bồ Đề trở xuống và đi đánh nhiều trận. Phối hợp với đơn vị bạn, chúng tôi đã đánh vào khu Cầu Sắt, chiếm được mục tiêu. Trận đánh đạt hiệu quả cao, địch bị diệt, nhiều tên tháo chạy. Bắt đầu từ đây cho đến ngày 15 tháng 9 năm 1972 trước khi được lệnh rút khỏi Thành cổ, trong vòng 35 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, đơn vị đã đánh hàng trăm trận đột kích, diệt hàng trăm tên lính của dư đoàn thủy quân lục chiến và sư đoàn dù được coi là những đơn vị "thiện chiến" của quân ngụy Sài Gòn. Song, cũng phải hứng chịu hàng ngàn quả đạn pháo các loại và hàng chục tấn bom của địch... ác liệt nhất, ngày 30 và 31 tháng 8 năm 1972, tại tuyến phòng ngự của Tiểu đoàn 7 chúng tôi, địch bắn 1.000 đến 2.000 quả đạn pháo một ngày. Ngoài ra hàng chục lần tốp máy bay phản lực thay nhau giội bom. Bầu trời ngày nào cũng như sôi lên, mặt đất luôn luôn bị cày xới, phố xá, làng mạc và nhiều khu vực Thành cổ trở thành bình địa, hoang tàn.
 Những ngày chiến đấu bảo vệ Thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã lùi xa 35 năm, song với tôi mãi mãi chẳng bao giờ quên sự khốc liệt và đức hy sinh của những người lính Cụ Hồ, trong đó có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 1 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 18 Sư 325 anh hùng...