Chương 14

- Hù...
Đang lom khom sắp xếp lại mấy cây thuốc lá và bánh kẹo trong hộc tủ kính, Hy giật mình khi nghe tiếng hù thật lớn bên tai của mình. Ngước lên nàng cười hắc hắc nói với người đã hù mình.
- Anh không hù Hy được đâu... Hy thấy anh mà làm bộ đó...
- Xạo không nè...
Hy cười hắc hắc.
- Thiệt mà... Hy thấy anh từ ngoài đường...
Quỳnh gật đầu im lặng. Mới xa nhau chừng ba tháng mà anh thấy cô bé lớn hẵn ra và trông có vẻ chững chạc hơn.
- Anh mới về hả?
- Mới về hồi xế chiều và sáng mai lại đi...
Hy im lặng quan sát Quỳnh. Ông lính thủy của nàng khác lạ nhiều hơn so với ngày mới gặp nhau. Da mặt xạm đen vì nắng mưa sương gió. Ánh mắt quầng thâm của nhiều đêm mất ngủ. Khuôn mặt hốc hác. Bộ quân phục cũ nhầu nát. Nụ cười không còn tươi vui như xưa. Giọng nói khàn. Chút ưu tư thấp thoáng trong ánh mắt mỏi mệt.
- Anh mạnh không?
Quỳnh gật đầu.
- Mạnh... có điều mệt... Còn Hy?
- Dạ em vẫn bình thường...
- Anh có cái này cho Hy...
Quỳnh đặt lên mặt bàn kính hai cuốn sách còn mới tinh.
- Anh về Sài Gòn hả?
Quỳnh lắc lắc đầu.
- Anh nhờ một nhân viên dưới tàu mua dùm. Anh không có về nhà...
- Vậy chứ ba tháng nay anh ở đâu?
Quỳnh mỉm cười vì câu lục vấn và nhất là nét mặt hờn mát của Hy.
- Ở Uyên Hưng... Cũng không xa lắm mà không về thăm Hy được. Có giận, có buồn anh không?
- Hông...
Hy trả lời gọn. Điều đó chứng tỏ cô bé có chút buồn phiền hay giận hờn.
- Anh xin lỗi... Tình hình chiến trận lúc này sôi động lắm nên anh không có giờ nghỉ...
Quỳnh giải thích dù biết Hy không hiểu hoặc không tin những gì mình nói. Anh cũng không hy vọng cô học trò thông cảm cho mình.
- Hy không giận anh đâu. Buồn chút chút thời có. Hy biết anh là lính mà... Buồn đem mấy quyển sách anh cho đọc đi đọc lại...
Nhìn Quỳnh cô bé cười tiếp.
- Anh hơi ốm và đen thui...
Quỳnh cười cười nhìn quanh quất tiệm tạp hóa.
- Tại anh dang nắng suốt ngày. Ăn ngủ thất thường ốm đi... Anh thấy Hy lớn lên... Mai mốt chắc cao bằng anh rồi...
Hy cười chúm chiếm. Nàng có vẻ thẹn thùng lẫn sung sướng vì được Quỳnh khen mình đã không còn con nít nữa.
- Hôm nay thứ mấy hả Hy?
- Dạ thứ bảy... Hổng có đi học nên Hy coi tiệm cho má...
Quỳnh gật gật đầu. Cúi nhìn vào mặt kính giây lát anh mới chìa ra miếng giấy khổ tập học trò.
- Đây là những thứ anh cần mua... Hy lựa dùm anh rồi bỏ vào cái túi quân trang này...
Quỳnh đưa cái túi quân trang ra. Hy cười hắc hắc.
- Anh ăn gì mà nhiều vậy...
- Mua để dành mà... Lâu lắm anh mới được ra tỉnh...
Hy cầm miếng giấy đi dần về phía dãy kệ dọc theo vách. Quỳnh im lặng nhìn theo. Anh nhận thấy cô bé gầy đi một chút nhờ vậy mà thoạt nhìn cao hơn. Mái tóc đen dài bóng mượt xỏa xuống lưng chừng trên chiếc áo bà ba trắng ngắn tay. Chiều xuống chậm, hắt chút ánh nắng vàng vọt vào tận cửa, song cũng không làm sáng thêm bên trong vốn bị che khuất bởi mấy chiếc kệ bày đầy các thức ăn khô và bánh mứt.
Hy trở lại. Hai tay ôm năm bịch lập xưởng đặt lên mặt bàn kính rồi bước tới gần cửa lấy thùng mì gói. Cứ mỗi lần lấy được một món nàng lại trở lại chỗ Quỳnh đứng, cười với anh, đặt món hàng lên rồi đi lấy món khác. Trong lúc đi lấy hàng nàng liếng thoắng hỏi chuyện.
- Anh Quỳnh đi lính lâu chưa?
- 7 năm...
- Anh thích đi lính không?
Hít hơi thuốc thật dài Quỳnh cười cười.
- Không thích cũng phải thích...
- Đi lính hải quân chắc khỏe hơn lính bộ binh hả anh?
- Tại sao?
Hy cười hắc hắc quay đầu lại nhìn Quỳnh đang tựa người vào tủ kính.
- Khỏi đi bộ... đi bộ mệt và dơ...
Quỳnh bật cười tiếng ngắn khi nghĩ tới câu '' cu dính dầu đầu dính mỡ '' của Tuấn. Tuy nhiên anh không tiện nói ra với cô bé còn ngây thơ như Hy.
- Anh Quỳnh thích ăn kẹo đậu phộng không?
- Thích... Hy có à?
- Dạ có... Hy bao anh phong kẹo nghen...
Quỳnh lắc đầu rút điếu thuốc lá. Quẹt diêm đốt thuốc xong anh mới trả lời.
- Không... Anh mua thời anh ăn còn Hy bao thời anh không ăn...
Bật cười Hy kêu lên với giọng nhõng nhẽo của cô em gái nói với anh trai.
- Sao anh kỳ vậy... Người ta bao mà lại không chịu...
Hít hơi thuốc Quỳnh cười nói trong lúc nhả khói ra từ từ.
- Hy còn đi học mà làm gì có tiền. Đừng lấy tiền của má... Bị đòn đó...
Hy ré lên cười hăng hắc. Tay cầm phong kẹo đậu phọng đi trở lại chỗ quầy hàng, cô bé cất giọng nói nghiêm trang của người lớn. Nghe giọng nói tập làm người lớn cũng như nét mặt bà cụ non của cô bé Quỳnh muốn bật cười song cố dằn vì sợ cô bé sẽ giận dỗi.
- Sợ Hy còn có nhiều tiền hơn anh...
- Xạo... Tiền đâu mà có...
- Để dành... Gói kẹo đậu phộng có mấy đồng mà...
Nói xong Hy xé giấy bẻ miếng kẹo làm đôi rồi ấn vào tay Quỳnh.
- Anh ăn đi... Hổng ăn Hy giận hổng chơi với anh nữa...
Cầm lấy miếng kẹo Quỳnh đưa lên miệng cắn một cái. Nhai nhai anh gật gù.
- Ngon... Hy lấy cho anh mấy bịch đi. Thức khuya mà có kẹo này nhai đỡ buồn ngủ. Với lại ăn kẹo để…
Quỳnh bỏ lững câu nói của mình. Ý của anh muốn nói '' để nhớ Hy '' nhưng nghĩ sao lại thôi. Hít hơi thuốc, nhả khói ra xong anh mới hỏi.
- Hy còn cái gì ngon nữa không?
- Còn... Hy lấy cái này bảo đảm anh sẽ thích...
- Cái gì?
- Hột vịt muối...
Quỳnh hít hà trong lúc nhai kẹo.
- Ừ... Hột vịt muối ăn với cháo trắng buổi sáng thời hết sẩy... Hy lấy cho anh nhiều nhiều đi...
- Anh muốn bao nhiêu?
Quỳnh đưa năm ngón tay lên. Hiểu ý Hy đi lấy năm chục hột vịt muối, bỏ vào cái bọc bằng giấy cẩn thận rồi mới bỏ vào túi quân trang. Dụi tàn thuốc vào cái gạt tàn Quỳnh nói nhỏ.
- Anh phải đi...
Hy gật đầu. Nhấc túi quân trang lên Quỳnh cười.
- Không biết bao giờ anh trở lại. Hy ráng chờ nghen... Khi nào về anh sẽ chở Hy đi núi chơi…
Ngừng lại anh nhìn vào mặt cô bé đang đứng sau chiếc quầy kiến. Hy thấy ánh mắt buồn của người lính thủy.
- Anh vẫn nhớ lời hứa đưa Hy đi chơi núi Bửu Long...
Khẽ gật đầu Hy đứng im nhìn theo Quỳnh đi ra cửa. Nàng cảm thấy mắt mình cay cay khi nghĩ chắc còn lâu lắm mới gặp lại anh. Mân mê hai cuốn sách còn mới tinh trong tay nàng lật trang đầu tiên của quyển Mùa Hè Đỏ Lửa. 
20 giờ. Trăng mùng 8 buông từng giọt dài ánh sáng xuống mặt sông rộng, gặp hơi nước bốc lên làm thành làn sương mù mỏng manh bay lờ lửng trong khoảng không gian im vắng. Gió man mát. Hai chiếc tàu cặp nhau buông neo trên sông cách ngã ba Uyên Hưng chừng hai ô vuông. Mười một nhân viên của hai chiến đỉnh lớp ngồi phệt trên sàn tàu, lớp ngồi nơi ụ súng còn lớp đứng hoặc ngồi vào chỗ nào mà họ kiếm được nơi mũi của chiếc Alpha 11. Tiếng cười khặc khặc, hăng hắc lẫn với giọng nói khào khào và tiếng sè sè của máy 46 tạo thành âm thanh hổn độn. Được nghỉ xả hơi tại vùng công tác do đó Quỳnh bàn với Ánh bỏ neo để ăn uống và vui chơi một đêm. Thức ăn, uống cũng đạm bạc và giản dị. Mì gói làm chuẩn. Cộng thêm cháo trắng với hột vịt muối và thêm món đặc biệt là lạp xưởng ăn với gạo xấy.
- Mình nhậu với cái gì hả anh?
Tuấn hỏi Quỳnh sau khi ăn xong tô cơm lạp xưởng. Cười khặc khặc Chơn lên tiếng trước khi thuyền trưởng trả lời.
- Mày uống nước trà cũng sỉn mà hở chút đòi nhậu. Mình chỉ uống nước trà ăn kẹo...
- Kẹo gì?
Tuấn hỏi gọn. Quỳnh lên tiếng.
- Kẹo đậu phọng chứ kẹo gì?
Tuấn cười hắc hắc.
- Tôi chỉ sợ ăn kẹo đồng của Vẹm chứ kẹo đậu phộng thời bao nhiêu cũng được...
Từ trong phòng lái bước ra nghe Tuấn nói, Kỳ kê tủ đứng liền.
- Mỗi người chỉ có một miếng... Mày muốn ăn nhiều thời kiếm kẹo đồng của vẹm mà ăn...
Chơn cười ha hả khi thấy nét mặt tiu nghỉu của Tuấn.
- Chừng nào mình mới hết biệt phái hả anh?
Ánh hỏi Quỳnh. Đưa gói thuốc ra mời Ánh, Quỳnh cười cười.
- Chắc tới tết Congo mình mới về lại đơn vị. À tao có tin vui cho mày...
- Tin gì... Nghỉ phép hả?
Hít liên tiếp hai hơi thuốc Quỳnh chậm chạp lắc đầu.
- Hổng phải đi phép. Mày được lên chức thuyền trưởng...
Ánh thở dài sườn sượt sau khi đốt điếu thuốc.
- Lên lương thời tôi mới mừng chứ lên chức thuyền trưởng tôi hổng ham chút nào. Cực như chó mà có thêm cắc bạc nào đâu...
Sang cười hì hì xen vào.
- Bảnh nghen mậy... Mai mốt mày có hy vọng đội kết như anh Quỳnh...
Đưa tay lên chào Ánh, Kỳ chêm vào một câu nói giỡn.
- Dạ em chào thuyền trưởng... Thuyền trưởng cho em đi ba ngày phép đặc biệt vì vợ em có bầu sắp sanh...
- Xạo mày... Mày chữa vợ mà vợ có chữa hồi nào... Thằng ba trợn như mày ai mà dám lấy...
Sang phang một câu dài sọc. Nó với Kỳ cùng khóa song lại không ưa nhau nên có dịp là tìm cách xỏ xiên, đá giò lái với nhau không nương tay.
- Kệ tao... Tao là thằng ba trợn còn hơn chôm chĩa như mày...
Nghe hai nhân viên hục hặc với nhau Quỳnh vội lên tiếng.
- Thôi đi... Tụi bây làm mất vui... Muốn gì để mai mốt nói...
Bị cấp chỉ huy xì nẹt, Kỳ với Sang tuy ấm ức song không nói gì thêm. Ánh liếc Quỳnh thật nhanh rồi im lặng uống trà. Tuy ngoài miệng chê chức thuyền trưởng song trong bụng nó lại khoái chí. Làm thuyền trưởng cực vì trách nhiệm nhiều hơn nhưng bù lại cũng có cái sướng như được ưu tiên đề nghị thăng chức. Mang cấp bậc hạ sĩ nhất hơn hai năm rồi nên nó có nhiều hi vọng được lên trung sĩ. Hạ sĩ quan oai hơn vì mang lon đội kết chứ không phải đội cái bánh tiêu trên đầu như lính. Thuyền trưởng cộng thêm trung sĩ, nó được phép mang súng cá nhân để đi o gái. Nghĩ tới ánh mắt thán phục và ngưỡng mộ của con bồ khi thấy mình mang súng lục, Ánh mỉm cười khoái trá.
- Anh Quỳnh?
Đang đứng tiểu nơi mũi tàu Chơn gọi lớn. Hơi cau mày Quỳnh lên tiếng gọn.
- Gì?
- Có khúc cây thật lớn trôi tới tàu của mình...
- Ừ…
Vẫn ngồi yên tại chỗ Quỳnh nói gọn một tiếng trong lúc nghiêng đầu đốt điếu thuốc.
- Ngộ ghê anh... Tôi thấy khúc cây đang trôi thẳng rồi tự nhiên nó lại quẹo qua bên trái...
Ý nghĩ bùng nổ trong trí Quỳnh bật la thảng thốt.
- Người nhái... Đặc công... Lựu đạn... Lựu đạn... MK3 tụi bây ơi...
Nhân viên hai chiếc tàu náo loạn hẵn lên. Quỳnh nhảy lên mui ngay chỗ mình thường ngồi trước nhất. Chụp lấy khẩu M16 anh nhảy trở lại chỗ cũ. Nhắm vào thân cây đang trôi tới gần Quỳnh miết cò hết nguyên băng đạn hai chục viên. Cùng lúc đó với tay vào ụ súng của mình Sang chụp lấy trái lựu đạn MK3. Chiếc khóa an toàn bung ra. Trái lựu đạn hơi chuyên dùng để chống lại người nhái của địch bay đi trong ánh trăng bàng bạc. Ầm... Chiếc tàu rung chuyển mạnh. Tiếp theo là hàng chục trái lựu đạn rơi xuống nước. Lựu đạn nổ ầm ầm. Nhiều trái nổ gần làm nước bắn tứ tung.
- Tuấn... máy tàu... Kỳ... Bắn... Bắn vào cây...
Quỳnh la lớn. Hiểu ý Tuấn chui tọt vào phòng lái. Máy tàu nổ ròn tan. Nhào lên mui Quỳnh hét vào tai của Tuấn.
- Lùi... Lùi...
Tuấn kéo cần ga về số lui. Chiếc tàu sắt chậm chạp lùi lại vì còn vướng neo. Đúng ra thì phải tiến để kéo neo lên song vì tình thế đặc biệt nên Quỳnh phải cho tàu lùi lại. Chân vịt quay ngược chiều sẽ tống nước ra đằng trước mũi đẩy không cho người nhái địch lặn lại gần tàu. Bên kia Ánh cũng ra lệnh cho nhân viên làm giống như Quỳnh. Tiếng súng đại liên 12 ly 7 nổ rền trời. Cả hai ụ súng ở trước mũi của hai chiếc tàu đều nhắm bắn vào khúc cây trôi chỉ còn cách tàu hai ba chục thước. Ầm... Ầm... Hai cột nước khổng lồ vọt lên trời, cùng lúc Quỳnh cảm thấy chiếc tàu sắt nặng mấy chục tấn như được sức lực vô hình nhấc bổng khỏi mặt nước làm cho anh lao đao muốn ngã. Nước rơi xuống như mưa. Dường như neo bị trốc nên hai chiếc tàu lùi lại thật nhanh. Quỳnh nghe trống ngực đập thình thịch và bàn tay run bần bật. Anh và toàn thể nhân viên đã thoát chết trong gang tấc nhờ vào may mắn. Nếu Chơn không thấy và anh không phản ứng kịp lúc, hai chiếc tàu sắt sẽ bị trúng mìn của đặc công địch và anh có cơ đi thăm hà bá.
Ngồi im trên chiếc ghế đóng sơ sài bằng cây trong căn nhà lá nằm dưới tàng cây rườm rà, Thức có thái độ trầm tư và buồn bực vì nhiều chuyện xảy ra không đúng như sự suy tính và mong muốn của anh ta. Hôm qua lính báo cáo đã vớt được xác của toán đặc công. Không những thất bại trong việc đặt mìn đánh chìm hai chiếc tàu địch, toán đặc công thủy gồm bốn người nhái còn bị chết chìm. Muốn thanh trừng tình địch của riêng mình đồng thời thi hành được công tác của cấp trên giao phó anh ta phải tìm cách khác. Phục kích bắn tàu một lần không có kết quả, người nhái đặt mìn thất bại; Thức không biết mình còn cách gì mới lạ và hiệu quả hơn. Anh ta nghĩ tới cách cho lính ám sát Quỳnh hoặc tìm cách bắn sẻ. Nhưng suy nghĩ kỹ anh ta biết cho dù có giết chết Quỳnh, nhiệm vụ của anh ta chưa hoàn thành vì địch sẽ có người thay thế để chỉ huy hai chiếc tàu. Giết Quỳnh chỉ để thỏa mãn sự ganh ghét, giành giựt lại Uyên chứ không kiểm soát được thủy lộ sông Đồng Nai hầu chuyên chở vũ khí vào khu vực lân cận thành phố. Mình phải làm gì? Thức lẩm bẩm năm bẩy lần trong trí của mình câu hỏi khó trả lời. Cuối cùng anh ta đốt điếu Ruby, hít liên tiếp hai hơi, nhả khói ra từ từ rồi ngồi im suy nghĩ. Sau khi điếu thuốc tàn, đội lên đầu chiếc nón anh ta bước ra cửa vừa đúng lúc Hiến, tiểu đoàn phó bước vào.
- Tôi với đồng chí đi quan sát con sông lần nữa. Mình phải nghiên cứu kỹ để tìm ra chỗ phục kích tàu địch. Tôi nghĩ lần trước mình bị thất bại vì chưa nghiên cứu kỹ con sông và đường đi của hai chiếc tàu địch...
Giơ tay đón điếu thuốc của Thức mời, Hiến cười nhẹ lên tiếng.
- Tôi đồng ý với đồng chí về nhận xét trên. Mấy hôm nay tôi đi nghiên cứu địa hình của dòng sông Đồng Nai và tìm ra một chỗ phục kích lý tưởng. Tôi tính vào gặp đồng chí...
Mừng rỡ Thức với Hiến dẫn theo tiểu đội hộ tống đi dài theo bờ sông tới một khúc quanh, Hiến mới nói với cấp chỉ huy của mình.
- Từ Uyên Hưng chạy lên tới hồ Trị An, con sông Đồng Nai không có uốn khúc nhiều nữa...
Đưa tay chỉ vào một khúc quanh Hiến cười tiếp.
- Ngay tại Xóm Đèn này dòng sông uốn khúc khá gắt. Vì thế mà một bên bồi và một bên lở. Bờ của chúng ta đứng là bờ bị nước xói mòn nên sâu hơn bờ bên kia. Tôi để ý thấy tàu địch thường chạy gần bờ bên này hơn vì bờ bên kia được bồi nên lấn ra xa. Sợ bị mắc cạn nên chúng phải chạy sát bờ bên chỗ ta đang đứng đây. Nếu chúng ta phục kích ngay tại chỗ này thì thế nào cũng bắn được chúng... Ngoài ra vì bờ bên kia đất bồi ra xa nên tôi nghĩ tàu của chúng sẽ không cắm mũi thẳng vào ổ phục kích của ta như chúng đã làm lần trước...
Đưa mắt quan sát địa thế một cách cẩn thận Thức thấy nhận xét của Hiến rất đúng. Nguyên hàng cây ngay tại chỗ anh ta đứng bị nước soi mòn nên gốc cây trơ rể ra. Có nhiều cây ngã nằm dài gần đụng mặt nước. Bờ bên kia thì được bồi nên bùn sình lan ra gần nửa dòng sông.
- Mình cũng dàn trận theo lối cũ nhưng lần nay tăng cường thêm hai khẩu trung liên và một ổ B40 để buộc chúng phải dạt sát về bờ bên này...
Thức gật gù đồng ý. Đứng bàn luận giây lát anh ta cùng với lính trở về chỗ đóng quân sửa soạn cuộc phục kích hai chiếc tàu sắt.
Quỳnh ngồi cạnh Uyên chứ không còn ngồi đối diện nữa. Sau lần bị bắt buộc ngủ lại nhà của Uyên một đêm, tình cảm giữa anh với nàng chuyển sang hướng đi mới. Hiểu được tình thân Uyên dành cho mình, anh đâm ra mến nàng nhiều hơn. Dù chưa có đả động gì chuyện yêu đương nhưng cả hai trở nên thân mật hơn chút chút.
- Chừng nào anh đi?
Uyên hỏi nhỏ. Nàng biết Quỳnh không thể ở mãi bên cạnh nàng, do đó mỗi lần gặp nhau nàng đều băn khoăn về chuyện anh bỏ đi và không bao giờ trở lại. Giơ tay lên nhìn vào đồng hồ Quỳnh cười.
- Chút nữa...
Cười âu yếm Uyên gắt nhỏ.
- Anh thì cái gì cũng chút nữa. Hỏi chừng nào anh đi, chút nữa. Chừng nào anh trở lại, chút nữa. Chừng nào mình gặp lại, chút nữa... Riết rồi Uyên hổng biết chút nữa của anh bao lâu...
Quỳnh cười cúi xuống tính hôn vào má nàng. Cười hăng hắc Uyên quay mặt nhìn vào nhà sau như cố ý né tránh cử chỉ âu yếm của ông lính thủy.
- Anh coi chừng ba má thấy...
- Ba má Uyên thấy có sao đâu... Ổng bả cho phép anh mà...
- Xạo à nghen... Ổng bả nói hồi nào sao Uyên hổng nghe...
- Ổng bả biết Uyên mắc cỡ nên đâu có nói trước mặt Uyên...
Lắc lắc mái tóc huyền mượt mà và óng ả, Uyên nhẹ nắm lấy bàn tay chai cứng của Quỳnh. Ông lính thủy ngửi được mùi hương thật dịu dàng, thoảng chút không phải dầu thơm, mà như mùi bông so đũa và mùi phù sa của nước sông Đồng Nai hòa trộn với mùi hương của nàng thiếu nữ thanh tân làm thành một mùi hương đặc biệt làm anh rung động và ngất ngây. Cảm giác rung động và ngây ngất này thoáng qua nhanh song âm hưởng còn đọng lại hoài trong tâm tưởng. Làn da mềm, man mát của Uyên xoa nhè nhẹ trên lưng bàn tay gây ra chút xuyến xao và khát khao.
- Em thơm quá...
Uyên bật cười vì câu nói của người lính thủy. Quỳnh cũng cười hắc hắc như che dấu cảm giác ngượng ngùng của mình. Anh cũng không hiểu tại sao mình lại nói ra ba tiếng đó. Riêng Uyên thầm hiểu được ý nghĩ thầm kín của anh. Vì vậy nàng quay nhìn Quỳnh cười nói đùa.
- Thôi đi đừng có xạo... Hổng tin đâu…
Cười hì hì Quỳnh nhìn chiếc mũi có một vết tàn nhang nơi chót mũi của cô gái.
- Lính mà em... Lính mà hổng xạo thời đâu phải là lính...
Nói tới đó Quỳnh ngừng lại khi thấy bóng Sang đang giơ tay vẩy mình. Đứng dậy, khom người hôn nhẹ lên mái tóc của Uyên anh thì thầm.
- Anh phải đi...
Uyên cũng đứng dậy. Hai người chậm bước ra cửa. Ngập ngừng nơi bậc cửa giây lát Quỳnh mới bước nhanh đi về phía hàng rào kẽm gai. Uyên đứng im nhìn theo. Nàng không nói được lời nào trừ nước mắt ứa ra nơi khóe mặt. Bây giờ nàng mới thấm thía được nỗi buồn đau thầm kín của những người đàn bà có người thân yêu đi lính xa.
Mùng 10. 23 giờ. Trăng thượng tuần mênh mông. Ánh trăng sáng mông lung như tấm vải mỏng buông xuống dòng sông lấp lánh nước thành màu trắng bạc. Chiếc Alpha 11 uể oải xuôi theo chiều nước chảy từ ngã ba sông Rạng Đông về Uyên Hưng. Tuấn nhìn vào mặt đồng hồ tốc độ chỉ 800. Quỳnh ngồi im trên mui. Đầu anh gục xuống không biết vì buồn ngủ hay vì sức nặng của chiếc nón sắt. Máy 46 kêu xè xè hòa trộn với tiếng máy tàu nghe hoài hủy thành ra buồn chán và mệt nhọc nhưng vẫn phải nghe. Cam chịu. Không có danh từ nào đủ nghĩa hơn để diễn tả tâm trạng của anh trong lúc này. Biết đi lính khổ mà phải đi. Đi rồi thời cam chịu. Ban đầu với máu nóng của tuổi trẻ, còn than van, bất mãn, chống đối, hay từ chối; song theo với thời gian, trưởng thành nhờ nắng mưa, sương gió, khói súng nên chấp nhận và chịu đựng. Đi qua những vùng thôn quê hẻo lánh xa xôi, những làng mạc nằm trong khu giải phóng; anh mới nhận thức ra rằng mình còn may mắn hơn triệu triệu người khác. Ánh mắt đăm chiêu của một ông lão đã kinh qua thời chiến tranh đằng đẵng từ thế chiến thứ hai, kháng chiến chống Pháp rồi cuộc nội chiến đẫm máu giữa quốc gia và cộng sản. Ông lão giấu kín đi nỗi buồn đau của mình vì đứa con đầu lòng theo cộng sản, thời đứa con út lại đi lính quốc gia. Lằn ranh quốc cộng thật mơ hồ, thật khó phân định, khiến cho ông ta lao đao không biết theo ai bỏ ai. Rốt cuộc rồi ông cũng phải cam chịu số phần kỳ quái của mình. Ban ngày cười nói với quốc gia, rồi khi bóng tối chụp xuống lại đốt đèn thắp đuốc ngồi khề khà chén trà, chung rượu với thằng du kích, anh bộ đội lén lút trở về làng để thu thuế, để nhận tiếp tế và cũng để phô trương quyền lực của mình bằng khẩu AK. Đừng nói chi ở làng mạc xa xôi, ngay tại thủ đô Sài Gòn, vẫn có những ông thầy tu, ông thứ trưởng, sĩ quan cấp úy, cấp tá, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Những kẻ nằm vùng đó đang tìm cách phá hoại, làm tê liệt ý chí phấn đấu của người lính như Quỳnh. Biết họ là ai mà cũng phải cam chịu, để cho họ sống phè phởn trên xương máu của người chết, trên mồ hôi và nước mắt của những người sống như anh.
- Anh ngủ hả?
Quỳnh hơi cựa mình khi nghe Tuấn hỏi.
- Tao chỉ nhắm mắt để đó...
Tuấn cười hắc hắc vì câu trả lời của thuyền trưởng. Quỳnh có nhiều câu trả lời thật buồn cười và cũng dị lắm. Có lần thấy Quỳnh gục đầu nhắm mắt nó hỏi ngủ hả thời Quỳnh trả lời là không có ngủ mà chỉ một mắt nhắm một mắt mở. Quỳnh còn giải thích thêm về cách ngủ một mắt. Đó là cách để an dưỡng tâm hồn của mình bởi vì không thể lo âu hoài về một điều mình không thể biết trước được. Cứ chấp nhận và cam chịu, thời tâm hồn mình sẽ bình yên để thức mà vẫn ngủ. Mới đầu Tuấn không tin về lời giải thích mơ hồ và có vẻ như ngụy biện của Quỳnh; nhưng sau này nó biết điều đó có thật. Sống hoài trong tình trạng phập phồng, lo âu, nó bắt đầu có thái độ chấp nhận và cam chịu rồi cuối cùng tự an ủi mình bằng câu '' Trời kêu ai nấy dạ...''.
- Tao đi hút thuốc rồi kêu thằng Chơn thế cho mày...
Nói xong Quỳnh rời chỗ ngồi. Ra sau lái anh đánh thức Chơn. Rửa mặt cho tỉnh táo, uống ly nước lạnh Chơn vào phòng lái. Được Chơn thay thế Tuấn leo lên mui ngồi vào vị trí của Quỳnh thường ngồi. Nó tính chờ khi nào thuyền trưởng trở lại mới ra sau lái hút thuốc và đi ngủ.  Không biết làm gì nó cầm chiếc ống dòm lên quan sát trong bờ.
- Bum... Bum...
Đang ngồi sau lái nghe hai tiếng bum bum Quỳnh nhìn vào trong bờ bên trái của mình. Anh thấy hai cột lửa đỏ rực từ trong bờ xẹt ra.
- B40...
Không suy nghĩ Quỳnh nhào tới chỗ khẩu đại liên 50 ở cách mình mấy bước.  Ầm... Ầm... Ánh lửa nháng sáng rực. Quỳnh cảm thấy đau buốt nơi chân phải của mình cùng lúc một sức lực vô hình đẩy anh ngã bật ra sàn tàu. Chiếc nón sắt nện mạnh vào vách sắt làm cho anh choáng váng gần như ngất xủi. Trong tiếng đạn nổ anh nghe mơ hồ tiếng la hoảng hốt của Kỳ.
 - Nó bắn trúng tàu... Anh Quỳnh...
Súng của địch nổ rền. Đạn réo trong không gian. Đạn ghim vào những tấm giáp chống B40 nghe bựt bựt. Đạn đập vào vách tàu bằng sắt bật thành âm thanh chát chát. Bây giờ súng trên tàu mới bắt đầu khai hỏa. Những viên đại bác 20 ly chạm nổ của Kỳ nháng lên từng cụm ánh sáng trong rừng cây, còn đạn 12 ly 7 của Sang vẽ thành đường tên lửa. Thành đều đặn rót M79 vào trong bờ để không cho địch bắn nữa. Chiếc Alpha 9 cũng bắt đầu nổ súng. Tuy nhiên súng của địch từ trong bờ vẫn bắn ra mỗi lúc một ác liệt và dữ dội như thách thức hỏa lực hùng hậu của hai chiến đỉnh.
Gượng chống tay ngồi dậy Quỳnh cảm thấy một bên chân của mình hầu như không cử động được. Tuy nhiên anh biết mình phải có mặt nơi chỗ ngồi để liên lạc và chỉ huy nhân viên của hai chiếc tàu.
- Anh đi được không?
Ngưng bóp cò Thành hỏi lớn. Quỳnh gật đầu. Đưa tay ra để cho Thành kéo mình đứng dậy, gắng gượng vịn vào lan can bên phải  anh lần từng bước ra trước mũi.
Đứng trong hầm chỉ huy được đào sơ sài ngày hôm qua sát bờ sông, Thức cau mày tỏ vẻ tức bực. Không biết vì lý do gì mà toán phục kích ở bờ bên kia lại nổ súng sớm hơn thay vì phải đợi cho hai chiếc tàu lọt vào vòng phục kích mới khai hỏa để bắt buộc địch phải dạt về bờ bên phải. Đằng này vì nổ súng sớm hơn nên khi tàu dạt về bờ này thì nó vẫn ở ngoài tầm bắn của B40. Tuy nhiên sau đó anh lại gật gù mỉm cười thích thú khi thấy hai chiếc tàu xếp hàng dọc tiến vào ổ phục kích của mình.
Bảy mươi thước... Thức nín thở khi thấy chiếc tàu đi đầu chậm chạp tiến tới chỗ mình đứng. Sáu mươi. Năm mươi... Súng trên tàu nổ rền. Thức cảm thấy ơn ớn lạnh nơi sống lưng khi nghe tiếng đạn ghim vào đất và lựu đạn nổ ầm ầm làm đất cát bay rào rào, đập vào mặt anh rát rạt. Bốn mươi thước. Dưới ánh trăng sáng mờ bóng chiếc tàu sắt đen sừng sửng như một quái vật khổng lồ đầy đe dọa.
- Bắn...
Tiếng hét vỡ lồng ngực của vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 317 của mặt trận nổ ra. Gần hai trăm người lính cùng lúc bóp cò. AK47. B40. 57 không giật. Đại liên. Thượng liên. Trung liên. Súng phóng lựu. Tất cả đều nhắm vào hai chiếc tàu sắt. Lửa đạn kéo thành dây. Tiếng nổ ì ầm. Đạn réo trong không khí, chạm vào vách tàu, nổ ra với toàn thể sức công phá. Không khí nóng hừng hực nhưng cũng không nóng bằng lửa thù hận ở trong lòng của Thức. Xuyên qua ống dòm anh ta thấy chiếc tàu vẫn lầm lì và ngạo nghễ tiến tới gần hơn cùng với ánh lửa lóe sáng và chớp tắt. Đạn ghim vào đất, đạn xuyên qua hầm hố. Lựu đạn nổ trên đầu. Tiếng la hoảng hốt. Tiếng hét đau đớn. Tiếng kêu tắt nghẹn của người chết ở bên cạnh khiến cho Thức như mê đi không để ý ngoài chuyện ra lệnh cho lính xử dụng tối đa hỏa lực nhắm bắn vào hai chiếc tàu sắt vẫn lầm lì tiến tới gần chỗ anh đang đứng.
Trong ánh sáng bàng bạc của đêm trăng Quỳnh thoáng thấy ánh lửa nháng lên từng cụm từ trong bờ bên phải. Một ý nghĩ lóe lên trong trí anh. Mình bị địch dàn trận phục kích cả hai bên. Không hiểu bằng sức lực nào, anh lùi lại thật nhanh về sau lái tàu rồi men theo hông trái của tàu để chạy tới trước mũi. Ầm... Ầm... Tiếng nổ lùng bùng lỗ tai. Tiếng nổ chát chúa làm rung chuyển khối sắt nặng mấy chục tấn. Đạn réo trong không khí. Đạn ghim vào những tấm ny lông treo dọc bên hông tàu. Súng của hai phe thi nhau nổ rền. B40, 12 ly 8, 57 không giật, thượng liên, trung liên nồi, AK47 nổ cùng lúc với 12 ly 7, đại liên 50, đại liên M60, đại bác 20 ly tự hủy và M79 tự động.
Nhào lên trên mui, ngay chỗ ngồi của mình Quỳnh cứng người khi thấy Tuấn nằm ngửa mặt lên trời. Ánh trăng sáng dọi lên khuôn mặt mất máu thành trắng bệch. Hai mắt nó mở trừng trừng. Lòng đen bị ánh trăng dọi vào thành hai hố sâu thăm thẳm. Bàn tay của nó vẫn còn nắm ống nói của máy 46.
- 9 đây 11...
- 9 nghe 11...
- Bắn hỏa tiển... hỏa tiển... nghe rõ trả lời...
- 9 nghe 11 rõ...
Ầm... Âm thanh vang chát chúa. Quỳnh cảm thấy có vật gì sắc bén đâm ngay vào cổ của mình làm đau buốt não bộ. Không kêu được tiếng nào anh ngã vật ra bên cạnh cái xác bất động của Tuấn. Thấy thuyền trưởng trúng đạn Sang nổi điên, xử dụng tới hỏa lực mạnh mẽ nhất của tàu. Đó là hai dàn hỏa tiển được gắn hai bên hông ụ súng đại liên ở trước mũi. Ầm... Như những mũi tên lửa khổng lồ, tám trái hỏa tiển rời khỏi dàn phóng xẹt thẳng vào bờ.
Đang dùng ống dòm quan sát Thức thoáng thấy  mũi tên lửa khổng lồ từ ngoài sông xẹt vào ngay chỗ hầm chỉ huy của mình. Ầm... Hàng chục thân người bay tung. Máu, thịt, xương văng tứ tung. Súng nổ rền thật lâu mới từ từ dịu lại rồi sau đó mới ngưng hẵn.
Ngồi trên mui tàu Sang nhìn Quỳnh đang nằm ngửa mặt lên trời. Ánh trăng sáng dọi xuống khuôn mặt mất máu của anh thành trắng bệch. Máu từ vết thương nơi cổ ứa ra thắm đỏ băng cá nhân được Thành băng bó tạm. Quỳnh chợt mở mắt ra. Ánh mắt lạc thần nhìn nhưng không thấy và không biết được gì. Sang ứa nước mắt. Giờ đã điểm. Ba mươi giây. Một phút đồng hồ ngắn ngủi. Quỳnh chợt nắm lấy tay người thuyền phó đồng thời là đồng đội đã sống chết với mình mấy năm qua. Bàn tay của kẻ hấp hối lành lạnh và ẩm sương đêm khiến cho Sang rùng mình. Ánh mắt của Quỳnh sáng lên một vẻ gì kỳ lạ mà anh không hiểu được. Trối trăn. Gởi gấm. Nhắn nhủ. Hay lời vĩnh biệt của một người sẽ bỏ cuộc chơi súng đạn để đi vào chốn vô cùng. Ánh trăng trắng bạc buông xuống mặt sông rộng lấp lánh chút màu đỏ của máu từ thân người chết chảy ra. Sương mù giăng giăng mờ cảnh vật hai bên bờ.