Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
CHƯƠNG II
PHÉP LẠ GIÁO HỘI THEO DÒNG THẾ KỶ

MỞ ĐẦU
 
Chúa Giêsu đã uỷ thác cho các thủ lãnh Giáo hội Ngài sứ mệnh giảng dạy và rửa tội “mọi dân tộc”, Ngài nói thêm: “Này Ta ở cùng các con cho tới tận thế” (Mt 28, 20).
 
Từ đây lời hứa long trọng này đã được thực hiện: Ngày nay Giáo hội luôn luôn đứng vững, sau 20 thế kỷ lịch sử, trải qua thời gian ấy, Giáo hội hầu như luôn luôn phải đương đầu với những cuộc tấn công bên trong và bên ngoài. Mặc dầu có những cuộc khủng hoảng trong đó, hơn một lần, theo mắt trần, tình trạng Giáo hội hình như nguy ngập và có khi tuyệt vọng, Giáo hội với ơn Chúa giúp đã duy trì được nguyên vẹn sự độc lập và sức sống của mình.
 
Một vài nét đại cương về những cuộc tranh đấu mà Giáo hội phải đương đầu từ ngày được sáng lập cho đến ngày nay sẽ làm cho chúng ta nhận thấy điều mà người ta gọi không chút phóng đại: “Phép lạ Giáo hội”.
 
Chúng ta chia đoạn này ra làm 2 phần:
 
a) Mặc dầu những nguy cơ bên ngoài, Giáo hội Công giáo đã gìn giữ được nguyên vẹn sự kiên cố lịch sử của mình.
 
b) Mặc dầu những nguy cơ bên trong, Giáo hội Công giáo đã giữ gìn nguyên vẹn sự kiên cố giáo lý của mình.
I. SỰ KIÊN CỐ LỊCH SỬ CỦA GIÁO HỘI, BẤT CHẤP NHỮNG NGUY NGẬP BÊN NGOÀI
 
1) Nguy cơ Do Thái (thế kỷ I).
 
Vừa ra đời, Giáo hội đã phải giải quyết một vấn đề quan trọng mà sự giải quyết đả động đến cả nền tảng của mình: có buộc phải đòi hỏi như một điều kiện để được rửa tội là phải qua những lễ nghi tôn giáo Do Thái trước không?
 
Các thủ lãnh đầu tiên của Giáo hội là những người Do thái, họ có thể bị quyến rũ đặt một ách nặng trên những kẻ trở lại đầu tiên.
 
Nhưng thánh Phaolô tự đặt mình làm biện hộ cho sự độc lập và theo ngài, tại Công đồng Jérusalem năm 56, các tông đồ dứt bỏ những nghi lễ Do Thái, vì sứ mệnh Do Thái đã hết và từ nay Giáo hội Chúa Kitô thay thế.
 
2) Những cuộc bắt đạo do La Mã (3 thế kỷ đầu).
 
Từ đầu, Giáo hội bị quyền bính La Mã xem như là một sự mới lạ nguy hiểm, và sau lại bị coi như là một thế lực làm trở ngại cần phải tiêu diệt.
 
Các hoàng đế khủng bố Giáo hội một cách kịch liệt. Họ dùng mọi hình khổ để bắt các tín hữu bỏ đạo: trục xuất, đày ra các cù lao, bắt làm việc khổ sai trong các mỏ, chặt đầu, đóng đanh, thiêu đốt, bỏ cho thú vật ăn, không kể mất các chức tước và bị tịch thu tài sản.
 
Sau 3 thế kỷ, bị bắt bớ gần như không ngừng, Giáo hội lại trở nên mạnh mẽ hơn khi nào hết.
 
Năm 313, đời hoàng đế La Mã Constantinô, các Kitô hữu được tự do bình an (Sắc chỉ Mi Lan) và năm 337 Hoàng đế tự xin rửa tội.
 
3) Những cuộc xâm lăng man di (thế kỷ thứ 5).
 
Nguy cơ mới: Giáo hội nương tựa trên ngai các vua Chúa có thể sẽ đồng số phận với đế quốc La Mã suy đồi và chết dưới lực lượng các cuộc xâm lăng man di.
 
Tràn xông vào đế quốc La Mã và chiếm thành Roma để đặt Odoacre, một người của họ lên ngôi, quân man di ghét cả đế quốc lẫn Giáo hội.
 
Nhưng Giáo hội cũng thoát khỏi được cơn thử thách nay vẫn nguyên vẹn và lớn thêm: không chịu liên đới trách nhiệm với dĩ vãng, Giáo hội bạo dạn quay về tương lai và Giáo hội không khiếp sợ còn tính chuyện khai hoá cả bọn man di. Không run sợ, Giáo hội nhất định làm cho dân man di trở lại. Thánh Rémi rửa tội cho Vua Clovis tại thành Reims năm 496 và thánh Giáo hoàng Grégerio sai truyền giáo cho dân Anglo Saxon, đấy là những ngày thánh lịch sử đáng ghi nhớ trong khúc quanh này của Giáo hội.
 
KẾT QUẢ. Không đầy 3 thế kỷ, tất cả các dân tộc Nhật Nhĩ man đã trở lại đạo Công giáo.
 
4) Mưu toan áp chế Giáo hội thời phong kiến (thế kỷ 10 tới 14).
 
Vài thế kỷ sau, một nguy cơ mới đe doạ Giáo hội: chính quyền phong kiến vượt qua khu vực mình, mưu toan áp bức Giáo hội, muốn dùng Giáo hội như một dụng cụ dễ bảo. Các vua tự chọn các Giám mục và cả Giáo hoàng. Họ đặt những người của họ làm đầu coi sóc các xứ và các tu viện. Đấy là vụ “tranh quyền phong chức”, một cuộc chiến tranh thật giữa Nhà nước và Giáo hội. Trong vụ này, Giáo hội lại cũng thắng: Đức Giáo hoàng Lêô IX nhờ sự hiền từ của Ngài, và Đức Giáo hoàng Grégerio VII nhờ sự cương nghị đã quả quyết sự ưu thế thiêng liêng của Giáo hội chống lại các hoàng đế và các vua chúa.
 
Cuối cùng Hoàng đế nước Đức chấp nhận và ký Hiệp Ước Worms năm 1122. Ở Pháp, vua Philiphê le Bel (1285-1314) hai thế kỷ sau, chống lại Đức Giáo Hoàng Boniface VIII: vua muốn bắt Giáo hội lệ thuộc quyền đời, vua đặt ngai Giáo hoàng tại Avignon. Nhưng năm 1377, sau 69 năm lưu đày, quyền Giáo hoàng độc lập, trở về Roma.
 
5) Những cuộc tranh đấu hiện đại chống Giáo hội.
 
Thế kỷ 16 và 17 những nguy cơ của Giáo hội phần lớn lại từ bên trong xảy ra (thuyết tin lành và Jérusalem (sẽ nói sau.)
 
Nhưng thế kỷ 18 cuộc xung đột bên ngoài khởi sự lại.
 
Ở Pháp cách mạng cố tìm tiêu diệt Giáo hội (Hiến pháp dân sự của hàng giáo phẩm, bắt bớ các linh mục, đóng cửa các nhà thờ, tôn thờ thần Lý trí). Rồi chính Napoleon bỏ tù Đức Giáo hoàng Piô VII tại Fontainebleau. Ở Đức, trong 90 năm đầu thế kỷ 19, người ta ghi nhận một cuộc chống đối Công giáo kịch liệt. Bismarck mưu toan lập Giáo hội quốc gia Đức, vin lẽ rằng để phản đối tín điều Đức Giáo hoàng không thể sai lầm được, tuyên bố tại công đồng Vaticano năm 1870. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ở Pháp hội Tam Điểm (bè nhiệm) lại chống Giáo hội (Gambetta, Jules, Ferry, Combes): họ đặt các luật về ly dị, về học đường, về các hội đoàn, và tách Giáo hội khỏi chính quyền.
Ngày nay, Giáo hội hưởng thụ 20 thế kỷ tranh đấu và thắng trận, còn luôn luôn đứng vững, sống động khắp nơi, và mặc dầu những chống đối và thù ghét, Giáo hội còn có thể tiếp tục công việc chân lý và bác ái của mình trong một thế giới xáo trộn và mất thăng bằng vì chiến tranh.
 
II. SỰ KIÊN CỐ GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI
 
Mặc dầu có những nguy cơ bên trong, sự kiên cố về giáo lý của Giáo hội lại càng lạ lùng kỳ diệu hơn nữa. Giáo hội vẫn giữ được đức tin mình nguyên vẹn tinh tuyền không bị bụi đời làm hoen ố, mặc dầu những mối tà thuyết, theo thường lệ, có lẽ đã làm sụp đổ hết đức tin và luân lý của Giáo hội.
 
Có những lạc giáo (chỉ tin một số tín điều mình chọn), và ly giáo (không phục quyền Giáo hoàng) nổi dậy trong lòng Giáo hội trải qua các thế kỷ.
 
Chúng ta kể qua ra đây:
 
1) Duy trí (= Trực quan thuyết) chủ nghĩa (Gnosticisme) (thế kỷ 2)
 
Phái thuyết này quả quyết rằng trong vũ trụ có hai nguyên lý: sự lành là Thiên Chúa, sự dữ là vật chất. Một hậu quả thần học do thuyết này gây ra là: thân xác thuộc về vật chất, nguyên lý xấu. Vậy Chúa Kitô chỉ mặc “hình dáng thân xác”, như thế thuyết này chối Mầu nhiệm nhập thể.
 
2) Arianisme (thế kỷ thứ 4):
 
Một thế kỷ rưỡi sau, Giáo hội lại phải đương đầu với một cuộc tranh luận thần học nữa. ARIUS, linh mục thành Alexandria, chống lại bản tính Thiên Chúa của Chúa Kitô. Arius cho rằng Con không đồng nhất thể với Cha và không tin Con cũng bằng Cha.
 
Thánh Athanase chống lại tà thuyết Arius, công đồng Nicée (325) và Constantinope (318) kết án nó. Tà thuyết Arius chỉ biến dần trong lãng quên và theo người đời, người ta không thể hiểu được làm sao Giáo hội chỗi dậy sau một cơn khủng hoảng như vậy.
 
3) Cảnh giáo và độc tính thuyết (Nestorianisme và Monophysisme). Thế kỷ V, Nestorius lại chủ trương rằng trong Chúa Giêsu chẳng những có hai tính mà còn có hai ngôi. Vì vậy Đức Mẹ Maria chỉ là Mẹ của con người Giêsu.
 
Thánh Cyrilie, giám mục thành Alexandria, tại công đồng Ephêsô năm 431 kết án tà thuyết Nestorius và quả quyết rằng Đức Maria thật là Mẹ Thiên Chúa. Eutyches, tu sĩ ở Constantinope, ngược lại, nói rằng trong Chúa Giêsu chỉ có một bản tính, Bản tính Thiên Chúa.
 
Công đồng Chalcedo năm 451 kết án tà thuyết này và tuyên bố long trọng Chúa Giêsu có hai tính: tính Thiên Chúa và tính loài người kết hợp trong một “ngôi”: ngôi Con Thiên Chúa.
 
4) Pélagianisme (thế kỷ 4 và 5).
 
Pélage, một tu sĩ, chống lại tín điều ơn Thánh. Ông quả quyết rằng loài người tự sức mình không cần ơn Chúa giúp, cũng được rỗi linh hồn.
 
Thánh Augustinô, thế kỷ thứ 5, bênh vực ơn Thánh chống lại tà thuyết Pélagiô.
 
5) Ly giáo Đông phương (thế kỷ 9 và 11). Ly giáo Hy Lạp ra đời dựa trên nguyên tắc này rằng: Giám mục thành Constantinope phải có quyền ưu tiên ngay liền sau Giám mục thành Roma: như thế là bắt hàng giáo phẩm các Giáo hội lệ thuộc vào hiến pháp nhà nước chứ không bắt nguồn từ các tông đồ. Bởi vậy Giám mục thành Constantinope tự cho mình chức tước “thượng phụ” và làm chủ quyền trong cả Đông phương.
 
Công đồng Constantinope năm 381 chấp nhận nguyên tắc trên đây nhưng Đức Thánh Cha không đồng ý và kết án tà thuyết ly giáo Đông phương.
 
Photius (857) và Cerrulaire, (1054) chống lại tỏ tường với Đức Giáo hoàng và ly khai với Roma.
 
Ly giáo của Giáo hội Hy Lạp gọi là “chính thống” lôi theo ly giáo Nga sô – Ly giáo Nga sô nhìn nhận chỉ có giáo quyền là quyền Nga hoàng.
 
Ngày nay, các tín hữu các Giáo hội Đông phương tách biệt Roma làm thành những công đồng độc lập, bao nhiêu quốc gia bấy nhiêu Giáo hội: Giáo hội: Nga, Hy Lạp, Rumani…
 
6) Tà thuyết Albigeoise (thế kỷ 12 và13)
 
Đời Trung cổ tà thuyết nguy hiểm nhất là tà thuyết Albigoeise, bên Pháp. Bè rối này quả quyết có hai thần: thần sự lành và thần sự dữ. Các tín hữu chia ra làm hai lớp: lớp người trong sạch hay trọn lành sống trong sự nhiệm nhặt và không kết hôn. Lớp người thường sống theo tình dục họ.
 
Tà thuyết này kết thúc một cách đẫm máu do đoàn Nghĩa binh Albigeoise.
7) Phong trào Phục hưng (cuối thế kỷ 15 và 16).
 
Sự trở lại với nguồn cảm đời thượng cổ đánh dấu thời Phục hưng. Tự nó, tốt lắm. Nhưng đồng thời nó gây nên cả trong Giáo hội một sự trở lại đời sống ngoại giáo tai hại với những chủ trương: lý trí độc lập, bỏ tất cả quyền hành hay luật luân lý, chủ trương khoái lạc. Giáo hội dễ bị lây phải. Thánh Phanxicô đệ Salêsiô chứng tỏ rằng người ta có thể lấy những cái hay cái tốt trong thời cổ mà không cần phải bỏ lý tưởng Kitô giáo (nhân văn chủ nghĩa Kitô giáo).
 
8) Phong trào “Cải cách” Tin lành:
 
Thật là một cơn bão táp lớn nhất cho Giáo hội. Không phải chỉ một tín điều nọ tín điều kia bị đả kích nhưng chính vấn đề giải thích Kinh Thánh và sự cần thiết của Giáo hội hữu hình bị đả động.
 
Thệ phản hay Tin lành ra đời thế kỷ 16.
 
Ở thế kỷ này có những lạm dụng, những tệ tập đã xảy ra trong Giáo hội, cần phải có một sự cải thiện. Một tu sĩ, Martin Luther (1283- 1546), tự đề xướng thực hiện cải cách ngoài Giáo hội và chống lại Giáo hội. Ông chống đối ra mặt với Đức Giáo hoàng về vấn đề ân xá, và tội tổ tông, về sự giải thích Kinh Thánh, về sự độc thân của các linh mục.
 
Với sự giúp đỡ các hoàng đế Đức, Luther xúi giục một phần lớn nước Đức chống lại Roma và đoạn tuyệt với Giáo hội Roma.
 
Chúng ta hãy thêm rằng: Giáo hội cũng đã thực hiện cải cách của mình: Công đồng Tridentinô (1545-1563) đã đem lại cho giáo lý những tia sáng cần thiết để cải chính những sự sai lầm và đem lại cho lề luật nhiều điều luật cần để sửa đổi các thói xấu, nhất là về vấn đề đào luyện hàng giáo sĩ.
 
Ở Thụy Sĩ, Zwingle, một đệ tử của Luther (1484- 1531) và Calvin (1509 -1564) phổ biến lý thuyết tin lành, lấy Genève làm kinh đô cho Giáo hội cải cách.
 
Ở Pháp, dưới ảnh hưởng của Calvin, những cuộc tranh luận tôn giáo, được chính trị nuôi dưỡng, phân chia các tâm hồn thành hai bè chống nhau, suốt 30 năm. Đấy là chiến tranh tôn giáo.
 
Ở Anh quốc, phong trào cải cách đầu tiên chỉ là một ly giáo do vua Henri VIII (1509-1547) gây ra. Henri VIII đoạn tuyệt với Roma, chỉ vì Đức Giáo hoàng Clément VII năm 1527 từ chối không tuyên bố rằng cuộc hôn nhân nhà vua không thành. Những vua kế tiếp vua Henri VIII nhất là vua Edouard VI và hoàng hậu Elizabeth lập giáo phái Anh quốc.
 
Ngày nay, ba ngành Tin lành (Luther, Calvin và giáo phái Anh quốc) được chia ra nhiều phái.
 
CHÚ Ý: Kể chung, Tin lành tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Nhưng họ khác chúng ta ở những điểm chính sau đây:
 
Không vâng phục Đức Giáo hoàng.
Tự do giải thích Kinh Thánh.
Lý thuyết về tội tổ tông và tiền định.
Quan niệm bên ngoài về sự công chính hoá.
Không tin Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể.
Chủ trương không có luyện ngục.
Không tin Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Bỏ sự tôn sùng các Thánh và ảnh tượng thánh.
Bỏ các ơn xá.
9) Tà thuyết: Dương thân chủ nghĩa (Jansénius) thế kỷ 17 (đạo đức khắc khổ nghiêm nhặt).
 
Bàn lại vấn đề rỗi linh hồn, Jansénius, giám mục thành Ypres và các đệ tử rơi vào tà thuyết ngược hẳn lại tà thuyết Pélagiô xưa.
 
Pélagiô chủ trương: Loài người tự sức mình là có thể được rỗi linh hồn, chứ không cần ơn Chúa.
Jansénius quả quyết: “Sự rỗi linh hồn chỉ là việc của Chúa. Con người được tiền định lên Thiên đàng hay xuống hoả ngục, con người tự mình không thể làm gì được hết”.
 
Tà thuyết Jansénius bị Giáo hội kết án, đã đầu độc một số đông linh hồn. Ngày nay ảnh hưởng còn chưa tắt.
 
10) Vô tín ngưỡng đời nay: thế kỷ 18 và 20.
 
Vô tín ngưỡng, từ thế kỷ 18, chống lại chính nguyên tắc của tín ngưỡng tôn giáo và tuyên bố tự do tư tưởng.
 
Ở Đức, có những lý thuyết mới ra đời với Karl Marx (1818- 1883), ông tổ chủ nghĩa xã hội và Frederic Nietzsche (1844-1990), tác giả thuyết siêu nhân.
 
Ở Pháp, ba nhân vật đều toa rập tấn công đả phá Giáo hội, đức tin và luân lý:
 
Voltaire: (1694-1778): suốt đời chế diễu tôn giáo và các đấng trong giáo phẩm.
 
Renan: (1823-1892), một nhà văn lỗi lạc, bề ngoài có vẻ kính trọng Chúa Kitô, nhưng sự thực đã tìm cách tiêu diệt đức tin trong các linh hồn.
Anatole France: (1844-1924): Nhà văn ham khoái lạc và sắc sảo mỉa mai tất cả những gì là đáng kính.
 
Ngày nay, song song với một mùa xuân Công giáo trong văn chương Pháp mà Paul Claudel là nhân vật danh tiếng nhất, một số nhà văn băn khoăn về vấn đề tôn giáo: André Gide, Montherlant, Camus.
 
Một số nhà văn khác, với Jean Paul Sartre và trường của ông, cố xây dựng một triết lý có mạch lạc: thuyết hiện sinh vô thần.
 
Lịch sử Giáo hội tiếp tục, trong một thế giới lạc hướng đang tìm đường…
 
KẾT LUẬN: Chúng ta mượn tư tưởng của Pascal để kết luận:
 
Cái điều kỳ diệu và hoàn toàn thần linh, là tôn giáo này luôn luôn bị đả kích, vẫn tồn tại. Ngàn lần, sắp bị tiêu diệt toàn diện, và mỗi lần trong tình trạng này, Thiên Chúa dùng quyền năng Người đã cho đứng dậy. Pascal lại thêm: “Tôn giáo này được duy trì và không bị lay chuyển, đó là bằng chứng tôn giáo này của Thiên Chúa”. Trước sức sống lạ lùng này, chúng ta cũng sẽ nói chỉ có Thiên Chúa mới có thể gìn giữ Giáo hội Người được như vậy.
 
Đàng khác, Chúa Giêsu lại chẳng hứa rằng với ơn Ngài giúp, lực lượng hoả ngục không làm lay chuyển Giáo hội xây trên Đá đó ư?