Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
CHƯƠNG II
CÁC NGUỒN CỦA ĐỨC TIN

I. CHÂN LÝ CỦA LÝ TRÍ VÀ CHÂN LÝ CỦA ĐỨC TIN
 
a) Chân lý của lý trí (chân lý luận chứng): Một trong những đặc quyền của con người là trí khôn. Nhờ trí khôn mà con người giống Thiên Chúa và khác biệt loài vật. Nếu con người biết dùng trí khôn với những điều kiện tự nhiên, con người có thể khám phá một vài chân lý tôn giáo: Thiên Chúa, linh hồn bất tử, vv... Đó là những chân lý thuộc phạm vi lý trí.
 
b) Chân lý của đức tin (chân lý mạc khải): Ngoài những chân lý mà trí khôn con người có thể biết, còn có những chân lý khác chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết và Người có mạc khải chúng ta mới biết, chẳng hạn các mầu nhiệm trong đạo. Đàng khác, cả những chân lý tôn giáo mà chân lý tôn giáo mà trí khôn chúng ta có thể biết được, nếu Thiên Chúa không cho thêm ánh sáng thì con người có thể hiểu sai lệch trong bản tính hoặc trong hậu quả của chúng. Hai thứ chân lý này đều do Thiên Chúa mạc khải. Người ta gọi là những chân lý của đức tin. Chúng ta tin vì là Lời Chúa, Giáo hội truyền lại và giải thích cho chúng ta.
 
II. CÁC CHÂN LÝ CỦA ĐỨC TIN ĐƯỢC CHẤT CHỨA Ở ĐÂU?
 
Các chân lý của đức tin được chứa đựng trong Lời mạc khải.
 
Lời mạc khải gồm một số văn kiện hay tài liệu và những lời truyền miệng qua các thế hệ.
 
Mạc là tấm màn, khải là mở. Chúa mở tấm màn huyền bí che mắt chúng ta, một kiểu diễn tả bằng hình ảnh để nói rằng Chúa có nói chúng ta mới biết, chứ tự lực chúng ta không làm sao biết được.
 
III. LỜI MẠC KHẢI ĐƯỢC LƯU TRỮ Ở ĐÂU?
 
Lời mạc khải được lưu trữ trong Thánh Kinh và trong Truyền Thống.
 
Thánh KinhTruyền Thống là hai nguồn đức tin của chúng ta.
 
Nói đúng hơn, chỉ có một NGUỒN nhưng đến với chúng ta bằng hai thể thức.
 
a) KINH THÁNH hay THÁNH KINH:
 
Là tất cả những tài liệu viết đã được Thiên Chúa linh ứng. Những tài liệu này chứa đựng các chân lý đức tin.
 
b) TRUYỀN THỐNG:
 
Là những lời chứng không được ghi chép, nhưng được truyền lại theo giòng thế kỷ trong Giáo hội, những lời chứng ấy bổ túc và làm rõ thêm những chân lý của đức tin chứa đựng trong Kinh Thánh (những chứng ấy có thể đến chúng ta dưới hình thức tài liệu viết, truyền lại một cách trung thành lời giảng dạy của Giáo hội mặc dầu các tài liệu ấy không được Thiên Chúa trực tiếp linh ứng).
 
A. KINH THÁNH
 
IV. KINH THÁNH GỒM CÓ MẤY PHẦN?
 
Kinh thánh hay Sách thánh gồm có 2 phần:
 
a) Cựu ước: gồm những sách do các tiên tri và các tác giả Do Thái được Thiên Chúa linh ứng đã viết trước Chúa Giêsu ra đời.
 
b) Tân ước: gồm những sách viết sau Chúa Giêsu do các thánh sử, các tông đồ và đồ đệ trực tiếp của các ngài.
 
V. CỰU ƯỚC LÀ GÌ?
 
Là những sách thuật lại nguồn gốc vũ trụ và loài người, lịch sử dân Do Thái đã được Chúa chọn để đón nhận, bảo vệ và truyền lại các chân lý của đức tin và cũng tường thuật những giai đoạn của thời chuẩn bị ngày Chúa Kitô đến.
 
Tất cả Cựu ước có 46 cuốn được phân chia làm 3 loại:
1. Loại lịch sử: có những sách:
Ngũ thư do Moise viết,
Các Vua
,
Sách các anh em Macabê.
Một vài cuốn thuộc loại tiểu sử: sách Josué, Tobie...
2. Loại thơ phú hay luân thường: 150 ca vịnh, Châm ngôn, Truyền đạo...
3. Loại sấm ký (sách tiên tri): Sách tiên tri của Isaia. Jeremia, Ezechiel, Daniel và 12 tiên tri nhỏ: Ôsê, Joel, Jonas, Michê...  
VI. TÂN ƯỚC LÀ GÌ?
 
Là những sách thánh thuật lại cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, đời sống của các tông đồ và tín đồ đầu tiên, và chép lại đạo lý của Chúa Kitô và các tông đồ.
 
Tất cả có 27 cuốn.
 
Các sách Tân ước cũng được chia ra làm 3 loại:
Loại lịch sử: gồm có 4 cuốn Phúc âm theo thánh Mathiêu, Marcô, Luca và Gioan và tập Công vụ Tông đồ của thánh Luca.
Loại thánh thư: đều là những cánh thư các tông đồ viết để giảng cho rõ thêm những điểm thuộc về tín lý và luân lý. Tác giả là: Thánh Phaolô, thánh Phêrô, thánh Gioan, thánh Giacôbê và thánh Judê.
Sách khải huyền: của thánh Gioan biên chép những gì thánh Gioan thấy về cánh chung vũ trụ và Giáo hội.
 
VII. ĐỐI VỚI NGƯỜI KITÔ HỮU,
UY THẾ CỦA KINH THÁNH BỞI ĐÂU MÀ ĐẾN?
 
Kinh thánh đối với người Kitô giáo có một uy thế đặc biệt, bởi vì Kinh thánh chẳng những có một giá trị nhân bản (valeur humaine) mà còn có một giá trị thần linh (valeur divine).
 
a) Giá trị nhân bản: Các sách Cựu và Tân ước đều có một giá trị nhân bản không thể chối cãi được, cả những người vô thần cũng nhìn nhận. Một số sách như Ngũ thư, Phúc âm, Tông đồ Công vụ đều là những tài liệu lịch sử cho thế kỷ 20 này. Riêng về các sách Tân ước, Daniel Rops nói: "Chúng đã được lưu truyền lại cho chúng ta bằng những bản viết tay, vừa nhiều vừa gần tác giả và giống nhau, nên chúng có thể so sánh ngang hàng với các sử liệu đời cổ. Đối chiếu với các tài liệu đời, người ta càng nhận ra giá trị lịch sử của các sách thánh" (Daniel Rops. Jesus en son temps).
 
Những loại sách khác như Sách Triết ngôn, Thánh thơ là những sách có giá trị luân lý và thiêng liêng.
 
Có loại sách thánh lại có giá trị văn chương như Ca vịnh, sách các tiên tri...
 
b) Giá trị thần linh: Nhưng giá trị nhân bản không đáng gì khi so sánh với giá trị thần linh. Người Kitô hữu tin rằng tác giả chính của Kinh thánh là Thiên Chúa. Các vị đã viết ra chỉ là tác giả phụ, được Thiên Chúa linh ứng.
 
Nhờ được Chúa linh ứng mà Kinh thánh có một  giá trị đặc biệt không thể có nơi một sách vở nào khác. Tất cả những gì đã ghi chép trong Kinh thánh đều không sai lầm vì Thiên Chúa là Tác giả chính và Người không thể sai lầm và cũng không thể lừa dối ai.
 
VIII. CHÚNG TA DỰA VÀO ĐÂU ĐỂ TIN VÀO GIÁ TRỊ THẦN LINH CỦA KINH THÁNH?
 
a) Dựa vào lời chứng của Kinh thánh:
 
Trong Phúc âm nhiều lần chính Chúa Giêsu tuyên bố Kinh thánh có một uy thế lớn hơn lời của nhân loại của Thiên Chúa. Chẳng hạn khi ngài trích ca vịnh của Cựu ước, Ngài nói David đã viết dưới sự linh ứng của Thánh linh (Mt 22,43). Nơi khác Ngài tuyên bố "Kinh thánh là lời của Thiên Chúa không thể huỷ bỏ được" (Jn 10,35). Nhiều lần Ngài dẫn chứng Kinh thánh như một uy quyền tuyệt đối: Kinh thánh nói rằng... Kinh thánh cần được nên trọn... (Mt 26,31; Jn 17,12).
Thánh Phaolô viết: "Tất cả bộ Kinh thánh đều được Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, thuyết phục, cải thiện, và đưa về công chính" (2 Timot. 3,16).
 
Thánh Phêrô tuyên bố thế này: "Tiên vàn phải biết điều này, là tất cả mọi lời sấm của Kinh thánh không phản chiếu tư tưởng cá nhân của vị tiên tri. Bởi vì không bao giờ người ta lại nói tiên tri về mình; chính Thánh Linh đã làm cho những vị ấy nói" (2 Pet 1,20).
 
b) Các Thánh phụ cũng đồng thanh tuyên xưng Thiên Chúa là tác giả của Kinh thánh: "Viết ra nhờ Thánh Linh tác động"... "Nhưng văn thơ Thiên Chúa gởi xuống"... "Viết dưới sự linh ứng của Thiên Chúa...".
 
c) Các công đồng: 
Công đồng Florence (1439) tuyên bố: Giáo hội Roma tin và xưng hô rằng tác giả của Cựu và Tân ước là Thiên Chúa duy nhất, bởi vì các Thánh của hai giao ước đã nói dưới sự linh ứng của cùng một Thánh Linh".
Công đồng Trente (1545-1563) tuyên bố: "Công đồng tôn kính tất cả mọi sách của Cựu và Tân ước, vì Thiên Chúa là tác giả của hai thứ sách ấy".
Công đồng Vatican I (1870) kết án và tuyệt thông những ai "không chấp nhận Kinh thánh toàn bộ hay một phần nào, hay phủ nhận Thiên Chúa đã linh ứng".  
IX. THIÊN CHÚA LÀ TÁC GIẢ CỦA KINH THÁNH, NHƯNG TÁC GIẢ NHƯ THẾ NÀO?
 
Trước tiên Thiên Chúa thúc đẩy các tác giả phụ để họ khởi công viết. Và trong lúc họ viết Thiên Chúa hỗ trợ các ngài để các ngài "tư tưởng, thuật lại và diễn giải những điều Chúa truyền viết và chỉ viết những điều Chúa truyền mà thôi, đúng sự thật, không thể sai lầm được" (Léon 13 Providentissimus).
 
Ảnh hưởng siêu nhiên này gọi là tác động linh ứng.
 
X. PHẦN CỦA TÁC GIẢ PHỤ Ở CHỖ NÀO?
 
a) Phần nội dung:
 
- Một ít tác giả phụ còn được Thiên Chúa trực tiếp mạc khải những điểm lạ như thánh Gioan trong sách Khải huyền.
 
- Nhiều vị khác thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe: "Những gì chính mắt chúng tôi đã thấy, chính tay chúng tôi đã sờ đến, chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em" (1 Jn 1,1-3). Nói đến lưỡi đòng đâm cạnh sườn Chúa, thánh Gioan cũng thêm: "Chính người đã mục kích quả quyết điều đó: lời chứng của người thì đích đáng và người cũng chắc chắn rằng mình làm sự thật để anh em tin" (Jn 19,35). Thánh Phêrô khi thuật lại biến cố trên núi Tabor, thanh minh: "tiếng nói này bởi trời mà xuống, chúng tôi đã nghe chính tai khi chúng tôi ở trên núi với Ngài" (2 Ep 1,18).
 
Thánh Tông đồ còn thêm: "Chúng tôi đã ăn uống với Ngài sau khi Ngài Phục sinh bởi kẻ chết" (Act 10,41).
 
- Cũng có những tác giả phụ đã phải sưu tầm công phu các tài liệu trước khi viết, như thánh Luca: "Ớ bạn Théophile, tôi đã phải điều tra kỹ lưỡng và lâu dài về tất cả những câu chuyện này rồi mới thảo cho bạn một tiểu sử có đầu có đuôi" (Lc 1,3). Tác động linh ứng của Thiên Chúa không ngăn cản công trình sưu tầm của con người.
 
b) Phần hình thức (hành văn):
 
Khi trình bày cũng như trong lối hành văn mỗi tác giả phụ vẫn duy trì cá tính của mình, vẫn tuỳ thuộc trình độ kiến thức của mình, vẫn có những đặc tính văn chương riêng tư của mình. Tuy giống nhau trên điểm căn bản, 4 Thánh Sử đặc biệt khác nhau trên hình thức. Thánh Mathiêu là một người Do Thái viết cho người Do thái; nên ngài dùng nhiều lối nói có tính cách Do Thái hơn ba đấng kia,  và thiên về những bằng chứng đánh động dân này hơn, tức là các lời sấm của Cựu ước. Thánh Marcô viết theo những lời tường thuật của thánh Phêrô, nên để ý đến những chi tiết cụ thể hơn, văn hoa hơn. Thánh Gioan viết lối ba mươi năm sau các vị trên; tác phẩm của ngài sâu sắc hơn, "thiêng liêng" hơn; bởi vì ngài chẳng những biên chép những gì ngài nhớ mà cả những gì ngài suy niệm ra nữa.
 
XI. KINH THÁNH CÓ THỂ CHỨA NHỮNG ĐIỂM SAI LẦM VỀ KHOA HỌC KHÔNG?
 
Chúng ta thấy giữa Kinh thánh và khoa học những sự khác biệt đôi khi khá sâu trên cách thức trình bày một số sự kiện, chẳng hạn: tạo dựng vũ trụ, dựng nên con người, lụt hồng thuỷ, Josué bắt mặt trời dừng lại...
 
Để hiểu những điểm khác biệt giữa hai phạm vi Kinh thánh và khoa học, chúng ta cần lưu ý đến những nguyên tắc sau đây:
 
a) Chúa có thể làm những phép lạ ngược lại luật tự nhiên cũng do Người mà có.
b) Nhất thiết là không thể có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học, mặc dầu chúng ta tưởng là là có; vì Chúa là tác giả của vũ trụ và của các chân lý mạc khải.
 
c) Kinh thánh không phải là loại sách khoa học, mà là loại sách tôn giáo. Khi linh ứng các tác giả phụ Thiên Chúa nhằm mục đích chính là thông cho con người một giáo huấn ích lợi cho linh hồn của họ. Vì thế mà thay vì tìm cách để các sự kiện tường thuật trong Kinh thánh ăn khớp với khoa học, chúng ta trước tiên nên tìm trong Kinh thánh những bài học thiêng liêng và luân thường; đồng thời để khoa học giải thích những sự việc thuộc về phạm vi khoa học.
 
d) Mỗi tác giả của Kinh thánh chỉ có thể chấp nhận những quan niệm khoa học của thời mình và những lối nói của thời mình. Do đó mà chúng ta không nên lấy làm lạ nếu những cuốn sách thánh viết từ 10 hay 15 thế kỷ trước Chúa Cứu Thế, căn cứ trên những kiến thức khoa học và thảo theo lối nói khác với thời của chúng ta.
 
XII. GIÁO HỘI DÙNG KINH THÁNH LÀM SAO?
 
a) Khi đọc những chương sau này ta sẽ thấy Giáo hội lấy Thánh kinh làm nền tảng cho mọi tín điều.
 
b) Các tôn chỉ luân lý phần lớn cũng dựa trên Kinh thánh, Giáo hội dùng Kinh Thánh để điều khiển đời sống chúng ta.
 
c) Sau hết Giáo hội dùng Kinh thánh rất nhiều trong đời sống phụng vụ, đặc biệt trong Thánh lễ và trong Kinh nhật tụng.
 
B. TRUYỀN THỐNG (La Tradition)
  XIII. TRUYỀN THỐNG LÀ GÌ?
 
Người ta định nghĩa: Truyền thống là "ký ức của Giáo hội giữ kín kho tàng đức tin".
 
Chúa Kitô đã uỷ thác cho Giáo hội sứ mệnh thông lại cho nhân loại lời hằng sống của Ngài. Ngài cũng hứa là Thánh Thần sẽ yểm trợ Giáo hội nhận thức chân lý mạc khải, và tuần tự thấm nhuần chân lý ấy để sinh hao trái.
 
Như thế Truyền thống là Kinh thánh được nối tiếp được suy cứu.
 
Cũng cần hiểu điểm này là Chúa Kitô không viết gì hết và các tông đồ đã tuân lệnh Ngài khởi công bằng giảng thuyết. Các ngài chỉ ghi chép sau nay thôi và cũng ghi lại phần chính của các bài giảng. Các ngài tuyên bố rõ ràng các tài liệu các ngài để lại không biên chép hết những gì Chúa đã nói và đã làm. Thánh Gioan kết thúc tập Phúc âm của ngài như thế nầy:" Chúa Giêsu còn làm nhiều việc khác nữa. Nếu phải ghi lại từng điều một, tôi tưởng thế gian này sẽ không đủ chỗ để chứa hết các sách viết ra" (Jn 21, 25)
 
Thánh Phaolô cũng lưu ý chúng ta đến đức tin truyền miệng khi ngài nói: Con hãy truyền lại cho những người đáng tin những giáo thuyết con đã nhận nơi Cha để họ cũng có thể dạy lại cho kẻ khác" (2 Tm 2-2).
 
Bây giờ chúng ta có thể kết luận rằng đức tin truyền thống bao hàm nhiều chân lý hơn Kinh thánh: nghĩa là nơi đức tin truyền thống có những chân lý không có trong Kinh thánh. Chẳng hạn sự thành lập nhiệm tích Hôn phối.
 
XIV. TRUYỀN THỐNG ĐƯỢC DIỄN TẢ Ở ĐÂU?
- Diễn tả trong các tác phẩm của các Thánh phụ. Các Thánh phụ là những vị đại diện có uy tín của giáo đoàn sơ khai. Các ngài đã nhận lãnh đức tin do miệng các Tông đồ và dạy lại cho giáo hữu.
 
Các vị có uy tín nhất: thánh Ignace, thánh Irénée, Cyprien, Athanse, Basile, Jean Chrysostome, hai Grégeire de Nysse và de Nazianse, Augustin, Ambroise, Jérome...
 
Origène và Tertulien, tuy không làm thánh, song cũng được kể như là những nhà văn thông lại cho hậu lai đức tin truyền thống.
 
- Diễn tả trong những kinh rất xưa của Giáo hội.
 
- Diễn tả trên những đài, lăng tẩm nơi các hang hầm toại đạo của ba thế kỷ đầu.
 
- Diễn tả trong văn kiện của các Công đồng, của các Giáo hoàng.
 
- Diễn tả trong những hình thức đạo đức, trong những tôn chỉ thiêng liêng đã được toàn Giáo hội chấp nhận từ sơ khai.
 
XV. GIÁ TRỊ THẦN LINH CỦA TRUYỀN THỐNG CĂN CỨ VÀO ĐÂU?
 
Chính lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ làm căn bản cho giá trị của Truyền thống. Ngài phán: "Ta sẽ ở với các ngươi cho đến ngày tận thế" (Mt 28,20) hay khi Ngài hứa sẽ sai Thánh Thần để bảo vệ các Tông đồ cho khỏi mọi lỗi lầm: "Ta sẽ nguyện xin Chúa Cha và Người sẽ sai Thánh Thần của chân lý; Thánh Thần sẽ ở lại với các ngươi luôn mãi (Jn 14,16-17) "Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, Ngài sẽ dạy các ngươi hết mọi sự và sẽ nhắc lại cho các ngươi những điều Ta đã dạy"? (Jn 14,26). "Ta còn nhiều điều phải nói với các ngươi... nhưng khi nào Thánh Thần của chân lý đến. Ngài sẽ dẫn các ngươi vào tất cả sự thật" (Jn 16, 12-13).
 
XVI. GIÁO HỘI CÓ THỂ ĐƯA RA NHỮNG TÍN ĐIỀU MỚI KHÔNG?
 
Tín điều mới nghĩa là do Giáo hội tự mình mà tìm ra, thì thật không thể được; bởi vì từ ngày vị tông đồ cuối cùng đã tạ thế, kho tàng mạc khải đóng cửa và mọi tín điều phải bắt nguồn trong thế kỷ thứ nhất sau Chúa Cứu Thế.
 
Nhưng với thời gian, một điểm tín lý có trong Kinh Thánh  hay trong Truyền thống, trước kia còn lu mờ, bây giờ được Giáo hội nhận thức rõ ràng và đem ra cho giáo dân tin với một lời tuyên bố long trọng của một vị Giáo hoàng hay một Công đồng. Chẳng hạn tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854); tín điều Đức Giáo hoàng vô ngộ nhận (1870) và Mẹ Hồn Xác Lên Trời (1950).
 
XVII. KẾT LUẬN
 
Những hàng trên đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Kinh Thánh và của Truyền thống. Nên trong những bài học sau đây chúng ta sẽ luôn luôn dựa vào đó để dẫn chứng. Nguồn mạc khải với hai hình thức này là bảo đảm cho mọi chân lý siêu nhiên.
 
Người Kitô hữu muốn có một đức tin sáng suốt, tất nhiên là phải học hỏi, suy niệm nhiều về Kinh Thánh, nhất là bộ Phúc âm... và theo sát đức tin sống động trong Giáo hội qua các văn kiện chính thức của các vị Lãnh tụ Giáo hội, của các Công đồng và riêng các thông điệp của các vị Giáo hoàng.