Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
CHƯƠNG VI
“NGOÀI GIÁO HỘI KHÔNG ĐƯỢC CỨU RỖI”

Tất cả mọi người, bởi cùng bản tính chung và định mệnh chung, là phần tử của cùng một thân thể, và nhân loại cấu thành một toàn thể liên đới và sống động mà mạch sống được Giáo hội công giáo Roma bảo đảm.
Đúng theo ý Chúa Kitô, Giáo hội lãnh trách nhiệm về cả nhân loại làm cho phần rỗi của tất cả mọi người được thể hiện.
Giáo hội trực tiếp ban cho các tín hữu những phương tiện để họ được rỗi linh hồn. Còn các người lương dân, Giáo hội làm cho phong phú, biến đổi và kết thúc tất cả những chân lý từng phần của họ, tất cả những nhân đức còn khiếm khuyết của họ, mà chỉ có Giáo hội mới ban cho một hiệu lực Thiên Chúa.
Trong viễn cảnh ấy, câu “Ngoài Giáo hội, không có ơn cứu rỗi” có nghĩa như vậy: “Chính là nhờ Giáo hội, nhờ Giáo hội mà thôi, chúng ta mới được cứu rỗi.
Nói cách khác: trong nhân loại kể chung, sự rỗi linh hồn chỉ nhờ Giáo hội mới có thể thực hiện được. Giáo hội là cơ thể mà chính Thiên Chúa đã lập ra để bảo đảm sự hiện diện của Chúa Kitô giữa nhân loại, để lưu tồn chân lý toàn diện và để truyền đạt sự sống Thiên Chúa.
Bởi thế chúng ta phải ghi nhớ hai kết luận này:
1) Giáo hội Công giáo đóng một vai trò chính yếu cho phần rỗi nhân loại, Giáo hội cần phải lớn luôn mãi, để biến hoá thế giới và đem tất cả những người ngoại giáo vào Giáo hội. Vậy những kẻ nào biết Giáo hội thì buộc gia nhập vào Giáo hội thực sự.
2) Những kẻ ở ngoài Giáo hội hữu hình vì không biết và không phải vì lỗi họ, thật sự cũng liên kết với thân thể Giáo hội mặc dầu cách gián tiếp và không trông thấy được.
Vậy những kẻ không thuộc về Giáo hội Công giáo Roma có thể được rỗi linh hồn. Họ cũng phải được cứu rỗi bởi Giáo hội.
Giải quyết như trên thoả mãn được 2 đòi hỏi:
- Cần có Giáo hội hữu hình.
- Những kẻ ở ngoài Giáo hội hữu hình vì không biết và vì ý ngay lành cũng có thể được rỗi linh hồn.
Hiến chế về Giáo hội của Công đồng Vatican II dạy:
“Những ai không do lỗi mình mà không biết Phúc âm Chúa Kitô và Giáo hội Ngài, nhưng thực tâm tìm Chúa và nỗ lực, dưới ảnh hưởng của ơn sủng, hành động thế nào để làm trọn thánh ý Chúa, theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ đựoc cứu rỗi” (số 16).
KẾT LUẬN
Kết thúc đoạn này, chúng ta không thể không mời gọi những ai ở trong Giáo hội hữu hình mà Chúa Kitô đã muốn và đã sáng lập, ý thức hơn hạnh phúc, trách nhiệm và bổn phận của họ.
a. Hạnh phúc: Họ đã nhận được một ơn lớn của Chúa là đã làm cho họ trở nên phần tử của Giáo hội Công giáo, và cho họ đựoc cả chân lý toàn diện với những phương tiện công hiệu nhất để sống đời sống Chúa.
b. Trách nhiệm: Những gì họ đã nhận được, họ phải làm cho có giá trị vì Chúa đã phán “đã ban cho ai nhiều sẽ đòi lại nhiều” (Lc 12, 48).
c. Bổn phận: Họ phải lấy tình huynh đệ mà cầu nguyện cho tất cả những người còn ngoài đường cứu rỗi, họ phải làm cho những kẻ ấy cũng được thụ hưởng những việc phúc đức và những cố gắng của họ, họ phải trở nên tông đồ chân lý và sự sống, nâng đỡ các công cuộc công giáo tiến hành và truyền giáo.
CHÚ Ý: VỀ MỘT VÀI VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO HỘI
Những ai suy nghĩ không khỏi thắc mắc về một số vấn đề sau đây:
1) Nếu điều Giáo hội dạy là chân lý Thiên Chúa, tại sao Thiên Chúa không buộc tất cả mọi người phải tin? (vấn đề nguyên tắc).
2) Nếu điều Giáo hội dạy là chân lý Thiên Chúa, làm sao giải thích rằng những người sống trong sai lầm mà không biết họ sai lầm? (vấn đề sự kiện).
3) Nếu Giáo hội dạy là chân lý Thiên Chúa, bởi đâu những kẻ tin còn ít quá vậy? (vấn đề lượng).
4) Nếu Giáo hội dạy là chân lý Thiên Chúa, tại sao người Công giáo lại không tốt hơn những người vô tín ngưỡng. (vấn đề phẩm).
TRẢ LỜI:
1) Thiên Chúa đã dựng nên con người tự do, Người kính trọng sự tự do đó. Sự tự do có thể làm cho chúng ta vô phúc, nhưng đừng quên nó có thể làm cho chúng ta nên cao trọng.
Con người lại được Chúa ban cho một trí khôn để biết, một ý chí để hành động, một lương tâm để phán đoán mình.
Thiên Chúa giữ quyền xét xử mai sau.
2) Phải phân biệt trường hợp các lãnh tụ và trường hợp dân chúng.
a. Các lãnh tụ: nghĩa là những kẻ làm căn nguyên sai lầm. Những kẻ ấy có thể biết rõ họ sai lầm, nhưng thường thì họ kiêu ngạo, vì ảo tưởng, vì thiên kiến, mà trí khôn họ sai lạc.
b. Dân chúng: ngược lại có thể sống trong lầm lạc mà không biết. Thường họ nhận chân lý qua các người làm trung gian nên có thể hiểu lầm…
3) Chân lý không tuỳ thuộc số người tin.
a. Lúc Chúa Kitô bắt đầu giảng dạy, thì chỉ có một nhóm nhỏ người biết chân lý Kitô. Tất cả mọi người khác không biết. Nhưng chân lý vẫn là chân lý Kitô.
b. Đàng khác, chân lý Thiên Chúa không thể so sánh với các học thuyết người đời được.
Thiên Chúa là tác giả chân lý, tin vào chân lý không phải là trí khôn chỉ nhận chân lý mà thôi đâu, nhưng còn là một sự dấn thân của cả cuộc đời. Vậy chúng ta đừng ngạc nhiên lúc thấy ít người chịu dấn thân như thế.
c. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không cần phải tìm thêm nhiều người tin vì Chúa Kitô đã bảo: “Hãy đi, hãy giảng dạy tất cả mọi dân tộc” (Mt 28, 19).
4). a. Đặt vấn nạn dưới hình thức như thế là không đúng: người ta không chú ý đủ khi so sánh những người vô tín ngưỡng tốt nhất với những người tín hữu xấu nhất.
b. Đừng quên rằng những cái tốt nơi những người vô tín ngưỡng chính là những cái tốt Kitô giáo mà họ có. Người tin lành chẳng hạn: họ còn giữ lại Phúc âm. Như vậy là một mạch sống Thiên Chúa chảy qua họ: nhưng mạch sống ấy từ bên Công giáo mà chảy qua.
Còn những người ngoại giáo nếu họ thành thực, họ có lòng bác ái, họ can đảm làm việc, họ sống đàng hoàng, thì họ thực sự là những “người Kitô hữu mà họ không biết”.
Trái lại, cái xấu mà người Kitô hữu xấu có, cái xấu ấy không phải bởi đạo Công giáo mà xấu. Nếu chúng ta cứ muốn so sánh những người Công giáo tốt với những người ngoại tốt, chúng ta đừng quên người Công giáo có những nguồn mạch vô song của sự sống trong Phúc âm, trong kinh nguyện, trong sự dẫn dắt thiêng liêng, trong sự vâng phục Giáo hội mà những người ngoại không có.
KẾT LUẬN:
GIÁO HỘI VÀ NHỮNG NGƯỜI VÔ TÍN NGƯỠNG
Thái độ của Giáo hội đối với sự vô tín ngưỡng sẽ là:
Khăng khăng một mực về giáo lý.
Nhân từ và thông cảm với con người.
a. Giáo hội biết mình giữ chân lý Thiên Chúa và chân lý ấy thì độc nhất.
Vậy, đúng lẽ, tất cả những ai không nhận chân lý độc nhất ấy là sai lầm. Vì vậy Giáo hội luôn luôn lo lắng giữ gìn các tín hữu khỏi sai lầm.
b. Giáo hội cũng biết những người sống trong lầm lạc không phải là nhất định họ có lỗi.
Chúa Kitô đã phán: “Đừng xét đoán để chúng con khỏi bị xét đoán” (Mt 7, 1). Giáo hội để Thiên Chúa phán xét những linh hồn vô tín ngưỡng.
Còn chúng ta?
Chúng ta cũng phải áp dụng cho chúng ta 2 thái độ Kitô ấy của Giáo hội.
a) Tuyệt đối khăng khăng một mực về giáo lý.
Bởi thế, chúng ta đề phòng khỏi sai lầm và nhất là tìm hiểu chân lý cho thâm sâu (như học Phúc âm và các thông điệp).
  b) Bác ái đối với con người:
Bởi vậy cầu nguyện cho các việc truyền giáo và cho Giáo hội: kết thân với những kẻ đang tìm đường; nhất là sống đạo một cách hãnh diện, trong sạch, vui vẻ và nhiệt thành, làm cho ta nên một bằng chứng dễ thương, thông cảm và lôi cuốn, có lợi cho chân lý Chúa Kitô.