Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Chương I
SÁNG TẠO VŨ TRỤ

I. TÍN ĐIỀU VỀ SỰ KIỆN SÁNG TẠO
 
“ Từ thuở ban đầu Thiên Chúa sáng tạo Trời và Đất…”. Đây là lời mở đầu của cuốn sách Sáng thế và cũng là lời nói đầu của toàn bộ Kinh Thánh.
 
Chân lý tuyên khởi này cũng được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Cộng đồng Nicée như sau đây: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình…”
 
Để diễn tả hành động của Thiên Chúa, chúng ta dùng động từ sáng tạo (créer). Sáng tạo chính nghĩa là làm cho một vật tự không mà có. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể sáng tạo theo nghĩa này vì Người toàn năng.
 
Còn chúng ta, nếu chúng ta có sáng tạo ra được cái gì mới là từ một vật chất đã có, từ một năng lực đã có: “Trong vũ trụ không có gì tự tạo nên mình; không có gì tự mình mà ra không”. Trái lại, trước khi Thiên Chúa sáng tạo thì không có gì ngoài Thiên Chúa. Sau công trình sáng tạo, mọi vật chất, mọi sinh lực đều do Thiên Chúa. Những vật chất thiêng liêng cũng do Người mà có.
 
Trên đây là lời tuyên xưng của đức tin chúng ta.
 
II. TẠI SAO CHÚA SÁNG TẠO?
 
a/ Thiên Chúa là yêu thương: Người đã sáng tạo vì tình yêu.
 
Thiên Chúa hoàn toàn hạnh phúc trong sự hoà hợp của Ba Ngôi và không cần đến một ai để thêm thánh thiện; Người đã muốn dựng nên loại khác để thông cho họ hạnh phúc của Người.
 
b/ Thiên Chúa sáng tạo để Người được vinh quang. khi con người tìm vinh danh cho mình, là họ đi lạc huớng; vì con người là một thụ tạo có giới hạn, nhưng không toàn thiện. Trái lại, Thiên Chúa chỉ có thể tìm vinh quang cho mình thôi vì sự toàn thiện của Người đòi hỏi như thế. Đó là mục đích cao quí nhất của việc sáng tạo vũ trụ.
 
Cũng nên thêm rằng vinh quang Thiên Chúa là sự toàn thắng của sự thiện. Sự thiện toàn thắng tức là hạnh phúc cho thụ tạo. Đối với Thiên Chúa tìm vinh quang cho mình cũng là minh chứng tình yêu.
 
III. SÁCH SÁNG THẾ THUẬT
 
Chẳng những tuyên xưng Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, tác giả còn thuật lại trong chi tiết công việc sáng tạo ấy.
 
Tác giả trình bày công việc sáng thế như một vở kịch có bảy màn. Mỗi màn là một giai đoạn công việc tạo dựng.
Ngày thứ nhất Thiên Chúa dựng nên ánh sáng.
Ngày thứ hai Thiên Chúa dựng nên không gian.
Ngày thứ ba Người dựng nên đất và thảo mộc.
Ngày thứ tư Người dựng nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.
Ngày thứ năm Người dựng nên chim cá.
Ngày thứ sáu Ngài dựng nên súc vật và con người.
Ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ việc.
IV. PHẢI HIỂU BÀI TƯỜNG THUẬT TRÊN ĐÂY NHƯ THẾ NÀO?
 
Trước tiên phải công nhận bài tường thuật này có vài ba điểm nghịch lý và tác giả thế nào cũng phải nhận thấy khi viết. Chẳng hạn, ánh sáng đã có ngày thứ nhất trong khi mặt trời chỉ hiện ra ngày thứ tư; trước khi có mặt trời đã có buổi mai và buổi chiều, thảo mộc đã có ngày thứ ba trước khi có mặt trời. Sau hết Thiên Chúa nghỉ việc như thể Người cũng cần nghỉ như chúng ta.
 
Đây là dịp tốt để chúng ta nhớ lại một nguyên tắc đã học rồi. Nghĩa là tác giả của Kinh Thánh không để tâm đến kỹ thuật trình bày bằng đến những chân lý tôn giáo cần phải dạy dân chúng. Tác giả vì thế mà không theo một thứ tự của thời gian hay của khoa học. Tác giả đã tìm ra một thứ tự hợp với mục đích theo đuổi. Và mục đích của tác giả là dạy dân Do thái chân lý căn bản nầy: Thiên Chúa là Đấng Tạo hoá và Chúa của vạn vật. Do đó mà tác giả kể lể kỹ lưỡng những vật bất động và những vật có sự sống, có giác quan… để đi đến kết luận: tất cả đều do Thiên Chúa.
 
Sau đó tác giả lợi dụng dịp tốt để nhắc nhở dân bổn phận nghỉ việc ngày thứ bảy. Chia ra làm bảy ngày với dụng ý là dành ngày thứ bảy cho Thiên Chúa, để làm việc lành tôn thờ Thiên Chúa.
 
KẾT LUẬN:
 
Thiên Chúa sáng tạo mọi sự. Người là chủ của mọi vật. Bởi vì Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ cho vinh quang của Người, thế giới phải tiến tới theo hướng đi Thiên Chúa đã ấn định.
 
Nhưng bây giờ con người đã mất liên lạc với Thiên Chúa và cả gan phủ nhận Thiên Chúa là nguồn gốc của vũ trụ. Kết quả của thái độ nầy ai cũng rõ: con người đi về hư không, và chỉ gây tai ương cho mình một khi từ chối Thiên Chúa.
 
Người Kitô, thay vì hoang mang trước tình thế đen tối của sự dữ, phải can đảm ý thức đức tin của mình và căn cứ trên đức tin ấy để sống làm sao hầu đưa thế giới về ánh sáng đời đời.