Lý con sáo sang sông

     ấc về. Như thể trong đời này chỉ còn gió. Gió lạnh căm căm mà khô nẻ môi người ta. Da tôi mốc cời. Tàu chạy lừ lừ dọc theo sông, những quãng không có nhà, sậy mọc thành rừng. Những bông sậy chín mềm, trắng phau phau. Ðã nhiều bông lìa cành, trùng trình bay. Nước mặn rin rít da. Nghe gió này là mùa cưới đến.
Nét chữ không bay bướm trong tấm thiệp mộc của Út Thà mang cho tôi một cảm giác lạ lùng. Vui, buồn, chua xót lẫn lộn. Má tôi bảo: “Con về sớm mấy ngày cho thằng Phi đỡ buồn”. Tôi lật lịch khẽ cười, má à, có những nỗi buồn không ai trị được đâu. Nó day dứt tháng năm, nó dài dăng dẳng. Người yêu đi lấy chồng mà, biết bao người tự tử.
Cái lần gần đây nhất tôi đi Tân Thuận có ghé qua nhà, Phi đang lui cui đóng giường, Thà cũng qua chơi, vo gạo ngoài sàn lãn, dì Tư - má Phi lột bông súng nấu canh chua, Phi nói nửa đùa nửa thật: “Ðóng giường mới cưới vợ chơi”. “Cưới ai?”. “Út Thà”. Nghe tiếng kêu cùng tiếng cười giòn trong bếp. Tôi ở lại ăn cơm chiều. Một bữa cơm ắp tiếng cười rộn rã. Khói ấm bừng nở trên những tia nắng xuyên qua khe lá. Họ làm tôi vui quá.
Vậy thì làm sao đến nông nỗi này?
Phi cười cười, từ từ rồi nói. Nhưng dì Tư thì chắt lưỡi hít hà lúc tôi bước chân vô nhà. Dì có vẻ giận Thà lắm. Phi nhún vai thì thầm: “Má tao cằn nhằn nhức mình muốn chết”.
Tôi hiểu dì Tư như hiểu má tôi. Trong lòng mọi người thằng Phi tội nghiệp lẽ ra phải được hạnh phúc. Nó hy sinh quá nhiều rồi. Với má tôi, bà thương Phi như con ruột. Phi từng trọ học ở nhà tôi gần tròn năm. Có lần nó về thăm nhà, rồi không trở lên học nữa. Dì Tư kể, lần đó nó đem cây cúp móng tay về, nằng nặc đòi cắt cho ba má. Khi nâng cái chân của dượng lên, nó rớt nước mắt. Những móng chân thúi sạm, kẽ chân nước ăn lở đến tận xương. “Con thấy ba má con cực khổ con chịu không nổi, dì Hai à”, Phi trở lên lấy đồ, từ giã bạn học, từ giã cả nhà chúng tôi, má tôi khóc.
Rồi dượng Tư chết, thằng Phi là trụ cột trong nhà chống đỡ cho người mẹ với hai đứa em gái. Mùa mưa nó xoay trần với mười tám công ruộng. Trở bấc là nó lang bạt kỳ hồ. Nó sắm dàn nhạc cũ đi hát phục vụ đám tiệc. Ban nhạc nhỏ, gồm sáu bảy người trong xóm, già có, trẻ có, vừa đờn vừa ca. Phi có giọng ca hay nức tiếng nên ban nhạc của nó khá đắt khách. Nói Phi ai cũng buột miệng khen “Thằng đó ca mùi rụng rún”. Trăm ngã sông, ngàn ngõ xóm, Phi rành đất này như ông thổ địa. Có lần nó rủ tôi đi chơi cho biết, dặn “về đừng viết báo nghe cha nội!” nhưng tôi không kìm được, viết ngay về loại hình sinh hoạt văn hóa nông thôn này. Lần ấy, tôi phát hiện ra, Phi càng uống say càng ca thần sầu. Lời ca rõ tiếng vành vành, làn hơi ấm áp. Giọng ca của nó không giống út Trà Ôn, Minh Cảnh hay Minh Vương, chỉ là của Phi thôi. Nó thuộc nhiều bài nhạc, bài cải lương, nhiều vô kể. Tôi ngạc nhiên về một thằng Phi mặc áo phèn đi cắm câu với một thằng Phi nghệ sĩ mặc cái quần kaki mười hai túi trên sân khấu lót bằng bộ ván ngựa. Khuya, Phi rủ tôi xuống ghe nó nằm, nó gác chân lên bụng tôi, kê tay làm đầu gối.
- Mày hát hay vậy sao không kiếm dịp đi thi?
Nó cười:
- Thôi, giọng ca tao, thiếu sông, thiếu nước, coi như hết hay rồi.
Tôi ngó sao trời, lan man một nỗi sợ hãi mơ hồ, có người thợ xây không xây nổi cho mình ngôi nhà, có người thợ mộc nằm đất ngủ lạnh, Phi chuyên hát phục vụ đám cưới cho người ta, bao giờ mới hát cưới mình đây?
- Chừng nào mày cưới Út Thà? Quen người ta ba năm rồi, ngâm tới chừng nào?
- Không biết, lo cho con Minh, con Thúy trước đã. Ba năm nữa tụi nó mới ra trường. Tụi nó học ở thành phố mới một năm mà về chê dàn nhạc tao là đồ dỏm, đồ cũ. Tao giận tụi nó, thì nhờ mấy món đồ cổ đó mà tao mới nuôi nổi tụi nó học đại học. Cũng tội nghiệp, hai đứa nó biết lỡ lời nên buồn hiu. Tao thương tụi nó quá.
- Vậy không thương Út Thà sao?
- Thương. Thương thiệt.
Thương mà sao không biết tính làm sao.

*

Nhà Út Thà ngó xéo bên sông. Hôm nay là nhóm họ, qua đám dừa nước thưa, thấy đằng trước rạp đã lùm xùm những tàu dừa bẻ vòng nguyệt, lá đùng đình vắt xòa quanh mấy cây cột rạp ốp bẹ chuối non. Phi ngượng nghịu:
- Lẽ ra tao phải qua bển phụ một tay.
- Sao vậy?
- Bữa trước gặp ngoài chợ huyện tao lỡ nói dóc là kẹt không về. Lúc đó tao tưởng là không chịu nổi?
- Bây giờ chịu nổi rồi à.
- Ừ!
Phi nói có vẻ nhẹ nhàng như thể nó đã chuẩn bị điều này từ lâu lắm rồi. Hai đứa nằm trên cái võng giăng ngoài chái dựa hàng lu nước. Tôi nghe rất rõ gió cuộn thành lọn, lăn miết trên da mình. Có nỗi buồn nào đó đang thở rất mạnh. Dì Tư buồn tình chèo xuồng về bên ngoại chắc chiều mới về. Một chút ai ngờ Út Thà qua. Cô mang cho chúng tôi một tiếng cười giòn.
- Em biết anh Kiên bữa nay về mà.
Phi nạt:
- Ở bên nhà đang lu bu...
- Thiếu gì người làm. Còn em, qua đây lâu lắm mới qua nữa. Mà, biết đâu là... lần cuối.
Chữ “lần cuối” Thà buông xuống, lạnh như bấc cuộn gai ốc trên tay tôi. Thà chợt cười (lại cười... giòn):
- Hai người nằm làm gì, đi nhậu đi.
Tôi với Phi trợn mắt nhìn nhau, nghe tiếng chân Thà lẹp xẹp vào bếp. Thà rành từng ngóc ngách nhà Phi nên không lâu lôi ra từ bộ vạc tre chai rượu trắng với đĩa mắm lóc xé trộn gừng. Một chút bổ sung thêm chén khế chua xắt lát. Chúng tôi kéo lại ngồi với nhau. Và với gió. Thà là con gái nhưng uống rượu khá mạnh. Phi nãy giờ không nói gì, ngó Thà lom lom:
- Làm gì ngộ vậy Thà...?
- Uống rượu cho dễ nói chuyện.
- Chuyện gì?
- Chuyện anh Phi nói gạt, ảnh tránh em. Ðám em mà ảnh còn không qua vậy mà nói thương em. Tụi mình là bạn bè, anh Kiên coi phải không?
Tôi cười cười, chịu Thà thôi. Khi chúng tôi còn nhỏ, thật tình có dạo tôi tranh Thà với Phi. Bởi vì Thà có đôi mắt một mí nhưng đen, mái tóc đen, khuôn mặt xinh xinh duyên dáng và cũng bởi vì cô nói chuyện rất cuốn hút, thuyết phục người ta, điều này với các cô gái quê là rất hiếm hoi.
- Nghe nói Thà lấy chồng về Cái Nước?
- Dạ, xa lắm, chắc lâu nữa mới về một lần. Anh Kiên đi công tác ngang chợ Rau Dừa, nhớ ghé nhà máy Phú Phong thăm em. Anh Phi cũng vậy nghen!
Phi “Ừ”, nâng ly uống “chóc”.
- Sanh con cứ lấy tên anh mà đặt.
- Dạ. Nhưng vái trời cho nó đừng ca hay như anh. Có nhiều cô mê lắm.
Thà cười. Tôi ngơ ngác giữa đôi bạn thân. Họ đang đứng ở bên bờ chia xa mà thanh thản vậy sao? Tôi đùa:
- Uổng công anh nhường em cho thằng Phi, nghe tin Thà lấy chồng như trời sập. Quả tình anh giận em lắm...
Thà bảo không uống nữa, trở bộ duỗi chân.
- Em biết, ai không hiểu chuyện thì giận em lắm. Lần đó, bên chồng em qua hỏi, ba má em hẹn ba ngày trả lời. Trước đó em đã từ chối bốn mối rồi. Một mình em chạy máy đi lòng vòng kiếm anh Phi. Cực khổ lắm. Kiếm được rồi hỏi ảnh tính sao? Ảnh kêu em về. Song ảnh chạy xuồng tắt qua Rau Dừa, dò hỏi kỹ bên chồng em. Hỏi từ ông già, bà già cho tới đứa con nít xong ảnh về kêu em ra nói một câu: “Em lấy chồng đi”. Hai đứa ngồi ngoài bực tính kỹ lắm. Em thấy chắc không chờ được nữa rồi. Con gái xóm em mười bảy, mười tám tuổi có chồng, em đã hai bốn rồi, ba má em như ngồi trên đống lửa. Nói cho kỹ chuyến này là anh Phi gả em. Ảnh nói bên chồng em khá giả, lại đàng hoàng, xứ đó ai cũng biết tiếng chịu khó làm ăn. Xét cho cùng, em cũng có lỗi, em không chắc lòng chắc dạ với anh Phi. Mỗi khi ảnh đi, em nhớ ảnh lắm, em nhớ giọng ca của ảnh. Rồi tưởng tượng ra biết bao cô cũng ngồi nhớ ảnh như em. Ảnh đi hoài, mai mốt biết ảnh có về cưới em không? Có câu “Bậu lỡ thời như giấy trôi sông...” anh Kiên nghe chưa? Ðó, lỗi của em là nhiêu đó đó. Nghĩ lại cuối cùng em không xứng với cái tình của anh Phi. Tụi em thương nhau không lấy được nhau thì không có thù hằn đâm chém đâu anh Kiên à. Khổ cái, đám em ảnh trốn không qua coi như không tha thứ cho em rồi.
Phi phì cười:
- Thôi mà, anh lỡ lần này thôi, Thà ơi.
Thà nói xong, má đã ửng hồng. Ðôi mắt cô đen và trong lắm. Ðôi mắt Phi cũng đen và trong lắm. Trong lòng tôi tự nhiên muốn ôm choàng hai đứa bạn vào lòng. Ba chúng tôi ngồi với nhau như ngày xưa, lúc nhà tôi còn ở đây, chưa ngụp mặt dưới dòng sông lở. Trước nhà tôi có giàn mướp vàng hoa. Những đứa trẻ lấy đó làm nhà, sống đầm ấm, và chúng yêu thương nhau cho tới bây giờ. Phi giục:
- Thôi nói bao nhiêu đó đủ rồi, Thà về đi...
- Dạ.
- Ðừng buồn anh.
- Không buồn đâu. Mai mốt em có con, tối ngày nựng nịu nó, thời gian đâu mà buồn. Em mê con nít lắm.
- Nhớ sanh hai đứa thôi, đúng chính sách. Sanh nhiều mau già, dễ chết. - Phi dặn thêm.
Chúng tôi đều cười. Cái mất mất rồi, cái còn hình như vẫn còn đó. Tôi cảm thấy hơi ấm từ lòng mình ấm phừng đến mặt. Chắc tại rượu ngon. Thà về, xuống tới bến còn quay lại phân trần:
- Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?
Cô cười giòn. Tôi có cảm giác cái cười níu chật vật làn nước mắt chực rơi ra. Thì là người mà, có phải cây cỏ đâu. Phi không tiễn Thà mà ngồi trên nhà gõ chén ca, giọng ca thêm rượu thần sầu.
“Ở ở... Ai xui mà con sáo nò sang sông cái nò sang sông. Cho nên mà con sáo ở ở sổ lồng cái kìa bay xa cái kìa bay xa, cái lý em ở, cái lý chàng đi...”.
Tôi xin thề với thiên thần thổ địa rằng chưa bao giờ được nghe một bài Lý con sáo sang sông điệu Bạc Liêu đứt ruột như vậy. Nó mênh mang, sâu rứt những nỗi nhớ thương từ tim, từ máu. Tôi buột miệng: “Thì mày đưa con sáo của mày sang sông chớ ai”. Phi ngưng hát, miệng lầm bầm: “Chớ bắt người ta chờ mình tới chừng nào”.
Dì Tư về. Có vẻ như dì về đã lâu. Bà hỏi: “Sao tự nhiên tụi bây nhậu vậy?” mà không đợi chúng tôi trả lời, ngồi thừ rất lâu. Rồi bà kể chuyện thằng em họ xa của Phi vì ghen tuông đâm chết người bị bắt lên trên huyện. Bà chắt lưỡi: “Sao tụi trẻ bây giờ coi trọng chuyện trai gái vậy không biết”. Phi quạt mạnh tay cho những bụi than hồng trong bàn ủi bay lên, tủm tỉm cười: “Bà già muốn nhắn gởi tao đó”.
Chạng vạng, chúng tôi xuống xuồng qua sông. Dì Tư biết chúng tôi đi đâu nhưng hỏi cho có:
- Con đi đâu vậy Phi?
Phi trả lời, giọng cố nghiêm túc:
- Con đi ca, má à!
HẾT

Xem Tiếp: ----