Bản Việt ngữ của Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
- 2 -

TÌNH HÌNH QUÂN SỰ CŨNG ĐEN TỐI NHƯ TÌNH hình chính trị. Thời kỳ vàng son đã chấm dứt sau những chiến thắng liên tiếp thực hiện được nhờ một Bộ chỉ huy hoàn toàn quân sự trong năm 1939 tại Ba lan, năm 1940 tại Pháp với những mục tiêu rõ rệt.
Ở phía Tây, một bộ phận của hải-lục-không quân Đức, sút kém cả về lượng cũng như về phẩm, đang làm mồi cho cuộc tấn công của phe Đồng minh, phía sau “bức tường thành” mới mẻ trải dài trên Đại tây dương.
Mặt trận Phi châu và Địa trung hải đã thất bại hoàn toàn. Bằng một cuộc tiến quân đúng phương pháp, địch thủ đẩy phòng tuyến của quân Đức-Ý tại miền trung nước Ý lùi dần về phía Bắc.
Ở phía Đông, Hitler đã bắt đầu tiến quân, nhưng không chọn hẳn một trục tấn công mà chỉ xua ba Binh đoàn của ông tiến thẳng đến ba mục tiêu: vùng Ukraine gồm khu kỹ nghệ Stalino và Kharkov, Mạc tư khoa và Leningrad. Cuộc tấn công ngưng lại nửa chừng trong khi chưa đạt được mục tiêu nào, dù là mục tiêu ở giữa hay ở mặt Bắc.
Năm 1942, Hitler hạ lệnh mang một cánh quân nhỏ đánh tràn ra vùng hạ lưu sông Don và từ đó đánh thẳng tới Caucase, chiếm lấy trục giao thông  Poti-Bakou, để rồi từ vùng sông Don thượng tiến sang sông Volga đến Stalingrad. Như vậy là trái với binh thư của Clausewitz, vì Hitler đã chiếm đất trong khi công việc phải làm là tiêu diệt lực lượng địch. Địch quân đã khéo léo lẩn tránh. Tham mưu trưởng quân đội, đại tướng Halder, bị cất chức vào tháng chín năm 1942.
Sau những thất bại chiến lược của năm 1942, và trong cuộc thư hùng đang diễn ra ở Stalingrad, Hitler điều động quân đội các nước liên minh lập ra một hàng rào phòng ngự phía sườn cho quân của ông dọc theo sông Don; những cánh quân tiếp viện nầy, yếu kém về võ trang cũng như khả năng tác chiến gồm có: đệ I lộ quân Lỗ, đệ VIII lộ quân Ý, đệ II lộ quân Hung. Sứ mạng giao phó không thể thực hiện được vì sự tổ chức ô hợp của họ và vì mùa Đông bên Nga quá lạnh. Số phận Stalingrad đã được an bài. Nó liên hệ với thái độ cố chấp và óc thiển cận của Hitler khi ông ta trở chiều, quay sang mục tiêu chính trị và tuyên truyền. Tư lệnh lộ quân thứ VI không sao xoay sở được để gỡ khỏi thế bí dù trong thời gian đáng lẽ ông ta có thể trông cậy vào những cánh quân tiếp viện.
Năm 1943, sau cuộc phản công có hiệu quả tại thị trấn Kharkov và Bjelgorod, vào tháng Ba, Hitler mở cuộc tấn công mùa hè lấy tên là “Cuộc hành quân Citadelle”, khởi đi từ vùng Bjelgorod và Orel, dùng kế “dụ địch” và bẻ gãy từ trong trứng nước cuộc tấn công của địch.
Cuộc hành quân nầy chỉ có thể có viễn tưởng thành công nếu nó được thực hiện phối hợp kịp thời với cuộc hành quân Kharkov-Bjelgorod tháng ba năm 1943 – một cuộc phản công cuối cùng gặt hái thành quả. Thất bại của “cuộc hành quân Citadelle” đã phân định một giai đoạn quân sự như sau:
Cuộc phản công của quân Nga bắt đầu chuyển động. Nó chỉ ngưng lại trong những khoảng thời gian ngắn để chỉnh đốn lại hàng ngũ và tiếp tế lương thực, súng đạn. Nó lớn mạnh cho tới năm 1945, ngày Đức Quốc Xã sụp đổ.
Hitler gọi cuộc hành quân của Nga là “cuộc chiến tranh tiêu hao” đối với Liên bang Sô viết. Tưởng không cần phải nhắc tới cái ưu thế về tiềm lực tổng quát của Nga trong thời kỳ ấy.
Theo lệnh của Hitler, phòng tuyến sông Dnieper không được củng cố, lấy cớ rằng “quân đội sẽ giật lùi về phía sau, không chịu giữ vững tiền tuyến”. Chính vì vậy, người ta tha hồ bàn tán về thái độ mất tin tưởng và hằn học của ông đối với những người lính ngoài mặt trận. Bất cần những đề nghị do Bộ Tổng tham mưu liên tiếp trình lên, Hitler không vạch ra một kế hoạch dài hạn nào. Ông không chấp nhận bất cứ một sự sửa soạn nào cho những con đường thoái quân. Những con đường thoái quân đã không được nghĩ tới ngay từ mùa đông đầu tiên tại Nga cuối năm 1941, đầu năm 1942. Cũng vẫn là những lý do tâm lý của Hitler đã giải thích tại sao những con đường thoái quân không được tạo dựng tại mặt trận Miền Tây.
Tháng giêng năm 1944, khi hai Quân đoàn quân Đức bị vây hãm gần Tscherkassy, và khi việc xin rút lui trình lên Bộ chỉ huy tối cao, Hitler hạ lệnh phải giữ vững vị trí; ông ta tưởng rằng sau nầy có thể mở một cuộc hành quân phát xuất từ trục Tscherkassy-Korsoun, chiếm lấy thành phố Kiev, “cắt đứt phòng tuyến của Nga”. Sở dĩ trong vùng “Tscherkassy dầu sôi lửa bỏng” nầy không xảy ra một trận tiêu diệt chiến là vì bộ chỉ huy chiến trường, sau nhiều ngày tranh đấu với Hitler và Bộ tư lệnh tối cao, đã tự ý mở đường tháo lui trước khi được lệnh. Nhờ vậy trong số 54 ngàn quân sĩ Đức, 35 ngàn người đã được cứu thoát.
Mùa xuân năm 1944, lộ quân thứ XVII đang trú đóng ở bán đảo Crimée lâm vào tình trạng hấp hối. Nếu kịp thời di tản khỏi bán đảo nầy có lẽ họ đã được cứu sống. Ngày mùng 1 tháng giêng năm 1944, Hitler vẫn còn tin rằng mình có thể giữ vững vùng đầu cầu ở Sébastopol mặc dù nó đã bị thu hẹp. Ông ta coi biện pháp nầy là biện pháp cần thiết bởi vì ông vừa thực hiện được một đòn tâm lý chiến tại Thổ nhĩ Kỳ. Lộ quân thứ VI chùn lại, tả tơi xơ xác vì phải mở đường máu rút lui từ Odessa về biên thùy Lỗ ma ni. Lộ quân thứ VIII dưới quyền điều khiển của tướng Bộ binh Otto Woehler còn chiến đấu cầm cự giữa khoảng hai con sông Bug và Dnieste; đây là tấm gương dũng cảm của “con sư tử bị thương”. Đối phương, với một lực lượng hùng mạnh gấp bội, lăm le tràn ngập cạnh sườn phía Bắc cánh quân của tướng Otto Woehler và bao vây đệ I lộ quân thiết giáp đang bị tách rời.
Chủ trương rút lui đúng lúc khỏi vùng Bessarabie và việc chuẩn bị tuyến phòng ngự dọc theo sông Pruth dùng dãy núi Carpathes làm trục, lại được đề n ta chối bỏ nguyên tắc mà từ thời vua Fréđêric-le-Grand đã áp dụng ngay trong lãnh vực quân sự là bảo đảm tự do của những nhân vật có trách nhiệm. Kết cuộc, người ta thấy một người như Heinrich Himmler đã trở thành Tư lệnh của một Binh đoàn. Kiến thức, khả năng quân sự, nhất là lương tri của một trách nhiệm tinh thần trước Thượng đế và Dân tộc Đức bắt đầu bị biến dạng.
Những cấp chỉ huy đã từng cố gắng biểu lộ nhân phẩm trong một quan niệm nhân bản cao cả, nay nói chẳng ai nghe. Những đức tính trong vùng hào quang của thời Ludwig Beck đã bị loại bỏ.
Những cấp chỉ huy thuộc mọi đẳng cấp, giống như trong quân đội các nước đương thời trước kia, chia ra làm ba nhóm:
- Những người quân nhân tận tụy, nhắm mắt vâng lời, tính tình dung dị, bạ cả tin.
- Những người lính đảng phái đầy tham vọng, xu thời.
- Những người lính có lương tri phụng sự tình yêu Tổ quốc.
Chúng ta sẽ phân tích ở đoạn dưới trạng thái tinh thần và kiến thức của ba nhóm nầy theo quan điểm xã hội và tâm lý. Ở đây, chúng ta chỉ nói qua về nhóm thứ ba.
Trước chiến tranh, một đám sĩ quan khá đông đảo, phần đông là ở Bộ Tổng tham mưu, đã không chấp nhận đường lối đối nội và đối ngoại của Adolf Hitler. Sau nhiều lần cúi mặt làm thinh trước những tội lỗi (thí dụ làm thinh trong vụ ám sát hai tướng Von Schleicher và Von Bredow ngày 30 tháng 6 năm 1934) họ đã có ý định can thiệp vào hồi năm 1938.
Nhưng khi hai tướng Nam tước Fritsch và Beck bị khai trừ, thì chẳng còn có gì để gọi là một sự phản đối: một ý chí tự giác, sức mạnh và khả năng. Đến cuối năm 1937 sang đầu năm 1938 dân chúng và Quân đội cũng đồng ý về những yêu sách mà Hitler đã đề ra, mà trong lãnh vực đối ngoại – những yêu sách ấy đã có thể giải quyết được trong tinh thần hòa bình. Thắng lợi hiển nhiên của Hitler tại Hội nghị Munich được tiếp nối bằng bản Hiệp ước giao hảo với Pháp ký ngày 6 tháng 12 năm 1938. Ít ai ngờ đến những sự phát triển bên trong cũng như bên ngoài của sự tham nhũng và lòng đạo đức giả, và có ý nghi ngờ Hitler không giữ lời hứa và muốn chiến tranh.
Trong thời gian chiến tranh, vấn đề trở nên khó khăn lạ lùng đối với các cấp chỉ huy quân sự. Trong đại đa số trường hợp, những người lính ngoài mặt trận đã chiến đấu dũng cảm; thật là bất công và vụng về khi muốn chối bỏ sự kính trọng đối với người lính Đức – sự kính trọng mà người lính ở các nước văn minh, ngay cả nước thù địch, luôn luôn được hưởng. Sự phê phán của lịch sử thường vượt qua những lời chê bai nhất thời của một kẻ địch đã bại trận. Chưa ai từng nghĩ rằng mình muốn lôi cổ những tên lính của những phe phái từng chém giết nhau trong chiến tranh tôn giáo hồi thế kỷ XVI và XVII ra xử trước tòa. Không ai kết tội các viên Thống chế và sĩ quan của Nã phá Luân – đúng ra là của nước Pháp – dù rằng bản thân Nã phá Luân đã bị coi như kẻ xâm lăng và bị ô danh một thời vì tội đó. Những cuộc hành hình tập thể do Quận công Albe chủ trương vào năm 1568 và tư cách của những xứ Bắc Mỹ sau cuộc chiến tranh Nam-Bắc chỉ là những trường hợp ngoại lệ.
Một thành phần sĩ quan vốn dĩ được đào tạo nhằm phục vụ một hình thức chế độ quân chủ, không hề nghĩ đến việc ngẩng đầu lên chỉ trích việc lãnh đạo Quốc gia, cũng như được chuẩn bị cho một ý tưởng theo đó một cuộc đảo chánh có thể trở nên cần thiết. Điều nầy tạo cho họ một sức mạnh, khi mà vị quân vương tự cảm thấy mình nhận trách nhiệm trước Thượng đế để nắm quyền chỉ huy Quân đội nhưng đó lại là một nhược điểm, từ ngày mà một kẻ vô thần nắm giữ vận mạng của quân lực Đức.
Từ năm 1920 trở đi, khối sĩ quan của Reighswehr (tổ chức Quốc phòng Đức từ 1919 tới 1935) đã được đặt một cách cố ý ngoài vòng chính trị: thái độ nầy đã biểu lộ trước những yêu sách của cơ cấu chính trị cũng như trước nhu cầu về an ninh của các nhân vật lãnh đạo. Nhưng sự né tránh chính trị nầy thường không đề cập tới sự phân biệt rõ ràng giữa chính trị đảng phái và chính trị thuần túy. Vì những kinh nghiệm cần thiết không thể tập họp được nên ta không thể rút ra ở đó một sự nhân xét xác đáng.
Dĩ nhiên, các cấp lãnh đạo tối cao trong thời kỳ chiến tranh không thể đi từ sự phục tùng đối với Thượng đế đến ý thức và sự phục tùng đối với những con người trần tục. Nhưng tình trạng mập mờ nầy ở Đức không phải chỉ có giới hạn. “Một sự từ khước phục tùng” và sự sửa soạn một cuộc đảo chánh đòi hỏi ở cấp lãnh đạo tối cao – và chỉ cấp lãnh đạo nầy thôi – một cái nhìn sâu rộng đặc biệt, một sự can đảm hiển nhiên.
Quyết định ấy đáng lẽ ra có thể thực hiện dễ dàng đối với những phần tử ưu tú trong giới lãnh đạo ấy, nếu họ đã không bị bó buộc phải đầu hàng vô điều kiện ở Casablanca: đó đúng là một sự trở ngại khó đo lường đứng về phương diện tâm lý đối với những kẻ cầm súng chiến đấu.