Bản Việt ngữ của Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
- 8 -
TỪ 9 THÁNG 6 ĐẾN 24 THÁNG 7 NĂM 1944
CÁC BIẾN CỐ QUÂN SỰ

TRONG THỜI KỲ ĐÓ, CHÚNG TÔI CHỨNG KIẾN các cố gắng của Đức nhằm đẩy đối phương từ các vùng đầu cầu ra biển.
Bộ tham mưu của lực lượng thiết giáp Miền Tây, đóng ở Paris, dưới quyền chỉ huy của Tướng thiết giáp Bá tước Geyr von Schweppenburg, theo đề nghị của binh đoàn B, đã được gọi đến ngày 7 tháng 6. Nhưng mãi đến tối ngày 8, lực lượng này mới đảm bảo được sự chỉ huy từ phía dòng sông Orne cho đến Tilly. Trong vùng này, dưới quyền của lực lượng, có các đơn vị thuộc cánh bên trong các Lộ quân XV và lộ quân VII, với Quân đoàn I thiết kỵ SS. Các mệnh lệnh chiến đấu được ban hành như sau: đẩy lui địch trên đất liền với tất cả mọi đơn vị thiết giáp cơ hữu. Tướng Geyr von Schweppenburg cho lực lượng ngừng nghỉ một khoảng thời gian sau thất bại của Quân đoàn I thiết kỵ SS và chuẩn bị tấn công vào đêm 10 và 11 tháng sáu.
Các mệnh lệnh đã được ban hành với sự hiện diện của Tư lệnh Binh đoàn tại bản doanh bộ chỉ huy thiết giáp, khi Sư đoàn thiết giáp Lehr báo cáo một mũi dùi tấn công của địch phát khởi từ miền Tây. Đấy là một tin tình báo có nội dung phóng đại, khó tránh khỏi trong cuộc hành quân; nhưng nó cũng cần thiết cho công cuộc chuẩn bị các biện pháp phòng thủ. Ít lúc sau báo cáo ấy, bộ tham mưu chiến đấu của lực lượng thiết giáp miền Tây gần như bị hoàn toàn tiêu diệt bởi một cuộc không tập dữ dội của địch, quả thật các trạm truyền tin mới đã bị đối phương khám phá. Lực lượng bị mất tham mưu trưởng, tướng Von Dawans, trưởng phòng hành quân và một số sĩ quan khác. Bộ phận tình báo của thiết giáp bị loại ra khỏi vòng chiến; chỉ có vị Tư lệnh, bị thương nhẹ, chạy thoát cùng với vài binh sĩ. Ông ta chỉ có thể ra mặt trận lại vào ngày 26 tháng 6 cùng với một bộ tham mưu mới, một bộ tham mưu chịu nhiều thiếu sót do tình trạng không được chuẩn bị trước.
Như thế trong những ngày tiếp liền theo cuộc đổ bộ, quân Đức đã không có thể mở được một cuộc phản công được phối hợp đầy đủ, vỉ lẽ lực lượng thiết giáp bị đóng đinh trong vị thế phòng thủ, trước áp lực ngày càng mạnh của lực lượng thiết giáp Anh. Hitler và vị Tư lệnh tối cao của quân lực luôn luôn xía vào hệ thống chỉ huy và, thường muốn ngăn chặn tất cả các cuộc hành quân của đối phương cùng một lúc. Cả một cơn tuyết băng gồm toàn chỉ thị rối rắm từ Tổng hành dinh của Fuhrer giáng xuống các đơn vị. Cùng một lúc, Tổng hành dinh muốn làm tê liệt cuộc tấn công của địch về phía Nam Caen, ngăn chặn một đợt tiến quân của địch từ Bayeux, hướng về phía Nam, cố thủ Cherbourg bằng mọi giá, phá vòng vây bán đảo Cotentin và chặn đứng một cuộc hành quân của địch nhắm vào Bretagne. Sau cùng một mệnh lệnh của Fuhrer đã được ban hành bắt buộc “tiêu diệt” trong từng khu vực một các vùng đầu cầu giữa sông Orne và sông Vire, mệnh lệnh ấy còn đi sâu vào chi tiết đáng kể nhất là vấn đề đưa một lữ đoàn súng cối về phía dòng sông Orne.
Nhưng tất cả các sứ mạng đó phải được thi hành trong tình trạng không có đủ quân trừ bị, không có lực lượng Hải quân và Không quân.
Trong khi các biến cố ấy xảy ra giữa sông Orne và Vire và trọng tâm cuộc chiến có vẻ nằm gần Caen – Bayeux, quân Mỹ toan tính nới rộng vùng đầu cầu của họ trong phần đông nam bán đảo Cotentin. Đối địch với vùng đầu cầu của Mỹ, trước hết là có các thành phần của sư đoàn 243, 91, 77, của sư đoàn 3 nhảy dù, cũng như của các thành phần thuộc sư đoàn pháo, thiết giáp SS và lữ đoàn 30.
Nhưng ở đấy cũng vậy, mặc dù với tài chỉ huy đầy kinh nghiệm của tướng pháo binh Marcks, và cũng vì cùng các lí do như tại Caen, quân Đức không thể nào đạt được một cuộc phản công hiệu quả. Việc đưa lực lượng trừ bị theo từng nhóm rời rạc, về điểm này, cũng ngăn cản sư thành lập một lực lượng tấn công có một sức mạnh nào đó. Lấy một vài chi tiết để làm ví dụ về sự đưa quân tham chiến một cách nhỏ giọt này:
Chúng ta thấy có sự can thiệp vào khu vực chiến trận của: sư đoàn 12 thiết giáp SS vốn đã bị bẻ gãy nhiều mảnh trong ngày 7 tháng 6, sư đoàn thiết giáp Lehr ngày 8 và 9 tháng 6, sư đoàn 77 bộ binh ngày 11, sư đoàn 2 thiết giáp ngày 13, sư đoàn 3 nhảy dù cùng ngày ấy, sau cùng sư đoàn 1 thiết giáp SS ngày 18. Tình trạng cũng tương tự như vậy. Đối với việc tung ra các bộ phận đặc biệt như các đơn vị pháo binh xung phong và các lữ đoàn súng cối: việc này còn thê thảm hơn vì lẽ hệ thống thiết lộ ngày càng bị phá hủy nhiều hơn.
Ngay từ đầu, người ta chỉ có thể tránh được các bất lợi do bởi ưu thế không quân của địch bằng cách giải tỏa hoàn toàn các khu vực của duyên hải phía bắc và phía nam Normandy. Nếu các biện pháp ấy không được chấp nhận, đấy là tại vì trong sự lượng định tình hình tại bộ Tổng tư lệnh tối cao quân lực, người ta luôn luôn nghĩ rằng sắp có một cuộc đổ bộ thứ nhì.
Cuộc phản công chống lại quân Mỹ tại Contentin bị giảm thiểu dần trở thành các cuộc tấn công rời rạc, vả lại, trong phần lớn các trường hợp, khi vừa mới được đưa đến, các lực lượng Đức lập tức được lệnh đổi hướng để giải quyết các điểm bị nguy khốn trong cuộc chiến đấu.
Tình hinh khí tượng trong ngày 9 và 10 tháng 6 quả thật có làm giảm sự can thiệp của không lực địch, nhưng sự ngưng nghỉ này không thể mang lại lợi ích nào cho phía phòng thủ.
Ý định của quân Mỹ nhằm cô lập hóa bán đảo Cotentin và trước hết chiếm Cherbourg ngày càng rõ rệt. Thế mà qua các chỉ thị, Hitler đã tuyên bố rằng việc giữ vững Cherbourg là “có tính cách quyết định đối với cuộc chiến tranh”. Nhưng Cherbourg, dẫu được gọi là pháo đài, đã không có phương tiện phòng thủ tân tiến tại mặt trận trên bộ; hải cảng cũng không đủ quân số để tổ chức phòng thủ. Theo một mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Quân lực, cuộc dàn quân dự liệu để phòng vệ Cherbourg – sư đoàn 709, 91, 247 và 71 – đã bị cầm chân tại đầu cầu đổ bộ của địch, tại bờ biển phía đông của bán đảo, các lực lượng ấy lại được chỉ thị kháng cự trước địch quân “càng lâu càng tốt” và sẽ vừa chiến đấu vừa rút lui về phía Cherbourg. Mặc cho các sự phản đối được lập đi lập lại của chính Rommel, mệnh lệnh này đã không được rút lại. Chính vì phải thi hành hai sứ mạng song hành ấy mà các sư đoàn bộ binh Đức vốn rất ít tính cách cơ động và không được tiếp liệu, đã bị tấn công dữ dội trong khi rút lui bởi lực lượng thiết giáp địch và phần lớn là bởi không lực đối phương. Mặt khác, không thể nào giữ vững được một khu phòng vệ trên bộ, cũng như trên biển mà không có quân số đầy đủ và không có yểm trợ của Không hay Hải lực. Binh đoàn B chấp thuận những đề nghị của quân đoàn LXXXIV và của lộ quân VII. Các đơn vị ấy yêu cầu đưa các đơn vị đồn trú trong vùng Contentin vào cuộc chiến bằng cách nào tránh cho chúng khỏi bị tiêu diệt: muốn thế, phải di tản chúng về phía nam. Nhưng tất cả các đề nghị ấy đều bị hi sinh cho bóng ma Cherbourg và bị bác bỏ. Luôn luôn có sự lập lại một mệnh lệnh “tử thủ, không được để mất một tấc đất”. Kết quả của những mệnh lệnh và phản lệnh ấy của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Quân lực là đợt phá khẩu của Hoa Kỳ tại Saint – Sauveur kéo theo sự tổn thất 4 sư đoàn của Đức. Chính lúc đó, Thống chế Rommel tự ý ra lệnh rút về phía nam các đơn vị còn có thể điều động được và chắn ngang bán đảo Cotentin. Một trận đánh tập trung của sư đoàn 77 bộ binh dưới quyền Đại tá Bacherer, đã thành công trong việc mở vòng vây một cách táo bạo, tiến về phía nam để trám vào lỗ hổng của mặt trận Cotentin. Nhưng thành phố và hải cảng Cherbourg bị thất thủ ngày 25 tháng 6 các ổ kháng cự cuối cùng của Đức bị bắt buộc ngưng chiến đấu ngày 30 tháng 6.
Dẫu sao, việc chiếm giữ quân cảng Cherbourg cũng không phải là chủ yếu nhằm mục đích tiếp liệu cho các lực lượng Đồng minh như bộ Tổng tư lệnh Đức đã tin tưởng ngay từ đầu. Sự sáng chế các hải cảng nhân tạo và sự sử dụng chúng trước bờ biển Calvados đóng một vai trò quyết định hơn. Ngược lại, việc Cherbourg thất thủ là một thành quả tâm lý có tầm quan trọng rộng lớn. Tuy nhiên, mặc dù có ưu thế về mọi mặt, địch quân cũng không đạt được các mục tiêu trong thời gian dự liệu. Một bản đồ tìm thấy trong một người tù binh, trên đó có ghi thời hạn và mục tiêu đặt ra cho quân đội Đồng minh, cho thấy Đồng minh dự liệu Cherbourg sẽ bị thất thủ trong ngày 6 tháng sáu, và sự chiếm giữ phòng tuyến Avranches – Domfront ngày 10. Các cuộc hành quân đã diễn tiến chậm hơn so với thời hạn dự liệu bởi kế hoạch của Tổng tư lệnh Mỹ; các cuộc hành quân ấy cũng đã đòi hỏi nhiều quân hơn.
Sau khi Cherbourg thất thủ. Binh đoàn B biết được ý định của Lộ quân I Hoa Kỳ là một khi các đơn vị được rảnh tay, sẽ chuyển nỗ lực chính đến khu vực Saint-Lô – Carentan, chiếm giữ phòng tuyến Coutances – Saint-Lô, sử dụng nó như tuyến xuất phát cho một mũi dùi tấn công về phía nam và thiết lập liên lạc vững chắc với khu vực đổ bộ của Montgomery tại Normandy. Trong khu vực Bayeux, Lộ quân II Anh quốc không biết rằng đã có một vết nứt rộng và nguy hiểm bị bỏ ngỏ trong nhiều ngày trên phòng tuyến Đức. Ngay lúc ấy, một mũi dùi tấn công về phía nam và đông nam có thể đem lại kết quả quyết định quan trọng và kéo theo sự sụp đổ mặt trận phòng thủ của Đức về phía nam sông Seine. Nhưng cuộc tấn công của Anh lại được chuyển qua hướng đông để tiêu diệt mặt trận Caen bằng một cuộc “tấn công bình thường”. Quân đoàn LXVII thiết giáp của tướng bá tước Funk, vừa được tung ra tham chiến, với sư đoàn 2 thiết giáp (tướng bá tước Von Luttwitz), và sư đoàn thiết giáp Lehr (tướng Bayerlin) đã thành công trong việc bịt kín khe hở về phía nam Bayeux bằng cách tung vào đấy tất cả lực lượng trừ bị cơ hữu.
Nhưng toàn bộ chiến đấu phòng vệ, vì phải đương đầu với ưu thế của địch về phương diện lực lượng trên bộ, trên không và trên biển, đã kéo theo một sự tiêu thụ nhân lực khổng lồ, vì Hitler đã cấm mọi chiến thuật mềm dẻo, ra lệnh một cuộc phòng vệ có tính cách tĩnh tại bất cứ địa điểm phòng thủ nào và ra lệnh giữ vững đầu cầu được tung ra gần Caen bên kia sông Orne, vốn không có một giá trị chiến thuật nào, và là một hệ thống tiêu thụ nhân lực vĩ đại.
Công việc có tính cách co rút chiến thuật này đã để cho đối phương hoàn toàn chủ động; về mọi phương diện nó tạo thành một quyết định tệ hại nhất.