Chương Mười Sáu

Tháng 1-1962, tôi lập gia đình. Tôi lập gia đình năm 27 tuổi còn thiếu 7 tháng. Vợ tôi, người con gái tôi gặp gỡ hồi tôi dạy học ở Long Xuyên. Thân phụ nàng đã xây ngôi trường trung học Quang Trung tặng thị xã. Ông còn tặng tỉnh Long Xuyên, quê hương của ông nhiều ngôi trường khác. Vợ tôi học ở Sài gòn, về thị xã Long Xuyên dưỡng bệnh. Lúc tôi quen nàng, tôi rất bối rối. Chẳng bao giờ tôi dám nghĩ nàng yêu tôi, yêu một lãng tử Bắc kỳ thất học, nghèo mạt rệp. Luôn luôn, tôi mang cái mặc cảm thất học đối với các cô gái khuê các. Tôi đã nói thật cho cô Nguyễn Ngọc Phương, con gái ông điền chủ Nguyễn Ngọc Đề biết rằng, cuộc đời tôi rách mướp, không hy vọng gì vá víu lành lặn cả. Nhưng cô ta cứ yêu tôi, cứ theo tôi và đòi lấy tôi bằng được. Cô ta muốn giúp tôi vươn lên. Và cô ta đã giúp tôi vươn lên. Vợ tôi và tôi là hai “giai cấp” đối nghịch. Không nhờ vả chi bố vợ cả, vợ tôi tình nguyện chia sẻ cảnh sống không hứa hẹn “ngày mai trời lại sáng” với tôi. Chúng tôi cũng có một cái đám cưới tổ chức tại nhà hàng Majestic. Đặng Xuân Côn đã lo cho tôi đủ thứ. Lo chu đáo. Vợ chồng tôi lấy nhau vì tình, nhưng tôi vẫn bị cái mặc cảm thất học ám ảnh. Tôi không hiểu tại sao cô Nguyễn Ngọc Phương lại yêu tôi và lấy tôi, yêu và lấy một chàng trai mà cô rất lờ mờ về thân thế của y, khi cô thừa tư cách làm vợ một người cùng giai cấp và cùng đẳng cấp xã hội với cô. Thuở cô yêu tôi, tôi chưa là Duyên Anh, chỉ là Vũ Mộng Long thiếu bằng Tú tài. Bằng Tú tài! Văn hào Anatole France cũng phải mơ ước. “Nếu người ta cho tôi cái bằng tú tài, tôi sung sướng hơn nhận giải Nobel văn chương”. Anatole France đã phát biểu thế khi ông được báo tin “trúng giải” Nobel. Bằng tú tài Việt Nam của năm 1953 sao mà khó thế! Có nó, cử nhân tôi sẽ bỏ túi và tiến sĩ thì chỉ cần vươn tay mà hái. Ôi, tú tài hai phần của nước Việt Nam nô lệ ví như đập ngăn nước Thái Bình dương, nó đã đưa biết bao “nho sĩ” vào con đường đẩy xe khô mực, bán thịt chó và làm … cán bộ phù động.
Không bằng cấp mà tưởng bở lấy vợ con nhà danh giá thì chỉ ôm hận. Tôi đã bị ngay cả cậu em vợ của tôi khinh thường “tài năng văn nghệ” của tôi. Nhiều người khác nữa. Đó là lý do vợ tôi phải khóc nhiều khi tôi đủ tư cách tuyết hận những kẻ miệt thị thuở bóng tối bần hàn của tôi. Tôi hằn học với cả vợ tôi, dù nàng đã khích lệ tôi, đã quả quyết tôi sẽ thực hiện nổi mơ ước của tôi. Nàng sẽ còn phải khóc nhiều nữa, khóc suốt đời. Chẳng ai dại dột như vợ tôi, khước từ hạnh phúc đơn giản để bấu víu đau khổ gai góc. Và, vì lấy tôi, vợ tôi còn bị những kẻ thù ghét tôi cắn rách cả gấu quần.
Lấy vợ, tôi có Sổ gia đình riêng và cột Gia chủ ghi rõ Vũ Mộng Long buồn bã. Bẩy năm giang hồ vặt của tôi chấm dứt từ đây, chấm dứt từ lúc tôi bước vào căn nhà cuối ngõ 217 E, cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Hàng xóm của tôi là nhà giáo đạm bạc, nhà soạn ca khúc Phạm Duy Nhượng, tác giả Chiều đô thị, Tà áo Văn Quân. Phạm Duy chấn đầu ngõ này. Chủ nhiệm nhật báo Ngôn Luận, ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng ở giữa ngõ. Cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận có khá đông nghệ sĩ đã lên hàng nhân vật. Ngõ B, nơi đồn trú của Nguyễn Mạnh Côn, Văn Quang. Ngõ C, ngôi sao Thẩm Thúy Hằng đang lên. Ngõ D, gạo cội Dương Thiệu Tước, Minh Trang và nhà thi sĩ kiêm báo sĩ kiêm văn sĩ kiêm đạo diễn điện ảnh Hoàng Anh Tuấn thống lĩnh. Ngõ F có nhạc sĩ Hoàng Nguyên, ký giả Trịnh Viết Thành, tiểu thuyết gia Tùng Long. Phía trong nữa là nhạc sĩ Tuấn Khanh, văn sĩ Đinh Xuân Cầu … Tôi hy vọng mình có thể khá hơn nhờ sống ở cái Làng văn nghệ này. Tôi chưa quen biết ai, ở đây, trừ Nguyễn Mạnh Côn. Với tôi, mỗi nhà văn nghệ đồn trú tại quần đảo “cư xá Chu Mạnh Trinh” đã là một đỉnh núi. Tôi ngưỡng mộ tất cả. Tự nhủ mình rằng, sẽ cố gắng tạo thêm một tên tuổi cho cư xá Chu Mạnh Trinh. Xem chừng hơi khó khăn đấy.
Từ ngày ra làm báo Chiến Đấu, tôi mới chỉ viết được mỗi truyện ngắn Con mẹ bỏ đi mô tả cảnh khuyển nạn 1946. Vì ông Nguyễn Bích Liên giao tạp chí Gió Nam cho Vũ Hạnh trông coi, Vũ Hạnh đã giả vờ đánh lạc bản thảo của tôi. Chắc chắn, Vũ Hạnh đã nhận ra sự bất lợi cho miền Bắc ở truyện ngắn não nùng của tôi. Con mẹ bỏ đi kể như tuyệt bản. Tôi không thể viết lại được nữa, dẫu tôi rất thích truyện ngắn này. Chưa có gì thay đổi trong công việc của tôi. Tôi vẫn ngồi cạnh đỉnh núi Tam Lang tại tòa soạn bán tuần báo Chiến Đấu, cuối tháng đến Tổng nha Thanh niên thể dục và thể thao lĩnh lương khoán 5000 đồng. Tiếng rằng làm báo, thực ra cả cụ Tam Lang lẫn tôi chỉ làm công việc chọn tin và bài của Việt Nam thông tấn xã lấp kín báo. Và làm công việc của thầy cò. Tác giả Tôi kéo xe thận trọng lắm. Ông đã tìm ra cả những lỗi cố tình “phá hoại” của thợ typo. Thí dụ: Tổng thống đi kinh lý, thợ xếp là Tổng thống đi kiết lỵ; ông cố vấn Ngô Đình Nhu là ông cố vấn Ngô Đình Ngu; bà cố vấn Ngô Đình Nhu là bà Ngô Đình Nhu. Vân vân … Tôi chưa có dịp viết một bài phiếm luận đưa cho bậc thầy Tam Lang xem để được chỉ dẫn. Tôi đã có ít nhiều suy nghĩ về tác giả Tôi kéo xe. Thực sự, tôi không hiểu tại sao một cây bút triền miên đương đầu với giai cấp thống trị, một nhà báo với dĩ vãng lẫy lừng như Tam Lang lại cam đành lĩnh lương Biên tập viên lương khoán 8000 đồng bạc. Ông đã biết Chiến Đấu là “báo nhà nước, báo của gian dối, bịp bợm”, ông còn nhào vô làm chi. Tôi là đứa vô danh tiểu tốt, chưa có gì để sợ mất, tôi bất chấp. Nhưng Tam Lang, thần tượng của bố tôi, thần tượng của tôi, con phượng hoàng của làng báo, không thể đậu trên cọc cầu ao. Tôi đã thấy Lê Văn Trương ôm bản thảo Anna Hồi bước vào chốn cửa quyền bần tiện, đọc văn cho sâu bọ nghe và cầm trăm bạc ra về. Tôi lại thấy Tam Lang bước vào chốn cửa quyền bần tiện, lãnh lương khoán, làm thầy cò. Và tôi đau đớn. Đau đớn vì tôi phải xét lại thái độ văn chương của các bậc trưởng lão.
Ông Nguyễn Bích Liên khó khăn là tại ông ta méo mó nghề nghiệp và Gió Nam, Chiến Đấu là báo nhà nước, nhưng ông ta biết kính trọng danh sĩ và yêu mến người có tài. Ông ta đã yêu mến tôi, nâng đỡ tôi, cất nhắc tôi. Ông ta đã kính trọng Tam Lang. Ông Nguyễn Bích Liên đã bỏ Chiến Đấu. Chúng tôi dễ thở song, chúng tôi phải làm việc dưới quyền những tên thừa sai vênh váo của chế độ. Chiến Đấu bước sang giai đoạn mới. Giai đoạn phải trình bản vỗ cho ông Tổng giám đốc Cao Xuân Vĩ duyệt ký. Bí thư của ông Vĩ, gã Võ Tứ Cầu xía vào tòa soạn. Cầu đòi hỏi thay đổi hẳn nội dung trang trong, nâng cao chất lượng văn nghệ và dẹp bỏ Thất kiếm thập tam hiệp. Cầu đòi hỏi nhiều mà Cầu không dám đòi hỏi ông Cao Xuân Dương ứng trước cho tòa soạn một khoản tiền để trả nhuận bút ngay cho những người được mời viết.
Tam Lang nhờ bạn già Thượng Sĩ điểm sách, phê bình sách. Tôi kiếm họa sĩ Diệp Đình vẽ truyện tranh Anh em thằng Chiến, lời của tôi, tranh của Diệp Đình. Linh Phương sưu tầm chuyện lạ với cả minh họa đính kèm. Phạm Lê Phan viết truyện ngắn thật ngắn. Võ Tứ Cầu rặn ra loạt bài kinh tế giáo khoa thư chưa kịp tiêu hóa vì gã mới đậu cử nhân luật. Kỹ sư Duy Việt mách giúp chỉ giùm chuyện nông thôn. Ký giả Vũ Bình nổi tiếng loạt phóng sự “Thăm dân cho biết sự tình” trên Tự Do cũng sang viết cho Chiến Đấu. Còn cả Trần Việt Sơn nữa. Họ viết. Họ vẽ. Một tháng thiếu tiền nhuận bút. Hai tháng thiếu tiền nhuận bút. Tất cả bỏ Chiến Đấu chiến đấu một mình. Tôi cho Võ Tứ Cầu rõ “sự tình”. Gã bảo tôi lập cái danh sách kê khai tên bài, tác giả, giá tiền dài hơn sớ táo quân. Gã làm phúc trình. Tổng giám đốc Cao Xuân Vĩ chỉ thị quản lý Lê Thành Cường thanh toán gấp. Tôi tới công ty của ông Cao Xuân Dương ăn chực nằm chờ để lãnh tiền nhuận bút cho các tác giả. Thanh toán xong, các tác giả vẫn “cám ơn”, không viết nữa, trừ Thượng Sĩ và Phạm Cao Củng tiếp tục Lời thề trên đất giặc.
Tôi quen Thượng Sĩ ở Chiến Đấu và thân với ông, thường đến căn nhà nhỏ bé của ông tại con hẻm đường Nguyễn Biểu uống trà. Thượng Sĩ, vợ trẻ con cọc, không thể mưu sinh bằng nghề viết báo, ông làm công chức ở Văn hóa vụ, dưới quyền Nguyễn Duy Miễn, trông coi kỹ thuật tạp chí Văn Hữu, như Tam Lang ở Chiến Đấu, nhưng ăn lương cán bộ chứ không ăn lương Biên tập viên lương khoán. Lương khoán có ba hạng: 5000, 8000 và 12.000 một tháng. Tôi đứng hạng lương khoán bét, tương đương lương của phó đốc sự độc thân mới ra trường.
Vì ngồi chung với tòa soạn nhật báo Cách mạng quốc gia không bầy bán ngoài sạp của chủ nhiệm Đỗ La Lam nên tôi quen Minh Tâm, thư ký tòa soạn, Thanh Tao, viết pô tanh ký Trung Thiên, Nguyễn Ngọc Bích, Đỗ Tùng …, và được đọc tất cả nhật báo Sài gòn treo đầy tường. Tôi chỉ đọc các mục “film du jour” ngắn của Chu Tử, Thầy Gòn, Tám Móc, Tiểu Nguyên Tử … Rồi, cao hứng, tôi tự ý mở mục “Phim đen trắng” nhí nhố viết pô tanh ký Người Thanh Niên. Tôi viết rất hiền. Tam Lam duyệt bài, không có ý kiến gì cả. Đến số báo tôi đụng Tiểu thuyết tuần san của Nguyễn Thiện Giai thì Tam Lang có ý kiến. Tiểu thuyết tuần san đăng nhiều chuyện tình nhảm nhí, lại còn đăng luôn một danh ngôn ở mục “Hoa thơm cỏ lạ”. Danh ngôn đó như thế này: “Nếu không cho lửa vào văn chương thì nên cho văn chương vào lửa”. Tôi dùng gậy danh ngôn đòi ném Tiểu thuyết tuần san vào lửa.
- Ông biết Nguyễn Thiện Giai là ai không?
- Dạ, thưa cụ, cháu biết.
- Ai?
- Một vụ lớn.
- Biết mà ông vẫn đụng nó.
- Như ngày xưa, cụ biết Vương Quang Nhường là ai vậy. Cháu chỉ đề cập tính chất khiêu dâm của Tiểu thuyết tuần san. Đã khiêu dâm thì không nên nói về văn chương có lửa. Cháu có công kích cá nhân ông Nguyễn Thiện Giai đâu mà sợ.
- Thế thì đăng.
Thượng Sĩ ốm, thiếu bài phê bình sách, Tam Lang thẩy cuốn Chơi chữ của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, bảo tôi đọc và viết bài phê bình, dặn dò:
- Viết về bậc đàn anh nên thận trọng ngôn từ.
Lãng Nhân là bậc thầy cả về tuổi đời, tuổi nghề và kiến thức, đối với tôi. Tôi đã viết một bài về Lãng Nhân mà, cho tới hôm nay, tôi vẫn nghĩ răng, cả đời viết văn của ông, chưa ai viết về ông nồng nhiệt hơn tôi. Tôi ví ông như Vũ Ngọc Phan ví Trần Trọng Kim “trong hoàng hôn của Nho học, còn cố gắng đi nhặt từng viên gạch xây dựng tòa nhà Nho giáo”. Khi phê bình ông, tôi đem lời thầy của tôi là cụ cử Trịnh Đình Rư ra nhận xét, không dám nói mình nhận xét. Thí dụ hai câu thơ của Trần Tế Xương:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo nổ
Om xòm trên vách bức tranh gà
Lãng Nhân chép:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo nổ
Trang hoàng trên vách bức tranh gà
Tôi viết, đại ý: Theo thầy tôi dạy thì “đì đẹt” đối với “om xòm” mới chỉnh. “Đì đẹt” đối với “trang hoàng” không chỉnh. Trẻ con, nhóm đốt pháo chuột ngoài sân, nhóm om xòm giành chỗ dán tranh gà trên vách.
Thí dụ hai câu cuối của bài Hồ trường, Lãng Nhân viết:
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Tôi viết đại ý: Theo thầy tôi dạy thì, khi bỏ Đông kinh nghĩa thục về đầu hàng Pháp, Nguyễn Bá Trác muốn rót tâm sự của mình vào Hồ trường. Hai câu cuối là sự than vãn rửa mặt, không phải là sự bày tỏ chí khí. Đã về hàng giặc, còn chi nữa mà tang bồng hồ thỉ. Và chữ “ở” nó lại thiếu nhạc điệu trong thơ. Vậy thì thế này có lẽ đúng ý Nguyễn Bá Trác:
Nam nhi sự nghiệp, ô hồ thỉ!
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Đến những chỗ Lãng Nhân viết “cụ tam nguyên Yên Đổ, ông tú tài Vị Xuyên” thì tôi không đồng ý. Tôi đã viết, đại ý, theo tôi những người nào đã bước cả hai chân vào văn học hay chỉ mới bước một chân vào văn học, tước vị, khoa bảng của họ không nên nhắc nhở nếu không phải là viết tiểu sử họ. Càng không nên gọi họ là ông, là cụ. Như thế mất vẻ kính trọng và thân mật, gần gũi. Không ai gọi Monsieur Corneille, Monsieur Victor Hugo, Mr Hemingway, Madame Colette, Mrs Pearl Buck cả. Cũng vậy, tôi không gọi ông giám đốc Kim Lai ấn quán Phùng Tất Đắc, mà gọi Lãng Nhân trống không để bày tỏ lòng tôn kính, thân mật …
Tôi đưa bài “Đọc Chơi chữ của Lãng Nhân” cho Nguyễn Mạnh Côn đọc trước, anh ta gật gù:
- Anh Đắc phải mời cậu đi uống rượu. Cậu ít tuổi mà đọc anh ấy kỹ thế, anh ấy cảm động lắm đấy.
Trên mục “Nói hay Đừng”, Hiếu Chân “tiên sinh”, trong một bài nào đó, có thòng câu: “Mới đây, Hiếu Chân tôi có đọc bài nhận xét cuốn Chơi chữ của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đăng trên bán tuần san Chiến Đấu. Theo Hiếu Chân tôi, bài nhận xét này thật đầy đủ và xác đáng, tưởng chẳng nên bàn thêm”. Tuần lễ sau, vẫn trên mục “Nói hay Đừng” của nhật báo Tự Do, đăng bài của Lãng Nhân với lời mào đầu của Hiếu Chân “tiên sinh” không đồng ý với “ông thanh niên” Duyên Anh và bợ Lãng Nhân ra mặt. Hiếu Chân là yêu sự thật. Tuần lễ trước hiếu chân là “đầy đủ và xác đáng”, tuần lễ sau yêu sự thật là “không đồng ý” với cái mình đã đồng ý.
Tôi vốn chê Hiếu Chân “tiên sinh” từ hôm “tiên sinh” ấy sang nhờ Tam Lang xin lỗi Lê Thành Cường. Chả là, “tiên sinh” vừa mới đánh đập Chuyện chúng mình của Phạm Hậu rất thô bỉ, tàn bạo. Lê Thành Cường, quản lý Chiến Đấu to con như Phạm Hậu, lừng lững đến Tự Do, leo lên lầu, tìm đúng chỗ Hiếu Chân “tiên sinh” uy vũ bất năng khuất ngồi mà hỏi kiểu cửa quyền: “Ông có phải là Hiếu Chân không?” Hiếu Chân “tiên sinh” tưởng Phạm Hậu kiếm mình cho vài cái bợp tai, bèn quên uy vũ bất năng khuất nhớ vội triết lý “Tránh voi” mà rằng: “Tôi không phải Hiếu Chân đâu. Hiếu Chân về nhà rồi!” Lê Thành Cường xuống lầu. Đợi một lúc, Hiếu Chân “tiên sinh” mới cho gọi ông gác cửa lên mắng mỏ:
- Tại sao người lạ mặt tìm tôi, anh không báo?
- Lạ gì, ông kỹ sư Lê Thành Cường bên báo Chiến Đấu chứ ai!
Lê Thành Cường “nhất cố thảo lư” mời Hiếu Chân “tiên sinh” viết bài, “tiên sinh” lại ngỡ Phạm Hậu “vấn nạn”! Bây giờ, tôi khinh bỉ Hiếu Chân. Bài báo của Lãng Nhân đăng một kỳ, ngắn ngủi, chỉ nhằm mỗi mục đích: Ông ta không thèm thân mật với hạng vô danh như tôi. Tôi lấy làm đau quá. Tôi đã dành cho các bậc thầy, các bậc đàn anh văn nghệ của tôi tất cả lòng ngưỡng mộ, tôn kính. Bậc thầy không nhận. Bậc thầy chỉ khoái nịnh bợ, không cho phép con em nhẹ nhàng sửa sai giùm mình. Thế thì phê bình là gì? Ưu điểm là gì, khuyết điểm là gì? Tôi bèn viết một bài dài, đăng 3 kỳ trên mục “Nói hay Đừng” trả lời Lãng Nhân. Hiếu Chân “tiên sinh” đặt cái tít “Ông thanh niên Duyên Anh phản pháo” với lời mào đầu xỏ xiên “ông thanh niên”. Lãng Nhân im lặng. Chưa đủ nguôi phẫn nộ, tôi viết trên mục “Phim đen trắng” của Chiến Đấu, ký Người Thanh Niên, công kích Lãng Nhân nặng nề. Tôi ví Lãng Nhân như bình vôi đặc xịt tự ái. Tôi bảo Lãng Nhân hãy theo dõi bước đường tôi đi. Tôi còn trẻ, tôi sẽ đi xa. Lãng Nhân già rồi, không đi nổi nữa.
 
Năm 1970, khi đáng ký sách Nhà tôi, bản đặc biệt, cho độc giả ở lầu 1 Crystal Palace, anh Kỳ, em họ của Lãng Nhân, đem cho tôi tác phẩm Trước Đèn, bảo rằng của Lãng Nhân gửi tặng. Tôi lật trang đầu ra, đọc lời đề tặng của Lãng Nhân: “Trang tặng nhà văn Duyên Anh”. Tôi lấy làm cảm động và kính phục Lãng Nhân Phùng Tất Đắc vô cùng. Bậc thầy đã theo dõi tôi. Bậc thầy không giận tôi. Tôi gửi tặng bậc thầy cuốn Nhà tôi. Xin ghi ở đây lời biết ơn chân thành của kẻ hậu sinh đối với bậc thầy đại lượng khoan dung …°
Tôi đưa bài cho Tam Lang đọc. Ông nói, giọng buồn bã:
- Không phải lỗi ở ông. Ông bầy tỏ thiện ý trước. Rất tiếc ông Lãng Nhân … Có thể bỏ bài này được không?
- Thưa cụ, tùy cụ.
- Tùy ông.
- Thưa cụ, không có học trò tha lỗi cho thầy, chỉ có thầy không thèm chấp với học trò.
- Thuở còn trẻ, tôi giống hệt ông bây giờ. Vậy tôi cho đăng để ông Lãng Nhân hiểu sự phẫn nộ của một người tuổi trẻ kính trọng người già mà bị người già xử tàn tệ.
- Cám ơn cụ.
Sau loạt bài công kích Lãng Nhân, lòng tôi nguội hẳn với các nhà văn, nhà thơ tiền chiến di cư. Họ cũng hẹp hòi như đàn anh Duy Dân của tôi. Tôi chưa tìm thêm được Lý Vô Danh và Vương Tần, hai tâm hồn chứa nổi tâm hồn tôi. Cơn phẫn nộ còn âm ỉ thì Lê Minh Ngọc xuất bản thi phẩm Hoa thề gửi tặng tôi, nhờ tôi viết bài giới thiệu. Tôi khen Lê Minh Ngọc vung vít và nhắm vào bài tựa của Vũ Hoàng Chương mà công kích “thủ bút” và thơ nhị thập bát tú. Tôi không hề đụng chạm gì tới bậc thầy Vũ Hoàng Chương cả. Tôi chỉ nói tôi không thích thủ bút trên sách. Thủ bút trên lụa để treo mới đẹp, mới có ý nghĩa. Và tôi khuyên Lê Minh Ngọc hãy làm thơ như Lê Minh Ngọc thích làm. Đừng bắt chước Vũ Hoàng Chương. Nhị thập bát tú là tiếng nói thoi thóp của những ông đang hấp hối trong hoàng hôn mượn hơi triết lý giối già. Lê Minh Ngọc còn trẻ, còn căng nhựa sống, hãy đẩy thơ thoát ra cho thơ chạy nhảy, nhào lộn, đánh đu trên giây đời.
Đến cả tháng, Lê Minh Ngọc mới mời tôi đến quán Hòa Mã “cà phê, ba tê, xúc xích, bánh mì” của anh ta ở đường Cao Thắng, cho tôi uống bia mà tâm sự:
- Bài anh viết cho tôi tốt quá. Tôi không dám qua nhà ông Chương.
- Tại sao?
- Sợ ông ta ghét anh, giận tôi.
- Thế à …
- Hôm nọ ông Chương ghé tìm tôi. Ông ta bảo Trần Phong Giao đã đem bài của anh đưa ông ta coi và nói anh “dũa” ông ấy.
- Rồi sao?
- Ông ấy cười.
- Ông ấy có đọc bài không?
- Có.
- Ông ấy chửi tôi?
- Không. Ông ấy khen anh viết hay, viết đúng. Ông ấy nhắn tôi dẫn anh đến nhà ông ấy chơi để nghe ông ấy giảng giải về thủ bút của ông ấy. Ông ấy nói, tại anh chưa hiểu nghệ thuật thủ bút, hiểu rồi anh sẽ mê.
Vũ Hoàng Chương mới đúng là bậc thầy. Cung cách trái núi đó, có lẽ, chỉ Vũ Hoàng Chương có. Và Vũ Hoàng Chương là trái núi. Tôi kính trọng, nể vì, ngưỡng mộ, khâm phục Vũ Hoàng Chương. Và một Vũ Hoàng Chương thôi. Sau này, thêm Lãng Nhân Phùng Tất Đắc.

o O o

Võ Tứ Cầu, viết bài chẳng ra gì, ký tên lập dị VoTuCau, không được phép xía vào tòa soạn Chiến Đấu nữa. Ông Cao Xuân Dương “gài” một người của ông ta ngồi cạnh Tam Lang. Tôi không ưa gì gã Võ Tứ Cầu. Gã yêu cầu tôi đem những số báo có bài của gã đến tặng đào của gã đóng dấu Báo Biếu lấy le. Tôi chỉ gửi bằng đường bưu điện. Tuy đã có “mật vụ” nhòm ngó, Tam Lang vẫn phải đích thân đem bản vỗ cho ông Cao Xuân Vĩ duyệt ký. Tôi không hiểu vì lý do nào mà lần nào Tam Lang “trình” bản vỗ, Cao Xuân Vĩ cũng chê bai. Giận quá, Tam Lang giao trách nhiệm “trình” bản vỗ cho tôi. Và tôi cũng không hiểu vì lý do nào ông Cao Xuân Vĩ đặt bút ký liền mỗi lần tôi vào văn phòng của ông ta°°. Nhân viên ở tổng nha thanh niên,từ trên xuống dưới, nem nép sợ hãi ông. Tôi thấy ông ta đâu có hách dịch. Có lẽ, cái thái độ cúi gầm mặt, tinh thần sợ mất niêu cơm, tinh thần sợ bị đổi xa thành phố đã gây ra sự khiếp nhược. Và sự khiếp nhược giết chết dân chủ. Giết chết luôn lãnh tụ.
Bây giờ, đến lượt Phạm Cao Củng bỏ ngang Lời thề trên đất giặc, vì tòa soạn thiếu nhuận bút của ông ta đã hai tháng. Ông ta không thèm đưa bài nữa. Tôi có bổn phận viết hai kỳ “tàn sát” các nhân vật của ông “trên đất giặc”. Trước khi các nhân vật nhắm mắt, tôi cố cho họ hiên ngang phóng những “lời thề”… đồng bào di cư sẽ Bắc tiến! Giết xong nhân vật tiểu thuyết của Phạm Cao Củng, tôi trở về ngồi ở Phòng học tập của Sở Tuyên huấn Tổng nha thanh niên. Người ta không cần tôi … sửa “mo rát” báo Chiến Đấu nữa. Nửa tháng sau, Tam Lang cũng bị trả lại Tổng nha. Tôi làm việc với chủ sự Nguyễn Thế Xương và chánh sự vụ Phan Ngọc Cẩn, em ruột giáo sư Phan Ngô. Xương và Cẩn đều tốt nghiệp Quốc gia hành chánh, đều chịu chơi và đều dám ngẩng mặt. Phòng của tôi có ba biên tập viên, hai nữ, một nam: Đinh thị Kim Minh, Nguyễn thị Mậu, Hồ Minh. Họ đều có cử nhân luật cả. Nhiệm vụ của họ là soạn bài thuyết trình học tập cuối tuần về Ấp chiến lược, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ bán quân sự, Nhân vị chủ nghĩa đại cương … Nhiệm vụ của tôi là mỗi tuần viết một bài đọc 5 phút trên Đài phát thanh Sài gòn võ trang tư tưởng chiến đấu cho Thanh niên cộng hòa.
Công việc của tôi thật nhàn hạ. Tôi được phép đến muộn về sớm, miễn là bài phát thanh của tôi nộp đúng hẹn. Ngồi ở Phòng học tập, thì giờ nhiều quá, tôi lại viết truyện ngắn. Lâu rồi, tôi bỏ truyện ngắn. Gần gũi bậc thầy phóng sự và phiếm luận Tam Lang, tôi chưa học được bài học nào xứng đáng. Ông ta chưa dạy tôi bài học nào thì đúng hơn. Tôi bắt đầu lại bằng truyện ngắn Trên sông tình thương. Rồi Biên giới, Người có tội, Bụt và trẻ thơ. Tôi mới viết xong bốn truyện, thì, vì nhu cầu phản tuyên truyền, Tổng nha yêu cầu tôi sản xuất một loạt ca dao chống cộng cung ứng cho thanh niên nông thôn. Tôi bỗng cụt hứng truyện ngắn. Người ta lại khám phá ra “Tài liệu học tập của Thanh niên cộng hòa” do Sở Tuyên huấn Tổng nha thanh niên xuất bản bầy bán khắp vỉa hè Lê Lợi. Chỉ có cái bìa in giống hệt, bên trong là truyện thơ ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh làm theo thể thơ lục bát. Người ta chỉ thị tôi căn cứ vào nguyên bản, chế ra hai bản khác.
Một: Ca ngợi tổng thống Ngô Đình Diệm.
Hai: Xuyên tạc sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi phải làm công việc tôi không thích tí nào. Biết sao bây giờ? Tôi đành thi hành chỉ thị. Và tôi phóng tác thơ của Hà nội theo tinh thần chủ sự Nguyễn Văn Quảng đã khuyên tôi. Cuối cùng, Sở Tuyên huấn ấn loát và tung ra thị trường với sự tiếp sức của Tổng nha thông tin. Nghĩa là, Thông tin đi tịch thu tài liệu tuyên truyền của cộng sản và áp lực những người bán sách vỉa hè bầy tài liệu phản tuyên truyền. Thời kỳ này, người ta còn khám phá ra tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn, bìa y boong Phượng Giang xuất bản, ruột là tài liệu chống Mỹ cứu nước.
Sau dịch vụ này, Sở Tuyên huấn mở cuộc thi thơ chiến đấu dành riêng cho Thanh niên cộng hòa. Tôi đặc trách đọc và loại. Người ta mời Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Mạnh Côn chấm giải. Tôi lãnh nhiệm vụ liên lạc với Ban giám khảo. Nhờ đó, tôi quen biết Doãn Quốc Sĩ và có dịp gặp Vũ Hoàng Chương. Tôi gọi Vũ Hoàng Chương là thầy, xung con vì “sư phụ” Đàm Viết Minh, rồi vợ tôi đều là học trò của Vũ Hoàng Chương. Tôi nhớ lần đến nhà Vũ Hoàng Chương ở hẻm Phan Đình Phùng, bậc thầy nhắc chuyện cũ:
- Tại sao Duyên Anh chê thủ bút?
- Thưa thầy, con đâu dám chê thủ bút của thầy. Chữ thầy bay múa nhất thiên hạ. Con thích thầy viết vài câu thơ của thầy trên lụa hay trên giấy cho kẻ được chữ của thầy về cung kính treo. Chứ, thầy viết cả bài tựa in sách, nhỡ sách bầy vỉa hè bán “xon” thì sao?
- Chú có lý.
- Cám ơn thầy.
- Ngoài Bắc, Duyên Anh ở đâu?
- Con ở Thái Bình.
- Năm 1948, tôi dạy Thái Bình đấy.
- Con biết. Thầy dạy ở làng Phù Lưu, bên kia sông Trà Lý. Con ở Vũ Tiên, bên này sông. Bạn con học thầy đông lắm.
- Thế à!
Vũ Hoàng Chương ký tặng tôi thi phẩm Rừng phong. Chúng tôi nói chuyện Thái Bình thời hậu phương kháng chiến. Tôi đọc thơ Vũ Hoàng Chương cho Vũ Hoàng Chương nghe.
- Tôi không ngờ.
- Thầy không ngờ gì?
- Chú thuộc thơ của tôi nhiều quá.
- Thầy còn nhớ bài Duyên không?
- Bài Duyên của tôi?
- Vâng.
- Không có đâu.
Tôi đọc mấy câu:
Đau đớn nhỉ áo nàng Bân chậm gửi
Trời quan san ảm đạm khói mờ bay
Những tay ngọc sao còn chưa dệt cửi
Đã lâu rồi trống trận nguyệt lung lay
Vũ Hoàng Chương cười rất hiền:
- Nhớ rồi. Tôi đã đổi cái tựa đề.
- Bài này thầy làm ở Phù Lưu trong chiến dịch mùa đông binh sĩ.
- Đúng. Sao chú biết rõ thế?
- Bạn con kể và con đã học bài này.
Tiễn tôi ra cửa, Vũ Hoàng Chương dặn:
- Thỉnh thoảng ghé chơi nhé!
- Dạ.
- Đừng ngần ngại gì nhé!
- Dạ.
Đó là kỷ niệm gặp gỡ Vũ Hoàng Chương lần đầu tiên của tôi. Nhờ văn nghệ, tôi đã quen biết Tam Lang, Vũ Hoàng Chương, hai người mà bố tôi ngưỡng mộ. Tôi hy vọng sẽ gặp thêm những danh sĩ, thần tượng của bố tôi.

o O o

Cuối năm 1962, tôi tham dự khóa học Ấp chiến lược tổ chức ở Thị Nghè. Khóa học kéo dài 2 tuần lễ, dành cho công chức các cấp giám đốc, chánh sở, chủ sự, hiệu trưởng của cả miền Nam. Tôi không thấy hào hứng gì cả. Giảng viên nói rất buồn ngủ, nói như vẹt. Bài giảng nào cũng xoay quanh công thức Tam túc cộng Tam giác cộng Tam nhân bằng Nhân vị. Chẳng một điểm sáng tạo nào. Tất cả tình nguyện làm vệ tinh xoay quanh hành tinh Ngô Đình Nhu. Ông Nhu thiếu tài ăn nói. Giọng ông mệt mỏi. Ông nói rời rạc như cơm nguội khô vì ông phải tìm chữ Việt để dịch tiếng Pháp. Nghĩa là, ông ta nghĩ chữ Pháp trước, dịch tiếng Việt sau. Một lãnh tụ thanh niên như thế thì không tài nào hấp dẫn nổi tuổi trẻ. Ông Nhu không có chính sách thanh niên căn bản. Ông nói về thanh niên theo ngẫu hứng của ông. Người ta tổng hợp “danh ngôn” Ngô Đình Nhu mà viết chính sách thanh niên cọng hòa. Thực ra chính sách ấy không thể gọi là chính sách. Tham vọng của ông là gom tuổi trẻ thành phố vào đoàn Thanh niên cộng hòa và tuổi trẻ nông thôn vào đoàn Thanh niên chiến đấu. Nhưng ông ta quên mất “danh ngôn” của ông ta: “Lý tưởng của người thanh niên cộng hòa là đi xuống những người Việt Nam thiệt thòi nhất để cùng nhau tay nắm tay xây dựng một chế độ công bình, tự do, dân chủ thực sự”. Lý tưởng dân chủ thực sự của ông lại không cho phép ông độc tài chuyên chế. Ông ta đã độc tài, cưỡng bức học sinh trung học công lập, công chức trẻ vào đoàn Thanh niên cộng hòa. Ông ta không có sinh viên. Sinh viên chống ông Ngô Đình Nhu. Thành ra, tư tưởng thanh niên của ông tốt, chính sách của ông phiến diện và những người thực thi chính sách ấy đã phản bội ông, biến ông thành kẻ độc tài. Tuy nhiên, tôi phải cám ơn ông Ngô Đình Nhu, vì một vài “danh ngôn” của ông, một vài ưu tư về thanh niên của ông đã giúp tôi suy nghĩ về những vấn đề tuổi trẻ. Trong khóa học Ấp chiến lược, người nói quyến rũ người nghe là ông Trần Kim Tuyến. Rất tiếc, ông ta nói ngọng, l thành n. Đó vấn đề chúng ta cần phải thảo nuận nại!”. Người hò hét kỹ nhất là ông Trương Công Cừu. “Trí thức phải chui vào cầu tiêu quét rửa sạch sẽ cầu tiêu. Đó mới là thái độ trí thức dấn thân làm đẹp xã hội”.
Sau khóa học Ấp chiến lược, tôi dời nhà sang ngõ D. Lại cuối lối, đối diện nhà Dương Thiệu Tước – Minh Trang. Lúc này, Quỳnh Dao còn bé tí. Đầu lối là nhà văn nghệ cao nhất nước Hoàng Anh Tuấn. Tôi chưa quen biết anh ta. Hoàng Anh Tuấn đang chuẩn bị quay phim Hai chuyến xe hoa, căn nhà của anh ta dập dìu tài tử, giai nhân. Bây giờ, tôi đã có đứa con trai đầu lòng. Gia đình tôi sống khá chật vật với số lương khoán của tôi. Đặng Xuân Côn phải viện trợ đều đặn cho tôi. Nó nuôi gia đình tôi đầy đủ hơn nó nuôi gia đình nó. Côn đã sắm tặng tôi cái Vespa của Ý mới toanh, chấm dứt thời Vélovap. Tôi chưa kiếm thêm được đồng nào. Rất bứt rứt, khó chịu vì cái nghề Biên tập viên … nhà nước. Tôi nghĩ rằng, giấc mộng văn chương của tôi sẽ tàn lụi ở cái “nghề” làm thơ chống cộng và phóng tác thơ cộng sản, biến chế nó thành thơ ca ngợi Ngô Đình Diệm. Như thế, con người tôi đã bị điều kiện hóa một phần và sẽ bị điều kiện hóa toàn phần. Tôi sẽ chỉ là thứ văn nô của chế độ. Không ai biết, nếu tôi thủ khẩu. Nhưng tôi không nói dối với chính tôi được. Tôi không được phép gian dối. Văn chương là nơi dễ dàng phô diễn sự gian dối. Nhà văn chỉ có thể lừa gạt độc giả một lần. Hai lần là cùng. Y khó lòng lừa gạt độc giả đến cuốn sách thứ ba. Nhà văn muốn nói dối cũng chẳng dễ dàng, bởi vì văn chương của y sẽ tố cáo y. Như vậy, nhà văn không sợ hãi nọc độc của rắn rết, chó dại của cuộc đời nhằm y phun phì, cắn ngoạm. Y chỉ sợ hãi văn chương – tư tưởng của y. Và y nên sợ hãi, rất nên sợ hãi mình không dám viết sự thật, không dám phản kháng, không dám phẫn nộ. Khi ấy, nhà văn cúi mặt. Không còn gì để nói về y, để nhắc tới y nữa. Y đã bị điều kiện hóa tâm hồn bằng dọa nạt và bằng cả mua chuộc.
Tôi muốn thoát ra khỏi Tổng nha thanh niên. Bây giờ thì hơi khó. Bởi tôi đã có gia đình. Nhưng tôi tâm niệm phải bỏ nghề biên tập viên nhà nước. Tháng 2-1963, nhật báo Cách mạng quốc gia thuê tôi viết “hồi ký” Tôi đi học … Ấp chiến lược. Tôi đã viết đúng 26 số báo. Người ta trả tôi 4000 đồng. Kế đó, tạp chí Văn Hữu thuê tôi viết trọn vẹn số báo đặc biệt về Thanh niên cộng hòa. Tôi có dịp nghiên cứu huấn từ, huấn thị và các bài phát biểu về thanh niên của ông Ngô Đình Nhu. Tôi triển khai tư tưởng đứt khúc của ông Nhu và sắp xếp mạch lạc bằng 6 bài đăng trên Văn Hữu không ký tên Duyên Anh. Người ta trả tôi 8000 đồng. Tháng 4-1963, đạo diễn kiêm tài tử kiêm viết truyện phim, kiêm sản xuất Nguyễn Long đến Tổng nha thanh niên xin yểm trợ phương tiện để thực hiện một phim nêu cao lý tưởng thanh niên thời đại. Người ta bảo tôi đọc truyện phim của Nguyễn Long rồi làm phúc trình. Nguyễn Long ra vô nhiều lần gặp gỡ tôi. Tôi quen biết anh ta từ đó. Mùa hè 1963, thanh niên chiến đấu ở hai quận Mộ Đức và Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi đã lập chiến công lớn, chứng minh chân lý Ấp chiến lược. Ông Ngô Đình Nhu bay ra, gắn hàng trăm huy chương cho thanh niên và dân vệ. Sở Tuyên huấn cử tôi đi quan sát những nơi xẩy ra các trận đánh ngoạn mục của nhân dân Quảng Ngãi chống cộng sản. Tôi đã đến Vạc Mía, nơi mà các vị Khổng Minh nhà quê lừa cộng sản vô giữa vạc mía rồi nổi lửa đốt chung quanh khiến cộng sản chết cháy thê thảm. Tôi đã lên đồi Quýt Lâm. Tôi đã tới nhiều chỗ, gặp nhiều “anh hùng nhân dân”. Và tôi trở về viết cuốn Lớp lớp vùng lên.
Cuốn sách viết xong, Sở Tuyên huấn cho tôi nghỉ một tháng tại … Tổng nha không phải làm gì cả. Thời gian này, Đặng Xuân Côn xuất bản tập truyện ngắn đầu tay của tôi: Hoa thiên lý, mượn tên Giao Điểm của Trần Phong Giao. Tôi trở thành một tác giả có sách. Hoa thiên lý được ấn loát tại nhà in Nguyễn Đình Vượng. Côn chỉ dám in 1200 cuốn, nhờ Trần Phong Giao phát hành. Ngoài một bài phê bình nặng tính cách thân hữu của Thượng Sĩ đăng trên nhật báo Dân Việt, ngoài một bài điểm sách ngắn ngủi của Nguyễn Đình Toàn đọc trên Đài phát thanh Sài gòn, ngoài một bài phê bình của Đặng Tiến viết theo “chỉ thị” của Trần Phong Giao không mấy thuận lợi đăng trên Tin Sách, chẳng còn thấy tuần báo văn nghệ nào, tạp chí văn chương nào thèm giới thiệu Hoa thiên lý, phê bình Hoa thiên lý. Tôi không hiểu tại sao Trần Phong Giao đã hoan hỉ cho Đặng Xuân Côn mượn tên nhà xuất bản của anh ta mà anh ta lại “kê một cái toa” ra lệnh cho Đặng Tiến vùi dập Hoa thiên lý của tôi. Tôi im lặng. Trước Hoa thiên lý của tôi, ông Tổng giám đốc Thông tin Phan văn Tạo cho Kim Lai ấn quán xuất bản tập truyện Cái bong bóng lợn, cả làng báo văn nghệ xúm nhau hít hà, khen ngợi như họ đã xúm nhau hít hà, khen ngợi Nhạc dế của Đổng lý văn phòng Phủ tổng thống Đoàn Thêm. Tôi thấy văn thơ của hai nhà cai trị này cũng bình thường thôi. Nhờ hai vị làm quan to, nhất là ngài Phan văn Tạo nắm linh hồn báo chí nên khá đông phê bình gia văn học đã khen “tác phẩm” của ngài để hy vọng được ngài chiếu cố. Quan to làm văn nghệ nhiều lợi điểm lắm. Đến cả thi sĩ Bộ trưởng lao động Huỳnh Hữu Nghĩa, thi sĩ Thủ tướng Trần văn Hương, thi sĩ Dân biểu Kiều Mộng Thu cũng được đi vào văn học sử của ông Nguyễn Đình Tuyến đấy!
Những tác giả mới của Việt Nam, ở không gian và thời gian nào cũng thiệt thòi. Họ không được đàn anh đoái hoài, hoặc không được đàn anh nhìn nhận họ bằng tâm hồn đại lượng. Đàn anh leo lên đỉnh cao, đàn anh xô thang ngã rạp. Nhiều tác giả mới tuổi nhỏ đã bỏ cuộc sau khi tác phẩm thứ nhất của mình rơi vào thờ ơ, quên lãng. Khi những người phê bình văn học đánh mất thiên chức của mình, khi chỉ còn những kẻ tự nhận mình phê bình văn học bằng chủ quan ngủ xuẩn của mình, khi phê bình một tác phẩm ca ngợi khiến buồn nôn hay dập vùi bắt phẫn nộ, tôi nghĩ, những tác giả tuổi nhỏ nên khinh thường phê bình. Cứ âm thầm mà viết nếu độc giả yêu chuộng tác phẩm của mình. Như tôi, chẳng hạn. Tôi đã có 70 tác phẩm. Những kẻ suốt đời rình mò đánh đập văn chương của tôi không hề có lấy một cái truyện ngắn hạng bét. Tôi cho rằng, những tên vô lại văn nghệ cũng là cảm hứng viết lách của nhà văn chân chính vậy. Bởi vì, sự cắn sủa của chúng đã làm độc giả bất bình và yêu mến nhà văn hơn.
Tập truyện Hoa thiên lý của tôi không gây một tiếng vang nào cả. Tôi không mấy ngạc nhiên. Nếu tôi có báo hoặc, nếu tôi cộng tác thường xuyên với một tuần báo văn nghệ, tôi sẽ được độc giả chú ý bằng những cột quảng cáo loan tin sách của tôi đã xuất bản. Cứ coi tôi như một tác giả tự xuất bản tác phẩm của mình. Một tác giả tự xuất bản tác phẩm của mình thì có nhiều hẩm hiu, trừ khi ông ta lập một nhà xuất bản và liên tục xuất bản sách của mình. Một tác giả tự xuất bản tác phẩm đầu tay của mình càng nhiều hẩm hiu. Hắn ta không đủ phương tiện quảng cáo. Vì nghèo, vì không phải là ông Tổng giám đốc Phan văn Tạo, hắn ta đành ngậm ngùi. Nhưng tôi không nản. Lòng yêu mến văn chương và khao khát làm văn chương của tôi còn nguyên vẹn. Tôi nghĩ rằng, mỗi cuốn sách có một số phận riêng của nó. Tác phẩm đầu tay chưa thể quyết định sự nghiệp văn chương của một nhà văn. Riêng tôi, Hoa thiên lý là một cánh cửa sổ đã mở để tôi nhìn tôi khởi sự những truyện ngắn chan chứa tình người. Nó rất quan trọng đối với tôi, bởi vì, nó là hành tinh tư tưởng và trọn đời tôi, tôi xoay quanh cái hành tinh đó để phô diễn văn chương nhân bản của tôi. Tôi xoay thật chậm, xoay theo sự trưởng thành của kiến thức và tuổi tác của tôi. Rất hiếm nhà văn có thể làm được tư tưởng trong văn chương của mình ở tuổi dưới ba mươi.
Một tháng, sau ngày phát hành Hoa thiên lý, Trần Phong Giao bảo anh ta chỉ phát hành giúp được hơn 400 cuốn và thanh toán tiền cho Đặng Xuân Côn. Gần hòa tiền vốn xuất bản. Thế là … thành công lớn. Côn khuân sách gói dán kỹ lưỡng đem về vất ở góc phòng khách nhà tôi. Nhiều quá. Sách còn mới toanh, còn thơm mùi mực nhà in.
Cứ để đó, sẽ tính sau nhé, Hoa thiên lý !

o O o

Từ tháng 8-1963, không khí chính trị Sài gòn bắt đầu ngột ngạt. Phong trào Phật giáo chống chế độ Ngô Đình Diệm từ Huế đã lan vào miền Nam. Cơn lốc của thời đại muốn thổi tung cái mà người chống đối gọi là “độc tài, gia đình trị, kỳ thị tôn giáo”. Không ảnh hưởng gì đến tôi cả. Tôi không phải là người của chế độ, không phải là người của phe nhóm chế độ. Nên tôi dửng dưng. Như tất cả tuổi trẻ, tôi thích cái mới, thật mới, luôn luôn mới, mãi mãi mới, thành thử, tôi mong đợi một sự thay đổi mới. Mong đợi và không tham gia.
Bây giờ, Võ Tứ Cầu, cựu bí thư của Tổng giám đốc Cao Xuân Vĩ, trở thành người công chức bơ vơ. Gã không có chỗ ngồi ở Sở, ở Phòng nào cả. Người ta giao cho gã công tác soạn thảo kế hoạch. Võ Tứ Cầu lên lầu 1 rộng thênh thang, dẫy bên phải, làm việc một mình. Tôi cũng chiếm một cái bàn ngồi với Võ Tứ Cầu cho vui. Mỗi tuần, tôi lại viết một bài phát thanh cảnh giác Thanh niên cộng hòa trước âm mưu phản loạn của nhóm quá khích tôn giáo và triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo anh minh của Ngô tổng thống. Tôi cứ việc xào xáo bài của nhật báo Cách mạng quốc gia, vừa tiện vừa lợi. Thời gian này thật buồn bã. Người ta muốn công chức có mặt đầy đủ, đúng giờ giấc để “kịp thời ứng phó với tình thế”. Tôi hết được đến muộn về sớm. Thế là tôi viết Thằng Vũ, truyện dài đầu tiên trong cuộc đời viết văn của tôi. Lại là cuốn thứ nhất của bộ tiểu thuyết gồm 6 cuốn mới bạo phổi chứ!
Những ồn ào xuống đường, xuống phố hoan hô, đả đảo hôm nay gợi nhớ những ồn ào xuống phố, xuống đường thời niên thiếu của tôi, 18 năm trước. Tôi đã chứng kiến một cảnh đảo chính ở huyện Phụ Dực trước ngày Nhật đảo chính Pháp ở thị xã Thái Bình. Dân làng của ông Tư Mi, người Việt Nam thân Nhật, kéo lên huyện đường đả đảo tri huyện Phạm Gia Đĩnh. Viên tri huyện này là hung thần của Phụ Dực°°°. Tôi đã chứng kiến cảnh phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp ở thị xã Thái Bình, đã chứng kiến ông Tây chân đất kéo xe bò, bà Đầm đứng khóc sướt mướt. Tôi đã chứng kiến cảnh đồng bào tôi chết đói vụ tháng ba năm Ất Dậu, đã đi đếm xác người, đã thấy người sống ăn thịt người vừa chết ở gầm cầu Bo, đã tình nguyện vào Đoàn khất thực đi “ăn mày” cơm bánh tiếp tế cho đồng bào đói. Tôi đã chứng kiến cảnh Nhật lùn chặt đứt tay người Việt Nam, treo dộng đầu người Việt Nam trên cây, chỉ vì người Việt Nam đói đi ăn cắp thóc của người Việt Nam nuôi ngựa Nhật. Tôi đã chứng kiến ngày tổng khởi nghĩa 19-8 ở thị xã nhỏ bé của tôi. Tôi đã hiên ngang suốt ngày đi biểu tình tuần hành “dắt tay đồng tâm trừ giống giặc lùn”. Tôi đã chứng kiến đê vỡ, lụt lội. Tôi đã chứng kiến Tầu phù sang tước khí giới Nhật. Tôi đã đón tiếp bác Hồ, đã tiêu thổ kháng chiến, đã tản cư. Tôi đã chứng kiến chiến tranh, đã thấy giặc Pháp đốt nhà, giết người, hãm hiếp phụ nữ. Tôi đã vào tề, đã trải qua thân phận người vùng tề, đã thấy tù nhân bị lùa về thị xã sau các cuộc hành quân Thủy Ngân, Cá Chốt, Trái Quýt … Tôi đã chứng kiến cảnh Pháp rút lui khỏi thị xã Thái Bình, đã chứng kiến giải phóng, di cư … Tôi muốn viết lại tất cả những biến cố ấy trong bộ tiểu thuyết Vẻ buồn tỉnh lỵ. Lịch sử 10 năm (1944-1954) được nhìn và suy nghĩ bởi tuổi thơ. Điều tôi định sẽ nói lên trong Vẻ buồn tỉnh lỵ là dầu có đổ nát hoang tàn đến đâu con người sẽ xây dựng lại tất cả, nhưng sự đổ vỡ về tình người thì không thể xây dựng lại được.
Tôi viết Thằng Vũ mới chỉ nhằm giới thiệu những nhân vật tuổi thơ sống hồn nhiên ở cái thị xã nhỏ bé, êm đềm thời nô lệ. Nhân vật của tôi vươn vai theo biến cố của lịch sử. Rồi chúng nó vụt thức cùng tiếng reo hò độc lập. Chúng nó lớn lên, hăm hở theo cha anh chiến đấu bảo vệ đất nước. Chúng nó hạnh phúc? Chúng nó đau khổ? Chúng nó xa lạ nhau, thù hận nhau? Tôi cho rằng, tỉnh Thái Bình của tôi là biểu tượng của Việt Nam 10 năm phiền muộn. Đầy đủ. Tôi viết Thằng Vũ trên lầu 1, dãy bên phải của Tổng nha Thanh niên thể dục và thể thao, đường Đinh Tiên Hoàng, Sài gòn, những ngày làm việc. Chủ nhật, tôi bận đi vận động tranh cử cho Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử. Tôi quen biết Chu Tử dịp này. Rồi Chu Tử tuyên bố rút, không thèm ứng cử dân biểu quốc hội nữa. Anh ta cho xuất bản tiểu thuyết Yêu, một tiểu thuyết đã đăng trên nhật báo Dân Việt. Tên tuổi Chu Tử đã quảng cáo rầm rộ ở cuộc vận động tranh cử dân biểu quốc hội, càng sáng chói khi anh tuyên bố bỏ cuộc chơi nên Yêu của anh xuất hiện trở thành một hiện tượng. Ký giả Nguyễn Trọng phân tách Yêu mấy số báo Ngôn Luận liên tiếp, quảng cáo mạnh cho Chu Tử khiến hai phê bình gia Trần Phong Giao – Đặng Tiến lại xúm nhau vùi dập Yêu. Chu Tử là người biết quảng cáo tên tuổi mình đúng lúc.
Đầu tháng 10-1963, tôi hoàn thành Thằng Vũ. Ở ngoài phố, người ta chống đối chế độ và chế độ đàn áp chống đối ra sao, tôi không biết, không cần biết. Với tôi, không còn cách mạng ở thời đại này. Sự tranh chấp quyền bính giữa những người quốc gia tay sai của Mỹ không mấy hấp dẫn, đối với tôi. Tôi tội nghiệp các ông sư tự thiêu. Bởi tôi hiểu rõ âm mưu tự thiêu. Các vị “bồ tát” đã là nạn nhân của thủ đoạn chính trị đê tiện. Không ai có thể ngồi im lặng cho lửa đốt cháy mình. “Bồ tát” đã bị chích thuốc tê liệt cảm giác rồi. Không có thân thể nào cháy thành tro mà trái tim vẫn tươi rói, đập nhịp đều đặn cả. Chế độ ngu, ngăn cản người ta đi xem trái tim “bồ tát” thì chế độ ráng mà lãnh hậu quả.
Đọc lại Thằng Vũ, sửa chữa rồi đánh máy, tôi tìm thấy ở tôi một bến lạ, một bờ mới. Tôi chưa biết độc giả sẽ phán xét Thằng Vũ ra sao. Riêng tôi, tôi thấy Thằng Vũ “giản dị, tươi sáng, gẫy gọn” và thanh toán hơn Hoa thiên lý. Có vẻ như là nhân vật của tôi đã có da, có thịt. Tôi viết tiếp Thằng Côn, cuốn thứ hai của Vẻ buồn tỉnh lỵ. Buổi chiều 30-10-1963, mải mê viết những trang chết đói tháng Ba – Ất Dậu, tôi không hề biết cả Tổng nha Thanh niên thể dục thể thao đã rút êm lúc nào. Khi tôi nghe những tiếng ồn ào ở sân Hoa Lư, vội vàng xuống nhà. Thấy các phòng vắng hoe, tôi hoảng hốt chạy ra nhà đậu xe. Còn mỗi chiếc Vespa của tôi. Tôi đạp máy, phóng ra khỏi Tổng nha. Những người lính thủy quân lục chiến đã không làm khó khăn tôi trên đường về.
Chú thích:
° Tôi thấy cần thiết viết đoạn này, thay vì phải viết ở cuốn sau. Vì Lãng Nhân đã già lắm, tôi sợ bậc thầy quy tiên trước khi đọc những dòng tâm cảm của tôi.
°° Hôm ra mắt cuốn Nhà tù của tôi ở Disneyland Hotel, Anaheim – CA, ông Cao Xuân Vĩ tới tham dự. Tôi hỏi ông “lý do”, ông Vĩ vỗ vai tôi cười và không nói gì cả.
°°° Xin đọc Hôn em kỷ niệm, cuốn sách nhìn lại thời thơ ấu của Duyên Anh