Phần 15

Buổi cơm chiều hôm ấy vui vẻ hơn mọi khi rất nhiều. Có Thế Phong, không khí trong nhà rộn rã và linh hoạt hẳn lên. Chàng trai trẻ ăn nói mềm mỏng, khéo léo và luôn miệng kể cho cả nhà nghe những câu chuyện vui nhộn khi chàng sống ở nước ngoài.
Bà Hoàng nghe chàng kể, cười mãi không thôi, thỉnh thoảng bà lại xen vào những lời nhận xét dí dỏm khiến cậu cháu cũng phải kinh ngạc và tư hỏi thầm tại sao dì mình dạo này trở nên vui vẻ và cởi mở đến thế. Trong tâm khảm Thế Phong vẫn còn in sâu hình ảnh của một người dì khó tính, nghiêm khắc đến gần như không có tình cảm. Mẹ chàng thường bảo dì chàng là một nữ cường nhân nên tính khí bà mới khắc nghiệt như vậy. Bởi một người phụ nữ mà dấn thân vào chốn thương trường mà bản chất ủy mị thì không thể nào mà thành công được. Chàng cũng để ý thấy bà có vẻ săn sóc cho con dâu của mình, suốt bữa cơm tối bà luôn gắp thức ăn cho Tố Diễm, lại còn dặn dò nàng phải ăn uống đầy đủ thì mới có sức khỏe. Nhưng là một người mẫn cảm, Thế Phong thấy thái độ của dì mình có cái gì hơi quá ló, thậm chí phô trương, giống như muốn nói cho mọi người biết: \"Này nhé, tôi yêu thương con dâu của tôi đến thế. Trên đời, các người có thấy bà mẹ chồng nào tử tế như tôi không?\" Còn Tố Diễm thì sao? Thế Phong nhận thấy nàng có vẽ gượng gạo, không vui khi nhận sự chăm sóc đó của người mẹ chồng. Nàng thậm chí còn có vẻ sợ hãi, khép nép, không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt bà Hoàng.
Tối hôm đó, Thế Phong lui vào căn phòng mà Tố Diễm đã chuẩn bị cho chàng. Nhìn bình hoa hồng tươi thắm đặt trên bàn như vừa mới hái từ trong vườn ra, lòng chàng rất là xúc động. Người phụ nữ trẻ đó ngoài nhan sắc tuyệt vời còn có cái gì đó thật là hiền lành, thánh thiện khiến người ta nhìn vào là đem lòng cảm mến ngay.
"Cảm ơn, Tố Diễm!", chàng trai vừa lấy một bông hồng đặt lên môi mình vừa thì thầm câu nói đó. Chàng đã gặp rất nhiều cô gái quyến rũ, xinh đẹp trong cuộc đời mình nhưng chưa có ai làm cho lòng chàng xao động như người con gái có cái tên là Tố Diễm. Nhưng chàng không dám để cho ý nghĩ của mình đi quá xa vì người phụ nữ đó đằng nào cũng là vợ của anh họ mình. Nhưng chàng thực sự ngưỡng mộ nàng và chàng nghĩ sự ngưỡng mộ kèm theo sự kính trọng trong lòng chàng đối với nàng hoàn toàn không thể coi đó là tội lỗi.
Sáng hôm sau dùng điểm tâm xong, Thế Phong theo Thành Vũ đến đồn điền trà rộng mênh mông của gia đình họ Hoàng. Thế Phong muốn tận mắt trông thấy công nhân trong đồn điền chăm sóc cây trà ra sao đồng thời tìm hiểu quy trình trồng trọt từ khi chọn giống cho đến khi thu hoạch từ người quản lý đồn điền. Muốn cải tiến cách thức trồng trà, chàng phải biết rõ phương pháp canh tác được áp dụng hiện nay là như thế nào.
Hai người dùng điểm tâm xong rồi đến đồn điền rất sớm. Cho đến xế trưa hôm ấy, khi Tố Diễm đang bắt đầu chuẩn bị cơm nước cho buổi chiều trong bếp thì Thế Phong đột ngột quay về.
– Chao ôi, chị Diễm! - Chàng xăm xăm đi vào bếp và nói bằng giọng thân thiện như nói với chị ruột của mình - Chị thử nhìn mặt Phong xem, có phải đã đỏ gay lên rồi phải không?
– Lần sau Phong phải mang nón theo! - Tố Diễm nhìn Thế Phong và nói bằng giọng đầy chăm sóc - Ở ngoài trời cả ngày mà không đội nón thì dễ say nắng lắm. Chị đã có kinh nghiệm về việc ấy rồi, có một lần làm việc ngoài trời cả ngày, đã bị ngất xỉu.
– Phong còn chịu đựng được nên chưa ngất xỉu như chị. - Chàng trai trẻ vừa nói vừa cười hóm hỉnh - Như thế cũng là may lắm rồi phải không chị? Bởi vì đàn ông con trai lưng dài, vai rộng mà ngất xỉu trước mặt mấy cô công nhân thì xấu hổ lắm. Phong chưa bao giờ phơi người ra ngoài trời cả ngày như hôm nay nên chưa có kinh nghiệm cho lắm. Lần sau thì phong sẽ cẩn thận hơn. Rồi thấy trong nhà vắng vẻ khác hẳn tới hôm qua, Thế Phong có vẻ ngạc nhiên:
– Ủa, người làm trong nhà biến đi đâu mất cả rồi hở chị Tố Diễm? Chỉ có mình chị gánh vác tất cả việc nhà hay sao? Tối hôm qua Phong còn thấy bà bếp, chú làm vườn và mấy cô người hầu lăng xăng đi qua, đi lại mà!
– Những người ấy ư... - Tố Diễm cắn môi có vẻ bối rối -... lúc này đang vào mùa thu hoạch trà, đồn điền thiếu công nhân nên ban ngày mẹ cho họ đến đó phụ việc hái trà, thường thì buổi chiều họ mới trở về đây.
– Sao dì lại tính toán như thế nhỉ? - Thế phong nói với vẻ bất bình - Thiếu công nhân thì tuyển vào thêm, có khó gì đâu! Công ty trà của anh Thành Vũ đang ăn nên làm ra, có người còn bảo công việc làm ăn của nhà họ Hoàng đang phất lên như diều gặp gió, bỏ ra một số tiền nhỏ mọn để mướn thêm công nhân đâu khó khăn gì. Người chị mảnh mai, yếu đuối như vậy làm sao kham nổi tất cả mọi việc trong ngôi biệt thự đồ sộ này. Phong phải nói với dì mới được!
– Thôi, Phong... Phong làm ơn đừng nói với mẹ! - Tố Diễn nhìn chàng trai trẻ với cái nhìn đầy vẻ van lơn - Chị quen việc rồi, chị chịu đựng được mà! Nếu phong phàn nàn với mẹ, mẹ sẽ nghĩ là chị biếng nhác... mẹ sẽ có ác cảm với chị...
– Phong sẽ nói rất khéo! - Thế Phong trấn an Tố Diễm - Phong sẽ làm như mình tình cờ nhận ra điều này và thấy lạ nên hỏi dì thôi. Khi phong chưa đi du học, phong vẫn đến đây luôn, lúc ấy ngôi biệt thự này người làm cũng khoảng mươi người là ít. Mà này chị Tố Diễm... - Chàng trai vừa hỏi vừa cau mày có vẻ nghĩ ngợi -... anh Thành Vũ, anh ấy có biết việc này hay không? Nếu anh ấy biết, chắc chắn là anh ấy sẽ không bao giờ để nó xảy ra như vậy.
– Anh ấy không hề biết, Phong à! Tố Diễm nói với vẻ buồn rầu - Mà Phong cũng đừng kể việc này cho anh ấy biết. Anh ấy ban ngày đã vất vả ở sở làm, đến tối mịt trở về nhà là cũng chỉ mong được vài giây phút yên bình thoải mái. Chị không muốn tinh thần anh ấy bị quấy rối vì những chuyện nhỏ nhặt như vậy. - Nói đến đó, Tố Diễm nhìn Thế Phong bằng đôi mắt đầy vẻ khẩn cầu - Phong muốn nói với mẹ về vấn đề này thì cũng lựa lời mà nói kẻo mẹ lại nghĩ chị đã xui Phong làm việc ấy, nhưng phong đừng bao giờ nói với anh Thành Vũ, Phong có hứa với chị không?
Nhìn vẻ buồn bã, chịu đựng trên khuôn mặt của Tố Diễm, Thế Phong thấy rất là tội nghiệp nàng. Và chàng nhận ra những cảm giác ở phòng ăn hôm qua của mình rất đúng. Đúng là có sự không ổn giữa dì của chàng và Tố Diễm. Nếu dì của chàng đã cố ý đày đoạ Tố Diễm như vậy thì những cử chỉ chăm sóc của bà hôm qua hoàn toàn chỉ là một màn kịch. Nhưng tại sao bà ta phải làm như vậy với một người con gái xinh đẹp và hiền thục như thế này? Đó là những điều mà chàng nhất định phải khám phá ra. Nhưng bây giờ chàng nói hay hành động gì cũng phải khéo léo kẻo bà dì đanh đá của chàng lại ghét bỏ nàng thêm. Nghĩ thế chàng bèn trấn an nàng:
– Chị hãy yên tâm, Phong sẽ không nói gì với anh Thành Vũ đâu. Và cả với dì nữa, nếu Phong muốn đề cập đến vấn đề này thì Phong cũng lựa lời mà nói.
– Cảm ơn Phong rất nhiều... vì đã hiểu và thông cảm cho chị. - Tố Diễm nói với Thế Phong bằng giọng trìu mến - Bây giờ Phong đi tắm một cái cho khỏe, trong người sẽ thấy tỉnh táo lại ngay, và sẽ không còn cảm giác say nắng nữa!
– Thấy nàng có vẻ lo lắng cho mình, chàng cảm động;
– Nãy giờ nói chuyện với chị, Phong đã đỡ nhiều rồi. Mà này, chị Diễm, chị có cần Phong phụ chị một tay không? - Nói xong, Thế Phong quơ lấy mấy bó tần ô xanh um đặt gần đó rồi cho vào chậu. Vừa xắn tay áo lên, chàng vừa nói - Chị định nấu canh tần ô phải không? Để Phong rửa hộ chị nhé! Sau đó có cần lặt tôm, thái thịt hay làm gì đó thì chị cứ nói, Phong tình nguyện làm phụ bếp cho chị!
– Ôi, Phong định làm gì vậy? - Tố Diễm hốt hoảng kêu lên - Đàn ông ai lại vào trong bếp chứ! Mẹ thấy thì mẹ rầy chị chết!
– Đàn ông tại sao lại không thể vào trong bếp? -Thế phong vừa nói vừa cười thoải mái - Ở âu tây người ta chẳng cần phân biệt đàn ông hay đàn bà, người nào có thời gian rảnh rổi thì vào bếp nấu cho người kia ăn...
– Nhưng ở đây không phải Âu Tây... - Tố Diễm ngắt lời Thế Phong và nói bằng một giọng buồn bã -... mà vẫn là một đất nước phong kiến, ngay cả trong gia đình này cũng vậy! - Đến đó nàng ngập ngừng một lúc lâu rồi mới nói tiếp - Chị có nỗi khổ tâm riêng của mình, lúc nào có cơ hội, chị sẽ kể cho Phong nghe hết. Còn bây giờ thì Phong về phòng nghỉ đi rồi chuẩn bị dùng cơm chiều. Phong ở đây phụ giúp chị chỉ khiến người khác chướng mắt rồi ghét bỏ chị thêm mà thôi!
Tuy Tố Diễm không nói rõ ra nhưng Thế Phong cũng đoán được người ấy là ai. Chàng nhìn khắp gian phòng rộng lớn mà chỉ có mỗi Tố Diễm lo trong, lo ngoài, từ bếp núc đến việc dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa rồi cảm thấy xót xa cho nàng.
– Rồi Phong sẽ tạo ra cái cơ hội đó... - Chàng nói bằng giọng cả quyết -... để chị có thể nói hết nỗi khổ của mình cho Phong hiểu!
Chàng chạm khẽ vào bàn tay mềm mại của nàng rồi lui ra, như muốn nói cho nàng biết rằng nàng đã có đồng minh, và rằng người đồng minh đó sẽ làm mọi cách để khiến cho cuộc đời của nàng thay đổi.
Tố Diễm nhìn theo bóng Thế Phong và cảm thấy mình được an ủi rất nhiều. Giống như một thiên sứ mà thượng đế đã phái đến một cách bất ngờ, chàng trai trẻ tốt bụng này đã xuất hiện trong cuộc đời nàng vào lúc mà nàng cảm thấy gần như tuyệt vọng. Nàng mường tượng ra khuôn mặt có đôi mắt to, chiếc cằm cương nghị nhưng ánh mắt rất chân thành đó, chỉ mới gặp nhau hôm qua mà nàng cảm thấy như giữa hai người đã có một mối ràng buộc thân thiết với nhau. Nàng giống như một chú chim đang chết rũ trong lồng, Bỗng có một đám mây trắng từ đâu sa xuống để chú chim có thể nhắm mắt và tưởng tượng ra đó là bầu trời để mà gượng sống, dù biết đó không phải là khoảng không gian bao la mà trước đây mình đã xoãi đôi cánh để bay nhảy một cách tự do.
Cũng trong lúc đó, ở phòng riêng của mình, trong lòng chàng trai trẻ cũng dậy lên nhiều suy nghĩ. Chàng cảm thấy bất nhẫn trước hoàn cảnh của Tố Diễm và không thể hiểu tại sao dì của mình lại có thể khắc nghiệt với một người con dâu ngoan hiền như vậy. Chàng bước vào phòng tắm, đứng dưới vòi hoa sen cho đầu óc tỉnh táo một lúc rồi nghĩ đến những gì mà chàng có thể làm để giúp cho người con gái đáng thương kia.
Bước ra khỏi phòng, Thế Phong đưa mắt tìm kiếm bà Hoàng. Chàng đang chuẩn bị những gì mà mình phải nói để cho tình thế có thể thay đổi mà dì mình không thể nghi ngờ là những lời chàng thốt ra là do sự tác động đến từ Tố Diễm.
Phòng khách vắng hoe, Thế Phong gõ cửa phòng riêng của bà Hoàng cũng không thấy ai lên tiếng. Chàng tìm đến phòng đọc sách và mừng rỡ khi thấy dì mình đang ở đó, trên tay bà là một quyển sách mà bà đọc có vẻ rất say mê.
– Ồ, thì ra hai dì cháu mình có cùng sở thích với nhau! - Chàng nói một câu đưa đầy để khiến không khí giữa hai dì cháu trở thành thân mật hơn - Cháu định vào cái thư viện nhỏ của nhà dì để tìm vài quyển sách nói về địa dư, phong thổ ở đây trước khi bắt tay vào việc trồng thí nghiệm đợt trà đầu tiên. Người ta nói những người đàn bà có thói quen đọc sách thường là những người đàn bà trí tuệ, câu nói đó thật không sai chút nào!
Bà Hoàng gấp sách lại, ngẩng lên nhìn cháu, trong lòng rất vui khi nghe những lời tán tụng kia. Kéo Thế Phong ngồi xuống rồi bà hỏi một cách ân cần:
– Ngày làm việc đầu tiên của cháu ở đây như thế nào rồi? Có cảm thấy thú vị chút nào không hay là buồn chán? Thường thì các cậu trai trẻ chỉ thích sống ở thành phố thôi, những vùng tịch mịch như thế này chỉ thích hợp với những người có tuổi như dì!
– Ôi thưa dì... - Chàng trai thốt lên bằng một giọng vừa sôi nổi vừa rất nhiệt tình -... cháu đến đây để làm việc chứ có phải đến đây để mà giải trí đâu ạ? Nghiên cứu cách tăng năng suất của cây trà mà vẫn giữ được hương vị đậm đà của nó là một phần của luận án tốt nghiệp mà cháu phải trình lên nhà trường. Ngoài ra, cháu cảm thấy rất thú vị khi sống ở đây, ở thành phố thì có bao giờ được hít thở không khí trong lành như thế này đâu! Cháu còn sợ là ở lâu quá khiến dì sẽ chán khi trông thấy mặt cháu và rồi có khi dì sẽ bảo: \"Cái thằng nhãi con này, đến khi nào cậu mới chịu dọn ra khỏi nhà của tôi đây, hử?\"
Câu pha trò của Thế Phong khiến bà Hoàng cười vang và chàng trai cảm thấy không khí thân mật mà mình vừa tạo ra rất thích hợp để cho chàng đi vào đề tài chính.
– Dì biết không... - Chàng thủ thỉ như đứa con trai nói với người mẹ yêu dấu của mình -... cháu rất mừng khi thấy các công nhân làm việc rất chuyên cần, người quản lý đồn điền của gia đình chúng ta cũng rất tận tâm và có tinh thần trách nhiệm. Những nương trà xanh tươi trông thật là mát mắt nhưng mà dì ơi, cháu còn muốn làm nhiều điều hơn thế nữa cơ, nghĩa là cũng khoảng đất đó, cũng bao nhiêu công nhân và chi phí đó nhưng chúng ta sẽ thu lợi gấp đôi, đó là điều mà cháu sẽ làm cho bằng được. Ngày mai cháu sẽ chọn ra một khu riêng biệt để thí nghiệm trồng trà theo phương pháp mới. Chỉ ít tháng nữa thôi chúng ta sẽ có thể so sánh sự tăng trưởng của cây trà trồng theo phương pháp mới và phương pháp hiện nay vẫn đang áp dụng. Cháu hy vọng là dì sẽ hài lòng khi nhìn thấy sự khác biệt giữa hai phương pháp nói trên.
– Dì cũng mong là như vậy! - Bà Hoàng vui vẻ trả lời vì bản chất của bà từ xưa đến nay vẫn không thay đổi khi đề cập đến những vấn đề có liên quan đến việc làm ăn - Nếu thí nghiệm của cháu mà thành công thì xem như cháu đã giúp dì một việc rất lớn. Dù chưa biết kết quả ra sao nhưng dì cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào cháu. Cháu đã đi du học ở nước ngoài, đương nhiên cháu phải có những kiến thức tiến bộ và theo kịp thời đại!
– Cháu rất vui khi nghe những lời ngợi khen đó của dì nhưng mà có điều này dì à... - Thế Phong ngập ngừng một lúc rồi mới nói tiếp -... cháu nghe đám công nhân xì xào, bàn tán về những chuyện không hay của gia đình ta.
– Chúng nó đã nói những gì và cháu có biết đích danh những người đã xầm xì những chuyện ấy không? - Bà Hoàng vừa hỏi vừa cau mày có vẻ bực bội.
– Ôi, thưa dì... cháu mới về đây chỉ một, hai ngày, cháu có biết ai là ai đâu ạ! Nhưng khi đi thăm những nương trà, cháu nghe loáng thoáng được một vài điều từ đám công nhân. Hình như họ bảo là gia đình họ Hoàng của chúng ta túng bấn lắm hay sao mà không dám thuê mướn thêm công nhân, lại phải sử dụng người ăn kẻ ở trong nhà để làm những việc riêng tư của đồn điền! Nói thực, nghe xong cháu cảm thấy rất là khó chịu!
– Cái việc ấy ư... - Bà Hoàng có vẻ bất ngờ nên đã cố biện minh một cách gượng gạo -... nguyên do thực sự là như thế này, mọi đồn điền ở đây chứ không riêng gì đồn điền của chúng ta đều đang ở vào mùa thu hoạch, vì vậy công nhân cũng đang khan hiếm. Dì chỉ định cho đám người trong nhà ra đấy giúp vài ngày thôi, không ngờ cái đám công nhân độc mồm độc miệng kia chúng lại xì xào to nhỏ, nói ra nói vào. Thôi được, đó cũng chẳng phải là vấn đề quan trọng gì cho lắm... kể từ hôm nay dì sẽ rút đám người làm về đây, thế là xong. Dì rất giận khi nghe những lời đàm tiếu mà cháu vừa kể. Tiếc là cháu không biết đích danh những tay mách lẽo ấy, chứ nếu cháu mà biết được ấy ư, dì sẽ tống cổ chúng đi để làm gương cho những đứa khác. Thói thường, ăn cơm chủ thì phải trung thành với chủ, có đâu cái thứ đâm sau lưng chủ nhân của mình như vậy!
– Thôi dì à, dì giận học làm gì cho đau đầu! - Thế phong giả vờ can gián - Họ đâu có đáng cho dì để mắt đến. Ngày mai đám người làm trong nhà không đến đó nữa, thế là ổn rồi. Đám công nhân kia cũng chẳng còn gì để nói!
Giải quyết xong vấn đề trên, Thế Phong khéo léo lèo lái câu chuyện qua hướng khác. Biết dì mình thích chuyện làm ăn, chàng kể cho bà nghe giai thoại của những người nổi tiếng ở nước ngoài trong lĩnh vực kinh donah thương mại. Bà Hoàng bị câu chuyện hấp dẫn ngay từ đầu, chẳng mấy chốc đã quên bẵng đi chuyện bực mình lúc nãy.
Tối hôm đó khi gặp Tố Diễm, Thế Phong không tiện nói ra điều gì với nàng vì lúc ấy ở nhà có rất đông người. Nhưng chàng biết ngày mai khi những người làm trong nhà trở lại công việc bình thường của họ, Tố Diễm sẽ hiểu được rằng chàng đã can thiệp vào để giúp nàng như chàng đã hứa.
Từ ngày có Thế Phong về ngụ trong cùng một mái nhà, Tố Diễm thấy cuộc đời mình mới có ít nhiều ý nghĩa. Bà Hoàng không thể áp chế nàng một cách trắng trợn như trước vì sự hiện diện của Thế Phong đã không cho phép bà làm như vậy. Giờ giác làm việc của chàng trai trẻ này cũng không có một thời gian biểu nhất định. Có hôm chàng từ đồn điền trở về thì trời đã tối mịt, có bữa chàng lại về rất sớm và điều này thường xảy ra nên bà Hoàng luôn giữ kẽ vì bà không muốn đứa cháu trai thấy rõ chân tướng của mình là một bà mẹ chồng khắc nghiệt. Thế nhưng những lúc vắng mặt chàng là bà tìm đủ mọi cách để mà đay nghiến hay hành hạ Tố Diễm. Cho nên sự chịu đựng của Tố Diễm ít hay nhiều là cũng tùy thuộc vào việc Thế Phong có mặt ở nhà thường xuyên hay không. Có lẽ cũng nhận ra điều ấy nên thời gian sau này, chàng trai trẻ đã tiến hành những nghiên cứu của mình ngay tại nhà nếu công việc không bắt buộc chàng phải ra đồn điền để mà thực nghiệm. Từ đó đã nảy ra một sự ràng buộc gần như vô hình giữa Thế Phong và người vợ bất hạnh của anh mình dù họ chưa có dịp nào để mà tâm sự. Ở ngôi biệt thự này, lúc nào cũng có đôi mắt cú vọ của bà Hoàng nhìn ngắm khắp nơi nên ngoài những nụ cười, những lời chào hỏi ngắn ngủi, hai người chưa có cơ hội nào để mà trò chuyện một cách riêng tư với nhau.
Một ngày nọ, Thế Phong từ đồn điền trở về, trong lúc dùng cơm trưa, chàng tiết lộ tin vui với dì của mình:
– Dì à, sau khi cơm nước xong xuôi, con muốn đưa dì ra đồn điền để mà nhìn ngắm công trình của con. Con chắc là dì sẽ kinh ngạc khi chứng kiến những kết quả tốt đẹp mà phương pháp mới đem lại. Trên cùng một khoảnh đất, con đã chia làm hai khu để trồng cây trà theo hai phương thức khác nhau. Bây giờ kết quả thật là rõ rệt, sự tăng trưởng của cây trà trồng theo lối mới gần như gấp đôi những cây trà được trồng theo lối truyền thống mà chúng ta đang áp dụng. người quản lý đồn điền của dì, sau khi tận mắt nhìn thấy hai vạt trà riêng biệt đó, ông ta đã nói với con một câu mà con nghĩ là rất hóm hỉnh và cũng thật là chính xác...
– Ông ta đã nói thế nào? - Bà Hoàng sốt ruột ngắt lời cháu.
– Ông ta bảo khi so sánh hai bên, ông ta có cảm giác cây trà trồng theo lối mới giống như một người đã trưởng thành còn cây trà trồng theo lối cũ mang hình ảnh của một đứa trẻ còn chưa phát triển. Con nghĩ khi nhìn thấy chúng tận mắt, dì sẽ cảm nhận rõ ràng hơn. Thế nào, dì có muốn cất công ra ngoài ấy với con không? Bây giờ trời vẫn còn nắng lắm nhưng niềm vui của sự thành công đã khiến con khộng thể nào chờ đợi lâu hơn. Con đã chạy ù về nhà và muốn đưa dì ra đó với con ngay.
– Ừ... ừ... chúng ta cùng đi và dì nghĩ là phải đi ngay bây giờ!
Bà Hoàng chấm dứt buổi cơm trưa một cách nhanh chóng và đáp lại lời cháu bằng một giọng vô cùng sôi nổi. Trong lòng bà tràn ngập niềm vui khi nghĩ đến tương lai huy hoàng của việc sản suất trà sau này, khi mà hãng chế biến trà của bà có thể đáp ứng được mọi đơn đặt hàng từ nước ngoài và trước nay vẫn thường bị ứ đọng vì không thể xoay sở đủ nguyên liệu để mà sản suất. Nhưng rồi niềm vui đó đã nhanh chóng bị tắt ngúm khi giọng Thế Phong vồn vã vang lên, hướng vế phía chị dâu của mình:
– Chị Tố Diễm ạ, Phong nghĩ chị cũng nên đi một chuyến để khích lệ cho sự thành công của Phong, Thế nào, chị không từ chối chứ?
– Chị làm sao mà từ chối được... - Tố Diễm thốt lên bằng một giọng dịu dàng -... khi mà để đạt được sự thành công đó Phong đã phải cất công đến ở một nơi rất xa thành phố như ở nơi này và đã chịu đựng rất nhiều khó nhọc.
Rồi nàng đứng lên, nhìn về phiá bà Hoàng và nói bằng giọng ôn tồn:
– Để con đi lấy nón cho mẹ, trời nóng bức thế này, ra ngoài dễ say nắng lắm.
Vừa mới sôi nổi với viễn tưởng tốt đẹp về việc làm ăn của hãng trà mà mình đã gây dựng trong bao lâu nay, bà Hoàng bỗng sựng lại khi Thế Phong mời cả Tố Diễm đi cùng. Bà vốn kinh ghét Tố Diễm nên càng đại kỵ khi phải xuất hiện cùng đứa con dâu bất đắc dĩ của mình trước công chúng nên khi Tố Diễm trở lại với chiếc nón rộng vành trên tay, bà hướng về phía Thế Phong và bảo với cháu trai của mình:
– Không biết tại sao bây giờ dì cảm thấy nhức đầu quá, hôm nay chắc dì đi không được Phong à, chắc là phải dời chuyến đi lại thôi!
– Khi thốt lên câu này, bà Hoàng nghĩ là Thế Phong sẽ chờ thêm vài ngày nữa, đợi bà khỏe hẳn rồi mới đi, ai ngờ chàng trai trẻ lại giải quyết sự vìệc theo một chiều hướng khác:
– Cháu biết người có tuổi rất là mẫn cảm với thời tiết, mưa hay nắng thất thường một tí cũng có thể sinh bệnh. Mẹ cháu cũng y hệt như dì nên mẹ ngại ra ngoài lắm. Mẹ bảo thời tuổi trẻ là thời bay nhảy, còn khi lớn tuổi mẹ chỉ muốn ở cố định một nơi để dưỡng già. Thôi thì cháu tính như tế này, hôm nay cháu chở chị Diễm đi đến nơi mà cháu trồng thí điểm vạt trà đầu tiên, chị ấy sẽ có dịp quan sát và nhìn tận mắt những công trình của cháu. Chiều nay khi trở về, chị ấy sẽ mô tả lại cho dì rõ. Cháu muốn có một người đánh giá những gì mà cháu làm bằng một cặp mắt khách quan. Bởi vì nếu cháu tự ca tụng mình thì thật là lố bịch!
Vừa dứt lời, chẳng đợi bà Hoàng nói thêm câu nào, Thế Phong quay sang Tố Diễm và bảo:
– Mình nên đi ngay bây giờ chị à, để chị có rộng thời gian đánh giá những công trình của Phong. - Rồi chàng nhìn sang bà Hoàng và nói bằng giọng ngọt ngào - Thưa dì, cháu đi!
Thấy thế Tố Diễm cũng nói theo:
– Thưa mẹ, con đi!
Bà Hoàng tức muốn lộn ruột nhưng bây giờ chẳng làm sao được nên bà chỉ còn cách gật đầu và nói lẩy một câu:
– Ừ, hai người muốn đi thì cứ đi...
Chỉ chờ có thế Tố Diễm và Thế Phong rời khỏi nhà ngay. Bóng họ vừa khuất là bà Hoàng chất dứt sự đon đả và những câu nói vui vẻ giả tạo của mình ngay. Bà bỏ về phòng riêng, tựa người vào cửa sổ và nhìn xuống phía dưới ngay lúc chiếc xe vừa quẹo ra khỏi cổng. Giọng bà thốt ra, gần như tiếng rít giữa hai hàm răng: \"Mình đã sơ hở khiến con bé ấy được rộng chân tự do được một buổi, nhưng việc này, sẽ không bao giờ lập lại lần thứ hai. Cái thằng cháu trai chết tiệt của mình, tiếng là du học nước ngoài mà sao nó lại ngu dốt đến như vậy nhỉ? Lã ra nó phải hiểu tại sao thái độ của mình lại thay đổi nhanh chóng đến như vậy, và cái cau nói lẩy \"Ừ, hai người muốn đi thì cứ đi đi... \" Hàm ý \"Tôi không thích hai người đi chút nào cả!\" Thằng Phong trẻ người, non dạ không hiểu ý tứ của câu nói đó thì đã đành nhưng cái con Tố Diễm sỏi đời kia thì thừa hiểu trong lòng của mình muốn gì. Nhưng nó lại giả đò ngu ngơ, nương theo chiều gió để có dịp sổ lòng. Được, xem như phen này mình thua vì quá xem thường nó, tưởng là chỉ một cái cau mày của mình thôi là sẽ khiến cho nó chùn bước ngay, ai ngờ nó lại táo tợn đến vậy! Nhưng để rồi xem... từ đây về sau nó sẽ chẳng còn cơ hội nào để mà lộng hành như vậy!
Trong khi bà Hoàng hậm hực trong phòng riêng thì hai người trẻ tuổi lại có dịp hưởng thụ một ngày đẹp trời giữa thiên nhiên khoáng đạt. Tố Diễm thừa biết bà Hoàng thay đổi thái độ là vì Thế Phong mời nàng đi cùng, nhưng bị giam lỏng ở ngôi nhà ngột ngạt ấy trong một thời gian gần như vô hạn định, nàng bất chấp tất cả để có thể ra ngoài hít thở một chút không khí tự do. Thế Phong nhìn sang Tố Diễm, vừa nói vừa cười hóm hỉnh:
– Này, chị diễm... chị còn nợ Phong một câu đó nghe!
– \"Cảm ơn phong!\" - Tố Diễm cũng hóm hỉnh đáp lại - Có đúng là cái câu đó không?
Thế Phong gật đầu rồi cả hai chợt cười vang. Cùng một lứa tuổi với nhau nên họ rất dễ hoà đồng và cũng dễ nên thân mật. Để lại ngôi biệt thự lạnh lẽo cùng người đàn bà khắc nghiệt đó sau lưng, họ có cảm giác như đang bước vào một thế giới khác.
Đôi mắt to tròn, nụ cười ngây thơ trên gương mặt trái xoan trắng mịn, mái tóc hôm nay lại buộc lên cao một cách hồn nhiên, nhìn Tố Diễm, Thế Phong có cảm giác như nàng là một cô nữ sinh trung học. Chàng mỉm cười, ngớn tay vỗ khẽ trên vô lăng xe, miệng huýt sáo một điệu nhạc vui tươi, tất cả những cử chỉ đó dù là một đứa trẻ nhìn vào, cũng có thể biết được là chàng đang hạnh phúc.
– Hôm nay nhìn Phong vui quá hả? - Tố Diễm quan sát chàng trai trẻ ngồi bên cạnh mình. - Ở gần phong, dù không muốn, chị cũng lây luôn cái vẻ hồn nhiên của Phong rồi!
– Tụi bạn Phong cũng nói vậy! Tụi nó nói Phong mang niềm vui đến cho mọi người, vì vậy party nào, tụi nó cũng kéo Phong đi cho kỳ được!
– Chắc Phong được mấy cô bạn học ái mộ lắm?
– Bạn học thì đã đành, mấy cô không phải bạn học cũng ái mộ Phong nữa kia! Cho nên dù là du học xa nhà, rất ít khi nào Phong cảm thấy cô đơn!
– Chị cảm thấy nể phục nếp sống của Phong. Sống lạc quan, yêu đời, nói thì nghe đơn giản nhưng đa số con người trên thế gian này, chẳng có mấy ai làm được!
– Chị cũng làm được mà, chị Diễm!
– Chị hầu như không thể nào làm được... - Gịong của Tố Diễm đột nhiên trở nên buồn bã - Mỗi người có một số phận, và dù vùng vẫy cách mấy, họ cũng không thể nào thoát ra khỏi số phận ấy!
– Đó là điều mà Phong muốn nghe hôm nay đó, chị Diễm! Đưa chị đi xem những công trình mà Phong đã gắng tạo ra cơ hội này để Phong và chị có thể tâm sự. Bởi vì có hiểu rõ hoàn cảnh của chị thì Phong mới có thể giúp được chị nhiều hơn. Phong biết dì của phong không thích chị, nhưng Phong hoàn toàn không hiểu tại sao. Có một người con dâu xinh đẹp và hiền ngoan như chị, lẽ ra dì ấy phải hãnh diện nhưng dì ấy đã không làm như vậy!
– Câu chuyện khá dài Phong à, và cũng rất là buồn chán nữa, chị không muốn nỗi buồn của chị là hỏng fđi những ngày vui vẻ của phong.
– Chị đừng lo, dù buồn cách nào Phong cũng có thuốc giải...
– Thuốc giải? - Tố Diễm vừa nói vừa bật cười một cách hồn nhiên - Phong chỉ đùa thôi!
– Phong không đùa đâu, Phong nói rất thật lòng. - Vừa thốt lên câu ấy, chàng trai vừa cười tủm tỉm - Một người đã có trong tay thứ thuốc làm cho người ta nhiễm bệnh, đương nhiên người đó phải có thuốc giải nếu hắn muốn bệnh nhân của mình sống sót!
Nghe Thế Phong nói thế, Tố Diễm lại cười vang lần nữa. Chàng trai lắng nghe giọng cười vô tư đó, rồi lại nói tiếp:
– Chao ôi! - Tố Diễm thốt lên hai tiếng đó và dù cố gắng, cũng không thể nhịn cười - Chị nghĩ chị mà cứ suốt ngày ở bên cạnh Phong thì chị sẽ không biết buồn là gì nữa!
– Chị vừa nói một câu rất tuyệt vời, chị Diễm! Phong nghe mà rất hài lòng.
– Tại sao?
– Tại vì khi chị thốt ra câu đó, chị đã trở thành bệnh nhân của Phong rồi! Chị không biết chứ Phong đã chữa bệnh buồn cho rất nhiều người, với họ thì Phong đưa thuốc giải, nhưng với chị thì Phong dấu bay, dấu biến, Phong sẽ chôn nó ở một chỗ thật sâu để không ai có thể tìm ra, bởi vì khi Phong làm như vậy, nụ cười sẽ không bao giờ tắt trên môi chị.
Câu nói mà Thế Phong vừa thốt ra tuy êm đềm nhưng tác động của nó lại rất là mãnh liệt, giống như một vị thuốc thần tiên có thể thâm nhập vào giác quan người ta ngay pập tức, sau khi hiểu ra ý nghĩa của câu nói đó, Tố Diễm đã bật khóc.
– Tha thứ cho Phong, chị Diễm!
Chàng trai vừa nói vừa hí hoáy lấy trong túi mình ra một chiếc khăn và đạt nó vào tay Tố Diễm. Nàng vừa lạu nước mắt vừa thổn thức nói:
– Ước gì mọi người trên cõi đời này đều có một tấm lòng nhân hậu như phong!
– Câu nói của chị làm cho Phong thấy mình như một vĩ nhân... nhưng Phong không nghĩ mình như vậy đâu chị Diễm, bởi vì những điều Phong làm, mọi người đều có thể làm được, chỉ vì họ không thèm nghĩ tới hay đã quên khuấy đi mà thôi! Và tất cả những gì mà chúng ta có thể làm là nhắc cho họ nhớ hay làm khuấy động những ý nghĩ tốt đẹp mà lâu ngày đã ngủ quên trong tâm hồn của họ.
Bây giờ thì chị mới thực sự thấu hiểu những lời Phong nói. Thoạt đầu chị nghe những lời Phong thốt ra mà có cảm giác như lạc vào một mê hồn trận.
– Đó là cái tật xấu mà Phong không bao giờ bỏ được, tụi bạn Phong đặt tên cho cái lối nói ấy của Phong là mê hồn trận của chữ nghĩa. Không biết tại sao và từ lúc nào, Phong có cái thói quen không nói thẳng vào cái mà mình muốn nói, Phong chỉ sợ là chị nghe xong rồi lại cảm thấy mệt tai!
– Trái lại chị thấy cái lối nói đó dễ đi sâu vào tâm khảm của mình hơn, và bây giờ, dưới mắt chị, Phong giống hệt như một nhà hiền triết! Lần đầu tiên trông thấy Phong, chị có cảm giác như thượng đế đã mang đến ngôi nhà mà chị đang ở một thiên thần, bởi vì ngài thấy cuộc đời chị có quá nhiều đau khổ. Chị biết Phong âm thầm giúp đỡ chị rất nhiều mà không bao giờ phong chịu nói ra. Lúc nãy, được thoát khỏi ngôi nhà tù túng ấy, dù chỉ là một buổi trưa ngắn ngủi nhưng chị lại có cái cảm giác giống như là mình đang hồi sinh. Con chim bị nhốt lâu ngày trong lồng rồi cũng sẽ chết rũ Phong à, dù đó là một cái lồng được chạm bằng vàng.
Nghe Tố Diễm nói thế, Thế Phong không ngăn được tiếng thở dài. Chàng cho xe ngoặt vào một con đường nhỏ, phía trên có một đồi cỏ mượt mà không khác nào một tấm thảm nhung.
Phong dừng xe ở đó rồi hai người chầm chậm đi lên đồi.
Ngồi ở đỉnh đồi nhìn xuống, có thể thấy bao quát toàn cảnh bên dưới, Tố Diễm ngạc nhiên hỏi Phong:
– Sao Phong biết nơi này hay vậy? Phong chỉ vừa mới đến đây thôi mà!
– Tại Phong chịu tìm tòi, vả lại Phong rất yêu thiên nhiên, bởi vì ngắm nhìn thiên nhiên cũng là một cách để chữa bệnh.
– Thế Phong tâm sự với Tố Diễm về cuộc sống của mình:
– Khi bị căng thẳng vì công việc hoặc cố giải quyết một vấn đề mà Phong đang bế tắc thì Phong hay tìm một khung cảnh khoáng đạt nào đó, ngồi một mình. Lúc đó trong đầu phong không còn bất cứ suy nghĩ nào nữa. Và sau những giờ phút êm đềm ấy. Tâm hồn của Phong trở nên bình yên. Tụi bạn cười Phong vì chuyện này hoài, tụi nó nói Phong là một con người kỳ cục vì đôi khi lối sống của Phong không giống ai, nhất là khi cái lối sống đó lại diễn ra ở xã hội Âu Mỹ. Con người ở một xã hội vật chất như vậy, cuộc sống của họ bị lệ thuộc vào rất nhiều thứ.
– Dưới mắt chị, Phong không phải là một con người kỳ cục mà là một người sống ở trần gian mà không nhuốm bụi trần.
– Không hoàn toàn như vậy đâu, chị Diễm! Bởi có những cảm giác mà con người không thể khống chế, và để tránh nó, con người chỉ còn cách chạy trốn. Phong là như vậy đó, chị Diễm! Đôi khi Phong cũng rất là yếu đuối, có những vấn đề mà Phong không dám đối mặt, bởi trong một khía cạnh nào đó, Phong vẫn là một con người phàm tục, mà đã là phàm tục thì làm sao không nhuốm bụi trần được hả chị Diễm?
Nói đến đó thấy Tố Diễm như ngẩn người ra nhìn mình, Thế Phong mỉm cười, vỗ nhẹ vào trán:
– Phong lại bắt đầu làm cho chị mệt tai rồi đó! Nhưng hôm nay Phong nói về mình như vậy là quá đủ rồi. Bây giờ chị hãy nói cho Phong nghe về chị, nói tất cả, không chừa lại bất cứ điều gì. Nếu chị thấy ngại thì hãy tưởng tượng Phong là một người ruột thịt của chị, như vây chị sẽ cảm thấy tự nhiên hơn!
– Chị chưa bao giờ kể cho ai nghe tất cả những bí mật của mình, ngay cả anh Thành Vũ!
– Nhung với Phong thì khác phải không chị Diễm? Phong nghe để tìm ra cách giúp chị chứ không phải nghe để mà phê phán.
Nghe Thế Phong nói thế, Tố Diễm im lặng một lúc rồi sau đó quyết định:
– Thôi được, chị sẽ kể cho Phong nghe tất cả mọi điều về cuộc đời của chị. Phong có biết tại sao chị làm như thế không? Đó là bởi chị xem Phong như một người bạn thân nhất của mình. Chúng ta gặp nhau không bao lâu nhưng chị lại thấy Phong là người hiểu chị nhiều nhất. Từ lúc Phong dọn đến ở trong ngôi biệt thự đó, chị cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng hơn, những áp lực cũng dần tan biến, dù không nói ra nhưng chị rất cảm kích những gì mà phong đã làm cho chị. Phong nhìn mọi người với một trái tim nhân hậu, dưới mắt Phong mọi người đều bình đẳng không phân biệt sang, hèn, cũng không phân biệt thành phần xuất thân của họ. Nhưng thế gian này không phải ai cũng nhân hậu như Phong, nhất là những người tự xem mình là giai cấp thượng lưu, qúy tộc. Ngày xưa hầu hết những người tôi tớ đều bị khắc trên trán hai chữ \"nô lệ\". Cái dấu khắc ấy trở thành định mệnh của họ, dù họ làm gì, hoặc có sống bất cứ nơi nào đi nữa thì vẫn không thể xoá sạch cái dấu khắc ô nhục đó. Bây giờ trong xã hội hiện đại, con người không lập lại ái hành động dã man đó nhưng kỳ thị cũng gay gắt không kém thời xưa. Giống như chị đây, đối với gia đình anh Thành Vũ, hay nói đúng hơn là đối với mẹ anh ấy, trên trán chị vẫn có cái khắc vô hình ấy, ở đó lại lịch của chị được mẹ chồng chị gạn lọc ra từng chi tiết nhỏ: mồ côi, nghèo khổ, sống kiếp ăn nhờ, ở đậu, từng làm việc ở những nơi người ta cho là hạ đẳng và còn rất nhiều thứ nữa mà các tay thủ hạ của bà ấy có thể moi móc ra. Bà ta đã hành hạ, làm nhục chị đủ điều, và nếu không yêu anh Thành Vũ thì chị đã bỏ ngôi biệt thự ấy mà đi lâu lắm rồi. Đối với anh Thành Vũ thì mẹ anh ấy và chị là hai người quan trọng nhất trong cuộc đời anh ấy, anh ấy không thể nào hạnh phúc nếu thiếu một trong hai người. Và lẽ ra giữa bà ấy và chị nên có mối quan hệ gọi là thỏa hiệp với nhau, thì bây giờ cái quan hệ ấy trở thành hành hạ và chịu đựng. Mẹ chồng chị là một người sâu sắc và có nhiều thủ đọan, ngay khi bước chân vào ngôi nhà này chị không hề hay biết là mình đang bước chân vào chín tầng địa ngục, bởi vì trong những ngày dầu tiên bà ấy đã khéo léo dàn dựng lên một lâu đài được sơn son, thếp vàng, khiến chị và anh Thành Vũ đều nghĩ rằng chưa có người mẹ chồng nào yêu thương con dâu mình như vậy, nhưng đó chỉ là một màn kịch đơn thuần thôi Phong ạ, những cái ở sau màn kịch mới thật là ghê gớm. Chị ngây thơ nên không biết cái lâu đài mà bà ấy dựng lên là lâu đài trên cát, cho đến khi nó sụp đổ vá sắp chôn vùi chị thì chị mới giật mình nhận ra, lúc đó thì thôi ôi quá trễ, chị đã rơi vào cái bẫy và bị giam cầm trong đó, càng vùng vẫy để thoát thân càng chỉ nhận thêm nhiều thương tích mà thôi.
– Phong không ngờ tình trạng lại phức tạp như thế... - Thế Phong có vẻ kinh ngạc -... Phong biết dì đối xử không tốt với chị chứ Phong không thể tưởng tượng ra dì lại cùng nhiều thủ đoạn khiến cuộc dời chị trở thành thống khổ như vậy. Lúc Phong đến đây, ngay trong ngày đầu tiên, anh Thành Vũ đã khoe với Phong rằng chưa có người mẹ chồng nào quý mến, chiều chuộng con dâu như mẹ anh ấy cả. Và rồi anh ấy đã kể cho Phong nghe vi thấy chị thích hoa hồng vàng nên mẹ anh ấy đã cho người vứt bỏ đám mẫu đơn đang trồng và thay thế bằng loài hoa mà chị rầt là yêu thích.
– Anh Thành Vũ có lẽ rất tự hào về câu chuyện ấy nên đã biến nó thành một \"điển tích\"... - Tố Diễm cay đắng nói -... và vậy mà anh ấy đã khoe với tất cả mọi người, và có thể còn ca ngợi mẹ anh ấy về nhiều điều khác nữa, cho nên dưới mắt mọi người, mẹ anh ấy là một người mẹ chồng cao cả nhất.
– Bà ấy còn diễn nhiều màn kịch khác hay sao? - Thế Phong hỏi rồi đưa ra nhận xét - Thú thực khi nghe câu chuyện hoa hồng vàng nói trên, Phong nghĩ là nó chỉ có thể xảy ra ở trong phim! Anh Thành Vũ tại sao anh ấy lại hời hợt thế nhỉ? Lẽ ra sống bao nhiêu năm bên cạnh mẹ mình, anh ấy phải biết rõ bà ấy là người như thế nào. Ngày xưa, nhiều người đã gọi mẹ anh Thành Vũ là \"người đàn bà thép\". Một người như vậy thì khó mà đi trồng hoa hồng vàng cho con dâu lắm chị ạ!
Tố Diễm đang buồn bã nhưng nghe câu nói tếu của Thế Phong cũng không thể nhịn cười. Đúng là ngồi bên cạnh chàng trai này, nàng cảm thấy những đau khổ của mình đã nhẹ đi rất nhiều.
Trong khi ấy thì Thế Phong trở lại đề tài cốt lõi mà chàng đang đi tìm hiểu:
– Nói chung là bà ấy đã dựng lên nhiều màn kịch để anh Thành Vũ và chị tin tưởng rằng bà ấy rầt yêu thương chị và sau đó bà ấy đã trở mặt?
– Vâng, bà ấy đã trở mặt với chị, nhanh đến nỗi chị thấy lạnh cả người và trắn trợn đến nỗi chị còn không dám tin đó là sự thật. Và điều khiến chị ghê sợ nhất là bà ta không diễn kịch một mình mà bắt chị phải diễn kịch với bà ta!
– Phong vẫn còn chưa hiểu rõ lắm, chị Diễm!
– Thế thi chị sẽ nói thẳng vào vấn đề cho Phong dễ hiểu. Lúc có anh Thành Vũ hiện diện, bà ta xưng hô \"mẹ con\" với chị và buộc chị cũng phải xưng hô như thế, nhưng khi không có ai, bà ta không cho chị gọi bằng mẹ. Lúc ấy ngôn ngữ giữa hai người là \"bà và tôi\" hay \"cô và tôi\". Mỗi chiều khi anh Thành Vũ tan sở trở về thì bà ấy lại diễn màn kịch mẹ chồng và con dâu yêu thương, qúy mến nhau, nhưng buổi sáng khi anh ấy rời khỏi nhà để đến sở làm thì bà ta trở lại con người thật của chính mình và con người thật ấy mới là ghê gớm!
– Làm sao chị chịu đựng nổi, chị Diễm? - Thế Phong vừa hỏi vừa vò nát một ngọn cỏ non trên tay, rồi bỗng chàng ngây người ra nhìn ngọn cỏ đã bị vò nát đó và lẩm bẩm: \"Cỏ ơi, xin lỗi! Ngươi đâu có làm gì nên tôi lỗi gì! Ta hứa sẽ không giận dữ như thế nữa không những đối với đồng loại của người mà còn đối với bất cứ những gì tồn tại trên thế gian này!\"
Tố Diễm nhìn Thế Phong và lắng nghe những gì chàng trai vừa nói, cảm thấy con người này hình như chẳng giống bất cứ ai trên cõi đời này. Khi mà một người biết xót xa cho thân phận của một ngọn cỏ yếu hèn thì người ấy làm sao có thể làm đớn đau những sinh vật khác! Khi nhận ra điều đó, Tố Diễm thấy lòng mình thật là xúc động. Ngay lúc đó, bên tai nàng, cái giọng trầm trầm của Thế Phong lại vang lên:
– Chị Diễm à, chị vẫn chưa trả lời Phong làm thế nào chị có thể chịu đựng ngày này qua ngày khác một con người như vậy?
– Chị yêu anh Thành Vũ... - Tố Diễm nói bằng giọng bùi ngùi -... tình yêu của chị và anh ấy đã thăng trầm nhiều bận và cũng đã tồn tại qua nhiều thử thách đắng cay, chị có thể ra đi để thoát khỏi sự giày vò của mẹ chồng mình nhưng chị sợ anh Thành Vũ không chịu đựng nổi...
– Chuyện đó đã xảy ra một lần hay sao? - Thế Phong chợt hỏi khiến Tố Diễm ngạc nhiên và nhận ra con người này rất là nhạy cảm.
– Không phải một lần Phong ạ mà rất nhiều lần... - Tố Diễm buồn bã khi nhớ lại những gì đã xảy ra trong dĩ vãng -... chị đã chạy trốn và anh ấy đã đi tìm và cứ mỗi lần như vậy, tình cảm giữa hai bên càng thêm sâu đậm hơn cho đến lúc chị hoàn toàn đầu hàng và đi theo anh ấy bất kể con đường đó có đau khổ thế nào đi nữa!
– Nghĩa là chị không thể nào rời xa anh ấy?
– Phải, chị không thể... anh ấy đã bao lần sống dở, chết dở vì chị!
– Và Chị cũng đã bao lần sống dở, chết dở vì anh ấy phải không. Tóm lại là hai người không thể nào xa nhau?
Tố Diễm không trả lời Thế Phong, chỉ khe khẽ gật đầu, đôi mắt buồn bã của nàng dõi về một nơi xa tít tắp, ở đó có bầu trời xanh thăm thẳm và những áng mây đang lang thang, phiêu bạt. Bỗng dưng Tố Diễm có cái ý nghĩ là những áng mây kia có khi còn hạnh phúc hơn nàng.
Thế Phong cũng nhìn theo hướng đó rồi nói bằng giọng trầm buồn:
– Ngày xưa chị cũng tự do như những đám mây đó phải không chị Diễm? Khi chúng ta sinh ra đời, thượng đế ban cho mỗi người chúng ta sự tự do, nhưng rồi chúng ta đã tự trói buộc mình bằng cách này hay cách khác.
– Nghĩa là chúng ta đã làm một việc ngu ngốc phải không Phong?
– Có thể là chúng ta ngu ngốc, cũng có thể là chúng ta yếu lòng, hoặc là chúng ta đã đánh đổi nó để có được trong tay một thứ gọi là hạnh phúc, nhưng thường thì cái hạnh phúc đó rất là bấp bênh vì nó không do chúng ta quyết định. Nó có thể rạn vỡ, thay đổi, hoặc mất mát vì nhiều lý do. Những bậc chân tu hay những giác ngộ không bao giờ đánh đổi tự do của mình để có một thứ khác, bởi vì họ ý thức rất rõ cái tự do tuyệt đối đó mới chính là hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tự tâm mà ra chứ không phải do người khác ban phát cho mình., và vì vậy họ không bao giờ mất nó. Nhưng chúng ta không phải là chân tu vì cả, chị diễm ạ, cho nên chúng ta phải giải quyết nỗi đau của mình bằng càch khác. Hạnh phúc của chị bây giờ là anh Thành Vũ, nhưng hạnh phúc đó không trọn vẹn vì nó được đặt trong một bối cảnh có quá nhiều ràng buộc. Phong nghĩ điều đơn giản nhất là anh chị hãy dọn ra riêng để giảm bớt sự đụng chạm với mẹ anh Thành Vũ. Bây giờ ở đất nước chúng ta, nhiều người cũng sống như vậy, và ra riêng không phải là bất hiếu, chúng ta vẫn có thể về thăm nom song thân của mình vào dịp cuối tuần. Lúc đó tình cảm của hai bên lại đâm ra quý hoá bởi ít đụng chạm nhau hơn.
– Anh Thành Vũ sẽ không bao giờ chịu dọn ra... - Tố Diễm buồn bã nói -... anh ấy là một người con chí hiếu, anh ấy không muốn chị đi làm mà muốn chị suốt ngày ở nhà để phụng dưỡng cho người đàn bà khắc nghiệt đó. Chị sẵn sàng chấp nhận điều này, chị không ngại khi phải chăm sóc hay hầu hạ mẹ chồng nhưng cái quan hệ giữa chị và bà ta không phải là mẹ chồng và nàng dâu mà là kẻ thù với kẻ thù! Chính điểm đó khiến chị không thể nào chịu đựng nổi.
– Tại sao bà ta lại thù hận chị như vậy? Không lẻ bà ta rước một người con dâu vào nhà để trả thù người ấy ư?
– Chính là như thế... và chính miệng bà ta đã xác nhận với chị như vậy. Vì sự xuất hiện của chị mà bà ấy đã mất đi một người con dâu danh giá. Thứ nữa, bà ta khinh thường chị vì chị xuất thân hèn kém, lại là một đứa bé mồ côi, nghĩa là về mọi phương diện đều thua kém cô con dâu mà bà ta đã chọn.
– Phong không ngờ cuộc hôn nhân của anh chị lại rắc rối như vậy. Nhưng nếu anh Thành Vũ đã bác bỏ cái ý nghĩ dọn ra riêng thì anh ấy cũng nên giải quyết sự bất hoà giữa mẹ anh ấy và chị. Chị nên nói thật mọi điều cho anh ấy biết, rằng chị không thể đóng kịch mỗi ngày như vậy, và rằng khi anh ấy trở về thì mọi việc có vẻ đều như ổn thoả, nhưng khi anh ấy ra đi, thiên đường lập tức biến thành địa ngục.
Thế Phong thở dài rồi khuyên Tố Diễm:
– Anh Thành Vũ là một người tốt, nếu anh ấy biết rõ sự thật thì anh ấy sẽ không bao giờ để chị phải tiếp tục sống trong cảnh đó đâu, và nếu anh ấy muốn chị tiếp tục sống với mẹ anh ấy như trong một đại gia đình thì cái quan hệ giữa bà ấy và chị phải được điều chỉnh sao cho tất cả mọi người đều được hạnh phúc. Bằng không thì anh chị chỉ còn giải pháp dọn ra riêng thôi.
– Nhưng chị không thể nào rời khỏi ngôi nhà ấy và cũng không thể kể thật cho anh ấy nghe mẹ anh ấy đã hành hạ chị như thế nào bởi vì bà ta đã nắm được một bí mật cuộc đời chị! Nếu anh Thành Vũ biết được cái bí mật ấy, mọi hình ảnh đẹp đẽ, thuần lương mà anh ấy nghĩ về chị hoàn toàn sụp đổ. Lúc ấy không phải chị mà cả anh ấy cũng sẽ đau khổ ghê gớm!
– Bí mật gì? - Thế Phong nhìn Tố Diễm một cách đầy kinh ngạc - Phong rất muốn chị nói cho Phong biết ngay bây giờ bởi Phong có cái cảm giác là mọi rắc rối bắt nguồn từ đó.
Tố Diễm không đáp mà chỉ nhìn sang phía khác như muốn chạy trốn câu hỏi của Thế Phong, nàng thở dài rồi úp mặt trong hai bàn tay, lâu lắm nàng mới ngẩng lên và lúc ấy Thế Phong giật mình khi nhận ra trên mặt nàng đã ràng rụa nước mắt.
– Chị sao rồi chị Diễm? - Chàng trai cuốn quýt khi thấy nàng khóc - Hay là đừng kể nữa nếu điều ấy làm cho chị đau lòng!
Nhưng khi Thế Phong thốt ra câu ấy, Tố Diễm từ chỗ khóc thầm bây giờ lại khóc to hơn. Đôi vai nhỏ nhắn của nàng run lên, tình thần nàng có vẻ hoảng loạn và nàng nói trong nước mắt:
– Chị đã chạy trốn anh ấy, chị đã biết mình không xứng đáng... nhưng anh ấy vẫn không tha cho chị!
Và rồi như không chịu đựng nổi nữa, Tố Diễm tựa đầu vào vai Thế Phong và khóc sướt mướt.
– Bình Tĩnh lại chị Diễm! - Thế Phong vừa nói vừa vỗ nhẹ lên vai nàng, bây giờ đôi mắt chàng cũng đã đỏ hoe - Nếu chị không phải là vợ của anh Thành Vũ thì Phong sẽ đưa chị ra khỏi cái địa ngục mà chị đang sống ngay bây giờ chứ cũng chẳng cần đợi đến ngày mai. Thậm chí nếu chị muốn, Phong sẽ thu xếp để đưa chị ra khỏi cái đất nước này để đến cái nơi mà người đàn bà được tôn trọng hơn và bình đẳng với nam giới hơn.
– Vậy Phong đưa chị đi ngay bây giờ đi... - Tố Diễm nói trong nức nở -... ôi sao cái số chị lại khổ đến như vậy hở Phong? Bây giờ người hiểu chị chỉ có mình Phong thôi!
Thế Phong thở dài:
– Phong muốn nghe chị nói những lời đó khi chị hoàn toàn tỉnh táo, còn bây giờ trong cơn hoảng loạn, chị có thể thốt ra bất cứ điều gì. Nhưng có điều buồn khổ gì thì chị cứ nòi, nói để cho lòng mình nhẹ bớt... chị cũng biết Phong đâu có ở đây mãi mải, lúc ấy chị sẽ không có bạn bè để mà tâm sự, cho nên lúc nào Phong còn ở đây, làm được bất cứ điều gì cho chị, Phong sẽ làm.
Nghe Thế Phong nói thế, Tố Diễm càng mũi lòng hơn, những tiếng nức nở của nàng khiến trái tim của Thế Phong se lại. Chàng ngồi yên cho nàng tựa vào vai mình bởi chàng biết sau khi mình ra đi, người con gái xinh đẹp nhưng đáng thương này sẽ không còn bờ vai nào để mà nương tựa. Sự phẫn nộ càng lúc càng dâng lên trong tâm khảm của Thế Phong và rồi không chịu nổi nữa, chàng kéo nàng đứng dậy:
– Đi với Phong... Chúng ta đi gặp anh Thành Vũ ngay bây giờ đi! Phong sẽ kể hết cho anh Thành Vũ nghe mẹ của anh ấy đã hành hạ chị như thế nào.
– Không được đâu phong! - Tiếng của Tố Diễm hoảng hốt vang lên, và chàng trai nhận ra ở đó một sự phẫn hận nhưng đầy chịu đựng - Anh ấy mà biết là tất cả chấm dứt, là tất cả sụp đổ... chị thà để cho mẹ của anh ấy hành hạ mình còn hơn là để cho bà ta nói cho Thành Vũ biết cái bí mật đó của chị!
– Cái bí mật gì mà ghê gớm vậy? - Phong nhìn sâu vào mắt Tố Diễm - Chị nói cho Phong nghe ngay bây giờ đi, nếu Phong chịu đựng được thì anh Thành Vũ sẽ chịu đựng được!
– Bây giờ Phong nghĩ vậy vì Phong chưa biết cái bí mật ấy là gì, nhưng khi chị nói cho Phong biết, lập tức Phong sẽ quay lưng với chị!
– Đó là một cái gì rất nhục nhã sao? - Thế Phong bắt Tố Diễm phải đối diện với mình - Mà dù chị có làm gì đi nữa thì Phong nghĩ là cũng có lý do, một người con gái hiền lành như chị sẽ không làm bất cứ việc gì khiến người ta khinh ghét trừ khi hoàn cảnh bắt buộc.
Rồi Thế Phong dìu Tố Diễm ngồi xuống và nhỏ nhẹ nói với nàng;
– Nói cho Phong nghe đi chị Diễm! Khi chị kể cho Phong nghe cái bí mật đó là xem như nỗi buồn của chị sẽ được vơi đi một nửa. Phong đã nói rồi, Phong muốn nghe chuyện của chị để giúp chị chứ không phải để mà phê phán.
Sau khi khóc cho vơi đi những sầu tủi trong lòng, Tố Diễm đã trở nên bình tĩnh hơn. Rối bất ngờ nàng nhìn Thế Phong và hỏi một câu:
– Phong nhìn chị... một cách khách quan thôi.... chứ không phải ở góc độ của một người em bà con nhìn chị dâu của mình, Phong nghĩ chị là người như thế nào?
Thế Phong có vẻ kinh ngạc trước câu hỏi đó bởi vì chàng đang chuẩn bị nghe một lời trần tình, một lời tâm sự hơn là một câu hỏi. Nhưng sự kinh ngạc ấy cũng qua rất nhanh, Tố Diễm nghe cái giọng trầm trầm của chàng trai trẻ vang lên:
– Bất kể Phong và chị là hai người xa lạ hay quên biết, sự nhân xét của Phong về chị đều không thay đổi. Phong nói thật lòng nhé, chị là một người có vẻ đẹp lần đầu tiên ai trông thấy cũng phải sững sờ vì vẻ đẹp của chị quá hoàn hảo. Bên cạnh sự ngưỡng mộ đó, người ta cảm thấy trân trọng vì sự hiền thục, thánh thiện mà nhân cách của chị đã biểu lộ ra. Đó là cảm giác của phong khi gặp chị lần dầu, những ngày sau đó, Phong tiếp tục khám phá ra ở chị nhiều ưu điểm khác. Chị là một người phúc hậu, vị tha, sống cho những người chung quanh chứ không phải sống cho riêng mình, và cái bản chất cao đẹp đó của chị đòi hỏi nơi chị rất nhiều hy sinh, rất nhiều chịu đựng nhưng chị sẵn sàng chấp nhận. Nói tóm lại, chị là một con người hoàn hảo từ bề ngoài cho đến nội tâm, bất cứ chàng trai nào trên đời này cũng đều mơ ước một mẫu người như vậy.
– Cảm ơn Phong! - Tố Diễm buồn bã nói - Cảm ơn vì đã an ủi chị!
Trước câu nói đó của Tố Diễm, Thế Phong dường như bị tổn thương. Chàng có vẻ buồn và im lặng một lúc lâu.
– Đừng có giận chị! - Tố Diễm lay nhẹ bàn tay của Phong - Chị là một người con gái không giống như những gì Phong nghĩ đâu và bây giờ chị sắp kể cho Phong nghe câu chuyện đời chị.
– Nhưng những câu mà Phong vừa thốt ra cũng không phải để an ủi chị đâu, chị Diễm, và cũng chẳng phải là những lời hoa Mỹ cho đẹp lòng nhau, bởi Phong chẳng có lý do gì để làm như thế!
– Chị xin lỗi vì đã dùng chữ không đúng khiến Phong bị tổn thương. Cho đến giờ phút này, người mà hiểu rõ chị nhất và người mà chị tin tưởng nhất chính là Phong. Cho nên từ đây trở đi, khi trò chuyện với Phong chị sẽ không cần phải rào trước đón sau, và bây giờ chị sẽ kể cho Phong nghe những điều bí mật của mình bởi vì chị biết là Phong sẽ không khinh ghét chị. Chị là một cô nhi khi vừa mở mắt chào đời, mẹ chị qua đời khi sinh nở chị, còn cha chị là ai thì chị cũng không hề biết vì chị là một đứa con hoang. Lẽ ra chị đã được người ta đưa vào cô nhi viện nhưng một người bà con xa của chị đã mang chị về nuôi vì hai vợ chồng bà chỉ có một mụn con trai nên muốn có thêm một đứa con gái cho vui nhà vui cửa. Chị không có bất cứ lý do gì để mà phàn nàn họ và cũng thấy họ đối xử tốt với mình, không hề hành hạ như người ta vẫn làm với những đứa con nuôi khác và cho chị ăn học đàng hoàng, đó là điều khiến cho chị cảm kích nhất. Nhưng lúc chị vừa bước chân vào năm thứ nhất đại học thì gia đình đã nuôi dưỡng chị yêu cầu chị một điều mà chị không thể nào làm được là ép chị kết hôn với con trai họ. Người con trai đó là một gã bất bình thường, người ta thường gọi là người thiếu trí, tuy thân xác cũng phát triển như mọi người nhưng tâm hồn mãi mãi là một đứa bé lên năm, có khi còn tệ hơn cả một đứa bé nữa vì căn bệnh ấy làm cho con người trở thành ngốc nghếch, khú khờ. Chị không thể nào kết hôn với một người như vậy và chị đã nói thẳng với bà ta. Thế là sóng gió nổi lên, cả hai đều lên án chị là phường vong ân, bội nghĩa, họ nói không có họ thì giờ đây chị đã sống ở đầu đường xó chợ chứ làm gì được ăn học tử tế như ngày hôm nay. Vây là họ đã có dụng ý đó ngay từ đâu vì lúc chị sinh ra đời thì cái gã dở hơi kia cũng đã hơn mười tuổi, ở cái tuổi đó chắc chắn căn bệnh cũng đã phác tác nên hai vợ chồng họ biết con trai mình lớn lên khó thể nào lấy vợ, do đó họ phải chuẩn bị sẵn một đứa con dâu, và người họ chọn chính là chị. Thế là lục đục xảy ra giữa đôi bên, hai vợ chồng người ấy nói nếu chị không bền bù công nuôi dưỡng của họ bằng cách đó thì phải trả lại số tiền mà họ đã bỏ ra suốt hai mươi năm để nuôi nấng chị. Hai mươi năm không phải là một khoảng thời gian ngắn và số tiền họ bỏ ra cho một bề dài cuộc đời như vậy gon lại một lần là con số khổng lồ. Lúc đó quan hệ hai bên rất là căng thẳng, chị buộc phải nghỉ học để đi làm kiến tiền nhưng với trình độ dở dang như vậy, đi xin việc được chân thư ký cũng là khá lắm rồi và với đồng lương nhỏ bé đó, chị trang trải cho cuộc sống tối thiểu của mình cũng còn chưa đủ, nói gì đến việc trả nợ cho hai vợ chồng kia. Số kiếp chị cũng đa truân lắm, chị đến làm ở đâu cũng có kẻ quấy rầy và những người đó đều là cấp trên của mình, không chiều họ thì chỉ còn cách nghỉ việc. Chán nản vì sự kiếm sống khó khăn của mình, lại bị hai người kia thôi thúc về món nợ tình nghĩa đó nên một ngày nọ, khi một người bạn học cũ giới thiệu chị vào làm ở một vũ trường với số lương rất hậu, chị đã cắn răng chấp nhận với ý nghĩ đơn giản là mình \"bán nghệ chứ chẳng bán thân\". Nhưng vũ trường không phải là một nơi mà người ta có thể giữ gìn mãi phẩm cách của mình và dù có biện minh gì đi nữa thì mình cũng đã mang danh vũ nữ, cũng đã khiêu vũ trong vòng tay của biết bao nhiêu đàn ông háo sắc dù danh tiết của mình chưa bị ai xúc phạm. Nhưng chuyện đời không dể dàng như vậy. Sau một thời gian người chủ vũ trường bắt đầu ve vãn chị, bị chị từ khước nên ông ta bắt buộc chị phải tiếp những ông khác sộp, thế là chị nghĩ việc ngay hôm đó sau khi gom góp được một số tiền để trả món nợ ân tình kia. Lúc đó chị bơ vơ, không nơi nương tựa, sống trong những nhà trọ tồi tàn nhất. May thay có người bạn làm ở công ty chế biến trà nói công ty này đang tuyển thêm nhân viên. Thế là chị nộp đơn và được nhận vào làm công nhân phơi trà. Thể chất vốn yếu đuối, lại làm việc liên tục ngoài nắng nên một hôm chị ngất xỉu ngay tại chổ làm. Hôm đó anh Thành Vũ có mặt và là một người tốt bụng nên anh ấy chẳng phân biệt chị là một cô công nhân mạt hạng còn anh ấy là chủ tịch công ty, anh ấy bồng chị từ sân phơi trà vào phòng làm việc của anh ấy, cũng may nơi này thoáng mát nên chị dần dần hồi tỉnh. Lần đầu tiên chị thấy một chủ nhân ông đối với nhân viên mình như vậy, không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang hèn. Nhưng ngay lúc ấy anh Thành Vũ đã đưa ra một đề nghị bất ngờ là muốn chị trở thành thư ký riêng của anh ấy. Lúc đó chị đã từ khước và vội vã bỏ đi vì chị nghĩ anh Thành Vũ cũng giống như những tay giám đốc khác, lợi dụng chức vụ để ve vãn nhân viên của mình và khi không ve vãn được thì đuổi việc. Chị không muốn tình trạng ấy lập đi lập lại lần nữa nên nghĩ tốt nhất là làm đơn thôi việc. Nhưng đó chỉ là lý do thứ yếu, lý do quan trọng nhất khiến chị có một quyết định như vậy là bởi chị đã yêu anh Thành Vũ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi tỉnh lại tại phòng làm việc của anh Thành Vũ, khi ánh mắt anh ấy chạm vào ánh mắt chị, lập tức chị cảm thấy một cảm giác xôn xao dậy lên trong lòng. Với một con người vừa nhân ái, vừa có bề ngoài lôi cuốn như anh Thành Vũ, khó có người con gái nào có thể từ khước khi anh ấy bộc lộ tình cảm của mình. Chị biết mình hoàn toàn không xứng đáng với anh Thành Vũ, để vướng vào một cuộc tình như vậy, kết quả chỉ là đau khổ mà thôi. Nhưng khi chị trốn thì anh ấy lại tìm, và anh ấy đến với chị bằng tấm lòng hoàn toàn nhân hậu. Chị còn nhớ lúc Thành Vũ đến thì chị bị sốt rồi mê sảng, chính anh ấy đã cho chị uống thuốc và đút từng muỗng cháo. Chị chưa hề gặp một người nào mà nhân hậu như vậy, cho nên khi anh ấy lập lại đề nghị muốn chị làm thư ký thì chị không thể nào mà từ chối được. Có một khoảng thời gian rất đẹp, rất yên bình đã diễn ra cho đến lúc anh Thành Vũ tỏ tình và muốn kết hôn với chị. Nghĩ tới quá khứ của mình, chị đã từ chối vì chị biết gia đình của Thành Vũ không bao giờ chấp nhận mình và nếu như có chấp nhận đi nữa thì nếu một mai quá khứ của mình bị phanh phui ra thì sẽ có lắm việc ngang trái xảy ra và vì yêu Thành Vũ nên chị không muốn mang đến cho anh ấy những việc đau lòng như vậy. Thành Vũ đoán là chị cũng yêu Anh ấy nhưng có lẽ vì mặc cảm nên mới chối từ. Thế là anh ấy không đành lòng mất chị nên đã làm một cuộc trắc nghiệm để chính chị phải bộc lộ tình yêu của mình. Anh ấy đã có cơ hội ấy khi Minh Loan, cô bạn cũ của anh ấy, du học về. Thấy họ đi mỗi ngày với nhau, rồi sau đó nghe cái tin hai người sắp cưới nhau, chị đau khổ quá nên đã để lại tờ đơn thôi việc rồi lẳng lặng ra đi. Khi anh ấy hốt hoảng chạy đi tìm chị thì chị đã dọn ra khỏi căn nhà ấy, nhưng chị ra đi mà không nhìn lại được gương mặt của người yêu một lần sau cuối, điều đó quá tức tười đối với chị. Thế là chị đã quay về, định từ một góc kín đáo nhìn trộm anh ấy rồi sẽ ra đi. Nhưng cái hình ảnh mà chị bắt gặp là hình ảnh của một người đàn ông trẻ cô đơn, hai tay ôm đầu, ngồi bất động hàng giờ như đang tưởng niệm một mối tình đã khuất. Thế là tất cả rào cản, tất cả lý do, tất cả mặc cảm và hàng trăm thứ khác đều đã vỡ vụn ra bởi mãnh lực tình yêu. Ngay lúc đó cả chị lẫn anh ấy đều biết là cả hai không thể nào sống thiếu nhau và cũng không thể nào xa nhau lần nữa. Anh Thành Vũ biết mẹ mình không bao giờ chấp nhận một người con dâu nghèo khổ nên anh ấy đã đưa chị đến toà thị chính làm giấy kết hôn. Thế là trên pháp lý chị và anh ấy đã trở thành vợ chồng với nhau, ngoài ra khi làm việc đó anh ấy muốn đặt mẹ mình vào một hoàn cảnh đã rồi và rốt cuộc sẽ phải chấp nhận mối tình của hai anh chị. Nhưng mẹ anh ấy phản đối đến cùng cho đến lúc thấy Thành Vũ sống vất vơ, vất vưỡng, buồn khổ đến nỗi không màng gì đến việc của công ty nữa, bà ta mới buộc lòng nhận chị vào nhà vì sợ sự nghiệp của gia đình gầy dựng bấy lâu nay phải tiêu tan thành mây khói khi đứa con trai duy nhất của mình của mình không còn tinh thần nào để mà làm việc nữa. Tuy ghét bỏ chị là vậy nhưng bà ta đã đóng kịch ngay cái ngày đầu tiên mà chị bước vào ngôi biệt thự của nhà họ Hoàng. Bà ta đã sẵn một âm mưu để mà hành động, và bây giờ chị mới thấy cái âm mưu ấy rất là thâm độc. Việc đóng kịch ấy đã diễn ra cho đến khi bà ta thấy con trai hoàn toàn tin tưởng vào sự bao dung, nhân hậu của mình và cái hình ảnh cao cả ấy quả đã tồn tại trong tâm hồn Thành Vũ cho đến bây giờ, đến nỗi có ai mà cho anh ấy biết mẹ anh ấy thực sự là người như thế nào thì có lẽ anh ấy cũng không tin. Sau khi đã thành công trong việc gây dựng một hình ảnh như vậy trong lòng Thành Vũ, bà ta bắt đầu trở mặt và hành hạ chị. Sống trong cái không khí đầy thù hận đó, chị sợ đến nỗi đã nói với anh Thành Vũ là chị muốn đến công ty để phụ giúp anh ấy như lúc trươc, Thành Vũ cũng đã bằng lòng nhưng khi anh ấy đề cập đến điều này với mẹ thì ba ta giả vờ buồn khổ, khóc lóc, bảo rằng cái người già này bây giờ chẳng còn ai ngó ngàng tới mặc dù bà ta thương con dâu như con gái ruột của mình. Thế là Thành Vũ đổi ý, bảo ở công ty đã có anh ấy lo toan mọi việc, anh ấy mong chị hãy thay thế anh ấy để mà phụng dưỡng mẹ già, rằng mẹ anh ấy đã xem chị là con ruột thì chị cũng nên xem mẹ anh ấy là mẹ ruột của mình. Thế là con đường thoát thân của chị đã bị cắt đứt vì mẹ chồng của chị đã tiên liệu trước mọi điều để dù chị có vùng vẫy đến thế nào đi nữa thì cũng không thoát khỏi bàn tay bà ấy. Sáng hôm sau, sau khi Thành Vũ đã đến công ty, bà ta đã gọi chị vào phòng riêng của bà để nói chuyện. Mẹ chồng chị cho biết từ rày về sau, nếu chị còn tìm cách thoát ra khỏi ngôi nhà này lần nữa thì bà sẽ nói cho Thành Vũ biết trong quá khứ chị đã từng làm vũ nữ, một cái nghề bà ta cảm thấy rất là ghê tởm và nếu Thành Vũ biết thì anh ấy cũng không thể nào chấp nhận. Lúc đó chị bủn rủn tay chân vì không ngờ bà ta đã âm thầm điều tra tất cả mọi chuyện về cuộc đời mình, và dùng những gì mà bà ta biết như một cái thòng lọng đặt hờ ở cổ chị, chấp nhận phục tùng thì còn có thể sống sót, còn nếu vùng vẫy thì cái thòng lọng kia sẽ siết chặt vào cổ cho đến khi dẫy chết. Cả ngày hôm đó, chị đã suy nghĩ rất nhiều. Có lúc chị muốn bất chấp tất cả mọi thứ để thoát ra khỏi cái tình trạng khổ ải này, anh Thành Vũ có từ bỏ chị vì biết quá khứ chị có những điều nhơ nhớp thì chị cũng sẽ chấp nhận. Chị đã từng sống trong đau khổ, bây giờ thêm một ít đau khổ nữa trong kiếp này thì chị cũng sẽ cố gắng chịu đựng. Nhưng chị nghĩ mất chị là một điều đau khổ với anh ấy, bây giờ vừa mất chị vừa khám phá ra cái người mà mình trân trọng, yêu thương thực ra không giống như mình đã nghĩ thì anh ấy sẽ đau khổ đến chừng nào. Mỗi tối anh ấy trở về nhà, ngắm nhìn khung cảnh đầm ấm trong gia đình, thấy mẹ và vợ mình hoà hợp với nhau như vậy và cả hai đều chăm sóc mình từng ly, từng tí, anh ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc và điều này đền bù cho những giờ phút mà anh ấy đã làm việc vất vả ở công ty. Những chuyện khuất tất của chị trong quá khứ cũng giống như một quả bom nổ chậm, nó đang nằm trong tay của một người nhất định phải trả thù cho bằng được mới nghe, khi trái bom phát nổ, những người ở cạnh nó không chết thì cũng bị thương và cả hai trường hợp đó chị đều không muốn xảy ra với anh Thành Vũ. Vì vậy chị cố ngậm đắng nuốt cay mà sống để bảo vệ hạnh phúc của người đàn ông mà mình yêu, chị nghĩ chị sẽ sống như vậy cho đến khi nào kiệt sức mới thôi. Bây giờ tất cả bí mật của chị đều phơi bày trước mắt của Phong. Lúc nãy Phong có nói với chị một câu là sau khi những việc này, nếu Phong chịu đựng nổi thì anh Thành Vũ cũng sẽ chịu đựng nổi, bây giờ chị muốn biết cảm giác của Phong là như thế nào sau khi Phong biết rõ những vết nhơ của cuộc đời chị.
Chàng trai im lặng hồi lâu mới trả lời:
– Phong thường xét đoán một người qua nhân cách mà họ biểu lộ ở hiện tại chứ không phải ở những gì mà họ đã làm trong quá khứ. Huống chi những việc làm trong quá khứ ấy là do hoàn cảnh thúc đẩy, buộc họ phải làm như vậy. Chị dù có lúc đã rơi vào một môi trường hỗn tạp nhất nhưng chị vẫn giữ được sự trắng trong của mình và vội rời bỏ môi trường đó khi thấy nhân cách của mình bị đe dọa, Phong nghĩ đó là một việc làm sáng suốt và rất đáng ca ngợi. cái vết nhơ như chị đã đặt tên cho nó như vậy, đối với Phong không phải là cái gì trầm trọng cả. Sau khi nghe chị kể về cuộc đời mình, cảm giác của Phong là xót xa, là thông cảm, là muốn làm một cái gì đó cho chị được hạnh phúc để bù lại những nghịch cảnh mà chị đã trải qua. Cái hình ảnh trong sáng của chị trong lòng Phong không hề bị rạn nứt, cũng không hề bị sụp đổ sau khi Phong biết thêm một số diều về chị. Và khi hiểu rõ chị chịu đựng bà dì khắc nghiệt của Phong chỉ là để bảo vệ hạnh phúc cho anh Thành Vũ, điều đó làm Phong rất cảm phục. Nhưng Phong nghĩ cái cách mà chị bảo vệ hạnh phúc như chị đã trình bày ở trên không được toàn vẹn cho lắm, bởi vì nó kéo dài sự đau khổ của chị, và làm kiệt quệ tinh thần lẫn thể xác của chị cho đến lúc chị chẳng còn hơi sức nào nữa để mà tồn tại trên cỏi đời này. Điều đó thật bất công cho chị và khiến cái hạnh phúc mà chị cố giữ gìn đó cũng rất bấp bênh bởi vì chị không phải là người có quyền quyết định để cho nó tồn tại hay là hủy diệt nó. Cái quyền quyết định ấy đang nằm trong tay của mẹ anh Thành Vũ và nó trở thành một thứ vũ khí lợi hại mà chị không thể nào hoá giải được trừ khi chị cho anh Thành Vũ biết tất cả sự thật. Nhưng điều mà Phong hơi e ngại là phản ứng của anh Thành Vũ sẽ như thế nào khi nghe được những sự thực về chị. Vì vậy cái câu \"những gì Phong chấp nhận được thì anh ấy cũng sẽ chấp nhận được\" không phải là hoàn toàn đúng mà là do trong một lúc bất nhẫn với những khổ đau mà chị phải chịu đựng nên Phong đã thốt ra như vậy. Tuy Phong và anh ấy tuổi tác không chênh lệch với nhau cho lắm, có thể nói là cùng chung một thế hệ, nhưng trong khoảng mấy năm gần đây, hai người sống trong hai môi trường khác biệt nhau. Phong đã du học năm, sáu năm rồi, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi sự cởi mở và phóng khoáng của xã hội Âu Mỹ. Còn anh Thành Vũ thì hoàn toàn sống trong một xã hội đông phương, về khoa học, kỹ thuật thì cũng có tiến bộ thật đấy nhưng nếp sống bảo thủ thì vẫn không thay đổi, cho nên Phong cũng không biết là nhân sinh quan giữa Phong và anh ấy có khác biệt nhau không, và muốn xác định được điều này thì cần làm một trắc nghiệm nho nhỏ. Phong không muốn chỉ vì sự vội vã và thẳng thừng của mình mà hạnh phúc của chị bị tan vỡ nên Phong muốn đề ra một phương thức trung dung.
– Phong định sẽ làm như thế nào? - Tố Diễm hỏi một cách nôn nóng.
– Phong muốn trắc nghiệm anh ấy với sự có mặt của chị và chỉ nội trong chiều nay thôi, chúng ta sẽ biết phản ứng của anh Thành Vũ là như thế nào, anh ấy sẽ chấp nhận hay không chấp nhận khi biết được một số điều không hài lòng cho lắm về quá khứ của người đàn bà mà mình yêu. Biết trước được thái độ của anh Thành Vũ, chị sẽ dể dàng hơn cũng như không bao giờ ân hận khi chọn lựa những gì mà mình sẽ làm để bảo vệ hạnh phúc của cả hai người.
– Phong định gặp anh Thành Vũ ngay chiều nay à?
– Phải, Phong đã có ý đó lúc chúng ta rời khoải nhà. Phong muốn anh Thành Vũ tận mắt nhìn thấy những gì mà Phong đã làm để cho anh ấy vui một chút. Lúc nãy thì Phong chỉ muốn gặp anh ấy vì mỗi mục địch đó thôi, còn bây giờ thì Phong muốn kèm theo một việc khác... - Có liên quan gì đến chị phải không? - Tố Diễm ngắt lời Phong - Phong định thực hiện cái trắc nghiệm mà lúc nãy Phong đã nói với chị?
– Đúng là như vậy!
– Nhưng chị có đóng vai trò nào trong cuộc trắc nghiệm đó không? Nghĩa là... chị có cần làm gì giúp Phong không?
– Chị không cần làm bất cứ điều gì cả, chị chỉ ngồi im lặng và nghe mà thôi. Nhưng chị phải tỏ ra bình tĩnh khi phản ứng của anh ấy không giống như chúng ta mong muốn. Nhưng dù là giống hay không giống thì cũng chẳng có điều gì tai hại cả, ngược lại nó giúp cho chúng ta hiểu rõ anh Thành Vũ hơn. Nhưng Phong hy vọng anh ấy cũng có thái độ giống như Phong về vấn đề trên. Anh ấy còn rất trẻ, chắc không đến nỗi bảo thủ như những người lớn tuổi.
– Nhưng Phong có thể nói cho chị biết Phong sẽ làm như thế nào không? Như vậy chị sẽ yêm tâm hơn!
– Phong sẽ trở thành nhân vật chính của cuộc trắc nghiệm ấy, nghĩa là Phong biến mình thành người trong cuộc, còn anh Thành Vũ sẽ là người cho ý kiến về những bế tắc \"tưởng tượng\" mà Phong đề cập đến. Nhưng Phong muốn chị hứa với Phong là dù thái độ anh ấy thế nào thì chị cũng phải tỏ ra bình tĩnh.
– Chị hứa! - Tố Diễm đáp - Nhưng sao bây giờ chị thấy lo quá dù Phong nói là Phong sẽ đóng vai chính cho câu chuyện \"tưởng tượng\" đó!
– Chị đừng lo lắng như vây, bởi nếu anh Thành Vũ có là người bảo thủ đi nữa thì không có nghĩa là bế tắc không giải quyết được. Chúng ta sẽ cố nghĩ ra một phương cách nào đó để cảm hoá bà dì khó tính của Phong, lúc đó chị không cần phải sống trong đau khổ nữa. Nhưng cách nhanh nhất vẫn là...
– Là cái gì hở Phong? Phong làm cho chị hồi hộp quá!
– Cái cách ấy rất đơn giản. Bây giờ Phong không đưa chị đến gặp anh Thành Vũ, cũng chẳng đưa chị trở về ngôi nhà của bà dì khó tính. Thay vào đó Phong sẽ chở chị đến nơi nào mà không có ai làm chị buồn khổ và cho chị uống một liều thuốc để chị quên bẵng đi quá khứ của mình - Nói thế rồi chàng trai nhoẻn miệng cười - Chị Diễm, chị bằng lòng chứ?
– Phong chỉ nói đùa thôi! - Tố Diễm mỉm cười rồi vỗ nhẹ lên vai chàng trai - Ở thế gian này làm gì có một nơi như vậy và có một liều thuốc như vậy?
– Nhưng ít nhất thì câu nói đùa của Phong cũng làm cho chị đỡ phải căng thẳng. Chị Diễm à, muốn làm cho chị cười đâu phải dễ... thế nhưng Phong đã làm được rồi đó! Đó là việc duy nhất làm cho Phong cảm thấy hãnh diện trong ngày hôm nay... - Và rồi dìu Tố Diễm đứng dậy, liếc đồng hồ tay, Thế Phong nói tiếp -... còn bây giờ thì chị Diễm ơi, Phong đưa chị đi gặp anh Thành Vũ bởi không còn sớm nữa rồi!
Hôm nay là ngày Tố Diễm có những cảm giác mâu thuẫn với nhau, nghĩa là buồn vui lẫn lộn. Đang ở trong ngôi nhà tú túng đó, đột nhiên được bay bổng ra khỏi cái lồng giam hãm mình, được tâm sự những vui buồn của cuộc đời với một người bạn thân thiết. Đương nhiên tâm trạng nhẹ nhõm đi rất nhiều, không bi quan, yếm thế như những ngày qua nhưng bây giờ nàng cảm thấy căng thẳng khi sắp biết được thái độ của Thành Vũ ra sao nếu chàng biết được nàng không vẹn toàn như chàng đã nghĩ.