Chương 2
Ý THỨC VỀ NỐT NHẠC

Từ sau ngày Miên tiễn anh sang bên kia bờ sôn Đáy đã có những chuyện gì xảy ra cho Hiển?
 Có khá nhiều chuyện! Thời gian thì ít mà không gian di chuyển thì nhiều, tình tiết cũng lắm khiến sau này khi kể lại cho Miên nghe, một đầu óc toán học minh mẫn như Hiển đôi khi cũng cảm thấy lúng túng.
 Để câu chuyện có được thứ tự thời gian và nhất là để so sánh sự quyết định giã từ kháng chiến của ba người - Hiển, Kha, Miên - chúng ta cần biết ngay những gì đã xảy ra cho Hiển từ ngày chàng qua bờ sông Đáy.  Khởi đầu là sự ý thức của chàng về một nốt nhạc.
 Qua sông Đáy, vượt ngọn Tam Đảo, sang Thái Nguyên, ở đây Hiển nhập đơn vị sang Tàu theo học Lục quân khóa Tám địa điểm ở Phụng Minh Thôn cách Côn Minh ba mươi sáu cây số về phía Tây Nam.  Vừa tới nơi, cấp trên cho Hiển hay chàng được cử đi Nga học về bộ phận nặng quốc phòng: trọng pháo, xe tăng cùng các loại cơ giới khác.  Nguyên  vì trước đây một năm đã có một trung đoàn bộ binh dời mặt trận Nam Định sang bên này sửa soạn chịu huấn luyện thành trung đoàn trọng pháo đầu tiên, linh hồn của chiến thắng Điện Biên Phủ sau này, Hiển được cấp tốc cử sang Nga học để có uy tín chỉ huy trung đoàn đó.  Cùng đi với Hiển có hai anh hùng quân đội, một nam một nữ sang dự hội nghị các chiến sĩ giải phóng Đông Nam Á.  Cả ba lên xe hỏa đi Bắc Kinh rồi lên phi cơ đi Mạc Tư Khoa.  Kèm theo ba người, Bắc Kinh đặc biệt củ một chính trị viên tư tưởng rất vững.  Tới Mạc Tư Khoa, trong số ủy ban tiếp đón có người thông ngôn tiến Việt, có người thông ngôn tiếng Tàu.  Họ đều đã tốt nghiệp ở trường Đông Phương Ngữ Học ra.  Đặc biệt nội dung bài diễn văn đọc trong buổi họp mặt đầu tiên, đồng chí trưởng ban tiếp đón người Nga có kể rành mạch tiểu sử cùng chiến công của từng người.  Hiển hiểu điều đó là thái độ chính trị cần thiết nhưng hai nam nữ đồng chí anh hùng quân đội là những người nông dân chất phác thì cảm động đến ngẩn ngơ, đến run cả người.  Rồi tuần tự, ba người được đưa tới thăm một nông trường kiểu mẫu, tới thăm xưởng máy Staline sản xuất nông cụ; tới thăm trường đại học Lénine đương xây cất dở chiếm trọn một khu đồi; các đường ngang dọc trong khu đại học này tính tới hàng trăm cây số; vào thư viện chỉ cần viết giấy bấm nút là sách tự động đến tay.  Buổi đi thăm xe điện ngầm, ba người được thấy tại từng ga một bản đồ ánh sáng ghi chú những nơi lên xuống; xe chạy vun vút, hai bên đường hầm là cả một viện bảo tàng mênh mông những công trình điêu khắc; mỗi quãng đường là một kiểu kiến trúc tượng trưng cho một giai đoạn tiến hóa của nhân loại.
 Lòng thán phục của hai đồng chí anh hùng quân đội thuộc thành phần nông dân thuần túy lên tới mức bộc lộ hẳn nhiệt tình sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thiên đường Nga Sô.  Riêng Hiển, chàng thấy ngao ngán và lòng tự ái như bị xúc phạm mạnh.  Mấy năm trước đây xông pha tiền tuyến, công phá hết đồn này sang đồn khác, trưởng thành cùng quân đội trong chiến đấu tron mưu cơ trong tổ chức Hiển đã xóa được trong ký ức hình ảnh tượng trưng cho nhục vong quốc; người thanh niên Việt chạy trước cô đầm trước rạp Eden; giờ đây Hiển khao khát muốn sớm đuổi kịp các cường quốc về kỹ thuật nhưng làm sao mà đuổi kịp họ về kỹ thuật trong tình trạng chinh chiến của nước nhà ngày nay?  Chàng không muốn cam nhận mình chỉ là đại diện một tiểu nhược quốc đến thăm để chiêm ngưỡng, thán phục kỹ thuật của nước đàn anh vĩ đại.  Chàng thấy lúc nào nước Việt cũng có thể bình đẳng với bất cứ cường quốc nào về phương diện tinh thần.  Trong khi chờ đợi đất nước thanh bình để có thể đuổi kịp nước ngoài về kỹ thuật, chàng muốn những đức tính tinh thần của dân tộc phải được triệt để bổ xung và phát triển ngõ hầu người mình vẫn có thể ngang nhiên nhìn mọi tiến bộ kỹ thuật bên ngoài mà không mảy may tự ti mặc cảm.  Một tiểu nhược quốc chỉ có thể tự trọng hiên ngang, giữ được bình thản mà tiến khi biết tin, biết quý, biết tận tâm tận lực phát triển đức tính tinh thần của dân tộc mình.  Không biết tới điều dó thì cho đến vạn kiếp người dân nhược tiểu chỉ là thứ tốt biên nhỏ mọn trên bàn cờ quốc tế.  Hiển nghiến răng và mím chặt môi phóng ra một ý nghĩ thầm lặng nhưng đanh thép:  Nước Việt Nam quyết không chịu làm con tốt biên cho bất cứ một cường quốc nào, người Việt Nam quyết không chịu làm một thức "cóc vái giời", nước Việt Nam phải là một nốt nhạc có ý thức trong bản hợp tấu của nhân loại.
 Hiển chưa là đảng viên, nhưng các đồng chí ở nước nhà sau một buổi họp kín đã quyết định cử Hiển đi theo lớp huấn luyện này vì mấy lý do chính sau đây:
 - Hành động như vậy Đảng sẽ được dịp tỏ cho một số quần chúng thấy rằng, mặc dầu một số lầm lẫn Đảng đã mắc phải nhưng Đảng vẫn sáng suốt nhận định những tài năng xứng đáng để cử họ vào những trọng trách xứng đáng.
 - Đảng cho Hiển được dịp thực mục sở thị những gì là vĩ đại của thành trì Sô Viết, những mong hoàn toàn khắc phục con người tiểu tư sản đó, giải thoát cho hẳn mọi nghi ngờ, để rồi đây khi trở về nước, được chính thức vào Đảng, con người đó sẽ đem hết năng lực ra phục vụ chủ nghĩa quốc tế.
 Sự phản ứng của Hiển đã hoàn toàn ngược lại dự kiến của Đảng!
 Ngoài việc thăm viếng những đại công tác trên của thành trì Sô Viết, về phần giải trí, hàng ngày ba người được xem kịch hoặc được xem chiếu bóng.
 Bữa ăn có nữ chiêu đãi viên hầu bàn, sáng sáng có bác sĩ đến chăm nom sức khỏe.  Thực là chu đáo!
 Chu đáo và chặt chẽ nữa!  Đi đâu cũng có người chỉ dẫn thông ngôn; mọi đề nghị phải qua trưởng đoàn là chính trị viên đã được cử đi kèm theo ba người từ Bắc Kinh.
 Không ai được quyền tự do đi chơi phố, hoặc tự do tiếp xúc bất cứ ai trong ngay nơi cư trú đó.  Thành thử cho đến nay, ôn về nước Nga, Hiển cũng chỉ giữ được trong ký ức có ngần nhiêu hình ảnh.
 Sau buổi đi xe điện ngầm, Hiển được đồng chí chính trị viên cho biết chàng không được theo lớp học dự định và hai hôm sau nữa, một mình Hiển theo chính trị viên ra phi trường lên phi cơ về Bắc Kinh.
 Thoạt tiên Hiển tưởng chàng vô tình phạm một lỗi vô chính trị nào, nhưng trên đường về, chính trị viên cho hay sở dĩ chàng không được theo học vì chàng không hoàn toàn có đủ hai điều kiện do Nga Sô chỉ định:  Điều kiện văn hóa phải có tú tài toán học hoặc trình độ tương đương, điều kiện giai cấp phải thuộc thành phần công nông.  Hiển đã thiếu điều kiện thứ hai.
 Hiển đã có thái độ dửng dưng với việc không được chấp nhận theo học lớp cơ giới tại Nga Sô vì bài học trong chuyến đi Hiển cho là mình đã đạt được rồi: "Phải kiến thiết lâu đài tinh thần của dân tộc để giữ vững tin tưởng, nước Việt Nam quyết không chịu làm con tốt biên cho bất cứ một cường quốc nào, nước Việt Nam phải là một nốt nhạc có ý thức trong bản nhạc hợp tấu của nhân loại"!