Chương 4

Thuật vào nhà Dương min-nơ thì năm người kia đã ngồi cả ở trên giường.
Lão già Mẫn reo:
- Đây rồi, thế chứ lại!
Thuật cười hỏi cả bọn:
- Anh em chờ đã lâu chưa?
- Chúng tớ cũng vừa đến.
Dương min-nơ khệ nệ bưng mâm rượu ra đặt lên giường đoạn quay lại gọi Thuật:
- Lên đây! Chúng ta ngồi sát cánh nhau cho ấm.
Thuật thấy mọi người đối với mình, tuy còn mới mẻ, mà đã thân mật như vậy cũng lấy làm vui thích. Từ khi Thuật lên đây, lần này là lần thứ nhất anh giao du với những người ở mỏ. Theo Dương min-nơ chỉ chỗ, Thuật ngồi lọt vào giữa lão già Mẫn và Dương. Từ lúc bắt đầu làm với họ, Thuật mãi bây giờ mới có dịp ngắm nghía mọi người.
Thuật thấy Dương min-nơ là người thẳng thắn vui vẻ và dễ yêu.
Dương trước đã ra lính chào mào và đã từng qua Pháp nên anh ta có vẻ thông thạo hơn cả.
Tầm vóc cao lớn, đầu tròn, tóc búi ca rê, mắt lồi và hung hung, mũi đỏ nổi một núm tròn như quả quýt đặt trên bộ ria mép khum khum kiểu ghi đông xe đạp. Giọng nói của anh ta bình tĩnh êm ái và khi nói hay nhìn thẳng vào mặt người nghe, nhìn một cách chân thực và vui vẻ, một tia sáng lấp lánh trong mắt làm cho anh lúc nào cũng như có vẻ bông lơn dễ yêu lạ.
Ngồi bên tay trái Dương là Nhỡ, anh chàng gầy còm, lúc nào cũng có dáng một con gà rét mướt đáng thương.
Trái hẳn Nhỡ, Thông hình như một vế câu đối mà vế kia tức là Nhỡ vậy. Một đằng xo ro, khúm núm bao nhiêu thì một đằng tươi cười, nghịch ngợm bấy nhiêu. Thông nói chuyện có duyên nên mỗi lần anh ta mở miệng nói là một lần mọi người phá lên cười.
Không hay cười, duy chỉ có lão già Mẫn. Lão ngồi xổm, hai tay bó gối hình như lúc nào cũng muốn che khuất một nửa cái mặt dài ngoẵng như mặt ngựa mà chiếc mũ chào mào bằng dạ mầu phân ngựa đội xụp xuống đến gần lông mày vẫn không làm ngắn bớt đi được. Thỉnh thoảng lão mới nói bằng một giọng rấm rẳn nhưng đã nói câu nào là chắc như cua gạch vì lão nhiều tuổi lại đã lịch duyệt nhiều.
Không biết vì tình cờ hay ai cố ý đặt lão ngồi bên một anh con trai béo như cái chút chít và đen như cái cột nhà cháy. Lộc, tên anh chàng đó, cũng ít nói nhưng rất hay cựa. Anh ta xoay xỏa luôn, nhiều khi làm sóng cả chén rượu của lão già Mẫn hoặc làm rơi cả miếng thịt mà lão gắp đã đưa lên gần đến miệng. Sự vô ý ấy thường làm cho hai người vặc nhau như đôi vợ chồng xung khắc.
Khi ai nấy đã ngồi yên chỗ rồi thì Dương bắt đầu rót rượu; lão già Mẫn so đũa. Thuật nhanh nhảu cũng giàn bát ra trước mặt mọi người.
Dương nói:
- Hôm nay vì thêm có anh Thuật vào bọn với chúng ta, nên tôi có chén rượu gọi là mừng thất hiền.
Thông vội bẻ:
- Đâu ra thất hiền? Bố mày chưa uống mà đã trông một hóa hai rồi! Phải nói là: Có chén rượu nhạt gọi là mừng lục súc!
Một chuỗi cười giòn nổi lên.
Lão già Mẫn chép miệng:
- Anh Thông nói thế mà đúng! Lục xúc... Phải, sáu anh em mình đây tuy kể tuổi có hơn kém nhau mà cùng chung một cái đời vất vả như đời của súc vật vậy.
Câu nói chán chường ấy làm cho mọi người im lặng. Ai nấy đều trở nên nghĩ ngợi vì trong lòng mỗi người đều có một uất ức mà chẳng ai biết nói ra làm sao cho hả được. Câu chuyện quanh mâm rượu bị cắt quãng một lúc lâu. Những chén rượu nhấc lên đặt xuống đã vài lượt, có cái đã cạn hẳn mà cả bọn vẫn hình như lạc nẻo không biết tiếp câu gì.
Họ đành lặng lẽ uống, uống và cầm đũa gắp từng miếng thịt đưa lên miệng nhấm nháp...
Kiến thức thấp thỏi lại không được trông nhiều thấy rộng, suốt đời chỉ chũi mũi vào công việc mưu sinh, họ lấy đâu ra cho nhiều tài liệu để nói. Gặp nhau nhiều khi họ ngồi nhìn nhau hằng trống canh mà chẳng biết nói với nhau câu gì.
Mãi sau, Thuật hình như khó chịu vì cái im lặng kéo dài, bèn lên tiếng:
- Sớm ngày, mới xuống lò lần thứ nhất, tôi sợ quá!
Câu chuyện làm ăn là câu chuyện họ dễ kéo dài được nhất. Nên câu chuyện của Thuật hình như một lời thần chú làm cho sáu cái lưỡi kia tự nhiên mềm ra.
Dương làm mặt thông thạo:
- Có thế mà đã sợ! Chả bù với tôi khi bắt đầu đi làm, vớ ngay phải mỏ Vàng Danh, có những cửa lò sâu hàng mười thước tây một ấy! Ghê quá đến bây giờ mà nghĩ lại hãy còn hốt!...
Tợp một hơi rượu, nhắm một miếng thịt, Dương hình như chờ đợi cái hiệu lực của câu mình nói rồi mới lại tiếp theo:
- Các bác phải biết sâu lắm kia! Anh nào không quen, cứ cúi nhòm xuống những cái giếng hun hút như ăn thông tới âm ti ấy cũng đủ chóng mặt. ấy là chưa kể phần nhiều lò có hơi ngạt, người yếu xuống là ngất đi ngay...
Thuật hỏi:
- Thế thì làm thế nào được?
- Những lò như thế thường phải bỏ một độ lâu hay bắc quạt máy xuống cho thoáng. Tuy vậy, mỗi tốp thợ xuống làm cũng chỉ chịu được mươi mười lăm phút là đã phải thay tốp khác. Đã có lần chính mắt tôi trông thấy, có một lò nhiều hơi ngạt quá. Bọn phu xuống làm không biết nên ngã cả. Anh sau cùng thấy biến vội leo thang lên mà lúc tới mặt đất còn lả đi, cứu mãi mới tỉnh...
- Làm thế nào để phòng được?
- Chính Tây cũng chưa có cách gì. Nhưng người nào làm lâu năm đã thông thạo thì thoáng thấy khác là biết ngay. Có lò thế này mới ghê chứ! Chung quanh thành lò, hơi độc cứ xì ra kêu vo vo như tiếng dế. Thò ánh đèn vào khi nào tắt là nổ.
Dương cầm cốc rượu, liếc mắt nhìn mọi người thấy trên gương mặt nào cũng có vẻ kinh hãi, anh ta lấy làm bằng lòng và buông sõng một câu:
- Mẹ kiếp! Mình đã thề hễ có con thì lúc chết giối lại cho nó rằng nếu có nghèo đói thì đi ăn mày chứ đừng có theo cái nghề làm mỏ mà có ngày mất xác.
Thiết thực, lão già Mẫn hỏi:
- Làm khó khăn thế thì lương lậu hẳn khá?
- Nếu khá thì đây đã chẳng phải nhả! Bọn cai nó đểu lắm kia! Nó đặt ra cái lối lưu công. Ví dụ sáu anh em mình mỗi người mỗi tháng làm được mười lăm đồng chẳng hạn. Nhưng lúc lĩnh tiền, cai nó chỉ phát cho độ mười một hay mười hai đồng, còn bao nhiêu nó nắm tuốt, bảo để giữ hộ cho mình làm vốn.
Thuật thật thà đáp.
- Như thế chẳng phải hay. Có đưa cho mình thì mình cũng đến đánh xóc đĩa hết.
Dương nói như gắt bẳn:
- Ấy thà đem đánh xóc đĩa thua bố cả nó đi lại còn sướng tay. Đằng này bị nó lưu công nên mười anh, nhất là những anh có vợ có con, đều túng thiếu xo rụi cả vì không đủ chi các món. Số tiền của mình nó lưu lúc ấy nó mới đem cho mình vay lãi bốn mươi phân hoặc đong gạo bán ngữ cho mình ăn để lấy lãi. Như thế có phải nó làm giàu bằng chính ngay đồng tiền của mình không?
Nhỡ tức tối:
- Tiên sư chó!
Thông hăng lên:
- Sao không thưa chủ?
Dưỡng bĩu môi và nhìn Thông bằng cặp mắt thương hại:
- Thế mới biết chú chưa hiểu sự đời là cái cóc khô gì cả! Chú thưa chủ à? Nhưng bọn cai nó lại thân với chủ như con với bố, nó lại làm ma cô dắt gái cho chủ, và nó lại đấm mõm cho chủ hoặc dâng ngay vợ nó cho chủ thì cái ngữ một thằng cu-li muỗi tép như chú, chủ nào nó thèm đếm xỉa tới?
- Thế thì thôi mẹ nó đi chứ làm làm gì?
- Nói dễ lắm! Thôi! Thế chú có phải ăn không? Chú có thể nhịn đói được không?
Thông nín lặng.
Thuật bất bình quá:
- Một mình kêu chủ không xét thì xúm nhau năm bảy mươi thằng lại mà kêu không có thì giã cho bọn cai chết mất mạng đi cho có được không!
- Nói dễ nghe nhỉ? Làm thế à, làm thế thì có mà bỏ mẹ ngay!
Thuật ngây thơ hỏi:
- Tại sao?
Dương cười mũi:
- Hứ! Lại còn hỏi tại sao!... Anh mà làm thế thì nó gọi ngay dây nói về đồn lấy lính xuống, đổ cho anh là muốn làm cộng sản rồi nó gô cổ anh lại, tống anh vào nhà pha, đày anh đi Côn Đảo hay nó phơ cho anh chết sặc ngay chứ còn làm sao nữa!...
Một sự im lặng nặng nề tiếp theo câu Dương nói. Thuật thở dài lẩm bẩm như tự hỏi mình:
- Thế thì còn gì là công bình nữa!...
Dương khẽ vỗ vai bạn:
- Công bằng? Ra đời mà chú lại cứ tin ở sự công bằng của người ta thì anh lo cho chú lắm! Chẳng có gì là công bằng hết!...
Lão già Mẫn lấy tay quệt mũi đoạn cũng họa theo lời Dương:
- Phải, chỉ một trò cá lớn nuốt cá bé, thằng khỏe hiếp thằng hèn, chứ làm chó gì có công bằng.
Nhìn khắp mọi người một lượt, lão già Mẫn thở dài một cách vô cùng chán nản, vô cùng uất ức, đoạn tự rót luôn cho mình hai ba chén rượu mà chén nào lão cũng chỉ tợp một hơi là hết. Mặt lão đỏ gay gắt như gạch nung. Mắt lão sáng quắc lên một cách dữ tợn, hằn học:
- Lắm lúc nghĩ mà giận không biết chừng nào. Người ta đối với nhau, độc ác tàn nhẫn quá! Các loài hổ báo đối với nhau không bằng người ta đối với nhau. Cơn hung lên, hổ báo cắn xé nhau nhưng chúng nó không biết rằng làm như thế là không tốt. Người ta biết rõ rằng cùng một loài mà hại nhau là xấu mà vẫn hại nhau như thường, có khi không phải là vì tức giận mới ghê chứ!
Dương gật gù ra dáng thưởng thức câu nói của lão già Mẫn lắm:
- Chính thế đấy!
Lời tán thưởng ấy chẳng khác chi một gáo dầu tưới vào đống lửa cháy đương hăng. Lão già Mẫn tợp một hơi rượu, giơ chai lên cho mọi người thấy rằng rượu đã hết.
Dương vội an ủi mọi người:
- Đừng lo! Đây, còn chai bố nữa kia mà! Anh em cứ uống đi.
Quay lại lão già Mẫn:
- Uống đi có say bí tỉ mới vui!
- Vui thì vị tất đã vui, nhưng ít nhất cũng khuây được buồn.
Lão thở dài ầm ĩ tỏ ra lão buồn lắm đoạn thủng thẳng nói:
- Cái lý đâu lại đời cha ăn mặn đời con khát nước bao giờ!
Cả bọn nhao nhao:
- Đời con nó được chấm mút đếch gì mà bắt nó phải khát nước!
- Ấy thế mới chó chứ! Anh em thấy tôi thế này chắc anh em không ngờ đâu rằng đời tôi cũng có thời được học hành tử tế và ông cha nhà tôi cũng đã mấy đời khoa bảng hẳn hoi, lại giàu có là khác nữa.
Ấy thế mà bây giờ tôi phải đem thân lên chỗ xó rừng này, làm một thằng phu mỏ thì anh em nghĩ có cực không?
- Thế đầu đuôi tại sao mà lại như thế?
- Tôi cũng chẳng biết nữa! Nghe đâu khi tây mới sang đây, các cụ nhà nho ta có họp thành một đảng phản đối và cha tôi hình như cũng ở đảng ấy. Rồi về sau chẳng rõ cha tôi có phản đảng phản điếc gì không mà dân làng nó xúm vào nó mỉa mai chửi rủa tôi rất là khổ sở. Tôi lúc ấy mới lớn có biết cóc khô gì. Một hôm tôi đi qua một đám năm bảy thằng đang ngồi chơi với nhau ở hè nhà phó lý. Thấy tôi, một thằng trong bọn liền nói xỏ: "- Đấy, con ông văn thân phản quốc đấy!" Rồi cả bọn chúng nó cùng cười ầm lên. Tôi bị những câu mỉa mai như thế đã nhiều, những người giao du với tôi cũng im lặng tránh xa tôi khiến cho tôi uất ức quá. Nay chợt lại bị chế giễu trước mặt mọi người, tôi điên ngay lên, mặt nóng như chàm lửa, xông thẳng lại trước đám đông và sừng sộ hỏi: "- Đứa nào vừa nói gì?". Phó lý đứng lên với một nụ cười khiêu khích: "Tao!" Hắn vừa dứt lời, tôi đấm ngay vào giữa mặt hắn một cái thật mạnh làm cho hắn ngã bất tỉnh nhân sự. Thế là chúng nó xúm lại quanh mình tôi, kêu rầm lên rằng tôi lăng mạ và hành hung với hương chức, đoạn bắt giải tôi lên quan. Giá như người ta cho tôi báo tin để thầy tôi biết thì lão huyện cũng chẳng làm gì nổi nhưng tôi đã bị đau đớn bởi thầy tôi, tôi không muốn mang tiếng là cậy thế cha nữa. Tôi tự mình theo kiện với phó lý. Bên phe nó cả làng, bên tôi chỉ có một mình, lại bị lão phủ ghét nên sau vụ kiện ấy, tôi mất hết cả gia tài, điền sản. Biết rằng có ở làng nữa thì rồi cũng không yên thân được với chúng nó, tôi nghĩ giận hờn vơ vẩn; nhất định đi. Lang thang khắp đây đó, tôi chìm nổi bao nhiêu lần, đói khát bao nhiêu lần lại nào vợ chết, con chết, cái thân chơ vơ đất khách quê người nay giạt vào đây...
Lão nhấc chén uống một hơi rồi kết luận:
- Anh em thử xem cái thân tôi có đáng khổ sở như thế không? Tôi làm gì nên tội? Mà như thế thì loài người có ác không, hử?
Mẫn giằn giọng hử một tiếng, hai hàm răng nghiến lại, mắt trợn lên đoạn nắm tay đấm xuống giường thình thình.
- Lắm lúc nghĩ đến cái đời mình, nghĩ đến những kẻ nó gây tai vạ cho mình một cách vô lý, tôi tức điên ruột lên...
Giọng nói của lão già rít lên rất ghê rợn. Năm người kia lặng lẽ nhìn nhau vừa như sợ hãi vừa như não nùng...
Thông phá ngang:
- Thôi, không nói chuyện ấy nữa, buồn lắm! Ta họp nhau để vui chứ có để buồn đâu!
Nhỡ cũng lên tiếng:
- Này anh em, cái Tép trông hẩu đấy chứ?
Dương cười khẩy:
- Trông bộ như con cò bị bão ấy mà lại hay chấp chới.
Lộc từ nãy vẫn ngồi im bây giờ mới nói theo Dương:
- Mấy lại nước mẹ gì kia chứ? Trêu vào bà chủ, khéo chẳng lại tù sớm!
Thuật đỏ mặt ngắt lời Lộc:
- Anh Lộc hình như quên câu chuyện của ông già Mẫn rồi!
Mọi người nhìn Thuật, không ai hiểu ý anh ta nói ra sao cả.
- Phải, chắc anh Lộc đã quên rằng một lời mai mỉa, một câu chế giễu có khi lại làm hại cả đời người ta...
- Nhưng sự thực như thế chứ nào ai có điêu cho ai...
- Sự thực!... Ở đời này, tôi thì tôi không dám thế nào là đích thực, nếu chính mắt tôi chưa nom thấy...
Lộc bướng bỉnh:
- Thì chính mắt tôi nom thấy mà lại!
- Cho thế nữa thì cũng chẳng nên nói ra làm gì. Tôi tưởng một người con gái ở thời buổi Tây Tầu này, nhất là người con gái ấy lại nghèo khổ như Tép...
- Chán vạn người khác người ta chẳng nghèo hay sao!
- Mình ở ngoài cuộc thì vẫn dễ nói lắm. Tôi hẵng hỏi ngay như anh, nếu bây giờ anh không có việc làm, trong nhà anh một đồng xu không có, một hột gạo cũng không mà giữa lúc ấy thì vợ hoặc con hoặc mẹ già anh ốm nặng thì phỏng anh có đâm ra trộm cắp dễ dàng không? Ấy là nói một người đàn ông sức dài vai rộng đấy...
Thuật càng nói càng hăng hái quên cả rằng Dương từ nãy vẫn cứ rót mãi rượu cho mình thành ra lúc anh dứt tiếng thì anh cũng vừa say khướt.
Thông thấy Thuật hết sức cãi cho Tép, thì tủm tỉm cười, nhìn Thuật bằng một vẻ ranh mãnh:
- Anh Thuật nói giỏi lắm! Và chịu khó cãi cho cô Tép quá đi mất.
Mọi người cười ồ...
Thuật đỏ mặt, mắng Thông:
- Anh này hay nói lởn vởn lắm. Người ta nói ngay thẳng thì anh lại bẻ queo ra để chế giễu như thế là cái quái gì?
- Không, tôi có chế giễu gì đâu. Tôi chỉ khen anh chịu khó cãi cho cô Tép mà thôi.
Lão già Mẫn nói:
- Người ta cãi cho kẻ vắng mặt là phải lắm.
Lộc gật gù:
- Phải lắm! Bênh nhau thì phải cố cãi cho nhau chứ!
Mọi người lại cười.
Nhỡ chêm:
- Các bác cũng lôi thôi lắm! Người ta bênh nhau thì đã làm sao!
Thuật đứng dậy:
- Chẳng nói với các anh nữa! Đi về đây.
Dương vội giữ:
- Ấy kìa, Thuật ở lại chơi đã!
- Bác cho em uống say quá rồi. Phải về ngủ để mai còn dậy sớm đi làm!
Cả mọi người cùng gọi:
- Thuật! Ở lại hút vài điếu đã rồi hãy về.
- Gì chứ phiện thì tớ chịu!
Dương bảo anh em:
- Thôi, hắn say rồi, để cho hắn về.
Nói đoạn, Dương đưa Thuật ra tận cổng và lúc chia tay nhau, Dương âu yếm vỗ lên vai Thuật:
- Anh Thuật! Tôi cảm ơn anh lắm!
Thuật ngơ ngác nhìn Dương.
- Anh đã bênh Tép, anh đã bênh một đứa con gái đáng thương!
Rồi, cảm động, Dương nói thật nhanh:
- Tép nó là em họ xa của tôi.