Chương 8
NGƯỜI SAMURAI TRONG THƯƠNG TRƯỜNG

    
hư số đông người Việt Nam ở hải ngoại phải đau lòng rời bỏ quê hương chịu cảnh tha phương cầu thực, tôi không ở mãi cái cảnh ngửa tay để nhận tiền cứu trợ xã hội, không thể đeo bám vào một cộng đồng xa lạ trong những ngày tháng đầu tiên ở xứ người để nhận lấy sự xót thương có phần khinh thị của người bản xứ. Sau một tháng đầu ở Mỹ tôi đã xin được một việc làm tại một tháng chế xuất đồ điện tại công ty Kyocera ở phía Bắc thành phố San Diego. Trên dây chuyền sản xuất tôi là một công nhân duy nhất trong căn phòng ngang 10 mét dài 20 mét với hàng chục máy móc mạ vi mạch vào trong chip điện tử. Và chỉ sau một thời gian ngắn được chỉ định làm khâu cuối cùng cho một dây chuyền tức là nhân viên kiểm tra chất lượng. Trong cương vị khiêm tốn này tôi đã học được rất nhiều điều qua các công đoạn sản xuất, kiến thức về điện của tôi được tích lũy rất nhiều trong thời gian này. Ở Mỹ trong giai đoạn mà ngành điện tử bắt đầu bùng nổ, thế hệ những Transistor, Capacitor, Diode...to cũ đã lạc hậu. Trong kỹ thuật công nghệ mới người ta thay dần những linh kiện trên bằng những con chip, parts... rất nhỏ có đầy đủ công suất và chức năng, sức truyền dẫn chính xác và tác dụng hiệu lực gấp trăm lần so với công nghệ cũ.
Sau một thời gian ổn định về kinh tế, thôi thúc trong tôi lòng thiết tha học hỏi và tìm hiểu về công nghệ điện tử mới. Tôi lại xin một việc làm khác ở một hãng điện tử chuyên sản xuất TV, VCR, DVD...và cung cấp các bản mạch điện tử theo đơn đặt hàng của các tập đoàn lớn. Đi làm được nửa năm tôi nghĩ đến việc phải tiếp tục học, bởi vì nếu không học tôi vẫn suốt đời làm một công nhân, cho dù lành nghề cũng chỉ được nâng lên thành kỹ thuật viên, còn muốn trở thành kỹ sư thì phải học và thi tốt nghiệp. Trong một xã hội thuần kinh tế thực dụng như ở Mỹ, để đảm bảo một việc làm, một vị trí trong xã hội thì phải có chuyên môn và bằng cấp. Bằng cấp và học vị là thước đo, là tiêu chuẩn đầu tiên để vươn lên trong bất cứ ngành nghề và lãnh vực nào.
Tôi đăng ký làm ca ba ở xưởng sản xuất. Ca ba mà những người Việt đi làm ở Mỹ thường gọi là ca " nghĩa địa " graveyard shift, có giờ sản xuất bắt đầu từ 23 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Chỉ những hãng uy tín có đơn đặt hàng lớn công việc nhiều mới có ca ba, đây là ca làm việc mà người công nhân trên dây chuyền sản xuất âm thầm ban đêm như những bóng ma, những thao tác công việc của họ đều trong không gian vắng lặng và thời gian thì tưởng như trôi rất chậm. Mọi người lặng lẽ làm việc, hiếm hoi mới có tiếng người, chỉ duy những lần trao đổi thật cần thiết mới lên tiếng. Tiếng máy vận hành, đèn neon sáng láng trong xưởng, không ai thích làm ca này nên số người làm việc không đông như những ca khác, cái lặng lẽ bao trùm toàn cảnh nhà xưởng tưởng như chung quanh có những cặp mắt vô hình theo dõi công việc của mình. Cho đến khi nhìn ra cửa kính thấy trời tỏ dần và những lúc đó thèm làm sao những tiếng gà gáy sáng ở quê hương.
Ca nghĩa địa là vậy đó, ca này chỉ dành cho những người khó kiếm việc làm hoặc những người còn có công việc thêm ban ngày. Tôi thì đăng ký làm ca ba với lý do khác: để có thể theo học vào ban ngày. Vả lại ca này được trả thêm 25 xu một giờ cũng có thêm phương tiện để trang trải tiền sách vở.
Đêm làm việc, sáng về nhà ngủ một giấc cho đến trưa và chuẩn bị đi học. Thời gian học từ 17 giờ chiều vào thư viện làm bài tập, ôn bài đến 19 giờ vào lớp học ra về lúc 22 giờ đêm rồi lại chuẩn bị vào ca.
Vừa làm ca ba vừa học như thế, mọi sinh hoạt của tôi phải sắp xếp lại cho hợp với cơ địa và môi trường của mình. Tôi thường xuyên phải luyện khí công trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, thường xuyên tắm nước lạnh. Luôn luôn giữ phần nội lực của mình kín và đầy, những động tác phát tiết ra ngoài thường rất ít, tập như vậy lâu dần trở thành một thói quen.
Hãy hình dung dùng một băng dán để gắn tấm hình lên tường gỗ, nhiều người không để ý cắt băng dán một phần vào tấm hình,một phần vào tường gỗ thế là xong. Nhưng một người mà võ học đã thấm sâu vào máu thịt, một việc nhỏ như vậy nhưng người đó lại thao tác cách khác: cẩn thận anh ta chỉ cho 20% đến 30% bề mặt tiếp xúc của miếng băng dán vào tấm ảnh, phần còn lại được dán vào bề mặt của tường gỗ. Cách dán này vừa đẹp mắt vừa đảm bảo bức ảnh sẽ không rơi rớt vì cả hai phần tiếp xúc của băng dán với bức ảnh vào tường đều hợp lý theo tỷ lệ.
Nhiều người xem thường những việc nhỏ, nhưng nếu việc nhỏ làm không tốt và cẩn thận thì làm sao làm những việc lớn. Cũng như trong võ thuật Musashi đã nói:"Khi anh đã có thể dễ dàng hạ một địch thủ, thì anh có thể hạ bất cứ kẻ nào trên trái đất. Nguyên tắc đánh hạ một địch thủ cũng là nguyên tắc đánh hạ trăm ngàn địch thủ. Người lão luyện chiến thuật làm cái nhỏ thành ra cái lớn, tương tự như nhà điêu khắc tạc một tượng Phật lớn từ một mẫu tượng nhỏ.Khi nắm được một điều, có thể hiểu được một vạn điều." Tôi đã từng chứng kiến một nhà thầu làm giếng cho một công trường lớn trên cát, công việc của ông ta là thầu đào mấy chục miệng hố rồi thả vòng bi xi măng xuống, nhưng làm hoài mà giếng vẫn bị nghiêng, mấy chục vòng bi xi măng lòng giếng không chịu đứng yên một chỗ mà lại lệch nghiêng đến mấy chục độ. Anh ta cố đào " bên không nghiêng " để lấy thăng bằng cho lòng giếng mà không bao giờ được, càng sửa thành giếng lại càng nghiêng lệch nhều hơn.
Với một lực tác động trên mặt bằng mềm, khi không cân xứng ta không bao giờ xử lý về một phía, bất cứ lúc nào cũng tạo cân bằng từ hai phía, đó là quy luật âm-dương, mềm-cứng trong tự nhiên mà thôi. Sau khi nhìn thấy tôi giúp ông xử lý tốt hơn mấy chục cái giếng, vì nguyên tắc người thợ ở dưới cứ đào phía bên cao đất cát từ phía ngoài vòng bi trụt xuống, tạo khoảng trống viên bi bị bắn ra khoảng trống đó và giếng càng nghiêng nhiều hơn. Trước đó ông dè bỉu và cho tôi là một thằng bé chưa biết gì. Bởi vậy trong cuộc đời tôi, từ trước đến nay đối với công việc cũng như đối với người khác tôi không bao giờ vội vàng đánh giá tốt hay xấu, trình độ, đạo đức... có hay không? Mọi đánh giá trước đều chủ quan có khi phiến diện đến không ngờ, kết quả trái ngược với sự đánh giá chỉ làm ta thất vọng hoặc hối hận mà thôi. Tuy vậy, đối với mọi sự sai lầm, sự không trung thực của đồng nghiệp, bạn bè... tôi đều để dành cơ hội thứ hai cho họ sửa chữa, nếu họ không dùng tốt cơ hội đó, thì người ấy sẽ không là đồng nghiệp hay bạn bè của tôi nữa. Không mềm yếu quá đáng để đưa mình và người khác vào sai lầm gây nên nghiệp quả, dù khi cắt bỏ có đau đớn chút ít nhưng vết thương sẽ mau lành còn hơn để lâu trở thành ung thối không thể chữa trị được nữa.
Năm 1983 tôi tốt nghiệp kỹ sư điện tử, sau bốn năm vừa làm vừa học. Tấm bằng kỹ sư mà tôi nhận được là kết quả của những ngày tháng cần cù, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó để theo đuổi. Những chứng chỉ mà tôi có được từ Đại học Văn khoa và Đại học Luật khoa Sài Gòn không giúp cho tôi được bao nhiêu tín chỉ theo hệ thống dại học của Mỹ. Nhờ vừa có học bài bản vừa làm việc để thực hành đúng chuyên môn, nên tôi gần như nắm bắt và tiếp thu tường tận công nghệ cao điện tử của Hoa Kỳ trong thời gian này.
Hoa Kỳ là một nước tiên tiến trong lãnh vực điện tử, tuy nhiên thị trường điện tử họ đã để cho người Nhật chiếm một tỷ lệ thị phần quan trọng trong việc xuất khẩu sản phẩm, một số thiết bị điện tử Hoa Kỳ cũng phải nhập từ Nhật Bản. Vấn đề này nằm trong những quy luật kinh doanh, thương trường riêng biệt mà hai đối tác này luôn tôn trọng và bảo vệ nhau, khi có mâu thuẫn thường có điều chỉnh cần thiết theo tình hình mà hai bên cùng có lợi. Một lần trong lớp học tôi trao đổi với một giáo sư kinh tế về lãnh vực điện tử, tôi có đem vấn đề tại sao người Mỹ lại không cạnh tranh với người Nhật trong lãnh vực thương mại điện tử...vị giáo sư đó không trả lời trực tiếp câu hỏi mà trả lời rằng: người Mỹ chuyển giao công nghệ cho đồng minh và chỉ nắm lại công nghệ đó ở trình độ cao nhất. Lúc đó tôi cho đây là một câu trả lời ngạo mạn về sự so sánh, nhưng sau này đi vào thương trường tôi mới hiểu ông giáo sư đó đã nói thật. Các tập đoàn của Hoa Kỳ đều có chiến lược nắm công nghệ mới ở đỉnh cao mà cái nhìn phân tích bên ngoài khó lòng vội vàng kết luận.
Đất khách quê người, lòng mang nỗi sầu xa xứ khôn nguôi, tình quê trong tôi lúc nào cũng sẵn sàng trỗi dậy niềm hoài hương với nhiều thương mến. Hình bóng mẹ già mỏi mòn, lận đận chốn quê xa mà lúc nào tôi nhớ đến cũng như xát muối trong lòng. Mỗi lần nghĩ về mẹ là lòng tôi lại mềm yếu và thẫn thờ như đeo đẳng nỗi thiếu vắng lớn lao vô chừng. Những buổi chiều lái xe đi trên cả trăm cây số trên con đường đi và về từ nhà đến nơi học và làm việc, qua đoạn đường xa lộ số 5 từ San Diego đến Santa Ana... một bên là đồi núi chập chùng tuy không nhiều cây cối, một bên là biển xanh sóng vỗ, tôi như đắm trong cơn mơ về nỗi nhớ quê nhà đến đày đọa tâm hồn.
Những lúc ấy nếu không vì mấy đứa con còn thơ dại, nếu không có sự chia sẻ đầy cảm thông của nhà tôi, không biết tôi có đủ can đảm và kiên trì " đêm cày ngày phơi " không?
Cám ơn tình đất nước, tình mẹ để cho tôi ngẩng cao đầu đối mặt với cuộc sống đầy gian nan khổ nhọc. Đúng như bao người nghĩ về nước Mỹ - đó là một xứ sở giàu có đẹp đẽ, nhiều dân tộc khác màu da sống với nhau trong một xã hội mà pháp luật là kỷ cương ràng buộc. Bạn có thể đối mặt với pháp luật bất cứ lúc nào. Lái xe quá tốc độ là có ngay xe cảnh sát hú còi phía sau,quẹo phải, quẹo trái đúng luật, dù chưa xảy ra tai nạn cũng có thể bị giấy phạt vì "không an toàn ", để chó chạy rông, la mắng con cái rầy rà mấy nhà hàng xóm cũng có thể bị kiện tụng, vườn cỏ nhà anh không cắt tỉa cũng bị thành phố gửi giấy phạt.
Nói chung, xã hội Mỹ trật tự một cách lạnh lùng, không có chuyện thông cảm bỏ qua. Muốn làm bất cứ chuyện gì cũng phải có tiền và có luật sư đứng đằng sau, vì sơ hở là có thể "đáo tụng đình " đến sạt nghiệp. Nước Mỹ là một bông hồng mà chung quanh quá nhiều gai nhọn. Những ngày tháng đầu tiên sống trên đất Mỹ tôi cũng như những người Việt Nam khác đều có chung suy nghĩ: thật khó sống ở xứ này, khi chung quanh thành phố là cao ốc, những khu nhà ở trải rộng, trời xanh và cao, khí hậu trong lành, đường sá phẳng phiu, xe chạy nườm nượp, công viên, hè phố cây cỏ xanh rờn, hoa tươi sạch đẹp tinh tươm như tranh vẽ. Làm sao có thể kiếm đủ sống chứ đừng nói làm giàu trong một khung cảnh mà hình như đâu vào đấy cả rồi. Nhưng không, ở Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung, nếu biết làm thì đâu cũng có thể thành tiền. Cắt cỏ, bán báo, rửa xe,giữ em, dắt chó đi chơi đều được trả tiền. Nhưng tiền nào của ấy, công việc là công việc chứ không thể vừa làm vừa chơi, vừa lấy tiền thiên hạ mà nhẩn nhơ thơ mộng là không xong.
Đa số người Việt Nam ở Mỹ đều ổn định công việc trong một thời gian rất ngắn, khi hội nhập được với xã hội họ đã vươn lên có nhà cửa,của cải, nhiều người đã trở thành chủ cửa hàng, cửa hiệu, có hãng, công ty riêng và ky cóp tiền của để dành cũng không thua người bản xứ chút nào. Nhưng phần lớn làm chỉ đủ sống và trang trải cả chục loại chi phí không thể nào tránh khỏi. Làm việc như đi cày ngày 8 tiếng mướt mồ hôi trán, mờ mắt chứ không phải như ở trong nước: Chuyện "cơm vua ngày trời " hoặc " xem thời tiết liếc đồng hồ ","cỡi ngựa xem hoa ", "làm ít nói nhiều ","nâng trên đạp dưới " đã thành nếp, đã thành thói quen và an phận, thủ thường trong suy nghĩ: rồi đâu cũng vào đấy cả thôi!
Tôi không ca tụng gì Mỹ và cũng chẳng ruồng rẫy quê hương, nhưng đó là sự thật hiển nhiên mà bất cứ ai cũng thấy. Ở Mỹ còn kỳ thị, còn có lắm kẻ nghèo, thất nghiệp, phải sống bám vào quỹ cứu trợ xã hội, còn cảnh đì doàng súng nổ của băng nhóm găng tơ. Còn nhiều bất công và người có tiền bao giờ cũng được lợi nhiều mặt. Xã hội nào cũng vậy, cũng có kẻ giàu người nghèo... Nhưng một xã hội tốt đẹp thì phải thực hiện công bằng, có chung văn hóa ứng xử đó là mặt bằng nhân văn, là nền tảng đạo đức, là thước đo dân trí. Người dân được bảo vệ bởi pháp luật chứ không phải " cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan " như cha ông ta ngày xưa đã khuyến cáo.
Con đường tôi đi không trải đầy hoa thơm mà gập ghềnh đọng nước trong cuộc mưu sinh. Kiếm được một việc làm ổn định ở Mỹ là rất khó. Chuyện mất việc làm, thất nghiệp bao giờ cũng có thể xảy ra, xã hội Mỹ không có chỗ cho những người mơ mộng và lười biếng.
Để trở thành kỹ sư điện tử, tôi phải vừa làm vừa làm vừa học trong bốn năm liên tiếp, trong bốn năm đó mỗi ngày tôi chỉ dành cho giấc ngủ khoảng ba bốn tiếng đồng hồ, xáo trộn mọi thời biểu, kiên trì ôn luyện võ công và phải bỏ nhiều thói quen để phù hợp với sinh hoạt. Thời gian còn ở trong nước tôi có thói nhâm nhi cà phê và hút hơn một gói thuốc lá mỗi ngày. Chỉ sau một thời gian vì chuyện học hành và phải thức đêm làm việc mà bỏ hẳn thuốc lá, không một chút thèm nhớ vướng bận nào. Cà phê ở Mỹ thì như mọi người đã biết, uống lúc nào cũng được, cà phê chỉ là một loại nước giải khát tăng cường sự tỉnh táo mà thôi, việc làm và học hành đều phải tập trung, nhưng không đẩy sự tập trung thành căng thẳng mà thư giãn bằng hơi thở, một thói quen tốt đẹp cho bất cứ ai biết kiềm chế bảy món tình cảm biểu hiện thường ngày. Để đạt được mục tiêu khiêm tốn trong đời sống mà nghề nghiệp đòi hỏi, tự thân tôi phải nỗ lực chiến đấu với bóng ma lười biếng, ỷ lại trong mình.
Cuộc đời ngắn ngủi nhưng để sống đúng nghĩa đòi hỏi người ta phải biết chọn mục tiêu để sống và quan trọng nhất là chiến đấu với chính mình. Một cuộc chiến đấu không khoan nhượng mà ngày nào còn hơi thở còn phải sống, mà sống nghĩa là " sống với, sống vì ", dù chỉ gói gọn trong năm mười người thân thuộc chứ chưa nói đến mọi người trong cộng đồng xã hội.
Từ tính cách của một người học võ, tôi không thể dừng lại trước một thành công nhỏ để nẩy sinh hãnh tiến lố bịch.
Tôi bắt đầu đề ra kế hoạch cho chính mình để xâm nhập thương trường trong lĩnh vực công nghệ điện tử tại đất Mỹ.
Bước đầu tôi thành lập một hãng nhỏ để nhận hàng gia công đồ điện và điện tử cho nhiều hãng lớn nhỏ. Từ mười mấy công nhân mà phần lớn là người Việt, đến lúc đơn đặt hàng càng ngày càng nhiều. Tôi quyết định thành lập một công ty có tầm cỡ từ năm 1982, đó là sự ra đời của công ty Quantek, có văn phòng tại Irvine. Nay dời về Huntington Beach.
Khi cầm tập dự án chiến lược phát triển công ty bước vào văn phòng của giám đốc Ngân hàng Bank of American, tôi thầm nghĩ mình chỉ có hai mươi phần trăm hy vọng để vay số tiền vài trăm ngàn đô la. Tuy thế, như một Samurai trong thương trường trong tư thế rất tự tin và điềm tĩnh, tôi thong thả trình bày dự án phát triển công ty của mình với giám đốc ngân hàng và vài vị trong ban thẩm định, cuối cùng khi kết luận tôi khẳng định: Những giá trị sản phẩm mà công ty sắp sản xuất sẽ đi tiên phong trong lĩnh vực máy tính điện tử tại Mỹ và quan trọng nhất: Tôi với tư cách là một thành viên sáng lập công ty, kiêm nhiệm giám đốc điều hành sẽ trực tiếp chỉ huy việc sản xuất, điều hành theo dõi tiến độ và điều chỉnh hợp lý trong quá trình sản xuất. Công ty đang chủ động thiết kế một hệ máy tính mới nhất thời bấy giờ mà chưa tập đoàn, công ty nào ở nước Mỹ kể cả các nước khác có được.
Một công ty mới ra đời chưa có mặt trong thị trường chứng khoán, một giám đốc mới ngoài ba mươi tuổi người Việt mà tài sản có được chỉ là một khoản tiền tiết kiệm nhỏ, chẳng có gì để thế chấp cho ngân hàng. Chỉ với một phương án sản xuất máy tính thế hệ mới đầy hấp dẫn và tính khả thi mà riêng tôi mới hình dung được. Thế nhưng đúng là những ông chủ nhà băng ở Mỹ đều có tầm nhìn xa. Họ đánh hơi đồng đô la rất tài, chỉ vài ngày sau tôi đã nhận được thông báo ngân hàng sẽ gửi chuyên viên đến tái điều chỉnh dự án và họ sẽ cho vay một ngân khoản tín dụng lên đến một triệu đô la. Thế là tôi hăm hở lao vào công việc bất kể ngày đêm, không bỏ qua một chi tiết nào trong kế hoạch sản xuất mà mình đã đề ra.
Nhờ tập luyện từ hồi nhỏ, tôi có một trí nhớ không tồi và tầm quan sát rộng chính xác đến không ngờ. Trên dây chuyền sản xuất tôi có thể nhìn và phát hiện ngay những khuyết điểm của những người đang thao tác và lập tức đến thuyết phục họ cách nhẹ nhàng để chấn chỉnh công việc cho hợp lý hơn. Xuất thân từ một công nhân bình thường và trở thành một kỹ sư, rồi tổng giám đốc công ty điện tử, tôi thông cảm và hiểu được công việc của họ nên chưa bao giờ to tiếng với một ai. Và đúng vậy, hơn mấy chục năm qua chưa bao giờ tôi nặng lời với người khác, từ bé thơ cho đến bây giờ, trong ngôn ngữ nói của tôi không bao giờ dùng tới lời lẽ nặng nề hoặc thóa mạ vô cớ.
Bạn hãy hình dung một máy tính có bao nhiêu linh kiện điện tử? Trong một ngày lao động ở công ty, vài triệu con linh kiện lớn, nhỏ qua lại trên dây chuyền. Tôi có thể nhớ một con chip khuyết tật cách đấy mấy ngày phải loại ra và đến lúc cần kiểm tra lại nó còn có mặt trong xưởng sản xuất hay không? Vào kho linh kiện điện tử tôi hỏi thủ kho một mặt hàng và chưa cần nhìn thẻ kho, tôi cũng có thể nói được số dư trên thẻ kho đó một cách chính xác. Có nhiều linh kiện điện tử chỉ nhỏ bằng một phần mười hạt gạo và muốn biết số lượng của nó phải dùng máy đếm mới kiểm tra được.
Lúc này công nhân của công ty đã lên đến gần ba trăm người, chiếm bảy mươi phần trăm trong số đó là người Việt, còn lại là người Phi, Hoa,Mễ. Tôi chỉ sử dụng ít người Mỹ vào trong các vị trí như: quản đốc, tổ trưởng, mua bán vật liệu, liên hệ khách hàng. Ban đầu tôi còn ngạc nhiên vì phần lớn công nhân lại tuân thủ những ông sếp nhỏ người Mỹ hơn là những ông bà sếp lớn người Việt. Thật lòng mà nói trong công việc nhất là những công việc có thao tác bằng tay và nhìn bằng mắt thì còn lâu người của các dân tộc khác mới theo kịp người Hoa, người Việt nhưng tính kỷ luật và tự giác trong lao động thì đúng là người thợ Việt Nam cần phải học những người công nhân Âu Mỹ.
Tôi đơn cử một ví dụ: trong công ty của tôi có nhiều công nhân là phụ nữ và đa số thích ăn vặt. Dù trong nhà máy luôn luôn có sẵn cà phê, nước trái cây giải khát, nhưng họ thích mang theo mình những món quà vặt để ăn và mời nhau. Tôi cho đây là một khía cạnh nhỏ trong văn hóa ẩm thực của người Việt mình, thế nhưng trong một nhà máy điện tử chuyện này lại là một trở ngại, đã ăn vặt, ăn vụng thì tất có rơi vãi, có rơi vãi là có ngay côn trùng như kiến, dán... chưa kể mấy con li ti khác và rồi lâu ngày sẽ bốc mùi khó chịu. Nếu có một vài khách hàng tham quan phân xưởng sản xuất họ sẽ phát hiện ngay và xin thưa họ sẽ thầm đánh giá công ty về thương hiệu và sản phẩm mà họ sẽ đặt hàng. Đôi khi ta mất khách hàng chỉ vì những lý do tưởng chừng rất nhỏ.
Một bài học đắt giá mà tôi học được hồi đó khi đang theo đuổi để lãnh thầu của hãng Honeywell. Hơn hai năm, sau khi đã đáp ứng mọi thủ tục, yêu cầu và giá cả, Honeywell cử một phái đoàn hỗn hợp gồm Ban điều hành công ty Ban hành chánh, Phòng kế hoạch, Ban kiểm tra chất lượng... đến làm việc với mục đích là thanh tra lần cuối. Trời xui đất khiến thế nào, đúng ngày giờ đó lại có 3 công nhân mới vào tập sự ( những công nhân này mới sang định cư từ Việt Nam theo diện con em gia đình H.O ). Khi đang chuẩn bị đi vào khu vực sản xuất, vị giám đốc kiểm tra chất lượng phát hiện ra các công nhân này không được trang bị giày " Ground " giảm điện từ.Thế là ông yêu cầu cả đoàn chấm dứt cuộc tham quan và cũng chấm dứt hợp đồng đặt hàng, một liên hệ mà tôi đã dày công theo đuổi hai năm trời, kết thúc thật ngỡ ngàng và nhanh chóng. Để khắc phục tình trạng trên chỉ cần cắt đặt tổ trưởng, chuyền trưởng người Mỹ là thích hợp nhất. Họ luôn gương mẫu và tôn trọng kỷ luật lao động. Mang đầy mặc cảm tự ti và vọng ngoại là điều mà người thợ Việt Nam chưa cởi bỏ được, ví dụ khi tôi đưa một người đồng hương làm chief thì không ưa, thậm chí còn nói xấu sau lưng, còn đặt ngay một ông, bà Mỹ nào đó thì OK liền mọi chuyện. Nói đúng ra, trong công việc những người Mỹ làm việc rất cẩn thận và trung thực, vì tôi đòi hỏi họ sự tận tụy trong công việc cũng phải cao hơn nhiều. Về công nghệ và kỹ thuật họ là những người đi trước mà chúng ta cần phải tiếp thu học hỏi, chứ không phải chúng ta là những người học trò muôn đời làm người đi theo. Bấy giờ tôi là một trong số ít người Việt lúc đó đã có thể chỉ dạy cho người bản xứ về kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực điện tử công nghệ cao, càng ngày càng đòi hỏi sự vi tế, chính xác, công năng công dụng lớn hơn, nhiều hơn và dần dần làm chủ đạo trên các lĩnh vực sản xuất khác kể cả nguyên tử, luyện kim, hóa dầu, viễn thông tin học v.v...
Tháng 9/1984 tôi cùng các bạn kỹ sư đã thiết kế thành công hệ máy tính AT Computer sử dụng CPU 80286 đầu tiên trên nước Mỹ. Trước đó, chỉ có tập đoàn IBM tại Mỹ là sản xuất hệ máy tính XT ( hệ cũ ) sử dụng CPU 8086. Máy tính của Công ty Quantek được xem là tiên tiến nhất mà 8 tháng sau Công ty IBM mới có mặt trên thị trường.
Tôi hoàn toàn không khoe khoang về thành tích của mình. Nếu chịu khó lật lại những trang báo tạp chí cũ như Byte và PC Week năm 1985, quý vị sẽ biết Quantek đã đi trước IBM và sản phẩm máy tính của Quantek đã được khách hàng ở Mỹ ưu ái như thế nào. Mỗi ngày đơn đặt hàng gởi đến cho tôi hàng ba bốn trăm máy nhưng vì thiếu vốn và thiếu cả người quản lý, tôi chỉ đáp ứng được từ 10 - 15%, vì vậy khách hàng không thể đợi và họ phải chạy qua IBM, dù họ thừa biết nhiều chỉ tiêu kỹ thuật của IBM không bằng được Quantek - một công ty mà so sánh với IBM thì như một trời một vực.
Một tập đoàn điện tử có thương hiệu khắp thế giới như Compaq ngày nay cũng phải một năm sau (1986) mới sản xuất máy tính này. Một công ty điện tử khác như DELL thời gian này đang bán lẻ bàn phím, ổ cứng, ổ mềm, nguồn điện, màn hình...nhưng mainboard thì phải mua lại từ công ty chúng tôi, phải đến hai năm sau DELL mới bắt đầu sản xuất và bán system AT riêng của mình. Thời gian này giá thành máy tính rất cao và khách đặt hàng phần lớn là quân đội Hoa Kỳ và các công ty lớn, phải đến vài năm sau đó giá thành rẻ nên các công ty nhỏ và tư nhân mới bắt đầu sử dụng.
Tôi nhớ lại: Khi thế hệ máy AT computer dùng CPU 80286 của Quantek có mặt trên thị trường vào tháng 2/1985, nhiều lần các nhà môi giới, đại diện công ty và đích thân các chủ doanh nghiệp Mỹ đã tự động đến xin cộng tác với những đề nghị như vốn hợp tác, lĩnh vực quảng cáo và mở rộng thị trường. Họ sẽ lo liệu tất cả và tôi chỉ đứng ra lo việc điều hành sản xuất.
Ông William, một nhà doanh nghiệp lớn ở California đã đề nghị góp 30% cổ phần, ông sẽ bảo đảm mọi chuyện và trong vòng ba năm sẽ đưa công ty vào thị trường chứng khoán. Công ty ông sẽ góp vài chục triệu đô la làm vốn sản xuất cho tôi sử dụng.
Đây là một lời đề nghị đầy hấp dẫn, khôn ngoan đem lại lợi nhuận cho cả hai bên ông ta và tôi. Thế nhưng tôi đã từ chối. Cho đến bây giờ trong cuộc đời và trên thương trường đó là lần tôi rút ra được bài học đau đớn, sai lầm lớn nhất cho chính mình trong một cơ hội quá tốt mà bản thân đã bỏ qua.Cơ hội đó không đến lần thứ hai và tôi trả giá đủ cho sự chủ quan của mình lúc bấy giờ. Tôi nghĩ mình sẽ tự chủ được trong kinh doanh, nhưng không, chính đó là cách tư duy sản xuất nhỏ, một kiểu " dưới mắt không người " và có phần quân tử Tàu. Tôi đã bỏ qua rất uổng cơ hội đó - nếu không công ty Quantek bây giờ đã lừng danh như Compaq, Dell...Khi tôi từ chối lời đề nghị của William, tôi nhớ mãi khuôn mặt ông ta trầm hẳn xuống. Ông chỉ nói nhẹ nhàng:" Tôi biết anh ;là một người Việt Nam thông minh và thành đạt rất mau trong lĩnh vực sản xuất điện tử, tôi chỉ muốn cùng anh gặt hái kết quả tốt và nhanh trong lĩnh vực này. Một ngày nào đó anh sẽ tiếc khi nhớ lại những đề nghị của tôi mà anh đã từ chối, tôi mong rằng dù không cộng tác với nhau chúng ta mãi mãi vẫn là bạn ".
Một người Việt Nam qua Mỹ chỉ 6-7 năm đã có trong tay hai công ty do mình làm chủ,đã mua được một biệt thự ở đồi Anaheim ( 242 S.Peralta Hills ) California với giá hơn ba triệu đô la, chắc quý bạn không trách cứ gì tôi khi từ chối lời đề nghị hấp dẫn trên. Sau này mỗi khi nhớ lại cơ hội tốt nhất mình đã bỏ qua, tôi thấy tự trách mình đã không suy nghĩ thấu đáo và xem xét rốt ráo những uẩn khúc trên thương trường. Là một nhà doanh nghiệp nhưng tôi đã xem nhẹ những giao tình kết hữu, thân mình đang trong cảnh tự lập cô đơn tất còn ở trạng thái bất an, hành động và việc làm ít ai tin. Bất an do lập thân chưa vững thì khi muốn chính danh chính phận, ít có ai biểu đồng tình với mình, tất mối hiểm nguy tai ương luôn rình rập và sẽ xảy đến. Thân có ổn tâm có an mới giản dị sáng suốt soi tình đạt lý, mới bắt đầu nói và làm. Đắc chí theo lợi nhỏ và công danh tạm thời chỉ là hạng người thấp thỏi, treo tranh vân cẩu mà không biết lẽ thịnh suy, phù vân nhược mộng. Nghĩ cái hôm nay có là sẽ không mất, tham lợi quá đáng mà bỏ quên đạo nghĩa và bị nhiều người căm ghét, chẳng ai chịu vì mình mà gánh vác hy sinh. Cái tôi, cái sở hữu trong kinh doanh cũng vậy, cuối cùng chỉ là ma chướng mà thôi. Tôi đã gặp nhiều người khi có chút chức quyền, tiền của rủng rỉnh thì đã bắt đầu khinh thị người khác, nghĩ mình là nhất, những kẻ hợm hĩnh ấy không biết mình là sản phẩm giả, tự khoác mặt nạ cho chính mình. Từ đó họ đã bị xem là một thứ rác rưởi dưới mắt của đông đảo bà con, đồng bào.
Say mê trong việc nghiên cứu lãnh vực công nghệ cao, tôi thành lập tiếp một công ty thứ ba - đó là Power Circuts Inc., chuyên sản xuất bản mạch in nhiều lớp. Hồi đó riêng công ty này ( tại 2645 Croody Way, Santa Ana ) đã có trên hai trăm công nhân làm việc., điều này nói lên sự thịnh vượng của một doanh nghiệp mà không dễ đạt được trên đất Mỹ.
Tôi đã bỏ tất cả vốn liếng của mình để trang bị toàn máy móc tự động cho xưởng sản xuất, bấy giờ thế hệ máy " Robot " đã bắt đầu có mặt trong những ngành công nghệ cao. Trong những nhà máy này đòi hỏi người công nhân, thợ kỹ thuật, kỹ sư phải có tay nghề qua nhiều năm kinh nghiệm. Ban đầu tôi phải tự tay viết thảo trình cho máy Robot làm việc, hướng dẫn các kỹ sư và thợ kỹ thuật trên từng máy một, để làm sao trên dây chuyền từ A đến Z phải thật kín kẽ không được có sự cố trở ngại dù chỉ là một vài phút trong sản xuất.
Công nghệ sản xuất bản mạch in điện tử mà trong đó có các công đoạn dùng hóa chất để mạ và ăn mòn kim loại từng lớp rất nhỏ, rất mỏng,nhỏ đến nỗi phải dùng kính hiển vi phóng đại nhiều lần mới có thể thấy được các vi mạch này. Dùng máy ép có sức nóng cả ngàn độ để ép dán mấy lớp mạch này lại với nhau để làm thành một bo mạch điện tử nhiều lớp hoàn chỉnh mà chỉ có độ dày khoảng một, hai mm.
Trong thao tác kỹ thuật cũng như lập trình cho máy robot làm việc và các công đoạn khác, chỉ cần tắc trách hoặc sơ ý để một mạch in nhỏ - nhỏ hơn sợi tóc và khoảng hở rất nhỏ giữa các mạch bị dính chập vào nhau là bo mạch bị hư hoàn toàn không thể khắc phục sửa chữa, hoặc hàn vá vì nằm chồng chất nhiều lớp phía trong không tháo gỡ ra được. Ở mỗi công đoạn sản xuất, người kỹ sư trưởng và các phụ tá đều phải ra công giám sát và kiểm tra thật kỹ lưỡng để phát hiện sai sót nhằm điều chỉnh kịp thời. Mọi sự phát hiện chậm trễ đều dẫn đến tổn thất cụ thể tốn kém chi phí nhiều hơn. Ông John Hwang, chủ tịch công ty Pioneer Circuts đã từng phát biểu:" Điều hành một công ty sản xuất mạch in điện tử gặp nhiều khó khăn phức tạp gần như điều hành một quốc gia ". Dĩ nhiên sự so sánh này là khập khiễng nhưng cũng đủ để nói lên tính phức tạp của một ngành sản xuất tiên tiến.
Công ty Power Circuts Inc. lúc này đã có doanh số trên ba mươi triệu Mỹ kim mỗi năm. Năm mươi phần trăm sản phẩm của công ty do các công ty quốc phòng của Mỹ đặt mua, số còn lại là phục vụ cho các hãng lớn như Boeing, Sony,AST, ALR, Toshiba, Gateway...
Năm 1987, TTM Technologies, một công ty lớn đã có mặt trong thị trường chứng khoán New York mua lại PCI để phát triển thị trường sang phía Tây Hoa Kỳ. Cũng năm 1987 tôi bắt đầu thành lập một công ty khác là CMC để theo đuổi một chức năng sản xuất khác có nhiều lợi nhuận hơn trong ngành điện tử. Đó là công nghệ hàn dán linh kiện trên bảng mạch in điện tử.Công nghệ này tuy không phức tạp bằng sản xuất bảng mạch in điện tử nhưng lại đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối và trình độ quản lý của người kỹ sư trong quá trình sản xuất gia công.
Công nghệ điện tử trên thế giới càng ngày càng tiên tiến với những phát minh mới, từ việc xuyên lỗ để gắn linh kiện điện tử trên bảng mạch rồi hàn lại bằng chì, chỉ trong một thập niên công nghệ mới SMT ( Surface Mount Technology ) đã bắt đầu thay thế để hàn dán linh kiện trên bảng mạch in điện tử với thời gian nhanh nhất và chính xác tuyệt đối. Tại thời điểm đó, một máy gắn linh kiện xuyên lỗ tự động ( công nghệ cũ ) tốc độ chỉ đạt được 12 ngàn linh kiện / giờ. Với công nghệ SMT( công nghệ mới ) máy có thể gắn 42 ngàn linh kiện / giờ. Hày tạm hình dung đây là những máy in tiền: một bên 12 ngàn / giờ, giá gia công mỗi linh kiện là.07 Mỹ kim, mỗi ngày làm 2 ca ( 8 x 2 = 16 giờ / ngày ) tháng làm 25 ngày ( 16 giờ x 25 ngày x 12.000 x.07 = 336.000 Mỹ kim / tháng ). Còn máy kia với công nghệ mới ( 16 giờ x 25 ngày x 42.000 x.07 = 1.176.000 Mỹ kim / tháng ).°
Trong thời gian làm chủ tịch và giám đốc công ty Quantek, công ty Power Circuts Inc., tôi đã có quan hệ tốt với nhiều nhà doanh nghiệp lớn tại Mỹ, Nhật Singapore... như các hãng Rainbow, AST, Sony,JVC, B.E. Aviations, Toro, Boeing, ALR, TTI.Technologies... Tôi thừa hiểu hàng hóa điện tử đủ loại của họ sắp tung ra và chiếm lĩnh thị trường, người tiêu dùng sẽ từ từ biết đến TV, đầu máy video, DVD... Khi thành lập CMC tôi biết chắc chắn một điều, những tổng giám đốc điều hành các tập đoàn, các công ty trên sẽ không bao giờ từ chối yêu cầu chính đáng của tôi là được làm thay họ trong một vài khâu trong quá trình làm ra sản phẩm. Thật vậy khi tôi nói ra họ đã đưa đơn đặt hàng để nhờ CMC gia công. Chỉ cần năm sáu năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử, sự chính xác trong công việc, thủ tín trong lời nói, trung thực trong đối đãi giao tế và am tường công việc, tôi đã có một vị trí đặc biệt vững vàng trong suy nghĩ làm ăn của những ông chủ lớn ấy. Ông tổng giám đốc Sony đã từng nói với bạn bè:"...Henry ( tên quốc tịch Hoa Kỳ của tôi ) là một người Việt Nam mà chúng ta phải đặt quan hệ trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, không hẳn tại Mỹ mà còn tại Đông Nam Á sau này...". Ông ta đã giữ lời hứa, khi Sony Việt Nam ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sony đã là khách hàng đầu tiên cũng như hợp tác trên một số lĩnh vực khác. Đó là bằng chứng khi tôi lập công ty SMT tại Việt Nam, họ là những khách hàng truyền thống đã tìm đến đặt hàng, cũng nhờ đó mà nhà máy ổn định công việc trên hai năm trời, nhờ vậy mà tôi đã đào tạo được gần cả trăm công nhân kỹ thuật lành nghề trên dây chuyền công nghệ SMT.
Qua tự sự này,tôi muốn chân tình bày tỏ sự cảm ơn đến quý vị ấy, những người đã tạo cho tôi một số điều kiện để về lại quê hương để thi thố nghề nghiệp chuyên môn của mình. Nhưng trong kinh doanh ngoài những yếu tố nội ngoại chủ động được, chữ thời cũng vô cùng quan trọng. Thời cơ và vận hội chính là yếu tố quyết định thành công và thất bại trong kinh doanh...
Trong ngũ niên 1995 - 2000, nhiều hãng điện tử ở Việt Nam đều lỗ lã nặng vì nhiều lý do đơn giản mà ai cũng biết. Đó là hàng điện tử nhập lậu về quá nhiều kể cả hàng hiệu và hàng đã qua sử dụng, linh kiện, cấu kiện điện tử cũng được nhập tràn lan để lắp ráp trong nước. Người Việt Nam tiếp nhận dễ dàng một núi rác khổng lồ đồ điện và điện tử, ai cũng sắm được vì phù hợp với túi tiền nhà nghèo, khắp nơi người người đi buôn, nhà nhà là cửa hàng. Sự lỗ lã thất thu của những doanh nghiệp ấy cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp của tôi, chưa kể nhiều nguyên nhân không may khác liên tục kéo đến, đúng là họa vô đơn chí. Nhưng trong lòng tôi những câu châm ngôn quen thuộc như:" thất bại là mẹ thành công " hoặc " có công mài sắt có ngày nên kim ", bao giờ cũng sống động. Tôi là một người học võ, đã từng lái tàu vượt trùng dương, đu trên thang dây, sống sót trong muôn trùng khói lửa, đã từng bẻ còng thoát thân dù bị còng chặt hai tay dưới lưng chiếc ghế băng dài ( năm 1969),cũng như đã từng tham thiền suốt nhiều đêm dài lạnh giá ở cao nguyên. Với tôi chuyện thành bại chỉ là đốm hoa mây về bên cửa thảo am trên đồi Tùng ngày ấy mà thôi.
Trong quãng đời lăn lộn trên thương trường và trong công việc tôi không bao giờ phó thác cho may rủi, nhiều thành công nhưng cũng không ít lần thất bại, nhưng trong tôi không bao giờ để lại chuyện hận lòng khi sa cơ, để gậm nhấm nỗi buồn và nhờ thời gian làm liều thuốc xoa dịu vết thương. Tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm xưa cũ nhưng bao giờ cũng đúng: Đừng bao giờ để mất sự tin tưởng của kẻ khác về mình,bị mất niềm tin sẽ là mất tất cả. Tập trung vào công việc với một tinh thần mạnh mẽ trong sáng để gạn đục khơi trong mà mục tiêu cuối cùng của công việc ngoài kết quả về vật chất phải gắn liền yếu tố tinh thần để di dưỡng tâm linh. Đem tâm đạo để quán chiếu mọi việc trong đời sống hằng ngày như là một phương pháp tu thân, để thõng tay vào chợ mà không bị cái ồn ào hỗn tạp làm nhiễu loạn.
Mùa thu năm 1985, một người bạn, cũng là một khách hàng có quan hệ làm ăn với tôi dạo đó, vừa thiết kế xong một mẫu chăn đắp dành cho trẻ sơ sinh, anh đến hỏi ý kiến tôi về mẫu mã, thị hiếu và suy nghĩ của khách hàng khi đánh giá một mặt hàng sắp tung vào thị trường. Tôi là một kỹ sư điện tử, làm chủ nhiều doanh nghiệp chỉ chuyên về điện, điện tử, cùng trong thời gian này tôi vừa tốt nghiệp xong cao học quản trị kinh doanh và dự định ghi danh học thêm về luật. Cầm mẫu sản phẩm tôi chăm chú nhìn kỹ và cười vui hỏi lại bạn tôi: " Tại sao lại đem đồ dùng của trẻ sơ sinh để xin ý kiến của tôi " anh ta không chút ngập ngừng trả lời:" Từ lâu ai cũng biết Henry là một nhà doanh nghiệp sáng suốt và luôn lấy chữ Tâm làm đầu, đây là một mẫu hàng dành cho các bà mẹ, ông bố với baby tương lai của họ, một mẫu hàng mà yếu tố tâm lý tình cảm sẽ quyết định giá trị của hàng hóa và thương hiệu, vì vậy không ai hơn ngoài Henry - hy vọng anh là người sẽ cho ý kiến tốt nhất..."
Tôi mời anh và hai người bạn đi cùng ngồi uống trà sau hiên nhà và không đá động gì về chuyện ấy. Chúng tôi ngồi tán đủ chuyện... Cùng lúc đó, từ xa dưới chân đồi trên con đường từ đường cái lớn về nhà,đứa con nhỏ của tôi là Michael mới sáu tuổi đang hồn nhiên tung tăng đánh nhịp bước chân trên con đường nhỏ đầy cỏ xanh và hoa nhỏ. Hình ảnh mà tôi thoáng bắt gặp trước mắt dù bình thường, nhưng rất đẹp và gợi lại cho tôi cả một trời kỷ niệm về thời thơ ấu ở quê nhà. Michael bước vào nhà, cháu lễ phép chào chúng tôi xong lại gọi vang tìm mẹ:" Mamy... mamy ơi...".
Tôi nhớ hồi Michael còn sơ sinh, mỗi khi được mẹ ẵm ôm, cháu dúi đầu vào ngực mẹ quậy cựa một lúc là có thể ngủ ngay, nếu không có mẹ bên cạnh cháu phản ứng ngay và la khóc, chỉ trừ khi nào ngủ say thì thôi.
Tôi cầm tấm chăn mẫu của trẻ sơ sinh trên tay và bảo với người bạn: để tăng giá trị sản phẩm tôi sẽ thiết kế cho anh ta một rờ le tự động chạy bằng pin gắn trong tấm chăn đó, ngoài có hình dáng một quả tim nhỏ còn có công dụng như nhịp đập trái tim người mẹ, khi đắp vào em bé sẽ tưởng là đang nằm bên mẹ, sự che chắn và đảm bảo bình yên đầu tiên của nó trước cuộc đời. Trong bào thai chín tháng em đã từng thở theo nhịp tim của người mẹ, hàng ngày nghe tiếng đập dịu dàng tràn ngập tình thương vỗ về, và nó sẽ không bao giờ quên nhịp đập con tim của mẹ, nhịp đập trái tim người mẹ là lời ru cháu vào giấc ngủ, là tiếng nói thầm mà nó phải dựa dẫm, nương tựa cho đến suốt đời.
Tôi trình bày xong, bạn tôi và cả hai người đi cùng đều vô cùng bất ngờ và thích thú. Họ thiết kế xong sản phẩm để sản xuất và tung ra thị trường, nhưng vẫn thấy thiếu một cái gì đó mà chưa tìm ra giải đáp, bây giờ các bạn ấy mới vỡ lẽ và khoái trá vô cùng.
Sáng kiến của tôi đã đem lại siêu lợi nhuận cho riêng mặt hàng chăn đắp trẻ sơ sinh ấy, bước đầu công ty của anh ta dự kiến chỉ bán một cái chăn là 9 Mỹ kim, nhưng khi đưa "trái tim người mẹ " vào trong chăn, như cách gọi vui của chúng tôi sau này giá đã trở thành 16 Mỹ kim. Trong khi đó giá thành mà hãng tôi sản xuất ra " trái tim người mẹ " chỉ là 2 Mỹ kim và điều quan trọng nhất là sau khi sản phẩm có mặt trên thị trường, công ty anh ta đã bán hơn một triệu cái chăn chỉ trong vòng mấy tháng. Thử làm một con số để thấy tiền lời từ " trái tim người mẹ " là bao nhiêu! Hơn năm triệu mỹ kim cho một sáng kiến và sáng kiến đó lấy chữ Tâm làm đầu. Nhân đây tôi cũng xin tỏ lòng nể phục đối với cách làm ăn của người Hoa, trong chuyến đi Đài Bắc hồi ấy trong ba ngày tôi gần như mua được hết những linh kiện cho sản phẩm " trái tim người mẹ ". Đúng là người Hoa rất giỏi về những mặt hàng nhỏ đáp ứng mọi yêu cầu trong sinh hoạt của các cộng đồng xã hội, họ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ kinh doanh và thường rất kín đáo khi có cơ hội, nhất là sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết. Đó là điều mà người Việt chúng ta không bằng họ trên thương trường. Ngày trước ở Sài Gòn có nhiều chú Ba từng bán bánh bao, bánh bò, lục tào xá rồi phở gánh, ve chai... đùng một cái đã ngồi trong cửa hàng, cửa hiệu do chú ấy làm chủ mà vẫn thường ve vuốt trân trọng quá khứ hàn vi oanh liệt của mình, không che giấu như một số người khác: Lúc thành đạt đã vội xua đuổi những ngày cơ hàn tủi cực, quên luôn bạn bè và những người đã cưu mang mình dạo ấy.
Hồi ức của một người học võ qua tâm bút Gió về Tùng Môn Trang là tự sự của tôi - một đứa con lưu lạc nhưng luôn nặng tình cố hương. Tôi không phải là một nhà văn để " tải đạo ", cũng không phải là một nhà truyền giáo để hoài công ca tụng nền minh triết phương Đông, trong đó có đạo Phật mà.Tôi là một hành giả, khi còn trong u cốc trên đồi núi là một gã sơn tăng, về lại bình nguyên thì làm một cư sĩ, sống như mọi người không nhân danh một cái gì cả, cố gắng giúp được người khác những việc nhỏ trong điều kiện mình có thể làm được.Khi tập hồi ức này đến tay bạn đọc chắc có nhiều người sẽ tự hỏi, việc quái gì chuyện học võ mà tay này đề cập lại quan trọng thế?
Đúng! Học võ không có gì quan trọng hết, không có võ bạn vẫn sống bình thường, vẫn làm việc và vui chơi hàng ngày mà không cần dụng công một chút nào.
Nhưng chúng ta đều biết nếu người Nhật không đứng vững trên nền tảng của tinh thần võ sĩ đạo và phát huy những ưu việt của mẫu số chung " samurai" vào nửa cuối thế kỷ 20, thì làm sao có cường quốc Nhật Bản ngày nay về cả vật chất và tinh thần.
Hàn Quốc một đất nước mà đa số thanh niên đều biết võ Thái cực đạo, đã xây dựng đất nước sau chiến tranh cũng từ tinh thần thượng võ mà thôi.
Học võ đâu phải là tranh giành đánh đấm, học võ là đi vào đạo mà thân và tâm luôn ở trong một nhà, chung một vầng trăng và cùng một hơi thở. Lòng khoan dung độ lượng và cao thượng trong đối đãi luôn là tâm thế của người võ sĩ đạo, cái trí dũng của họ luôn tiềm ẩn biến thành một sức mạnh tâm linh không gì có thể lay chuyển được. Mỗi buổi sáng bạn hãy đi vào công viên, bất cứ nơi đâu cũng sẽ thấy có nhiều người chơi thể thao, tập thể dục... nhưng tôi vẫn thích nhất khi thấy có rất đông người tập Thái cực quyền một cách thuần thục. Nhiều người lớn tuổi đã nói với tôi về sự ích lợi khi tập bài quyền này, không những tăng cường sức khỏe chống bệnh tật mà còn tu dưỡng tính tình rất tốt. Thái cực quyền của Tổ sư Trương Tam Phong - người xuất thân từ võ phái Thiếu Lâm rồi sáng lập phái Võ Đang lừng danh, Thái cực quyền có nhiều điều đáng nói và suy gẫm hơn thế nữa, từ hữu chiêu rồi vô chiêu mới thấy hết tinh túy của bài quyền này.
Trong cuộc sống xô bồ hiện nay khi mà con người nhất là một phần không nhỏ những người trẻ tuổi thích phá phách và coi thường những trật tự xã hội, khi người lớn không còn là những thần tượng đáng kính, trái lại cái tệ hại của họ đang đầy dẫy trước mắt. Những lời khuyên răn giáo điều của người lớn đôi khi trở thành mâu thuẫn và không thể hiện chút giá trị đạo đức nào. Gương người tốt việc tốt thi thoảng xuất hiện từ những khuôn mặt tay lấm chân bùn, những người lao động chân thật. Đề ra những tiêu chí cho tuổi trẻ phấn đấu thật khó khăn vì con đường đến mục tiêu cao đẹp của đời sống mà khi bạn trẻ nghiệm ra thường không đúng với những gì họ đã khát vọng. Khoảng trống trong tâm hồn dần dần lớn hơn, mọi suy nghĩ đều đơn thuần hướng đến ganh đua hưởng thụ, chủ nghĩa bè nhóm mạnh được yếu thua, lấy đồng tiền làm chuẩn mực cho mọi việc. Chiết khấu thương mãi trở thành chiết khấu tâm hồn, làm cái gì cũng có phần trăm, nghề cò mãi và trung gian đang có đất sống và sinh sôi nảy nở trên mọi lãnh vực trong sinh hoạt của xã hội.
Võ đạo âm thầm đi vào đời sống bằng nhiều cách mà vào một lúc nào đó rất tình cờ và ngẫu nhiên người ta sẽ nhận ra. Từ việc nhỏ đến việc lớn, một hành động có chủ ý hay tự phát luôn có bóng dáng ảnh hưởng bao trùm của võ thuật và võ đạo.
Trên đường giao thông bây giờ với đủ loại phương tiện tham gia, nếu bạn sử dụng phương tiện và đi đúng luật đôi khi còn dễ bị tai nạn do kẻ không chấp hành luật lệ giao thông gây ra. Chuyện không ai chịu nhường ai, va quẹt để rồi gây hấn trong khi đi lại là chuyện thường ngày. Về nông thôn bây giờ không còn yên ả như xưa nữa, đâu đây đã xuất hiện nhiều băng nhóm côn đồ, nồng nặc mùi rượu, sẵn sàng đưa nắm đấm và hung khí cho người lạ nếm mùi để cướp giật và làm " người hùng ".
Tôi nghĩ người học võ không bao giờ bất lực trước những cảnh đời ngang trái ấy, sự tự tin trong công thủ của người võ sĩ bao giờ cũng sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất. Một người có võ nghệ sử dụng xe máy trên đường, gặp một người tình nghi là kẻ xấu, ngồi uống nước trong quán, hay tình cờ là nạn nhân của một vụ ẩu đả, khủng bố nào đó, họ cũng có cách tự làm chủ tình hình tốt nhất mà người không biết võ khó lòng làm được. Một người bạn tôi khi vượt biên đến Mỹ đã điên cuồng nhớ lại cảnh vợ và con gái mình bị bọn hải tặc nghiệp dư hãm hiếp ngay trước mắt, anh bị ám ảnh suốt cuộc đời còn lại, tự nguyền rủa mình như là một kẻ vô tích sự, một thằng hèn nhát không đáng sống, mang đầy mặc cảm tội lỗi.
Người học võ nên nhớ học cả hai phần: Thể chất và tinh thần. Đã có rất nhiều võ đường chỉ chuyên chú đào luyện phần thể xác ( vật chất ). Đó không chỉ là một thiếu sót lớn lao mà còn là một sai lầm tai hại. Dù rằng phần thể chất đóng một vai trò quan trọng không kém, " một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện ". Cũng như cây đèn: thân đèn, tim đèn và dầu là vật chất, ngọn đèn là tinh thần, ngọn đèn có sáng tỏ hay không và sáng tỏ lâu bền hay không, cần phải có đủ và dồi dào dầu. Học võ để tích lũy dầu,cung cấp dầu cho ngọn đèn tiếp tục cháy sáng. Ngoài thể lực rắn chắc, dẻo dai, bền bỉ, còn tạo được một đức tự tin lớn mạnh cho ta luôn luôn cảm thấy an toàn, tự tại, một sự điềm đạm, bình tĩnh và bao dung. Thế giới ngày nay đã không ngừng tranh đấu nhưng không thành công trong việc giới hạn vũ khí, trong đó có vũ khí cá nhân. Tại sao các bậc phụ huynh hay những người có trách nhiệm không làm một việc ngược lại hay song song, khuyến khích thanh thiếu niên, khuyến khích con em tham gia phong trào rèn luyện sức khỏe đồng lúc với việc đòi hỏi giới hạn vũ khí, mà mỗi môn sinh, sau khi luyện tập đến một mức độ tương đối nào đó họ sẽ cảm thấy tự tin, tự chủ, bất cứ khi nào,ở đâu. Khi họ có đủ bản lĩnh rồi, có nghĩa là lúc nào cũng cảm nhận được chân hạnh phúc an lạc vì họ không những bảo vệ được chính bản thân mà còn bảo vệ được cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu.
Có người sẽ cho rằng như vậy, cuối cùng người học võ, khi đã đạt được đến một trình độ cao, có nghĩa là con người họ, bàn chân, bàn tay đã trở thành một thứ khí giới nguy hiểm không khác gì súng đạn, họ cũng sẵn sàng đem ra sử dụng như vũ khí nhằm mục đích gây tổn thương hay tiêu diệt người khác. Nhưng như phần mở đầu đã nói, võ thuật rèn luyện thể chất chỉ là một vế, vế kia là tinh thần, võ thuật còn rèn luyện con người phát triển được tuệ giác, vì vậy mà tất cả các môn phái: Hiệp Khí Đạo, Không Thủ Đạo, Nhu Đạo, Thái Cực Đạo, Kiếm Đạo... đều có chữ "Đạo " nguyên ngữ chỉ rõ một " con đường " (tâm linh ) để theo. Trong những giờ tập "Meditation " tịnh tâm, tham thiền, dù cho ;là ngắn ngủi để có trạng thái "thức giác ", dần dà chúng ta có thể kéo dài, làm chủ trạng thái " thức giác " đó trong suốt cuộc đời còn lại của ta. Hồ nước, lúc có gió khuấy động mặt hồ thì nước sẽ lao xao nổi sóng. Khi gió yên, sóng lặng, bùn sẽ lắng đọng và nước hồ trong suốt, sẵn sàng và thanh thản để in bóng cỏ cây, bầu trời xanh và gương mặt con người. Hồ tâm lặng yên, ta càng thấy rõ từ những chiều sâu thăm thẳm nhất. Cùng một cách khi các vọng niệm đã dứt bặt, lòng hoài niệm quá khứ không còn, ý mơ tưởng tương lai không dấy động thì tâm ta sáng suốt, trong trẻo.Chính vì vậy mà người học võ có những hành động được truyền từ thức giác nên luôn luôn xử sự quang minh, chính đại, đầy phong cách và nhân ái. Để rèn luyện võ công người môn sinh tập luyện gian khổ rèn cho được một tinh thần bình thản trước nguy hiểm, và sống đúng theo nguyên tắc và danh dự của một võ sĩ đạo, sẵn sàng hiến thân một cách kiên quyết trong bất cứ giây phút nào cho cuộc sống.
Sự hiến thân này là tinh thần nhập thế với bản lĩnh và đạo đức của người học võ. Giữa cuộc sống đầy bất trắc và nhiều tai ương người học võ trong sóng đời xô đẩy đó vẫn bình thản vào cuộc với niềm tin ở chính mình và người khác, sẵn sàng gạn đục khơi trong để hướng đến chân thiện mỹ.
Năm 1994, khi tôi đem hệ thống dây chuyền hiện đại SMT về đầu tư tại Việt Nam - đây là công nghệ hàn dán linh kiện điện tử mới nhất ở Việt Nam mà hai, ba năm sau hãng Fujitysu mới có dây chuyền này tại Khu công nghiệp Biên Hòa.Nhiều bạn bè người Việt ở Mỹ gọi tôi là một người điên vì hết nơi cộng tác làm ăn mà về chơi với Cộng sản, thế nào rồi cũng nhận lầy thất bại. Đến bây giờ họ đã biết hai nước ký kết hiệp định thương mại và những thương nhân Mỹ- Việt cùng qua lại làm ăn với nhau, ngày càng gắn bó trên thương trường.
Nỗi buồn nhẹ nhàng luôn len lỏi trong tâm tư tôi ngày ấy nhưng hy vọng rồi cũng sẽ tan tành trong nay mai. Ngày ấy ở Mỹ, người ta nghi kỵ tôi theo một chiều, còn khi về Việt Nam thì một số người ở đây lại nghi kỵ tôi theo một chiều khác ngược lại. Từ đáy lòng tôi, chuyện làm ăn ở quê hương và đóng góp một phần rất nhỏ trong việc xây dựng nền công nghiệp cao cho xứ sở chỉ là một mơ ước bình thường. Rất bình thường. Đừng ai xem xét việc làm này dưới một nhãn quan chính trị theo kiểu tư duy cục bộ hẹp hòi. Ngoài đất nước Việt Nam vẫn còn nhiều chân trời khác, có nơi đẹp đẽ phồn vinh, cũng có nơi đang điêu tàn khốn khó vì chiến tranh... Tuy nhiên có một điều mà bất cứ người Việt Nam xa xứ nào cũng nhận ra trong tâm tư ngàn đời không cũ là:" không đâu đẹp bằng quê hương " và lưu đày trên quê hương vẫn còn hơn mang mãi bi kịch không có quê hương để trở về.
Khi giã từ sơn cốc thanh tịnh để trở lại bình nguyên sống trong gió bụi của cuộc đời, tôi đã sống như một người bình thường, không nửa vời như chia hai vầng trăng cho một giấc mộng. Tuy đã trôi nổi lăn lóc, thất bại rồi thành công, bao giờ tôi cũng lặng lẽ đón nhận những niềm vui hay bất hạnh không thái quá chút nào. Điều mà tôi có được nhờ võ đạo không phải là trở thành một cao thủ mình đầy tuyệt kỹ huyền công. Không có. Nhưng tôi luôn có " một vầng trăng mới về " để ôm ấp, một khu vườn xưa trong tâm cảnh để không quên bài " Chiết liễu " mà hát:" khúc tận dĩ vong tình ". Thay lời kết cho hồi ức này tôi nhớ lại chương cuối của hai bộ tiểu thuyết võ hiệp Cô gái Đồ long và Lục mạch thần kiếm của nhà văn Kim Dung. Trong hai bộ tiểu thuyết này, một Vô Kỵ từ bỏ ngôi vị giáo chủ Minh giáo, thậm chí nhường ngai vàng sáng lập nhà Minh cho Chu Nguyên Chương để về nhà vẽ lông mày cho hồng nhan tri kỷ là Triệu Minh. Một Kiều Phong lừng lẫy võ công đã tuẩn tiết vì đại nghĩa, mang theo xuống tuyền đài một mơ ước nhỏ không thành: Được về quê cũ sống thảnh thơi bình yên bên người yêu A Châu để bắt thỏ, nuôi dê... quên đi bao gió tanh mưa máu của chốn giang hồ.
Tôi mãi chỉ là kẻ " thắp đèn khuya kể chuyện trăng tàn " mà thôi.
Chú thích
° Hiện nay ( năm 2002 ) tại Mỹ, giá gia công cho số lượng vừa và nhỏ từ 5 đến 7 cents. Với số lượng lớn chỉ còn 3 cents. Tại Á châu ngày nay chỉ còn 1 cents hay thấp hơn. ( Lời tác giả )