PHẦN 8
ĐIỀU KHÔNG MONG ĐỢI
VỀ MỘT LẦN BẮT PHI CÔNG

    
hiều năm sau chiến tranh, Trung sĩ Nguyễn Ngọc Huân đọc được bài viết về một cựu tù binh Mỹ trên báo chí Việt Nam. Bài báo nói về phi công Hải quân John S. McCain ở bang Arizona mới vừa đắc cử thượng nghị sĩ liên bang. Theo bài viết, máy bay của McCain bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào ngày 26 tháng 10 năm 1967. Ông Huân nhớ rất rõ: số phận đã mang ông tới Hà Nội một tháng trước đó, cho phép ông tham gia vụ bắt giữ một phi công Mỹ vào ngày hôm ấy.
Trong lúc đọc báo, Huân nhớ lại cái ngày 26 tháng 10 năm 1967 và kể về xảm giác khi, trong một khoảnh khắc, đã nắm trong tay tính mạng của con người sau này sẽ trở thành một thượng nghị sĩ khả kính của nước Mỹ. Ngày hôm ấy, khi chiếc máy bay bị bắn cháy và viên phi công bung dù giữa bầu trời Hà Nội, ông Huân, với tất cả sự giận dữ, đã chuẩn bị tinh thần để giết người Mỹ này ngay lập tức.
Ông nhớ cảnh lửa phụt ra từ máy bay, viên phi công nhảy ra phía trên một hồ nước nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Ông lao tôi hồ nước, giương súng lên trong khi viên phi công vẫn còn lơ lửng ở độ cao vài trăm mét. Hướng nòng súng về phía người phi công đang bất lực, ông khẽ đặt ngón tay lên cò.
“Nếu hôm đó tôi bóp cò thì ông người Mỹ này đã không bao giờ có một sự nghiệp chính trị như hôm nay”, ông Huân nghĩ bụng khi đọc bài báo về cuộc tranh cử của ông McCain. Ý nghĩ ấy luôn hiện lên trong đầu Huân kể từ khi McCain đắc cử nghị sĩ và tên tuổi ông được báo chí Việt Nam nhắc đến thường xuyên, trở thành một trong những cựu tù binh nổi tiếng nhất.
Sau đây là những hồi tưởng của Huân về việc ông có mặt tại Hà Nội trong thời khắc đặc biệt đó và đã tham gia vụ bắt giữ một viên phi công trẻ tuổi người Mỹ đang bị thương vào một ngày tháng 10.
Những ai từng biết đến vụ phi công John McCain bị bắt sẽ sớm nhận ra rằng câu chuyện mà ông Huân kể có nhiều điểm khác biệt. Và trong một sự tiết lộ đáng kinh ngạc, có thể thấy rằng cả hai câu chuyện đều là thật, dù có một ngoại lệ lớn.
Cuộc đời binh nghiệp của Huân bắt đầu vào tháng 4 năm 1963, khi ông được biên chế vào một trong những sư đoàn nổi tiếng nhất của quân lực Bắc Việt – Sư 308. (Người Pháp đã đầu hàng Sư đoàn 308 tại Điện Biên Phủ vào năm 1954). Tháng 5 năm 1964, ông được biên chế vào Đoàn 959, hoạt động tại căn cứ ở Sầm Nưa, Lào. Đơn vị này có hai nhiệm vụ cơ bản: hướng dẫn xe quân sự đi qua vùng này và bảo vệ an ninh cho sĩ quan cấp cao. Ông Huân làm rất tốt nhiệm vụ, chưa bao giờ để mất một chiếc xe hay một sĩ quan cấp cao nào.
Công tác bảo vệ sĩ quan cấp cao đến thăm được giao cho các nhóm đặc trách gồm ba người. Đội bảo vệ chỉ giới hạn ba thành viên bởi nếu có quy mô lớn hơn, họ rất dễ gây chú ý. Mỗi thành viên của đội được huấn luyện sử dụng nhiều loại vũ khí nhỏ.
Thông thuộc địa hình cũng như được cung cấp thông tin tình báo mới nhất về hoạt động của địch trong khu vực, Huân và đồng sự luôn đảm bảo an toàn cho người và xe trên đường ra chiến trường. Nhưng trong khi luôn thành công trong việc tránh chạm trán với lực lượng mặt đất với kẻ thù, ông cũng không thể tránh được không kích.
“Hồi ở Lào, chúng tôi bị ném bom thường xuyên”, ông Huân kể. “Địch liên tục thả bom cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi thậm chí không ngủ được”.
Bản thân ông Huân may mắn sống sót qua các trận ném bom nhưng nhiều đồng đội của ông không có may mắn ấy. Ông không thể quên những đợt ném bom và những người bạn đã mất. Những ký ức đó lại trỗi dậy mạnh mẽ vào một ngày tháng 10 năm 1967, khi ông đứng giương súng sẵn sàng kết liễu viên phi công mất khả năng kháng cự đang hạ xuống mặt đất.
Đầu tháng 10 năm 1967, nhóm cận vệ của ông Huân tháp tùng một sĩ quan cấp tướng, cùng với thư ký riêng, đầu bếp và bác sĩ của ông này từ Lào sang Hà Nội dự họp. Họ khởi hành vào tuần đầu tiên của tháng 10, lúc đi bộ lúc đi xe dọc Đường mòn Hồ Chí Minh.
Ông Huân phát hiện ra rằng tháp tùng cho một vị tướng có nhiều thuận lợi, chẳng hạn như được ưu tiên xe cộ, đường sá. Các ưu tiên này cho phép nhóm hoàn tất hành trình chỉ trong một tuần. Khi tới Hà Nội, ông Huân được nghỉ ngơi tương đối thoải mái tại một doanh trại quân đội trong thời gian vị tướng dự họp.
Sáng 26 tháng 10, Hà Nội khá thưa người, ông Huân nhớ lại. Có nhiều thông tin dự báo máy bay Mỹ sẽ oanh tạc trong tuần nên nhiều cư dân đã rời khỏi thành phố. Bản thân Huân thì chẳng thấy lo lắng gì bởi ông đã vượt qua vô số vụ ném bom khi còn ở trong rừng. Thêm nữa, ông cũng muốn tập trung hưởng thụ một tiện nghi mà ông chưa bao giờ có được – tắm vòi hoa sen nước nóng.
“Hồi đó chúng tôi trẻ và hăng đánh nhau lắm”, ông Huân thừa nhận. “Chúng tôi luôn tận dụng cơ hội để chiến đấu, sẵn sàng lao về phía hiểm nguy”.
Lúc 10 giờ sáng, Huân đi tắm, không thèm quan tâm tới còi báo động máy bay đang rúc lên. Tiếp nối còi báo động là âm thanh súng phòng không liên hồi. Bực mình vì chuyện tắm táp bị gián đoạn, Huân chạy ra ngoài xem sự tình. Nhìm lên trời, ông thấy một chiếc máy bay vừa trúng đạn.
“Nhìn về hướng đông, tôi thấy một chiếc bốc cháy và phi công đã bung dù trên hồ Trúc Bạch”, Huân nhớ lại. Ông liền chạy vào doanh trại xách khẩu AK-47 nạp đầy đạn. Súng trong tay, ông lao về phía chiếc dù đang sà xuống.
“Giống như cái lò xo bị nén vừa được buông ra, tôi lao theo đường tắt, chạy hết tốc lực tới đền Quán Thánh trên đường Thanh Niên. Khi tôi tới bờ hồ, chiếc dù vẫn còn lơ lửng ở độ cao cả trăm mét. Tôi thấy nét mặt viên phi công có vẻ đau đớn”.
Giữa lúc viên phi công từ từ hạ xuống, ông Huân giương súng lên.
“Lúc bấy giờ tôi chỉ nghĩ đến các đồng chí đã chết trong rừng ở Lào khi những phi công Mỹ như thế này ném bom. Họ gây ra cho chúng tôi rất nhiều tổn thất. Cơn giận trong người tôi cứ thế dâng lên”.
Với một sự bộc trực đáng kinh ngạc, ông Huân kể: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến việc bắn chết viên phi công. Thậm chí tôi còn muốn khiến anh ta chịu nhiều đau đớn trước khi chết. Tôi đặt tay lên cò súng và tìm vị trí thuận lợi để nổ súng. Tôi chỉ nghĩ tới việc giết viên phi công… tất cả những gì cần làm là siết cò và tay kia sẽ chết”.
Tuy nhiên, khi viên phi công hạ thấp xuống nữa, có một điều gì đó ngăn cản Huân trong vai trò một kẻ hành quyết – ông thấy mình không thể kết liễu người Mỹ kia. Súng vẫn chĩa thẳng nhưng ông Huân cố nén giận và lặng lẽ nhìn viên phi công đáp xuống.
“Khi bước những bước cuối cùng đến vị trí có thể xả súng, tôi nhớ tới mệnh lệnh của sĩ quan chỉ huy – rằng tất cả tù binh đều phải được đối xử nhân đạo”, ông Huân nhớ lại. “Sự lưỡng lự trong chốc lát đó đã cứu sống viên phi công”.
“Có một ít cây cối quanh hồ và chiếc dù vướng vào cành cây kêu sột soạt”, ông kể. “Anh ta rơi xuống bên bờ hồ, ngã ngửa ra, một chân duỗi thẳng còn đầu gối chân kia nhô lên… Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta. Nét hoảng hốt hiện rõ. Ban đầu tôi cho rằng anh ta sợ tôi nổ súng nhưng nhìn kỹ thì có vẻ như không phải thế. Tôi vẫn chĩa súng vì sợ rằng anh ta có thể mang vũ khí. Khi tôi thấy anh ta có vẻ nhợt nhạt, tôi biết rằng người này đã bị thương”, cơn giận của Huân chùng xuống, thay vào đó là một niềm trắc ẩn.
Điều gì khiến ông quyết định, vào phút chót, không bắn? Huân cho rằng có hai nhân tố tác động một cách không điều kiện vào quyết định ấy – sự chuyên nghiệp của một người lính và sự thấu hiểu hoàn cảnh của người phi công kia. “Tôi chỉ hành xử như một người lính chuyên nghiệp”, ông giải thích, “trong đó có việc phải cảm thông với con người”.
Nhận thấy rằng người tù binh không thể kháng cự, ông Huân liền cởi bộ đồ bay của anh ta ra. Ông nhận thấy viên phi công bị thương nặng ở chân.
“Tôi thấy bắp chân anh ta bị thủng. Lỗ thủng to tới mức tôi có thể thấy mạch máu bên trong. Sau khi tôi cởi bộ đồ bay, anh ta chỉ còn lại đồ lót. Tôi thét gọi một cô gái trẻ gần đấy mang băng tới. Cô ấy chạy đi tìm băng và một cô gái khác băng bó cho anh ta. Giữa lúc đó thì tôi lục soát tư trang và tịch thu một khẩu súng ngắn chứa một viên đạn. Tôi còn tìm thấy chìa khóa, ảnh, một con dao nhỏ, một số tiền Mỹ (21 USD) và một tấm kim loại khắc tên. Vài phút sau, một chiếc xe chạy tới, mọi người cáng anh ta lên xe và đưa đi”.
Đó là lần cuối cùng ông Huân nhìn thấy người phi công ấy. Mãi đến nhiều năm sau, khi đọc tin một cựu tù binh Mỹ bị bắn rơi máy bay trên bầu trời Hà Nội vào ngày 26 tháng 10 năm 1967 vừa đắc cử thượng nghị sĩ, ông mới kể với bạn bè rằng đấy chính là John McCain mà ông đã tham gia bắt giữ thuở xưa. Ông tiếp tục kể về vụ bắt giữ phi công McCain và báo chí Việt Nam đã đăng tải câu chuyện này.
“Lần đầu tiên tôi nhận thấy rằng mình không chỉ bắt giữ mà còn suýt bắn chết ngài nghị sĩ tương lai của nước Mỹ”, ông Huân bày tỏ. Từ khi ông McCain đắc cử thượng nghị sĩ, nhiều binh sĩ ở Hà Nội đã đua nhau khẳng định rằng chính mình đã bắt ông này thời chiến tranh.
Ông Huân tỏ ra chân thực nhưng có thể thấy rằng câu chuyện của ông rất khác so với những gì chúng ta biết về vụ bắt phi công McCain. Đúng là McCain bị thương nặng vào ngày đó – nhưng xương đầu gối phải bị vỡ và gãy hai tay – chứ không phải bị thương ở bắp chân. Ông ấy nhảy dù phía trên một cái hồ ở Hà Nội và rơi xuống nước chứ không phải trên bờ. Một nhóm binh sĩ, chứ không phải một người duy nhất, đã bơi ra bắt ông và sau khi bị bắt ông đã bị đám đông cuồng nộ đâm lưỡi lê và đánh vào vai, không hề có một cô gái trẻ băng bó vết thương.
Dù có quá nhiều điểm khác biệt như thế, Huân vẫn khẳng định những gì ông kể là chính xác – vụ bắt giữ đã xảy ra đúng như lời ông miêu tả.
Nếu là thực, thì chỉ có duy nhất một cách giải thích cho câu chuyện của ông Huân.
Sáng 26 tháng 10 năm 1967, hai mươi máy bay Mỹ đã tấn công một loạt mục tiêu ở Hà Nội. Chiếc A-4E Skyhawk của McCain không phải là chiếc duy nhất bị bắn rơi hôm ấy – còn hai chiếc nữa cũng bị bắn rơi, một F-8 Crusader và một A-4E Skyhawk khác. Phi công hai chiếc máy bay kia cũng nhảy dù và bị bắt. Một trong hai người phi công kia khi được hỏi đã nói rằng ông không phải là nhân vật trong câu chuyện của Huân, phi công còn lại thì không muốn tiết lộ. Vì thế, không thể xác định được rằng liệu người này có phải là phi công mà ông Huân bắt hôm đó hay không.
Bản thân ông Huân không hề biết rằng vào ngày 26 tháng 10 năm 1967 có tới ba phi công Mỹ bị rơi máy bay và bị bắt sống. Ông luôn nghĩ hôm đó chỉ có một phi công bị bắt mà thôi. Và do báo chí khi đề cập đến Thượng nghị sĩ John McCain thường nhắc tới ngày máy bay bị bắn và ông bị bắt nên Huân luôn khẳng định rằng McCain từng là tù nhân của mình.
Tới hôm nay, ông Huân đã biết rằng người phi công mà ông cho rằng là McCain hóa ra không phải. Nhưng cho dù không còn khẳng định rằng mình từng bắt giữ ông McCain, ông Huân cũng cảm thấy thanh thản khi nghĩ về ngày ấy, ngày mà ông đã quyết định không kéo cò, để cho một người phi công Mỹ tiếp tục cuộc sống.