Dịch giả: Vũ Anh Tuấn
Đêm thứ nhất
Quán trọ "Lưỡi liềm và bó lúa"

    
ười năm về trước, do yêu cầu của công việc, tôi đã trải qua một ngày ở Cedarville. Chiều muộn hôm đó, tôi dừng chân tại "Lưỡi liềm và bó lúa", một quán trọ vừa mới khai trương của một ông chủ mới, trong một ngôi nhà mới được xây với phần sân sau cùng rộng rãi, đủ chỗ để "làm chỗ ở cho cả người và thú"
Ngay khi tôi vừa bước ra khỏi chiếc xe trạm (xe ngựa chạy theo tuyến) cũ kỹ đầy bụi, trên suốt con đường gập ghềnh dài ba chục dặm, trong cảm giác vừa mệt vừa đói, thì khuôn mặt hiền lành, phúc hậu của Simon Slade, người chủ của quán trọ đã rạng rỡ hiện ra như một sự chào đón với cả tấm lòng, một cảnh tượng thật dễ chịu, và cái bắt tay của ông như của một người bạn tin cậy vậy.
Lúc vào đến căn phòng khách còn mới, đồ đạc được bày biện gọn gàng, ngay gần phòng bar, tôi cảm thấy mình đã thực sự tìm được một chỗ nghỉ ngơi dễ chịu sau một chuyến đi đầy mệt mỏi.
"Mọi thứ đều mới tinh", tôi hài lòng nhận xét trong khi đưa mắt nhìn quanh phòng, lên trần nhà trắng như màu tuyết, và nhìn sàn nhà được trải thảm rộng rãi.
"Chưa thấy ở đâu hấp dẫn như ở đây. Ông khai trương được lâu chưa?"
"Mới chỉ vài tháng", người chủ quán trả lời vẻ hài lòng. "Nhưng chúng tôi vẫn chưa được đông khách. Ngài biết đấy, phải cần có thời gian để mọi thứ đâu vào đấy. Ngài đã ăn tối chưa?"
"Chưa. Mọi thứ tại nhà hàng dọc đường, nơi tôi dừng chân để ăn tối, đều trông quá nhếch nhác, khiến tôi đã không thể dám ăn thử nữa. Còn bao lâu nữa thì bữa ăn đêm sẽ sẵn sàng?"
"Một giờ nữa", người chủ quán trả lời.
"Được, hãy cho tôi một suất xúc xích mềm, loại ngon, và việc thiếu bữa tối sẽ trở thành dĩ vãng ngay".
"Ngài sẽ có ngay một suất, được chế biến tương xứng cho một ngài hội đồng", người chủ quán nói. "Tôi cho rằng vợ tôi là người đầu bếp giỏi nhất ở Cedarville".
Trong lúc ông ta nói, một cô gái ăn mặc gọn gàng, khoảng mười sáu tuổi, với vẻ mặt xinh đẹp có sức cuốn hút, đi ngang qua phòng.
"Con gái tôi", ông chủ quán nói, trong khi cô gái biến vào sau khung cửa. Niềm tự hào ánh lên trong ánh mắt người cha, và sự âu yếm được thể hiện khi ông nói câu "con gái tôi" đã mách bảo tôi rằng, cô rất được ông thương yêu.
"Ông thật hạnh phúc vì có một người con xinh đẹp như vậy" tôi nói thêm để khen ngợi với sự lựa chọn từ ngữ thận trọng.
"Tôi là một người đàn ông hạnh phúc" người chủ quán mỉm cười trả lời, khuôn mặt tròn, sáng sủa, không gợn một nếp nhăn lo âu muộn phiền của ông rạng rỡ lên bởi sự hài lòng. "Tôi đã luôn là một người đàn ông hạnh phúc. Và vẫn luôn chờ đợi điều đó. Cuộc đời như thế nào, Simon Slade đón nhận thế ấy, và chẳng có gì khó khăn cả. Đây là con trai tôi, thưa ngài", ông nói thêm khi có một cậu bé khoảng mười hai tuổi đi vào phòng.
"Con chào quý ông đi".
Cậu bé ngước cặp mắt xanh thơ ngây nhìn tôi, đưa tay cho tôi bắt, và nói một cách lễ phép "Xin chào ngài". Tôi không khỏi có nhận xét rằng trên khuôn mặt có vẻ đẹp giống như con gái của cậu, sự rắn rỏi trong tính cách của cậu bé đã được thể hiện rõ.
"Tên cậu là gì?" tôi hỏi.
"Frank, thưa ngài".
"Frank là tên nó", người chủ quán nói "chúng tôi đặt tên con trai theo tên bác thằng bé. Frank và Flora – những cái tên nghe thật dễ thương. Nhưng ngài biết đấy, cha mẹ thường hay chọn những cái tên bé nhỏ và thể hiện sự cưng chiều".
"Thái quá còn hơn là ngược lại" tôi nhận xét.
"Đó chính là những điều mà tôi thường hay nói. Frank, con!" – người chủ quán gọi cậu bé – "có một vị khách đang đứng ở trong phòng bar, con có thể phục vụ ông ấy như cha vẫn làm".
Cậu bé nhanh nhẹn rời căn phòng, ngoan ngoãn làm theo lời cha.
"Một đứa bé tháo vát, thưa ngài, một đứa bé rất tháo vát. Ở trong phòng bar, nó giỏi như một người đàn ông vậy. Nó pha chế rượu toddy hoặc rượu punch thạo chẳng khác gì tôi".
"Nhưng" tôi gợi ý "ông không một chút e ngại về việc đưa một người quá trẻ như vậy vào môi trường cám dỗ nó?"
"Cám dỗ!" cặp lông mày thưa của Simon Slade thoáng nhíu lại. "Không, thưa ngài!" ông trả lời dứt khoát. "Dưới sự trông nom của nó, két tiền sẽ được an toàn hơn so với đặt dưới sự trông nom của một người đàn ông lớn hơn nó mười tuổi. Thằng bé được nuôi dạy bởi những người cha mẹ thật thà. Simon Slade chưa bao giờ để ai bị thiệt mất một đồng farthing (1/1000 USD) nào".
"Ỗ" tôi vội nói "ông đã hoàn toàn hiểu sai ý tôi rồi. Tôi không nói tới két tiền, mà nói đến chai rượu kia".
Cặp lông mày của người chủ quán lập tức giãn hẳn ra, và một nụ cười hiện rõ trên khuôn mặt hài hước của ông.
"Thế à? Không có gì đáng lo, tôi có thể đảm bảo với ngài như thế. Frank không thích rượu, và có thể rót rượu cho nhiều người mà không hề nhấp môi giọt nào. Không có gì phải lo ngại điều đó, thưa ngài, không có gì".
Tôi hiểu rằng tiếp tục nói về mối lo ngại cũng sẽ vô ích nên im lặng, một người khách vừa tới đã gọi chủ quán đi ra, và tôi được ở lại một mình để quan sát và suy nghĩ. Phòng bar nằm liền ngay cạnh phòng khách, và tôi có thể nhìn thấy qua cửa phòng đang mở vị khách mà cậu bé đang phục vụ. Đó là một người đàn ông trẻ, lịch sự - hay cũng có thể coi là một cậu bé, vì cậu ta trông chưa quá tuổi mười chín – với khuôn mặt sáng sủa, thông minh, nhưng đã bị lu mờ một phần bởi sự hưởng lạc. Cậu ta đưa ly lên môi bằng một động tác nhanh, hấp tấp, và nốc một hơi cạn ly rượu.
"Được lắm" anh chàng nói, ném một đồng sáu penny cho người phục vụ quầy bar nhỏ tuổi.
"Cậu là người pha chế rượu brandy-toddy giỏi nhất. Tôi chưa từng uống loại rượu nào ngon hơn thế trong đời mình".
Khuôn mặt rạng rỡ của cậu bé cho thấy cậu đang hài lòng với sự khen ngợi. Đối với tôi, cảnh tượng thật đau lòng, vì tôi thấy cậu bé sành rượu này đang ở bên bờ vực của sự nguy hiểm.
"Người đàn ông trẻ trong quán bar đó là ai vậy?" tôi hỏi vài phút sau, khi người chủ quán quay lại.
Simon Slade bước tới cửa và nhìn vào phòng bar trong giây lát.
Lúc đó, có hai hoặc ba người đàn ông ở đó, nhưng ông ta vẫn nhận ra người mà tôi muốn hỏi, và trả lời:
"Ồ, đó là con trai của ngài thẩm phán Hammond, người sống ở ngôi nhà lớn, xây bằng gạch, chỗ mà ngài rẽ vào làng ấy. Willy Hammond, như mọi người vẫn thân mật gọi cậu ta, là người thanh niên tốt nhất trong vùng chúng tôi. Cậu ấy không kênh kiệu hay lên mặt – không hề - mặc dù cha anh ta là một thẩm phán, và hơn nữa, giàu có. Mọi người, từ sang trọng đến giản dị, đều quý mến Willy Hammond. Cậu ấy là người bạn tốt của mọi người. Luôn vui vẻ, và luôn có những lời nói làm vui lòng người khác. Hơn nữa, cậu ấy cao thượng và coi trọng danh dự. Willy Hammond thà chặt đi bàn tay phải của mình còn hơn là phải làm một việc xấu xa".
"Ông chủ quán!" một tiếng gọi lớn từ ngoài đường vọng vào, và Simon Slade lại rời tôi để phục vụ yêu cầu của người khách mới đến. Tôi đi vào phòng bar để quan sát cho gần hơn Willy Hammond, người đã gợi lên trong tâm trí tôi sự thích thú xen lẫn băn khoăn. Tôi thấy cậu ta đang chuyện trò vui vẻ với một người nông dân chất phác. Chàng trai có lối nói chuyện giản dị, súc tích, sự thân ái của cậu ta được thể hiện rõ trong ngôn ngữ và trí tưởng tượng sinh động. Người nông dân với vẻ cẩn thận, thủ cựu, còn anh chàng Hammond trẻ tuổi là người biết lắng nghe nồng nhiệt những ý kiến được đưa ra và nhanh chóng hưởng ứng, bổ sung khi cần thiết. Tôi mau chóng nhận ra rằng ý thức của chàng trai đã khôn lớn vượt quá độ tuổi, và những phẩm chất riêng của anh ta quả là đáng quý. Sau khi làm người lặng lẽ lắng nghe và quan sát trong mười phút, tôi đã hiểu được rõ hơn vì sao người chủ qúan đã nói về anh chàng một cách ấm áp như vậy.
"Làm một chầu brandy-toddy chứ, ngài H?" Hammond nói vui vẻ sau khi cuộc trao đổi kết thúc. "Frank, người phục vụ quầy bar trẻ của chúng ta đây, hơn đứt hẳn bố cậu ta về khoản đó".
"Nếu là tôi, tôi sẽ không để ý" người nông dân đáp, và cả hai đi tới quầy bar.
"Nào, Frank, cậu bé của tôi, đừng phụ lời ca ngợi của tôi nhé" người đàn ông trẻ nói "hãy thể hiện tài năng đi".
"Hai suất brandy-toddy, ý ngài nói vậy đúng không?" Frank hỏi với một tác phong rất lành nghề.
"Đó chính là những gì tôi muốn nói, và hãy pha chế để chúng sánh được với rượu của thần Jove nhé".
Phấn khởi trước sự thân mật, cậu bé nhanh nhẹn đi làm công việc pha chế hỗn hợp có sức hấp dẫn của mình, trong khi Hammond quan sát với một nụ cười khích lệ.
"Nào" Hammond nói khi Frank đưa những ly rượu qua mặt quầy "nếu ngài không gọi đó là loại rượu hạng nhất, ngài sẽ không phải là người hiểu biết". Và anh ta trao một ly rượu cho người nông dân, ông này nếm một ngụm vẻ hài lòng và khen ngon. Trước đó, tôi nhận thấy Hammond đã uống một cách hăm hở như một kẻ đang khát, nôc liền một hơi cạn ly rượu.
Ngay sau đó, phòng bar trở nên vắng tanh, và tôi cùng với người chủ quán dạo quanh cơ ngơi của ông và nghe ông ta khoe về đủ mọi thứ, những dự định và mục tiêu của ông trong tương lai. Ngôi nhà, sân, vườn và những công trình chung quanh rất gọn gàng, ngăn nắp, đúng là một quán trọ nổi bật của cả làng.
"Cho dù tôi làm việc gì, thưa ngài" người chủ quán Simon Slade nói "tôi đều muốn làm cho thật tốt. Tôi đã không chỉ quản lý quán trọ, ngài nên biết, mà tôi là người có thể làm hầu như mọi việc".
"Công việc trước của ông là gì?" tôi hỏi.
"Tôi làm nghê thợ xay, thưa ngài" ông ta trả lời "và tôi cho rằng không thể tìm được ở vùng Bolton này một người thợ xay nào giỏi hơn. Tôi đã làm nghê thợ xay trong hai mươi năm và kiếm được một số tiền. Nhưng tôi cảm thấy mệt mỏi vì công việc vất vả, và quyết định tìm kiếm một cuộc sống dễ chịu hơn. Vậy là tôi đã bán xưởng xay đi và xây lên ngôi nhà này bằng số tiền đó. Tôi đã luôn nghĩ rằng mình nên làm nghề chủ quán trọ. Cuộc sống dễ chịu hơn, và, nếu tôi nghĩ đúng, là nghề đảm bảo kiếm ra tiền".
"Ông vẫn kiếm được khá với nghề thợ xay chứ?"
"Ồ vâng, cho dù tôi làm việc gì, tôi đều làm tốt cả. Năm ngoái, tôi để dành ra được một nghìn dollar sau khi đã trang trải mọi khoản chi tiêu, cũng không đến nỗi tồi, tôi có thể bảo đảm với ngài, chỉ với một cối xay bột. Thậm chí nếu người chủ hiện nay làm việc tốt, ông ta cũng sẽ kiếm được".
"Vấn đề như thế nào?"
"Ồ, ông ta đâu phải là thợ xay. Có đưa cho ông ta loại lúa mì được trồng tốt nhất thì ông ấy cũng sẽ làm hỏng nó trong khi xay mà thôi. Ông ta lấy đi cuộc sống của từng hạt lúa. Tôi không tin là ông ấy sẽ giữ được một nửa số khách hàng mà tôi đã chuyển giao cùng với xưởng xay".
"Một nghìn dollar, khoản lợi quá rõ, với một công việc rất hữu ích, chắc đã khiến ông hài lòng" tôi nói.
"Tôi và ngài có suy nghĩ khác nhau", người chủ quán trả lời. Mọi người đều mong muốn làm ra càng nhiều tiền càng tốt, và với ít công sức nhất. Tôi hy vọng sẽ làm được hai hay ba nghìn dollar một năm, sau khi đã trang trải mọi khoản chi tiêu, với công việc quản lý nhà trọ. Chỉ riêng quầy bar cũng phải mang lại cho tôi số tiền ấy rồi. Một người đàn ông cùng với vợ và những đứa con, rất đương nhiên, sẽ cố sức đạt được điều đó một cách thật tốt theo khả năng có thể."
"Rất đúng, nhưng" tôi đánh bạo gợi ý "quán trọ này liệu sẽ làm được tốt bằng xưởng xay nếu như ông vẫn giữ không?"
"Hai hoặc ba nghìn dollar khác với một nghìn chứ! Ông không để ý đến những con số sao?"
"Có thể còn phải tính đến cả những điều ngoài chuyện tiền nong nữa chứ?" tôi nói.
"Cái gì vậy?" Slade hỏi với một chút ngơ ngác.
"Hãy cân nhắc những ảnh hưởng khác nhau của hai nghề nghiệp, là thợ xay và chủ quán trọ, đối với cuộc sống".
"Được, xin ngài cứ nói tiếp?"
"Liệu những đứa con của ông có được an toàn, trước sự cám dỗ ở đây, giống như khi ở trong ngôi nhà trước đây của chúng không?"
"An toàn chứ" câu trả lời được đưa không chút lưỡng lự. "Sao lại không?"
Tôi đã định nói ra sức lôi cuốn của ly rượu trong trường hợp với Frank, nhưng lại nhớ ra rằng mình đã thể hiện sự lo ngại theo hướng đó rồi, cảm thấy rằng lập lại cũng sẽ vô ích, nên đành im lặng.
"Một người chủ quán trọ" Slade nói "cũng đáng trân trọng như là một người thợ xay thôi. Trên thực tế, những người trước đây vẫn thường gọi tôi là Simon, hoặc Người láng giềng áo đầy bụi, giờ lại gọi tôi là Ông chủ quán, hoặc ông Slade, và cư xử với tôi như một người ngang hàng hơn bao giờ hết".
"Sự thay đổi đó" tôi nói, "có thể là do ông đã thể hiện được trên thực tế à mình sở hữu một số tài sản. Người ta hay có xu hướng nể trọng những ai có của cải. Ngôi nhà làm quán trọ này, không nghi ngờ gì nữa, đã góp phần vào sự đánh giá mới về những gì mà ông đang có".
"Đó không phải là tất cả" người chủ quán trả lời. "Đó là vì tôi đang quản lý tốt quán trọ, và điều quan trọng là bởi vì tôi làm tăng sự hấp dẫn cho Cedarville, nên một số trong số những người đáng kính đã nhìn tôi với con mắt khác".
"Làm tăng sự hấp dẫn cho Cedarville! Theo cách nào vậy?" tôi hỏi, không hiểu được ý của ông.
"Một quán trọ tốt sẽ luôn là tụ điểm thu hút được nhiều người, trong khi một nơi kinh doanh tồi tàn, được quản lý kém, giống như chúng tôi đã có trong nhiều năm trước, chắc chắn sẽ khiến họ lìa xa. Nói chung, ngài có thể rút ra được một điều gì đó về tình trạng của một thành phố bằng cách nhìn vào các nhà trọ ở đó. Nếu chúng được quản lý, và kinh doanh tốt, ngài sẽ khó có thể sai khi kết luận rằng nơi đó đang thịnh vượng. Vì sao ư? Thì đây: kể từ khi tôi xây và mở quán "Lưỡi liềm và bó lúa" đến nay, bất động sản dọc theo cả con phố này đã tăng giá lên hơn 20%, và đã có không ít hơn năm ngôi nhà mới đã được khởi công xây dựng".
"Những nguyên nhân khác, bên cạnh việc đơn thuần khai trương một quán trọ mới, có lẽ cũng đã góp phần vào kết quả này" tôi nói.
"Tôi không nhận thấy nguyên nhân nào như vậy cả. Tôi đã nói chuyện với ngài thẩm phán Hammond mới chỉ hôm qua, ông ấy có một khu đất rộng trên phố, và ông ta đã không ngần ngại nói rằng việc xây dựng và khai trương một qúan trọ tốt ở đây đã làm tăng giá trị bất động sản của ông lên ít nhất năm nghìn dollar. Hơn nữa, ông thẩm phán nghĩ rằng, nếu mọi người ở Cedarville tặng cho tôi một chiếc bình rượu làm bằng bạc, và rằng ông ấy sẽ đóng góp mười dollar để thực hiện điều đó".
Tiếng chuông báo bữa ăn đêm vang lên đã cắt ngang câu chuyện, và với cảm giác đói ngấu, tôi tìm đến căn phòng, nơi một bữa ăn đầy ắp đã được bày ra. Lúc đi vào, tôi gặp vợ của Simon Slade đang đi ra sau khi đã sắp xếp cho bữa ăn được hoàn tất. Tôi chưa hề trông thấy bà trước đó, và không thể không có nhận xét rằng bà có một vẻ mặt hồng hào, đầy tâm trạng, dường như với ở gần lửa nóng và đang lo âu, mệt mỏi. Và hơn nữa, miệng bà có những nét biểu hiện khác lạ mà tôi chưa bao giờ thấy ở những người có đầu óc dễ dãi – nét biểu hiện mà khi đã nhìn một lần, ta sẽ không thể quên được. Khuôn mặt đã lập tức để lại dấu ấn trong tâm trí tôi, và thậm chí đến giờ tôi có thể kể lại được với hầu như tất cả những đặc điểm như ban đầu. Khuôn mặt mới tương phản làm sao với nét mặt luôn mỉm cười tự hài lòng của chồng bà, người ngồi ngay ở đầu bàn ăn của ông với một vẻ quan trọng được ý thức rõ. Tôi rất đói nên không nói gì nhiều và thấy tận hưởng những món ăn thú vị hơn là những cuộc đối thoại. Người chủ quán đã có thêm một vị khách ưa chuyện phiêm ngồi cạnh, và tôi cứ để cho họ chuyện trò với nhau trong lúc tôi thoải mái thưởng thức các món ăn tuyệt vời được tiếp một cách hào phóng.
sau bữa ăn đêm, tôi đi vào phòng khách, và ở đó cho tới khi những ngọn đèn được thắp lên. Tôi đọc một tờ báo trong khoảng nửa giờ đồng hồ, thì những tiếng nói ồn ào tăng dần vang lên từ phòng bar bên cạnh vọng sang đã thu hút sự chú ý của tôi, và tôi đi sang bên đó để xem chuyện gì đang xảy ra. Người đầu tiên mà tôi thấy là anh chàng Hammond, người đang ngồi nói chuyện với một người đàn ông lớn hơn anh ta khá nhiều tuổi. Mới chỉ liếc qua, tôi đã thấy ngay rằng người đàn ông này chỉ có thể giao du viết Willy Hammond như một kẻ chuốc rượu mà thôi. Sự ích kỷ đến bệ rạc đã hằn in lên khắp vẻ mặt mang điềm gở của gã, và tôi thấy thắc mắc rằng không hiểu sao nó không gây kinh tởm cho mọi người như đối với tôi. Không thể có điểm chung nào – tôi cảm thấy tin chắc – cho một sự kết giao giữa hai con người như vậy, ngoài điểm dừng của một quán bar làng. Về sau, trong buổi tối đó, tôi được biết rằng tên của người đàn ông này là Harvey Green, và rằng ông ta là một người thường ghé qua Cedarville, mỗi lần lưu lại vài ngày hoặc vài tuần, có vẻ như theo sở thích của ông ta, chứ không thấy có công việc gì hoặc quen biết với người nào trong làng.
"Có một điều về ông ta" Simon Slade nhận xét khi trả lời những câu hỏi mà tôi đưa ra về người đàn ông này "mà tôi không phản đối, ông ta có nhiều tiền, và không hề hà tiện khi chi tiêu nó. Ông ta vẫn thường đến đây dạo trước – ông ta đã kể với tôi như vậy – khoảng năm hay sáu tháng một lần, nhưng ở lại trong cái quán trọ phục vụ tồi tàn, quán duy nhất khi ấy ở Cedarville, rất bất tiện, mà ông ấy hầu như muốn không bao giờ thăm lại nữa. Tuy nhiên, giờ thì ông ấy đã đăng ký một trong những căn phòng tốt nhất của tôi, căn phòng mà ông đã trả tiền cả năm, và tôi sẽ tính thêm cả tiền phục vụ ăn ở theo thời gian ông ấy lưu tại đó. Ông ấy nói rằng Cedarville có một cái gì đó luôn lôi cuốn ông ấy, và rằng khi ở đây sức khoẻ ông ấy tốt hơn ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ khi ở Miền nam vào mùa đông. Ông ấy sẽ không bao giờ bỏ ra dưới hai hay ba trăm dollar mỗi năm ở làng chúng tôi, vì vậy, quả là một lợi thế đối với một nơi khi có được một quán trọ tốt".
"Công việc của ông ta là gì?" tôi hỏi. "Ông ta có tham gia vào hoạt động kinh doanh nào không?"
Người chủ quán nhún vai, và trông có vẻ bí hiểm khi ông ta trả lời "Tôi không bao giờ hỏi về việc làm ăn của khách. Bổn phận của tôi là làm hài lòng những người lạ. Nếu họ hài lòng với ngôi nhà của tôi, và thanh tóan những hoá đơn của tôi đưa ra, tôi không có quyên tìm hiểu xa hơn. Khi làm nghề thợ xay, tôi chưa bao giờ hỏi một khách hàng xem lúa mì là do ông ta trồng, mua hay ăn trộm được. Công việc của tôi là xay nó, và tôi lo liệu sao để làm việc đó cho tốt, ngoài điều đó ra, tất cả là chuyện của ông ta. Và bổn phận trong công việc mới của tôi cũng sẽ như vậy. Tôi sẽ chú ý đến công việc của chính mình và giữ đúng vị trí của mình".
Ngoài anh chàng Hammond và Harvey Green, lúc tôi đi vào, có bốn người khác cùng người chủ quán. Trong số họ, có thẩm phán Lyman – như ông ta được gọi như vậy – một người đàn ông trạc tuổi giữa bốn mươi và năm mươi, người vài tuần trước đó đã nhận được sự đề cử của đảng Dân chủ để trở thành thành viên của quốc hội. Ông ta nói năng rất hoạt bát, nhã nhặn, và mau chóng trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của những người có mặt trong phòng bar. Trong số những chủ đề được nói đến có quán trọ mới, được nêu ra bởi ông chủ quán, người mà trong tâm trí, một cách rất đương nhiên, đó là suy nghĩ được đặt ở vị trí quan trọng nhất.
"Điều thắc mắc duy nhất đối với tôi là" thẩm phán Lyman nói "đã không một ai có đủ thông minh để thấy được lợi ích của một quán trọ tốt ở Cedarville từ mười năm về trước, hoặc có đủ sự táo bạo để bắt tay vào việc đó. Tôi cho rằng ông bạn Slade của chúng ta quả xứng đáng là một người đàn ông sắc sảo, nhìn xa trông rộng, và hãy ghi nhớ lời tôi nói, trong vòng mười năm nữa kể từ hôm nay, ông ấy sẽ là người giàu nhất ở quốc gia này".
"Sai rồi! Ha! Ha!" Simon Slade cười lớn. "Người giàu nhất? ngài quên mất thẩm phán Hammond rồi sao?"
"Không, ngay cả thẩm phán Hammond cũng không, với tất cả sự kính trọng dành cho anh bạn Willy thông minh của chúng ta" và thẩm phán Lyman mỉm cười một cách hài lòng với chàng trai.
"Nếu ông ta giàu lên, một người nào đó sẽ nghèo đi!" một người trước đó chưa lên tiếng vừa nói vừa cười khúc khích, và tôi quay sang nhìn ông ta gần hơn. Chỉ liếc qua, tôi đã thấy ông ta là một trong số những loại người vẫn thường được thấy ở các quán bar: một kẻ nghiện rượu nghèo, tiều tuỵ, không còn sức phản kháng từ bên trong, biết rõ rằng mình không được ai nể trọng, và cũng chẳng cần nể trọng ai. Có một nét tinh quái ánh lên trong mắt người đàn ông này khi ông ta nhìn Slade, làm tăng thêm vẻ kỳ dị cho câu nói ngắn ngủi nhưng gây ấn tượng đã được ông ta thốt ra. Tôi nhận thấy một thoáng nếp nhăn xuất hiện trên vầng trán rộng của người chủ quán, biểu hiện đầu tiên mà tôi đã thấy trong nhiều cảm giác hỗn độn. Nhận xét, được đưa ra không đúng lúc (hoặc đúng lúc, theo ai đó), cùng với dự đoán có thể coi là thiếu thiện ý, đã làm cho cuộc trò chuyện bị tạm gián đoạn. Không ai đáp lời hoặc hỏi lại người vừa lên tiếng, người mà tôi cảm thấy đang tận hưởng sự tác động từ những lời nói của mình. Nhưng ngay sau đó, câu chuyện bị dừng lại được tiếp tục.
"Nếu ông bạn giỏi giang của chúng ta, ngài Slade", Harvey Green nói "không là người giàu nhất ở Cedarville trong mười năm nữa, ít nhất ông ấy cũng sẽ cảm thấy hài lòng vì đã làm cho thị trấn của mình giàu lên".
"Một lời nói chân thật" thẩm phán Lyman trả lời, "một lời nói chân thật đã được nói ra. Nơi đây đã trong tình trạng sống vật vờ cho đến cách nay vài tháng. Sự phát triển nhảy vọt đã qua, và trên thực tế chúng ta đang chuẩn bị gieo trồng".
"Và đến nghĩa địa nữa chứ" kẻ trước đó đã gây xáo trộn bầu không khí vui vẻ, hoà hợp của mọi người lại lẩm bẩm nhận xét về câu nói sau cùng của Harvey Green. "Lại đây, ông chủ quán", ông ta vừa nói thêm vừa bước ngang qua quán bar, giọng nói chuỷên sang vẻ bất cần, "cho tôi một suất whisky-punch nóng loại ngon, và làm ngay đi. Còn đây là thêm sáu penny nữa dành cho tài sản mà ông đang gây dựng. Đó là đồng tiền cuối cùng còn sót lại – trong túi tôi không còn dính một đồng xu nào nữa", và ông ta lộn ngược các túi quần áo từ trong ra ngoài với vẻ nửa đùa nửa thật. "Tôi gửi nó đến ngăn kéo đựng tiền của ông làm bạn cùng với bốn đồng tiền khác đã tìm đường chui vào nơi ấm cúng đó từ sáng nay, chúng sẽ thấy cô đơn nếu thiếu mất người bạn bé nhỏ của mình".
Tôi quay sang nhìn Simon Slade, cặp mắt ông nhìn vào mắt tôi trong chốc lát, rồi hạ thấp xuống dưới cái nhìn nghiêm nghị của tôi. Tôi thấy mặt ông ta bừng đỏ, và những cử chỉ của ông ta thoáng chút bối rối. Những gì vừa diễn ra thật đơn giản, đã không gây được sự chú ý. Có lúc tôi đã nhìn thấy bàn tay ông ta đưa về phía đồng sáu penny đang nằm trên mặt quầy, nhưng tôi không rõ là để đẩy nó trở lại hay kéo nó về phía ngăn kéo đựng tiền. Rượu whisky-punch đã xong phải được đem ra đúng lúc, và cùng với nó, người đàn ông nọ đã lui về bên chiếc bàn đặt ngang giữa phòng và ngồi xuống để thưởng thức thứ đồ uống có sức cuốn hút nọ. Trong lúc ông ta làm việc đó, người chủ quán lặng lẽ vơ đồng sáu penny cuối cùng của người đàn ông nghèo khốn khổ đút vào ngăn kéo đựng tiền của ông. Tác dụng của loại rượu mạnh đã làm cho người đàn ông nói năng ba hoa nhiều hơn. Ông ta lắng nghe những cuộc chuyện trò xung quanh, luôn chêm vào những câu nói khích bác có tính chất gây sốc trực tiếp cho người đối thoại. Cuối cùng, Slade không còn kiên trì được nữa với ông ta, và nói với một chút bực bội:
"Hãy nhìn đây, Joe Morgan, nếu ông thấy khó chịu, xin hãy đi nơi khác và đừng cắt ngang không khí vui vẻ của các quý ông đây".
"Nhận sáu penny cuối cùng của tôi" Joe trả miếng, lộn ngược các túi quần áo của ông ta từ trong ra ngoài lần nữa. "Tôi không còn có ích gì ở đây tối nay nữa. Đời là thế đấy! Ông bạn tốt của chúng ta mới có học thức làm sao, trong trường học mới này! Phải! Ông ta đã là một người thợ xay tốt, chưa ai từng nghi ngờ về điều đó, và thật rõ ràng khi thấy rằng ông ta sẽ trở thành một người chủ quán tốt. Tôi cho rằng trái tim của ông ấy đã quá mềm yếu, nhưng quá trình chai cứng đã bắt đầu, và trong vòng chưa đầy mười năm nữa, nếu nó không cứng như một trong những chiếc cối xay trước đây của ông ta, Joe Morgan này không phải là nhà tiên tri. Ồ, ông không cần phải chau mày lại như vậy, ông bạn Simon, chúng ta là những người bạn cũ, và bạn bè vẫn được nói thẳng".
"Tôi mong ông về nhà đi. Ông không phải là chính mình tối nay" người chủ quán nói với vẻ dỗ dành, vì ông ta thấy rằng có cãi nhau với Morgan cũng chẳng ích lợi gì. "Có thể trái tim tôi đang trở nên cứng rắn hơn", ông nói thêm với vẻ khôi hài gượng gạo, "thì có lẽ cũng đã đến lúc rồi. Một trong những điểm yếu của tôi, như tôi đã nghe ông nói, là có trái tim giống với phụ nữ mà".
"Điều đó giờ vô hại" Joe Morgan đáp lại. "Tôi đã được biết nhiều người chủ quán tốt trong đời, nhưng không thấy ai gặp rắc rối với căn bệnh đã từng làm ông âu lo đâu".
Đúng vào lúc đó, cửa ngoài từ từ được đẩy mở ra một cách ngập ngừng, rồi một khuôn mặt bé nhỏ, trắng trẻo ngó vào, và một cặp mắt xanh dịu dàng nhìn quanh tìm kiếm khắp căn phòng. Những cuộc trò chuyện lập tức ngừng lại, và mọi khuôn mặt, với đầy vẻ thích thú, đều hướng về phía đứa trẻ, người giờ đây đã bước qua khung cửa. Cô bé chưa quá mười tuổi nhưng ai cũng phải xúc động tận đáy lòng khi nhìn thấy những nét buồn rầu trên khuôn mặt non nớt của em, và sự bạo dạn buộc phải có trước bối cảnh đang diễn ra, điều khiến em đã vượt qua được sự nhút nhát của bản thân, mới thấy cảm động làm sao!
"Cha!" tôi chưa từng nghe từ này được nói ra với một giọng truyền cảm làm rung động đến từng dây thần kinh như vậy. Nó chứa chan một tình yêu đau khổ - chứa chan một sự quan tâm dịu dàng vốn thường quá với chiều sâu của trái tim một đứa trẻ. Vừa nói, cô bé vừa nhảy băng ngang qua phòng, và đặt bàn tay lên cánh tay của Joe Morgan, ngước cặp mắt – mà trên đó nước mắt đang chực trào ra – nhìn vào khuôn mặt ông.
"Về đi cha! Cha không về nhà sao?" thậm chí đến giờ tôi vẫn còn như nghe thấy giọng nói nhỏ đó đang cầu xin, và tim tôi bỗng đập nhanh hơn. Đứa trẻ thật đáng thương! Một viễn cảnh u ám đang hiện ra trước cuộc đời của cô bé.
Morgan sực tỉnh, và để đứa trẻ dẫn ra khỏi căn phòng. Ông ta dường như thụ động trong bàn tay của cô bé. Tôi nhận thấy rằng ông ta đã thọc những ngón tay vào túi áo vẻ lo lắng, và một nét bối rối hiện ra trên khuôn mặt ông ta khi chúng được rút ra. Sáu penny cuối cùng của ông ta đã ở trong ngăn kéo đựng tiền của Simon Slade!
Chỉ chưa đầy một phút sau khi người bố và đứa con của ông ta đã khuất sau khung cửa, người đầu tiên lên tiếng là Harvey Green:
"Nếu tôi là ngài, thưa ông chủ quán" – giọng ông ta lạnh lùng và vô cảm – "Tôi sẽ đuổi gã đó ra khỏi phòng bar nếu lần sau gã còn bước qua ngưỡng cửa này. Hắn ta không có việc gì ở đây cả, đó là điều thứ nhất, và điều thứ hai, bản thân hắn không biết cư xử. Đó là chưa nói đến một kẻ vô công rồi nghề như hắn xúc phạm đến một ngôi nhà đứng đắn như thế nào".
"Tôi cầu mong ông ta sẽ không đến nữa" Simon nói với một vẻ lúng túng.
"Tôi sẽ làm cho hắn không đến nữa" Green đáp.
"Điều đó có lẽ nói dễ hơn làm" thẩm phán Lyman nhận xét "Ông bạn của chúng ta quản lý một quán rượu, và không thể nói rằng ai được hoặc ai không thể được vào đó".
"Nhưng một kẻ như vậy không có việc gì ở đây. Hắn là một kẻ nát rượu vô tích sự. Nếu tôi là người quản lý một nhà trọ, tôi sẽ từ chối bán rượu cho hắn".
"Ngài có thể làm được điều đó" thẩm phán Lyman nói, "và tôi cho rằng điều mà ngài muốn nói cũng sẽ được ông bạn Slade của chúng ta để tâm đến".
"Ông ta sẽ có rượu. Chừng nào còn có thể kiếm được một xu để mua nó" một trong những người có mặt nhận xét "và tôi không thấy có lý do gì khiến ông chủ quán của chúng ta đây, người đã bỏ ra rất nhiều chi phí để xây dựng lên quán trọ, lại không nên bán nó cho bất cứ người nào. Joe có lúc nói năng bừa bãi đôi chút, nhưng không ai có thể nói rằng ông ta là người gây gổ. Cần đối xử với ông ta đúng với bản chất của ông ấy, thế thôi".
"Tôi là người" Harvey Green phản đối với vẻ hơi bực bội "không bao giờ cư xử như vậy khi người khác chọn một thái độ bất nhã. Nếu tôi là ngài Slade, như tôi đã nói từ đầu, tôi sẽ đủôi gã đó ra đường nếu lần sau hắn còn bước chân qua ngưỡng cửa nhà tôi".
"Tôi thì sẽ không, nếu tôi ở vào trường hợp đó", người đôi thoại nhận xét, vẻ lãnh đạm.
Green đứng dậy trong giây lát, và tôi nhận thấy, qua ánh mắt của gã, rằng gã là kẻ có những cơn thịnh nộ của quỷ. Tiến một hai bước về phía người đối thoại, gã nói gay gắt.
"Gì thế, thưa ngài?"
Người phản đối, mà cơn giận bất ngờ nổi lên của gã rõ ràng đang nhằm vào, có dáng vẻ là một người lao động. Ông ta to khoẻ và vạm vỡ.
"Tôi cho rằng ngài đã nghe rõ những lời tôi nói. Chúng được nói ra một cách rõ ràng" ông trả lời, vẫn không ra khỏi chỗ ngồi, có vẻ như không hề bị bối rối chút nào. Nhưng có một vẻ thách thức lạnh lùng trong âm sắc của giọng nói và trong cái nhìn điềm tĩnh của đôi mắt ông.
"Ngài là một kẻ xấc xược và tôi rất muốn được trừng phạt ngài".
Green vừa mới dứt câu nói, gã đã phải nằm sóng xoài trên nền nhà. Người đàn ông kia đã bật dậy lao tới gã như một con hổ, và với một cú đấm từ bàn tay mạnh mẽ của ông, gã gục xuống chẳng khác gì một đứa trẻ. Green choáng váng và hoang mang nằm đó trong một vài giây, rồi bắt đầu với một tiếng hét man rợ nghe giống tiếng thú hơn là tiếng người, gã rút ra một lưỡi dao dài trong một vỏ bao được giấu kín, và xông tới đâm người đã tấn công gã, nhưng ý định giết người của đã đã không thực hiện được vì người đàn ông kia, với sức lực và sự bình tĩnh hơn hẳn, đã thấy trước ý đồ đó, và với một cú đánh chính xác gần như làm gãy cánh tay của Green, đã làm bật tung lưỡi dao ra khỏi bàn tay gã và văng xa sang phía bên kia phòng.
"Tôi rất thèm được vặn đứt cổ ngài" người đàn ông, có tên là Lyon, giờ tỏ ra rất bị kích động và đang túm lấy cổ Green, kêu lên, ông ta siết cổ gã cho đến khi mặt gã xám đen lại. "Rút dao đâm tôi, ha! Ông là kẻ côn đồ giết người!" và ông ta túm lấy gã chặt hơn.
Thẩm phán Lyman và người chủ quán giờ đã phải can thiệp và cứu Green ra khỏi bàn tay đối thủ trong cơn giận dữ của gã. Họ đứng gầm gừ nhìn nhau trong chốc lát, như hai con chó bị tách ra đang vùng vằng tìm cách thoát khỏi sự ngăn cản để lại xông vào nhau, nhưng sau đó nguôi dần. Chẳng bao lâu, thẩm phán Lyman đã kéo được Green ra, và hai người lần lượt rời khỏi phòng bar. Lúc họ ra đến cửa, kẻ gây sự khẽ gật đầu với Willy Hammond, người sau đó đi theo họ sang phòng khách, để từ đó, theo tôi biết, lên tầng trên để tới một căn phòng ở trên đó.
"Chẳng có gì hay ho cả" tôi nghe thấy tiếng Lyon tự lẩm bẩm. "Nếu thẩm phán Hammond không theo sát cậu con trai đó của ông ta một chút, ông ta sẽ phải hối tiếc về điều đó".
"Gã Green này là ai thế?" tôi hỏi Lyon khi nhận thấy chỉ còn lại mình tôi với ông ta trong phòng bar sau đó.
"Một kẻ cờ bạc bịp, tôi cho là như vậy" đó là câu trả lời không chút lưỡng lự của ông.
"Thẩm phán Lyman không đặt câu hỏi về bản chất của hắn sao?"
"Tôi không biết gì về điều đó, nhưng tôi sẽ không ngần ngại đánh cuộc mười dollar rằng nếu ngài có thể nhìn thấy họ lúc này, ngài sẽ thấy những lá bài trong tay họ".
"Những tấm gương mới đẹp đẽ làm sao dành cho chàng thanh niên vừa đi theo họ!" tôi không khỏi nhận xét.
"Willy Hammond phải không?"
"Đúng vậy".
"Ngài có thể đã nói đúng. Không biết bố anh ta có thể nghĩ gì về việc để anh ta tiếp xúc với những ảnh hưởng như vậy!"
"Ông ấy là một trong số ít người đang say sưa về quán trọ này, bởi vì việc nó mọc lên đã làm tăng thêm một chút giá trị bất động sản ở gần đây của ông ta, nhưng nếu như ông ta không mất đi một nửa những gì có được, trong vòng mười năm tới, tôi sẽ là người mắc sai lầm lớn".
"Như thế nào vậy?"
"Tôi sẽ nói rõ, tôi e rằng, việc thả lỏng như vậy sẽ làm hư hỏng con trai ông ấy".
"Điều đó quả là tồi tệ" tôi nói.
"Tồi tệ! Thật kinh khủng khi nghĩ đến điều đó. Không có một chàng trai nào thanh lịch hơn, cũng không chàng trai nào có trái tim và ý thức nhân hậu hơn Willy Hammond ở vùng này. Sự hư hỏng của anh ta sẽ đáng buồn hơn nhiều. À, thưa ngài! Sự tồn tại của quán trọ này là một tai ương đối với bất cứ nơi đâu".
"Nhưng tôi nghĩ, mới đây ngài đã phát biểu khuyến khích việc để cho tiền của cả những con nghiện nghèo chui vào ngăn đựng tiền của ông chủ quán để tán dương sự táo bạo kinh doanh trong việc mở ra một quán trọ tốt".
"Chúng tôi đôi lúc đều nói với sự châm biếm ẩn ý", người đàn ông trả lời "như tôi nói khi đó. Joe Morgan đáng thương! Ông ấy là một người bạn cũ và từ hồi còn nhỏ của Simon Slade. Họ là những cậu bé đã chơi với nhau, và cùng làm việc như những thợ xay cùng dưới một mái nhà trong suốt nhiều năm. Trên thực tế, cha của Joe sở hữu cối xay, và hai người đã học nghề cùng với ông. Khi ông già Morgan qua đời, cối xay đã được giao lại vào tay Joe. Nó đã ở trong tình trạng bị hao mòn, và Joe đã phải vay nợ để đại tu và mua thêm máy móc. Ngay sau đó, Simon Slade, người đã được Joe trả công để vận hành cối xay, đã được nhận vài nghìn dollar thừa kế sau cái chết của một bà cô. Khoản tiền này khiến ông ta mua được một phần của cối xay, mà Morgan rất vui vẻ bán lại để trả nợ. Thời gian trôi đi, và Joe bỏ lại hầu như hoàn toàn sự quan tâm đến việc làm ăn của cối xay cho sự trông nom của Slade, người, phải nói là rất yêu thích nó, đã không sao nhãng công việc kinh doanh. Nhưng sự việc xảy ra theo một cách nào đó – tôi sẽ không nói là không công bằng – sau gần mười năm, Joe Morgan không còn sở hữu một phần nào của cối xay nữa. Toàn bộ tài sản đó đã nằm trong tay Slade. Mọi người không thắc mắc nhiều về điều đó, bởi vì trong lúc Slade luôn có mặt tại cối xay một cách chăm chỉ, năng động và chu đáo với khách hàng, thì Morgan hiếm khi được thấy ở cơ sơ kinh doanh. Người ta thường thấy ông ta trong rừng, với một khẩu súng trên vai, ngồi câu cá hồi bên suối hoặc tha thẩn tại quán rượu. Mọi người quý Joe vì ông ta dễ kết thân, nhanh trí và tốt bụng. Ông ấy đôi khi cũng nói những điều ngang ngạnh khi người khác tỏ ra bần tiện, nhưng có rất nhiều nét dễ thương trong những lời châm biếm của ông ta, vốn hiếm khi mang nhiều sự gay gắt.
Một hay hai năm gì đó trước khi không còn quyền sở hữu cối xay, Morgan đã lấy một trong những cô gái dễ thương nhất trong thị trấn chúng tôi – Fanny Ellis, đó là tên cô ấy, người có thể lựa chọn bất cứ người đàn ông trẻ nào. Mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên về sự lựa chọn của cô ấy, và rồi cũng không ai thực sự thấy lạ nữa, vì Joe vốn là người đàn ông trẻ rất hấp dẫn, được nhiều người yêu mến, và xứng đáng giành được trái tim của một cô gái như Fanny. Những gì đôi khi được thấy ở ông ấy có một phần là lỗi tại rượu! Ông ấy mới coi ham chơi hơn công việc làm sao! Fanny đã không do dự hay lo ngại gì về tương lai. Cô ấy tin rằng tình yêu của mình sẽ đủ sức mạnh để kéo ông ấy ra khỏi những cám dỗ ma quỷ và, như vẫn thường thấy, những cô gái trẻ ít khi bận tâm về điều đó.
Như vậy, những ngày u ám cũng đến với cô ấy, thật đáng thương! Và rồi, trong bóng tối của số phận ở trần gian, cô ấy đã hoàn toàn trở thành một người vợ yêu thương, nhẫn nại, quên mình vì Morgan. Còn ông ta – vẫn tiếp tục bê tha và bất lực trong bàn tay của con quái vật rượu chè – cũng chưa bao giờ làm cô ấy tổn thương, tôi đảm bảo như thế, vì một lời nói cay nghiệt. Ông ấy mà như vậy nữa thì chắc hẳn trái tim cô ấy tan vỡ từ lâu rồi. Joe Morgan đáng thương! Fanny đáng thương! Ôi, thứ đồ uống này mới đáng nguyền rủa làm sao!"
Người đàn ông, phấn chấn với câu chuyện của mình, đã nói với một vẻ hùng biện mà tôi khó hình dung là được phát ra từ miệng ông ta. Một phần bị chế ngự bởi những cảm xúc của mình, ông ta ngừng giây lát, rồi nói thêm:
"Thật không may cho Joe, ít nhất là việc Slade đã bán cối xay của ông ấy đi, và trở thành chủ quán trọ, vì Joe ít ra vẫn có một chiếc giường ổn định và những khoản lương được trả đều đặn. Ông ấy không thường xuyên gắn bó với công việc, đôi lúc lại đi tiêu xài xả láng, còn Slade thì đã chán ngán với tất cả điều đó, và càng làm việc cật lực hơn để đạt được những mục tiêu của mình. Và cho dù kho đựng thức ăn nhỏ ở nhà có thể thiếu hụt, Fanny Morgan vẫn không bao giờ thấy mâm cơm của mình thiếu thốn vì biết rằng nó đã được bổ sung ở một nơi khác.
"Thế nhưng sau khi Slade bán cối xay đi, một thay đổi đáng buồn đã xảy ra. Người chủ mới không muốn trả lương cho một người không dành cho ông ta toàn bộ thời gian trong giờ làm việc, và chỉ cuối cùng đầy hai tuần sau ngày ông ta làm chủ cối xay, Morgan đã bị sa thải. Kể từ đó, ông ấy làm những công việc lặt vặt, thu nhập chỉ còn đủ mua rượu để đáp ứng những cơn khát quá mức chi phối ông ta. Tôi không có ý đổ lỗi cho Simon Slade về những lỗi lầm của Morgan, nhưng thực tế giản dị ở trong trường hợp này cho thấy là nếu ông ta tiếp tục duy trì phát triển sự có ích của người thợ xay, ông ấy sẽ giúp được cho gia đình của người đàn ông này bớt đi cảnh túng thiếu, khổ cực và giảm đi được sự bất hạnh so với tình trạng sa sút mà họ đang gặp phải. Tôi chỉ kể lại câu chuyện, và ngài có thể đưa ra kết luận của chính mình. Đó là một trong nhiều thực tế, về những câu hỏi xung quanh mặt trái của quán trọ này, mà sẽ chẳng hại gì khi nêu ra. Tôi đã nhận thấy nhiều thực tế nữa, mà một trong số chúng là trước khi Slade mở quán "Lưỡi liềm và Bó lúa", ông ấy dành mọi ảnh hưởng để ngăn người bạn thời trẻ của ông ấy tránh khỏi nạn rượu chè bê tha, thì giờ đây ông ta đã trở thành người lôi cuốn ông ấy. Trước đây, ông ta giúp cho gia đình của ông ấy có nguồn sinh kế để sống một cách dễ thở trong chừng mực nào đó, nay ông ta lấy đi những đồng tiền làm thuê rẻ mạt mà người đàn ông khốn khổ này làm ra, và ném vào két tiền của ông ta, quên mất rằng người vợ và đứa con nhỏ ở nhà đang bị đói vì không có bánh mì mà lẽ ra số tiền này phải được dành để mua.
Joe Morgan, dù sa ngã như đã thấy, thưa ngài, nhưng đâu phải gã ngốc. Đầu óc ông ấy vẫn linh hoạt, và ông ta hiếm khi nói ra những lời bộc bạch thiếu ý nghĩa. Khi ông ấy nói trong vòng mười năm trái tim của Slade sẽ trở nên rắn như một trong những viên đá cối xay cũ của ông ấy, Morgan đã không buông lời một cách tuỳ tiện, cũng không đơn thuần là nói cho thoả nỗi bức xúc trong lòng, có một chút quan ngại về việc điều này sắp xảy ra hay không. Quá trình chai cứng đó đã bắt đầu, ông ấy, chao ôi! Đã nhận thức ra một điều rất buồn".
Người chủ quán đã vắng mặt trong phòng được một lúc. Ông ta rời phòng ngay sau khi thẩm phán Lyman, Harvey Green và Willy Hammond rút lui, và tôi đã không gặp lại ông ta trong buổi tối đó. Con trai của ông ta, Frank, đã ở lại để trông coi quán bar, công việc cũng không có gì là vất vả, chỉ khoảng năm, sáu suất uống gì đó được gọi kể từ khi Morgan ra về cho đến khi quán bar đóng cửa.
Trong lúc ông Lyon đang kể vắn tắt với tôi về lai lịch của quán trọ và những người liên quan, tôi nhận thấy một diễn biến nhỏ, đã gây ra một cảm giác khó chịu tràn ngập tâm trí tôi. Sau khi một người đàn ông – người mà con trai ông chủ quán đã phục vụ một suất rượu ngon – uống gần cạn ly rượu, ông ta để ly xuống mặt quầy rồi bỏ đi. Trong ly vẫn còn lại một vài thìa rượu, và tôi nhận thấy Frank, sau khi ngửi ly rượu thừa đó vài ba lần, đã đưa ly lên môi và nhấp vào thứ rượu ngọt ngào đó. Hương vị rượu có vẻ làm cậu thích thú, vì sau khi nếm thử chỗ rượu, cậu ta lại đưa ly lên môi và uống cạn đến từng giọt.
"Frank!" tôi nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ, vẻ nhắc nhở, gọi tên cậu ta, và tôi liếc nhìn về một cánh cửa phía trong quán bar hé mở dẫn ra cái sân, tôi nhìn thấy khuôn mặt của bà Slade. Khuôn mặt của bà vẫn mang vẻ băn khoăn giống như tôi đã nhận thấy trước đó, nhưng giờ dzcòn xen lẫn sự âu lo.
Cậu bé đi ra ngoài theo tiếng gọi của mẹ cậu, và khi một vị khách mới ghé vào, tôi nhận thấy rằng Flora, cô con gái, đi vào để phục vụ cho ông ta. Tôi thấy, cũng như vậy, khi cô gái rót rượu ra, sắc mặt cô bỗng bừng lên, khiến tôi thấy như cô gái có thoáng chút e thẹn. Rõ ràng là cô gái không dửng dưng với người mà mình đang phục vụ, và có cả một chút tình cảm ân cần trong thái độ phục vụ của cô.
Mười giờ, tôi nhận thấy mình còn lại một mình và trầm ngâm suy nghĩ trong phòng bar cho tới sáng. Trong tất cả những gì vừa diễn ra, sxxh của đứa con của Joe Morgan đã để lại dấu ấn đậm nét trong tâm trí tôi. Hình ảnh khuôn mặt nhỏ bé, buồn rầu đó luôn hiện ra trước mắt tôi, và dường như tôi vẫn cảm nhận được tất cả như khi nghe từ "Cha" được thốt ra đầy cảm động, và cùng với biết bao sự âu yếm trẻ thơ. Và người đàn ông, người đã phản đối lại một cách đầy bướng bỉnh đối với người bạn nối khố của ông ta, bị họ tìm cách đuổi ra khỏi phòng, đã được dẫn đi ra một cách thụ động, hầu như là ngoan ngoãn bởi đứa trẻ bé nhỏ đó – tôi đã không thể dứt được dòng suy nghĩ về hình ảnh đó một lúc. Và sau đó, suy nghĩ đưa tôi đến ngôi nhà tồi tàn, nơi mà đứa trẻ dịu dàng, đáng yêu đã dẫn cha của em trở về, và trái tim tôi lặng đi khi hình dung ra cảnh tượng khốn khổ ở đó.
Và Wily Hammond. Chàng trai nhỏ mà tôi đã nghe nói về và nhìn thấy cùng với mối quan tâm sâu sắc trong lòng về sở thích của cậu ta. Chao ôi! Cậu ta đang bước đi trên một mặt đất nguy hiểm làm sao! Biết bao cạm bẫy đang chờ đợi những bước chân của cậu ta, bờ vực của sự nguy hiểm còn baoxa, sự huỷ hoại nào sẽ dành cho người bị ngã xuống đó. Cuộc đời cậu ta đã mang những hứa hẹn đẹp đẽ làm sao! Ngày chào đời của cậu ta thật là tươi sáng! Chao ôi! Mây đen đang kéo đến, và tiếng sầm ì ầm từ xa đã báo trước một cơn dông tố đáng sợ đang tới. Không có ai cảnh báo cho cậu ta biết về nguy cơ đó sao? Ôi! Mọi thứ giờ đây có thể đã quá muộn, vì quá ít người đi vào con đường mà những bước chân cậu ta đang đi trên đó muốn lắng nghe những lời khuyên bảo chân thành, hoặc để tâm đến những lời cảnh báo nghiêm khắc. Cậu ta giờ đang ở đâu? Câu hỏi này cứ lặp đi lặp lại trong tôi. Cậu ta đã rời phòng bar cùng với thẩm phán Lyman và Green vào sáng sớm, và từ đó không thấy xuất hiện. Green là ai và làm việc gì? còn thẩm phán Lyman, ông ta có phải là một con người mẫu mực không? Liệu có tin được rằng một thanh niên như Willy Hammond giao du với họ sẽ được an toàn hay không?
Trong lúc tôi đang suy tư như vậy, cửa phòng bar mở ra, và một người đàn ông đã luống tuổi, với một khuôn mặt hồng hào, mái tóc hầu như bạc trắng để mọc tự nhiên được chải ngược về phía sau và trùm xuống cổ áo khoác của ông ta, bước vào với bước đi hấp tấp. Ông ta có vẻ ngoài rất đáng kính, nhưng trong cặp mắt đen còn nhanh nhẹn vẫn sáng lên những ngọn lửa nồng nhiệt, thứ ánh sáng được phát ra từ trên bàn thờ của những đam mê và lòng vị kỷ. Đó là những gì mà tôi thấy được chỉ với một cái nhìn thoáng qua. Khuôn mặt của ông ta trông có vẻ băn khoăn khi ông ta đưa mắt nhìn quanh phòng bar, và có vẻ thất vọng, theo tôi nghĩ, vì thấy phòng vắng người.
"Simon Slade không có ở đây à?"
Khi tôi trả lời là không có, thì bà Slade đã đi vào qua chiếc cửa mở ra sân, và đứng phía sau quầy.
"A, bà Slade đây rồi! Chúc bà một buổi sáng tốt lành!" ông ta nói.
"Chúc ngài một buổi sáng tốt lành, thẩm phán Hammond".
"Ông nhà có ở nhà không ạ?"
"Tôi tin là ông ấy đang ở nhà" bà Slade trả lời. "Tôi nghĩ ông ấy đang ở một nơi nào đó trong ngôi nhà".
"Bà mời ông ấy ra đây được không?"
Bà Slade đi ra. Gần năm phút trôi qua, trong thời gian đó thẩm phán Hammond đi lại trên sàn phòng bar vẻ bồn chồn. Sau đó, người chủ quán xuất hiện. Vẻ thoải mái, cởi mở, mạnh mẽ và tự mãn trên nét mặt ông ta, mà tôi nhận thấy đã bừng lên từ chiều hôm trước, đã biến mất. Tôi nhận ra sự thay đổi đó ngay lập tức vì nó đập ngay vào mắt. Ông ta không nhìn lâu vào mặt của Thẩm phán Hammond, người đang hỏi nhỏ ông xem con trai ông ta có ở đó trong buổi tối trước không.
"Cậu ấy đã ở đây" Slade nói.
"Lúc nào?"
"Cậu ấy đến sau khi trời tối, và ở lại khoảng một giờ".
"Và đã không có mặt ở đây kể từ đó chứ?"
"Cậu ấy đã rời phòng bar cách đây gần hai giờ".
Thẩm phán Hammond có vẻ bối rối. Ông ta không thể không nhận thấy vẻ lảng tránh trong thái độ của Slade. Đối với tôi, điều đó hoàn toàn rõ ràng. Vì sự ngờ vực mà tôi cảm thấy đó có được nhờ một sự quan sát sắc sảo.
Thẩm phán Hammond chắp tay sau lưng, và bước đi ba bốn bước quanh nền nhà.
"Thẩm phán Lyman có ở đây đêm qua không?" sau đó ông ta hỏi.
"Vâng, ông ấy có ở đây". Slade trả lời.
"Ông ta với Willy có cùng nhau đi khỏi đây không?"
Câu hỏi dường như khá bất ngờ đối với người chủ quán. Slade tỏ ra lúng túng đôi chút, và không trả lời được ngay.
"Tôi..tôi nghĩ rằng họ đã đi cùng nhau" ông ta nói sau một thóang lưỡng lự.
"À được! Có lẽ nó đang ở nhà thẩm phán Lyman. Tôi sẽ đến đó".
Và thẩm phán Hammond rời phòng bar.
"Ngài có muốn đi nghỉ không?" người chủ quán, giờ quay sang phía tôi với một nụ cười miễn cưỡng – tôi thấy là miễn cưỡng.
"Nếu ông vui lòng" – tôi đáp.
Ông ta thắp lên một ngọn nến và dẫn tôi đến phòng của tôi, nơi mà, cùng với sự mệt mỏi của một ngày gắng sức, tôi đã nhanh chóng lăn ra ngủ và không hề tỉnh giấc cho đến khi mặt trời chiếu sáng rực rỡ vào cửa sổ phòng tôi.
Tôi còn ở lại làng một khoảng thời gian nữa trong ngày hôm đó, nhưng không gặp lại những người liên quan đến các diễn biến đã làm tôi trở nên chú ý tối hôm trước. Vào lúc bốn giờ, tôi rời làng trong một chuyến xe trạm, và không thăm lại Cedarville trong một năm.