Chương 9

    
ọ đã ra tới bờ sông.
Trời xanh ngắt, cao lồng lộng. Mặt trời đang ngả về phía tây. Gió mát rượi tíu tít trên mặt sông, xô những tia nắng vàng va vào những tia nắng đỏ. Bãi cát ánh lên như bột thủy tinh trong lò, nóng ran. Đám dây khoai xanh um bò chằng chịt lan ra tận mép sông để kiếm nước.
Năm nay sông nhỏ hẳn lại, nước nông.
Bụi tre ở mép sông đâm rễ tua tủa, ngạo nghễ chọc nước. Mấy cành tre già nằm chồng chất lên nhau là là mặt nước, thỉnh thoảng lại lắc lắc như muốn hất cổ cái đám cỏ dại, bùng nhùng đeo bám trên thân. Vô vàn bụi gai hồng giăng giăng nắm tay nhau vây kín khắp quãng sông, xuống tận hạ nguồn, chỉ còn chừa một lối vừa đủ cho thuyền hai bờ qua lại.
Bên kia bờ sông, làng Trà tan hoang đổ nát. Hố bom lổn nhổn khắp nơi: từ mặt sông lên bờ, qua làng ra đường cái... Ngôi trường phổ thông dường như sập hẳn chỉ còn lại cái cổng đứng chơ vơ mang cái biển tên trường. Đây đó khói đen từng cuộn phát lên từ những ngọn lửa tham lam đang liếm vào những gì còn sót lại sau tran oanh tạc...
Chỉ có cây gạo, một mình nó, thân hình sần sùi găm đầy mảnh đạn, đứng sừng sững vươn lên trời xanh, nở hoa đỏ chói. Nó đang cần mẫn thả những nhúm bông trắng muốt cùng cái hạt đen, theo gió đi tìm đất mới để gieo mầm.
Từ trên đê, các bà các chị lũ lượt gánh khoai sang sông kịp phiên chợ sẩm tối. Người đội thúng, kẻ gánh gồng, bước đi hối hả, váy đen, khăn chùm đầu, áo nâu cài cúc hững hở để ló ra mấy cái yếm đủ mầu, những cái ruột tượng sặc sỡ rập rờn bay trong gió... Mấy củ khoai tím no căng nhún lên nhún xuống trong thúng theo nhịp của đôi quang, thiêm thiếp cùng tiếng kẽo kẹt của chiếc đòn gánh.
Đoàn gánh gồng cười nói lao xao, ào xuống bờ sông chờ đò. Bà nào bà ấy bỏm bẻm nhai trầu, hàm răng đen nhánh lấp ló trong đám nước trầu đỏ quạch.
Một bà bỏ gánh khoai bước tới bờ cát chỗ Jim đang ngồi. Một tay chống đòn gánh một tay chống nạnh, hai chân đứng giang ngực nhô ra để lộ cái yếm trắng ngà. Bà ta nhổ toẹt một bãi nước trầu đỏ ối như máu xuống sát bàn chân trắng bệch của Jim, cong ngón tay trỏ và ngón tay cái, quệt một vòng lau cái mép đang đỏ ứ nước trầu, bỏm bẻm:
Bác Bi à, để em cho nó một đòn gánh, bác khỏi nhọc lòng canh gác!
Ông Bi nhíu mày. Ông định giải thích như trên huyện rằng: phi công là chiến lợi phẩm, là yếu tố quyết định... nhưng ông lại thôi. “Mấy con mẹ này thì hiểu gì là "chiến lợi phẩm" với chả "yếu tố", nói làm gì cho phí lời, thế là ông hắng giọng:
- E hèm, có giỏi thì vào đánh chết nó đi rồi mà làm "Việt gian bán nước!"
Các bà đamg khúc khích cười bỗng câm lặng, ngẩn ngơ "Sao giết thằng giặc mà lại là "Việt gian bán nước...?" Nhưng bốn chữ ấy cũng đủ làm họ giật thót người, chẳng còn bụng dạ nào mà lý sự nên bấm nhau lảng ra xa gọi đò.
Jim kinh hãi hết nhìn mấy cái miệng đỏ lòm như máu của các bà gánh khoai lại nhìn bãi nước trầu đỏ sẫm dưới chân, cái cổ to thụt lại...
"Thật khủng khiếp? Sao răng của họ lại đen đến thế? Kì dị quá khác hẳn với phụ nữ Mỹ, răng lúc nào cũng được chăm sóc cho trắng bóng Họ đang nhai cái gì mà có nhiều máu thể, thịt sống hay cá sống? Ghê quá! Sao chẳng có tài liệu nào hướng dẫn về điều này? Cứ cho mấy bà này ra trận, nhe răng ra thì lính Mỹ chỉ có quăng súng mà chạy". Jim le lưỡi.
Hắn ngước nhìn ông Bi với con mắt cảm phục. Chẳng hiểu ông ta nói gì, chỉ vài từ mà mấy bà mồm đầy máu, đang hùng hổ cầm gậy xông tới bỗng ỉu xìu, chuồn thẳng.
Bảy con thuyền gỗ nhỏ được neo buộc cẩn thận nằm ngay ngắn dọc theo bờ.
Ông Bi lội xuống nước xem xét cẩn thận từng con thuyền. Ông liếc nhìn Jim rồi gõ gõ vào mạn thuyền, nghênh nghênh tai lắng nghe như đo lường sức chịu đựng của nó. Ông lắc qua lắc lại cái dây chão buộc mái chèo, đặt ngay ngắn cái bệ ngắm bắn bang gỗ lên mũi thuyền...
Các cô gái ào xuống nước... Mười hai cô gái chia nhau trên sáu thuyền, ông Bi đi cùng với Jim. Các cô đã sẵn sàng, mặt mày hớn hở, súng ống thẳng băng, quần áo gọn gàng bó sát vào những thân hình căng đầy nhựa sống...
Đoàn thuyền bắt đầu rời bến...
Na từ đâu bỗng chạy ào tới, mặt đỏ gay, thở hổn hển, trên vai vác cái nạng mà mọi người vội vã đã bỏ quên. Cô bé lội xuống nước lặng lẽ đặt nó vào lòng Jim.
"A cô bé đây rồi! - Jim thầm thốt lên - Sao mình lại có thể quên bẵng cô bé nhỉ, chẳng dành một giây nào để từ biệt thay cho lời cảm ơn..." Hắn đỡ lấy cái nạng, vuốt vuốt hàng dây khô buộc gọn gàng trên đó, ngước mắt âu yếm nhìn Na: Hắn sẽ ra đi với hình ảnh cô bé thân thương mà xa lạ này. Cô bé tên là gì nhỉ, giá mà mình được biết". Hắn định giơ tay ra nắm chặt bàn tay nhỏ thô ráp kia lần cuối nhưng con thuyền đã rùng rùng rời bến.
Bảy con thuyền ghếch mũi lướt tới.
Na vẫn đứng ở mép nước, tần ngần nhìn đoàn thuyền ra đi bàn chân di di như đang đếm cát dưới sông. Ông Bi dừng thuyền lại nhìn con gái, hất đầu hỏi:
- Có muốn lên phố huyện không? Không đợi trả lời ông ra lệnh luôn:
- Lên đi!
Na ào ngay xuống nước. Một tay xắn quần, một tay vung vẩy té nước, em nhẩy ngay lên thuyền của bố, ngồi đối diện với Jim.
Mắt Jim sáng lên mừng rỡ.
Thế là hắn lại được gần cô bé thêm chút nữa, không biết sẽ được bao lâu? Nhưng cứ có cô bé bên cạnh là hắn thấy nhẹ lòng... "Tại sao một cô bé hoàn toàn xa lạ, chẳng giống màu da, không cùng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa lại có thể mang tới cho mình một cảm giác bình an trong tâm hồn đến như vậy?". Jim im lặng ngắm nhìn Na, băn khoăn, tự hỏi.
Đoàn thuyền lướt sóng sang sông, ba chiếc đi đầu, ba chiếc khóa đuôi, thuyền ông Bi đi ở giữa.
Na chưa bao giờ được lên phố huyện. Cô bé cứ ao ước mãi có dịp được lên trên đó để được nhìn tận mắt cho thỏa tò mò những điều chị Mi vẫn thường kể.
"Chị Mi chẳng đã kể rằng bọn con gái trên phố huyện điệu lắm, đi học toàn mặc áo hoa, chân còn đi dép nữa, chứ có đâu quanh năm độc cái áo nâu, chạy chân đất như bọn trẻ ở làng mình. Có đứa lại còn buộc cả dù pháo sáng làm nơ trên tóc nữa... Bọn này điệu khiếp thật? - Na thầm nghĩ - nhưng mà đấy là trước lúc bị bỏ bom cơ! Chị Mi bảo bây giờ phố huyện đổ nát rồi, bọn trẻ cũng đi sơ tán hết vào trong núi? Chẳng biết cái cửa hàng hợp tác xã mà chị Mi đã mua cái gương nhỏ có còn không? Nó vẫn được giấu ở túi trước, thỉnh thoảng chị Mi vẫn chẳng lấy ra liếc trộm, hay nhổ lông mày đấy thôi... Kệ, cứ được lên phố huyện là thích rồi". Na vừa miên man nghĩ vừa vốc từng vốc nước lên rồi thả cho nó chảy từ từ qua kẽ tay. Những giọt nước nối nhau rơi tí tách xuống mặt sông lấp lánh...
Na đưa mắt nhìn chị Mi đang chèo con thuyền dẫn đầu: Mi đứng choài chân trên mũi thuyền, vai quàng súng, đầu đội mũ rơm, nai nịt gọn gàng. Cả thân người lúc đổ về phía trước, lúc ngả về phía sau, làm lộ rõ các bắp thịt chắc nịch đang căng lên sau làn vải mỏng. Đôi tay khỏe khoắn điều khiển mái chèo đập nhịp nhàng trên mặt sông, lướt sóng tanh tách, rạch ra từng làn nước dài sau đuôi thuyền. Cứ mỗi lần Mi nhoài người về phía trước thì con thuyền lại rướn mũi lướt trên mặt sông. Mạnh nhưng êm. Rl
Na mê mải ngắm thân hình căng tròn tắm trong nắng vàng...
"Chị Mi sướng thật, đi đi về về giữa huyện và làng cứ như đi cắt cỏ, bới khoai... Chị Mi nói rằng nữ dân quân trên huyện còn đeo cả xà cột bên hông, đạp xe đi đưa công văn, tài liệu, oách lắm! Chứ đâu có như dân quân ở làng, giấy tờ độc chỉ cầm trong tay, chạy chân trần... Chỉ dăm năm nữa thôi mình sẽ được vào đội dân quan, cũng sẽ đeo súng, thắt lưng to bản chẽn vào người như chị Mi, oai phải biết... Lúc ấy mình cũng tha hồ mà lên huyện, thế nào cũng có dịp vào cửa hàng ấy mà ngắm nhìn cho thỏa thích khối thừ ở đó... Có khi mình cũng sẽ mua cái gương nhỏ xíu giống của chị Mi, thừa lúc không có ai, mang ra mà chải chuốt...". Cô bé vừa thầm nghĩ vừa nhìn mơ mộng trên dòng sông rồi chép miệng: "Chả mấy!".
Bỗng ánh mắt của Na dừng lại ở mũi thuyền của mình: cha em đang gò cái lưng gầy guộc chống thuyền, hai cái cẳng chân gân guốc với mười đầu ngón chân xòe ra như đóng chặt vào ván thuyền. Râu tóc lơ thơ bay trong gió...
Cô bé thẫn người: Ồ, mình cứ lên huyện suốt như chị Mi thì ai nấu cơm, đun nước, quạt muỗi, bỏ màn cho thầy...?
Na chưa kịp tìm câu trả lời thì những tiếng nói ríu rít vang lên từ mấy con thuyền quanh đó cuốn hút ngay tâm trí cô bé.
Trên mỗi con thuyền, một cô đứng chèo, cô kia ngồi tựa mạn, ôm súng chĩa lên trời.
- Này, chúng mày đã biết tin mật gì chưa? Một cô gái bỗng cất tiếng.
- Cái gì hả Hoa? - Cả đám ở ba thuyền đi trước cùng nhao nhao lên.
- Con Mi có đấm mõm cho tao ỉm mồm không? - Cô có tên Hoa tiếp tục.
- Con ranh, tiếng Mi đáp lại - chỉ được cái lắm chuyện
- À, nó không chịu nộp cống, tao nói đây! Hoa cưới ngặt nghẽo.
Các cô khác cũng nhao nhao lên.
Nói đi Hoa, chuyện gì? Cứ úp úp mở mở mãi. Khế chua, ổi xanh chúng tao cống nạp cho, chẳng cần con Mi, nói đi sốt ruột quá rồi!
- Nói đi, nói đi! - Cả đám cùng hối hả thúc giục.
Hoa chậm rãi nói rõ to từng tiếng:
- Có đứa… có đứa, chúng mày ơi! - Hoa cười rúc rích - sắp chống lầy.
- Ồ! Cả đám cùng kêu lên ngạc nhiên. Đúng là một tin mật quá mới!
- Con Mi khiếp thật, cứ im thin thít... Thế mày sắp "chống lầy thật à?
- "Chống lầy" ở đâu đấy?
- Ai đấy?
Các câu hỏi cứ rộ lên chẳng dứt.
Mi đỏ mặt không trả lời. Hoa bồi tiếp:
- Nó "chống lầy" ở tận Hà Nội, Trung ương cơ!
- Cái gì? - các cô lại ồ lên ngơ ngác.
Vẫn cái giọng của Hoa:
- Chúng mày có nhớ cái đận đi dân công lắp đường ống xăng dầu hồi cuối năm ngoái không?
Rồi, kể mau đi... Các cô gái sốt ruột quá kêu lên.
Chúng mày có nhớ cái nhà anh Minh da trắng nõn, bẽn la bẽn lẽn như con gái, mặt cứ đỏ tía lên mỗi khi chúng mình trêu không? Trông nhát thế mà ghê lắm nhé! Nhắm và bắn trúng ngay con chim đầu đàn đấy chúng mày ạ...
Tiếng cười lại rộ lên, mấy con thuyền nghiêng ngả.
- Con Hoa, mày bịa chuyện gì thế, chỉ giỏi đơm đặt! Mi phân bua.
- À, nó bảo tao đơm đặt chúng mày ạ... Thế chúng mày có biết đứa nào đêm qua đi gác lẻn ra bờ sông đọc thư một mình không? Mà chúng mày có biết nó đọc thư bằng gì không? - Chẳng đợi đám bạn trả lời, Hoa tiếp luôn - đom đóm.
Một cô khác tiếp ngay:
- Tao mà có thư tình thì tao cũng đọc được tuốt cả ở trong bóng tối, chẳng cần đèn đóm gì ráo!
Một chuỗi cười nữa lai vút lên, âm vang trên mặt sông, mặt nước lăn tăn gợn sóng.
Na chăm chú lắng nghe, nghiêng đầu hết nhìn chị này lại nhìn chị kia. Cô bé chẳng hiểu gì cả… Nhưng thấy các chị vui vẻ quá, thỉnh thoảng Na cũng khúc khích cười góp vui.
Jim cũng chẳng hiểu các cô gái nói gì, nhưng tiếng cười hồn nhiên sảng khoái của họ chẳng làm cho hắn phấn chấn mà ngược lại kéo hắn trầm xuống, suy tư...
"Hãy nhìn những khuôn mặt bầu bầu căng tròn sức sống, những ánh mắt rạng rỡ đầy ắp tiếng cười của các cô gái, nếu không có mấy khẩu súng và cái mũ rơm đội đầu thật khó ai có thể đoán rằng họ đang đi đến nơi có cái chết rình rập. Các cô gái lấy đâu ra sự lạc quan đến như vậy? Cái gì đã làm nên tiếng cười trong trẻo đến như thế? Mình và đồng đội của mình đã bao giờ có được tiếng cười như vậy trước những giờ xuất kích?".
Ông Bi thì khác hẳn. Từ nãy tới giờ ông cứ cắm cúi chèo, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng nước cứ như đang chăm chú vào việc rẽ sóng vượt sông, nhưng cái đầu của ông lại nghiêng nghiêng cái mũi hênh hếch, chòm râu lơ thơ đang phất phơ trong gió bỗng dừng lại, vểnh lên. Ông đang căng tai nghe không bỏ sót một tý gì trong câu chuyện của các cô gái... Càng nghe ông càng ngạc nhiên, tò mò. Hai tiếng "Trung ương" làm ông giật mình đánh thót. "Nguy quá! Sao lại ra tới cả tận Trung ương - ông thầm nghi ngại - Thôi đúng rồi, cái đợt đi lắp ống xăng dầu hồi cuối năm ngoái. Chết thật! Luyến ái ra tan cả Trung ương mà lại đang trong lúc làm nhiệm vụ nữa chứ! Phải cho làm kiểm điểm thật nặng mới được, những đứa khác nó mới khiếp". Ông bực bội lẩm bẩm.
Rồi ông ngẩn ra: "Quái lạ, hồi đó mình lúc nào cũng ở cạnh chúng nó cả ngày lẫn đêm thế mà chúng nó hò hẹn, tình từ lúc nào mà mình không biết. Bọn này gớm thật! Thế này thì sao gọi là lãnh đạo đi sâu đi sát quần chúng. Nguy hiểm quá!"
Còn cái nhà anh Minh là ai nhỉ - ông Bi đưa một tay gãi đầu - anh Minh nào nhỉ? Anh Minh ở Hà nội... hay là cái anh Minh trăng trắng, anh Minh "hụt?". Ông lơi tay chèo, cau mày lục lọi trong quá khứ cố tìm bằng được câu trả lời...