Chương 6

    
Hoà Phước có nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề kéo thao, nghề làm ruộng. Nhưng tất cả đều không hợp với ông Biện Thành. Chú Năm Mùi bàn với ông Biện nên theo nghề nấu đường. Nhà ông Tư Trai sẵn có lò đường. “Có chi làm nấy”. Chú Năm phân tích:
- Bác Tư Trai đã bỏ vốn dựng lò đường thì bác Biện Thành phải bỏ vốn ra mua mía. Bác Tư Trai coi làm đường, bác Biện Thành chở đường đi bán. Lời lãi chia đôi. Như vậy đồng tiền trự bạc phân minh, không bên nào thiệt hơn, hơn thiệt chi cả!
Ông Tư Trai khụt khịt:
- Tôi có nói thiệt hơn, hơn thiệt chi đâu!
Chú Năm Mùi vẫn nghiêm trang:
- Sau này yên ổn, việc làm ăn của hai bác mở ra. Đường ở đây chất lên thuyền chạy ra Đà Nẵng. Mắm của Đà Nẵng chất lên thuyền đưa về đây. Thuyền đường, thuyền mắm cứ qua lại, lại qua! Công ty Biện Thành - Tư Trai càng ngày càng phát đạt. Từ sông Thu Bồn ra đến Đà Nẵng phải đặt thêm nhiều đại lí. Lúc đó, tôi xin một chân thư kí.
Ông Tư Trai cười xoà:
- Thiệt có lí! Chung nhau làm đường, thế mà hay đó!
Ông Biện Thành sẽ ở lại Hoà Phước làm đường với ông Tư Trai. Cái vui như gấp bội. Tôi và thằng Cù Lao cố cho trâu Bĩnh ăn thật no, để nó kéo che ép mía. Mỗi ngày nó kéo hai lần, tôi sẽ được hai lần gặp thằng Sơn Hải, tôi sẽ có cơ hội học môn ném tạ với môn quyền Anh. Sẽ cùng nhau tìm bắt con bọ dừa có chấm đen để tìm ra một kho châu báu như chị Tuyết Hạnh đã bảo. Nhưng Sơn Hải lại được phân công giữ mía ngay ngoài đám mía. Nó quét dọn rác mía, dồn ngọn mía, dồn củi mía thành đống. Lúc về nhà ông thợ nấu đường giao cho nó lấy nước muối xoa bát rót đường. Sơn Hải còn được cạy đường, cạy không vỡ. Ông thợ phải khen. Sơn Hải thích làm việc, quên cả môn ném tạ và quyền Anh. Nó không còn bị xua đuổi, mà còn được xem ngang hàng với các bác thợ, được cùng ngồi ăn một mâm, cùng bàn bạc mọi chuyện. Sơn Hải còn lập được một thành tích lớn. Đó là việc đập gốc mía. Chặt mía xong, gốc phải cuốc lên. Chú Năm Mùi bày cho Sơn Hải dùng vồ nện vào gốc mía, đất bị rơi ra, còn lại gốc mía đem về đun bếp. Sơn Hải suốt ngày “bốc-xê” gốc mía mang đổ thành đống. Mẹ Sơn Hải phải phục. Bọn em nó bắt chước làm theo. Uy tín của Sơn Hải càng tăng. Cả chị Tuyết Hạnh cũng nhờ nó dạy cho cách “bốc-xê” ngọn mía.

°
°   °
Tiếng đồn giặc đã chiếm Tuý Loan, phía Đà Nẵng.
Người dân tản cư càng đông. Có người gánh gồng, bồng bế vượt hai mươi cây số đường đồng, dừng lại ở Hoà Phước. Chú Năm Mùi đưa đồng bào về ở những nhà xóm dưới. Chợ Hoà Phước đông gấp ba bốn lần. Tôi và thằng Cù Lao không mong gì hơn vì càng được quen với nhiều nghệ sĩ như chị Tuyết Hạnh, những võ sĩ như Sơn Hải. Khắp làng hoá chộn rộn.
Bà con ai cũng hỏi nhau:
- Không biết giặc đến đâu rồi? Có đi tản cư không đó?
Đột ngột, một máy bay bay dọc sông Thu Bồn bắn tạch, tạch! Ông Kiểm Lài đang làm đồng vứt cuốc bỏ chạy. Ông nói máy bay bay ngay trên đầu ông. Nó chĩa súng vào đầu ông, nã tạch tạch! Ông bỏ chạy. Máy bay cứ đuổi riết theo. Bí quá, ông phải chui vào bụi.
Tiếng súng cứ đùng đoàng từ phía Đà Nẵng. Lệ thường vào lúc nhá nhem, một loạt súng máy lại rột roặc.
Nhiều tin trái ngược. Giặc chưa vào Tuý Loan, có người ở Tuý Loan nói rõ như vậy. Giặc vẫn còn ở tận ngoài Phước Tường. Phải bốn tháng mới đến được Phước Tường. Đến Hoà Phước đâu phải dễ! Cứ lo cày cuốc làm ăn, không cần đi đâu cho mệt.
Nhưng một việc làm cho Hoà Phước phải rục rịch, phải… đi. Đó là việc rời bốn chiếc rương T.A Quân sự khỏi Hoà Phước. Bốn chiếc rương đựng tài liệu quan trọng phải được cất giấu nơi an toàn. Nơi an toàn trước đây là Hoà Phước. Nay phải dời rương đi, có nghĩa là Hoà Phước không còn an toàn nữa. Giặc có thể tràn đến. Nhìn bốn chiếc rương ra đi, chị Ba buột mồm nói với mẹ:
- Giặc đang dòm ngó làng mình! Liệu phải tìm nơi mô… Lo trước vẫn là hơn chớ mẹ!
Lên nguồn là đắc sách.
Bà đốc Thụ và chị Tuyết Hạnh thuê thuyền dượng Hương Thư lên nguồn Trung Phước. Trung Phước có đất
rộng, ông Biện Thành cũng nhắm nguồn Trung Phước.
Mẹ tôi cố nhớ lại những cô dì, chú bác ở rải từ Hoà Phước lên các ngõ nguồn. Có người lâu quá bị quên, bỗng dưng tên tuổi được nhắc lại. Có người ở xứ Ghềnh Ngô, có người ở chỗ Thác Cả, chỗ Am Mây, chỗ Động Khói… Toàn những tên gợi nên những cảnh suối sâu, đèo cao, âm u, mù mịt, những nơi sơn cùng thuỷ tận. Những bà dì theo chồng lên đó rồi biệt vô âm tín. Những ông bác đi làm ăn rồi lấy vợ đẻ con trên đó. Có những ông phá xóm phá làng sau vào lẩn tránh trong núi. Nghe nói có người lên đó hoá thành tướng cướp, tướng du côn hung hãn hơn trước. Sau cách mạng, có người mò về thăm làng, thấy họ khiêm tốn, hoà nhã, gọi dạ, bảo vâng, chẳng thấy gì hung hãn cả.
Mẹ tôi bấm đầu ngón tay nói với tôi và thằng Cù Lao:
- Có dì Cửu Phan ở Phú Đa nè! Có dì Năm Chi ở Bến Dầu nè! Có dì Hương Thư ở Dùi Chiêng nè! Có chú Tư Mai ở Động Khói nè! Chú Tư dữ hơn cọp…
Tôi và thằng Cù Lao nghe rất thích. Lên các xứ đó tha hồ săn hổ.
Mẹ tôi lên cả một danh sách. Có đến mười người. Suy đi nghĩ lại. mẹ tôi thấy nên lên Phú Đa cái đã. Phú Đa gần hơn, có dì Cửu Phan. Dì Cửu Phan không phải dì ruột, nhưng rất thân với mẹ lúc bé. Ông Cửu Phan có nhà ngói. Anh Bốn Linh tán thành đi Phú Đa, không thể đi quá xa, thỉnh thoảng phải lộn về thu lúa, đào khoai để nuôi lỗ miệng. Chú Năm Mùi bảo phải có người lên hỏi trước. Phải gặp dì Cửu cái đã. Việc đó cứ giao cho tôi và thằng Cù Lao, vì tôi và thằng Cù Lao đã được thử thách, vừa được chỉ định làm đội viên đội Thiếu niên công tác! Đó cũng là công tác đội. Tôi và thằng Cù Lao phải sẵn sàng đi “sứ” một chuyến. Nay mai có thuyền dượng Hương Thư đi Trung Phước. Bọn tôi có thể quá giang xuống bến Phú Đa vào nhà dì, nhất định lập được thành tích xuất sắc.

°
°   °
Thuyền của dượng Hương Thư nhổ sào vào lúc mờ sáng. Đất trời rực rỡ như dệt bằng những sợi tơ vàng. Thuyền quay lái, tôi nghe thoát mọi sự trói buộc. Con trâu Bĩnh không còn làm phiền tôi nữa. Tôi ra đi với một trọng trách, sẽ “thương thuyết” với dì Cửu Phan về việc tản cư cho các gia đình cán bộ. Thuyền lướt hăm hở được một lúc rồi chậm dần. Gió ngã. Buồm teo. Thuyền tròng trành. Tôi và thằng Cù Lao phải ngồi co ro. Đồ đạc của các gia đình tản cư chật ních. Gặp chỗ cạn, thuyền phải quay lái, tìm lạch sâu hơn. Thằng Cù Lao rút sào chống giúp. Thuyền bò chậm chạp. Tôi nghĩ nên quẳng hết đồ đạc lên bờ, rồi cứ việc nai lưng ra gánh. Làm vậy đi được nhanh hơn. Nghĩ vậy nhưng không dám nói ra sợ dượng Hương Thư mắng.
Thuyền dượng Hương Thư ngủ gà ngủ gật, mãi đến chiều xế mới đến Phú Đa. Tôi và thằng Cù Lao xuống bến hỏi thăm vào nhà dì Cửu Phan. Một con đường đất đỏ đưa đến nhà dì. Chúng tôi dừng trước một ngôi nhà gạch mốc meo như ngôi đình làng. Một con chó gầy nhom nhảy xổ ra sủa. Một người đàn ông đang vê lúa, hỏi sau làn bụi:
- Các chú nhỏ có việc chi?
- Tôi hỏi bà Cửu Phan.
Người đó gọi to:
- Bà Cửu ơi! Có con nít hỏi!
Một bà già nhăn nheo bước ra:
- Ai hỏi?
Tôi bước đến, hai tay đặt lên rốn:
- Tôi xin hỏi bà Cửu Phan.
- Cửu Phan là tôi đây.
Bà già trả lời xong, gọi với vào bên trong:
- Bà Hai ơi! Con nít hỏi bà!
Lại một bà già khác hiện ra. Bà này cũng không kém nhăn nheo hơn bà trước:
- Ai hỏi tôi?
Tôi thưa:
- Tôi hỏi bà Cửu Phan.
- Cửu Phan là tôi đây,
Bà nào cũng xưng mình là Cửu Phan. Tôi không thể tưởng dì tôi lại nhăn nheo đến vậy. Trước đây gặp dì, tôi nhớ loáng thoáng, dì như cô con gái. Không lẽ dì tôi mới đó đã biến thành bà già. Có một tiếng ho. Một ông già hiện ra. Ông già có vẻ quắc thước, khạc nhổ om sòm. Hai bà già nói với ông già có hai đứa con nít đến hỏi bà Cửu Phan. Ông già khịt mạnh:
- Các chú ở đâu?
- Thưa, ở Hoà Phước.
- Con ai?
Tôi khai lí lịch:
- Thưa, Nguyễn Văn Khương, sinh con đầu lòng đặt tên là Côn. Người làng cũng gọi cha tôi là anh Côn. Mẹ tôi tên là Có. Đó là tên quai nôi. Tên kí giấy là Lê Thị Trang.
- Chú bà con với bà Cửu Phan nhà này thế nào?
Tôi cố nhớ những buổi nói chuyện của mẹ:
- Xưa kia, ông cố ngoại của tôi sinh được hai người con trai. Người thứ nhất đẻ ra ông ngoại tôi. Ông ngoại
tôi đẻ ra mẹ tôi. Người con thứ hai đẻ ra một ông con trai. Ông đó đẻ ra dì Cửu Phan.
- Còn tên hai chú?
- Tôi tên là Cục, họ Nguyễn, lót chữ Văn. Nguyễn Văn Cục là tôi.
Tôi chỉ vào thằng Cù Lao:
- Còn thằng này là họ Nguyễn, bà con với tôi về phía nội. Nó tên là Lao lót chữ Cù. Nó ở xứ cù lao Chàm dưới biển Đông, về làng sau cách mạng. Cha nó nhận công tác trong quân giới, phải gởi nó ở với anh Bốn Linh.
Tôi đánh bạo:
- Dì tôi còn trẻ, xinh đẹp, chớ không phải già khú đế như những bà kia!
Ông già đang cau có thoáng mỉm cười:
- Biết rồi!
Nói xong, ông già biến mất. Một chốc sau, một người đàn bà đầu bù tóc rối, chân tay dính đầy cám lợn hiện ra trước cửa. Tôi không thể đoán người đó bao nhiêu tuổi. Có thể là ba mươi hoặc bốn năm mươi tuổi. Người đó mở to mắt:
- Con chị Tư Trang đó hả?
- Dạ, tôi!
Người đàn bà bước đến một bước, ngồi xuống, lặng im một lúc. Tôi biết đó là dì Cửu. Dì nhìn tôi rồi cúi xuống. Khi ngước lên, nước mắt dì tràn ra. Dì cố nén không để tiếng khóc bật ra, nói ấm ức không rõ lời. Dì hỏi về mẹ tôi. Dì trách mình lâu lắm không về thăm mẹ. Dì thút thít, tủi thân vì cái số cực của mình. Suốt ngày, dì phải quần quật không đi đâu được nửa bước!
Tôi thưa với dì tất cả những việc mẹ tôi và anh Bốn Linh đã dặn. Dì hỏi tôi bao giờ mẹ lên. Dì sẽ dành nhà trên cho mà ở. Ngoài vườn còn có một căn nhà bỏ trống. Gia đình chú Năm Mùi và anh Bốn Linh ở đó rất tiện.
Tôi đi theo dì ra nhà sau. Chuồng lợn xếp thành dãy dài. Dì có nhiều lợn nái. Con nào cũng gầy nhom, da nhăn như mặc áo quá rộng. Chúng vừa đi vừa ịt ịt kéo theo sau một đàn con đen trũi, đuôi cứ ngúc nga ngúc ngắc. Nhà sau ngập ngụa rác rưởi, khác hẳn phía trước, rộng rãi và phong quang, giữa sân còn hòn non bộ. Hàng chè tàu thẳng tắp chạy từ ngõ đến sân được xén rất ngay ngắn. Tôi và thằng Cù Lao ngắm nghía hòn non bộ. Chợt có tiếng kêu la về phía nhà dưới.
Thằng Cù Lao kéo tôi chạy vào. Dì tôi và bà già Hai đã biến thành hai sư tử lông lá dựng đứng chực vồ lấy nhau.
Bà già sùi bọt mép nhảy xổ đến trước mặt dì:
- Đây tao không có chiếu giường!
Dì tôi mặt đổ lửa gầm lên:
- Phải có!
- Đây không tiếp!
- Cứ tiếp!
- Nhà này là nhà của tôi!
- Nhà này là nhà của tôi!
Dì tôi nghiến răng rít từng tiếng một:
- Con này về đây có đủ cheo, cưới! Chẳng khác gì các người! Lớn nhỏ nay như nhau cả. Bình quyền, bình đẳng rồi! Không còn bắt nạt ai được! Hãy coi chừng! Con này vạch mặt cho mà coi!
Bà già cặp mắt trợn trừng:
- Mày vạch ai hở con kia? Phận lẽ mọn phải biết phận lẽ mọn! Mày vạch mặt ai hả?
Bà già xông đến chộp đầu tóc dì tôi. Dì tôi cũng chộp cổ bà già. Hai sư tử vồ nhau, quần nhau, còn khoẻ bằng mười bọn chăn trâu đánh vật. Bà già kêu thất thanh:
- Ông Cửu ơi! Ông Cửu ơi! Con này nó giết tôi rồi! Ông cưng nó, để nó giết tôi rồi!
Thằng Cù Lao xông vào ôm chặt bà già kéo ra. Tôi bắt chước xông vào ôm chặt dì kéo ra nơi khác. Ông già lại hiện ra, tay vung chiếc roi mây. Ông quắc mắt, dặng hắng một tiếng to chưa từng thấy. Ông vung roi quất vun vút, những ngọn roi như vậy phải toạc máu ra, rứt từng thớ thịt! Tôi khiếp vía nép sát một bên. Nhưng rất lạ! Ông không quất vào ai cả mà chỉ quất vào cây cột. Cũng rất lạ! Cặp sư tử trở lại lặng im, ngoan ngoãn, thôi không nhảy nhót gào thét nữa. Họ buông nhau ra, lặng lẽ rút lui mỗi người một ngả. Cơn bão táp bỗng chốc lại tan. Chỉ có ông Cửu dằn từng tiếng:
- Không biết giữ thể thống gì cả! Người ta ngó vào còn ăn nói ra sao hử?

°
°   °
Tôi và thằng Cù Lao đón đò xuôi về Hoà Phước, bụng cứ lo lo vì mọi việc không rõ ra sao cả! Dì bảo tản cư lên. Bà già lại chống lại. Ông Cửu Phan chưa có ý kiến dứt khoát. Mẹ tôi rất hoang mang. Chị Ba càng hoang mang hơn nữa. Chị cho chuyến đi của chúng tôi đã hoàn toàn thất bại! Chỉ cần thưa lại một lời với ông Cửu, tôi cũng không làm được! Như vậy chưa thể tản cư lên nhà dì. Mẹ tôi thở ra:
- Tội nghiệp dì! Cũng do cái số! Mình dọn đến, dì thêm khổ!
Gặp chú Năm Mùi, chú đánh giá mọi việc khác hẳn chị Ba. Chú cho tôi và thằng Cù Lao đã thành công hết sức xuất sắc. Bất kì ai cũng không thể làm việc chu đáo như vậy. Chỉ trong hai ngày, tôi và thằng Cù Lao đã biết rõ nhà dì, biết mẹ và chị Ba có thể ở nhà trên, biết có một ngôi nhà bỏ trống, biết sân trước rất rộng. Tài giỏi hơn là chúng tôi nắm được tình hình bên trong gia đình ông Cửu, tính nết của hai bà, địa vị của ông Cửu. Ông Cửu là người có đầy đủ uy lực trong gia đình. Chỉ mới ra oai, quất roi vào cây cột mà các bà vợ đã kinh hoàng phải chịu phép, rút lui lặng lẽ. Như vậy ông Cửu nói gì các bà phải nghe theo tuốt. Dì tôi còn trẻ. Vợ trẻ được chồng cưng, xưa nay đều vậy. Đã cưng vợ thì phải nghe theo vợ. Dì Cửu phải được ông Cửu nghe theo. Dì Cửu đã thuận thì ông Cửu phải thuận. Ông Cửu đã thuận thì có “bà trời” cũng không cãi lại được!
Chú Năm Mùi bảo phải thu xếp đồ đạc để đi tản cư. Cả gia đình ông Cửu Phan đang sẵn sàng đón tiếp.

°
°   °
Mẹ tôi, chị Ba, chị Bốn Linh và thím Năm Mùi đi Phú Đa trước. Tất cả đồ đạc trong nhà, quanh hè, ngoài sân, ngoài chuồng trâu, chuồng gà, ở xó bếp đều được tôi và thằng Cù Lao xốc lên, lôi ra. Cái gì mang đi, cái gì bỏ lại, giấu ở đâu, chôn chỗ nào, phải dọn lại hết. Chị Ba rút sào, quơ hết chiếu chăn quần áo xếp lại. Tôi rúc vào các xó xỉnh lôi ra những hũ mắm, vại cà, chai tương, kéo ra một thùng gỗ chứa toàn những đồ đã bị gỉ, bị sứt, bị long. Những đồ đó vào nhà tôi lúc nào, bị thải ra khi nào, không nhớ nữa. Tất cả đã bị lãng quên, nay được tôi lôi ra để “xét” lại. Tôi tìm thấy một chiếc ấm tích bằng sứ hình quả bí. Màu sứ trong như ngọc, vẽ hoa và chim óng ánh. Tôi giơ cao chiếc ấm. Cả nhà trầm trồ:
- Ờ! Cái ấm, cái ấm!
Có lẽ chiếc ấm này đã từng là niềm tự hào của một gia đình giàu có. Sau đó, chiếc ấm bị sứt ở đầu vào đã rơi vào gia đình tôi, giữa những ấm đất, chén đất như một vị vua bị phế truất sống giữa đám dân đinh, nhưng còn giữ được sự trọng vọng, vì từng có một cuộc sống huy hoàng. Mẹ tôi bảo phải để tất cả lại, chỉ mang theo mấy con dao, một lưỡi búa. Nong nia, cày cuốc, thúng mủng, giường ghế, giỏ trẹc, tất cả những đồ dùng làm tằm phải bỏ lại. Những đồ mang đi được xếp lại, được cột, được nhét vào bị, vào bầu.
Con chó Vàng tưởng có đám giỗ ngoắc đuôi sủa gâu gâu. Chị Ba ôm nó vào lòng chép miệng:
- Tội nghiệp quá! Trên có lệnh giết chó! Thôi mày phải ở lại với ông Bốn Rị, hoá kiếp làm người.
Nước mắt chị Ba chảy dài. Chị khóc thật sự! Con trâu Bĩnh hoá khó xử. Cả nhà đều muốn nó tản cư theo, nhưng không biết đi bằng cách nào. Chú Năm nói với chị Ba:
- Đưa con trâu Bĩnh đi tản cư, mày tưởng đâu dễ! Đến ở chỗ mới, rồi chuồng trại ra sao đây, cỏ rác như thế nào? Trâu là giống hay nhớ chuồng. Tao giả thử khi nhớ chuồng nó bứt dây mũi, chạy tuốt về đây, vậy thì bỏ mẹ! Chỉ còn một cách là đem nó trả ngay cho ông Phó Xáng, nói như cha mày trong thư vừa rồi, tao cho là phải đem trả ngay.
Chú Năm nhìn thằng Cù Lao:
- Mày với thằng Cục đã đi sứ lên ông Cửu Phan. Mọi việc điều đình đã tốt. Nhưng tao cũng lên đó cái thử…
Chú Năm Mùi nhìn sang tôi:
- Còn mày, ngày mai dậy thật sớm. Chú cháu ta cùng lên Phú Đa, dạo xem phong cảnh cho sướng!

°
°   °
Tôi đang nằm mơ mơ màng màng, bỗng có tiếng gọi:
- Cục! Cục! Cục! Dậy đi!
Tôi mở choàng mắt. Chú Năm đã đứng bên cạnh.
Tôi nói ú ớ:
- Trời chưa sáng mà!
- Ối! Sáng mới ra khỏi nhà vậy còn ra cái chi nữa! Rồi đây phải đi đêm hết cả.
Tôi rướn mình ngáp to, bẻ các ngón tay rắc rắc, cố ngồi dậy. Chung quanh còn tối om. Tôi theo chú Năm
Mùi ra ven Hoà Phước gọi dượng Hương Thư dậy, nhờ lấy xuồng đưa qua sông. Xuồng cập bến, chú Năm xắn quần nhảy xuống trước, tôi nhảy theo sau. Chú Năm reo lên:
- Ối dào! Gió mát quá! Sướng chưa!
Thuyền cập bến. Chú Năm nhảy lên bờ rảo bước. Tôi không hiểu chú Năm đang đi hay đang chạy, vì tôi phải chạy theo mới kịp.
- Đợi tôi với, chú Năm!
- Mày đi như rùa bò! Đi mau cho nó quen.. Cái chi cũng phải luyện mới giỏi được.
Tôi chạy được một lúc lại gọi:
- Mệt quá, đợi tôi, chú Năm ơi!
- Đi quen hết mệt.
Qua hết đường cái, chú Năm chui vào xóm. Tôi vấp vào hàng rào. Chó nổi sủa. Người trong nhà tưởng có trộm nổi đằng hắng rất to. Trời dần sáng, mặt trời ló ra rồi cao dần. Chú Năm càng bước nhanh. Tôi gào to:
- Không chạy được nữa đâu!
Chú Năm quay lại cười hì hì:
- Trâu tơ đi bắt ách cũng giống như mày. Nó vùng lên, muốn bẻ ách. Nhưng có luyện mới cày được đất. Phú Đa kia rồi. Ghé vào quán kiếm cái gì bỏ bụng cái đã!
Chú Năm ghé vào quán bên đường, ăn khoai, uống nước. Chú mở bọc lấy ra một chiếc áo dài đen mặc vào, cài cúc cẩn thận, khoan thai tìm vào nhà dì. Vào đến nhà, chú ngỏ ý muốn gặp ông Cửu Phan. Dì ra đón. Dì xin lỗi chú Năm là ông Cửu vừa bị trúng gió độc, không ngồi dậy được. Dì vồn vã mời chú Năm ngồi vào ghế, nói ngay với chú là cả nhà ông Cửu đang đợi. Mọi việc dì đã chuẩn bị sẵn sàng, nhà cửa đã quét dọn sạch sẽ. Bà cả, bà hai cũng đang đợi. Chú Năm trả lời là mọi sự trông đợi đó, chú đều đoán biết. Chú có lên lần này cũng chỉ để thăm bà con một chút cho phải lẽ. Chú Năm hỏi kĩ về tình hình bệnh tật của ông Cửu. Chú tưởng bệnh gì chứ bệnh cảm gió, chú chỉ chích cho ông Cửu vài huyệt là ông Cửu lành ngay. Chú Năm vào gặp ông Cửu, đỡ ông nằm lật lại, chú lấy đèn soi khắp vùng lưng ông Cửu, chú sai tìm một tí mảnh chai, chú đập mảnh chai lấy một mũi nhọn. Chú vuốt mạnh dọc cột sống ông Cửu, chích bốn huyệt sau lưng. Thật là màu nhiệm! Ông Cửu liền nghe hết tức, người thấy khoẻ ra. Cả nhà mừng rỡ tưởng vừa gặp một vị lương y cứu nhân độ thế. Câu chuyện càng trở nên thân mật đậm đà, khác hẳn lần tôi vào thằng Cù Lao đến nhà dì lúc trước, chỉ nghe tiếng roi quất vào cột nhà và tiếng thét la inh ỏi.
Chú Năm tuy rất vội, phải về ngay, nhưng cũng phải ngồi lại nếm cho xong món gà luộc kẹp với bánh đa, sau đó ông Cửu Phan mới chịu để chú quay về Hoà Phước!

°
°   °
Tôi và thằng Cù Lao theo chị Ba, chị Bốn và thím Năm Mùi vừa tản cư lến Phú Đa thì đột ngột chú Năm cũng theo lên. Chú Năm ở lại Phú Đa chỉ hai hôm mọi việc đã được sắp xếp chu đáo. Chú xin bốn thân cau bị ngã. Chú sai tôi và thằng Cù Lao cùng cưa, cùng đục làm thêm giường. Chú lấy lá cau lót làm nệm. Chỉ một cây tre, chú làm cho mỗi gia đình những móc, những ống đựng đũa, đựng thìa. Chú che chỗ tắm, căng dây phơi. Chú cần gì, ông Cửu Phan đưa ra một cách vui vẻ. Chú Năm không chỉ thuộc làu chuyện Lục Vân Tiên, hát bài chòi hay, mà còn là một kĩ sư lành nghề. Chú biến một lọ mực thành cây đèn dầu, biến cái chai thành cây đèn gió… Những tài đó nở rộ khi đi sơ tán. Chú Năm mua những cây củi dài to bằng ngón chân, đóng thành kệ, thành ghế trệt, thành chạn để bát. Chú Năm nhìn vào tôi:
- Hễ mình biết chú ý học tập thì cái khó mấy cũng làm được!
Chú Năm ra chợ, lội quanh vùng Phú Đa một lúc. Khi về chú cho biết ở ngoài bến sông có bán loại cối xay ngô làm bằng đá xanh rất tốt. Chú phải mua một cối xay như vậy. Mẹ tôi, chị Bốn và thím Năm sẽ đi mua ngô hạt đem về phơi thật giòn, xay nhỏ làm gạo ngô, gọi là nghề hàng xáo. Cứ lấy công làm lời, dư được hạt cám càng tốt. Cái cối xay ngô mở ra cách sinh sống cho ba gia đình. Chú Năm bảo chú trằn trọc mãi mới tìm ra cách làm ăn mới đó. Nghề xay ngô hợp với các bà nhất.
Thằng Cù Lao hỏi:
- Thế nghề chi hợp với bọn tôi nhứt?
Chú Năm trả lời ngay:
- Hợp với các chú có nghề lấy củi. Ở đây thiếu củi, phải đi lấy củi trong núi.
Thằng Cù Lao hỏi:
- Người ta bảo con trai phải nhập Vệ quốc đoàn chớ chú?
- Mày nói tao nghe phải! Nhưng phải có lệnh bên trên. Nay trên có lệnh phải giúp việc tản cư, ta phải giúp việc tản cư cho tốt. Nhất hô bá ứng mới thắng được giặc!
Tôi nói lơ lửng:
- Ở đây gần núi có nhiều cọp. Ta đi săn cọp lấy bộ xương làm rượu hổ cốt. Uống rượu hổ cốt sẽ khoẻ như cọp.
Chú Năm cười:
- Ừ! Cũng được! Muốn săn được cọp trước hết phải luyện cách đi rừng. Phải lội rừng cho giỏi cái đã. Đi lấy củi trong rừng cũng là cách tập săn cọp.

°
°   °
Ở Phú Đa có một số đồng bào đi lấy củi để bán. Tôi và thằng Cù Lao mài lưỡi mác thật bén, chọn một chiếc đòn xóc thật cứng, chẻ những dây lạt thật dài. Có như vậy mới gánh được nhiều củi, bán được nhiều tiền.
Sao mai chưa mọc, cả xóm đã hú hí gọi nhau đi lấy củi. Tôi và thằng Cù Lao mang đòn xóc, cùng theo vào núi Thạch Bàn để lấy củi. Trời còn tối, sao trời như một đàn ong tung khắp phương trời bay đi tìm mật. Tôi và thằng Cù Lao bước thoăn thoắt trên cỏ đẫm sương. Tôi sẽ lấy nhiều củi. Tôi sẽ bán củi lấy nhiều tiền. Uy tín của tôi trước mặt chị Ba sẽ lên ngang hàng với các đội viên tự vệ. Đi được một quãng, trời hé sáng.
Những đồi thoai thoải hiện ra, thấy rõ được cả những chỗ lồi lõm.
Tôi hỏi một người cầm đòn xóc đi phía trước:
- Lấy củi chỗ mô chú?
Chú đó quay lại chỉ về phía trước:
- Kia kìa!
Đi được một chốc, tôi lại hỏi. Vẫn câu trả lời:
- Kia kìa!
Những cánh đồi giăng ra trước mặt để rồi khép lại sau lưng. Một con đường hẹp khúc khuỷu cứ lượn qua lượn lại quanh những đồi trọc. Mãi đến nửa buổi mới đi đến một bãi hoang đầy bụi rậm. Người đi trước quay lại chỉ vào những bụi cây lúp xúp:
- Muốn lấy củi cành thì kia kìa. Muốn lấy củi tấm còn phải đi xa.
Chúng tôi bước vào, đặt đòn xóc, rút mác ra chặt, chặt những cây bằng ngón chân. Chặt xong rong hết cành, bó thành bốn bó. Xong đâu đó, mới mở mo cơm ra ăn. Ăn xong, tôi cởi áo lót vai, kê vai vào gánh. Tôi biết gánh gồng nhưng thường gánh bằng đôi gióng. Nay gánh bằng đòn xóc, bó củi ngang vai cứ lúc lắc. Đường núi khúc khuỷu, khi tuột xuống, khi leo lên, gánh củi càng lắc, vai nghe càng đau. Đến một lúc, nghe đau quá, tôi thả gánh:
- Đau quá! Cù Lao ơi!
Thằng Cù Lao cũng thả gánh:
- Nặng quá! Cục ơi!
Chúng tôi thả gánh, tháo lạt, bỏ bớt củi lại bên đường, tiếp tục gánh đi. Đi được một chốc, gánh củi nặng dần. Đòn xóc càng xiết vào cổ. Tôi lại kêu to:
- Nặng quá Cù Lao ơi!
Thằng Cù Lao lại thả gánh xuống, lại giúp tôi lấy bớt củi ra. Đi được một quãng, gánh củi lại lắc, lại xiết, lại càng nặng. Cái nắng ở vùng đồi núi nghe như lửa. Thằng Cù Lao cũng phải bớt củi đến ba lần. Về phần tôi, đi một quãng lại phải vứt bớt năm mười cành. Hai bó củi của tôi cứ teo dần. Ra đến Phú Đa, bó củi chỉ còn bằng ống chân. Ai gặp cũng cười:
- Củi kiếc chi mà bằng ống thổi lửa rứa?
Mẹ và chị Ba cũng cười. Nhưng có một điều là tha củi về đến nhà, ăn xong, tôi đánh thẳng một giấc. Sáng hôm sau thức dậy, thấy gân cốt khoẻ ra. Một thằng Cục khi đi lấy củi vật ngã mười thằng Cục trước khi đi lấy củi. Tôi và thằng Cù Lao cứ ngày ngày đi lấy củi, gánh củi hoá nhẹ và to dần. Đường cũng bớt khúc khuỷu gập ghềnh. Củi đủ để đun, thỉnh thoảng bán được vài bó. Việc đi củi làm cho chị Ba phải chuyển cách nhìn đối với tôi. Có lúc chị nhìn tôi ngang hàng với trưởng thôn chứ không ít!